Lời giới thiệu:
Xin giới thiệu đến độc giả giai-thoại sau đây được tác giả ghi lại từ lời các ông Đỗ Minh Trị, Đỗ Hoài Trung và Đỗ Hoài Nam, như một lời giải thích nguồn gốc của tài liệu nầy.
Ban Điều Hành
nuiansongtra.net
- - - - - - - - - - - - - - - - -
GIAI-THOẠI VỀ MẤY CÂU ĐỐI XƯA.
Năm 1819, ông Trương Đăng Quế, người làng Mỹ Khê (Sơn Tịnh) là người Quảng Ngãi đầu tiên thi đỗ Hương tiến (về sau gọi là Cử nhân).
Năm 1918, các ông Phạm Trinh, người làng Chánh Lộ (Tư Nghĩa), Nguyễn Tạo, người làng Xuân Phổ (Tư Nghĩa), Bùi Phụ Nghiệp, người làng Thu Phổ (Tư Nghĩa) và Lê Văn Duy, người làng Bồ Đề (Mộ Đức) là những người Quảng Ngãi cuối cùng thi đậu Cử nhân khoa thi Hương cuối cùng của nền khoa cử Nho học tại Việt Nam.
Trong vòng 100 năm đó (1819-1918) chỉ có 11 người Quảng Ngãi thi đỗ đại khoa, trong đó có 5 Tiến sĩ và 6 Phó Bảng. Trong số 11 nhân vật thi đỗ đại khoa nầy, gia đình họ Đỗ ở làng Châu Sa (Sơn Tịnh) đã chiếm 2 người. Đó là ông Đỗ Đăng Đệ, đỗ Phó bảng khoa Nhâm Dần (1842) và cháu nội của ông là ông Đỗ Duân đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1895).
Ông Đỗ Duân nức tiếng là người tài hoa và thông minh. Năm 22 tuổi ông thi Hương đỗ Á nguyên(đỗ thứ nhì), năm 25 tuổi vào thi Hội đỗ Hội nguyên(tức đỗ đầu). Ông được xem là người Quảng Ngãi duy nhất thi đỗ đầu khoa thi Hội. Do sự kiện hi hữu nầy, bạn đồng song đã có câu đối mừng:
Ngô châu, sơn chi Ấn Bút, thủy chi Trà, anh khí ư tam thắng địa;
Giáp bảng, tiền tắc Trương, Kiều, kế tắc Tạ, Hội nguyên thử nhất hiền lang.
Tạm phỏng dịch :
Quê ta, có núi Ấn, núi Bút, sông Trà, ba nơi anh kiệt được tụ lại;
Giáp bảng có họ Trương, họ Kiều, họ Tạ và đậu Hội nguyên chỉ một mình anh.
Xưa những người thi đỗ khoa thi Đình được niêm yết trên 2 bảng: Giáp bảng để niêm yết danh tính những người đỗ Tiến sĩ và Ất bảng để niêm yết danh tính những người thi đỗ Phó bảng.
Họ Trương, họ Kiều, họ Tạ là để chỉ các ông:
- Trương Đăng Trinh người làng Mỹ Khê, cháu gọi ông Trương Đăng Quế bằng chú ruột, là người Quảng Ngãi đầu tiên thi đỗ Tiến sĩ khoa thi Nhâm Dần, 1842.
- Kiều Tòng (còn có tên là Kiều Lâm) người làng An Đại (Tư Nghĩa), thi đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, 1862.
- Tạ Tương người làng Chánh Lộ (Tư Nghĩa) thi đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, 1892.
Con trai của ông Đỗ Duân là ông Đỗ L. hiệu Trúc Đình cũng là người say mê thơ phú. Chuyện kể rằng, vào một đêm trăng mùa Xuân năm Quý Mùi (1943), ông Đỗ Trúc Đình cùng một số bạn thơ thả thuyền du Xuân trên sông Trà Khúc. Trước khung cảnh nên thơ trên trăng dưới nước, sau một tuần trà Ô Long thơm nức còn để lại dư vị ở đầu môi, ông bạn họ Tạ xúc cảnh sinh tình ứng khẩu đọc câu xuất đối:
Nước sông Trà, lấy nước nấu trà, trà ngon nước đậm.
Sau một giây tìm hứng, chỉ tay về phía Thiên Ấn mờ ảo dưới ánh trăng, Đỗ Trúc Đình thay mặt đám bằng hữu còn lại trên thuyền xin đáp họa:
Son núi Ấn, lấy làm son ấn, ấn đẹp son tươi.
Cả bọn thích thú vỗ tay tán thưởng, con thuyền chao đảo làm vỡ vụn những mảnh trăng lung linh dưới đáy nước sông Trà.
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
(Tư liệu của Đỗ Minh Trị, Đỗ Hoài Trung và Đỗ Hoài Nam)