Ngược xuôi từ bờ cõi xung yếu phía Bắc xa xôi đến tiền đồn cực Nam nhiều biến động, Phan Khắc Thận (1798-1868) được xem là bề tôi mẫn cán góp phần ổn định vùng đất biên cương trong bối cảnh triều Nguyễn nao núng và từng bước nhượng bộ trong thế đối đầu với thực dân Pháp.
Phan Khắc Thận hiệu là Châu Lưu, sinh năm Mậu Ngọ (1798), nguyên quán làng Tư Cung, huyện Bình Sơn (nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh), dời đến làng Châu Me (nay thuộc xã Bình Châu), huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (1). Thi đậu tú tài khoa Ất Dậu (1825) và Mậu Tý (1828), vượt qua kỳ ứng hạch năm Canh Dần (1830), ông được chọn làm giáo chức ở huyện phủ Bảo An và Tân An (2). Năm Tân Sửu (1841), Phan Khắc Thận nhận chức quyền nhiếp phủ Tây Ninh (3). Bây giờ, một thổ mục tự xưng là Thiên thương tướng tụ họp đồ đảng đột kích vào đồn phủ Tây Ninh. Phan Khắc Thận dẹp tan cuộc bạo loạn này, được thưởng một cấp quân công và nhận chiếu thư khen ngợi (4). Tiếp đó, ông thụ chức giám sát ngự sử đạo kinh kỳ và thự công khoa chưởng ấn cấp sự trung (5). Năm Giáp Thìn (1844), ông được cử làm án sát sứ Bình Định, Vĩnh Long. Ngay năm đó, vì đến kỳ xét công được dự hạng ưu, Phan Khắc Thận đổi đi làm tuyên phủ sứ Tây Ninh, rồi chuyển sang bố chánh sứ Nam Định, Hà Nội (6). Năm Nhâm Tý (1852), ông được trọng dụng và thăng quyền chưởng tuần phủ Lạng Bình (7). Năm năm sau, Đinh Tỵ (1857), ông về kinh giữ chức hữu tham tri bộ hộ (8).
Hoạn lộ của Phan Khắc Thận trong gần 30 năm đầu khá hanh thông: lập quân công, được triều đình ban thưởng nhiều lần. Ở cương vị một viên quan trấn nhậm vùng đất gai góc, ông tận tâm làm hết trách nhiệm của mình: góp phần dẹp yên các rối ren, phủ dụ và trấn tĩnh lòng dân sở tại. Ông lo tính phương kế phòng thủ ngoài biên như thao dượt binh lính, phiên chế đội ngũ, đào hào đắp lũy (9)…Khi Lạng Sơn bị thiên tai dồn dập giáng xuống, dân chúng đói rét, ông tâu xin tổ chức cứu tế giúp hàng nghìn người dân ổn định được đời sống (10).
Tháng 7 năm Mậu Ngọ (1858), tiếng súng thực dân Pháp vang rền, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Phan Khắc Thận được cử làm tham tán, dưới quyền Tổng thống Lê Đình Lý, dẫn 2000 cấm binh tinh nhuệ vượt Hải Vân quan vào Đà Nẵng tăng cường phòng thủ (11). Tháng 10 năm ấy, đại quân triều đình thất bại khi giao tranh với quân Pháp. Nhiều quan tướng bị khiển trách. Phan Khắc Thận, vì không biết bàn tính trước sự việc, bị giáng 3 cấp chuyển làm tán lý (12). Cuộc chiến tranh dai dẳng. Đội quân viễn chinh không thực hiện được ý đồ san phẳng Đà Nẵng, mở cuộc hành quân chớp nhoáng ra kinh đô Huế nên chuyển hướng tấn công vào Gia Định.
Mặt trận phía Nam trở nên căng thẳng. Một mặt, đội quân viễn chinh đã chiếm đóng được thành Gia Định, từng bước mở rộng phạm vi chiến tranh. Mặt khác, cõi biên thùy phía Nam thường xuyên bị người Cao Man đột kích vào cướp bóc, đánh phá các đồn lũy. Trước tình hình bất ổn này, tháng 12 năm Kỷ Mùi (1859), Tự Đức tái lập chức tuần phủ An Giang (13). Là người am hiểu địa thế nhân tình ngoài biên, trải qua nhiều chiến trận hiểu rõ cơ nghi, Phan Khắc Thận được phái đi đảm nhận trọng trách này. Tháng 6 năm Tân Dậu (1861), Ông được thăng thự tổng đốc An Hà, rồi tháng giêng năm Quý Hợi (1863) thì thực thụ chức này (14). Những năm tháng trấn nhậm nơi đây, Phan khắc Thận đã làm tất cả những gì có thể để góp phần ổn định vùng đất biên cương: tổ chức an ninh trong nội địa, ngăn chặn những cuộc đột kích từ bên ngoài.
Tháng 3 năm Tân Dậu (1861), kế tiếp theo Gia Định, Định Tường lại thất thủ. Phan Khắc Thận, Trương Văn Uyển được sung làm biên phòng tiễu quân vụ có trách nhiệm phối hợp với Khâm phái Quân vụ Nguyễn Túc Trưng, Đỗ Thúc Tĩnh chiêu mộ nghĩa dõng, xây dựng đồn lũy, sửa sang khí giới, khen thưởng binh lính, khích lệ người trung dũng để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống lại kẻ thù vốn áp đảo về binh khí và kỹ thuật (15). Tháng 2 năm Nhâm Tuất (1862), Phan Khắc Thận tâu xin viện quân hợp quân với Trương Định, hoặc chiếm đóng những nơi xung yếu tạo thành một lực lượng đủ mạnh để tổ chức phòng thủ hiệu quả (16).
Sống và hoạt động trong giai đoạn đầy biến động của lịch sử, Phan Khắc Thận khép lại chặng cuối cuộc đời với một hoạn lộ ba chìm bảy nổi. Ông nhiều lần bị khiển trách, bị giáng chức ít nhất 3 lần, có lần bị cách hết chức tước. Tháng 5 năm Tân Dậu (1861), Phan Khắc Thận bị giáng lưu 2 cấp vì một thổ mục Cao Man đánh phá bảo An Tập (thuộc tỉnh An Giang) làm 100 nghĩa dõng tử trận (17). Sau đó, một thổ mục Cao Man khác là Ong Bướm trốn vào Thất Sơn (thuộc tỉnh An Giang) xin qui thuận và tá túc. Thực dân Pháp nghi ngờ triều đình Huế dung dưỡng và làm áp lực đòi giao Ong Bướm cho chúng. Để giữ hòa khí và lòng thành với người Pháp, tháng 4 năm Bính Dần (1866), Tự Đức buộc phải cách chức Phan Khắc Thận (18). Hơn một năm sau, tháng 6 năm Đinh Mão (1867), ông được khởi phục làm Thượng thư bộ Binh lãnh tuần phủ Nam Ngãi (19). Tháng 7 năm Mậu Thìn (1868), ông làm thảo nghịch hữu tướng quân đi tiễu trừ toán cướp người Hoa do Ngô Côn cầm đầu liên tục quấy phá vùng núi biên giới phía bắc (20). Tháng 11 năm ấy, ông mất tại quân thứ (21). Triều Nguyễn xét kỹ công lao, truy tặng Phan tướng công Vinh lộc Đại phu, Hiệp biện Đại học sĩ, tên thụy là Văn Ý (22).
Gần 10 năm cuối đời, Phan Khắc Thận sống trong ba đào dữ dội của lịch sử, trải qua những thử thách sống còn không những đối với vận mệnh chung của dân tộc mà còn gói ghém cả thân phận của từng kẻ sĩ dấn thân vào chốn quan trường, tự xem mình là người trong cuộc như ông. Có lẽ ông ôm niềm trăn trở khó bộc bạch giữa trung quân với ái quốc. Trong cuộc đời ông, có một sự kiện dẫu cho không rõ thực hư thế nào cũng khiến cho hậu thế không thể không băn khoăn. Đó là việc ông vâng mệnh triều đình giao nộp nhà yêu nước Nguyễn Hữu Huân cho Pháp (23). Chúng ta cùng ngược thời gian trở lại khúc quanh lịch sử này.
Trước nguy cơ xâm lược của thực dân Pháp, triều Nguyễn không tìm được một đối sách khả dĩ chấp nhận được. Hy vọng tinh thần “lấy gươm nhân giáo nghĩa đối chọi với tàu đồng súng thiếc” sẽ xoay chuyển được tình thế ngày càng bi đát của sơn hà xã tắc, triều Nguyễn ký kết hòa ước Nhâm Tuất (1862) và thi hành lệnh giải giáp, nghiêm trị những ai có hành động chống Pháp (24). Là con người thời đại, Phan Khắc Thận không vượt qua giới hạn nghiệt ngã của thời đại mình là “đạo quân thần không thể vi phạm”. Chúng ta chọn khuôn phép nho giáo không phải để biện minh cho ông mà để thấu hiểu hơn những gì ông đã làm: tận tụy, trung thành với triều đại đương thời chống Pháp theo nước cờ hòa. Hơn thế nữa, từ góc nhìn đó, chúng ta ghi nhận những đóng góp của ông trên những nẻo đường ngược xuôi từ bờ cõi xung yếu phía bắc xa xôi đến tiền đồn cực nam nhiều biến động trong bối cảnh triều Nguyễn nao núng và từng bước nhượng bộ trong thế đối đầu với thực dân Pháp.
NGUYỄN DUY LONG
Tài liệu tham khảo và chú thích:
(1) “Gia phả họ Phan” do Phan Khắc Tráng soạn thảo năm 1986 chép:
- Thân sinh của Phan Khắc Thận là Phan Văn Kháng người làng Tư Cung (nay thuộc xã Tịnh Khê), huyện Sơn Tịnh đến định cư ở làng Châu Me (nay thuộc xã Bình Châu), huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
- Phan Khắc Thận hiệu là Châu Lưu, mất ngày 17 tháng 11 năm Tự Đức thứ 24 (sic-21), thọ 71 tuổi. Căn cứ vào thông tin tuổi thọ và năm mất, chúng tôi xác định ông sinh năm Mậu Ngọ (1798).
Nhà thờ họ Phan tại thôn Châu Me, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn không còn. Mộ và bia mộ (được dựng năm Thành Thái thứ 7, Ất Mùi (1895)) của Phan Khắc Thận hiện tọa lạc tại thôn Châu Thuận (cũng thuộc xã Bình Châu).
(2-6) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện. Tập 4. Trương Văn Chinh, Nguyễn Danh Chiên dịch, Cao Huy Giu, Phan Đại Doãn hiệu đính. Nxb Thuận Hóa. Huế. 1997: 53-5.
(7) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXVII. Nguyễn Ngọc Tỉnh, Ngô Hữu Tạo, Phạm Huy Giu dịch, Cao Huy Giu hiệu đính. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1973:335.
(8-12) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXVIII. Phạm Huy Giu, Nguyễn Thế Đạt, Đỗ Mộng Khương dịch, Cao Huy Giu hiệu đính. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1973: 12, 32, 345, 440, 458.
(13-14) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXIX. Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Cao Huy Giu hiệu đính. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1974: 90-1, 225.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXX. Nguyễn Ngọc Tỉnh, Trương Văn Chinh dịch, Cao Huy Giu hiệu đính. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1974: 8.
(15-17) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXIX.Sđd: 203-5, 216-7, 285.
(18-21) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXXI. Trương Văn Chinh, Nguyễn Thế Đạt, Nguyễn Danh Chiên dịch, Cao Huy Giu, Nguyễn Trọng Hân hiệu đính. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1974: 23-4, 137, 238, 276.
(22) Bia mộ Phan Khắc Thận chép: “ (…) truy tặng Vinh lộc Đại phu, Hiệp biện Đại học sĩ thụy Văn Ý Phan tướng công”.
(23) Về sự kiện này, chính sử triều Nguyễn chỉ ghi vắn tắt: Nguyễn Hữu Huân bị quân Pháp bắt đày đi nước ngoài. Cao Xuân Dục cũng chép tương tự như trên.
Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện. tập 4. Sđd : 422-3.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXXIII. Ngô Hữu Tạo, Nguyễn Mạnh Duân dịch, Nguyễn Trọng Hân hiệu đính. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1975 : 203.
Cao Xuân Dục. Quốc triều hương khoa lục. Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch. Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh. 1993: 321-2.
Riêng tư liệu “Định Tường thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện” bản chép tay của Trần Văn Thông viết năm 1942 gián tiếp đề cập đến Phan Khắc Thận: Thực dân Pháp gởi một lá thư hăm dọa buộc quan tỉnh An Giang bắt Nguyễn Hữu Huân giao cho chúng. 15 năm sau, Thái Bạch viết khác hơn một chút: Doudart de Lagree đem 500 quân làm áp lực bắt quan trấn thành Châu Đốc (An Giang) giao Nguyễn Hữu Huân cho chúng. Có lẽ dựa vào hai thông tin không chính thức này và căn cứ vào chức vụ Phan Khắc Thận thời điểm ấy (tổng đốc An Giang, Hà Tiên), Nguyễn Duy Oanh khẳng định: “Thực dân Pháp buộc quan tổng đốc An Giang là Phan Khắc Thận phải bắt ông giao cho chúng giải về Sài Gòn vào tháng 7-1864”.
Xem: Tiểu truyện ông thủ khoa Nguyễn Hữu Huân người Định Tường. Cao Tự Thanh dịch. Trong: Phạm Thiều, Cao Tự Thanh, Lê Minh Đức. Nguyễn Hữu Huân, nhà yêu nước kiên cường, nhà thơ bất khuất. Nxb Trẻ. Thành phố Hồ Chí Minh. 2001: 127-8.
Thái Bạch. Bốn vị anh hùng kháng chiến miền Nam. Quyển II. Sống Mới. Sài Gòn. 1957: 82.
Nguyễn Duy Oanh. Quân dân Nam kỳ kháng Pháp trên mặt trận quân sự và văn chương (1859-1885). Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh. 1994: 213.
(24) Xem:
- Hòa ước Nhâm Tuất (5-6-1862). Trong: Nguyễn Duy Oanh. Quân dân Nam kỳ kháng Pháp trên mặt trận quân sự và văn chương (1859-1885). Sđd: 281-5.
- Các dụ của Tự Đức. Trong: Châu bản triều Tự Đức 1848-1883 (Tuyển chọn và lược thuật). Vũ Thanh Hằng, Trà Ngọc Anh, Tạ Quang Phát tuyển chọn và dịch, Trần Nghĩa giới thiệu. Nxb Văn học. Hà Nội. 2003: 132.
* * *
Xem các bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang QN, Đất nước, con người: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net