Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
VÕ QUÁN, CHÍ LỚN ...
NGUYỄN DUY LONG
Các bài liên quan:
    VIẾNG CHÂU GIANG...

 

VÕ QUÁN, CHÍ LỚN ĐÀNH ĐEM GỞI BIỂN NON.
Nguyễn Duy Long

Võ Quán là một chiến sĩ cách mạng của phong trào Đông Du (1905-1909). Một lưu học sinh thông minh, dốc sức rèn tài luyện chí cho công cuộc kiến quốc và phục quốc. Một chiến sĩ bền gan, không bao giờ thay đổi chí hướng trước muôn vàn bất trắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Một con người canh cánh bên lòng món nợ non sông chưa trả cho đến phút chót của cuộc đời.

Cuối thế kỷ XIX, phong trào vũ trang chống Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương đã chấm dứt với sự thất bại hoàn toàn của cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Hệ tư tưởng phong kiến bất lực không còn đủ sức tập hợp dân chúng cho sứ mệnh giải phóng non sông đất nước. Ý thức được trách nhiệm của mình trước lịch sử, không ít sĩ phu vẫn âm ỉ trong lòng ngọn lửa chống thực dân xâm lược, mạnh dạn tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, đi tìm phương thức cứu nước mới.

Năm 1904, sau một thời gian vào Nam ra Bắc, ngược xuôi tìm kiếm, Phan Bội Châu và những người đồng tâm, đồng chí thành lập Duy Tân hội. Tiếp theo, năm 1905, phong trào Đông Du do Phan Bội Châu tổ chức và lãnh đạo được hưởng ứng rầm rộ khắp mọi miền đất nước. Mục đích của phong trào là đưa thanh niên sang Nhật lưu học, tiếp thu tri thức kỹ thuật và quân sự để chuẩn bị cho công cuộc canh tân đất nước và lật đổ chế độ cai trị của thực dân Pháp tại Việt Nam. Từ phong trào này, một số học sinh được đào luyện trở thành những chiến sĩ cách mạng tận tụy với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và hy sinh cho lý tưởng "làm trai thì phải thương nước, cứu nòi".

Võ Quán (1886-1917) (1) là một chiến sĩ như thế. Ông tự là Trọng Kinh, bí danh là Lam Quảng Trung, quê làng Trung Sơn, huyện Bình Sơn (nay thuộc xã Bình Phước, huyện Bình Sơn), tỉnh Quảng Ngãi. Ông là một con người cương trực, khí phách như tác giả Việt Nam nghĩa liệt sử khắc họa: "Tính ông trung thực, dám nói, gặp việc gì thì mạnh dạn đi trước, không có thói sợ sệt (...) chí khí mạnh mẽ" (2).

Năm 1907, Võ Quán tạm biệt gia đình, quê hương sang Nhật vào trường Đồng văn Thư viện (3) miệt mài học ngoại ngữ, quân sự và các môn khoa học phổ thông khác. Vào giữa năm 1907, Việt Nam Công hiến hội - một chính phủ lâm thời của Việt Nam tại hải ngoại - được thành lập do Kỳ Ngoại hầu Cường Để làm hội trưởng, Phan Bội Châu làm tổng lý kiêm giám đốc (4). Là một trong những học sinh uy tín, cùng với Phan Thế Mỹ và Nguyễn Thái Bạt, ông đảm nhiệm Bộ Giao tế chuyên trách việc giao thiệp với nước ngoài và đưa đón người trong nước (5).

Tháng 10 năm 1909, sau khi Nhật cam kết với Pháp không để cho người Việt Nam yêu nước trú ngụ và hoạt động trên đất Nhật, phong trào Đông Du hoàn toàn tan rã (6). Nhiều lưu học sinh thất vọng, nản chí và tìm cách trở về nước, nhưng Võ Quán là một trong số ít những người kiên định, quyết tâm và bí mật ở lại chờ thời cơ mới theo hướng dẫn của Phan Bội Châu. Sau đó, ông sang Trung Hoa, vào trường Sĩ quan Học hiệu học ngoại ngữ, quân sự. Là học sinh thông minh lại cần công khổ học, chẳng bao lâu ông tiến bộ rất nhanh: thông chữ Hán, thạo bạch thoại, giỏi tiếng Anh, am tường tri thức quân sự (7). Song nguyện vọng của ông không phải là cái học từ chương về văn tự mà chú trọng đến việc luyện tập binh thao thực tiễn hơn trong cảnh nước mất, nhà tan.

Tháng 6 năm 1912, Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Quang phục hội thay thế cho Duy Tân hội đã tan rã. Võ Quán trở thành một trong những ủy viên phụ trách vận động trong nước (8). Ông nhiều lần về nước đưa học sinh xuất dương và quyên góp kinh phí cho hội hoạt động. Năm 1913, ông gặp Thái Phiên xúc tiến thành lập phân bộ Việt Nam Quang phục hội ở Trung kỳ và bàn việc hoạt động cứu nước trong vùng (9).

Tháng 8 năm 1914, Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Nước Pháp tham chiến và huy động tối đa sức người, sức của trong nước và các nước thuộc địa cho cuộc chiến tranh. Trước những thay đổi tình hình trên thế giới và trong nước, Việt Nam Quang phục hội tại hải ngoại dự định đưa quân về hợp sức với lực lượng trong nước khởi nghĩa giành chính quyền. Võ Quán tự nguyện đi khảo sát địa thế biên giới Trung Việt (vùng Vân Nam - Quảng Đông) để chuẩn bị cho việc dụng binh về sau (10).

Suốt mùa Đông năm 1914 đến mùa hạ năm 1915, lấy sóng gió làm gối, sương tuyết làm cơm, Võ Quán lội suối băng rừng, xông pha nơi lam yêu chướng độc. Gian khổ quá độ, lâm bệnh, ông vào Y viện Dương Thành (Quảng Châu) chữa trị mà bệnh vẫn trầm trọng (11). Uất chí vì là kẻ trượng phu mà phải nằm thở thoi thóp trên giường bệnh chứ không ra được chốn sa trường, ông bèn gieo mình xuống sông Châu Giang tự vẫn (12).

Gắng hết sức mình nhưng đành nuốt hận vì việc lớn dang dở, ông chọn lấy cái chết vì trong ông còn nhức nhối một nỗi niềm tuyệt vọng trước tình cảnh bi thương của đất nước. Một kết thúc dường như ngẫu nhiên mà ngẫm nghĩ là tất yếu đối với một con người canh cánh bên lòng món nợ non sông chưa trả cho đến phút chót của cuộc đời.

Trong thân phận người dân mất nước, Võ Quán chọn con đường hiến dâng tất cả cho sứ mệnh cứu nước. Song thiếu trợ duyên, ý nguyện của ông và những người đồng tâm, đồng chí không thành, chí lớn ông đành đem gởi biển non như Phan Bội Châu ca ngợi trong sự ngậm ngùi, thương tiếc:

Hương cốt đầu thanh lưu.
Giang hải vô thời tận.
(Xương thơm gieo dòng trong
Sông bể không sao cạn) (13).

NGUYỄN DUY LONG

Tài liệu tham khảo và chú thích:

(1-3) Xác định năm sinh, năm mất của Võ Quán chúng tôi dựa vào thông tin chép trong Việt Nam nghĩa liệt sử: Năm 1907, ông 22 tuổi và ông mất năm 32 tuổi.
Xem: Đặng Đoàn Bằng, Phan Thị Hán. Việt Nam nghĩa liệt sử. Tôn Quang Phiệt dịch và chú thích. Nxb Văn học. Hà Nội 1972: 158-9.

(4-6) Phan Bội Châu. Phan Bội Châu niên biểu. Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh 2001: 156-8, 197.

(7-8) Đặng Đoàn Bằng, Phan Thị Hán. Việt Nam nghĩa liệt sử. Sđd: 158.
Phan Bội Châu. Phan Bội Châu niên biểu. Sđd: 173, 221-3.

(9) Lâm Quang Thự: Quảng Nam, Địa lý - Lịch sử - Nhân vật. Ban liên lạc đồng hương tỉnh Quảng Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa. Thanh Hóa 1974: 83.

(10-13) Đặng Đoàn Bằng, Phan Thị Hán. Việt Nam nghĩa liệt sử. Sđd: 158-90.

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh