Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
GIÒNG SÔNG QUÊ NHÀ: TRÀ KHÚC
TRẦN QUẢNG Á
Các bài liên quan:
    LỜI RU BÊN SÔNG TRÀ
    BỜ XE NƯỚC QUÊ HƯƠNG
    VỀ MỘT BỜ XE NƯỚC ĐÃ XA
    TÔI LẠI NGỒI BÊN SÔNG TRÀ


Sông Trà Khúc thường cũng được gọi là Trà giang hoặc sông Trà, phát nguồn từ rặng núi Đắc-Tơ-Rôn vùng cao nguyên thuộc tỉnh Kon-Tum; là hợp lưu của 4 sông con là sông Re, sông Xà-Lò, sông Rinh và sông Tang. Trà Khúc là sông lớn nhất Quảng Ngãi và dài chừng 120 cây số, bên tả ngạn là hai quận Sơn Hà và Sơn Tịnh, bên hữu ngạn là quận Tư Nghĩa, đến gần biển nhập với sông Vệ đổ ra cửa Đại Cổ Lũy.

Trước thế kỷ XV, sông Trà Khúc thuộc vùng đất Cổ Lũy Động của Chiêm Thành; đến năm 1402, những người Việt đầu tiên đã xuôi Nam qua dòng sông nầy khi Cổ Lũy Động được đổi tên thành châu Tư và châu Nghĩa sau cuộc Nam chinh của tướng nhà Hồ là Đỗ Mãn. Nhưng mãi đến 70 năm sau đó vùng châu thổ sông Trà Khúc, sông Trà Bồng và sông Vệ mới trở thành chốn lập nghiệp của người Việt từ miền Bắc vào, khi người Chiêm đã rút qua phía Nam đèo Cả (1471) vì thua trận trước đoàn quân của vua Lê Thánh Tông.

Sông Trà qua gần sáu thế kỷ đã trở thành một dòng huyết mạch chính của người dân Quảng Ngãi, và đến ngày nay được coi như dòng sông biểu tượng của tỉnh nhà, chắc chắn được nhớ đến trước tiên trong lòng người xa xứ và cả những đồng bào ở các địa phương khác khi có dịp nghỉ về tỉnh Quảng Ngãi.

Nước sông Trà qua bao thế hệ cũng đã thấm đẫm trong máu thịt người bản địa vì đã góp phần nuôi dưỡng với nguồn tôm cá, đặc biệt là những món thủy sản ngon có hương vị độc đáo không có ở những dòng sông khác: cá bống, cá thài bai, don và nguồn nước có lưu lượng lớn ngay cả vào mùa hè đã tưới hàng vạn mẫu ruộng đất của nông dân hai bên bờ trồng lúa, khoai, bắp, mía, đậu, rau quả... bằng hệ thống bờ xe nước lắp ráp thủ công nhưng rất quy mô và đồ sộ có một không hai với mười bánh xe (thời chưa có đập thủy lợi và máy bơm nước) trong khi bờ xe nước ở các sông khác trong tỉnh chỉ có bốn bánh xe, và các tỉnh khác chỉ có một bánh xe mà thôi.

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hoặc “uống nước nhớ nguồn” là những câu tục ngữ thể hiện lòng biết ơn của người Việt nói chung, và của người dân miền sông Trà núi Ấn nói riêng.

Sông Trà không những chỉ là nguồn sống mà còn là niềm hãnh diện, niềm thương nỗi nhớ cho người bản quán và cả lữ khách một lần đi qua Quảng Ngãi, từ những ghềnh thác hùng vĩ cheo leo miền thượng du, rồi êm đềm uốn lượn qua các xóm làng rợp bóng tre xanh ven bờ ra tận biển Đông.

Đặc biệt, chỉ dọc theo sông Trà đã có đến bốn thắng cảnh: “Long Đầu Hý Thủy”, “Thiên Ấn Niêm Hà”, “Hà Nhai Vãn Độ” và “Cổ Lũy Cô Thôn” – cô thôn nầy thế đất tạo thành do lực nước hợp lưu của sông Trà và sông Vệ tuôn ra và lực thủy triều từ biển Đông đẩy vào chặn lại. Bốn thắng cảnh này cùng với sáu thắng cảnh khác rải rác trong tỉnh được đặt tên rất văn vẻ, vừa gợi hình vừa gợi ý, do Nguyễn Cư Trinh thời ông đảm nhận chức tuần vũ Quảng Ngãi (1750-1752), nên nghe dễ cảm và dễ nhớ hơn so với những danh thắng khác trong nước thường chỉ có một tên đơn hoặc tên kép.

* * *

Bốn cảnh khó quên liên quan đến dòng sông Trà và sáu cảnh đẹp địa phương khác, qua dòng thời gian đã hiện hữu trong những dòng thơ ca về Quảng Ngãi (1).

Như một bài thơ tám câu bảy chữ của một tác giả khuyết danh rất hàm súc và tiêu biểu được nhiều người biết:

Chạnh niềm non nước lẽ đầy vơi,
Cẩm Quận từ xưa cảnh có mười:
Ấn giáp Long Đầu xem rạng vẻ,
Bút kề Thạch Trận ngắm càng tươi.
Tà Dương, Điếu Tẩu mưa thương nắng,
Dục Nguyệt, Bàn Sa cảnh nhớ người.
Cổ Lũy, Hà Nhai người cám cảnh,
Kìa non, nọ nước khéo trêu ngươi
.

Như trong những bài bốn câu trong chùm thơ lục bát: Nước Non Vạn Dặm Tình Ru Mộng Về của nhà thơ Võ Thạnh Văn người quê Sơn Tịnh:

Trăm năm phận lỡ Yên Tần
Xót xa Vãn Độ, ngỡ ngàng Hà Nhai
Lụa là tằm nhả một mai
Chân cầu bóng dọi – gót hài áo bay
. . . . . .
Bâng khuâng hạc tếch đôi bờ
Trở trăn bến cũ quặn tơ điếng lòng
Ngẩn ngơ lúa trổ đòng đòng
Triều lên Cổ Lũy – nước ròng Cô Thôn

Sông Trà, vào một đêm trăng sáng, từng là chủ đề của một bài thơ do Cao Bá Quát sáng tác thời một trăm sáu mươi năm trước, khi ông có tội bị phát phối ở Đà Nẵng (?) đã có dịp vào Quảng Ngãi tiễn đưa và uống rượu với người bạn thân là Bảo Xuyên trước khi vị nầy đi quân thứ ở An Giang, khoảng năm 1843-1845. Bài thơ nầy gồm 22 câu, là tâm sự của một bậc tài hoa nhưng thất chí tặng người tri kỷ tri âm. Xin tạm trích hai đoạn đầu và cuối, phần phiên âm Hán-Việt và dịch thơ của Phan Huy Nhàn:

Trà giang nguyệt
Kim dạ vị thùy thanh?
Quan san vạn lý hạo nhất sắc
Hà xứ bất hệ cố viên tình?
. . . . . .
Tạc dạ kim phong hạ thiên khuyết
Bạch lộ thanh sương sảo xâm cốt
Nhân sinh hội ngộ an khả thường?
Hữu tửu thả ẩm Trà giang nguyệt
Trà giang nguyệt!
Như kính hạ ngân lưu
Trượng phu án kiếm khứ tiện khứ
Kỳ lộ vô vi nhi nữ sầu!

(Cao Bá Quát – Trà giang thu nguyệt ca)

Trăng sông Trà
Đêm nay trăng sáng vì ai vậy?
Muôn dặm non sông bạc một màu,
Hỏi đâu chẳng vướng tình ly biệt?
. . . . . .
Đêm trước heo may trời thổi xuống,
Mù xanh sương bạc lạnh quê người.
Trên đời đâu gặp nhau luôn được,
Uống thỏa trăng sóng với rượu này.
Trăng sông Trà
Như tấm gương trong dầm nước bạc,
Làm trai chống kiếm bước ra đi.
Ra đi nên thẳng đường đi thẳng,
Đừng như nhi nữ...lúc biệt ly!

(dịch thơ Phan Huy Nhàn)

Sông Trà, Trăng Thu và Rượu đã cùng dự phần với Cao thi sĩ và Bảo Xuyên trong đêm ly biệt không hẹn ngày gặp lại, vì một người đang chịu án phát phối và người kia sắp lên đường nhậm chức ở miền Nam xa xôi. Dòng sông dưới vầng trăng Thu với một chiếc thuyền con trôi lờ lững rõ ràng là một cảnh nên thơ, và sông Trà núi Ấn bên thành Gấm lại có một vẻ tươi đẹp thiên nhiên được bàn tay của con người điểm tô sống động:

Thiên đóa xuân hoa chiếu Cẩm Thành
Ấn sơn Trà thủy lệ kỳ danh.
Sơn kỳ thủy tú y như cựu,
Thành dã phong quang xứ xứ tân.

(Hanh Phủ Nguyễn Đình Thảng)

Tạm dịch:

Nghìn đóa hoa xuân rực Cẩm Thành,
Non Ấn dòng Trà rõ xứng danh.
Núi đẹp sông xinh như thuở trước,
Phố thị đồng quê đổi mới nhanh.

Dòng sông Trà với những bãi cát, nương dâu bên bờ cùng góp phần gắn bó những mối tình mộc mạc nhưng không kém phần thơ mộng:

Làng em ven dải sông Trà
Có nương dâu mượt, đậm đà tình quê.

(Phương Đình – Nắng chiều đẹp mãi quê em)

Con đường cát rặng liễu gầy soi bóng,
Dáng em đi tỏa hương sắc xuân thì.
Ta ngây ngất đứng đầu gành Tân Mỹ,
Sóng vỗ tình hôn bãi cát Trà giang.

(Đỗ Vĩnh Khanh – Quê em miền cát trắng)

Tình chung với nước với non và tình riêng trai gái cùng sâu đậm là thế, rồi vì hoàn cảnh chẳng đặng đừng có lúc đành phải tha hương. Và dù ở xứ người:

Dòng Trà Khúc vẫn chảy hoài không dứt,
Trong nỗi niềm lữ khách dặm đường xa.

(Trần Thiện Đạt – Quảng Ngãi, một thời để nhớ)

Thương quê lòng nhủ lấy lòng,
Ai về Quảng Ngãi xuôi dòng Trà giang.
Nhớ non, nhớ nước, nhớ làng,
Tình quê lai láng, bàng hoàng lòng tôi.

(Trần Điềm – Thương về Quảng Ngãi quê tôi)

Cùng non nước đã hơn một lần thề ước, nên không ít người lữ thứ đã tự nhận mình thiếu thủy chung:

Kẻ phụ tình hơn nửa đời lưu lạc,
Đêm đêm nằm nghe tiếng nước sông Trà,
Sông Trà Bồng, Trà Khúc chảy thiết tha,
Sao đau nhói như hai dòng nước mắt!

(Lê Vinh – Quảng Ngãi và kẻ phụ tình)

Qua nhân cách hóa do niềm thương nỗi nhớ, non nước được tưởng như cũng biết hờn giận đớn đau với những người vẫn ân hận rằng mình bạc bẽo, nên ngỏ lời hứa hẹn:

Ta vẫn hoài mong về chốn cũ,
Thăm dòng Trà Khúc, núi Long Đầu.
Sông giận hờn ai con sóng vỗ,
Phơi bờ cát trắng quặn niềm đau!
Núi mãi chờ ai quên “Hý Thủy”,
Trơ trơ mặt đá rêu phai màu.
Chân cầu nước xoáy đau lòng đất,
Âm hưởng ngàn năm cuộc bể dâu!

(Nguyễn Tấn Ích – Quảng Ngãi quê hương ôi!)

Không có gì phải nghi ngờ, rằng Trà Khúc và bao hình ảnh quê nhà vẫn đầy ắp trong cơn mộng:

. . . . . .

Trà giang tô Thiên Ấn xanh màu,
Cô Thôn mòn lối thương chân sáo,
Cổ Lũy thoáng nhìn chợt nhận nhau.
Chân vấp hoàng hôn chiều Mỹ Khê
Tam Thương bến đợi mãi chưa về
Mây giăng Trà Khúc hoàng hôn tím,
Quờ bắt vầng trăng chợt tỉnh mê


(Trần Anh Lan – Quảng Ngãi ta về)

Trà giang! Trà giang! Chưa đi xa đã đầy ắp niềm thương, đi xa chưa về lại dâng tràn thêm nỗi nhớ. Sông Trà thực sự đã không thể không nhắc đến trong bất cứ tác phẩm thi ca nào có chủ đề về quê hương Quảng Ngãi! Kể cả những tác giả phương xa có lần đi qua hoặc đã từng ghé lại, như trong bài thơ Trà Giang Thu Nguyệt Ca vẫn được lưu truyền là một trong số những tuyệt tác của Cao bá Quát đã trích ở đoạn trước, và như trong nhạc khúc Thương về Quảng Ngãi của hai tác giả cũng quê quán ở Bắc Hà: Văn Quang và Anh Đỗ, được soạn trong thời gian hai vị này cùng đến công tác ở Quảng Ngãi vào năm 1956-1957. Bản nhạc nầy độc đáo ở chỗ: người viết lời ca là Văn Quang vốn là nhà văn suốt đời chỉ viết tiểu thuyết và phóng sự, và không có bài thơ nào khác từng được biết đến; người phổ nhạc là Anh Đỗ cũng không có nhạc phẩm nào khác vì chỉ là một nghệ sĩ trình diễn thuần túy, dù rất thông thạo nhạc lý và nhạc cụ (2).

Thương Về Quảng Ngãi chưa bao giờ được xuất bản, nhưng hai tác giả hẳn rất vui lòng “nhường bản quyền vĩnh viễn” như một tặng phẩm cho những ai từ lâu đã tự in đậm trong tâm hồn lời ca ý nhạc, chính là những người có quê hương núi Ấn sông Trà mà hai người khách phương xa này từng yêu mến.. .Thương Về Quảng Ngãi, nhớ dòng Trà Giang, từ hơn năm mươi năm qua đã trở thành bài ca thân thuộc vỗ về nỗi lòng của người xa xứ, lại càng thiết tha đối với những kẻ ngàn dặm lưu lạc quê người:

Dòng nước trong cuốn theo bóng mây về đâu?
Lặng lờ Trà Khúc nước trôi mau,
Nắng vươn qua nhịp cầu.
Người có nhớ lối đi Cổ Lũy Cô Thôn,
Dừa cuốn gió hòa nhịp đời,
Tình đẹp mãi trong lòng tôi.
Quanh co đường bờ sông ven cát trắng,
Và khuất bóng tre mềm
Khói vươn mình trong hoàng hôn,
Dịu dàng theo hơi gió ngát hương cau,
Từng tiếng hát ân tình
Trong phố nghèo ướt màu trăng!
. . . . . .
Trà Khúc ơi! Nhớ thương đến bao giờ nguôi,
Chiều chiều thường đứng nhớ thương nhau,
Luyến thương qua nhịp cầu.
Rồi luyến tiếc giấc mơ ngày ấy xa xôi.
Quảng Ngãi có người đợi chờ,
Tình đẹp mãi trong lòng tôi!

(Văn Quang – Anh Đỗ)

TRẦN QUẢNG Á

Chú thích: 
 

(1) Tất cả những bài hoặc đoạn thơ ca được trích trong bài viết này đều đã đăng trên các báo Xuân của các Hội Quảng Ngãi ở New England, Georgia, Texas, Nam & Bắc California.
(2) Người viết bài này từ năm 1969 đến 1975 đã phục vụ cùng ngành và chung Sở với 2 ông Văn Quang và Anh Đỗ, nhưng có công tác khác nhau tại các Phòng, Ban riêng. 
 

 

Đọc thêm Bài cùng tác giả tại đây

Trở về trang chính www.nuiansongtra.com 
 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh