Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
NGUYỄN TẤN VỚI "PHỦ MAN TẠP LỤC"
NGUYỄN DUY LONG


Xuất chính theo ngạch văn quan, rồi trở thành võ tướng đảm trách công cuộc kinh dinh ở vùng cao Quảng Ngãi, Nguyễn Tấn (1822-1871) ghi dấu trong chính sử triều Nguyễn như một nhà cai trị mẫn cán và khoan hòa, như một võ tướng đảm lược và quyết đoán. Và cũng nhờ trấn nhậm ở vùng đất gai góc này, từ những điều mắt thấy tai nghe về đời sống văn hóa của các tộc người miền núi nơi đây, ông trứ tác thành một tác phẩm sử học giá trị - “Phủ man tạp lục” - còn lưu truyền đến ngày nay.

Nguyễn Tấn tên đầy đủ là Nguyễn Công Tấn, tự Hạ Vân và Tử Vân, hiệu Ôn Khê, thụy Trang Khải, người làng Thạch Trụ (nay thuộc xã Đức Lân), huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi (1). Ông sinh năm Nhâm Ngọ (1822) tại phủ Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Thái Bình) nơi ông nội là Tri phủ Nguyễn Công Tuy đang trị nhậm (2). Lúc còn nhỏ, Nguyễn Tấn nổi tiếng thông mẫn và đĩnh ngộ. Năm Quý Mão (1843), ông đậu cử nhân tại trường Thừa Thiên (3).

Khởi đầu hoạn lộ bằng chức học quan là huấn đạo, đến năm Ất Tỵ (1845) ông làm tòng sự tại Quốc Tử giám rồi chuyển sang hành tẩu cơ mật viện (4). Từ năm Canh Tuất (1850) đến năm Quý Hợi (1863), Nguyễn Tấn lần lượt giữ các chức Hậu bổ Hưng Yên sung chức Hàn lâm viện, Tri phủ An Khánh, Án sát Hưng Yên và cuối cùng là Thự Án sát Thái Nguyên (5). Cuối năm 1863, khi đang làm Thự Án sát Thái Nguyên, nghe tin vùng biên cảnh Quảng Ngãi có nhiều biến động mà các viên quan trấn nhậm nơi đây không sao bình ổn được, Nguyễn Tấn dâng sớ về triều tự nguyện gánh vác trọng trách này (6). Vua Tự Đức chuẩn y, thăng hàm thị độc sung chức tiễu phủ sứ, ban cấp ấn quan phòng cho ông (7). Chức “tiễu phủ sứ” được đặt ra từ đây và ông là người đầu tiên đảm nhận.

Từ Thái Nguyên về, Nguyễn Tấn điều trần các phương lược làm ổn định đời sống dân chúng, đảm bảo trật tự trị an vùng đất này (8): Tập trung cư dân rải rác thành từng khu, đào hào đắp lũy nơi xung yếu, phiên chế lại đội ngũ binh lính. Song song với các họat động quân sự thuần túy như thao diễn trận pháp, dẫn quân đi tuần tiễu canh phòng, ông tổ chức lại guồng máy cai trị một cách qui củ, đặt sở thu thuế, mở nơi trao đổi, buôn bán, lập đội phiên dịch gồm những người thạo ngôn ngữ dân tộc thiểu số để tiện giao dịch.

Nguyễn Tấn dần dần bình ổn được những xáo trộn nơi đây. Vừa dùng biện pháp cứng rắn với kẻ kích động, vừa chọn cách xử lý bao dung với người hối cải, chẳng bao lâu sau ông đem lại sự hòa hiếu giữa các tộc người. Họ an vui, cùng làm ăn sinh sống với nhau. Làm trọn phận sự của kẻ làm quan, ông được triều đình ban khen nhiều lần. Năm Canh Ngọ (1870), ông được thăng hữu thị lang bộ binh vẫn sung chức tiễu phủ sứ (9). Còn trong tâm tưởng của người dân sở tại, ông được ngưỡng vọng như một vị thần tướng (10). Ngày ông mất, họ dìu dắt nhau đến quân thứ than khóc bi ai (11).

Lặn lội chốn thâm sơn cùng cốc, am hiểu từng cánh rừng từng thác nước từng thôn bản, am hiểu đời sống văn hóa của các tộc người miền núi, Nguyễn Tấn trứ tác thành một tác phẩm sử học giá trị - Phủ man tạp lục (12) - còn lưu truyền đến ngày nay. Có lẽ đây là công trình bằng chữ Hán đầu tiên và duy nhất viết về vùng cao Quảng Ngãi một cách toàn diện và hệ thống. Từ núi sông, cương vực, đường sá đến kiến trí duyên cách, từ phong tục, thổ nghi đến nếp sống, ngôn ngữ... đều được khảo cứu tỉ mỉ, kỹ càng. Nhược điểm của tác phẩm mà không thể nào tránh khỏi là Nguyễn Tấn chịu ảnh hưởng sâu sắc quan điểm chính thống của vương triều đương thời là thiên kiến với các tộc người miền núi, ngược hẳn với xu thế suy nghĩ thời hiện đại. Ngay tên sách cũng nói lên điều đó. Tuy nhiên, gạt bỏ đi cái nhìn lệch lạc kể trên, phần còn lại của tác phẩm là những sử liệu giá trị do một người "chân đi tận nơi, mắt nhìn khắp hướng", có óc quan sát tinh tường, có kiến thức rộng rãi ghi chép.

Cuối thế kỷ XIX, Cao Xuân Dục - một gương mặt nổi bật của lịch sử văn hóa thời cận đại - khẳng định giá trị của Phủ man tạp lục như sau:

-"Bổ túc cho các sách sử trước đây chưa đầy đủ, soi rõ thêm các điều trước đây chưa tường tận" (13).

Hơn một thế kỷ trôi qua, tác phẩm này vẫn là một tư liệu không thể thiếu được trong danh mục tài liệu tham khảo của các công trình nghiên cứu về vùng cao Quảng Ngãi, phần nào khẳng định giá trị đích thực của nó - một chìa khóa mở cửa cho không ít người bắt tay vào tìm hiểu đời sống các tộc người miền núi nơi đây. Với Phủ man tạp lục, Nguyễn Tấn trở thành một trong số không nhiều tác gia Hán Nôm Quảng Ngãi điểm xuyến thêm cho kho tàng văn hiến quê hương.

Khi đánh giá các nhân vật lịch sử triều Nguyễn như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Công Trứ chúng ta thường bị chi phối bởi cách đặt vấn đề: "thảo phạt các dân tộc thiểu số", "đàn áp khởi nghĩa nông dân" mà phán xét hết sức nghiêm khắc. Nguyễn Tấn cũng nằm trong tầm nhìn nghiêm khắc này. Cần có cái nhìn biện chứng lịch sử đối với hành trạng của ông. Vốn là nhà nho được đào tạo con đường chính thống, Nguyễn Tấn khát khao đem những điều sở đắc ra trả ơn vua, đền nợ nước, thực hiện trách nhiệm dân chi phụ mẫu.

Theo lẽ tự nhiên, ông tự nguyện đảm trách công cuộc kinh dinh ở vùng cao Quảng Ngãi. Bởi vì ông quan niệm những biến động xảy ra không chỉ đe dọa đến sự ổn định của nhà nước trung ương tập quyền mà còn đe dọa đến sự thống nhất tòan vẹn lãnh thổ đất nước. Điều tất yếu là ông "nhập thế cục "gánh vác lấy sứ mệnh mà ông cho là cao cả. Khi thực hiện hoài bão lập thân kiến quốc, hành trạng của ông không vượt lên trên khuôn khổ lý tưởng nho giáo truyền thống mà cũng phù hợp với tình hình thực tế lúc bấy giờ. Phận làm tướng, cũng như các nhà nho hành đạo đương thời, ông không thể nào làm khác được. Theo thời gian, chúng ta ngày càng tiếp cận với sự thật lịch sử, rồi một cách thận trọng và nghiêm túc, chúng ta điều chỉnh nhận thức để có cái nhìn khách quan và xác đáng hơn về những nhân vật lịch sử triều Nguyễn như ông.

Nguyễn Tấn mất ngày 20 tháng 4 năm Tân Mùi (1871) (14). Sĩ dân cảm kích lập đền thờ, dựng bia tưởng niệm công đức ông. Ông được truy tặng hữu tham tri bộ binh và năm Mậu Tuất (1898) nhờ phẩm hàm của người con (tức Nguyễn Thân) lại được gia tặng thượng thư bộ lễ (15).

Nguyễn Tấn ghi dấu trong chính sử triều Nguyễn như một nhà cai trị mẫn cán và khoan hòa, như một vị tướng đảm lược và quyết đoán. Nhưng dường như ông đã làm được nhiều điều hơn thế. Công tích của ông, trang viết của ông vẫn còn lại với quê hương Quảng Ngãi nơi ông dành một phần cuộc đời họat động và gắn bó.

NGUYỄN DUY LONG

Tài liệu tham khảo và chú thích:

(1-2 ) Nguyễn Đức Cung. Lịch sử vùng cao qua Vũ man tạp lục thư. Nhật Lệ. Philadelphia. 1998: 71.

(3) Cao Xuân Dục. Quốc triều hương khoa lục. Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch, Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh. 1993: 233.

(4-5) Nguyễn Đức Cung. Lịch sử vùng cao qua Vũ man tạp lục thư. Sđđ: 72.

(6-8 ) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại nam thực lục chính biên. Tập XXX. Nguyễn Ngọc Tỉnh, Trương Văn Chinh dịch. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1974 : 45 - 6, 261 - 2.

(9) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại nam thực lục chính biên. Tập XXXII. Nguyễn Danh Chiên, Cao Huy Giu, Ngô Hữu Tạo dịch. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1975: 18.

(10) Đào Trinh Nhất. Phan Đình Phùng - Nhà lãnh đạo 10 năm kháng chiến (1886-1895) ở Nghệ Tĩnh. Nxb Tân Việt. Sài Gòn. 1957: 219.
Phạm Trung Việt. Non nước xứ Quảng. Cẩm Thành Thư xã. Quảng Ngãi. 1974: 179.

(11) Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng, Trần Xán. Đại Nam nhất thống chí. Quyển 6: Tỉnh Quảng Ngãi. Nguyễn Tạo dịch. Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục. Sài Gòn. 1964: 99 (Văn hóa Tùng thư số 22).

(12) Hòan thành vào năm 1871, tác phẩm được khắc in vào năm 1898.

(13-14 ) Nguyễn Đức Cung. Lịch sử vùng cao qua Vũ man tạp lục thư . Sđđ: 73,110.

(15) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại nam liệt truyện. Tập 4. Trương Văn Chinh, Nguyễn Danh Chiên dịch. Nxb Thuận Hóa. Huế. 1997: 241 - 3.
 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh