Thuốc chữa bệnh là một trong những thành tựu y học của thế giới, góp phần xoa dịu nỗi đau bệnh tật vốn luôn rình rập và ngày càng đa dạng.
Thuốc là con dao hai lưỡi, là hàng hoá đặc biệt, có quy chế đặc biệt về sản xuất, lưu hành, sử dụng và giám sát.
Việc sử dụng thuốc không đúng vẫn diễn ra thường ngày tại nhiều nơi trên cả nước đang là vấn đề y tế nhức nhối và tai biến do dùng thuốc sai là một trong những trường hợp cấp cứu không hiếm gặp tại bệnh viện. Đó là nỗi đau do thuốc gây ra.
Câu chuyện Kon Tum.
Chiều 26/10/2004, khoa Nội tim mạch-Lão khoa tiếp nhận một cụ bà 82 tuổi do Trung tâm Y tế Kon Rẫy chuyển đến lý do xuất huyết tiêu hoá nghi do vỡ trướng tĩnh mạch thực quản. Kíp trực kịp thời điều trị cấp cứu hướng xuất huyết tiêu hoá bằng thuốc băng niêm mạc dạ dày, thuốc kháng tiết acid và truyền máu; trong đêm và vài ngày sau, thỉnh thoảng bệnh nhân còn nôn ra máu rồi tình trạng xuất huyết ngưng hẳn. Điều tra bệnh sử thấy rằng bà cụ hay đau nhức khớp gối và thường đi mua thuốc tây tại một quán tạp hoá cách nhà 500 m (trong khi trạm y tế xã cách nhà 2 km).
Lần này, cũng đau nhức khớp và sau khi uống một liều thuốc 2.500 đồng thì bị chảy máu dạ dày. Xem liều thuốc thứ hai bà cụ đem theo, tôi nhận ra có một viên prednisolone 5 mg (một loại kháng viêm steroid) của Việt Nam và một viên piroxicam (một loại kháng viêm không steroid) của Đài Loan; hai loại thuốc này đang lưu hành tại Kon Tum. Chẩn đoán của chúng tôi lúc này là xuất huyết dạ dày do tự dùng thuốc chống viêm piroxicam và prednisolone. Cám cảnh thực trạng dùng thuốc trong cộng đồng mà đây không phải là ca đầu tiên, tôi lang thang trên internet với từ khoá tai biến do thuốc và thấy chuyện đau lòng có ở nhiều nơi.
Câu chuyện các miền quê khác.
Ông Nguyễn Văn Anh ở Đông Hà, Quảng Trị phát hiện đau dạ dày từ 5 năm trước và được bác sĩ kê đơn. Từ đó, hễ cứ đau là ông mua thuốc theo đơn ấy về dùng. Gần 5 tháng nay, thuốc không còn hiệu quả dù đã tăng liều. Đến bệnh viện, ông mới biết mình bị u dạ dày. Bác sĩ khám bệnh cho ông Văn Anh cho biết, nếu như lâu nay ông không ỷ lại vào đơn thuốc cũ mà định kỳ khám kiểm tra thì có thể phát hiện được bệnh sớm hơn, dễ chạy chữa hơn.
Bà Lê Thị Hạnh ở thị xã Quảng Trị cũng mang vạ do dùng đơn thuốc cũ. Bệnh nhân thấp khớp mạn này vào tận Bệnh viện Trung ương Huế để khám và xin đơn. Gần hai năm nay bà dùng đơn thuốc này thấy dễ chịu nên bà chẳng khám gì thêm. Lần uống thuốc cuối cùng, bà thấy mệt rồi xỉu đi. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, bác sĩ cho biết: thuốc Voltaren ở đơn cũ gây hại dạ dày. Bệnh đang tiến triển mà bà vẫn dùng đơn thuốc có Voltaren nên gây chảy máu dạ dày, tụt huyết áp. Rất may là bệnh nhân được cấp cứu sớm.
Ông Hồ Ngọc Toàn ở Đông Hà mắc bệnh nhiều, hay phải dùng thuốc nên ông thuộc lòng các tên thuốc, cách dùng, liều lượng. Khi được những người láng giềng mắc bệnh hỏi về kinh nghiệm chạy chữa, ông Toàn nhiệt tình "cố vấn" và trưng ra hàng mớ đơn để chứng minh lời mình, hoặc cho người ta chép lại dùng. Cách đây vài tháng, ông "chuyên gia" này bị hớ hai lần liền. Lần thứ nhất, một người lái xe chừng 30 tuổi bị đám mọng nước ở tay đến hỏi. Ông sốt sắng ghi cho thứ thuốc mà mình từng dùng và rất hiệu nghiệm khi có triệu chứng tương tự. Người thanh niên làm theo những chỉ nửa tiếng sau khi bôi thuốc, khắp người anh đã nổi mày đay, mặt đỏ phừng lên, rất mệt. Đưa vào viện, bác sĩ bảo do dị ứng thuốc. Lần thứ hai, ông Toàn giao đơn có thuốc Mofen (ibuprofen) mà ông đã dùng chữa thấp khớp trong nhiều năm cho một người bị sưng khớp gối và các ngón chân. Người đó dùng một thời gian thấy không đỡ đành đi khám, mới biết là mắc bệnh gút.
Anh Lê Văn Hải ở Khe Sanh, Quảng Trị cũng từng mua thuốc theo kinh nghiệm người khác nhưng lại may mắn vì đã dừng lại kịp thời. Bệnh nhân này bị viêm gan virus, vào bệnh viện điều trị đến khi ổn định. Từ khi ra viện, sức khỏe anh khá hơn do có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Cho đến một ngày, thấy một người bạn dùng thuốc Zeffix để chữa viêm gan virus và bảo là rất tốt, anh tức tốc đi mua ngay vỉ thuốc với giá ngót nghét triệu đồng. Về nhà đọc lại tờ giới thiệu, thấy thời gian dùng quá dài, tiền không chịu nổi, anh mới hỏi lại bác sĩ khi khám, làm các xét nghiệm, bác sĩ cho biết bệnh của anh đã chuyển sang thể mạn tính, virus đang ngừng sinh sôi nên chỉ cần định kỳ theo dõi chứ không dùng thuốc.
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM vừa cứu sống một cháu bé 2 tuổi, nhập viện trong tình trạng thập tử nhất sinh: tím tái, suy hô hấp, ngưng tim, đồng tử mắt giãn lớn... Các triệu chứng này xuất hiện sau khi cháu uống một loại siro trị ho. Bác sĩ Phạm Thị Kim Loan, Trưởng khoa Cấp cứu, cho biết bệnh nhi nói trên sống ở TP HCM. Ngày 26/10, do bị viêm đường hô hấp nên cháu được người nhà cho uống siro ho có tên Dimetapp DM (thuốc xách tay từ nước ngoài về). Sau khi uống, cháu bị tím tái, và được chuyển gấp vào bệnh viện cấp cứu. Nhờ được điều trị bằng các biện pháp hồi sức tích cực, bệnh nhi đã hồi tỉnh và sức khỏe khá ổn định. Bác sĩ Loan cũng cho biết, loại thuốc ho kể trên chứa chất dextromethorphan, có thể gây ức chế trung tâm hô hấp gây ngừng thở. Vì vậy, bệnh nhân không được tùy tiện dùng nó khi chưa có y lệnh của bác sĩ.
Trăn trở nghề nghiệp
Qua các câu chuyện trên, viên thuốc không có tác dụng chữa bệnh và thay vào đó là tác hại do thuốc, đây là vấn nạn y xã hội học phổ biến trong dân chúng.
Người già thường bị nhiều bệnh, trong đó bệnh lý cơ xương khớp là thường gặp nhất: có tới 50% thoái hóa khớp ở tuổi trên 60 và cứ 3 người phụ nữ phụ nữ trên 60 tuổi thì có 1 người bị loãng xương. Bà cụ Đụt là một bệnh nhân điển hình của nhóm bệnh này. Việc kê đơn thuốc cho người lớn tuổi cần hết sức thận trọng vì cơ thể già nua, rệu rã, dễ mẫn cảm với nhiều loại thuốc. Theo Tiến sỹ Dược khoa Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, thuốc là sản phẩm đặc biệt đòi hỏi phải sử dụng đúng và người dùng chỉ có thể sử dụng đúng khi có những hiểu biết, những thông tin cơ bản về từng loại thuốc; thông tin về thuốc quan trọng đến nỗi có một số nhà khoa học đã cho rằng thuốc chính là dược chất cộng với thông tin" (có thể viết thành công thức: thuốc = dược chất + thông tin); nếu thuốc đến tay người dùng mà người đó hoàn toàn mù tịt, chẳng biết một chút gì về nó thì đó không kể là thuốc nữa, có nghĩa là không nên dùng; điểm này thì hoàn toàn đúng với bà cụ Đụt ở Kon Rẫy. Bà cụ hoàn toàn không có khái niệm đi khám bệnh khi đau yếu, không hề biết thuốc chữa bệnh phải bán tại các cơ sở dược. Bà cụ hồn nhiên mua thuốc như mua một loại bánh kẹo thường ngày và có lẽ bà chủ quán đã bán thuốc với tâm trạng bán gói mì tôm. Thói quen "đói ăn rau, đau uống thuốc" của người Việt đã hại bà cụ 82 tuổi này.
Có nhiều loại thuốc có thể gây tai biến ở dạ dày nếu sử dụng không đúng, thậm chí dùng đúng; đáng ngại hơn cả là các thuốc chống viêm steroid như dexamethazone, prednisolone và các thuốc chống viêm không steroid như celecoxib, diclofenac, ibuprofen, piroxicam, tenoxicam đang bán tại dược trường Kon Tum. Các thuốc aspirin, phenylbutazon gây ra chảy máu dạ dày, còn steroid có thể gây thủng dạ dày. Số người dùng các loại thuốc trên bị tai biến ở dạ dày không ít: có 3%-5% số người dùng steroid, 2% số người dùng phenylbutazon và khoảng 1% số người dùng aspirin đã bị biến chứng ở dạ dày.
Theo Tiến sỹ Lê Anh Thư, Bệnh viện Chợ Rẫy, trong số các tác dụng phụ của những thuốc kháng viêm không steroid, tác dụng phụ trên đường tiêu hóa chiếm tỷ lệ cao nhất và nặng nề nhất, trở thành một vấn đề lâm sàng thời sự, và thuật ngữ "bệnh lý đường tiêu hóa do thuốc kháng viêm non-steroid" đã chính thức có trong bảng phân loại bệnh tật của Tổ chức Y tế thế giới; những biến chứng này là nguyên nhân chính làm tăng chi phí điều trị, số ngày phải nằm viện và tỷ lệ tử vong cho các bệnh nhân cơ xương khớp. Việc kết hợp hai thuốc chống viêm piroxicam và prednisolone là một kết hợp nguy hiểm và tối kỵ đã được một bà bán hàng tạp hoá Kon Rẫy sử dụng. Theo Quy chế kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn của Bộ Y tế và theo thông tin dược khoa trên mạng internet, cả hai thuốc piroxicam và prednisolone đều phải bán theo đơn.
Những lúc rãnh rỗi, hỏi chuyện gia cảnh bà cụ, tôi lại càng ngậm ngùi. Là dân kinh tế mới từ Trà Bồng, Quảng Ngãi lên Kon Rẫy năm 1996, cả chuyến đi chỉ được Nhà nước phụ trợ 400.000 đồng nhưng từ lúc bà cụ đổ bệnh do liều thuốc quán 2.500 đồng, cả nhà chạy vạy mượn chi đã ngót ngét 1.500.000 đồng (tính cả chi phí đi lại, trông coi), dù rằng thuốc đã được Nhà nước đài thọ (diện Chính sách 139).
Bao giờ, mới hết những nỗi đau do thuốc gây ra?
Những ai từng sống ở Sa Thầy, Kon Tum những năm 1979 sẽ khó quên cảnh người chết vì dịch hạch do thiếu viên tetracycline. Hai mươi lăm năm sau, thuốc ngập tràn thị trường, có thể mua được nhiều thứ thuốc một cách thoải mái, bất luận đó là thuốc tim mạch, nội tiết, kháng sinh hay là các thuốc thông thường nhưng cần có hướng dẫn sử dụng. Chuyện bà chủ quán Kon Rẫy bán thuốc không có gì lạ ở Kon Tum. Tôi đã chứng kiến cảnh thuốc bán mẹt ở chợ thị trấn Sa Thầy, thuốc bán dạo trên các xe hàng rong lội khắp làng quê Kon Tum. Y học luôn thay đổi, cái đúng hôm qua nhưng ngày nay là sai, nhất là đối với thuốc men, chuyện biệt dược Libobay (cerivastatine, thuốc nhóm statin trị loạn mỡ máu) và mới đây viên Vioxx (Rofecoxib thuốc chống viêm không steroid trị bệnh xương khớp) bị rút khỏi thị trường do độc tính trên gan và tai biến tại tim là một minh chứng.
Những tiến bộ y học đó không thể dừng lại tại cơ sở y tế hay ở những người ham tìm tòi mà phải đến tận người dân một nắng hai sương thông qua con đường truyền thông giáo dục sức khoẻ liên tục và bền bỉ. Không thể bàng quan với thực trạng thuốc men nhức nhối đó. Các văn bản hướng dẫn kê đơn, bán thuốc theo đơn, các bài giáo khoa và cập nhật về dược học lâm sàng, lão khoa sẽ trở nên lố bịch khi một bà hàng quán, một ông bán hàng rong cũng xén tay tham gia chữa trị bệnh tật với các thuốc đại hoạ đề cập trên. Nền y học chứng cứ đã là một tiến bộ y học hiện đại; với đất nước nghèo và lạc hậu như Việt Nam, cần hình thành và phát triển mạnh nền y học dựa trên cộng đồng, phải nâng cao dân trí y tế, phải quản lý bệnh tật mạn tính nói chung, bệnh lý không viêm nhiễm nói riêng, trong đó nổi bật là bệnh lão khoa, tim mạch, ung thư, đái tháo đường. Bà cụ Nguyễn Thị Đụt là phản ánh đầy đủ thực trạng bệnh lý lão khoa mạn tính và vấn nạn dân trí y tế của ta.
Cơn bạo bệnh do thuốc đã qua, bà cụ Đụt đã về lại Kon Rẫy, còn tôi mãi day dứt về cái giá vô tình bà cụ phải trả, liều thuốc 2.500 đồng và chi phí đi mượn 1.500.000 đồng. Đây mới chỉ là chuyện người già tự đi mua thuốc ở chỗ quán tạp hoá, còn bao chuyện người bệnh tự chữa trị cho nhau, dùng toa thuốc cũ, cho mượn toa, học theo thầy thuốc...những tai biến này đến giờ chưa có thống kê và nghiên cứu nghiêm túc?
Đến bao giờ, tại các cơ sở y tế mới chấm dứt cảnh cấp cứu nỗi đau từ viên thuốc như thế này?
Đào Duy An
Thạc Sĩ Đào Duy An
Cựu Phó trưởng khoa Nội Tim mạch-Lão khoa, BVĐK tỉnh Kon Tum
Ủy viên Ban chấp hành Hội Tăng huyết áp Việt Nam
Bác sỹ trưởng, Vietcare Co., Ltd, Tp HCM
Kon Tum 2004; Sài Gòn 17/4/2009.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Y tế. Quy chế kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn (Banh hành kềm theo Quyết định 1847/2003/QĐ-BYT ngày 28 tháng 5 năm 2003).
- Phạm Khuê. Kê một đơn thuốc cho bệnh nhân cao tuổi. [http://www.thuoc-suckhoe.com]
- Hương Liên. Ðề phòng tai biến ở dạ dày do thuốc. [http://www.hanoi.vnn.vn]
- Nguyễn Thị Bạch Liễu, Hoàng Gia Lợi.Viêm niêm mạc dạ dày tá tràng sau khi dùng một số thuốc chống viêm giảm đau không steroid [http://www.cimsi.org.vn]
- Những vấn đề liên quan đến dược phẩm. [http://www.thuoc-suckhoe.com]
- Nguyễn Đình Nguyên. Lạm bàn về chuyện quản lý dược phẩm. [http://www.ykhoa.net]
- Lê Anh Thư. Bệnh lý dạ dày do thuốc kháng viêm không steroid, nguy cơ và giải pháp.
- [http://www.thuoc-suckhoe.com].