Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
BÙI TÁ HÁN, DANH TƯỚNG TRIỀU LÊ...
LÊ NGỌC TRÁC


BÙI TÁ HÁN, DANH TƯỚNG TRIỀU LÊ ĐƯỢC TÔN VINH THÀNH TIỀN HIỀN XỨ QUẢNG
Lê Ngọc Trác

Trong 440 năm qua, hằng năm, vào ngày 15 tháng 5 âm lịch dòng họ Bùi Tá và nhân dân làng Thu Phổ, xã Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi long trọng tổ chức ngày giỗ Thượng Đẳng Thần Bùi Tá Hán. Đây là dịp để nhân dân Quảng Ngãi tưởng nhớ đến Bùi Tá Hán một danh tướng Triều Lê, người có công mở cõi, xây dựng quê hương Quảng Ngãi và ôn lại truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông để các thế hệ học tập, noi gương.

Bùi Tá Hán sinh vào khoảng năm 1496 tại Châu Hoan, nay thuộc tỉnh Nghệ An. Là một trong những vị tướng có công với Triều Lê. Năm 1540, ông được vua Lê Trang Tông (1533-1548) phong làm Bắc quân Đô đốc. Bùi Tá Hán vâng mệnh vua dẫn quân vào đánh chiếm Thừa Tuyên Quảng Nam. Thừa Tuyên Quảng Nam thời bấy giờ bao gồm cả tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Năm 1546, Bùi Tá Hán được vua Trang Tông Nhà Lê phong chức Đô tướng Dinh Quảng Nam, tước Trấn Quốc Công. Trong thời kỳ trấn nhậm tại Thừa Tuyên Quảng Nam, Bùi Tá Hán cùng với người con trai trưởng của mình là Bùi Tá Thế đã có công đưa dân miền Bắc vào khai hoang lập ấp, xây dựng xóm làng, quê hương. Bùi Tá Hán đã dẹp yên trộm cướp, giữ vững trật tự xã hội.

Thời kỳ này, ở các huyện miền Tây Quảng Ngãi và Quảng Nam thường bị giặc Đá vách (giặc Đá vách thuộc nhóm người dân tộc thiểu số ở các huyện miền Tây Quảng Ngãi) và quân Chiêm Thành (Chăm) xâm chiếm đánh phá, Bùi Tá Hán đã lãnh đạo nhân dân và quân sĩ chiến đấu bảo vệ lãnh thổ đất nước. Chính ông đã đốc thúc quân dân xây đắp thành lũy cao 2 mét, chạy dài từ huyện Tư Nghĩa đến huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi để chống nhau với giặc Đá vách. Bùi Tá Hán đã xây dựng được mối đoàn kết giữa nhân dân người Kinh và dân tộc ít người. Ông áp dụng chiến lược ngoại giao khôn khéo với các tộc người, các nước láng giềng nên suốt thời kỳ ông trấn thủ ở Thừa Tuyên Quảng Nam đời sống nhân dân đựơc ổn định và phát triển.

Sau vì kinh địch, ông bị quân Chiêm Thành phục kích bắt giết vào một ngày trong tháng 5 năm 1568, tại khu rừng cầy, Thu Phổ thuộc huyện Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi, nay là xã Quảng Phú thành phố Quảng Ngãi. (Có tài liệu nêu ngày mất của ông là ngày 15 tháng 5 năm 1568?)

Sau khi ông mất được Triều đình Nhà Lê phong tặng Thái Bảo. Đến năm Minh Mạng 13 (1832) được gia phong là Khuông quốc tịnh biên Thọ phúc Thượng Đẳng Thần.

Với lòng kính phục và thương tiếc một danh tướng có công với đất nước, quê hương Quảng Ngãi, nhân dân đã thêu dệt nên huyền thoại về cái chết của Bùi Tá Hán: danh tướng Bùi Tá Hán đã hiển thánh, người và ngựa đi đâu không ai biết, chỉ còn lưu lại mảnh nhung y điểm huyết tại khu rừng cầy làng Thu Phổ. Qua bao đời nay, trong dân gian vẫn còn truyền tụng hai câu thơ nói về cái chết của ông:

Nhơn mã bất tri hà xứ khứ
Huyết y trường dữ thử bi lưu

(Người, ngựa đi đâu nào thấy bóng
Máu, bào còn để ở lời bia).

Nhân dân Quảng Ngãi đã xây mộ và đền thờ Bùi Tá Hán tại rừng cầy (còn gọi là rừng lăng) Thu Phổ. Ngày 2 tháng 3 năm 1990, Bộ Văn Hoá Thông tin đã ra Quyết định số 168 xếp hạng mộ và đền thờ Bùi Tá Hán thành di tích lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia.

Danh tướng Bùi Tá Hán là nhân vật lịch sử đã đi vào huyền thoại trong tâm thức của người dân miền núi Ấn sông Trà. Tên tuổi của Bùi Tá Hán qua bao đời nay đã gắn liền với núi sông quê hương Quảng Ngãi. Đối với đất nước và dân tộc Việt Nam ông là một trong những danh tướng có công mở cõi về phương Nam, dựng nước và giữ nước, riêng đối với quê hương Quảng Ngãi ông đã được tôn vinh thành Tiền hiền có công mở đất, lập làng.

Lê Ngọc Trác
2008

Tài liệu tham khảo:

- Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế (1999).
- Non nước xứ Quảng của Phạm Trung Việt (1971).
- Mộ và đền thờ Bùi Tá Hán của Lê Thị Chung (Di tích Thắng cảnh Quảng Ngãi – 2001).
- Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim (1999). 

 

Xem các bài Cùng tác giả tại đây

Trở về website www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh