Dâng tặng người tôi đã học và mến tặng những cuộc đời chưa may mắn.
ĐÀO DUY AN
Tôi là thầy thuốc. Tôi nhớ lời thầy Lương Phán từng viết cho tôi rằng:
-“Bệnh nhân và sách luôn là thầy của thầy thuốc”. Tôi học được nhiều từ quý thầy.
Thầy dạy ta, tôn vinh là: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.
Thầy không trực tiếp dạy ta nhưng giúp ta nên người, tôn vinh là: “Viễn tự vi sư”.
Bao người và vạn vật không bao giờ có ý dạy ta nhưng là thầy ta, tôn vinh là gì?
Trong đời cơ man thầy. Tôi học được ít nhất năm bài học từ các thầy.
Bài 1. Hồn nhiên, đôi mắt trong.
Tôi mê mẩn trong đời đôi mắt, đặc biệt là của trẻ thơ. Suối trong veo ấy dạy tôi hồn nhiên cuộc sống.
Tôi bắt gặp mảng trời non ấy trên đường Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội,…, trên gương trẻ Rơ Ngao ở thị làng Kon Tum, trên Quốc lộ 1 Hà Nội-Lạng Sơn của các em bé Nùng Đi học về,…, trên gương mặt tím do bệnh tim bẩm sinh có tím ở những đứa bé trong Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh - các em vẫn tung tăng cười giòn với quả tim tật.
Tôi ngắm say long lanh của các em thơ trong Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, trên đường và trong đời.
Tôi gọi đó là những ánh mắt vô nhiễm.
Đời hối hả nhưng mắt trong đến lạ!
Người lớn mấy ai giữ được màu mắt trẻ?
Bao người đánh mất thưở mới sinh?
Bài 2. Vươn lên, giống Lạc Hồng,
Mỗi sáng tôi chạy trong đời, vòng quanh và vòng đua.
Tôi bắt gặp bác già người Hải Phòng ở Công trường Dân chủ đi nhặt rác qua ngày do không muốn phiền con cái.
Tôi mê mải nét yên đời của bác bán báo ở đường Thành Thái ngay gần cổng Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh mỗi sáng từ 5 giờ, nét mặt an nhiên phập phà và mờ khói thuốc, dõi đời mà mắt cứ vô lo.
Hình ảnh anh xích lô nhỏ thó nhón chân đạp mải miết hướng về chợ đầu mối mỗi sáng tinh mơ ở chân cầu chữ Y và bà cụ 89 tuổi dân Hoằng Hoá, Thanh Hoá bán báo ở ga Hà Nội mỗi dạo 4 giờ sáng vốn chỉ còn hai vợ chồng mà không người phụng dưỡng cứ làm tôi ray rứt mãi: ”Sinh chi đời…”.
Để ý đi ta sẽ thấy có bao đôi quyến luyến cả đời, ông ân cần chăm bà ngày yếu; bà tất tưởi lo cho ông ngày già. Ân tình quá! Bao kiếp dạy ta vươn lên, thanh thản và thanh thản!
Bài 3. Rèn luyện, chí khí lớn,
Chạy đi, chạy mỗi sáng ngay từ khi biết lớn thì ta sẽ gặp các cụ già tập thể dục mỗi sớm, anh xe thồ hồn nhiên uốn điệu khoẻ mạnh trong lúc chờ khách.
Sáng sáng thời trọ gần Công trường Dân chủ tôi và một ông cụ (ông 83 tuổi, hơn má tôi một giáp) cũng vồn vã chào nhau còn tôi thì thường vỗ vỗ lưng còng do loãng xương tuổi già để sau đó biết hai vợ chồng già có người con duy nhất đã tử nạn năm 1978; cụ vẫn an nhiên và rèn sức mỗi ngày.
Tôi thèm quá hình ảnh các cụ tập dưỡng sinh mà tôi bắt gặp mỗi sáng tại đường Kon Tum ngày cũ, tại Hồ Gươm ngày nào và tại Sài Gòn ngày nay và ngày sau.
Đời còn quá đẹp dù “nhỏ rượu bia” nhưng có “già lão luyện”.
Dân tộc này cần lắm chí khí người một nắng hai sương!
Bài 4. An nhiên, tạo xoay vòng,
Người không thể là thầy tôi nhưng dạy tôi bài y đức vô giá là anh Ng, vất vưởng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Đây là tấm gương y đức cho tôi, cho tất cả công chức Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum và cho ai quan tâm y đức. Ai đó có để ý cứ mỗi bệnh viện thì có một hai người sống lay lắt, vật vờ bên các xác chết, cơm thiu bệnh nhân nhưng họ thản nhiên khiêng xác, dọn chất thải độc hại…Họ ý thức hay ẩn thức?
Ai đó có thèm an nhiên giấc ngủ trọ này không: người lang thang, anh xích lô, bác xe thồ chợp giấc nồng, chân vắt võng lên tay lái dọc cư xá Nguyễn Trung Trực đến Công trường Dân chủ.
Ôi, giấc ngon!
Mấy ai thấm được lẽ “tạo xoay vòng” mà an nhiên và vô vi?
Bài 5. Đời trong!
Trong quá trời trong, mây ngà ngọc.
Bừng sinh tôi đoá bụt sớm bên hàng hoa Nhà hát Hoà Bình.
Mỗi sát na tôi trong trẻo đọc.
Ta mẩn mê đời.
Cảm ơn nhiên sách và vô sư!
Dân chủ 11/1/2007
Trọ Bình 17/4/2009
Đào Duy An