Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
NGUYỄN DUY CUNG ...
NGUYỄN DUY LONG


NGUYỄN DUY CUNG VỚI “HUYẾT LỆ TÂM THƯ
Nguyễn Duy Long

Chọn con đường đi cùng dân tộc trong thời khắc tổ quốc lâm nguy, Nguyễn Duy Cung (1839-1885) ra đi trong tư thế hy sinh lẫm liệt của một chí sĩ Cần vương và ông kịp để lại một huyết thư chiêu gọi hồn nước thể hiện khí phách can trường, lên án những kẻ thay lòng đổi dạ, kêu gọi mọi người dấn thân vì đại nghĩa.

Nguyễn Duy Cung hiệu Văn Giang, sinh năm Kỷ Hợi (1839), người làng Vạn Tượng, huyện Chương Nghĩa (1) ( nay thuộc xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi), tỉnh Quảng Ngãi. Năm Mậu Thìn (1868), ông cùng với người anh là Nguyễn Tấn Phó đậu cử nhân tại trường Bình Định (2). Sau đó, ông ở nhà mở trường dạy học. Tương truyền, Nguyễn Duy Cung là thầy dạy của Lê Trung Đình (3). Ắt hẳn ông đã ảnh hưởng không ít đến sự hình thành chí hướng, nhân cách của người học trò trẻ khí phách và tài hoa này. Ra làm quan, ông từng giữ chức vụ tham biện sơn phòng Nghĩa Định (1882), án sát Bình Định (1885) (4).

Năm Giáp Thân (1884), Hiệp ước Patenotre chính thức thừa nhận quyền bảo hộ của nước Pháp trên toàn cõi nước Việt, chế độ phong kiến Việt Nam với ý nghĩa một vương triều độc lập sụp đổ. Vua Hàm Nghi cùng với phái chủ chiến do Tôn Thất Thuyết đứng đầu quyết định thực hiện một kế hoạch táo bạo là đánh úp căn cứ quân Pháp ngay tại kinh đô Huế. Kế hoạch thất bại, Tôn Thất Thuyết buộc phải xa giá Hàm Nghi rời kinh thành ra sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị) chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến lâu dài. Tại đây, ngày 2 tháng 6 năm Ất Dậu (13 tháng 7 năm 1885), dụ Cần vương được truyền đi hiệu triệu toàn dân đứng lên phò vua cứu nước:

-“Kẻ trí hiến mưu, người dũng hiến sức, giàu có bỏ của ra giúp quân nhu, đồng bào đồng trạch chẳng từ gian hiểm” (5).

Hưởng ứng dụ Cần vương, dân chúng khắp nơi dưới sự lãnh đạo của tầng lớp sĩ phu sôi nổi đứng lên chống Pháp. Tại Bình Định, Đào Doãn Địch chiêu tập quân binh. Văn nhân võ tướng bốn phương, như danh sĩ Nguyễn Trọng Trì, anh hùng Mai Xuân Thưởng và kể cả thự tổng đốc Bình Phú là Lê Bá Thận (sic- Lê Thận), cùng kéo về giúp sức (6). Sơn hà nguy biến, đến kẻ “thất phu” cũng còn “hữu trách” huống chi trong huyết quản con người trượng phu Nguyễn Duy Cung còn có dòng máu “hào kiệt” luân lưu. Ông cũng tụ về dưới lá cờ đại nghĩa giúp việc tham mưu và trông coi về từ lệnh (7).

Tháng 8 năm 1885, quân Pháp đổ bộ vào Qui Nhơn, kéo lên đánh chiếm thành Bình Định. Cuộc chiến không cân sức, nghĩa binh thất bại. Đào Doãn Địch giao thành Bình Định cho Lê Thận coi giữ, còn ông cùng Nguyễn Duy Cung lui về An Nhơn, rồi An Khê lập căn cứ, trường kỳ kháng chiến. Lúc này, Lê Thận thay lòng đổi dạ, viết thư lên An Khê xin viện binh để đủ sức chống cự lâu dài. Nguyễn Duy Cung dẫn hai đại đội nghĩa binh về tăng cường. Lê Thận trở mặt, tống giam ông rồi mở cửa thành đón quân Pháp (8).

Nhằm lung lạc ý chí cứu nước của cả cộng đồng, kẻ thù tìm cách ép buộc Nguyễn Duy Cung chấp nhận “mưu hòa hoãn”. Không sờn trước gian nguy, không khuất trước uy vũ, không lay trước dụ dỗ, ông khảng khái từ chối. Kẻ thù ghép ông vào tội hội họp văn thân. Ngày 1 tháng 7 năm Ất Dậu (10 tháng 8 năm 1885) ông bị hành quyết (9).

Trong tù, ông cắt tay lấy máu viết một huyết thư chiêu gọi hồn nước thể hiện khí phách can trường, lên án những kẻ thay lòng đổi dạ, kêu gọi mọi người dấn thân vì đại nghĩa(10). Cái hùng tâm, cái tráng khí của con người yêu nước thương dân đến quặn lòng này đã chuyển hóa thành bản hòa thanh chan hòa máu và nước mắt trên từng câu, trên từng chữ.

Đó là niềm đau của một trung thần trước cảnh nước mất nhà tan, kinh đô đang bị quằn quại dưới gót giày xâm lược. Con tim như thắt lại, tiếng nói vừa nghẹn ngào, vừa uất hận:

Xót nghĩ kinh thành thất thủ, oán kết ruột đau
Sầu lo xa giá chạy dài, hằn sâu răng nghiến
(11).

Đó là nỗi bàng hoàng trong cơn mộng dữ khi chứng kiến kẻ phản bội mở cửa thành đón tiếp quân xâm lược:

Không ngờ gian thần bán nước,
Nỡ đem lãnh thổ cho Tây
.

Và ông thanh thản đi vào cõi chết nhẹ như lông hồng, xem cái chết là chính khí trả về cho trời đất:

Thà làm ma có hồn trung vía nghĩa,
Không làm người đeo mặt ngựa đầu trâu
.

Tuyên thệ với non sông đất nước về tấm lòng kiên trinh của mình, chọn lấy cái vinh tránh cái nhục, cơ hồ như ông đã ý thức được mình tô thắm thêm truyền thống bất khuất của dân tộc:

Bày hết gan trung ruột nghĩa, đối chủ cũ không thẹn lương tâm,
Dám cầu cao tiết thơm danh, cùng người xưa sánh hàng liệt sĩ.

Với niềm tin tất thắng không gì lay chuyển nổi, ông dõng dạc kêu gọi đồng bào đứng lên khôi phục giang sơn:

Xin trong tay sắp sẵn qua mâu, lòng địch khái còn hăng chưa nhụt.
Xin cùng nhau gọn gàng giáp trụ, chí cần vương còn mạnh không quên.

(…)


Nhà nước được vững vàng, từ nay mong nhờ chúng tri.
Kinh thành lại khôi phục, sau đây cậy có các ông.

Nguyễn Duy Cung bảo toàn khí tiết, giữ vẹn lòng son không phải bằng cách khoanh tay đứng nhìn thế sự mà dấn thân vì đại nghĩa, góp vào sự nghiệp cứu nước cái vốn quý nhất của đời người là sự sống, góp vào dòng văn thơ yêu nước một thuở một áng văn bền vững với năm tháng. “Văn chương chi sự thốn tâm thiên cổ”. Người xưa xem văn chương là việc gởi tấc lòng vào nghìn năm.

Phải chăng, với áng văn tỏa sáng hào khí dân tộc, Nguyễn Duy Cung bắt đầu một đời sống khác, lâu dài và phong phú hơn trong lòng người dân nước Việt ?

NGUYỄN DUY LONG

Tài liệu tham khảo và chú thích:

(1-2) Bùi Hồng Nhân, Lê Hồng Long, Trường Lưu và TGK. Quảng Ngãi – Đất nước, con người và văn hóa. Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi. Quảng Ngãi. 1997: 59-61.
Cao Xuân Dục. Quốc triều hương khoa lục. Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch, Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh. 1993 : 399.

(3) Phạm Trung Việt. Non nước xứ Quảng tân biên. Khai trí. Sài Gòn. 1971: 107-11.

(4) Năm 1885, trước khi tử tiết, trong “Hịch kêu gọi chống Pháp”, ông viết: Sung chức sơn phòng tham biện mới được bốn năm, Đổi sang tỉnh cạnh đề hình chưa đầy ba tháng.
Xem: Hợp tuyển thơ văn yêu nước: Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX. Trần Văn Giàu giới thiệu, Chu Thiên, Đặng Huy Vận, Nguyễn Bỉnh Khôi biên soạn, Chu Thiên, Hà Văn Tấn, Hoàng Tạo, Khương Hữu Dụng dịch thơ. Nxb Văn học. Hà Nội. 1970: 301-6.

(5) Trần Văn Giàu. Chống xâm lăng (Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1898). Quyển thứ ba: Phong trào Cần Vương. Xây dựng. Hà Nội. 1957: 69-70.

(6)
- Theo Quách Tấn và Quách Giao, viên quan đứng đầu tỉnh Bình Định hưởng ứng phong trào Cần Vương tên là Lê Bá Thận.
Xem: Quách Tấn. Non nước Bình Định. Nxb Thanh niên. Hà Nội. 2004: 241.
Quách Tấn, Quách Giao. Võ nhân Bình Định. Nxb Trẻ. Thành phố Hồ Chí Minh. 2001: 461-3.
- Theo Đại Nam thực lục, khi dấy lên phong trào Cần Vương thì thự tổng đốc Bình Phú tên là Lê Thận.
Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXXVI. Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Nguyễn Mạnh Duân hiệu đính. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1976: 238, 242.
Lê Bá Thận không phải là tên gọi khác (hay tên gọi đầy đủ) của Lê Thận.
- Theo Cao Xuân Dục và những ghi chép của sử gia triều Nguyễn trong Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện thì Lê Bá Thận sinh năm 1822, mất năm 1881, đậu cử nhân năm 1846 và phó bảng năm 1848, từng giữ các chức hiệp biện đại học sĩ, thượng thư bộ lễ sung cơ mật viện đại thần.
Xem: Tử Phát Cao Xuân Dục. Quốc triều đăng khoa lục. Trúc Viên Lê Mạnh Liêu dịch. Bộ Quốc gia Giáo dục. Sài Gòn. 1962: 103.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXXIV. Trần Huy Hân, Nguyễn Trọng Hân dịch, Nguyễn Trọng Hân, Cao Huy Giu hiệu đính. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1976: 28, 137-9.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện. Tập 4. Trương Văn Chinh, Nguyễn Danh Chiên dịch, Cao Huy Giu, Phan Đại Doãn hiệu đính. Nxb Thuận Hóa. Huế. 1997: 296-8.
- Đại Nam thực lục chính biên cũng ghi chép một vài sự kiện liên quan đến Lê Thận. Năm 1884, khi hòa ước Patenotre được ký kết thì Lê Thận giữ chức hiệp lý thủy sư. Năm 1885, khi phong trào Cần Vương dấy lên thì ông giữ chức thự tổng đốc Bình Phú. Tháng 12 năm Ất Dậu (1885), vì các quan ở Bình Định không bằng lòng và theo ý kiến của khâm sứ Pháp, ông bị giáng hai cấp mang hàm mới về quê hưu dưỡng.
Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXXVI. Sđd : 120, 209, 238-9.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXXVII. Phạm Huy Giu, Trương Văn Chinh dịch, Nguyễn Trọng Hân hiệu đính. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1997: 52.
Với những cứ liệu vừa dẫn trên đây chúng tôi cho rằng Lê Bá Thận và Lê Thận là hai nhân vật khác nhau.

(7) Lộc Xuyên Đặng Quý Địch. Nhân vật Bình Định. Soạn giả xuất bản. Qui Nhơn. 1971: 111-2.

(8) Quách Tấn, Quách Giao. Võ nhân Bình Định. Sđd: 461-3.

(9) Hợp tuyển thơ văn yêu nước : Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX. Sđd: 301.

(10) Bài văn có những tên gọi khác nhau : Huyết lệ tâm thư, Hịch kêu gọi chống Pháp.
Xem: Phạm Trung Việt. Non nước xứ Quảng tân biên. Sdd: 107-11.
Hợp tuyển thơ văn yêu nước : Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX. Sđd : 301-6.
(11) Những đoạn in nghiêng, nếu không chú thích, đều được trích dẫn từ bài “Hịch kêu gọi chống Pháp” in trong Hợp tuyển thơ văn yêu nước: Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX đã dẫn trên đây.

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh