SÔNG VỆ NUÔI LỚN NHỮNG TÂM HỒN THƠ
Lê Ngọc Trác
Quê hương tôi có sông Trà, sông Vệ. Có Thiên Ấn niêm hà, Thiên Bút phê vân. Hai mươi năm chưa một lần trở lại. Ngày về thăm nghe bão nổi trong tim. Vâng, xa quê hương, ngày trở về trong chúng ta, ai mà không nghe gió nhớ thổi mênh mang?... Người về quê, chợt nhớ bóng quê năm nào. Nhớ lũy tre làng, nhớ cánh diều no gió trong chiều, nhớ cánh đồng, nhớ dòng sông...
Quảng Ngãi – quê hương tôi có bốn dòng sông: Sông Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu và sông Vệ. Với chiều dài hơn 80 cây số, sông Vệ là con sông lớn thứ hai sau sông Trà Khúc. Khởi nguồn từ non cao, sông Vệ chảy qua các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành và Tư Nghĩa đổ ra cửa Đại Cổ Lũy hòa mình vào biển Đông nước Việt.
Sông Vệ, nhìn từ hướng Đông
Với chúng tôi, sông Vệ là giòng sữa mẹ, nuôi lớn, vỗ về, nâng bước chân bao thế hệ chúng tôi trong những năm tháng mưa sa, bão tố cũng như trong những mùa nắng ấm, đưa bao thế hệ vào đời. Những người con sinh ra và lớn lên bên giòng sông Vệ, dù trong cuộc sống họ mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau. Nhưng, tất cả đều mang tâm hồn thơ. Trong các bài thơ của họ sáng tác đều đậm nét hình ảnh thân thương của dòng sông quê hương. Sông Vệ như một dấu ấn sâu sắc trong thơ và trong cuộc đời những tâm hồn thơ của đất và trời sông Vệ.
* Hoàng Trần, một người sinh ra tại Nghĩa Hiệp nằm ở bờ Bắc dòng sông Vệ viết những câu thơ về "Quê Mẹ", đã tạo ra độ rung lớn trong lòng người yêu thơ:
"Lũy tre làng bao bọc tuổi thơ tôi
Lúa chao võng, tôi no dòng sữa mẹ
Sông Vệ chở phù sa bồi cho tôi bám rễ
Núi Đất cõng tôi lên đón ánh mặt trời
Hổi hổi lòng tôi là củ khoai trái bắp
Ngọt bùi hương vị ca dao:
Củ lang mỏng vỏ đỏ da
Ai về Long Phụng theo ta thì về...
Trong vi vút gió đồng khoáng đạt
Tôi cánh diều tung tăng
Lớn khôn rồi mới hiểu hết gian truân
Để hạt thóc lại trở thành hạt lúa
Cái nắng cơn mưa, dịch hại vô chừng
Bưng chén cơm và, lòng bỗng rưng rưng...
Con đã đau nỗi đau rời Mẹ
Long Phụng ơi, từ bấy đến nay
Thoáng thấy sông, lại nhớ dòng sông Vệ
Gặp đồng hương, ồ, giọng ấy quê mình..."
* Với bài thơ "Viết bên dòng sông Vệ", Hoàng Trần đã làm cho những người đồng hương của mình nhớ lại một thời quê hương chìm trong khói lửa, chiến tranh ly tán, một thời chưa xa với bao hoài vọng hình bóng quê nhà:
"Quê hương tôi miền Trung bình dị lắm
Bát cơm nghèo hai bữa độn ngô khoai
Manh áo vải bốn mùa hăng bụi đất
Đường gân thô sớm tối giữ tay cày
Vồng lang tím hoa lay đùa gió nhẹ
Hàng keo gầy ôm ấp mộng bình yên...
Ngày binh lửa dấy tràn nơi xóm nhỏ
Lũy tre già gục mặt khóc măng non
Bông bụt đỏ xác nhầu vương thuốc súng
Chưa biết gì sao nghẹn ứ đau thương
Tôi bỏ xứ tha phương từ độ ấy
Lòng rơi theo hoa sứ rụng sân trường
Chiều tháng Chạp trở về bên sông Vệ
Dòng nước này đang đổ xuống làng tôi
Sông thì chảy mà không đò xuôi ngược
Tôi ngẩn ngơ như mất Mẹ bên đời..."
* Ngô Hữu Đoàn, người con của làng Phú Mỹ (Nghĩa Mỹ) nằm bên bờ Bắc sông Vệ, một trong những người có những bài thơ "lạ" trong thế kỷ 20. Khi nhớ về dòng sông quê nhà, Ngô Hữu Đoàn viết bằng những cảm xúc chân thật của lòng mình. Lời thơ mang màu xanh sông Vệ, bình dị như cây lúa củ khoai, đồng đất quê nhà đã làm cho bao người đọc nghe lòng mình rưng rưng nhớ lại một thời gian khó, nhớ lại tuổi thơ của đời mình:
"Mai em có về ngang sông Vệ
Còn nhớ bãi dưa xanh, anh gánh nước chưn phồng
Tháng Hai nước cạn gió nồm hây hẩy mát
Là bắt đầu năm mới của giòng sông
Đất thịt xúc từ bờ tre thơm ngọt
Anh gánh ra lồng xuống bãi trắng phau
Đời cơ cực cát cũng thương tình đất
Dọc bãi soi xanh ngắt một màu
Thằng em nhỏ gánh đôi thùng nho nhỏ
Tháng Năm trời hắt lửa đốt quê hương
Tôi nhớ mãi lời thằng em trai nhỏ
"Anh hối hoài để em thở chút coi"
Tháng Bảy đến trời thường mưa giông lắm
Đám dưa vàng ngập úng giấc mơ xanh
Mẹ hái muối cho mùa Đông đỡ lạnh
"Thôi nghe con, đạp đỡ chiếc xe trành!"
Mai em có về ngang sông Vệ
Tháng Tám nước lên cứ dốc ống bên dòng
Con cá bống kho dưa cong vàng óng
Xa lâu rồi... sao cứ... ngỡ đâu đây
Mai em có về ngang sông Vệ
Có thấy chòi dưa dáng cũ năm nào?
Dòng nước trong soi rõ từng viên cuội
Thấy đáy lòng mình còn mặn mặn vị quê hương".
(Bài thơ "Nhớ sông Vệ" của Ngô Hữu Đoàn)
Sông Vệ, nhìn từ hướng Đông.
* Với Lê Quang Tân một người ở bờ Bắc dòng sông Vệ (Nghĩa Phương), thì dòng sông quê hương như một người tình chia xa với bao thương nhớ làm đau nhói con tim:
"Anh có nói gì đâu
Mà xa rồi sông Vệ
Anh có nói gì đâu
Mà mắt sông ướt thế
Hoa cau nhà ai rơi
Cho trắng dòng bến lở
Duyên xưa không chồng vợ
Tình em sang bến bồi
Mười năm mùa nước cạn
Anh không về bến sông
Em, bến nào khỏa nước
Giặt áo con, áo chồng
Mười năm mùa nước lũ
Anh không về bến sông
Sóng xô mòn bãi cát
Bến xưa có bồi không
Anh có nói gì đâu
Mai xa rồi sông Vệ
Anh có nói gì đâu
Mà mắt em ướt thế
Lời xưa anh lỡ thốt
Em dỗi hờn quay đi
Để chiều nay bạc tóc
Xa rồi, sông Vệ ơi!..."
(Bài thơ "Xa rồi, sông Vệ" của Lê Quang Tân)
* Trần Thuật Ngữ, một người sinh ra và lớn lên ở Long Phụng bên bờ Nam con sông Vệ đã có những câu thơ lấp lánh chất thi sĩ. Với Trần Thuật Ngữ, dòng sông là cả một câu chuyện cổ tích, là nơi hò hẹn, là cả những ước mơ...:
"Có dòng sông nào không hò hẹn
Người về dạo bước những đêm trăng
Cho em kể chuyện ngày thơ dại
Tiếng sóng xa đưa tiếng lá kèn
"Ai ví dòng sông như tiếng hát
Mẹ ru con ngủ thuở nằm nôi
Vợ tiễn đưa chồng rưng nước mắt
Mùa xuân hoa cúc nở vàng tươi
Ai ví dòng sông như chuyện cổ tích
Lặng nghe bà kể những trưa hè
Có chùm phượng đỏ rung trong nắng
Và bướm bay đầy những giấc mơ
Ai ví dòng sông như tuổi thơ
Như con ngựa chứng giữa đôi bờ
Suốt đời trôi mãi trong hoài vọng
Với biển xanh hòa những ước mơ."
(Gặp Hà ở Sài Gòn – thơ Trần Thuật Ngữ)
Phải chăng, đất trời và phù sa sông Vệ đã nuôi lớn những tâm hồn thơ của quê hương. Và, cũng chính những người con của quê hương sông Vệ, qua thơ của mình đã làm đẹp thêm dòng sông quê hương chúng ta. Tôi tin những bài thơ viết về dòng sông Vệ thân thương sẽ sống mãi với quê mình.
LÊ NGỌC TRÁC.