Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 09, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
CẦU TIÊN
NGUYỄN ĐỨC LẬP
Các bài liên quan:
    CẦU TIÊN


- Ba Lăng...

Thầy tôi (1) vừa xướng được hai chữ, anh em tôi tức thì tiếp theo liền:

-“...Nhứt vọng Động Đình thu
Nguyệt chiếu cô phong thủy thượng phù
Văn đạo thần tiên bất khả tiếp
Tâm tùy hồ thủy cộng du du
Chốn Bồng Đảo vân hoàn thủy nhiễu
Luyện linh đơn hỏa táo dao lê
Linh hư là chốn lê thê
Sớm chơi bích thủy, tối về Thương Ngô...”

Chúng tôi đang ở trong một buổi cầu Tiên trên căn gác nhà tôi. Căn gác vừa nhỏ vừa thấp, phải lom khom cúi sát, hoặc phải bò, mỗi khi muốn di chuyển. Cái bàn, chân thấp, bình thường là bàn học của chúng tôi, được dùng làm bàn thờ. Đơn giản thôi! Đèn, nhang, bình bông và ba chung rượu. Ngồi xếp bằng trước bàn thờ là chú Trúc Nam Trần Thiên Bích (2), mặc áo dài lương đen, quần trắng. Trước mặt chú là một cái mâm thau, cái mâm vẫn dùng để bưng thức ăn, nhưng đã được chùi rửa thật kỹ càng.

Ngồi bên cạnh chú Trúc Nam, thầy tôi, cũng áo dài lương, quần trắng, nhưng trên đầu còn có thêm một cái khăn đen Suối Đờn.

Anh em chúng tôi, ba đứa, ngồi lúp xúp đàng sau, tiện chỗ nào mà ánh sáng đèn cầy chập chờn soi vào, có thể nhìn vào giấy mà đọc được.

“...Bầu thế giới giang hồ thong thả
Thú yên hà chi bả trần ai
Tiêu diêu tử phủ đơn đài
Ba ngàn thế giới cõi ngoài trường sinh...”

Hồi xế chiều, thầy tôi đã sai tôi chạy ra tiệm thuốc Bắc Di Sanh Đường, mua châu sa và thần sa, mỗi thứ 5 đồng cân và ghé tiệm tạp hóa của ông “Tàu ho lao” (bởi ông này ốm nhom ốm nhách, xanh xao, lúc nào cũng ở trần lòi xương sườn xương sống, nên hàng xóm đặt tên như vậy), để mua một tấm giấy vàng, thứ để vẽ bùa...

Trước khi lên đèn, thắp nhang, bắt đầu cuộc cầu Tiên, thầy tôi đã rọc tấm giấy vàng thành những mảnh nhỏ, bề ngang độ hai lóng tay, bề dài độ một gang. Chú Trúc Nam đã dùng châu sa, thần sa trộn với rượu, trong một cái chung nhỏ và dùng bút lông vẽ những chỗ ngoằn ngoèo trên các mảnh giấy vàng. Bùa viết bằng châu sa, thần sa đỏ tươi này được dán chung quanh gác và chúng tôi, mỗi đứa được chú trao cho một lá để bọc trong túi...

(Về chuyện vẽ bùa, dán bùa, cho bùa đặng chúng tôi bọc vào túi, cả chú Trúc Nam lẫn thầy tôi không có giải thích, nhưng có lần má tôi (3) đề cập đến. Má tôi kể, dượng Bốn tôi (cô Bốn là chị ruột của thầy tôi), ở Sung Tích, có dạo tập tểnh làm đồng tử cầu Tiên ; lần đầu tiên, dượng ngồi đồng, bởi bùa không cao, không phải Tiên nhập mà là quỷ nhập ; dượng đập phá tan hoang nhà cửa, ai cản cũng không nổi ; sau, phải mời thầy cao tay ấn tới, họa phù, phun nước vào mặt dượng, dượng mới tỉnh. Từ đó, dượng bỏ hẳn ý muốn trở thành đồng tử).

Sau khi chú Trúc Nam dán bùa và cho bùa xong xuôi, thầy tôi, gia chủ, thắp nhang, cầu khẩn. Chú Trúc Nam cũng thắp nhang liền theo.

Rồi, thầy tôi xướng và chúng tôi nối giọng đọc bài thơ cầu Tiên.

“...Mùi dinh dưỡng nhựt tinh nguyệt túy
Luyện chân hình chân khí phi thăng
Thoắt như bẻ quế cung trăng
Giang hồ ngàn dặm xem bằng tấc gang
Phép đã diệu trần gian biến hóa
Lại phù hay nạt đá nên dê
Nương con xích ký ra về
Trăng thanh gió mát ngỏa nguê bầu trời...”

Trong khi đó, chú Trúc Nam vẫn ngồi im lặng. Thỉnh thoảng chú nhắp một chung rượu nhỏ...

Chúng tôi đọc một lần, hai lần bài thơ. Bấy giờ chú Trúc Nam mới cầm tới cây bút. Đây là dụng cụ gồm hai phần, một phần bằng tre đan, như là một cái rổ quảu úp ngược, bên trên có một mảnh gỗ khắc hình hoa sen búp. Từ miệng rổ úp ngược đó, có một cái cần dài bằng gỗ, dài độ một thước, ở đầu có cái ngoéo chĩa xuống. Khi cầu Tiên, người đồng tử hai tay cầm hai bên vành chiếc rổ, giữa cái cần, và hướng cái ngoéo của cây cần xuống chiếc mâm...

Chúng tôi đọc đến giữa lần thứ ba bài thơ thì Tiên nhập. Chú Trúc Nam đang ngồi im, bỗng giật hai tay, gõ cái ngoéo của cần bút xuống mặt cái mâm, nghe cái bộp.

* * *

Tôi từ nhỏ, đã nhiều lần, rất nhiều lần, bây giờ, có cố nhớ lại, cũng đếm không hết, theo hầu những buổi cầu tiên. Và, nhờ đó, mà rất nhiều lần tôi được tiếp xúc với chú Trúc Nam Trần Thiên Bích. Chú là bạn thân của thầy tôi, tuy rằng hai người cách nhau độ 15 tuổi. Tánh khí của hai người hoàn toàn khác nếu không muốn nói là trái ngược nhau, mà là bạn thân với nhau được cũng lạ. Chú Trúc Nam tánh trầm tĩnh, nói năng mực thước, không lớn tiếng, không cười to. Thầy tôi tánh nóng nảy, cười to nói lớn. Thầy tôi làm thơ, chú Trúc Nam cũng làm thơ, vậy mà tôi chưa bao giờ thấy hai người bàn chuyện thơ phú với nhau.

Hồi còn ở Quảng Ngãi, mỗi lần chú thím Trúc Nam vào Sài Gòn đều ở nhà tôi. Chú cũng là bạn của bác Bút Trà tôi, nhưng chú chỉ ghé thăm đôi giờ, rồi đi, chớ không bao giờ ở lại nhà bác.

Chỉ một chuyện nhỏ nầy thôi để thấy tình cảm giữa thầy tôi và chú Trúc Nam thân thiết như thế nào. Vào những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, thầy tôi bị lẫn nhiều, không còn nhớ gì hết, thường chỉ nằm im trên giường. Bất ngờ, có thư của chú Trúc Nam từ bên Mỹ gởi về. Má tôi cầm thư vào cho thầy tôi biết. Thầy tôi biểu đọc. Nghe xong, làm như cả một quá khứ sống lại, thầy tôi chụp viết viết luôn một bức thư cho chú, sau đó, trở về trạng thái cũ...

Trở lại chuyện cầu Tiên. Vì cho là một cái thú, nên thầy tôi rất thích. Thường thì thầy tôi cầu với chú Trúc Nam, thỉnh thoảng với chú Điển Võ (4), chú Huỳnh, có lần với chú Hà Thúc Ngọ.

Cũng là đồng tử, nhưng chú Điển Võ có lối ngồi đồng khác với chú Trúc Nam rất xa.

Chú Điển Võ, người dong dỏng cao, để râu sớm và râu tóc bạc sớm. Chú thích ăn mặc theo “mốt” Tây Hồ, một bộ áo quần bà ba lụa lèo, bên ngoài khoác một cái áo bành-tô, mang giày Tây, đội nón nỉ. Vào Sài Gòn tự thuở nào, chú vẫn nói giọng Quảng Ngãi đặc sệt.

Ngồi đồng, chú cũng mặc bộ bà ba trắng. Chú dùng một dải giấy vàng, có vẽ bùa, quấn quanh đầu như như một cái mão. Chú không dùng bút như chú Trúc Nam, mà dùng một nhánh đào, độ bốn tấc, róc hết vỏ.

Lúc tiên đã nhập rồi, mỗi khi viết một chữ lên mâm, chú Điển Võ đưa nhánh đào lên khỏi đầu, nhắp nhắp vài cái, rồi mới hạ tay xuống viết. Chú viết trên mâm gạo, bằng chữ Nho và thầy tôi phải đọc. Nhiều khi, chú viết lằng quằng, thầy tôi đọc không ra, tức thì chú nổi giận đùng đùng, đập bút xuống mâm đồm độp. Trông chú lúc đó thật là dữ dội.

Có một lần, trong lúc Tiên đang cho thơ, bác Bút Trà tôi nhìn một bà khách trong đám, cười duyên. Tức thì chú Điển Võ đâp bút rầm rầm và cầm nguyên cái mâm liệng vào bác tôi (một hành động mà nếu tỉnh, chú Điển Võ không bao giờ dám làm, cho dầu có đưa tiền biểu làm) và ông Tiên thăng luôn.

Chú Trúc Nam, lúc Tiên nhập vào rồi, không có dữ dội như vậy. Chú viết trên mâm không có gạo và viết chữ nào, chú đọc liền chữ nấy, giọng vẫn bình thường. Trong lúc Tiên đang nhập, thỉnh thoảng, chú vẫn quay qua thầy tôi, nói chuyện bình thường.

Về sự khác nhau khi ngồi đồng giữa chú Điển Võ và chú Trúc Nam, tôi có thắc mắc và được chú Trúc Nam giải thích: Có hai loại đồng, đồng mê và đồng tỉnh ; Đồng mê thì khi Tiên nhập vào rồi thì không còn biết gì nữa hết, nói cái gì, viết cái gì, làm cái gì là do ông Tiên ; Đồng tỉnh, khi Tiên nhập vào rồi, vẫn còn biết; Đồng tỉnh khó luyện hơn đồng mê...

Chú Huỳnh ngồi đồng thì có trạng thái giữa chú Điển Võ và chú Trúc Nam. Còn chú Hà Thúc Ngọ, khi Tiên nhập vào thì nhỏ nhẹ, hiền khô, giống như hình vóc và tánh tình của chú.

Nói rằng cầu Tiên là một cái thú tao nhã, vậy cái thú đó là gì?

Thầy tôi thích cầu tiên là để hỏi về tình hình thời sự, về tương lai đất nước. Mỗi lần thầy tôi hỏi, ông Tiên trả lời bằng thơ chữ Nho, thao thao bất tuyệt, có khi chép lại cả bốn, năm trang giấy... Và, thơ bằng chữ Nho thì mấy người hầu chầu rìa, như anh em tụi tôi chịu chết, cho nên ông Tiên cho biết trước những gì sẽ xảy ra cho đất nước, có đúng hay không, tôi không thể biết được, bởi vì trình độ chữ Nho của tôi là “Nho rời” chớ không phải “Nho chùm”.

Má tôi, không ngồi hầu, nhưng lần nào cũng có điều hỏi ông Tiên. Má tôi viết câu hỏi vào trong giấy, xin được trả lời bằng chữ Nôm, bỏ vào bì thư, dán kín. Cái thư để trên mâm và ông Tiên chỉ dùng bút rà rà trên bao thư, chứ không mở bao thư ra. Điều kỳ lạ là ông Tiên trả lời ăn khớp với câu hỏi và bằng thơ chữ Nôm.

Một điều kỳ lạ nữa là tôi chưa từng thấy chú Điển Võ làm thơ. Vậy mà khi Tiên nhập rồi, thơ chữ Nho tuôn ra ào ào...

Trong những buổi cầu Tiên, có khi có người xin thuốc trị bịnh và ông Tiên nhiều khi cho những bài thuốc hết sức là đặc biệt, lạ lùng.

Má tôi thường bị nhức đầu, ông Tiên dạy tìm một tổ con ong tò vò, bằng đất, mà phải là cái tổ có con ong con chưa nở kìa, đem về quết nguyễn, nhỏ vô chút nước, dán vào hai bên màng tang. Bài thuốc không có ghi trong sách thuốc nào, mà má tôi lành bịnh nhức đầu, thiệt là kỳ lạ.

Người chị thứ tư của tôi bị bịnh lạ, bàn chân bị mưng mủ, đi đứng khó khăn... Ông Tiên cho một bài thuốc gồm nhiều vị, đặc biệt mỗi thang thuốc phải dùng 9 con se sẻ đực và phải nhổ lông những con se sẻ này lúc nó còn sống và phải uống đủ 9 thang. Chị tôi chỉ uống có một thang. Tôi chỉ phải đi xuống chợ Cũ, vào tiệm Tạp Tường, mua chim có một lần. Chị tôi không chịu nổi khi nhổ lông chim. Mỗi lần giựt một cái lông, con chim kêu thảm thiết và lúc thui, nó kêu chết còn thảm thiết hơn nữa, chị tôi vừa làm vừa khóc...

* * *

Thời buổi này mà còn nhắc chuyện cầu Tiên, chắc chưa chi có người đã trề môi mà chê rằng chuyện mê tín dị đoan.

Nhưng, mê tín hay không mê tín, dị đoan hay không dị đoan, biết nói làm sao cho phải? Tôi viết là để nhắc những kỷ niệm thời xưa cũ mà bây giờ, muốn sống lại, cho dù một giây, một phút, cũng không được nữa.

Thầy tôi, má tôi, chú Điển Võ, chú Huỳnh, chú Hà Thúc Ngọ của một thời cầu Tiên thuở trước, đều không còn trên cõi đời này. Chú Trúc Nam đã quá tuổi thiên liễu. Có lần tôi hỏi chú có còn ngồi đồng nữa không thì chú cho biết là đã yếu quá rồi, không ngồi nổi nữa. Thật là ngậm ngùi.

Thầy tôi là nhà Nho theo đường lối cách mạng của cụ Sào Nam Phan Bội Châu, không dễ mà tin những chuyện dị đoan, nhảm nhí. Mẹ tôi theo cái học của Tây phương, cũng không dễ mà mê tín vào những điều vô căn vô cứ. Còn tôi, tôi thuộc loại cứng đầu, phải thấy mới tin, phải có chứng nghiệm mới tin. Và, chúng tôi tin vào chuyện cầu Tiên.

Nếu nói là dị đoan, tại sao chú Lâm Tô Bông, em cô cậu của thầy tôi, đậu kỹ sư bên Pháp, cũng tin vậy. Tôi biết ít nhất là bốn lần, mà tôi có tham dự ba lần, chú đã mời chú Trúc Nam, chú Huỳnh, chú Hà Thúc Ngọ đến nhà chú cầu Tiên, khi ông thân sinh của chú là cụ Lâm Tô Bích bị bịnh nặng...

Tôi viết những dòng này mà tiếc rằng một cái thú tao nhã như vậy, thơ phú hoa thêu gấm dệt, không nhuốm một chút tài lợi bụi trần mà bị mai một đi, thật là uổng. Biết nói làm sao được, nhân loại chỉ bước tới, có những chuyện xảy ra mới chưa đầy 50 năm, mà nhắc lại, như kể chuyện cổ tích, đời xửa đời xưa...

NGUYỄN ĐỨC LẬP

Ghi chú: 
 

(1) Tức nhà thơ, nhà báo Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy (1902-1985), quê Cổ Lũy, Tư Nghĩa, đã cùng anh là nhà thơ, nhà báo Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận (1900-1981) vào Sài Gòn làm báo từ những năm đầu của thập niên 20 thế kỷ trước và cùng nổi danh về nghề báo từ trước năm 1945.

(2) Lão thi sĩ Trúc Nam Trần Thiên Bích, người Thu Xà, Tư Nghĩa, đã ngoài tuổi 90. Hiện định cư tại Texas.

(3) Tức Bà Tùng Long (1915-2003), tác giả của rất nhiều tiểu thuyết nổi tiếng tại Miền Nam từ thập niên 50 của thế kỷ trước.

(4) Điển Võ người Tư Nghĩa, vào Sài Gòn làm báo với 2 nhà báo Hồng Tiêu và Bút Trà từ thập niên 30 của thế kỷ trước 
 

*  *  *

 

Xem thêm bài cùng chủ đề tại đây

Xem thêm bài cùng tác giả tại đây

Trở về website www.nuiansongtra.net 

 


 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh