Nhất lung thiên địa tàng thân tiểu,
Vạn lý phong vân cữ mục tần!...
(Một lồng trời đất chứa thân ta còn quá chật,
Muôn dặm gió mây từng hướng mắt vọng nhìn luôn!)
Đó là hai câu mở đầu bài thất ngôn lục bát đoản thiên thuật hoài “Chim trong lồng” của Quận He đã khẩu chiếm lúc bị giam cầm ở ngục thất tại kinh sư chờ giờ xử chém. Đó là vào năm Tân vị (1751) sau 10 năm ngang dọc “đội trời đạp đất ở đời”. Thật vậy, đây là cuộc khởi nghĩa nông dân có tầm cỡ, tiếng tăm lớn nhất thời bấy giờ đã đe dọa nền thống trị của anh em chúa Trịnh Giang và Trịnh Doanh là hai bạo chúa, cùng với Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1767-1782) sau này đã tiêu hủy cả cơ đồ họ Trịnh ở Bắc Hà.
Xin hãy điểm qua tiểu sử và hành trạng của Quận He Nguyễn Hữu Cầu và Binh bộ Thượng thư Phạm Đình Trọng để chất chính phần nào quan điểm lịch sử của vài sử gia đương thời như Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án trong “Tang Thương Ngẫu Lục” đã có nhãn quan nghiêm khắc, thiên lệch về Nguyễn Hữu Cầu và Phạm Đình Trọng là hai đối thủ quan trọng trước cục diện nhiễu nhương, tao loạn nầy.
Nguyễn Hữu Cầu (1714?-1751) tục gọi là Quận He, quê làng Lôi Động, huyện Thanh Hà, trấn Hải Dương, con Nguyễn Ứng Lân vốn làm nghề chài lưới, đến cất căn nhà nhỏ ở bến Bạch Nhạn ăn thông với Bạch Đằng giang. Cầu là con trai lớn được vợ chồng Ứng Lân đặt tên tục là He (He là tôm he (prawn), một loài tôm lớn còn gọi là tôm thẻ). Lúc He vừa lên tám sức vóc rất khỏe nhưng tính khí ngang tàng, hàng ngày chỉ kết bạn với tên Thông, cùng rủ nhau ra bến sông bơi lặn.
Một đêm trăng sáng, hai cha con He cùng ra bến Bạch Đằng đánh cá. Thuyền vừa đến nơi, bỗng thấy một luồng bạch quang từ dưới nước lóe lên. He liền xin phép cha, rồi nhảy ùm xuống đáy sông. Một lát nhô lên, đầu đội một chiếc hòm, tay cầm một thanh kiếm dài sáng loáng. Cha con liền đốt lửa soi, thấy có hàng chữ “Ô Mã tướng quân chi kiếm”. Còn chiếc hòm, He liền nạy bật nắp ra, lưng một hòm toàn vàng thoi bạc đĩnh và các ngoạn vật bằng vàng là các đồ trong cung điện nhà Trần. Nhờ đó, Ứng Lân về làng tậu ruộng, mua vườn, trở thành phú hào ở đất Thanh Hà.
Hằng ngày thấy con cứ đem gươm ra múa chẳng kể bài bản, lề lối gì cả, Ứng Lân bèn đưa con sang làng Khinh Dao gần đó xin học ông Thám Phạm Đình Khiêm. Nơi đây cũng là quê của Tiến sĩ Phạm Đình Trung thân sinh của Phạm Đình Trọng.
Sau khi Ứng Lân cho biết con trai chỉ có tên tục là He, ông Thám đề nghị nên cho He một tên chữ, bèn nói:
- Tên ông là Nguyễn Ứng Lân, vậy tôi đặt tên cháu là Nguyễn Hữu Cầu nhé! “Hữu cầu tất ứng” mà!
Vừa nhập môn, Cầu vội xin ông Thám dạy cho học võ. Sau khi nghe ông Thám Khiêm giải thích cặn kẽ rằng tuy sau nầy có thể làm tướng cầm quân, song cũng cần phải học sách trước, Cầu mới hiểu ý. Cầu học vỡ lòng rất sáng, lúc ra sân luyện võ, sức khỏe lại hơn hẳn người. Khi tập đến binh khí, Cầu về nhà lấy gươm sang sử dụng, chẳng bao lâu đường gươm đã nổi tiếng vô địch trong vùng.
Trong lớp học, thấy Phạm Đình Trọng văn có phần trội hơn mình, nên Cầu tức khí, xin học thêm văn. Một hôm, ông Thám ra câu đối cho Cầu:
Túng sử như Bình tác tể (Nếu như Trần Bình được làm Tể tướng)
Cầu đối:
Ninh năng cấm Tín tự vương (Cấm sao được Hàn Tín tự xưng vương)
Lần khác, Cầu cởi áo ra bắt rận. Ông Thám bảo vịnh hai câu đối tức cảnh, Cầu cất cao tiếng ngâm ngay:
Ngọa tắc tứ phương an chẩm tịch,
Khởi nhi thiên hạ tước bì phu.
(Nằm hẳn bốn phương yên chăn gối,
Trở dậy ai nấy tước thịt da)
Bỗng một hôm được tin cha tạ thế, Cầu xin phép về nhà. Việc tang lễ xong, nghĩ nỗi mẹ già, nhà vắng, Cầu xin ông Thám Khiêm được nghỉ học. Vì đạo hiếu nên việc học hành của Cầu ở lứa tuổi thiếu niên đành phải dở dang!
Cha mất sớm, chưa đến tuổi trưởng thành, Cầu đã phải sớm chứng kiến cảnh lộng quyền của hai bạo chúa Trịnh Giang (1729-1740) và em là Trịnh Doanh (1740-1767) lên thay khi Trịnh Giang bị truất phế.
Suốt 12 năm làm chúa, Trịnh Giang đã chơi bời xa xỉ, trong nước lại có nhiều giặc giã phải tìm cách buôn quan bán tước để lấy tiền, thuế má ngày một nhiều, sưu dịch ngày càng nặng, dân tình vô cùng khổ sở nên các cuộc khởi nghĩa của nông dân nổi lên khắp nơi. Trước cảnh loạn ly như thế, Trịnh Giang vẫn cứ dâm dật vô độ, còn việc nước thì phó mặc cho bọn hoạn thần Hoàng Công Phụ chuyên quyền làm bậy. Làm chúa được ba năm, đến năm 1732, Trịnh Giang trắng trợn phao vu cho vua Lê đế Duy Phương tư thông với vợ Trịnh Cương, bị truất giáng xuống làm Hôn Đức công rồi đem giết đi. Nhất là từ Trịnh Cương (1709-1729) về sau, các vua Lê chỉ còn hư vị mà thôi.
Ở tuổi trưởng thành, quê tại trấn Hải Dương nằm cách phía Đông sát kinh thành Thăng Long, Nguyễn Hữu Cầu đã sớm ý thức được sứ mệnh của một thanh niên thời ly loạn để xác định con đường cứu nước cứu dân: Đó là tấm lòng “tư Lê diệt Trịnh” và đó cũng chính là hoài vọng của hầu hết các bậc trung thần trong số đó Đô ngự sử Phạm Đình Trung, Mai Thế Kiệt đã treo ấn từ quan... và còn bao nhiêu người khác.
Bấy giờ, Nguyễn Hữu Cầu đã từng tham dự cuộc khởi nghĩa Ninh Xá của Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển hoạt động quanh vùng Đồ Sơn, Vân Đồn, từng đem quân đánh thành Kinh Bắc (Tây bắc Hải Dương). Sau khi cuộc khởi nghĩa Ninh Xá thất bại năm Tân dậu (1741), Nguyễn Hữu Cầu được bầu làm thủ lãnh lui ra giữ Đồ Sơn, Vân Đồn tựa núi cách biển làm thế ỷ dốc. Trịnh Doanh sai đem quân ra đánh mấy năm không được.
Theo sách Tang Thương Ngẫu Lục, khi Cầu tập hợp lực lượng đánh phá vùng Đông Bắc, thế lực rất mạnh không ai kiềm chế nổi. Nguyễn Hữu Cầu là người kiệt hiệt nhất trong đám anh hùng thảo dã lúc bấy giờ mà lại thường ra vào bất trắc lắm. Có khi bị vây hàng mấy vòng mà chỉ một mình một ngựa phá vây ra, rồi chỉ trong mấy ngày lại có hàng vạn người đi theo. Vì rằng ngày thường cướp được thóc gạo của thuyền buôn, Cầu đem phân phát cho dân nghèo nên đi đến đâu cũng có người theo, muốn lấy bao nhiêu quân lương cũng có.
Từ đêm thua trận ở bến Bồ Đề trong cuộc hành quân gây náo động kinh thành, Hữu Cầu về cùng với Hoàng Công Chất (Chất ở đất Sơn Nam cũng lấy tiếng “phù Lê diệt Trịnh”, bởi vậy dân chúng mặt đông nam ùn ùn mang bừa vác gậy theo đoàn quân của Chất đánh phá hai huyện Thần Khê và Thanh Quan).
Từ khi Phạm Đình Trọng và Hoàng Ngũ Phúc đem binh đánh đuổi, Hoàng Công Chất chạy vào Thanh Hóa, Nguyễn Hữu Cầu chạy vào Nghệ An hợp đảng với tên Diên ở Hương Lãm, thuộc huyện Nam Đường. Phạm Đình Trọng xua quân rượt đánh ; bộ tướng của Trọng là Phạm Đình Hãn đuổi tàn quân của Cầu ra đến làng Hoàng Mai thì bắt được Cầu đóng cũi đem nộp cho chúa Trịnh Doanh. Liền sau đó, Nguyễn Hữu Cầu và Nguyễn Danh Phương (một trong những thủ lãnh tục gọi là Quận Hẻo, đang giữ núi Tam Đảo, từng chỉ huy hàng vạn dân quân từ 1744 đến 1751 để chống lại họ Trịnh) đều bị xử chém tại kinh thành. Khi tuẫn tiết, Nguyễn Hữu Cầu còn là một thanh niên vừa tròn 38 tuổi.
Vậy thử hỏi: “Ai là giặc?” và “Ai không là giặc?”
Giặc có phải là Nguyễn Hữu Cầu, là Nguyễn Danh Phương, là Cao Bá Quát (1800-1855), là Lê Trung Đình (1862-1885), là Nguyễn Duy Cung (1843-1885) v.v... đã biểu trưng khí thế khảng khái ngang tàng của những bậc anh hùng cái thế, đã lưu truyền những bài thơ tuyệt mệnh dẫy đầy chính khí rạng ngời, vô cùng xứng đáng là những nét son trong lịch sử văn học phản kháng đáng lưu truyền cho nhiều thế hệ về sau.
Còn như Phạm Đình Trọng, Hoàng Ngũ Phúc... chỉ là một lũ quyền gian, hoạn thần (Hoàng Ngũ Phúc đã tự thiến để được vào hậu cung) vừa là gia thần của bạo chúa Trịnh Doanh, cam tâm chống lại các cuộc dân gian bạo động vì chính nghĩa chỉ vì ngu muội chạy theo chút lợi danh riêng cho cá nhân / tư kỷ của riêng mình.
Cuối bài, người viết xin trở lại đoản thiên tuyệt bút với tựa đề “CHIM TRONG LỒNG” của Quận He Nguyễn Hữu Cầu đã ung dung, ngạo nghễ khẩu chiếm trước bạo chúa Trịnh Doanh cùng bè lũ gian thần Trọng, Phúc... trước khi hiên ngang bước lên đoạn đầu đài vào lúc tuổi đời mới vừa tròn 38 tuổi.
Dưới đây là đoản thiên 13 câu song thất lục bát mà Tản Đà đã có lời phẩm bình ngắn gọn song đầy đủ như sau: “Văn đoản thiên song thất lục bát thời như bài “Chim Trong Lồng” của Quận He: Lời văn khảng khái, hiên ngang, tự có nam nhi khí phách vậy!”
1. Nhất lung thiên địa tàng thân tiểu
Vạn lý phong vân cử mục tần (1)
Hỏi sao sao lụy cơ trần
Bận tài bay nhảy, xót thân tang bồng?
5 Nào khi vỗ cánh rỉa lông
Hót câu thiên túng trong vòng lao lung (2)
Chim oanh nọ vẫy vùng dậu Bắc
Đàn loan kia túc tắc cành Nam
Mặc bay đông ngữ, tây đàm
10 Chờ cơn phong tiện dứt dàm vân lung (3)
Bay thẳng cánh muôn trùng Tiêu Hán
Phá trùng vây bạn với kim ô
Giang sơn khách diệc tri hồ?
Ghi chú:
(1) Một lồng trời đất chứa thân ta còn quá chật
Muôn dặm gió mây từng hướng mắt vọng nhìn luôn.
(2) Thiên túng... lao lung: Lòng trời buông thả cho tự do, không bị hạn chế gì cả. Lao lung: cái cũi, cái lồng. Đại ý: Đem cái tài trí tự trời buông thả mà lại phải ngồi trong lồng, trong cũi.
(3) Phong tiện: Thuận cơn gió. Vân lung: lồng mây. Ý nói: Chờ gặp thời cơ thuận tiện, sẽ tháo cũi sổ lồng ngay.
(4) Tiêu: tầng khí quanh mặt trời. Hán: sông Vân Hán (Ngân hà). Kim ô: quạ vàng, chỉ mặt trời.
Câu 10, 11, 12: biểu thị khí phách ngang tàng, đội trời đạp đất của mẫu người anh hùng ngoại khổ đã 10 năm hùng cứ chốn hải tần.
(5) Giang sơn khách đã mấy người biết cho.
* * *
Đọc truyện Kiều của Nguyễn Du, ta sực nhớ đến:
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông
Và chàng thanh niên với:
Râu hùm, hàm én, mày ngài
Vai năm tấc rộng, lưng mười thước cao
mà cụ Nguyễn Du đã mô tả Từ Hải chính là đấng anh hùng qua 7 câu lục bát sau đây:
- Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều
Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng (2175-2176)
- Một đời được mấy anh hùng
Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi. (2183-2184)
- Khen cho con mắt tinh đời
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già (2201-2202)
- Anh hùng mới biết anh hùng
Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa? (2277-2278)
- Anh hùng tiếng đã gọi rằng
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha! (2429-2430)
- Biết Từ là đấng anh hùng
Biết nàng cũng dự quân trung luận bàn (2455-2456)
- Rằng: Từ là đấng anh hùng
Dọc ngang trời rộng, vẫy vùng biển khơi (2549-2550)
Và đây là khí cốt ngang tàng của người anh hùng Từ Hải vốn:
Nghênh ngang một cõi biên thùy
Kém gì cô quả, kém gì bá vương.
Trước cờ ai dám tranh cường,
Năm năm hùng cứ một phương hải tần.
Trong lúc đó, Quận He Nguyễn Hữu Cầu đã hiên ngang/ nghênh ngang:
Mười năm hùng cứ một phương hải tần!
Thật là: Chàng tuổi trẻ vốn vì nạn nước, vốn nuôi khí phách anh hùng, dám ngang trời dọc đất, hiên ngang chống lại bạo quyền suốt 10 năm đằng đẵng. Chỉ một tấm cô trung, một lòng vì đại nghĩa, dám trực diện với kẻ thù, thề với núi sông chỉ sống còn vì dân vì nước. Thế đã là anh hùng rồi. Bởi vì, người xưa đã từng dạy: Chớ đem thành bại luận anh hùng (Hưu tương thành bại luận anh hùng – Thành bại anh hùng mạc luận!)
Xưa, theo cổ sử Trung Hoa, vua Trụ tuy có dũng lược mưu trí nhưng lại mê nàng Đắc Kỷ, ăn chơi xa xỉ, sưu cao thuế nặng, hình phạt độc ác, mưu hại trung thần. Vì thế, Tây Bá Phát hội 800 chư hầu đánh thắng Trụ Vương ở Mục Dã, lên ngôi thiên tử lấy hiệu là Võ Vương. Khi bố cáo chủ trương diệt Trụ, Võ Vương từng tuyên bố:
“Trời nổi giận, sai ta xét tội của Trụ. Ta phải kính sợ mệnh lệnh và uy của Trời.”
Vua tuy thay Trời, nhưng khi đã không làm tròn nhiệm vụ, lại tàn bạo độc ác thì không phải là Vua nữa mà là một bạo quân, một tội nhân, cho nên một bậc á thánh, thầy Mạnh Tử (372?-288?) nói: “Nghe nói giết một kẻ thất phu tên là Trụ, chứ chưa nghe nói giết Vua bao giờ!”.
Võ Vương diệt Trụ là làm một cuộc Cách Mệnh, tức là lật đổ một bạo quân để thay thế bằng một chế độ có nhiều bậc tài tuấn hợp với lòng dân (Thang Võ cách mệnh, thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân”. Cuộc cách mệnh của các vua Thang Võ để diệt bạo quân Kiệt Trụ là thuận theo ý Trời và hợp lòng Dân.
Thế thì, ta hãy nhìn lại Nguyễn Hữu Cầu, một thanh niên mới chừng non 30 tuổi mà nặng lòng diệt Trịnh phò Lê, đã anh hùng kiệt hiệt, một tay thị hùng quyết xoay ngược thế cờ, làm điên đảo giang sơn chúa Trịnh để dành lại quyền sống cho nhân dân, xem Phạm Đình Trong, Hoàng Ngũ Phúc và bè lũ gian thần chỉ như phường tham danh trục lợi...
Kịp đến khi gặp vận bĩ, đã dũng dược, khảng khái hiên ngang qua bài đoản thiên song thất lục bát đầy khí lực hào hùng trở thành biểu tượng sáng ngời trong dòng thơ văn phản kháng.
Vậy xin trở lại “nan đề”: “Ai là giặc?” và “Ai không là giặc?”
Quận He là giặc hay chính là một bậc anh hùng?
PHƯƠNG ĐÌNH