Lãm cổ quan kim: XUÂN ẤT-DẬU KỂ CHUYỆN CÀ-KÊ!
Phương Đình.
Xuân nay, Xuân Ất Dậu lại về trên quê hương yêu dấu, khiến người viết sực nhớ lại những mùa Xuân năm Dậu đã đến và đã đi qua trong đời.
Và cứ mỗi lần như thế, vào sáng mùng một Tết tinh sương, tôi thường thức dậy thật sớm, sang sảng ngâm vang:
Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy
Chim trên cành liền ngỏ ý chào mừng...
Với niềm hưng phấn, tự hào, ước mong được hưởng một cái Tết tràn đầy thi vị.
Thấm thoắt, kể từ cuối mùa Xuân Ất Mão 1975, cộng đồng người Việt chúng ta tại các miền đất tạm dung đã trải qua ba cái Tết/ mùa Xuân năm Gà rồi đấy. Đó là các năm Tân Dậu (1981), Quý Dậu (1993) và Ất Dậu (2005).
Và, từ Xuân Ất Dậu năm nay, ngược dòng thời gian từ cái mốc Ất Dậu 1885 (cách đây 120 năm) đến Ất Dậu 1945 (cách đây vừa đúng 60 năm) với bao nhiêu biến thiên lịch sử đã là dấu ấn hằn sâu trong tâm thức của con dân Việt chúng ta để khẳng định dứt khoát sứ mệnh của mỗi người/ mọi người trước tiền đồ của Tổ quốc và Dân tộc.
Nhân mỗi độ Xuân sang, qua khinh nghiệm lịch sử trải bao lớp sóng phế hưng của thời cuộc, với ước vọng bảo-tồn văn hóa, những giòng viết về phong tục, truyền thống Việt Nam qua những đoạn mục sau đây có quan hệ đến chuyện năm Dậu/ Gà thiết tưởng có thể là món quà Xuân khiêm-tốn giúp các bạn trong tâm-tưởng kẻ ly hương bên chén trà, cánh thiệp, cành mai giữa buổi Xuân về. Trong phạm trù văn hóa Việt Nam, Gà được nhắc đến về các lĩnh vực: phong tục tập quán, ca dao tục ngữ, câu ví, câu đố, thi ca... Xin lần lượt điểm qua các đề mục như sau:
I. Các loại gà chính ở Việt Nam.
Có 5 loại gà chính:
* Gà nhà: Các loại gà thương nuôi trong vườn, trong ruộng. Gồm có: gà ác hoặc gà ri nhỏ con, da đen, lông trắng, chân chì.
- Gà tàu: lông nâu, da vàng, thịt ngon.
- Gà tre: nhỏ con, hiếu chiến, màu sắc sặc-sỡ.
- Gà đá hay gà chọi: ít lông, cao lớn, mỏ nhọn quặp, chân vồ.
* Gà rừng: nhỏ con, bay giỏi, hiếu chiến, ở trong rừng.
* Gà tây: cao lớn, lông đen hoặc lốm đốm, đầu sần sùi, con trống có bìu đỏ ở cổ và đưôi có thể xòe rộng như đuôi công.
* Gà nước: hình dạng giống gà, ở dưới nước, bay hay bơi từng đàn.
* Gà gô hay đa-đa: sống những chỗ đồi núi, ít rậm rạp.
II. Gà trong văn-chương, văn-hóa Việt Nam.
1/. Trong văn chương truyền khẩu (thành ngữ, tục ngữ, ca dao, câu ví, câu đố...).
- gà ghét nhau tiếng gáy: ghét kẻ hay khoe khoang, khoác lác, đố kỵ.
- gà què ăn quẩn cối xay: kẻ hay hiếp đáp, dọa nạt người cùng làng cùng xóm.
- gà đẻ gà tục tác, cuốc đẻ cuốc tu oa: để lộ hình tích việc mình làm ra.
- ngây ngô như gà cồ, lờ đờ như đom đóm đực: người có vẻ như mất hồn.
- tội vịt chưa qua, tội gà đã đến: vận xuôi chưa hết, họa vô đơn chí.
- gà trống nuôi con: lâm vào cảnh vợ chết, đành ở vậy nuôi con.
- đẻ như gà: bà nào sinh đẻ dễ, số đông con.
- chữ như gà bới, mèo quào: chữ viết xấu.
- cà kê dê ngỗng (cà kê nghe ngỗng): chê người nói dài dòng, vẻ luộm thuộm.
- nom gà hóa cuốc: người hay lứt láo, thiếu tính chu đáo, cẩn thận.
- gà nhà bôi mặt đá nhau: răn kẻ hay trở mặt, hay gây chuyện vặt trong vòng anh em, bà con họ hàng.
2/. Ca dao Nam Trung Việt, câu hò đồng quê, cau đố.
a/ Anh cầm cần câu trúc, lưỡi câu trắc,
Anh ra cửa Sa-Huỳnh ngồi dưới gốc mai.
Chim kêu gà gáy trên đài
Trách em không giữ gia tài cho anh.
b/ Gà lạc bầy, gà kêu cháo chác,
Cá lạc bầy, cá tìm bóng mát dựa nương.
Trai như anh chưa vợ sao em không thương
Em lại tìm nơi có vợ náu nương làm gì?
c/ Tay cầm con dao
Tay cầm cái rổ
Cắt cổ con gà
Tiếng tăm tui chịu, thịt thà ai ăn?
Lời nguyền thủy kiệt sơn băng,
Lên non cao tạc đá, xuống đất bằng đề thơ.
d/ Bà gia lể ốc trong nhà,
Con cuốc uống nước, con gà mổ kê,
Nực cười gà nọ mổ kê,
Ngựa ăn gò mả, rồng về bình long.
Núi Đồng Dương dê chạy giáp vòng,
Ngó về long hài thấy con cá nằm ngất ngư.
Trai như anh đối lại chừ chừ
Em về em lạy mẫu từ mới kịp theo anh.
đ/ Con gà trống tía
Cái lông cũng tía.
Khoai lang giâm
Ngọn mía cũng giâm.
Bởi ông mai ngọt miệng em lầm,
Bây giờ nghĩ lại, giận thầm ông mai.
e/ Con gà tục tác lá chanh,
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.
g/ Câu đố:
- Con chi không chân mà đi năm rừng bảy rú,
Con chi không vú mà nuôi chín mười con?
(Đáp: con rắn, con gà).
- Đầu rồng đuôi phụng cánh tiên,
Ngày năm bảy vợ tối nằm riêng một mình?
(Đáp: con gà trống)
3/. Gà trong ca-dao Huế:
- Gió đưa cành trúc là đà
Tiếng chuông Thiên-Mụ, canh gà Thọ-Xương.
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp cầu An Thái, mặt gương Tây Hồ.
- Bên chợ Đông Ba tiếng gà eo óc,
Bên đò Thọ Lộc tiếng trống sang canh.
Giữa sông Hương gợn sóng khuynh thành,
Đêm khuya một chiếc thuyền mành ngửa nghiêng.
4/. Gà trong thơ văn Việt Nam.
a/. Kim Vân Kiều:
- Những là đo đắn ngược xuôi
Tiếng gà nghe đã gáy sôi mái trường (c. 885-886)
- Tiếng gà xao xác gáy mau,
Tiếng người đâu đã mái say dậy dàng (c.1123-24).
- Ra tuồng mèo mả gà đồng,
Ra tuồng lúng túng, chẳng xong mặt nào (c.1731-32) (Kiều gặp Hoạn Thư, do Ưng Khuyển bắt nạp).
- Mịt mùng dặm cát đồi cây,
Tiếng gà điểm nguyệt, dấu giày cầu sương (*).
Canh khuya thân gái dặm trường
Phần e đường sá, phần thương dãi dầu (c.2029-2032) (Kiều trốn sang Chiêu Ẩn am gặp Giác Duyên).
(*) Trích bài Thương Sơn tảo hành của Ôn Đình Quân:
“Kê thanh mao diểm nguyệt, nhân tích bản kiều sương”.
b/. Chinh phụ ngâm:
Gà eo óc gáy sương năm trống,
Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên.
c/. Hồ Xuân Hương
Tự tình.
Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom,
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.
Mõ thảm không khua mà cũng cốc,
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om!
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,
Sau giận vì duyên để mõm mòm.
Tài tử văn nhân ai đó tá,
Thân này đâu đã chịu già tom.
d/. Trần Tế Xương.
Ngày Xuân ngẫu hứng.
Xuân từ trong ấy mới ban ra,
Xuân chẳng riêng ai khắp, mọi nhà.
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột,
Om sòm trên vách bức tranh gà.
Chí cha chí chít khua giày dép,
Đen thủi đen thui cũng lượt-là!
Dám hỏi những ai nơi cố quận,
Rằng Xuân Xuân vẫn thế ru mà?
đ/. Lưu Trọng Lư.
Giang hồ
Mời anh cạn hết chén nầy,
Trăng vàng ở cuối non Tây ngậm buồn.
Tiếng gà đã rộn trong thôn,
Nửa đời phiêu-lãng chỉ còn đêm nay.
Để lòng với rượu cùng say...
... Tiếng gà lại rộn trong thôn,
Khoan đừng tơ tưởng vợ con chuyện nhà.
Giờ nầy còn của đôi ta
Giang hồ rượu ấy còn pha lệ người...
... Tiếng gà đã gáy ran trong xóm
Bình minh đã rạng khóm tre cồn
Trông nàng môi nhạt màu son,
Giật mình ta nhớ vợ con ở nhà.
Từ đây chẳng bao giờ phiêu lãng.
Nắng mới
Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng.
Lòng rượi buốn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không...
e/. Xuân Diệu.
Lời kỹ nữ
...Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước.
Xao xác tiếng gà. Trăng già lạnh buốt,
Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi!
Du khách đi.
Du khách đã đi rồi
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Hịch Tướng Sĩ Văn.
Năm Giáp Thân 1824 đời vua Trần Nhân Tông, giặc Nguyên sang xâm lấn nước ta lần thứ nhất. Hưng Đạo Vương chiêu tập quân các đạo, hội tại Vạn Kiếp được hơn 20 vạn quân, thế càng lớn. Bấy giờ, Hưng Đạo Vương có soạn cuốn Binh Thư Yếu Lược, rồi truyền hịch khuyên các tướng sĩ.
Tờ hịch soạn bằng Hán văn, dưới đây là đoạn soạn theo bản dịch của Bưu Văn Phan Kế Bính:
Hết cờ bạc, vui chơi gà chọi,
Thôi rượu chè, lại ngỏi hát hay.
Vợ con quấn quýt đêm ngày,
Ruộng vườn chăm chút riêng tây cửa nhà.
Rồi Ngài cảnh giác tướng sĩ, nếu:
Giặc Nguyên trở lại đùng đùng,
Lấy gì chống đỡ hay cùng cam tâm?
Cựa gà sắc khôn đâm giáp giặc,
Mẹo bạc gian khó đạt mưu quân.
Vợ con thêm bận vướng chân
Ruộng vườn khôn chuộc cái thân ngàn vàng.
III. Gà trong thành-ngữ, điển-cố văn thơ Trung quốc.
Thử truy cứu một số từ, thành ngữ, điển cố trong cổ, kim văn Trung quốc có quan hệ đến KÊ/GÀ, nhất là các điển cố, có thể giúp ta đỡ phải nhọc công tìm tòi, suy nghĩ, đôi khi thú vị, thoải mái khi đọc phần cổ văn TQ và phát hiện thêm vài nét mới phần nào sâu sắc, đậm đà, tương đồng giữa lối nói/ viết của hai nền văn học cổ của TQ và Việt Nam.
Dưới đây là một số từ, thành ngữ, điển cố trong Trung văn:
1/ Từ, thành ngữ:
- Kê quan hoa: hoa cây mào gà (amaranie).
- Kê quan: mào gà (crête de coq).
- Kê bì: da xô xáp như da gà: da người giả cả.
- Kê thiệt hương: cây đinh hương (giroflier) (thiệt: lưỡi)
- Kê bì hạc phát: da gà tóc hạc (da nhăn tóc bạc)
- Kê minh khuyển phệ: gà gáy chó sủa. Cảnh ban đêm ở hương thôn.
- Kê khẩu ngưu hậu: thà làm miệng gà chứ không làm đít trâu. Ý nói: thà ở trước kẻ nhỏ chứ không chịu đứng sau người lớn (Thời Chiến quốc, Tô Tần thuyết Hàn Tuyên Vương hợp tung chống Tần).
- Kê khuyển thăng thiên: gà chó cùng bay lên tận trời xanh. Chỉ bọn bất tài vô tướng gặp thời được quyền cao chức trọng, hiu-hiu tự đắc nghĩ rằng mình đủ quyến thế có thể bẻ nạng chống trời.
- Kê đầu mã vĩ: thà ăn đầu gà chứ không thèm ăn đuôi ngựa.
- Kê cân: gân gà. Nghiã bóng: sức yếu đuối.
- Kê đầu nhục: núm vú đàn bà nhăn nheo như thịt đầu gà.
2/ Gà trong một số điển cố ở phần cổ văn.
a- Kê minh ca:
Đêm trọng Đông, Hạng-Võ bị vây ở Cai Hạ. Đang đêm, Hạng Võ cùng Ngu Cơ ngủ say trong trướng. Bỗng nghe trên núi Kê Minh, theo kế của Hàn Tín, tiếng tiêu Trương Lương càng lúc càng réo rắt kèm theo những bản bi ca giọng Sở, khiến tướng, quân và bộ hạ của Hạng Võ càng xôn xao, bàn tán nhau rồi không cần nghe lệnh chỉ huy, cùng nhau bỏ trốn gần hết. Trời chưa sáng, Hạng Vương sực thức dậy, thấy doanh trại trống không, thất kinh vội hỏi:
-“Quân Hán đã vây cả bốn mặt rồi sao mà quân ta tan mất hết vậy?”.
Rồi thốt lên lời phẫn hận:
-“Thế nầy là Trời cố diệt chúng ta đây”.
Trong cơn vô cùng xúc động, Vương ứng khảu cất lên khúc bi ca khảng khái:
Lực bạt sơn hề, khí cái thế!
Thời bất lợi hề, truy bất thệ!
Truy bất thệ hề, khả nại hà?
Ngu hề Ngu hề, khả nại hà??
Ngu Cơ liền hát họa theo:
Đại Vương ý khí tận,
Tiện thiếp hà liêu sinh?
Trước cảnh huống bi thương của anh hùng mạt lộ, người xung quanh ai cũng khóc. Rồi nàng dùng gươm của Hạng Võ đâm cổ chết.
Sớm hôm sau, Hạng Võ cùng 800 quân phá vòng vây, qua sông Hoài nhìn lại chỉ còn khoảng 100 người theo kịp. Phá được vòng vây, chém cả trăm quân Hán, chạy tới Ô giang cùng đường, phải xuống ngựa cầm gươm một mình giết được mấy trăn quân Hán nữa, trên mình bị hơn 10 vết thương, Hạng Vương tự đâm cổ mà chất (lúc vừa 31 tuổi) chứ không cho quân Hán bắt sống.
b/ Kê cân (đúng ra là Kê lặc tức lặc cốt: xương sườn gà)
Thời Tam quốc, quân Tào Tháo vừa thua quân của Mạnh Đạt, Mã Siêu (tướng của Huyền Đức). Tháo thu quân về đóng ở cửa Tà Cốc lâu ngày. Muốn tiến mấy lần lại bị Mã Siêu chống cự, mà lui quân lại e bên Thục chê cười. Do dự mãi. Một hôm Tháo bảo sắc thuốc Kê thang, trong thố có món Kê lặc (tức xương sườn gà) khiến Tháo vừa chán vừa bực mình. Giữa lúc ấy có Hạ Hầu Đôn vào trướng xin khẩu lệnh ban đêm. Tháo buột miệng nói ngay: “Kê lặc! Kê lặc!”. Đôn liền truyền khẩu lệnh đêm ấy là “Kê lặc” chứ không phải là “kê cân: gân gà).
Quan hành quân chủ bộ là Dương Tu nhận khẩu lệnh, liền cho quân mình thu xếp hành trang để trở về. Khi Hạ Hầu Đôn hỏi, Dương Tu đáp ngay:
-“Cứ theo ý khẩu lệnh đêm nay, thì chắc Ngụy vương mấy bữa nữa cũng về thôi. Vì “kê lặc” là xương sườn gà, ăn thì không có vị gì mà bỏ thì tiếc. Ngày mai Ngụy vương tất rút quân, nên tôi cho quân thu xếp sẵn. Hạ Hầu Đôn nghe có lý cũng lệnh cho quân thu xếp hành trang.
Đêm ấy, Tào Tháo không ngủ được, lẻn đi diễu xem các trại, thấy quân sĩ trại Hạ Hầu Đôn đang thu xếp đồ đạc, liền cho đòi Đôn đến hỏi. Đôn bẩm:
-“Chủ bộ Dương Tu biết ý Đại vương muốn rút về”.
Tháo gọi Dương Tu, Tu giảng rõ ý hai chữ “kê lặc”. Vốn đã không tin Dương Tu từ trước, Tháo liền nổi giận bảo:
-“Sao ngươi dám dựng dứng nói càn, làm náo động cả quân sĩ của ta?”.
Liền quát quân đao phủ điệu Dương Tu ra chém rồi bêu đầu trước của quân.
c/ Kê minh cẩu đạo (giả tiếng gà gáy, theo đường chó chui).
Thời Chiến quốc, Tề Mẫn vương năm thứ 25, Mạnh Thường Quân sang Tần. Tần Chiêu Vương phong Tể tướng. Sau vì quần thần xàm tấu nên bị cầm tù định giết. Mạnh Thường Quân sai thuộc hạ sang cầu cứu nàng Hạnh Cơ đang được Chiêu Vương sủng ái. Hạnh Cơ đòi nếu có được chiếc áo lông cừu trắng thì nàng mới xin Tần Chiêu Vương giải cứu cho, song khi vừa nhập Tần thì Mạnh Thường Quân đã dâng hiến chiếc áo ấy cho Chiêu vương rồi. May dưới trướng có thuộc hạ vốn là mạt khách lợi dụng đêm tối lén chui vào cung Tần lấy trộm chiếc áo bạch cừu để Mạnh Thường Quân trao cho Hạnh Cơ, nhờ đó nàng đã xin Chiêu vương giải cứu. Trong đêm, khi vừa được phóng thích, Mạnh Thường Quân đã thừa đêm tối lên ngựa bay ra khỏi cung đổi tên họ để cùng vài tên bộ hạ giả tiếng gà gáy vào lúc nửa đêm để gạt đám quan quân mở cửa ải Hàm Cốc. Nhờ mưu chước ấy, Mạnh Thường Quân đã thoát nạn trở về Tề quốc.
Điển nầy ý nói: chỉ một mưu chước nhỏ (như lén lấy áo bạch cừu, giả làm tiếng gà gáy trên đây) nếu biết vận dụng đúng lúc và có kỹ năng cũng đắc sách lắm vậy!
d/ Sát kê yên dụng ngưu lực (giết gà há phải dùng đến sức trâu).
Thời Xuân Thu, Tử Do làm chức Tể ở Vũ Thành. Một hôm Khổng Tử ngang qua Vũ Thành, bỗng nghe tiếng đàn ca rộn ràng không ngớt. Đức Khổng Tử bèn gọi Tử Do đến, cười bảo:
-“Cần chi phải dùng sức trâu để giết gà?”
Ý bảo rằng chớ nên làm chuyện đại sự vì nước nhỏ, đất hẹp, dân thưa, cần gì phải dùng lễ nhạc để trị dân chúng. Về sau, câu trên có ý khuyên: chuyện nhỏ chớ nên làm rình-rang, dềnh-dàng phí-phạm vô ích.
3. Gà trong thơ Đường.
Gà trong thơ Đường, Tống... có một số bài. Vì khuôn khổ của một bài viết, chỉ xin giới thiệu hai bài Thất ngôn luật:
a/ Một trong 5 bài “Lưu Nguyễn nhập thiên-thai” của Tào Đường thời vãn Đường.
Lưu Thần, Nguyễn Triệu nhập Thiên Thai.
Thụ nhập Thiên Thai thạch lộ tân,
Vân hòa thảo tĩnh quýnh vô trần.
Yên hà bất tỉnh sinh tiền sự,
Thủy mộc không nghi mộng hậu thân.
Vãng vãng kê minh nham hạ nguyệt,
Thời thời khuyển phệ động trung xuân.
Bất tri thử địa quy hà xứ,
Tu tựu Đào Nguyên vấn chủ nhân.
Tào Đường
Dịch:
Lưu Nguyễn chơi núi Thiên Thai.
Khe cây lối đã nhận đường vào,
Hoa cỏ không vương mảy bụi nào
Nhìn bóng dáng mây quên việc trước,
Trông chiều mây nước ngỡ chiêm bao.
Sườn non trắng dãi gà đua gáy,
Cửa đông xuân qua chó đón chào.
Muốn biết về đâu non nước ấy,
Hỏi thăm nên tới suối Hoa Đào.
Tản Đà.
b/ Tặng tri âm
Thúy vũ hoa quan bích thụ kê,
Vị minh tiên hướng đoản tường đề.
Song gian Tạ nữ thanh nga liễm,
Môn ngoại Tiêu lang bạch mã tê.
Tàn thự vi tinh đương hộ một,
Đạm yên tà nguyệt chiếu lân đê.
Thượng dương cung lý chung sơ động,
Bất ngữ thùy tiên quá liễu đê.
Ôn Đình Quân.
Dịch:
Tặng tri âm.
Mào hoa, lông biếc, gà kia,
Cạnh tường lên tiếng trước khi sáng ngày.
Cửa song ả Tạ chau mày
Chàng Tiên ngựa trắng cửa ngoài hí rân.
Rạng đông sao nhỏ lặn dần,
Khói êm trăng xế, bóng ngân dưới lầu.
Thượng dương chuông nổi hồi đầu
Dọc đê dưới liễu rầu rầu buông roi.
Trần Trọng Kim.
IV. Từ Ất Dậu trước... đến Ất Dậu nay.
1. Ất Dậu trước (1885), kinh thành thất thủ.
Từ khi hòa ước Patenôtre ký giữa Pháp và triều đình Huế tháng 5 năm Giáp Thân (1884) nhằm nuốt trọn Bắc kỳ (1884) sau khi đã lấy trọn 6 tỉnh Nam kỳ (1862, 1867), bọn thực dân xâm lược Pháp chủ trương dùng sức mạnh quân sự đặt nền đô hộ trên toàn cõi Việt Nam ta.
Ngày 19-5 năm Ất Dậu (1885), Thống Tướng De Courcy đem 5.000 quân đi đường thủy từ Hà Nội vào Huế. Triều đình đã cử Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết theo Khâm sứ De Champeaux xuống cửa Thuận An đón De Courcy. Sáng hôm sau, De Courcy đòi Tường, Thuyết sang tòa Khâm sứ trình diện để định việc vào yết kiến vua Hàm Nghi.
De Courcy luôn hách dịch, gây gổ, khinh miệt triều đình Huế và hằn học gây chiến. Thuyết vô cùng tức giận, nửa đêm 22-5 Ất Dậu ra lệnh bắn súng vào dinh Khâm sứ và đánh trại lính Pháp ở Mang Cá. Quân Pháp chỉ phòng ngự, mãi sáng 23-5 mới phản công. Quân ta thua chạy. Sáng 23-5 năm Ất Dậu (5-7-1885), ngay sau khi kinh thành Huế thất thủ, Nguyễn Văn Tường đã ra đầu thú Pháp.
Mãi đến ngày 6-8 năm Ất Dậu, De Courcy sai Khâm sứ De Champeaux lên Khiêm Lăng yết kiến Đức Từ Dụ xin lập Chánh Mông lên làm vua, lấy niên hiệu là Đồng Khánh.
Trong khi ấy, vua Hàm Nghi ở Quảng Bình kéo cờ khởi nghĩa chống Pháp, truyền hịch cần vương khắp nơi mong tìm đường khôi phục. Nhờ sự hướng dẫn của sĩ phu và dân chúng từ Bình Định, Phú Yên mãi ra Nghệ An, Thanh Hóa nơi nào cũng có phong-trào Cần vương chống Pháp.
2. Ất Dậu sau (1945), đất nước can qua.
Thế chiến 2 đã chấm dứt ở Thái Bình Dương với sự đầu hàng của Phát xít Nhật tại Tokyo Bay vào ngày 2-9-1945 sau khi Mỹ đã thả hai quả bom nguyên-tử trên thành phố Hiroshima (6-8-1945) và Nagasaki (7-8-1945) khiến trục phát xít tan tành và thế chiến 2 kéo dài 6 năm kết liễu.
a. Trong nước: (chỉ tóm lược một số sự kiện quan trọng).
- Ngày 9-3-1945: quân phiệt Nhật tuyên bố Việt Nam độc lập đặt dưới quyền tối cao của hoàng đế Bảo Đại.
- 19-8-1945: Việt Minh tuyên bố khởi nghĩa sau khi Nhật đầu hàng.
- 2-9-1945: Việt Minh tuyên bố Việt Nam độc lập tại Ba Đình (đã rõ).
(Ông Trần Trọng Kim nhận lời mời của Bảo Đại lên làm Thủ Tướng, thành lập nội-các thân Nhật (?) trong thời gian ngắn. Từ chức sau 19-8-1945)
- Tại Huế, Bảo Đại trao ấn kiếm cho Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận.
- 22-9-1945: Lực lượng quân sự Pháp trở lại Việt Nam, đụng độ với Cộng sản và các nhóm quốc-gia chống Pháp... Các phong-trào, đảng phái quốc-gia, nhất là ở Bắc và Trung kỳ đều bị Cộng sản đàn áp, tiêu diệt. Nhất là những vụ tranh chấp giữa Việt Minh với lực lượng Viết Quốc, Đại Việt tại Hà Nội ở phố Quan Thánh, như các vụ Ôn Như Hầu hay vụ cầu Chiếm Sơn ở Quảng Nam là những sự kiện biểu hiện tinh thần đấu tranh quả cảm, anh dũng của những người Quốc gia chân chính chống lại mưu-đồ cướp công của toàn dân Việt Nam trong vụ 19-8-1945 và 2-9-1945 của Bắc Bộ phủ.
b/ Trong tỉnh Quảng-Ngãi.
- Ngày 11-3-1945, các tù nhân chính trị tại trại giam Ba-Tơ đã khởi nghĩa thành công với sự ra đời của đội Du kích Ba Tơ vào ngày 14-3-1945. Nhóm du kích Ba Tơ đã chóng trở thành lực lượng vũ trang nòng cốt của phong trào Việt Minh tỉnh Quảng Ngãi, nhất là trong 6 phủ huyện dọc miền duyên hải, từ thành thị đến nông thôn, các đội viên du kích Ba Tơ đã mặc sức tung hoành, đâu đâu cũng dẫy đầy khủng bố, sát khí ngút trời. Khẩu hiệu là “giết lầm hơn bỏ sót”, ai cũng có thể bị kết án là “Việt gian” và bị trảm thủ trước “pháp trường”! Nhất là những gia đình theo đạo Cao Đài đã bị ghép tội “Cao Đài thân Nhật” ở 2 huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa đã bị thủ tiêu mất tích (hoặc chôn hay trói thả trôi theo sông Trà Khúc) hoặc các bí mật khác, khiến cho mãi mấy năm sau ai đi ngang xứ Quảng mà nghe nói “đầu rụng như sung” trong ngày khởi nghĩa, cũng đều “lạnh gáy”, “hết hồn”.
- Vụ hãm hại Tạ Thu Thâu đã gây xôn xao dư luận rất nhiều, vì một số người Quốc gia trí thức trong tỉnh đã biết qua con người và và lập trường chính trị thuộc nhóm Đệ tứ Quốc-tế (Troskystes) của ông. Sau cuộc khởi nghĩa tại Quảng Ngãi độ mấy hôm, Tạ Thu Thâu từ Sài Gòn vừa ra đến thị xã Quảng Ngãi. Sau nầy mới có tin (giả tạo?) là Tạ Thu Thâu chỉ ghé lại Quảng Ngãi trên đường đi Hà Nội theo lệnh Hồ Chí Minh. Không ngờ, tên Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh đã bắt giữ Tạ Thu Thâu và sát hại ông ấy rồi ra mật lệnh phi tang. Tuy nhiên, vấn đề là: “Hắn đã giết, hay ai đã ra lệnh giết Tạ Thu Thâu?” vẫn mãi không có câu trả lời!
3. Ất Dậu nầy (2005), quang phục quê hương.
Nhân dịp Xuân Ất Dậu về, sực nhớ lại 2 câu:
“Mã đề Dương cước anh hùng tận
Thân Dậu niên lai kiến thái bình”
Trong sấm ký của cụ Trạng Trình cũng có thể là đề tài vui vui giúp các bậc cao niên giữa lúc Xuân sang trên Đất Mẹ mà lòng hoài hương vẫn còn canh cánh bên lòng.
Trên cơ-sở dịch lý Đông phương: “Âm suy Dương thịnh, Dương suy Âm thịnh” và “Âm trung Dương hữu, Dương trung Âm hữu” để suy niệm về những biến động đang và sẽ tiếp diễn trên đất nước trước những mối tương quan giữa thế giới với Việt Nam chính là những nhân tố giúp ta tiên đoán được một cách biện chứng những gì sẽ xảy ra vì lẽ sinh tồn của dân tộc trong trường kỳ lịch sử Việt Nam.
Đất nước ta là của Dân ta. Dân phải có quyền Dân. Nước Việt phải thuộc về Dân Việt! Đó là chân lý bất biến và vững chãi suốt trên 4.000 năm văn hiến!
Năm Ất Dậu 2005 sẽ tuần tự nhịp nhàng theo 4 mùa 8 tiết. Mới là những ngày đầu Xuân, ta hãy bình tĩnh, sáng suốt đón nhận những đột biến xảy ra. Điều nầy rất can hệ đến tầng lớp hậu duệ trong và ngoài nước vì chính lớp con cháu chúng ta mới là tổng lực sẽ đóng vai chủ động để xây dựng một nước Việt Nam lý tưởng ngày mai nếu các cháu được bổ sung kiến văn về lịch sử, địa lý, văn hóa, chính trị để thấm nhuần tình yêu Quê hương, Tổ quốc chân chính và thiết thực. Chứ đừng để cho con cháu chúng ta, một số những anh hùng thời đại với sức quật cường vô địch trước sứ mệnh cứu quốc và kiến quốc còn ít nhiều bi quan, bức xúc như các bậc tiền bối cách mạng chống Pháp vừa đúng 100 năm trước (1905) đã thốt lên:
Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,
Giang sơn hòa lệ khấp anh hùng!
Dịch:
Nhìn lại việc đời đã trống không,
Giang sơn nhỏ lệ khóc anh hùng!
(Chí thành thông thánh).
Ở hải ngoại, thiết tưởng các bậc trưởng thượng rộng kiến văn, giàu kinh nghiệm đã lìa quê cha đất tổ thấm thoát đúng 30 năm nên dù ở hoàn cảnh, địa vị, lĩnh vực nào, chúng ta vẫn còn mang trong tâm thức đang chuyển vần trên bánh xe khứ quốc. Xin gạt phăng những “phụ tùng” không cần thiết, gắng tránh óc bè phái, kỳ thị, dị đồng vụn vặt, thật sáng suốt trước những âm mưu, xảo thuật quỷ quyệt của đối phương, hãy thực sư đoàn kết để vừa kịp thời cảnh giác trước mọi mưu ma chước quỷ nhằm lũng đoạn, chia rẽ hàng ngũ chúng ta, vừa tích cực củng cố hàng ngũ tập thể người Việt quốc gia chân chính để làm hậu thuẫn, rường cột thật vững chắc cho lớp “hậu bối” cùng với con cháu chúng ta nỗ lực kiến tạo một quốc gia Việt Nam tiên tiến, bảo đảm tự do, dân chủ, nhân quyền cho hơn 80 triệu đồng bào quốc nội, dũng lược tiến lên trước vận hội mới hầu kịp hội nhập vào luồng sóng dân chủ, tiến bộ, văn minh của hoàn vũ đang cuốn hút nhân loại hiện nay.
* * *
Trước đây gần 80 năm, cụ Sào Nam Phan Bội Châu, một chí sĩ cách mệnh chống Pháp lừng danh, phút bất đắc dĩ trở thành “Ông già Bến Ngự” đã có bài ca-trù “Chúc Tết thanh niên” với 3 câu mở đầu:
Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy,
Chim trên cành liền ngỏ ý chào mừng...
Năm nay lại đến năm GÀ. Người viết sực nhớ bài ca chúc Tết của cụ Phan suốt 22 câu thì 20 câu chính là những lời tâm huyết của nhà cách mạng lão thành ở tuổi lục tuần đã thành khẩn tỏ bày trước toàn thể thanh niên trong nước nhằm cổ xúy giới trẻ phải thật nhanh.
Đúc gan sắt để dời non lấp bể
Xối máu nóng rửa vết dơ nô lệ,
Mới thế nầy là mới mới, hỡi chư quân!
Nhân dịp Xuân về, Phương Đình mến tặng quý bạn đồng hương 4 câu Đường luật khai bút đầu Xuân Bính Tý 1996:
“Ấn sơn Bút lĩnh non càng vững,
Vệ thủy Trà giang sóng chữa nhòa.
Góp sức ta xây Tân Vận Hội
Dang tay mình dựng Cựu Sơn Hà!”.
Để ghi dấu niềm hoài vọng của con dân xứ Quảng nhằm nung-nấu thêm hùng khí, ý lực cho miền đất linh-thiêng, vững tin vào chính khí hạo nhiên để mãi mãi trường tồn và luôn vẫn là cột trụ giúp đàn hậu tử tiến mau.
Manchester, NH mạnh Xuân Ất Dậu 2005
Phương Đình