CHUYỆN ÔNG CAO BIỀN VÀ VUA NAM CHIẾU
Thinh Quang
Khi Từ Thức an tọa bà tiên mới bắt đầu lên tiếng:
-“Đây là cái hang thứ sáu trong 36 động của Phù lai. Ta là Ngụy phu nhân Địa tiên ở Nam nhạc, thấy khanh là người có cao nghĩa, cứu người trong lúc nguy khổn, cho nên ta mới cho mời tới đây”.
Nói tới đó liền truyền thị nữ gọi một cô con gái ra. Từ Thức đưa mắt nhác trông thì ra cô con gái đó chính là người con gái đánh gẫy hoa mẫu đơn mà mình đã cởi áo bào chuộc ra khi trước. Tiên nga trỏ vào cô gái và nói tiếp:
-“Đây là Giáng Hương con gái của ta, bữa trước mắc nạn trong lúc xem hoa, được khanh cứu giúp, ơn ấy chưa quên và nay muốn kết nhân duyên để đền nghĩa cũ”.
Đoạn không đợi Từ Thức trả lời, lập tức làm lễ thành hôn ngay đêm hôm đó. Từ Thức ở trong động đó được đúng một năm thì xin phép trở về nhà và hẹn sau sẽ lại tới. Tiên nga bèn cấp cho một số xe cẩm vân, rồi Giáng Hương viết cho một bức thư trao cho Từ Thức và dặn rằng:
-“Ngày sau trông thấy vật này, chớ nên quên tình cũ”.
Đoạn Từ Thức lên xe chỉ trong chốc lát đã tới ngay nhà. Bây giờ trông thấy cảnh vật khác hẳn ngày xưa, hỏi ra thì đã hơn 80 năm xa vắng, nay mới tới nơi đây. Từ Thức đang ngẩn ngơ muốn lại lên xe đi ngay, thì xe đã hóa ra con chim loan mà bay đi mất. Chàng mở bức thư ra xem thì thấy trong có mấy câu:
“Kết loan lữ ư vân trung, tiền duyên dĩ đoạn,
Phỏng tiên san tư hải thượng, hậu hội vô nhân”.
Nghĩa là:
Bạn loan kết ở trong mây, duyên xưa đã dứt,
Hỏi núi tiên trên mặt biển, dịp sau không còn.
Từ Thức liền đó bỏ nhà đi thẳng vào núi Hoàng Sơn, rồi sau không hiểu còn mất ra sao.
(Chuyện này trích trong Đại Nam Thống Nhất Chí - tỉnh Thanh Hóa (Tập hạ)
Câu chuyện thần tiên trên đây là một trong rất nhiều chuyện thần thoại khác. Tại Miền Trung Việt Nam đất Quảng Ngãi cũng lắm hang động mang nhiều giai thoại thần tiên. Cứ theo Địa Phương Chí của Phạm Trung Việt nhan đề “Non Nước Xứ Quảng” có đề cập đến nhiều hang động thần tiên như Chùa Hang tại núi Phú Thọ, trước hang có chùa bằng đá thiên nhiên tạo dựng.
Xứ Quảng tuy vùng đất khô cằn, dân chúng đa phần chịu cảnh cam go đất đai, khí hậu, làm công sức thì nhiều nhưng thu hoạch thì có phần khiêm nhường hữu hạn, nhưng lại có lắm giai thoại như:
CHUYỆN VUA NAM CHIẾU TRÊN BỜ SÔNG TRÀ
Trong tập Non Nước Xứ Quảng” của Phạm Trung Việt ghi lại cậu chuyện này như sau:
“Tại Quảng Ngãi hiện còn di tích một thắng cảnh gọi là Long Đầu Hí Thủy (đầu rồng giỡn nước) ở tả ngạn Trà giang, bên cầu, sát quốc lộ 1 A hướng về Tây Bắc.
Chính trên bờ sông Trà Khúc phía bắc, dưới chân núi Long Đầu là địa điểm xuất phát câu chuyện vua Nam Chiếu được truyền khẩu sâu rộng trong dân chúng mãi đến ngày nay.
Tương truyền vua Nam Chiếu xuất thân từ một gia đình nghèo khó trên bờ sông Trà dưới chân núi Long Đầu. Bà mẹ là Thiệu Khôi, một buổi trưa hè đi gánh nước gặp khi trời nóng bức, cởi truồng xuống sông tắm bỗng không may, gặp con rái lớn đuổi theo kịp, bà bị hãm hiếp ngay trên bờ.
Dân làng ở làng hay kịp ùa ra đập “rái” chết ngay tại chỗ. Riêng nàng Thiệu Khôi có mang và thú thật cùng cha mẹ: chính “rái” là cha cái bào thai trong bụng.
Ông bà nghe nàng thuật lại chuyện lạ đã xảy ra, ngậm ngùi thương xót số con gái, cho phép hốt xương rái đem về nhà. Nàng Thiệu Khôi gói kỹ hài cốt chồng “rái” trong mo cau treo trên bếp để tưởng nhớ chồng hằng ngày khi lo cơm nước.
Sau đó, đến kỳ sinh đẻ, nàng cho chào đời một đứa bé kháu khỉnh, mắt giống mẹ, thân hình giống cha. Cậu bé được đặt tên là Chiếu, rất mau lớn, chưa tròn tuổi đã biết chạy nhảy nhất là thích ngâm mình trong nước, rất giỏi môn bơi lội.
“Lớn lên, gặp cơn bão lụt, gia đình nàng Thiệu Khôi quẩn bách, bé Chiếu lên mười phải đi ở chăn trâu cho một gia đình giàu có ở làng bên.
Tại làng trú ngụ, Chiếu thường ngày tụ tập trẻ con, tập chúng bơi lội, lặn ngụp suốt buổi, cùng nhau ánh giặc. Chiếu đánh đâu được đó, lũ trẻ đồng tôn Chiếu lên làm vua.
Càng ngày lũ chăn trậu càng qui tụ càng đông. Chúng tôn Chiếu làm vua khắp vùng rộng lớn, tiếng đồn khắp cả miền Ấn Trà.
Thời ấy (618-907) dưới triều vua Đường bên Trung Hoa các nhà địa lý nhìn sao Bắc Đẩu biết ở phương Nam sẽ phát Đế. Vua Đường bèn phong Cao Biền làm Tiết độ sứ qua Long Châu chận long mạch.
Một ngày kia Cao Biền dừng bước ở phương nam ngạc nhiên về dòng Trà Khúc và núi Long Đầu nơi có “Cửu Khúc hồi hoàn” và hàm rồng như ở núi Chúa, Trà Kiệu (Quảng Nam). Ông quyết định lưu tại địa phương để tìm hiểu vì tin rằng sẽ có một nhân vật kỳ tài xuất hiện. Sau thời gian dò hỏi trong dân chúng và đám chăn trâu, Cao Biền tìm gặp bé Chiếu hỏi thăm địa thế của dòng sông Trà. Chiếu kể lại: Khi lặn xuống sông có gặp một con gì kỳ lạ lắm, minh dài, có hai sừng, mũi to và hai mắt sáng, lớn như mặt trăng.
Cao Biền bảo dẫn đến cha mẹ Chiếu thăm và cho tiền nuôi Chiếu ăn học.
Ông nói với nàng Thiệu Khôi, tương lai con nàng sẽ làm đến bậc vương tướng, cần cho Chiếu đi học. Trước khi ra về, Cao Biền cho thêm tiền bạc, nhận làm nghĩa phụ của Chiếu và hẹn ba năm sau sẽ trở lại. Về Trung Quốc, yết kiến nhà vua, Cao Biền mạo tâu rằng đã tìm và ếm được long mạch ở phương Nam (sự thật thì ông chưa ếm huyệt nào cả vì có tham vọng lớn muốn lấy cuộc đất Ấn Trà thực hiện mộng đế vương cho chính mình và dòng tộc họ Cao).
Phần Chiếu sau ba năm học tập đã tinh thông binh pháp lẫn chữ nghĩa, văn võ song toàn. Nàng Thiệu Khôi vui mừng nóng lòng chờ đợi nghĩa phụ của Chiếu trở lại Giao Châu để dạy thêm binh pháp cho con mình.
Quả thật, đúng kỳ hạn ba năm, Cao Biền lại thăm gia đình Thiệu Khôi,dạy cho Chiếu phương pháp điều binh khiển tướng. Một hôm Cao Biền bảo Chiếu với bất cứ giá nào cũng tìm cho được hài cốt của cha chàng đem về làm phép cho mau thành công trong sự nghiệp làm tướng.
Chiếu chạy về hỏi thăm mẹ nơi chôn hài cốt cha. Và, từ đó chàng mới biết mình là con của “rái”.
Vừa lúc ấy, Cao Biền bước vào nhà. Chiếu nhớ lời căn dặn, xin phép mẹ gói hài cốt cha lại cẩn thận, trao tận tay nghĩa phụ.
Đúng giờ ngọ hôm sau, Cao Biền dẫn Chiếu ra sông Trà, trao cho hai gói, bảo Chiếu lặn xuống sông, bỏ một gói vào miệng rồng, gói kia đựng hài cốt của cha Chiếu thì tuyệt đối phải treo trên đầu nó.
Chiếu khi lặn xuống nước đã lanh tay bỏ gói hài cốt của cha mình vào miệng rồng, gói kia thì treo trên đầu rồng rồi trở lên bờ, giả thưa với Cao Biền rằng làm đúng y như lời ông dặn. Cao Biền tưởng thật, tin rằng hài cốt của cha đã bỏ vào miệng rồng, thì thế nào mình cũng phát vương.
Chuyện kể tiếp: Kể từ ngày bỏ gói hài cốt của rái vào miệng rồng, trí thông minh của Chiếu phát triển vượt bực, có những hành động phi thường, xuất chúng: lấy tre làm gươm, chém gỗ, đất nát, chém trâu đứt thân làm đôi, đốn cây rừng dễ như chém chuối. Hiện tượng lạ lùng này khiến cho anh hào hào kiệt bốn phương quy tụ về tôn Chiếu lên làm vua tức là Nam Chiếu. Chưa đầy một năm, Chiếu đã thống lãnh năm mươi ngàn quân, đội ngũ chỉnh tề, thành một đoàn quân hùng mạnh, bách chiến bách thắng nổi lên đuổi quân Đường ra khỏi Giao Châu xua tận biên giới Quảng Đông-Quảng Tây.
Được tin Nam Chiếu xưng Vương đánh đuổi quân Tàu, Cao Biền mới biết rõ Chiếu đã không làm đúng lời dặn. Ông tình nguyện đi dẹp quân Nam Chiếu.
Được vua Đường chuẩn y, Cao Biền đúc ấn hình bát quái, trên kiếm có khắc đạo bùa bằng chữ đỏ “Tọa ấn hình sơn” (đặt ấn làm núi có linh huyệt trở thành bình thường). Ông cũng đúc gươm vàng khắc bùa “Trảm long Trà Khúc” (chém rồng Trà Khúc).
Trở lại Giao Châu gặp nàng Thiệu Khôi, Cao Biền bày xảo kế, mượn tay nàng ếm long mạch bằng cách hứa hẹn cho Nam Chiếu trở thành vua chính thống.
Thiệu Khôi ưng thuận ngay. Nàng làm tất cả những gì cần để cho Nam Chiếu trở thành Hoàng Đế.
Cao Biền liền đưa cho nàng một lưỡi gươm nhỏ, dặn lên triền núi Long Đầu nơi tạo ra Hàm Rồng (gọi Cửu Khúc hồi hoàn), dùng gươm cắm mạnh xuống lưng núi trong lúc ông đọc chú và làm phù phép.
Liền khi lưỡi gươm cắm xuống lút cán, nàng Thiệu Khôi hốt hoảng té xỉu xuống vì máu ở dưới đất phun lên từng vòi ghê rợn.
Mặt khác, Cao Biền vội phóng mạnh lưỡi gươm vàng xuống Hàm Rồng. Thực hiện xong mưu trảm long Trà Khúc, Cao Biền bỏ mặc nàng Thiệu Khôi, quay về trướng phủ đánh quân Nam Chiếu.
Phần vua Nam Chiếu, ngay sau khi long mạch sông Trà Khúc bị yểm, đang lúc hăng say đuổi giặc Tàu, bỗng nhiên nhà vua vật mình đau đớn và truyền lệnh khẩn cấp lui về thế thủ.
Cho đến lúc Cao Biền tiến đánh, vua Nam Chiếu, nước mắt ròng ròng kể lại rằng liên tiếp mấy đêm đã nằm mơ thấy cha là Thần Rái về báo mộng cho biết nàng Thiệu Khôi vì sự nghiệp đế vương của con mà lầm quỷ kế của Cao Biền, nàng đã cắm gươm linh xuống lưng rồng, làm hại Nam Chiếu.
Vua Nam Chiếu bỗng không còn tha thiết đến việc chống đánh quân Tàu nữa. Cuối cùng, nhà vua đã bị Cao Biền bắt được và đem ra chém. Đầu vua Nam Chiếu rơi xuống, máu từ cổ phụt vọt lên từng vòi chấm dứt sự nghiệp của một nhà vua xuất thân từ một làng chài nghèo trên bờ sông Trà miền Giao Châu ngày xưa và phần đất Quảng ngày nay“ (Non Nước Xứ Quảng, trang 198 – Phạm Trung Việt).
Chuyện Thần Thoại Việt Nam không phải là hiếm hoi và hầu hết đều nói lên về xuất xứ của dân tộc, về tinh thần yêu nước nồng nhiệt, chịu xả thần, đa phần xuất thân từ giới bình dân... Thần thoại Việt Nam đượm màu triết thuyết. Như trong tác phẩm “Le Culte des Immortels en An-Nam” của Nguyễn Văn Huyên, hội viên trường Pháp quốc Viễn Đông E.F.E.O., - Sự Sùng Bái Thần Tiên ở Việt Nam với quan niệm là từ xưa đến nay con người đều tỏ ra bi quan, than thở rằng là đời sống của con người ngắn ngủi làm sao! Với người Việt tin rằng có một thế giới bên kia. Vì vậy mà mọi người đều tha thiết được có một đời sống vĩnh cửa, hằng hữu đời đời kiếp kiếp.
Quan niệm này thể hiện là hàng năm cứ mỗi lần xuân về trên vạn nẻo, năm cũ trôi qua, năm mới đến mang lại hồng phúc cho cõi trần gian không còn cảnh khổ lụy trầm luân nữa. Họ – thiên hạ dưới gằm trời dân Việt ta đều thi nhau chúc phúc cho nhau, trường thọ, sống lâu đến cả trăm tuổi thọ v.v...Quan niệm này cũng nói lên câu mà thánh nhân từ thời xa xưa đã bảo: ”Sinh Ký Tử Qui”. Cõi trần âu chỉ là kiếp sống tạm bợ chính cái chết mới gọi là trở về với thế giới siêu nhiên của trời đất.
THINH QUANG