TRƯƠNG ĐĂNG ĐỒ, MỘT BỀ TÔI TIẾT NGHĨA
Nguyễn Duy Long
Khi trang anh hùng ca giữ nước một thuở của vương triều Tây Sơn khép lại, những bề tôi can trường và có bản lĩnh đành phải ngậm ngùi tuẫn tiết theo vương triều mình phụng sự. Trương Đăng Đồ (?-1802), người làng Mỹ Khê, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, là một tấm gương như thế.
Tháng giêng năm Nhâm Tuất (1802), sau khi kinh đô Phú Xuân thất thủ, vương triều Tây Sơn gượng dậy bằng cuộc phản công ác liệt diễn ra tại lũy Trấn Ninh. Lần quật cường cuối cùng này thất bại, lực lượng Tây Sơn rệu rã, mệt mỏi và chán chường. Để khẳng định quyền vị của mình, tháng 5 năm ấy, Nguyễn Ánh đặt niên hiệu Gia Long và chuẩn bị lực lượng hùng hậu tấn công ra bắc. Cuộc bắc phạt thành công dễ dàng: Nghệ An, Thanh Hoa, các trấn Bắc thành lần lượt rơi vào tay Gia Long. Thế cùng lực kiệt, Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Thùy cùng Đô đốc Tú vượt sông Nhĩ Hà chạy về hướng bắc. Ngày 17 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), dân chúng Phượng Nhãn bắt Nguyễn Quang Toản cùng cung quyến đem giải nộp. Những nhân vật trọng yếu còn lại của nhà Tây Sơn tiếp tục bị truy bắt. Quân ít, thế cô, liệu thế không thể chống đỡ nổi, Nguyễn Quang Thùy, Đô đốc Tú với phu nhân cùng tự vẫn (1).
Nhà Tây Sơn tồn tại quá ngắn ngủi, tư liệu còn lại về vương triều quá sơ sài. Tiểu sử Đô đốc Tú chỉ còn lại những ghi chép mơ hồ như thế khiến cho hậu thế rất khó khăn khi tìm hiểu về ông. May mắn thay, gia phả dòng họ Trương (2) xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi xác nhận Đô đốc Tú chính là Tú Đức hầu Trương Đăng Đồ và cung cấp thêm vài tư liệu quý báu liên quan đến đô đốc thao lược này. Gia phả do sử gia Trương Đăng Quế (3) – người có tư liệu gốc về Tú Đức hầu Trương Đăng Đồ, có ý thức trách nhiệm về cha ông mình, có năng lực trước thuật – biên soạn nên chứng liệu ở đây rất đáng tin cậy.
Theo gia phả (4), năm Quý Hợi (1623), thủy tổ Trương Đăng Nhất cùng vợ rời quê cũ nay thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vào định cư ở vùng đất bên bờ sông Trà nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Cục diện tranh hùng nửa sau thế kỷ XVIII giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn đặt con người vào tình huống buộc phải lựa chọn một lối ứng xử, không người nào giống người nào. Đời thứ 7, dòng họ Trương có hai người ra làm quan với nhà Tây Sơn. Người anh Trương Đăng Phác (thân phụ của Trương Đăng Quế) giữ chức tri huyện Mộ Hoa, sau thăng hữu tuyên vũ phủ Quảng Ngãi. Người em Trương Đăng Đồ ra Phú Xuân học, nổi tiếng hay chữ. Nhà Tây Sơn tin dùng, ông nhận chức đô đốc và được phong tước Tú Đức hầu, trấn Bắc thành. Dòng họ Trương cũng có người đứng trong hàng ngũ của Nguyễn Ánh. Trương Đăng Án (chú thúc bá của Trương Đăng Phác, Trương Đăng Đồ) vào Gia Định tòng quân, lập quân công, được phong tước Huyền Hòa bá.
Thời điểm Trương Đăng Đồ theo Tây Sơn, tuy chưa xác định cụ thể nhưng phải sau khi Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ chiếm lấy Phú Xuân vào năm Bính Ngọ (1786). Sử sách không ghi chép gì về hành trạng của ông từ khi ông đứng vào hàng ngũ Tây Sơn cho đến khi ông mất. Gia phả chép được câu chuyện bi tráng của ông bà Tú Đức hầu Trương Đăng Đồ trước khi tuẫn tiết: (…) ông biết trước thất bại bèn gọi vợ mà nói rằng:
-“Phận tôi đáng chết, còn bà nên về Nam”.
Bà khảng khái hỏi lại:
-“Bề tôi chết vì vua, vợ không được chết vì chồng sao?”.
Ông thì vẹn chữ trung thần, bà thì trọn nghĩa phu thê và cùng nằm lại nơi thiển thổ hiu quạnh quê người. Sau khi bình yên rồi, ông bà được đưa về yên nghỉ trên quê hương Quảng Ngãi.
Trang anh hùng ca giữ nước một thưở của vương triều Tây Sơn khép lại với những hình ảnh lóe sáng sau cùng: phong thái dũng mãnh của Trần Quang Diệu, bóng dáng can trường của Bùi Thị Xuân, tấm lòng thủy chung của Tú Đức hầu Trương Đăng Đồ. Tất cả đều tận tâm kiệt lực chiến đấu ngay cả trong những tình thế tuyệt vọng. Riêng Tú Đức hầu Trương Đăng Đồ, trong thế bị dồn ép, không còn chọn lựa nào khác, đã giữ đúng chức phận “tôi trung” trong cơn hoạn nạn.
Không hẳn là ông không ý thức được đầy đủ tính chất “một đi không trở lại” (nhất khứ bất phục phản) của tiến trình lịch sử. Cũng không hẳn là ông quá thất vọng triều đại mình phò tá không còn giữ được ngọn cờ lãnh đạo đất nước. Mà là ông trân trọng danh dự và bảo toàn nó bằng chính sự sống của mình. Trong lặng lẽ, ông được sử gia Trương Đăng Quế nhắc đến đôi dòng trong gia phả của dòng họ. Và sau hơn hai trăm năm bị lãng quên, ông hiện diện giữa chúng ta như một khuôn mặt Quảng Ngãi tiêu biểu của vương triều Tây Sơn: Trong lòng thành phố này, có một con đường mang tên Trương Đăng Đồ (5)
NGUYỄN DUY LONG
Tài liệu tham khảo và chú thích:
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện. Tập 2. Ngô Hữu Tạo, Đỗ Mộng Khương dịch, Cao Huy Giu, Nguyễn Trọng Hân hiệu đính. Nxb Thuận Hóa. Huế. 1997: 571.
Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí. Tập II. Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch dịch. In lần thứ 3. Nxb Văn học. Hà Nội. 1984: 228-9.
Ngô Giáp Đậu. Hoàng Việt long hưng chí. Ngô Đức Thọ, Mai Xuân Hải, Nguyễn Văn Nguyên dịch, Ngô Đức Thọ giới thiệu và chỉnh lý. Nxb Văn học. Hà Nội. 1993 : 349.
(2) Năm 1988, nhóm nghiên cứu Phan Huy Lê đã công bố một số thông tin trong quyển gia phả họ Trương liên quan đến Trương Đăng Đồ.
Xem: Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Vũ Minh Giang, Nguyễn Quang Ngọc. Tư liệu về Tây Sơn – Nguyễn Huệ. Tập I: Trên đất Nghĩa Bình. Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình. Qui Nhơn. 1988: 259-61.
(3) Trương Đăng Quế (1794-1865) đậu hương cống năm 1819, giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới triều Nguyễn: thượng thư bộ binh, sung cơ mật viện đại thần rồi thăng hiệp biện đại học sĩ, cần chánh điện đại học sĩ, chủ khảo thi hội, tổng tài các công trình biên khảo qui mô như Đại Nam liệt truyện, Đại Nam thực lục… Xem: Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Phan Đại Doãn, Chương Thâu. Từ điển các nhân vật lịch sử VN. Nxb Giáo dục. Hà Nội. 2000: 345-6.
(4) Những thông tin từ quyển gia phả họ Trương trích dẫn trong bài viết này đều được dẫn theo : Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Vũ Minh Giang, Nguyễn Quang Ngọc. Tư liệu về Tây Sơn- Nguyễn Huệ. Tập I: Trên đất Nghĩa Bình. Sđd: trang 259-61 .
(5) Nghị quyết về đặt tên một số con đường của thị xã Quảng Ngãi được Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi thông qua ngày 17 tháng 7 năm 2003, in trên báo Quảng Ngãi, số 1401, ngày 22 tháng 8 năm 2003, trang 5 và 8.
* * *
Xem các bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang Đất nước, con người, click vào đây
Trở về trang chính http://www.nuiansongtra.net