VÕ DUY NINH, NGƯỜI TUẪN TIẾT VÌ THÀNH GIA ĐỊNH
Nguyễn Duy Long
Là trọng quan của nhà Nguyễn trong giai đoạn đất nước đầy biến động, Võ Duy Ninh (1804 – 1859) gắn liền tên tuổi mình với pho sử đau thương và hào hùng của dân tộc. Ông được nhắc đến trong sử sách như một võ tướng đầu tiên ngã xuống khi tiếng súng thực dân Pháp vang rền mở màn cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Võ Duy Ninh tự Trọng Chí, biệt hiệu Trúc Nghiêm Võ Chí Hiên, sinh năm 1804 tại làng Đại An, huyện Chương Nghĩa (nay thuộc xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành) tỉnh Quảng Ngãi (1) trong một gia đình theo nho học. Ông đậu cử nhân năm Giáp Ngọ (1834) tại trường thi hương Thừa Thiên (2). Còn người anh Võ Duy Thành đậu cử nhân năm Canh Tý (1840), rồi đến khoa thi hội Giáp Thìn (1844) đậu tiếp phó bảng (3). Một gia đình có truyền thống đăng khoa tương đối hiếm hoi ở Quảng Ngãi (3).
Sau khi đậu cử nhân, Võ Duy Ninh bước vào hoạn lộ bằng chức quan nhỏ là hành tẩu Bộ Lại (5), thăng dần lên, lúc thì giữ chức vụ thuộc quan trong triều, lúc thì giữ chức vụ cai trị hành chính địa phương. Ở đâu, ông cũng tỏ ra thanh liêm, cẩn thận, cần mẫn trị dân, không gây nhiễu sự (6). Năm Đinh Mùi (1847), khi bắt đầu làm quan tại ngoại, ông được bổ nhiệm làm Bố Chánh Hưng Yên (7). Một thời gian sau, ông được triệu về kinh giữ chức Thị Lang. Tháng giêng năm Ất Mão (1855), Võ Duy Ninh được thăng Thự hữu Tham tri Bộ Lại, rồi hai năm sau, năm Đinh Tỵ (1857), được thực thụ giữ chức Hữu Tham tri bộ này (8). Là một thuộc quan của bộ Lại, một bộ có nhiệm vụ tổ chức bộ máy quản lý đất nước, ông còn đảm nhận những nhiệm vụ liên quan đến việc xét xử, thăng giáng các quan lại trên phạm vi toàn quốc (9).
Điều đáng chú ý là trong cuộc đời làm quan của mình, Võ Duy Ninh được tin cậy giao cho một vài trọng trách liên quan đến giáo dục, thi cử. Chẳng hạn, năm Canh Tuất (1850), khi đang làm Bố chánh Hưng Yên, ông được cử làm phó chủ khảo kỳ thi hương trường Thanh Hóa. Và năm Bính Thìn (1856), khi đang làm thự Hữu Tham tri Bộ Lại, ông được chỉ định là người duyệt quyển kỳ thi đình (10).
Qua những ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn, có thể khẳng định rằng hoạn lộ của ông khá thuận lợi và hanh thông. Cho dù làm việc trong triều hay ngoài quận, ông đều hoàn thành nhiệm vụ và được đánh giá cao.
Ngày 1 tháng 9 năm 1858, dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Rigault de Genouilly, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng vào cửa biển Đà Nẵng, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam (11). Đến tháng 1 năm 1859, kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của đội quân viễn chinh thất bại. Chúng chỉ chiếm đóng được bán đảo Sơn Trà và bờ Nam sông Hàn, lực lượng lại hao mòn dần không đủ sức mở cuộc hành quân chớp nhoáng tấn công vào kinh đô Huế. Đô đốc de Genouilly quyết định đưa quân đánh chiếm thành Gia Định vì thành này nằm trên dòng sông mà chiến thuyền có thể ra vào dễ dàng. Hơn nữa, vùng đất này vừa là vựa thóc, vừa là trung tâm thương mại. Chiếm đóng được Gia Định sẽ cắt đường vận chuyển lương thực từ đây ra kinh đô, phong tỏa được kinh tế để gây sức ép với triều đình Huế (12).
Như vậy, cùng một lúc nhà Nguyễn phải đương đầu với liên quân Pháp – Tây Ban Nha trên cả hai mặt trận. Để đối phó với tình hình căng thẳng này, tháng 10 năm Mậu Ngọ (1858), Tự Đức cử Võ Duy Ninh vào thay thế Phạm Thế Hiển làm tổng đốc Định Biên (Gia Định – Biên Hòa), chỉ huy mặt trận Gia Định (13). Có người e ngại, tâu với Tự Đức rằng Võ Duy Ninh chưa quen với địa thế vùng này sợ có việc quan ngại nhưng vua vẫn tin tưởng giao cho ông trọng trách hộ đốc thành Gia Định, một vị trí xung yếu của mặt trận phía Nam (14).
Thực hiện kế hoạch mới, tháng 2 năm 1859, de Genouilly để lại một ít quân đóng trụ ở Đà Nẵng, đem 2000 quân với 8 tàu chiến vào Gia Định (15). Ngày 9 tháng 2 năm 1859, tàu chiến Pháp đến Vũng Tàu, rồi đánh phá các hải đồn phòng thủ của quân nhà Nguyễn và theo dòng sông tiến đến thành Gia Định (16). Võ Duy Ninh khẩn trương cấp báo các tỉnh hội quân đến cứu viện. Ngày 17 tháng 2 năm 1859, liên quân Pháp – Tây Ban Nha mở cuộc tấn công qui mô vào thành Gia Định (17). Quân viễn chinh tập trung pháo kích dữ dội, mở đường cho bộ binh áp sát và dùng chất nổ công phá thành. Võ Duy Ninh đích thân lên mặt thành đốc suất ba quân chống giữ. Trận đánh diễn ra ác liệt khắp các mặt thành. Từng mảng thành sụp đổ. Tinh thần binh sĩ nao núng. Không thể nào duy trì cuộc chiến đấu được nữa, ông cùng tùy tùng lui về thôn Phước Lý, huyện Phước Lộc (18). Ngày hôm sau, 18 tháng 12 năm 1859, liên quân Pháp – Tây Ban Nha kéo vào chiếm đóng thành. Thành Gia Định thất thủ, Võ Duy Ninh tuẫn tiết (19).
Tin thất trận báo về triều đình Huế, Tự Đức truy tước quan hàm của Võ Duy Ninh, chỉ dụ cho tỉnh Vĩnh Long hay Định Tường cấp 100 quan tiền, đi tìm thi thể ông và sau đó dùng thuyền đưa linh cữu về an táng ở quê nhà Quảng Ngãi (20). Một khiển trách khá nặng nề. Tháng 6 năm Kỷ Mùi (1859), Khâm sai Nguyễn Bá Nghi dâng sớ xin khai phục chức cho ông nhưng Tự Đức từ chối, viện lẽ là cần phải giữ đúng phép nước, thưởng phạt nghiêm minh đối với người có công cũng như kẻ có tội (21). Ông phải chịu hàm oan một thời gian khá dài. Phải gần 20 năm sau, năm Đinh Mão (1867), Tự Đức mới nghĩ đến cái chết tận trung với nước, tận hiếu với dân của ông nên đã ân mệnh khai phục Võ Duy Ninh chức thị độc (22). Một chiêu tuyết muộn màng nhưng chí tình hợp lý.
Đảm đương nhiệm vụ nặng nề trong giai đoạn đất nước đầy biến động, Võ Duy Ninh không thể nào xoay chuyển được tình thế trước sự áp đảo về binh khí, kỹ thuật của phương Tây. Thành mất. Là vị tướng giữ thành, ông không còn cách nào khác là quyên sinh để bảo toàn khí tiết, ngoài thì không hổ thẹn với người đời, trong thì không hổ thẹn với bản thân mình. Ông chọn cái chết như hành động sống sau cùng của một kẻ sĩ mong tạ tội với dân, với nước. Và ông đi vào sử sách như một võ tướng đầu tiên ngã xuống khi tiến súng thực dân Pháp vang rền mở màn cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
NGUYỄN DUY LONG
Tài liệu tham khảo và chú thích:
(1) Cao Chư. Các nhà khoa bảng nho học Quảng Ngãi, 1819 – 1918. Nxb Đà Nẵng. Đà Nẵng. 2001: 189.
Gia phả của dòng họ. Dẫn theo T.T. Dâng hương tưởng niệm cụ Võ Duy Ninh. Quảng Ngãi, số 1636, ngày 21 tháng 2 năm 2005: 1.
(2 -4) Cao Xuân Dục dùng từ “đăng khoa” để chi truyền thống khoa bảng của những người mà gia thế có cha con, ông cháu, chú bác, anh em cùng đậu cử nhân trở lên. Xem: Cao Xuân Dục. Quốc triều hương khoa lục. Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch, Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh. 1993: 78, 179, 198 – 9.
(5) Cao Chư. Các nhà khoa bảng nho học Quảng Ngãi, 1819 – 1918. Sđd: 189.
(6)Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXVII. Nguyễn Ngọc Tỉnh, Ngô Hữu Tạo, Phạm Huy Giu dịch, Cao Huy Giu hiệu đính. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1973: 396.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXVIII. Phạm Huy Giu, Nguyễn Thế Đạt, Đỗ Mộng Khương dịch, Cao Huy Giu hiệu đính. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1973: 264.
(7) Cao Chư. Các nhà khoa quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXVIII. Sđd: 73, 94, 315, 327. bảng nho học Quảng Ngãi, 1819 – 1918. Sđd: 110.
(8 – 9) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXVIII. Sđd: 73, 94, 315, 327.
(10) Cao Xuân Dục. Quốc triều hương khoa lục. Sđd: 303.
Tuyển tập Cao Xuân Dục. Tập 2. Quốc triều khoa bảng lục. Trúc Viên Lê Mạnh Liêu dịch. Nxb Văn học. Hà Nội. 2001: 147.
(11) Dương Kinh Quốc. Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858 – 1945). Tập I: 1858 – 1896. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1981: 9 – 10.
(12) Các văn thư của Đô đốc Rigault de Genouilly lưu trữ ở thư khố Quốc gia, Pháp. Dẫn theo Cao Huy Thuần. Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857 – 1914). Nguyên Thuận dịch. Nxb Tôn giáo. Hà Nội. 2003: 95 – 8.
(13, 14) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXVIII. Sđd: 459, 472.
(15 – 17) Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Công Bình, Lê Trung Khá, Võ Sĩ Khải, Nguyễn Đình Đầu. Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Tập I: Lịch sử. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh. 1987: 249.
(18, 19) Dương Kinh Quốc. Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858 – 1945). Tập I: 1858 – 1896. Sđd: 12 – 3. Sự thiếu thống nhất trong một số tư liệu về ngày thành Gia Định thất thủ cũng như ngày mất của Võ Duy Ninh, chúng tôi xin đề cập trong một bài báo khác. Ở đây, ngày mất của Võ Duy Ninh được chép theo gia phả là ngày 16 tháng giêng năm Kỷ Mùi (tức ngày 18 tháng 12 năm 1859). Dẫn theo Cao Chư.Các nhà koa bảng nho học Quảng Ngãi 1819 – 1918. Sđd:190.
(20 – 22) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXIX. Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Cao Huy Giu hiệu đính. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1974: 16, 224 – 5.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXXI. Trương Văn Chinh, Nguyễn Thế Đạt, Nguyễn Danh Chiên dịch, Cao Huy Giu, Nguyễn Trọng Hân hiệu đính. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1974: 108.