TÌM HIỂU NỀN VĂN HÓA TRUNG HOA
Thinh Quang
PHẦN 3
Suốt thời kỳ nhà Chu lập quốc trên 30 thế kỷ ven theo lưu vực sông Hoàng Hà, nền văn hóa của quốc gia này gặp lắm cảnh thăng trầm theo dòng lịch sử. Không suôn sẻ như người Phenicians, cũng có nền văn minh ven theo bờ Địa Trung Hải. Tại nơi đây họ sinh cơ lập nghiệp và dựng nên các đô thị nổi tiếng như Tigre và Sidon. Đời sống của xã hội có kỷ cương, dân chúng hài hòa, sung mãn (2500 đến 2000 Tr.CN.)
Niên đại 2325 Tr.CN có Sargon Đại đế của Akkad đã tổ chức được hệ thống quân binh hùng mạnh từng chinh phục các quốc gia người Sumer và khi đã chiếm cứ được dải đất này họ lập nên một đất nước Akkad – Sumer, tóm thu được cả một vùng đất rộng lớn kể từ vịnh Ba Tư dẫn thẳng đến thượng lưu sông Tigre. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Lưỡng Hà thống nhất thành một quốc gia thịnh vượng, kể cả ven bờ Hắc Hải cùng một phần Tiểu Á đặt dưới quyền cai trị của nhà vua Sargon Đại đế.
Nhưng nền văn minh phồn thịnh nhất là vào niên đại 2000 Tr.CN là người Mycène trên bán đảo Hy Lạp. Tại bán đảo này lúc bấy giờ có một nền văn minh cao và đạt được sự phồn thịnh ngay lúc nền văn minh Minoan đang trong thời kỳ tàn lụi (1400 Tr.CN). Do đó mà người Mycène mới thay thế người Crète thống trị khu vực Địa Trung Hải.
Năm 1200 Tr.CN một cuộc chiến vô cùng ác liệt xảy ra giữa quân đội Hy Lạp và Troie, gây bao nhiêu cảnh tan thương, hàng ngàn người chết, có thể nói đây là thời kỳ máu đổ thành sông, xương chồng thành núi. Trận chiến này kéo dài nhiều năm khiến nhân dân lao đao khốn khổ. Cuối cùng Hy Lạp thắng trận. Thời gian này có nhà thơ Homère khoảng thế kỷ XI đến thế kỷ IX Tr.CN. diễn tả hình ảnh cuộc chiến thảm khốc này bằng hai tập trường ca nhan đề: Iiiade và Odyssée. *
Thời gian cách nhau không xa lắm, năm 1050 Tr.CN Chu Vũ Vương thủ lãnh của người Chu tại lưu vực sông Kinh Thủy và Vị Thủy mang đại binh vượt sông Hoàng Hà tiến thẳng đến kinh đô Triều Ca của nhà Thương Vu. Cuộc chiến xảy ra ác liệt cũng không khác nào trận địa chiến giữa Hy Lạp và Troie. Cuối cùng vua Trụ đời Thương không chống trả nổi, vua Trụ bèn tự sát trước sự sững sờ của quân binh. Thế là nhà Thương sụp đổ, nhà Chu thiết lập nên từ đó, Chu Vũ Vương làm Thiên tử và đặt kinh đô tại Cao Kinh.
Tiếp đến là thời Tây Chu dựng nước kể từ 1050 – 771 Tr.CN. Thời gian này vua Chu phong vương tộc và công thần đến các nơi làm chư hầu. Đồng thời Chu Vương còn phát triển có tính qui mô vùng Lạc Ấp làm Đông Đô. Thời kỳ Chu Vũ Vương chỉ có những chức vụ thông thường song vào triều đại Tây Chu bộ máy hành chính còn có thêm các chức Tư Đồ, Tư Mã, Tư Không và Tư Khấu. Mục đích nhà Vua đưa thêm các chức vụ này là để nắm giữ kinh tế, tài chánh, quân sự cũng như trông coi về công trình công cộng...
Chế độ cha truyền con nối xuất hiện từ thời gian này. Lại thêm nhờ vào chánh sách “phân phong điền địa”, dân chúng sống trong cảnh sung túc, thanh bình, nền văn hóa mỗi ngày mỗi tiến xa hơn.
Thời Tây Chu đã bắt đầu thiết lập bộ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần trong dân chúng. Từ đó trong triều đình, ngoài dân gian đều có nề nếp kỹ cương. Vua là bậc tối cao song không phải vì vậy mà nhà vua không vấn ý trong hàng quần thần. Ngoài xã hội có tôn ti trật tự. Ông bà, con cháu quần tụ bên nhau dưới một mái ấm. Nhiều nhà họp lại thành xóm làng. Nhiều làng liên kết nhau thành quận huyện v.v... Nền văn minh dần dà tiến triễn nhờ vào sự học hỏi và nghiên cứu đường lối chính sách bằng lý luận. Từ lý luận sinh ra lý thuyết. Từ lý thuyết phát sinh ra triết học, sử học, văn học, mỹ học, âm nhạc và luôn cả tôn giáo...
Như vậy, khái niệm về lịch sử văn hóa của Trung Quốc bằng vào những hiện tượng xã hội trong lĩnh vực thuộc về đời sống tinh thần, trong đó như bên trên đã ghi nhận bao gồm triết học, sử học, nghệ thuật, văn hóa, mỹ nghệ, lễ nghi v.v...nghiên cứu văn tự – là một điều không thể thiếu được. Chính nhờ văn tự mà nền văn hóa càng ngày càng phát triển hơn lên. không thời nào giống với thời nào chỉ có tăng mà không có giảm. Hay nói đúng hơn nền văn hóa và bộ mặt xã hội Trung Quốc mỗi thời đại có một diện mạo khác nhau.
* * *
Nền văn hóa Trung Quốc từ cổ chí kim quả thiên hình vạn trạng, ngoài nếp sống qui củ, còn có những biểu lộ trong cuộc sống hàng ngày. Như “Thi Ca” xuất phát từ tiếng lòng để nói lên tâm trạng hay “Âm Nhạc” “Nhảy Múa” đều để biểu thị tâm tư của mình.
Ví như trong cung đình nhà Chu có hai loại: ”Văn và Võ”. Bên võ cầm can và thích để vũ lộng. Bên Văn thì có vũ công, tay trái cầm “bài tiêu” còn tay phải thì cầm “địch”. Đây là điệu “hiền vũ”, mà tác giả là người Tây Thổ. Bài Đông Môn Chi Phần diễn tả mối tình giữa trai và gái:
Đông môn chi phần,
Uyển khâu chi hứa;
Tử trọng chi tử,
Bà sa kỳ hạ.
Cốc cán ư sai,
Nam phương chi nguyên;
Bất tích kỳ ma,
Thị dã bà sa.
Dịch nghĩa
Cửa đông có cây phần
Dưới gò Uyển có cây hứa
Con cái nhà Tử Trọng
Thường múa nhảy dưới các cội cây này.
Chọn ngày tốt lành,
Con cái họ Nguyên tại phương nam,
Không lo việc dệt gai,
Mà cùng kéo đến vui chơi nhảy múa...
PHẦN 4
Không phải đợi đến khi nền văn hóa tiến triển, có văn tự, có tôn giáo, có sự xuất hiện của hai hai bậc thầy Khổng, Lão, tư tưởng triết học mới xuất hiện mà chính tư tưởng triết học đã manh nha có từ thời tiền sử.
Trong văn học sử Trung Quốc ghi nhận tư tưởng triết học xuất hiện cùng lúc với thần thoại thời tiền sử, hay có thể nói nó bắt nguồn từ thời thần thoại. Như vậy, tư tưởng triết học ra đời vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, ngay vào thời kỳ nguyên thủy có thể gọi là “kỷ nguyên văn hóa cổ đại”, cái kỷ nguyên mà đời sống trong xã hội rực rỡ hàng triệu ngôi sao lấp lánh như những hạt kim cương trên vòm trời và bàng bạc như ánh trăng vàng trải đều lên vạn vật. Đó được xem là thời đại tư tưởng được hoàn toàn tự do phóng túng, tự do bộc lộ ý nghĩ mà không bị bất cứ một sự ràng buộc nào và có thể nói đây là thời đại huy hoàng của buổi ban đầu.
Nhưng vào cuối thời đại Xuân Thu thì Vương triều nhà Chu bắt đầu suy vi, vòm trời đang bàng bạc trong sáng bỗng trở thành u ám. Lễ nhạc bắt đầu suy vi, băng hoại.
Thời tiên Tần có “Bách Gia” chính nó là cội nguồn của một nền triết học cổ đại của Trung Quốc. Từ ngày nền học thuật thoát ra tầm tay của triều đình, đi vào lòng dân gian các vấn đề khai sáng trí năng được rộ nở khắp quần chúng. Các trường học, các học phái thi nhau xuất hiện chẳng khác như cảnh trời xuân, trăm hoa đua nở. Các học phái được người dân hưởng ứng ca tụng là Nho. Mặc, Đạo, Danh, Pháp, Âm dương...Tuy căn cứ vào sách Hán thư, thiên Nghệ văn chí có đến 103 Nhà, nhưng chung qui chỉ có mỗi Nho, Mặc, Đạo được xem là “đại gia” làm kim chỉ nam cho dân chúng trên đường mở mang kiến thức.
VẠN THẾ SƯ BIỂU
Đức Khổng Tử sinh 551-479 Tr.CN, ông tên Khâu tự Trọng Ni người nước Lỗ, ông đã khai sáng ra học thuyết Nho gia – một học thuyết mà bao nhiêu ngàn năm vẫn giữ nguyên được bản sắc mà mọi người đều xem như là ngọn đuốc soi đường cho mọi người.
Vạn thế sư biểu
(Xem thêm về Khổng Tử tại đây: www.nuiansongtra.net/index.php)
Ông sinh trưởng trong một gia đình nghèo khổ, nhưng không phải vì vậy mà lợi danh cám dỗ được ông, lúc nào ông cũng muốn đem tư tưởng của mình reo rắc cho khắp cùng thiên hạ. Chính vì vậy mà người đời lúc bấy giờ xem ông là một bậc sư biểu chẳng những của thời đại hiện hữu mà của vạn thế. Danh từ vạn thế sư biếu chính dân chúng trong đó gồm đủ các thành phần, giai cấp cùng tôn xưng như vậy. Đặc biệt là ngoài việc truyền bá chữ nghĩa cho đám học trò mà ông còn đầu tư thêm cho đám môn sinh của mình thêm phần kiến thức bằng cách đưa đi chu du liệt quốc.
Vị vạn thế sư biểu này tuy không muốn miếng đỉnh chung, song ông lại có tham vọng truyền đạt tư tưởng của mình truyền bá khắp các liệt quốc, song về lý tưởng và phương hướng lèo lái con thuyền quốc gia của ông chưa nhằm với thời cơ nên... ông thất bại trên đường du thuyết.
Trở về nước ông bắt đầu lo việc chỉnh lý lại các sách vở như “Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân thu” mà người đời sau này gọi là “lục kinh” không ngoài mục đích đem cái triết thuyết của mình truyền bá trong nhân gian. Ông chủ trương thuật lại mà không sáng tác, phải tín và hiếu với người xưa (Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ).
Vốn không có trước tác, ông chỉ giảng dạy, mọi lời lẽ của ông phát ra đều được các môn sinh của ông ghi chép lại. Vì vậy ông chỉ mang ra chỉnh lý, người đời sau gọi đó là “lục kinh”, như bên trên đã ghi tên của mỗi loại như Dịch, Thi, Thư v.v...Chính đó là học phái Nho gia với chủ thuyết Nhân và Lễ. Sau này Mạnh Tử có câu: ”Nhân giả nhân dã”, Kẻ có lòng nhân ấy là con người vậy.
Cái nhìn của Khổng Tử về Vũ trụ ông thừa nhận có siêu nhiên. Thế có nghĩa là ngoài cái thế giới “con người” vật chất còn có thế giới siêu hình. Khổng Tử đã nói: ”úy thiên mệnh” há không phải là sợ mệnh trời đó sao! Đức Khổng cũng không gạt bỏ “quỉ thần”, thế có nghĩa là quỉ thần có đó, song Ngài cảnh giác: ”Kính quỉ thần nhi viễn chi” – đối với quỉ thần thì kính trọng mà nên xa lánh.
Còn tiếp
THINH QUANG