NGUYỄN TỰ TÂN, MỘT BẬC SĨ PHU CẦN VƯƠNG CỦA NÚI ẤN SÔNG TRÀ
Nguyễn Duy Long.
Tên tuổi của Nguyễn Tự Tân (1848-1885) không được lưu truyền sâu rộng, không được lừng lẫy bằng các bậc sĩ phu Cần vương kiệt xuất nhất như Phan Đình Phùng, Mai Xuân Thưởng… nhưng xứng đáng được xem là khuôn mặt Quảng Ngãi tiêu biểu trong công cuộc ứng nghĩa Cần vương cuối thế kỷ XIX.
Nửa sau thế kỷ XIX, nửa thế kỷ đầy biến động lịch sử, nửa thế kỷ dồn dập không ngớt những cuộc khởi nghĩa hùng tráng mà bi thương của tầng lớp sĩ phu. Hào khí oanh liệt ngút trời cũng đành chịu thất bại trước chiến thuyền và pháo hạm của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Triều đình Huế nao núng và nhượng bộ, ký kết Hòa ước Quí Mùi (1883), Giáp Thân (1884) công nhận quyền bảo hộ của nước Pháp ở hai vùng đất còn lại là Trung kỳ và Bắc kỳ.
Tuy vậy, Tôn Thất Thuyết và không ít sĩ phu vẫn nuôi chí hành động và chờ thời cơ. Ông đưa được Ưng Lịch lên ngôi (lấy niên hiệu là Hàm Nghi), phế truất các đại thần, hoàng thân quốc thích có tư tưởng và hành động thỏa hiệp với Pháp. Ông cũng củng cố hệ thống sơn phòng dọc theo sườn đông Trường Sơn, tổ chức lại các đạo quân tại kinh độ và các tỉnh.
Đầu năm 1885, hưởng ứng chủ trương này, tầng lớp sĩ phu Quảng Ngãi đứng ra thành lập hội Văn-Thân. Nghĩa sĩ ở nhiều vị trí xã hội khác nhau cùng tụ về dốc sức xây dựng chiến khu Tuyền Tung (phía tây bắc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ngày nay) (1), bí mật rèn đúc khí giới, chiêu mộ hương binh chờ ngày sống mái với quân thù. Một trong những khuôn mặt nổi bật của phong trào Văn thân Quảng Ngãi là Tú tài Nguyễn Tự Tân. Ông đảm nhận chức vụ hữu vệ hương binh phó quản (Tả vệ hương binh chánh quản là Lê Trung Đình) (2).
Nguyễn Tự Tân sinh năm Mậu Thân (1848) tại làng Trung Sơn (nay thuộc xã Bình Phước), huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Sinh ra trong một gia đình hào phú, vốn tư chất thông minh, lại hiếu học, năm 21 tuổi (Mậu Thìn,1868), ông lều chõng đi thi và đậu tú tài tại trường Bình Định (3). Sinh thời, dáng mạo của Nguyễn Tự Tân oai vệ khác thường: trán cao, mắt sáng, lông mày dĩnh ngược (4), bộc lộ khí phách của một trương phu sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Một bài thơ, tương truyền là của ông, cũng thể hiện cốt cách ngang tàng, xem thường giới quan trường đương thời:
Mẹ kiếp người Nam dại lắm ôi !
Làm quan với “mọi” chẳng nên thôi
Ngồi xem cương kỷ cho ai đó
Ngoảnh lại giang san đã mất rồi! (5)
Là môn sinh của cửa Khổng sân Trình, mang trong mình niềm day dứt khôn nguôi trước cơn nguy biến của đất nước, Nguyễn Tự Tân không thể ngồi yên buông trôi theo dòng định mệnh đau thương của dân tộc. Và ông tham dự hội Văn thân như một việc nghĩa phải làm. Đêm 22 rạng sáng ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5 tháng 7 năm 1885) cuộc binh biến tại kinh đô do Tôn Thất Thuyết chủ trương thất bại, tiếp theo là lời kêu gọi thống thiết của vua Hàm Nghi hiệu triệu tầng lớp sĩ phu và dân chúng đứng lên cứu nước. Tú tài Đào Doãn Địch được Tôn Thất Thuyết cử vào các tỉnh Nam Ngãi cấp báo tin Cần vương:
(…) Tú Địch về là Thuyết sai vô
Khi đà thất thủ kinh đô,
Muợn danh hồi quán thăm dò phía trong
Trải qua Nam Ngãi một vòng,
Truyền miệng dụ mới giục lòng văn thân (…) (6)
Hồn thiêng tổ quốc như hiện về hiệu triệu toàn dân đồng lòng hợp sức dấy lên phong trào Cần vương như thể đã hẹn được ngày khôi phục giang sơn. Quảng Ngãi là địa phương khởi động cho phong trào này. Đêm mùng 1 rạng sáng mùng 2 tháng 6 năm Ất Dậu (đêm 12 rạng sáng 13 tháng 7 năm 1885), Nguyễn Tự Tân cùng chánh tướng Lê Trung Đình tập hợp lực lượng ước chừng 3000 người kéo về chiếm thành Quảng Ngãi (7). Trên đường tiến quân có người cho rằng gặp điềm bất tường bèn kế hoãn binh, nhưng Nguyễn Tự Tân, một mặt, trấn an lòng quân sĩ, một mặt, hạ lệnh xử tử nếu có kẻ do dự, và cương quyết làm theo hoạch định (8).
Sau khi làm lễ tế cờ tại đền Văn Thánh, Nguyễn Tự Tân và chánh tướng Lê Trung Đình chia quân làm 3 mũi, vượt sông Trà, và dễ dàng lấy được thành Quảng Ngãi (9). Mấy ngày sau, ngày 5 tháng 6 năm Ất Dậu (16 tháng 7 năm 1885), Quyền Tiễu Phủ sứ Sơn phòng Nghĩa Định Nguyễn Thân – nguyên là thành viên của hội Văn thân (10) - ủy cho Đề đốc Đinh Hội kéo 900 biền binh tiến về thành Quảng Ngãi (11). Một mặt, Lê Trung Đình và Nguyễn Tự Tân không ngờ rằng Nguyễn Thân đã rời bỏ hàng ngũ sĩ phu Cần vương mà đứng về phía triều đình thỏa hiệp với Pháp, một mặt, lực lượng hương binh không đủ sức đối phó với đội quân chính qui thiện chiến, dày dạn kinh nghiệm của Nguyễn Thân, Nguyễn Tự Tân và một số thủ lĩnh hy sinh tại trận, còn Lê Trung Đình bị bắt (11).
Việc đời là “một cuộc bể dâu”. Dẫu vậy, như chim hồng vỗ cánh thì còn lưu lại dấu chân, Nguyễn Tự Tân đi qua cuộc đời này thì chút phận làm trai trong ông vẫn còn ẩn hiện bàng bạc nơi này. Ước vọng chưa thành, nhưng ít ra ông đã bộc bạch được tâm nguyện tận trung báo quốc của kẻ sĩ đất Việt, xứng đáng được xem là khuôn mặt Quảng Ngãi tiêu biểu trong công cuộc ứng nghĩa Cần vương cuối thế kỷ XIX.
NGUYỄN DUY LONG
Tài liệu tham khảo và chú thích:
(1) Phạm Trung Việt. Non nước xứ Quảng. Thiên Bút Văn đoàn. Quảng Ngãi. 1962: 41-3.
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXXVI. Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Nguyễn Mạnh Duân hiệu đính. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1976: 237-40.
(3-5) Phạm Trung Việt. Non nước xứ Quảng. Sđd: 41-3.
(6) Đặng Đức Tuấn. Giáo nạn trong quốc biến (Dậu tuất niên gian phong hỏa ký sự). Trong: Lam Giang, Võ Ngọc Nhã. Đặng Đức Tuấn – Tinh hoa công giáo ái quốc Việt Nam. Tác giả xuất bản. Sài Gòn. 1970: 531.
(7) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXXVI. Sđd: 237-40.
(8) Phạm Trung Việt. Non nước xứ Quảng. Sđd: 41-3.
(9) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXXVI. Sđd: 237-40.
(10) Phan Bội Châu. Việt Nam vong quốc sử. Nguyễn Quang Tô dịch. Tao đàn. Sài Gòn. 1969 (?): 36.
(11) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Sđd: 237-40.
Trở về website www.nuiansongtra.com