BÙI TÁ HÁN TRONG KÝ ỨC LỊCH SỬ MỘT VÙNG ĐẤT
Nguyễn Duy Long.
Huân nghiệp Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán gắn liền với vùng đất Quảng Ngãi (1) trong tiến trình mở nước của dân tộc vào thế kỷ XVI. Huyền thoại về ông mãi khắc đậm trong ký ức lịch sử một vùng đất. Tên tuổi ông gắn liền với tên đất, tên làng, tên núi, tên sông quê hương Quảng Ngãi. Nơi đây còn lưu dấu bước chân của bậc tiên tổ khai điền lập địa. Nơi đây còn lưu truyền hai câu thơ về sự hiển thánh của con người sống trung nghĩa, chết anh linh:
Nhơn mã bất tri hà xứ khứ
Huyết y trường dữ thử bi lưu
(Người lẫn ngựa đi đâu không biết
Linh còn truyền điểm huyết áo nhung) (2)
Đáng tiếc là vài dòng ghi chép ít ỏi trong chính sử chỉ phác họa đôi nét về danh tướng Bùi Tá Hán (3): làm quan nhà Lê, từ chức thổ quan thăng dần đến Bắc quân Đô đốc, Tổng trấn Quảng Nam, Thiếu bảo Trấn Quận công, khi mất đựơc tặng Thái bảo. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) được gia phong là Khuông quốc Tịnh biên Thọ đức Thượng đẳng thần. Vài tư liệu hiếm hoi khác sưu tầm được không đủ dựng nên niên biểu Bùi Tá Hán, nhất là thời trai trẻ của ông nơi quê nhà - Hoan Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) (4).
Sinh năm Bính thìn (1496) (5), Bùi Tá Hán lớn lên trong thời kỳ đất nước loạn ly, khủng hoảng triền miên với cuộc nội chiến Nam Bắc triều thời Lê Mạc. Ông hưởng ứng theo Nguyễn Cam (thường chép là Nguyễn Kim (6)) chiêu mộ quân binh, phò tá Lê Trang Tông, dựng cờ chống Mạc. Qua bao năm tháng nếm trải gian lao, lập nhiều công tích, tên tuổi Bùi Tá Hán được biết đến như một vị tướng tài ba, thao lược, có cách tổ chức phiên chế đội ngũ nghiêm minh, vừa ân, vừa uy thu phục được lòng người.
Năm 1545, ông được phong làm Bắc quân Đô đốc đem quân đi vỗ yên biên trấn Quảng Nam - trong đó có cả địa phận Quảng Ngãi ngày nay - đang bị nhà Mạc chiếm đóng (7). Dấn thân vào chốn quan trường, lấy truyền thống yêu nước thương dân làm trọng, ông day dứt trước cảnh trăm họ lầm than, muôn dân cực khổ dưới tai ương của chiến tranh. Vì vậy, ông chủ trương dùng biện pháp chiêu an binh sĩ, quan lại nhà Mạc, thu phục nhân tâm sở tại trước khi tiến đánh và ông đánh dẹp được mà gần như không hao binh tổn tướng (8).
Sau khi thu hồi lãnh thổ Quảng Nam, Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán được vua Lê Trang Tông ban thưởng tiền bạc và gấm lụa, giao cho ông trọng trách Tổng trấn Quảng Nam.Ông bắt đầu thực hiện một số chính sách an dân tạo điều kiện cho cư dân ở đây tụ cư và khai khẩn (9). Người Việt các xứ Thanh Hoa, Nghệ An, Hải Dương mà hầu hết là những nông dân nghèo tha phương cầu thực di cư vào vùng đất này khai phá lập nghiệp.
Để cuộc sống người dân xa xứ vừa mới đến nhanh chóng hòa nhập với lớp cư dân cũ vốn thưa thớt, Bùi Tá Hán sắp xếp cho họ ở tạm đồn điền của binh lính, cấp cho họ 5 tháng lương ăn, giao cho họ một ít thục điền để canh tác. Ông ra lệnh cho binh lính giúp từng hộ đốn cây, cắt tranh, dựng nhà. Ông khuyến khích người dân khai khẩn đất hoang và thừa nhận quyền sở hữu đất đai cho người có công khai phá.
Người dân ổn định cuộc sống trên vùng đất mới nhờ những phương cách tối ưu trong tổ chức sinh hoạt do ông đề xuất (10). Từ việc cải tiến dụng cụ bếp núc đến việc đổi mới kỹ thuật cấy gặt, từ việc miễn thuế để khuyến khích các nghề thủ công như rèn, đúc, mộc đến việc thay đổi y phục cho phù hợp với thực tế vùng đất mới, từ việc mở mang dân trí đến việc đả phá đồi phong bại tục… nhất nhất đều được ông quan tâm đầy đủ.
Để thỏa mãn nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân xa xứ giữa chốn rừng thiêng nước độc, cọp dữ hùm tru, ông cho lập đình từ để thờ các vị thần bổn mạng (11). Chủ trương giản dị trong sinh hoạt cộng đồng, ông khuyên kiệm ước, loại bỏ những phiền phức trong hôn nhân tang tế (12).
Với vai trò quản lĩnh vùng đất mới khai phá, Bùi Tá Hán đã đưa ra nhiều biện pháp xây dựng xứ sở hoang vu thành vùng đất trù phú (13). Ông cho mở con đường thiên lý rộng 2,5 trượng từ Hy Giang (Quảng Nam ngày nay) đến Tuy Viễn (Bình Định ngày nay), sông nhỏ thì làm cầu cống bắt qua, sông lớn thì dùng thuyền đò. Lại đào kênh mương dẫn nước vào ruộng, khai kênh rút nước vùng trũng để tiện việc canh tác. Ông dâng biểu xin khám đạc ruộng đất chia cho lưu dân cày cấy, phân chia các hạng ruộng làm căn cứ để thu thuế.
Trong cuộc đời ông, có một sự kiện mà người đời có thể có những ý kiến khác nhau. Đó là việc ông vâng mệnh triều đình đảm trách công cuộc kinh dinh vùng cao phía tây Quảng Ngãi mà thời bấy giờ đã có những cuộc nổi dậy của các tộc người miền núi. Phận làm tướng, ông không thể nào làm khác được. Ông cho xây dựng Tĩnh man Trường lũy - những đồn lũy dọc theo ranh giới giữa miền núi và đồng bằng - để phòng ngự, duy trì sự ổn định cả về mặt chính trị lẫn kinh tế ở vùng đất đang khai phá. Mặt khác, ông thực thi những chính sách làm cho mối quan hệ giữa giữa Đại Việt và các bộ tộc trên cao nguyên trở nên gắn bó mật thiết hơn như Bourotte đã ghi nhận (14):
-“Mỗi vùng cư trú của người dân tộc thiểu số, ông đặt chức Giao dịch là người địa phương đặc trách trông nom đồng bào của mình. Và dưới quyền của Giao dịch có bốn Cai quản và nhiều phụ tá là thương nhân đại diện cho triều đình được phép đi lại, buôn bán và có trách nhiệm thu thuế nộp cho triều đình. Ngoài món thuế ấy ra, không được đòi hỏi gì thêm ở người dân tộc thiểu số. Theo thời gian, ông trở thành vị thần trong tâm thức của người dân tộc thiểu số bằng chứng là các tên "ông Trấn Bắc" của ông được tộc người miền núi dùng để khấn vái trong các nghi lễ cúng tế (15)”.
Còn đối với biên giới phía nam, Bùi Tá Hán lập đồn binh canh phòng cẩn mật các nơi xung yếu, đồng thời ra lệnh cho binh lính phải có thái độ hòa nhã, tôn trọng người Chăm và cho phép hai tộc Việt Chăm qua lại, trao đổi buôn bán (16).
Năm 1568, con người suốt tháng năm vì nước an dân yên nghỉ vĩnh hằng trên quê hương Quảng Ngãi (17). Huyền thoại về ông mãi khắc đậm trong ký ức lịch sử một vùng đất. Tên tuổi ông gắn liền với tên đất, tên làng, tên núi, tên sông quê hương Quảng Ngãi. Nơi đây còn lưu truyền những câu chuyện huyền bí thể hiện oai linh của ông trước đất trời. Như chuyện nắng hạn lâu ngày, cầu xin ông thì mưa xuống. Như chuyện Tả quân Lê Văn Duyệt vây bắt con hổ dữ gây hại trong vùng đã cầu khấn nhờ ông trấn giữ mặt phía tây (18). Như cái chết hiển thánh của ông.
Tương truyền, người và ngựa biến mất chỉ còn chiếc áo bào nhuộm máu lưu lại ở rừng Cầy, địa điểm lăng mộ hiện nay. Tưởng nhớ đến công lao khai sáng địa phương của ông, dân sở tại lập đền thờ phụng trên núi Phước. Kể từ đó, rừng Cầy, núi Phước được dân trong vùng gọi theo tục danh là rừng Lăng, núi Ông (19).
Các triều đại nối tiếp nhau từ Cảnh Thịnh (nhà Tây Sơn) đến Khải Định (nhà Nguyễn) đã ban cho ông nhiều đạo sắc phong (20). Ca ngợi tài đức của ông đối với dân, với nước, sử gia triều Nguyễn khái quát một cách sơ lược nhưng rất trân trọng (21):
-… chú trọng ban ân huệ, khoan hòa với quân dân, trăm họ yêu mến gọi là ông Trấn Bắc”.
Và sang thời hiện đại, năm 1990, khu lăng mộ và đền thờ Bùi Tá Hán được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích quốc gia (22). Những sự kiện đó cho thấy ân uy của ông bền vững với thời gian.
Hơn 400 năm trôi qua, kể từ khi ông hóa thân vào hồn thiêng sông núi, vẫn còn đây sự tôn kính, ngưỡng vọng của người dân xứ Quảng đối với bậc công huân trong buổi đầu khai hoang mở cõi dẫu rằng tên tuổi ông vẫn chưa được nhắc đến một cách thỏa đáng nơi này. Từ ký ức lịch sử một vùng đất, xin đặt đúng vị trí của một danh nhân mà lâu nay vẫn như còn mặc nhận. Từ nhận thức mới về các nhân vật lịch sử, xin dành cho ông một con đường, một ngôi trường như thể trân trọng và tôn vinh những giá trị vĩnh cửu của một con người.
NGUYỄN DUY LONG
Tài liệu tham khảo và chú thích:
(1) Đại Nam nhất thống chí xếp ông vào phần nhân vật tỉnh Quảng Ngãi. Xem: Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng, Trần Xán. Đại Nam nhất thống chí. Quyển 6: tỉnh Quảng Ngãi. Nguyễn Tạo dịch. Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục. Sài Gòn. 1964: 89 (Văn hóa Tùng thư số 22).
(2) Phạm Trung Việt, Non nước xứ Quảng tân biên, Khai trí. Sài Gòn. 1971: 100.
(3) Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng, Trần Xán. Đại Nam nhất thống chí. Quyển 6: tỉnh Quảng Ngãi. Sđd: 89.
(4) Xem: Lê Hồng Long, Vũ Sông Trà. Tư liệu thư tịch và di tích về nhân vật lịch sử Bùi Tá Hán (1496 - 1568). Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi. Quảng Ngãi. 1996.
(5) Mai Thị. Phủ tập Quảng Nam ký sự. Lê Hồng Long, Vũ Sông Trà dịch. Trong: Lê Hồng Long, Vũ Sông Trà. Tư liệu thư tịch và di tích về nhân vật lịch sử Bùi Tá Hán (1496 - 1568). Sđd: 19.
Công bố Phủ tập Quảng Nam ký sự, các dịch giả không chú ý đến việc khảo sát và chú giải văn bản nên tư liệu này còn có những vấn đề cần thảo luận như độ sai lệnh của văn bản hiện có so với văn bản ban đầu có niên đại hơn 400 năm, thông tin mà tư liệu cung cấp khác với thư tịch cổ khác thì xử lý như thế nào. Chúng tôi trích dẫn Phủ tập Quảng Nam ký sự những dữ liệu mà không có tư liệu Hán Nôm nào khác chép và ghi chú rõ để bạn đọc tiện tham khảo.
(6) Theo đúng âm Hán Việt, tên của vị chúa này là Nguyễn Cam nhưng các sách báo tiếng Việt từ trước đến nay thường ghi theo cách đọc biến âm kiêng húy là Nguyễn Kim. Xem: Ngô Đức Thọ. Chữ húy Việt Nam qua các thời đại. Nxb Văn hóa. Hà Nội.1997: 114.
(7) Mai Thị. Phủ tập Quảng Nam ký sự. Lê Hồng Long, Vũ Sông Trà dịch. Bđd: 20. Một số tư liệu khác chép rằng ông vào trấn Quảng Nam năm 1540.
(8 - 13) Mai Thị. Phủ tập Quảng Nam ký sự. Lê Hồng Long, Vũ Sông Trà dịch. Bđd: 20 - 7.
(14) Bourotte. Essai d/histoire des populations montagnardes de Sud - Indochinoise. Lựơc dẫn theo: Phan Khoang. Việt sử Xứ đàng trong. Nxb Văn học. Hà Nội. 2001: 401. Chúng tôi có thay thế một vài từ không phù hợp với ngôn ngữ hiện nay.
(15) Nguyễn Đức Cung. Diên lộc Quận công Nguyễn Thân (1853 - 1914). Nhật Lệ. Philadelphia. 2002:51.
(16) Mai Thị. Phủ tập Quảng Nam ký sự. Lê Hồng Long, Vũ Sông Trà dịch. Bđd: 29.
(17) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truỵên tiền biên. Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1995: 143.
(18) Phạm Trung Việt. Non nước xứ Quảng tân biên. Sđd: 101.
(19) Rừng Lăng, núi Ông nay thuộc xã Quảng Phú, thị xã Quảng Ngãi. Năm 1962, đền thờ Bùi Tá Hán được chuyển từ núi Ông về rừng Lăng gần khu mộ của ông.
(20) Lê Hồng Long, Vũ Sông Trà. Tư liệu thư tịch và di tích về nhân vật lịch sử Bùi Tá Hán (1496 - 1568). Sđd : 33 - 54.
(21) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện tiền biên. Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu. Sđd: 142.
(22) Quyết định số 168 ngày 2 tháng 3 năm 1990 của Bộ Văn hóa Thông tin. Dẫn theo: Cao Chư, Lê Hồng Khánh, Đoàn Bích và TGK. Di tích và thắng cảnh Quảng Ngãi. Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi. Quảng Ngãi. 2001: 261.