TRẦN CÔNG HIẾN VỚI NHÀ IN HẢI HỌC ĐƯỜNG
Nguyễn Duy Long.
Tên tuổi Ân Quang hầu Trần Công Hiến không chỉ gắn liền với những trận chiến khốc liệt giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn mà còn ghi lại dấu ấn rất đậm nét trong hoạt động in ấn mà Hải Học đường do ông chủ xướng sáng lập được xem là tổ chức qui mô nhất vào đầu thế kỷ XIX góp phần truyền bá và lưu giữ di sản văn hóa dân tộc.
Võ tướng Trần Công Hiến sinh trưởng tại huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi (1) trong một gia đình thuộc dòng dõi Nho gia. Sớm mồ côi cha, nghiệp đèn sách dang dở. Vốn tư chất thông minh, hiếu học, lại đam mê sách vở, có lẽ ông có kiến văn sâu rộng, phong phú so với một số vị tướng võ biền lắm công huân của vương triều Nguyễn thời bấy giờ. Năm Quý Sửu (1793), rời Quảng Ngãi, Trần Công Hiến vào Thi Nại, Qui Nhơn yết kiến Nguyễn Ánh, lập quân công và được phong chức Tổng nhung Cai cơ. Tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh đem quân ra Bắc, đánh bại triều Tây Sơn Nguyễn Quang Toản, tràn vào Thăng Long làm chủ toàn bộ Bắc Hà. Thiết lập vương triều Nguyễn, Nguyễn Ánh sai các quan văn võ chia trị các trấn Bắc thành và Trần Công Hiến được bổ giữ chức trấn thủ Hải Dương. Tiếp đó, năm Quý Hợi (1803), ông kiêm luôn chức Khâm sai Chưởng cơ. Vào cuối đời, Trần Công Hiến được phong tước Ân Quang hầu và tháng chạp năm Bính Tý (đối chiếu với dương lịch là năm 1817) ông mất tại trấn sở (2).
Trần Công Hiến đã đi trọn vẹn con đường mà lịch sử vạch ra cho kẻ được đào luyện từ cửa Khổng sân Trình. Đó là đem hết tài năng và tâm huyết đóng góp cho đời, giúp vua trị nước, thể hiện tấm lòng ưu dân ái quốc. Hoài bão trong sáng đó được ông thực thi suốt chặng đường phục vụ công quyền của mình.
Thế kỷ XIX bắt đầu. Đất nước trải qua ngót 300 năm nội chiến máu lửa còn lại những hậu quả nặng nề không dễ gì vượt qua. Thiên tai mất mùa. Ruộng đồng hoang hóa. Lưu dân xiêu tán. Trôïm cướp nổi lên. Trước tình cảnh bức xúc ấy, Trần Công Hiến lập ra nhà chẩn tế ở cửa trấn để phát chẩn cho nạn nhân thiên tai, xuất thóc kho cho dân nghèo vay đến khi thu hoạch xong nộp trả. Ông còn thực thi một biện pháp có hiệu quả tích cực và lâu dài hơn là đắp đê ngăn nước mặn từ biển tràn vào và cải tạo hơn 8.000 mẫu ruộng chiêm. Nhân dân sau đó gọi đê này là Trần công. Ngoài ra, Trần Công Hiến từng bước vãn hồi an ninh trật tự trong vùng tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Ông dẹp yên nạn trộm cướp, chiêu tập dân xiêu tán về an cư lạc nghiệp. Nhằm cũng cố lại hệ thống quản lý, ông cho khảo sát đường sá, bến đò, hình thể núi sông, tiến hành vẽ địa đồ trong hạt (3).
Nhà cai trị mẫn cán, công bằng và khoan hòa này còn là nhà Nho giàu tâm huyết với quê hương đất nước. Trong khi làm trấn thủ Hải Dương, Trần Công Hiến không những quan tâm đến đời sống dân chúng mà còn rất chú ý đến giáo dục, thi cử, biên thuật và trước tác. Ông tập hợp được một số người cùng quan tâm đến di sản văn hóa dân tộc như Đốc học Trung Chính bá, Trợ giáo Thời Đức nam (4)… Họ đồng lòng đồng sức xây dựng nên nhà in Hải Học đường qui mô và bề thế với nhiều ấn phẩm có chất lượng học thuật cao. Có thể nói họ là những người góp phần đặt nền tảng cần thiết cho công việc phát triển giáo dục Nho học phù hợp với chủ trương chọn Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống của vương triều Nguyễn, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của đất nước.
Với niềm yêu mến và tự hào nền văn hóa dân tộc, Trần Công Hiến băn khoăn trăn trở về tình trạng những áng văn chương của tiền nhân chỉ được phổ biến hạn chế và ngày càng mai một dần:
-"…Nước ta vốn gọi là nước có văn hiến, thơ của nước ta có tiếng hay, lại thường được người Trung Quốc coi trọng. Hiềm vì những thơ đề ngâm vịnh của người xưa có đem in cho mọi người xem, cũng chỉ được một hai phần. Đến như thơ văn gương mẫu của các đại gia, văn chương của các thi gia, cùng các bài ứng chế hợp cách và các tập thơ biên soạn có tiếng, có quan hệ đến nghề thi cử, thật ra rất nhiều. Thế mà, những thơ văn được đem truyền lẫn cho nhau, thì thật cũng ít lắm…)"
(Bài tựa của Trần Công Hiến trong Danh thi hợp tuyển) (5).
Ông huy động các thuộc quan trong trấn và các trí thức địa phương cùng bắt tay vào sưu tầm các di sản văn chương vốn bị thất tán và hủy hoại trong loạn lạc, chiến tranh:
-"…Mỗi khi rảnh việc công, hỏi khắp các quan phủ, huyện trong hạt và các vị hương cống mới hay cũ là người bản trấn, ai còn giữ được di cảo thơ văn thì đừng giữ riêng mà nên công bố cho mọi người cùng xem. Ai nấy đều có ý mến tôi, đưa cho xem. Tuy đã lượm lặt được khá nhiều rồi, nhưng mà như lời người xưa đã nói "Nhiều rồi chăng? Chưa nhiều đâu." Tôi lại đem hỏi quan đốc học là Trung Chính bá và quan trợ giáo là Thời Đức nam nhờ hai vị ấy hiệu đính sắp xếp lại, đưa cho thợ khắc in…"
(Bài tựa của Trần Công Hiến trong Danh Thi hợp tuyển) (6) .
Điều chắc chắn rằng, ở Trần Công Hiến ngoài sự hiểu biết rộng và sâu sắc luôn có niềm đam mê với nền văn chương thư tịch nước nhà và nhờ niềm nhiệt huyết đó, ông chọn lọc và lưu giữ cho đời sau những áng văn chương giá trị. Đó là tuyển tập về thơ văn Việt Nam và tài liệu tham khảo dùng cho việc giảng dạy, học tập.
Tuyển tập thơ văn theo chủ đề khá qui mô do Hải Học đường thực hiện là bộ Danh thi hợp tuyển. Công trình này bao gồm 12 quyển với 1669 bài luật thi của các danh sĩ từ đời Gia Long trở về trước, nhiều nhất là các danh sĩ thời cuối Lê. Từ quyển 1 đến quyển 7 của bộ sách là thơ phú có lẽ được làm trong các kỳ thi, riêng quyển 6 và quyển 7 còn ghi rõ tên tác giả của từng bài như Dương Bật Trạc - tiến sĩ khoa Ất Mùi (1715), Đồng Doãn Giai - tiến sĩ khoa Bính Thìn (1756)… Những quyển còn lại giới thiệu một phần hay gần như toàn bộ tác phẩm của các danh sĩ như Phạm Quý Thích, Phan Huy Ích, Phạm Nguyễn Du và Nguyễn Bỉnh Khiêm (7).
Về tài liệu tham khảo dùng cho việc giảng dạy học tập, Hải Học đường tuyển chọn các bài văn mẫu của lối văn cử nghiệp. Danh phú hợp tuyển dành cho thể phú, một thể loại đòi hỏi dụng công sáng tác văn học với hình thức chuẩn mực hóa cao độ. Đầy ắp trong quyển sách này là những bài phú tiêu biểu của các danh gia từ đời Trần đến đầu đời Nguyễn như Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn, Đặng Trần Côn, Phạm Nguyễn Du (8)… Tiếp theo phú là kinh nghĩa và văn sách, những sáng tác văn học giống như lối văn nghị luận. Lịch đại sách lược gồm những bài văn sách của các sĩ tử tại các kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình từ đời Lê Hồng Đức 23 (1493) đến thời Nguyễn Gia Long 12 (1813), trong đó có những bài xuất sắc của Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm…(9).
Còn loại kinh nghĩa thì có quyển Danh văn tinh tuyển. Ở đó, tác giả giảng giải kỹ lưỡng cách thức làm bài văn thể loại này và trích dẫn những bài mẫu mực của các tác giả Trung Quốc như Vương Trí, Phương Thuần, Lý Mộng Hoa…(10). Và cuối cùng, Ứng chế tứ lục tuyển giới thiệu thơ văn dùng trong thi cử, ít nhiều có tính cách hành chính như chế, chiếu, biểu viết theo thể tứ lục (11). Như vậy, có thể nói, các lối văn cử nghiệp đều được đề cập trong các ấn phẩm của Hải Học đường. Những bài văn này hết sức chuẩn mực về phép tắc, dùng làm khuôn mẫu để cho các môn sinh gắng công tìm hiểu, gắng sức noi theo trong quá trình học tập thi cử.
Đó là những tài liệu thật sự cần thiết, đáp ứng được nhu cầu rèn luyện của các sĩ tử trong các kỳ thi Hương, thi Hội đến thi Đình.
Nhắc đến các ấn phẩm của Hải Học đường không thể không nhắc đến Hải Dương phong vật chí do Trần Huy Phác soạn theo chủ trương của Trần Công Hiến. Sách ghi chép tỉ mỉ về vùng đất văn hiến Hải Dương, từ núi sông, đường sá, nhân vật, phong tục, thổ nghi đến bách công kỹ nghệ đều được khảo cứu cẩn thận, mô tả kỹ càng. Nội dung này còn được diễn ca thành Hải Dương phong vật khúc (12) .
Mỗi quyển sách của Hải Học đường ngay từ khâu chuẩn bị bản thảo như sưu tầm, chỉnh lý, viết giới thiệu… đến khâu in ấn đều do những người chủ xướng có trình độ hiểu biết, có tài năng văn học thực hiện và theo dõi nên rất đáng tin cậy và có giá trị. Những ấn phẩm này thể hiện tấm lòng yêu tha thiết văn học, văn hóa dân tộc của Trần Công Hiến và những cộng sự và khẳng định vai trò của Hải Học đường trong đời sống văn hóa xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX.
Trần Công Hiến có đóng góp ít nhiều cho sự nghiệp văn hóa của đất nước chính là vì ông đã bảo lưu cho đời sau những di sản văn chương vô giá. Sinh ra tại vùng quê nghèo khó Quảng Ngãi, mất đi tại vùng đất văn hiến Hải Dương, ông để lại một cái tên đáng nhớ trong những chặng đường phát triển của nghề in - xuất bản nước nhà.
NGUYỄN DUY LONG
Tài liệu tham khảo và chú thích:
(1) Huyện Chương Nghĩa tương đương với huyện Tư Nghĩa, thị xã Quảng Ngãi và một phần huyện Nghĩa Hành ngày nay.
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Tập 1. Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch. Nxb Giáo dục. Hà Nội 2002: 940.
Phan Thúc Trực. Quốc sử di biên. Tập thượng. Hồng Liên Lê Xuân Giáo dịch. Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa. Sài Gòn. 1973: 271.
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam chính biên liệt truyện. Tập 2. Ngô Hữu Tạo, Đỗ Mộng Khương dịch. Nxb Thuận Hóa. Huế. 1997:303-6.
(4) Trợ giáo Thời Đức nam (có chỗ chép là Thời Bình nam), theo Trần Văn Giáp, chính là Trần Huy Phác (1754-1834), hiệu Đạm Trai, người làng Bình Vọng, huyện Thường Tín, nay thuộc Hà Tây. Năm 1804, được triệu ra làm quyền trợ giáo xứ Hải Dương. Năm 1809 được thực thụ chức ấy, đến năm 1812 được thăng đốc học Thanh Hóa, tước Phác Ngọc bá. Ông là tác giả quyển Hải Dương phong vật chí.
Đốc học Trung Chính bá, Trần Văn Giáp dựa vào Đại Nam chính biên liệt truyện và căn cứ vào cách đặt tên tước, cho rằng chính là Nguyễn Thể Trung, làm đốc học Hải Dương. (Xem: Trần Văn Giáp. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm .Tập 2. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1994: 52, 85-6, và Trần Văn Giáp ( chủ biên), Tạ Phong Châu, Nguyễn Văn Phú và TGK. Lược truyện các tác gia Việt Nam . Tập 1. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội.1971:355). Tuy nhiên, Phan Thúc Trực, một sử gia đời Tự Đức, xác định Đốc học Trung Chính bá là Thọ Khê Nguyễn Quỳ, năm 1803 làm đốc học Hải Dương thay Lê Trọng Thể bị bãi chức (Xem: Phan Thúc Trực. Quốc sử di biên. Sđd. Trang 120, 271). Có lẽ đây là một tên khác của Nguyễn Thể Trung.
(5-7) Trần Văn Giáp. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. Sđd. Trang 51-4.
(8) Nguyễn Thị Dương. Hải Học đường và việc in sách đầu thế XIX. Nghiên cứu Lịch sử. 1999. 2 (303): 59-63.
(9) Thư mục Hán Nôm. Phần I (Tập 2). Thư viện Khoa học Xã hội. Hà Nội 1969: 213.
(10-11) Nguyễn Thị Dương. Hải Học đường và việc in sách đầu thế kỷ XIX. Bđd. Trang 59-63.
(12) Cả hai tác phẩm này đã được chuyển sang tiếng Việt với bản dịch và bản phiên âm của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm. Xem: Trần Đạm Trai. Hải Dương phong vật chí. Quyển thượng và quyển hạ. Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch. Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên. Sài Gòn. 1968 (Văn hóa Tùng thư số 34 và 35).