Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
LÊ TRUNG ĐÌNH ...
NGUYỄN DUY LONG


LÊ TRUNG ĐÌNH TRONG PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG CUỐI THẾ KỶ XIX
Nguyễn Duy Long.

Giữa những khuôn mặt sĩ phu Cần vương cuối thế kỷ XIX, Lê Trung Đình (1857-1885) hiện diện với một diện mạo đặc biệt, mặc dù không phải là tiêu biểu nhất. Ông là nhân vật của nhiều giai thoại được lưu truyền trong dân gian, được chép lại trong sử sách. Ông đóng vai trò khởi động cho phong trào Cần vương sau khi kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn. Ông thuộc trong số những người mà tên tuổi trường tồn cùng sông núi miền Ấn Trà.

Lê Trung Đình hiệu là Long Cang, sinh năm Đinh Tỵ (1857) (1) tại làng Phú Nhơn, huyện Bình Sơn (nay thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh) tỉnh Quảng Ngãi. Ông là con thứ 6 trong một gia đình gồm 10 người con của Cử nhân Lê Trung Lượng, nổi tiếng thanh liêm và cương trực, từng giữ chức án sát Bình Thuận dưới triều Tự Đức (2).

Sinh ra trong một gia đình khoa bảng, được hấp thụ một nề nếp giáo dục chu đáo, ngay từ thiếu thời, Lê Trung Đình thể hiện một tư chất thông minh đặc biệt, 15 tuổi đã thuộc làu kinh sử, tài năng văn chương vang lừng trong giới nho sĩ Quảng Ngãi (3). Ông theo học Tú tài Phan Thanh - một ông thầy hay chữ, đạo cao đức cả ở địa phương lúc bấy giờ, tác giả bài “Lụt bất quá” được truyền tụng (4). Ông cũng được thọ giáo với Án sát Nguyễn Duy Cung - một tấm gương tận trung báo quốc, người để lại trong dòng văn thơ yêu nước một thuở áng văn chiêu gọi hồn nước “Huyết lệ tâm thư” bền vững với năm tháng (5).

Bản thân cuộc đời ông là những giai thoại được lưu truyền trong dân gian, được chép lại trong sử sách. Những câu chuyện với những mảng màu, những đường nét khác nhau làm đậm nét thêm chân dung và cá tính của ông: một trí tuệ sắc sảo, sự trào lộng thâm thúy, tính cách mạnh mẽ và khoáng đạt. Như chuyện ông phân trần với thầy dạy Nguyễn Duy Cung về sự đùa bỡn của mình. Như chuyện ông giễu cợt thủ khoa Phạm Văn Chất và bị chủ khảo nọc ra đánh đòn : “Đầu thủ khoa năm ba dái quạt, đít Cử Đình sáu bảy lằn roi”. Như chuyện ông đối đáp cứng cỏi với quan thượng thư – Phó bảng Đỗ Đăng Đệ. Và nhiều giai thoại khác, thật thật hư hư, đều tô điểm thêm văn tài lỗi lạc và khí phách ngang tàng trong con người ông (6).

Năm Giáp Thân (1884), Lê Trung Đình đậu cử nhân kỳ thi hương ân khoa tại trường thi Bình Định, xếp thứ 17 trong số 18 người thi đậu (7). Ông không còn điều kiện nuôi dưỡng cho mình hoài bão “trí quân trạch dân” hay “kinh bang tế thế” theo đúng tinh thần nho giáo bởi lẽ đất nước đã chuyển mình một cách đau đớn thành thuộc địa của tư bản Pháp. Tầng lớp sĩ phu ở Quảng Ngãi, cũng giống như ở các địa phương khác, nêu cao ngọn cờ chống Pháp: thành lập hội Văn thân, tổ chức đội hương binh, rèn đúc khí giới, xây dựng chiến khu chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến. Lê Trung Đình đảm nhận chức vụ Bình Sơn tả vệ hương binh chánh quản (Hữu vệ phó quản là Tú tài Nguyễn Tự Tân) (8).

Công việc chuẩn bị đang được tiến hành khẩn trương thì hung tin từ Huế cấp báo về: Rạng sáng ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (5 tháng 7 năm 1885), kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn, dụ Cần vương được truyền đi. Nhạy cảm với thời cuộc, Lê Trung Đình và Nguyễn Tự Tân cho rằng xe vua đã ra, lại có dụ Cần vương, liền đến tỉnh thành xin cấp khí giới và lương thực để dấy quân chống Pháp (9). Quyền Bố chánh sứ Lê Duy Thụy và Quyền Án sát sứ Nguyễn Văn Dụ không dám tự tiện hành động, tìm cách thoái thác lấy cớ rằng lực lượng hương binh chỉ canh giữ nơi xóm làng không thể đem so với lính triều đình ở tỉnh được (10). Biết rằng những viên quan đầu tỉnh này không sẵn sàng theo phe chủ chiến, hay chí ít, không dám bày tỏ thái độ mà chờ mệnh lệnh cấp trên, đêm mùng 1 rạng sáng mùng 2 tháng 6 năm Ất Dậu (đêm 12 rạng sáng 13 tháng 7 năm 1885), Lê Trung Đình tập hợp lực lượng ước chừng 3000 người, làm lễ tế cờ trước đền Văn Thánh, chia làm 3 đạo vượt sông Trà đánh chiếm tỉnh thành. Nhờ nội ứng, nghĩa quân thành công dễ dàng (11).

Sau khi chiếm xong thành, Lê Trung Đình bắt giam hai viên quan đầu tỉnh là Lê Duy Thụy và Nguyễn Văn Dụ, thu lấy ấn triện, binh khí, lương tiền, chiêu an trăm họ, thả các tù phạm của triều đình (12). Ông tổ chức bộ máy chính quyền bằng cách đặt ra các chức vụ mới như thống đốc, tham tán, đô đốc, lãnh binh…(13). Ông còn mời Tuy Lý vương Miên Trinh (vốn bị triều đình giáng tước công, đưa vào an trí tại Quảng Ngãi) làm phụ chính quốc vương nhưng Tuy Lý vương khước từ trọng trách này (14).

Ngày 5 tháng 6 năm Ất Dậu (16 tháng 7 năm 1885), Quyền Tiễu Phủ sứ Sơn phòng Nghĩa Định Nguyễn Thân ủy cho Đề đốc Đinh Hội đem 900 biền binh tiến về thành Quảng Ngãi (15). Lê Trung Đình đâu ngờ rằng Nguyễn Thân - nguyên là thành viên của hội Văn thân - giờ đây đã rời bỏ hàng ngũ sĩ phu Cần vương mà đứng về phía triều đình thỏa hiệp Pháp. Một mặt, không lường trước được bất trắc này, một mặt, lực lượng hương binh không đủ sức đối phó với đội quân chính qui thiện chiến, dày dạn kinh nghiệm của Nguyễn Thân, Nguyễn Tự Tân và một số thủ lĩnh khác hy sinh tại trận, còn Lê Trung Đình bị bắt (16). Nguyễn Thân dụ dỗ Lê Trung Đình đầu hàng nhưng không thể nào lay chuyển được tấm lòng kiên trinh của người anh hùng. Ngày 12 tháng 6 năm Ất Dậu (23 tháng 7 năm 1885), Lê Trung Đình thọ hình tại góc tây bắc thành Quảng Ngãi (17).

Lê Trung Đình đóng vai trò khởi động cho phong trào Cần vương sau khi kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn. Chưa tiếp nhận chính thức dụ Cần vương, mới chỉ có tin cấp báo từ Huế đưa về, ông đã chủ động ứng nghĩa công cuộc Cần vương. Phong trào chỉ duy trì một thời gian ngắn nhưng trở thành dấu son mở đầu cho phong trào chống Pháp của tầng lớp sĩ phu và dân chúng Quảng Ngãi.

Trong những giây phút cuối của cuộc đời, Lê Trung Đình để lại cho hậu thế bài thơ tuyệt mệnh “Lâm hình thời tác”. Bài thơ phảng phất âm hưởng châm ngôn ứng xử của một nhà nho hành đạo trầm luân trong cảnh nước mất nhà tan, trong tình thế “chim trong lồng, cá trên thớt” vẫn hiên ngang đối diện với sự an nguy của bản thân mà thung dung tựu nghĩa. Ở đó, không phải là sự băn khoăn, day dứt về một sự nghiệp còn dang dở mà là sự suy ngẫm miên man về vận mệnh đất nước trong một tâm trạng đầy giông bão. Ông thuộc trong số những người mà tên tuổi trường tồn cùng sông núi miền Ấn Trà. Bởi lẽ ông chọn một ứng xử thuận với lương tri. Bởi lẽ ông sống và hành động theo tâm niệm “Quốc trọng thân khinh” (Nước là nặng mà thân là nhẹ):

Nay là chim trong lồng,
Mai đã cá trên thớt ?
Thân này tiếc gì đâu,
Gian nan tình đất nước.
(Lâm hình thời tác - Hoàng Tạo dịch) (18).

NGUYỄN DUY LONG

Tài liệu tham khảo và chú thích:

(1) Phạm Trung Việt. Khuôn mặt Quảng Ngãi. Nam Quang. Sài Gòn. 1973 : 160.
(2) Phạm Trung Việt. Khuôn mặt Quảng Ngãi. Sđd: 159-160.
Cao Xuân Dục. Quốc triều hương khoa lục. Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch, Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh. 1993: 321.
(3-5) Phạm Trung Việt. Khuôn mặt Quảng Ngãi. Sđd : 160.
(6) Những giai thoại về Lê Trung Đình được ghi chép trong nhiều tác phẩm. Chẳng hạn như:
Phạm Trung Việt. Khuôn mặt Quảng Ngãi. Sđd: 164-71.
Hồng Sinh, Hồng Phú. Sao sáng sông Trà (Truyện các liệt sĩ yêu nước và cách mạng Quảng Ngãi). Hội Văn nghệ Nghệ An. Nghệ An. 1975 : 7-12.
Thế Kỷ, Hà Thanh. Quảng Ngãi giai thoại truyền thuyết (Tập II. Quảng Ngãi quê hương tôi). Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao Quảng Ngãi. Quảng Ngãi. 1994: 176-85.
Trần Văn Thận. Lê Trung Đình- con người - sự nghiệp, giai thoại - văn chương. Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi.Quảng Ngãi. 1999 : 88-110.
(7) Cao Xuân Dục. Quốc triều hương khoa lục. Sđd: 483.
(8-16) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXXVI. Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Nguyễn Mạnh Duân hiệu đính. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1976: 237-40.
(17) Phạm Trung Việt. Khuôn mặt Quảng Ngãi. Sđd: 162.
(18) Hợp tuyển thơ văn yêu nước. Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX. Trần Văn Giàu giới thiệu, Chu Thiên, Đặng Huy Vận, Nguyễn Bỉnh Khôi biên soạn, Chu Thiên, Hà Văn Tấn, Hoàng Tạo, Khương Hữu Dụng dịch thơ. Nxb Văn học. Hà Nội. 1970: 307-8.


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh