LÊ TRUNG LƯỢNG, MỘT ÔNG QUAN THANH LIÊM VÀ CƯƠNG TRỰC.
NGUYỄN DUY LONG
Trong hàng ngũ các nhân vật lịch sử Quảng Ngãi, Lê Trung Đình được nhiều người biết đến qua những dòng ghi chép trân trọng trong sử sách. Người ta nhắc đến ông trong câu chuyện hàng ngày, kể cho nhau nghe những giai thoại về ông. Ngay giữa lòng thành phố này có một con đường, một ngôi trường mang tên ông. Thế nhưng, dường như tên tuổi thân phụ ông – Lê Trung Lượng (?- 1880) – một ông quan nổi tiếng thanh liêm và cương trực nhiều người chưa biết đến.
Với những phong cảnh kỳ tú như Thiên Ấn niêm hà, Long đầu hí thủy tượng trưng cho khí thiêng sông núi miền Ấn Trà, làng Phú Nhơn, huyện Bình Sơn (nay thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh), tỉnh Quảng Ngãi ngay từ buổi sơ khai đã là điểm hẹn quần cư trù-phú cho những bước chân mở đất lập nghiệp, là nơi sinh ra những bậc anh tài tuấn kiệt làm rạng rỡ cho quê hương. Họ Lê ở Phú Nhơn, vốn gốc Thanh Hóa vào đây định cư đã nhiều đời, là một trong vài ba dòng họ ở Quảng Ngãi có nhiều người học giỏi, đỗ đạt: Lê Trung Kinh đậu cử nhân khoa Quý Mão (1903) (1), Lê Trung Đình đậu cử nhân khoa Giáp Thân (1884) (2), là thủ lĩnh xuất sắc của phong trào Cần Vương tại Quảng Ngãi sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn. Tương truyền, chữ lót “Trung” của họ Lê có truyền thống nho học này là do vua Tự Đức ban sắc (3).
Lê Trung Lượng là người mở đầu cho truyền thống khoa bảng của dòng họ. Tư liệu hiện còn cho phép chúng ta đoán định ông sinh vào khoảng những năm 20 của thế kỷ XIX. Ông đậu cử nhân khoa Nhâm Tý (1852) tại trường thi Bình Định (4). Một thời gian sau, Lê Trung Lượng được bổ giữ chức Tri huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ở cương vị này ông có điều kiện thi thố tài năng, thực hiện trách nhiệm “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân). Ông đóng góp một phần đáng kể vào công cuộc khẩn hoang nhằm mở rộng diện tích canh tác, thiết lập những ngôi làng mới được dân chúng sở tại tôn làm phước hiền (5).
Là một người nổi tiếng thanh liêm như Tự Đức đã từng ban khen “Thanh như Lượng” (6), lại mang trong mình khí tiết của một kẻ sĩ, trong cuộc đời làm quan của mình, Lê Trung Lượng đã vấp phải những mâu thuẩn với đồng liêu, với quan trên (7). Tháng 10 năm Giáp Tuất (1874), khi đang làm Án sát Bình Thuận, ông bị các viên quan đầu tỉnh là Thự Tuần vũ Trần Điển và Bố chánh Nguyễn Văn Phương thêu dệt rồi mật tấu vu cho tội khi quân. Bị giải chức một cách oan ức, ông không những không nhận tội mà còn tố cáo hai viên quan này hành xử trái lệ, vì hiềm khích mà gièm pha, xin nhà vua phái người đến xét rõ sự thật trước khi luận tội. Tự Đức sai Biện lý Bộ Lại Đoàn Văn Hội và Giám sát Ngự sử Phạm Đăng Giảng đến thẩm tra các nhân chứng.
Án dâng lên, cả ba đều phải chịu tội. Nhà vua không chấp thuận cách làm án cho xong việc này, giao cho Nội các và Viện Cơ mật xét lại. Cho rằng việc xử án thiếu công minh, Lê Trung Lượng hành xử theo phong cách ngang tàng, lăng nhục những người thi hành công vụ, bất chấp mọi hệ lụy. Cuối cùng, ông bị ghép tội trảm giam hậu, hai viên quan lòng chẳng thẳng ngay, vu cáo người khác bị phạt 100 trương, lưu 3000 dặm, còn các phái viên kết án cẩu thả bị cách chức. Khi đó, môn sinh và người dân huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An không quản đường xa vào tận kinh đô Huế dâng sớ xin khoan hồng cho ông (8). Một việc làm thuận theo lẽ tự nhiên của lương tri đồng thời thể hiện tài đức và uy tín của ông trong lòng công chúng.
Lê Trung Lượng được điều đi làm Bang biện Sơn phòng Thanh Hóa. Tháng 5 năm Canh Thìn (1880), ông cùng 85 người khác tử nạn vì khí nước độc (9). Nguyên nhân thật sự của những cái chết này không dễ dàng xác định. Nhận được tin, Tự Đức tỏ ra thương xót cho số phận của những con người tận tụy với công việc nơi lam yêu chướng độc.
Trong ký ức người đương thời, Lê Trung Lượng đã để lại những ấn tượng tốt đẹp. Nguyễn Xuân Ôn (10) – một gương mặt nổi bật trong lịch sử dân tộc thời cận đại – dành cho ông những lời lẽ trân trọng nhất. Khi Lê Trung Lượng chuẩn bị lên đường đi Bình Thuận nhận chức án sát, Nguyễn Xuân Ôn làm một bài thơ lưu luyến tiễn đưa ông. Ở đó, Nguyễn Xuân Ôn mong mỏi ông thể hiện được tài năng kinh bang tế thế, bộc lộ cốt cách vững chãi khi trấn nhậm vùng đất gai góc, nhiều biến động xã hội. Nguyễn Xuân Ôn cũng tin tưởng ông thực hiện được lý tưởng “phò vua giúp nước”, giành lại vùng đất nhượng địa Nam kỳ vốn không còn nằm trong lãnh thổ Đại Nam nữa. Nỗi niềm của Nguyễn Xuân Ôn dường như chính là nỗi niềm của ông. Bài thơ như sau:
Chương tấu thành xa sớm gởi lên,
Nước nhà có lệnh chọn tôi hiền.
Châu Linh chi để cho Nguyên Hiệu,
Họ Khấu còn nên trị Dĩ Xuyên.
Cầm tiết dựng cờ qua đất ấy,
Gõ chèo gối giáo nhượng ai hơn.
Kế, U đất cũ ta nên biết,
Đêm tuyết nhà vua chớ ngại phiền.
Nguyễn Đức Vân – Hà Văn Đại dịch (11)
Có phần cường điệu khi ví Lê Trung Lượng như các bậc kiệt hiệt nhất trong lịch sử Trung Quốc song nếu như quen với thủ pháp khoa trương thường gặp trong văn chương ước lệ thuở trước, chúng ta sẽ hiểu được sự trân trọng mà Nguyễn Xuân Ôn dành cho ông.
Lê Trung Lượng đã để lại cho con cháu một gia tài vô giá, không chỉ là một nền nếp giáo dục chu đáo mà còn là một tấm gương về cuộc sống thanh liêm, cương trực hết lòng vì nước vì dân. Thấm nhuần những nguyên tắc bất di bất dịch này, Lê Trung Đình – một trong những người con của ông – đã trở thành một trong những hình ảnh tiêu biểu cho truyền thống yêu nước của người Quảng Ngãi .
NGUYỄN DUY LONG
Tài liệu tham khảo và chú thích:
(1) (2) Cao Xuân Dục. Quốc triều hương khoa lục. Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch, Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.Thành phố Hồ Chí Minh. 1993: 483, 579.
(3) Phạm Trung Việt. Khuôn mặt Quảng Ngãi. Nam Quang. Sài Gòn. 1973: 159.
(4) Cao Xuân Dục. Quốc triều hương khoa lục. Sđd : 321.
(5) (6) Phạm Trung Việt. Khuôn mặt Quảng Ngãi. Sđd: 159-60.
(7) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại nam thực lục. Tập XXXIII. Ngô Hữu Tạo, Nguyễn Mạnh Duân dịch. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1975: 124-5.
(8) Phạm Trung Việt. Khuôn mặt Quảng Ngãi. Sđd: 160.
(9) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại nam thực lục. Tập XXXIV. Trần Huy Hân, Nguyễn Trọng Hân dịch. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1976: 349.
(10) Nguyễn Xuân Ôn (1825-1889), người làng Lương Điền, huyện Đông Thành nay là xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Xuất thân từ một gia đình nho học nghèo, tư chất thông minh, học giỏi, ông đậu tiến sĩ năm 1871. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông dựng cờ khởi nghĩa. Tuy tuổi già sức yếu nhưng Nguyễn Xuân Ôn rất dũng cảm, đi hàng đầu trong các cuộc chiến đấu, gây cho quân Pháp nhiều tổn thất và nhiều phen khốn đốn. Chẳng may, ông bị quân Pháp bắt được và đưa về Huế giam giữ. Cuối năm 1889, ông qua đời tại đây. Xem: Định Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Phan Đại Doãn, Chương Thâu. Từ điển các nhân vật lịch sử Việt Nam. Nxb Giáo dục. Hà Nội. 2000: 317-8.
(11) (12) Nguyễn Xuân Ôn. Thơ văn Nguyễn Xuân Ôn. Nguyễn Đức Vân, Hà Văn Đại Nguyễn Văn Bách dịch và chú thích, Đinh Xuân Lâm giới thiệu và chú thích. Nxb Văn học. Hà Nội. 1977: 112-3. Trong bài thơ, tác giả dùng khá nhiều điển cố là nhân danh, địa danh mà hiện nay không còn phổ biến nữa. Xem thêm chú giải các điển cố này trong quyển Thơ văn Nguyễn Xuân Ôn kể trên.