Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 10, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
...THÀNH LẬP NƯỚC TRUNG-HOA - Phần I
NGUYỄN ƯỚC
Các bài liên quan:
    ...THÀNH LẬP NƯỚC TRUNG-HOA - Phần II


NHÂN KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY THÀNH LẬP NƯỚC CHND TRUNG QUỐC
Nguyễn Ước dịch
-  -  -  -  -  -  -  -  -  -
13 bài:
Bài 1: Bắc Kinh sẵn sàng lãnh đạo thế giới? - Evan S. Medeiros
Bài 2: Tại sao chế độ Trung Quốc vẫn vững? - Andrew G. Walder
Bài 3: Ðấu tranh trực tuyến tại Trung Quốc - Guobin Yang
Bài 4: Làm cách mạng bằng kỹ thuật số - Kate Herkel-Hess
Bài 5: Các trí thức bị bao vây của Trung Quốc - Merle Goldman
Bài 6: Chiếc bóng của cuộc tàn sát Thiên An Môn - Jean-Philippe Béja
Bài 7: Phản đối tại nông thôn Trung Quốc - Kevin J. O’Brien
Bài 8: Phong trào thợ thuyền tại TQ - Ching Kwan Lee & Eli Fredman
Bài 9: Phản đối của giai cấp trung lưu Trung Quốc - Jeffrey N. Waserstroom
Bài 10: Ý thức mới về các quyền tại Trung Quốc - Elizabeth J. Perry
Bài 11: Lối ra nào cho kinh tế Trung Quốc? - Barry Naughton
Bài 12: Bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ: các vấn đề - Kenneth Lieberthal
Bài 13: Chế độ Trung Quốc không thoát khỏi vô thường - Andrew J. Nathan


Bài 1: Bắc Kinh sẵn sàng lãnh đạo thế giới?
Evan S. Medeiros
Nguyễn Ước
dịch.

Lời người dịch:

Bài này được dịch toàn văn từ tiểu luận “Is Beijing Ready for Global Leadership” của Evan S. Mederios, đăng trong Current History – A Journal of Contemporary World Affairs (Lịch sử Hiên thời – Tạp chí Các sự vụ Thế giới Ðương đại), số đặc biệt China and East Asia (Trung Quốc và Ðông Á), tháng 9 năm 2009, xuất bản tại Hoa Kỳ.

Giới thiệu về tác giả, tạp chí ấy viết:

-“Evan S. Medeiros tháng Tám vừa qua, trở thành giám đốc các sự vụ Trung Quốc, Ðài Loan và Mông Cổ tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ. Ông hoàn thành tiểu luận này lúc còn làm chuyên viên cao cấp của RAND Corporation. Bài này phản ánh quan điểm riêng của tác giả, không phải của chính phủ Hoa Kỳ, HÐANQG hay chính quyền Obama.”

Nguyễn Ước

-  -  -  -  -  -  -  -  -  -  - 

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là thời điểm sôi nổi đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc (TQ). Trong giới ưu tuyển (elite) tại TQ có không khí nhuốm mùi tự tin tất thắng. Truyền thông thế giới tràn ngập những suy đoán về sự nghiêng chiều của lịch sử từ Hoa Kỳ (HK) sang TQ. Mọi nền kinh tế chính của phương Tây đều bị chấn thương. Các định chế tài chính của họ từng có thời được xem là bạch y hiệp sĩ của chủ nghĩa tư bản toàn cầu nay ngã gục, một số chí tử. Giờ đây TQ kiêu hãnh có được ba ngân hàng lớn nhất thế giới, các vị trí từng bị những con vật to tướng của HK nắm giữ, như Citigroup và Bank of America.

Trong khi đó, nhóm G-8 trở thành lỗi thời, tựa một khái niệm bị biến đổi qua một đêm. Nhóm G-20 xuất hiện làm kẻ kế thừa của nó trong thực tế, với TQ như một thành viên lãnh đạo. Hai hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các nguyên thủ nhà nước G-20 tổ chức tại Washington và Luân Ðôn, Mecca và Medina của hệ thống tài chính phương Tây đầy ắp cơ hội cho TQ. Trung Quốc – giờ đây là cường quốc thương mại và kinh tế lớn thứ ba của thế giới – sắp làm gì? Liệu nó có đảm đương trách nhiệm lãnh đạo toàn cầu?

Thực tế, các hành động của Bắc Kinh rất xa với những gì từng được dự báo bởi những người có khả năng thấy trước thuộc môn học mới “địa-kinh tế” (geo-ecomnomics). Tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Washington tháng Mười Một năm 2008, đáp ứng ban đầu của TQ đối với cuộc khủng hoảng tài chính là, về cơ bản, nói rằng “Chúng tôi sẽ giúp thế giới bằng cách tự giúp mình.” Ðóng góp của TQ là gói kích cầu nội địa 4.000 tỉ Nhân dân Tệ (590 tỉ Mỹ kim), trong đó một số đã ở sẵn trong tiến trình giải quyết. Tại hội nghị thượng đỉnh Luân Ðôn tháng Tư năm 2009, TQ vận động hành lang để có tiếng nói lớn hơn trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (QTTQT – IMF) nhưng miễn cưỡng cam kết đóng góp nguồn tài chính để tái cung cấp vốn cho quỹ đó. Thậm chí người ta còn kể là đã có sự mặc cả Mỹ-Trung tại hội nghị thượng đỉnh này. Suốt cuộc thương lượng về các bản tuyên bố song hành dành cho báo chí, đã có sự đồng thuận rộng rãi về tính chất nghiệm trọng của khủng hoảng kinh tế và nhu cầu hành động phối hợp. Tuy thế, các nhà ngoại giao TQ đã chắc chắn một từ ngữ phải bị loại ra khỏi bản tuyên bố của họ: lãnh đạo.

Thái độ của TQ tại Washington và Luân Ðôn cho thấy nhiều chỉ dẫn có ích. Trung Quốc đã thật sự thành một diễn viên toàn cầu. Có một ít vấn đề toàn cầu mà TQ không nhất thiết phải dự phần để có giải pháp. Những nhà lập chính sách của TQ và dân chúng của nó, một cách đầy thiện cảm, chấp nhận sự chú ý và sự khác biệt ấy, kết quả có được từ địa vị của TQ như một cường quốc đang lên mà thế giới ngày càng cần tới nó. Tuy thế, đối với TQ, cũng có những giới hạn. Những nhà lập chính sách của TQ thường vạch rõ, vào những thời điểm đều đặn, rằng chính sách ngoại giao của họ phục vụ các mục tiêu cải tổ và phát triển ở trong nước. Các nhà lãnh đạo TQ sợ rằng việc đảm đương quá nhiều trách nhiệm sẽ làm chệch sự chú ý của họ và làm cạn kiệt tài nguyên quốc gia.

Kết quả là xuất hiện sự căng thẳng giữa cộng đồng quốc tế và TQ: thế giới muốn TQ làm nhiều hơn trong khi đó, Bắc Kinh sôi nổi dò dẫm lối đi của mình hướng tới qui chế mới tìm được cùng ảnh hưởng, các trách nhiệm, các kỳ vọng và những đòi buộc của nó. Trong khi có thể là một diễn viên toàn cầu, TQ chưa tự xem mình như một cường quốc thế giới – lại càng không là một lãnh đạo toàn cầu. Và các nhà lãnh đạo TQ muốn giữ nó theo cách đó, ít ra trong lúc này.

Cánh cửa cơ hội

Việc am hiểu quan điểm của Trung Quoc về vai trò của nó trong thế giới bắt đầu với việc hiểu rõ các kinh nghiệm của nó trong quá khứ. Các nhà lập chính sách và các học giả của TQ nhìn thế giới qua ba thấu kính đã được quyết định về mặt lịch sử; chúng nhuộm màu và điều chỉnh độ đậm nhạt các nhận thức của họ về địa vị của TQ.

Thứ nhất, TQ đang trong quá trình đòi lại qui chế của nó như một cường quốc chính trong khu vực, và cuối cùng, như một đại cường – dù mục tiêu sau không được xác định hay phát biểu rõ ràng. Các nhà lập chính sách và các nhà phân tích của TQ đề cập tới sự trỗi dậy của TQ như là “sự tái tiếp sinh khí” (revitalization) và “sự làm cho trẻ lại” (rejuvenation).

Thứ hai, nhiều người TQ thấy mình là nạn nhân của “100 năm hổ thẹn và bị sỉ nhục” trong bàn tay của các cường quốc phương Tây và nước ngoài khác, đặc biệt Nhật Bản. Cổ động của chính quyền TQ về sự nạn nhân hóa này được kể đi kể lại suốt hơn 60 năm qua, đã nuôi dưỡng tính nhạy cảm sâu sắc đối với tình trạng bị cưỡng bức bởi các sức mạnh ngoại quốc và đặc biệt, những xâm phạm (có thật hoặc được nhận thức) chủ quyền của nó.

Cuối cùng, TQ có quan điểm an ninh mang tính phòng thủ, nảy sinh từ những sợ hãi (dựa trên kinh nghiệm lịch sử) rằng các sức mạnh ngoại quốc sẽ khai thác những nhược điểm quốc nội của nó để kiềm chế hoặc ép buộc nó.

Các quan điểm vừa kể báo cho biết xác thực hơn những nhận thức của TQ về môi trường quốc ngoại hiện thời. Lúc này, có niềm tin được duy trì một cách rộng rãi rằng kết quả của TQ bị liên kết, một cách không thể gỡ, với phần còn lại của thế giới hơn bao giờ hết. Theo lời trong bạch thư quốc phòng của TQ năm 2008 thì: tương lai và vận mệnh của TQ ngày càng nối kết gần gũi hơn với cộng đồng quốc tế. Trung Quốc không thể phát biểu cô lập với phần còn lại của thế giới, và thế giới cũng không thể vui hưởng thịnh vượng cùng ổn định mà không có TQ. Cùng lúc đó, trong giới ưu tuyển vẫn lan tỏa dai dẳng một sự bất định về phạm vi và tính chất nghiêm trọng của những đe dọa các lợi ích an ninh và kinh tế của TQ. Ðối với một số người, TQ chưa bao giờ rất an ninh, đối với những người khác, số lượng và kiểu mẫu những hăm dọa ấy đang gia tăng, kích động sự bất ổn sâu xa trong tương lai gần.

Sau khi cân nhắc kỹ, các lãnh đạo chóp bu của TQ kết luận rằng môi trường quốc ngoại của họ thuận lợi và rằng khoảng thời gian từ 15 tới 20 năm tới biểu hiện một “cánh cửa cơ hội mang tính chiến lược” (zhanlue jiyuqi: chiến lược cơ hội kỳ) cho TQ để đạt mục tiêu tối hậu của nó là tái tiếp sinh khí cho quốc gia qua sự phát triển tiếp tục quân sự, xã hội và kinh tế. Các nhà lập chính sách của TQ tìm kiếm, tới mức khả thi, mở rộng cánh cửa cơ hội ấy thông qua ngoại giao.

Chiến lược nhất quán

Nhận thức của TQ về các lợi ích và điạ vị của nó trong thế giới đã sản sinh một chuỗi riêng biệt và rõ rệt các chính sách và mục tiêu ngoại giao có tính sách lược. Những cái đó bao gồm, một cách tập thể, một chiến lược quốc tế tương đối nhất quán (nhưng không luôn luôn chặt chẽ).

Trước hết, các nhà lập chính sách của TQ từng nói rõ trong nhiều thập niên rằng TQ tìm cách duy trì một môi trường quốc tế ổn định để tạo thuận lợi cho công cuộc cải tổ và phát triển tại quốc nội. Trọng tâm quốc nội ấy đưa tới sự đa dạng ngày càng tăng các yêu cầu quốc ngoại. Trung Quốc sử dụng linh hoạt ngành ngoại giao của mình để mở rộng việc tiếp cận các thị trường, vốn, kỹ thuật và tài nguyên thiên nhiên.

Thứ hai, TQ tìm cách làm cho cộng đồng quốc tế yên tâm rằng khả năng đang gia tăng của TQ sẽ không gây phương hại tới các lợi ích an ninh và kinh tế của các nước khác, cách riêng các lân bang châu Á của nó và những nước được nó xem là “các cường quốc chính”.

Thứ ba, chính sách ngoại giao của TQ, đặc biệt tại châu Á là tìm cách giảm thiểu một cách cá thể hoặc tập thể năng lực hoặc ý nguyện của các nước khác muốn kiềm chế, cưỡng ép TQ hoặc ngược lại gây trở ngại cho việc tái tiếp sinh khí của TQ.

Thứ tư, TQ đang phấn đấu để đa dạng hóa tiếp cận của nó vào năng lượng và các tài nguyên thiên nhiên khác, với việc đặt trọng tâm vào châu Phi, Trung Ðông và châu Mỹ La-tinh. An toàn năng lượng bao gồm việc đa dạng hóa nguồn cung cấp cùng lộ trình vận chuyển các cung cấp.

Thứ năm, TQ tìm cách giảm thiểu không gian quốc tế của Ðài Loan và giới hạn khả năng cung cấp tính chính thống cho Ðài Loan của các quốc gia khác. Những biểu thị của mục tiêu này đã dịu bớt trong năm vừa qua, theo sau các cải thiện trong quan hệ đôi bờ, nhưng nó vẫn là một mục tiêu cốt lõi.

Trung Quốc đã và đang phát triển một số các phương cách hiệu nghiệm mới để theo đuổi năm mục tiêu vừa kể. Bắc Kinh đã thiết lập “các quan hệ đối tác chiến lược” (strategic partnerships) với nhiều nước phát triển cũng như đang phát triển và khởi xướng “những cuộc đối thoại chiến lược” (strategic dialogues) cấp cao với nhiều cường quốc chính. Nó bao gồm các định chế đa phương, trong từng khu vực, và về một số chủ đề mang tính chức năng. Việc TQ mở rộng vai trò của nó trong các tổ chức hiện hành và việc TQ thành lập các tổ chức mới đã trở thành yếu tố chủ yếu trong hoạt động ngoại giao khu vực của nó.

Việc TQ sử dụng ngoại giao kinh tế thì cường mãnh và mang nhiều bộ mặt; nó không chỉ bao gồm thương mại song phương mà còn đầu tư trực tiếp ra bên ngoài, những sắp xếp tài chính, viện trợ phát triển, các hiệp ước tự do thương mại, để tiến tới những mục tiêu chính trị và kinh tế. Giờ đây, ngoại giao quân sự của TQ bao gồm sự tham dự bao quát các chiến dịch gìn giữ hoà bình của Liên hiệp quốc (LHQ), trao đổi quốc phòng ở cấp cao, phối hợp tập trận, huấn luyện và đào tạo phối hợp; mục tiêu chính của các nỗ lực nâng cao đó là làm yên tâm.

Liệu tất cả những điều vừa kể có ý nghĩa gì đối với vai trò của TQ trên thế giới?

Trung Quốc đã và đang hoạt động trên qui mô lớn bên trong – quả thật, ảnh hưởng có tính đòn bẩy một cách khéo léo – hệ thống quốc tế hiện thời để tiến tới các mục tiêu ngoại giao có tính sách lược của nó. Trung Quốc thấy trong việc sử dụng hệ thống hiện thời có nhiều cơ hội hơn là những bó buộc đối với việc tăng tiến các lợi ích của mình. Thái độ quốc tế của TQ không bị lèo lái một cách ý thức hệ. Bắc Kinh không theo đuổi một chính sách ngoại giao mang tính cách mạng vốn ưu tiên tìm cách sở đắc lãnh thổ mới, giả mạo các liên minh cân bằng, hoặc tiến tới các kiểu mẫu chọn lựa này nọ của phát triển kinh tế hay an ninh toàn cầu.

Tóm lại, TQ đang không ra sức để giật sập hoặc xét lại tận gốc những tập hợp hiện hành của các qui tắc, chuẩn mực và các định chế toàn cầu trong các sự vụ an ninh và kinh tế. Ðúng hơn, nó đang tìm cách làm chủ chúng để tăng tiến lợi ích của mình – một lối tiếp cận cho tới thời điểm này, đã chứng tỏ hoàn toàn sinh lợi cho Bắc Kinh.

Chắc chắn TQ không mãn nguyện với những thuộc tính nhất định của nguyên trạng hiện thời, thí dụ qui chế chưa được xác định của Ðài Loan và ưu thế toàn cầu của HK trong an ninh, và gần đây hơn, trong các sự vụ kinh tế. Phản ứng của Bắc Kinh là tìm cách ảnh hưởng mạnh mẽ lên hệ thống ấy để nói lên những quan tâm của mình. Chiến lược này bao gồm các nỗ lực nhằm giảm thiểu sức mạnh và ảnh hưởng tương đối của HK, thí dụ đặt vấn đề vai trò của đồng Mỹ kim như là tiền tệ dự trữ của thế giới. Nhưng hiện thời, TQ không tìm cách đối đầu với HK để thiết lập một trật tự thế giới mới, và nó cũng chẳng có năng lực để làm điều đó.

Lối tiếp cận tổng thể của TQ được điều chỉnh hơn, hướng tới việc lôi cuốn và ràng buộc những nước khác vào với nó. Nó mang tính thu hút hơn là đối đầu. Nó tìm cách tạo ra một môi trường tại châu Á, và một cách toàn cầu, trong đó các quốc gia bị lôi kéo, trở nên nương dựa và nhờ cậy vào TQ, và qua đó, tỏ ra tôn trọng đối với Bắc Kinh. Nó thấy đó như một cách làm giảm bớt những tổn thương có thể có, tối thiểu hóa những gò ép và như thế tối đa hóa tự do hành động.

Miễn cưỡng dẫn đầu

Thế giới quan và chiến lược quốc tế của TQ làm phát sinh một sự miễn cưỡng độc đáo đối với việc làm lãnh đạo toàn cầu. Trung Quốc muốn qui chế và ảnh hưởng ấy đi liền với các hoạt động tích cực toàn cầu của nó, nhưng nó lại e sợ những gánh nặng của vai trò lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo TQ vẫn tiếp cận thái độ quốc tế của họ từ lập trường dành ưu thế cho các sự vụ quốc nội: dùng chính sách quốc ngoại để hỗ trợ những công tác phức tạp ngày càng tăng trong công cuộc phát triển xã hội và kinh tế tại quốc nội. Như thế, các nhà lập chính sách của TQ lo ngại rằng xứ sở mình không đủ lão luyện để làm một lãnh đạo toàn cầu hữu hiệu và rằng việc cố gắng đóng vai trò ấy sẽ làm chệch hướng các tài nguyên kinh tế và chính trị khỏi công cuộc phát triển quốc gia.

Khuynh hướng ấy có cơ sở mạnh mẽ trong học thuyết của Ðảng Cộng sản – một vật cản đầy ý nghĩa dù không phải chẳng thể vượt qua, cho sự thay đổi trong hệ thống chính trị Lê-ni-nít. Hai thập niên trước, Ðặng Tiểu Bình đã cảnh giác các nhà lãnh đạo TQ là “chớ phất lá cờ của mình” (bu kang qi: bất dương kỳ), và đừng dính đầu vào tranh chấp (bu dang tou: bất đương đầu), và có lẽ nổi tiếng nhất (và bí hiểm nhất) là câu họ Ðặng khuyên họ “giấu năng lực và đợi thời gian” (tao guang yang hui: thao quang dưỡng huy). Các ý tưởng ấy tiếp tục ảnh hưởng những cuộc tranh luận nội bộ, đặc biệt về các vấn đề chính sách đối ngoại gây tranh cãi, vốn đòi hỏi một cắt quãng với thực hành thời quá khứ. Xét theo sự nổi bật của các phán quyết của họ Ðặng trong tính chính thống của Ðảng Cộng sản, các ý tưởng ấy có thể cản trở – và đã và đang cản trở – các hoạt động quốc tế dễ thấy rõ cách ứng xử.

Trước đây cũng như hiện nay, có rất nhiều biểu thị mang tính sách lược của việc TQ miễn cưỡng đối với vai trò lãnh đạo. Phải mất gần một thập niên Bắc Kinh mới tỏ ý muốn ủng hộ hành động của Hội đồng Bảo an LHQ chống lại chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn và Iran, chọn lựa sự ủng hộ các nước anh em đang phát triển cùng sự hoài nghi của họ liên quan tới vấn đề hạn chế số lượng và phổ biến đặc biệt vũ khí hạt nhân với vũ khí hóa học. Suốt mấy năm qua, TQ lẳng lặng từ khước lời khẩn thiết yêu cầu tham gia nhóm G-8, bằng cách lập luận phần nào rằng mình không đạt tới trình độ phát triển đó. Trong khi đó, Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào, bằng thái độ hết sức hòa nhã, đã đặc biệt đặt tên cho chiến lược quốc gia của ông là “phát triển hòa bình” (peaceful development). Ông làm như thế để gởi đi tín hiệu rõ ràng và đầy đủ khát vọng tránh những kinh nghiệm của các cường quốc đang lên trong quá khứ (thí dụ Ðức Quốc xã và Vương quốc Nhật Bản) từng yêu sách lộ liễu quyền lãnh đạo toàn cầu bằng cách thách đố các cường quốc thống trị vào thời điểm đó.

Gần đây hơn, các nhà ngoại giao chóp bu của TQ nhanh chóng bác bỏ khái niệm về lưỡng quốc công quản có tính chiến lược Mỹ-Trung “G-2” (a US-China “G-2” strategic condominium) vì họ sợ nó sẽ đẩy, một cách đột ngột và không cần thiết, TQ vào điểm rọi sáng trên sân khấu thế giới ngay lúc nó đang cần phải giải quyết hoặc khắc phục một công tác chẳng khiêm tốn chút nào, đó là sắp xếp lại chiến lược tăng trưởng quốc gia. (Trong chỗ riêng tư, giới ưu tuyển TQ thú vị ý tưởng rằng HK và TQ sẽ được đối xử như hai xứ sở hùng cường nhất thế giới).

Còn một chỉ dẫn nữa cho thấy sự miễn cưỡng của TQ đối với vai trò lãnh đạo là nó tiếp tục thành thạo việc lạng lách tiến trình của các nhà nước khác và các định chế. Thí dụ, các nhà lãnh đạo TQ lặp lại rằng họ muốn tham dự đầy đủ vào những cuộc thương thảo quốc tế về biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ khí, nhưng chỉ sau khi các cường quốc chính, vốn chịu trách nhiệm việc gây nên căn nguyên của vấn đề ấy, tạo được sự ràng buộc và những cam kết về phí tổn.

Những bó buộc về năng lực

Vai trò của TQ như một lãnh đạo toàn cầu bị giới hạn không chỉ do bởi thái độ miễn cưỡng của xứ sở ấy đối với việc đảm đương trách nhiệm mà còn do những bó buộc về năng lực. Thí dụ, guồng máy thư lại (bureaucracy) viện trợ quốc ngoại của Bắc Kinh đang chịu các vấn đề nghiêm trọng về truyền đạt và phối hợp. Không một cơ quan riêng rẽ nào đặt ra chính sách hỗ trợ ngoại giao và điều hợp sự cung cấp viện trợ nhân đạo và phát triển với phạm vi rộng lớn hơn nhiều của đầu tư hải ngoại được chính quyền ủng hộ. Thật thế, Bắc Kinh thậm chí còn không cho công bố con số riêng rẽ có bao nhiêu viện trợ phát triển chính thức và đầu tư được nhà nước yễm trợ mà TQ phân phối hằng năm. Lý do chính khiến TQ dài ngày chống lại việc tiến hành cuộc đối thoại đều đặn với các cơ quan HK về chính sách viện trợ quốc ngoại, đó là, một cách chính xác, Bắc Kinh không thể quyết định ai sẽ lãnh đạo phái đoàn TQ.

Về mặt ứng xử, sự thiếu phối hợp ấy đưa tới kết quả làm hại hình ảnh TQ cùng những lợi ích chính trị và kinh tế của nó, đặc biệt tại châu Phi. Thậm chí còn đặt TQ vào tình cảnh hiểu lầm với các định chế tài chính quốc tế, thí dụ QTTQT (IMF). Ðóng góp vào vấn đề ấy là sự kiện tại Bộ Ngoại giao của TQ không có một bộ phận kinh tế hữu hiệu nào để có thể phối hợp các mục tiêu đầu tư, thương mại và ngoại giao của nước đó. Một số cơ quan kinh tế chính của TQ, thí dụ Bộ Tài chính, là những định chế yếu ớt về mặt chính trị và ít có quyền lập chính sách kinh tế quốc tế. Những giới hạn ấy sẽ chỉ trở nên hiển nhiên hơn khi các hoạt động của TQ trong các định chế kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp và nổi bật hơn.

Trung Quốc đã hai lần cố thử và thất bại trong việc thành lập Bộ Năng lượng để phối hợp các cơ quan năng lượng quốc nội và những biểu thị quốc ngoại của chúng. Như Erica Downs thuộc Viện Nghiên cứu Brookings (Brookings Institution) lập luận, guồng máy thư lại về năng lượng cấp quốc gia của TQ thiếu nhân viên, thiếu ngân khoản và thiếu thẩm quyền chính trị so với các công ty năng lượng quốc doanh rất có ảnh hưởng, có nhiều nhân viên, nhiều ngân khoản và sở hữu quyền lực chính trị đáng kể.

Những mất cân đối ấy gây ra các hệ quả lớn lao trong chính sách ngoại giao của TQ. Những đầu tư vốn cổ phần (equity investments) của các công ty năng lượng TQ có ảnh hưởng thái quá trong việc uốn nắn các chính sách của TQ đối với Sudan, Trung Ðông, Nga và Trung Á. Trong những năm gần đây, nơi nào các lợi ích của công ty trệch hướng với các lợi ích của quốc gia thì cái đầu có khuynh hướng khống chế. Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nỗ lực đáng chú ý để xử lý vấn đề này.

Các nhược điểm thuộc loại ấy sẽ ngày càng trở thành vấn đề hơn cho những quan hệ ngoại giao của TQ khi quân đội cải tiến các năng lực sức mạnh dự phóng của họ và tiến hành những thao tác ở ngoài chu vi gần nhất của TQ. Một số hoạt động quân sự, thí dụ tuần tiễu bằng tàu ngầm, đã làm dậy lên những quan tâm trong các lân bang của TQ.

Những kỳ vọng lớn lao hơn

Ðang gia tăng các sức ép bên trong và bên ngoài để TQ đóng vai trò nổi bật hơn, nếu không là lãnh đạo, trong các sự vụ quốc tế. Các yêu cầu bên ngoài nhằm bảo đảm sự phát triển tiếp tục xã hội và kinh tế tại quốc nội đang tăng mạnh và đảm đương các chiều kích mới. Ðối với TQ, hành động một cách bản địa lúc này đòi hỏi phải nó phải tư duy một cách toàn cầu.

Như thế, các sức ép bên trong, thí dụ đô thị hóa và gia tăng tiêu thụ năng lượng, đã dẫn TQ trong thập niên vừa qua tới việc mở rộng, một cách đầy ý nghĩa, thương mại và đầu tư của nó với châu Mỹ La-tinh và Trung Ðông, những khu vực từng có thời thuộc mối quan tâm có tính bản lề, không đáng kể. Giờ đây thương mại với các khu vực đó là khía cạnh tăng nhanh nhất của thương mại TQ và sẽ mang tính quyết định để chịu đựng cấp độ xuất khẩu khiêm tốn trong cuộc suy trầm kinh tế toàn cầu. Một cách quan trọng, những yêu cầu tăng trưởng của TQ đẩy an toàn năng lượng vào nghị trình chính sách ngoại giao của nó, và trong khi làm như thế, đã đem tới ảnh hưởng đáng kể cho các công ty dầu khí quốc doanh trong sự đề ra và thực thi chính sách ngoại giao của TQ.

Một trong những sức ép bên trong mới mẻ nhất và có ảnh hưởng nhất cho vai trò lớn lao hơn trên thế giới của TQ là dân chúng TQ. Họ làm căng thêm các chính sách và thực hành của TQ về các sự vụ toàn cầu và họ nói lên quan điểm của mình. Vào mùa Xuân năm 2003, các “công dân mạng” (netizens) TQ này đã phát động một kiến nghị qua mạng lưới internet để làm “trật đường rầy” nỗ lực vận động của Nhật Bản muốn được đề cử làm thành viên thường trực của HÐBA/LHQ, và đã kích động mấy ngày biểu tình chống đối bạo động bài Nhật tại Thượng Hải. Tình cảm bài Nhật trong công chúng ngăn chặn một cách kiên định khả năng làm lãnh đạo, và đặt các quan hệ Trung – Nhật trên một cơ sở ổn định.

Công dân TQ ngày nay đi du lịch và sống ở nước ngoài nhiều hơn trước đây, và sự kiện ấy còn có ý nghĩa lớn lao hơn. Theo dữ liệu của TQ, năm 2006 có 32 triệu công dân TQ du hành xứ người; 7.000 công dân TQ hoạt động và đầu tư ở quốc ngoại; 670.000 công dân du học và làm việc ở nước ngoài. Khi dấu chân quốc tế của TQ trải rộng, dân chúng TQ kỳ vọng chính phủ của họ hành động nhiều hơn để bảo vệ những đầu tư lẫn an ninh thể lý của họ. Từ năm 2004 tới 2007, theo dữ liệu của TQ, có 27 công dân TQ bị giết ở nước ngoài (tại Ethiopia, Pakistan & Afghanistan), có 45 bị bắt cóc (tại Pakistan, Nigeria và Iraq) và khoảng 911 được di tản khỏi các cuộc khủng hoảng ở Liban, Ðông Timor, Tonga & Quần đảo Solomon.

Cộng đồng quốc tế cũng kỳ vọng nhiều nơi TQ. Ngày nay, nhiều quốc gia muốn TQ, như một kẻ đang sản xuất nhiều nhất khí thải hiệu ứng nhà kính, chấp nhận những giới hạn ràng buộc số lượng áp dụng cho những kẻ gây nên ô nhiễm ấy; ở cấp bậc tối thiểu, cộng đồng quốc tế đồng thuận rằng, để có bất cứ giải pháp nào có ý nghĩa cho vấn đề biến đổi khí hậu, phải có sự tham gia của TQ.

Hầu hết những nhà hoạch định chính sách về châu Á đều nhìn TQ như một tác nhân then chốt trong việc ép buộc Bắc Hàn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, cho dù điều này gây nên một bất ổn định nào đó trên biên giới đông bắc của TQ. Năm 2004 và 2005, trong thảm họa sóng thần (tsunami) tại Ðông Nam Á, xuất hiện một động cơ quốc ngoại quan trọng thúc đẩy TQ mở rộng tầm với quốc tế của nó. Vào thời điểm ấy, TQ bối rối và nản lòng về việc nó không thể cung cấp viện trợ nhân đạo nhiều hơn vì khả năng không vận và hải vận có hạn của quân đội, và nó thiếu kinh nghiệm cung cấp sự yểm trợ khi có khủng hoảng.

Trong cuộc suy trầm kinh tế toàn cầu hiện nay, thế giới trông mong TQ như một trong những nền kinh tế lớn duy nhất tiếp tục tăng trưởng. Dù kích thước của nền kinh tế TQ chỉ bằng 1/3 của kinh tế HK hoặc Liên hiệp Âu châu (xét theo tỉ lệ trao đổi thị trường – market exchange rates), tầm quan trọng của TQ đối với tăng trưởng toàn cầu đang tăng thêm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính rằng TQ sẽ cung cấp con số 60% tăng trưởng toàn cầu trong thời kỳ suy thoái kinh tế này, và tới khoảng năm 2014, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của TQ có thể lên bằng 50% của HK. Khi TQ đi tới một kiểu mẫu tăng trưởng có định hướng tiêu thụ hơn, thị trường nội địa của nó có thể đóng vai trò lớn hơn trong tăng trưởng kinh tế của các lân bang châu Á (với giả sử họ điều chỉnh các kiểu mẫu phát triển của mình sao cho phù hợp). Năm 2008, trên thực tế, TQ đã qua mặt Nhật Bản liên tiếp hai năm liền, như là thị trường bán lẻ lớn nhất châu Á.

Một khu vực thoải mái lớn hơn

Các sức ép bên trong và bên ngoài gây nên một trạng thái đa dạng các thái độ mới, phản ánh việc TQ thừa nhận rằng nó có thể làm hơn nữa. Bắc Kinh ngày càng thấy có thêm nhu cầu và cơ hội để năng động hơn, thậm chí quyết đoán hơn, trên phương diện toàn cầu. Thí dụ, TQ đã rút khỏi sự miễn cưỡng nguyên thủy của mình để can dự sâu xa hơn vào cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Hàn và Iran. Ở cả hai trường hợp đó, trong năm năm qua, TQ đã ủng hộ nhiều nghị quyết của HÐBA/LHQ, bao gồm áp đặt cấm vận kinh tế theo Chương 7, và đó là những hình phạt TQ đã dài ngày bác bỏ. Là người triệu tập những cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, TQ trên thực tế đảm đương vai trò lãnh đạo trong việc xoay xở giải quyết cuộc khủng hoảng đó.

Trung Quốc đang từ bỏ sự thông giải nghiêm ngặt và sự áp dụng nguyên tắc bất can thiệp vào các sự vụ nội bộ của các quốc gia, vốn là lập trường từng hạn chế dài ngày chính sách ngoại giao của nó. Can dự của TQ, dù hạn chế, trong việc tìm cách giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị tại Sudan và Miến Ðiện cung cấp một số bằng chứng cho nhận xét này. Khi những đầu tư kinh tế và chính trị của TQ trong các xứ ấy gia tăng và TQ trở nên thoải mái hơn trong việc dùng ảnh hưởng của mình để tác động làm thay đổi, Bắc Kinh đã đi tới sự thừa nhận giá trị thật sự của việc cổ vũ sự ổn định chính trị và giảm thiểu bạo động trong các khu vực đó.

Một trong những chuyển dịch đáng quan tâm nhất, dù có lẽ là điềm xấu, nằm trong lý thuyết và các thao tác quân sự của TQ. Các nhà chiến lược quân sự của TQ giờ đây tuyên bố rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân (QÐGPND) đang chuyển từ trọng tâm có tính độc chiếm vào sự phòng thủ “lãnh thổ Trung Quốc” tới một trọng tâm thêm vào và mới mẻ, đó là bảo vệ “các lợi ích của Trung Quốc”. Bạch thư quốc phòng mới nhất của TQ nhấn mạnh rằng ngày nay, QÐGPND xem “các chiến dịch quân sự khác với chiến tranh” (military operations other than war – MOOTW) như một sứ mệnh mới – một khái niệm mà, đối với các nhà chiến lược của HK, bao gồm sự cấm chỉ trên biển, các chiến dịch hòa bình, bảo vệ các đường biển, đi tản người không chiến đấu, và nhiều công tác khác.

Những đột kích gần đây vào thế giới mới này của MOOTW gồm việc bố trí các tàu hải quân TQ tới Vịnh Aden ngoài khơi bờ biển Somalia để tham gia cuộc hành quân của LHQ trừng phạt và chống hải tặc. Ðây là thao tác đầu tiên của QÐGPND. Quân đội cũng vừa phái tàu bệnh viện đầu tiên của nó [the “Peace Ark” – Thái bình thuyền(?)] và các tàu hải quân khác lớn hơn sẽ được phép tham gia những chiến dịch cứu trợ nhân đạo ở xa biên giới TQ.

Các sứ mệnh cùng năng lực mới mẻ này phản ánh khát vọng của TQ muốn được nhìn như một cách đóng góp vào “lợi ích chung” toàn cầu, theo tác phong phù hợp với chính sách đã được TQ tuyên bố về hành động như một “cường quốc chính có trách nhiệm”. Nó cũng có thể là một báo hiệu cho các khả năng sức mạnh được cải tiến theo dự phóng, để có thể sử dụng hầu bắt phải tôn trọng những yêu sách về lãnh thổ hoặc bảo đảm việc tiếp cận các tài nguyên.

Một chỗ ngồi vào bàn

Thế nhưng một lực quan trọng khác đang thúc đẩy TQ đóng vai trò hàng đầu trong các sự vụ quốc tế: các nhà lập chính sách của TQ muốn tham gia vào việc uốn nắn các qui tắc, chuẩn mực và các định chế toàn cầu. Phần vì lý do mang tính qui chế và phần vì ảnh hưởng hiển nhiên trên các quá trình ấy, TQ muốn có “các cơ hội đóng góp tiếng nói” hơn. Bằng chứng hiển nhiên nhất cho điều này nằm trong chính sách ngoại giao đa phương của Bắc Kinh: TQ đã tạo ra những tổ chức mới (thí dụ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải – The Sanghai Cooperation Organization, và Diễn đàn Hợp tác Trung-Phi – China-Africa Cooperation Forum), và mở rộng sự tham dự của nó vào các tổ chức hiện hành (thí dụ Diễn đàn Khu vực Hiệp hội Các Nước Ðông Nam Á – Association of Southeast Asian Regional Forum).

Vai trò của TQ như một kẻ đề ra qui tắc và nghị trình sẽ không chỉ trở thành một đặc điểm ngày càng nổi bật trong chính sách ngoại giao của nó trong tương lai. Kinh nghiệm trong các lãnh vực ấy cũng sẽ thúc đẩy TQ nghĩ tới những tỉ lệ trong tương quan giữa giá vốn của việc lãnh đạo với số lãi thu được.

Tuy thế, cho tới thời điểm này, thành tích thật sự được ghi nhận của TQ về việc uốn nắn các qui tắc và các định chế quốc tế thì hữu hạn và rời rạc thất thường. Có các thí dụ minh họa cho nhận xét ấy nằm trong việc TQ dần dần chấp nhận các qui tắc quốc tế hơn là phản đối cùng tìm cách duyệt lại chúng (và TQ đang thành công). Về mặt toàn cầu, TQ chấp nhận và thực thi rất nhiều cam kết về thương mại phức tạp và về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân cùng vũ khí hóa học, dù với thành tích chấp hành khi thế này khi thế nọ. Thậm chí tại Ðông Á, sân sau chiến lược của TQ, Bắc Kinh thoái lui sau khi đã nhúng tay quá sâu vào nỗ lực gây ảnh hưởng lên các thành viên và nghị trình của Hội nghi Thượng đỉnh Ðông Á. Dù phụ trách tiến trình hội nghị sáu bên về Bắc Hàn, TQ chỉ làm điều đó sau khi bắt đầu e ngại rằng tình thế sẽ leo thang vượt quá tầm kiểm soát của mình; kế đó, Bắc Kinh tìm cách xác định tầm mức vai trò của mình để không phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu tiến trình ấy thất bại.

Tại Ðông Nam Á, cho tới nay, Bắc Kinh dường như chấp nhận những chuẩn mực khu vực trong việc giải quyết xung đột và đã lặp lời cam kết về việc giải quyết trong hòa bình những tranh chấp lãnh hải tại Biển Nam Trung Hoa[1]. Dù bản chất của thái độ tối hậu của TQ trong những tranh chấp lãnh thổ này vẫn đang được quyết định (và thái độ ấy bao gồm một số hoạt động khiêu khích), những cam kết ban đầu của Bắc Kinh chỉ dấu cho thấy, một cách quan trọng, một cấp độ tự ràng buộc để làm yên lòng.

Tiềm năng của TQ trong việc ấn định qui tắc quốc tế có những giới hạn rõ rệt, đặc biệt trong đề nghị mới đây của TQ nhằm thách đố đồng Mỹ kim như tiền tệ dự trữ của thế giới. Người đứng đầu ngân hàng của TQ, Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiao-chuan), vào mùa Xuân 2009, kêu gọi gia tăng việc sử dụng khí cụ tiền tệ đặc biệt của QTTQT (IMF), được gọi là quyền rút tiền đặc biệt và quyền vay đặc biệt của các nước hội viên đối với nguồn tiền hoạt động của QTTQT (special drawing rights), nhằm làm giảm bớt mức độ lan khắp toàn cầu của Mỹ kim. Ðề nghị này phản ánh mối lo ngại của TQ về tình trạng có thể bị tổn thương sâu xa đối với giá trị đồng đô-la và đối với sức khỏe tổng thể của kinh tế HK. Nó cũng phản ánh sự bất lực của Nhân dân Tệ (vì tài khoản tư bản đã kết toán của TQ – China’s closed capital account) để đưa ra bất cứ loại chọn lựa nào.

Thế nhưng có ít thành viên khác của QTTQT tán trợ đề nghị ấy của TQ. Thật ra một số quan chức cao cấp của TQ cũng công khai quay lưng lại với nó, bằng việc lưu ý rằng nó có ý nghĩa xoa dịu những phê phán quốc nội về những đầu tư lờ đờ của TQ vào cổ phiếu Hoa Kỳ. Tóm lại, sáng kiến về tiền tệ dự trữ của TQ – theo dự kiến – có tính tượng trưng hơn thực chất. Nó cho phép chính phủ TQ có vẻ như sẵn sàng đáp ứng những thất vọng trong nước, nhưng xét theo tính thiếu khả thi của đề nghị ấy cùng sự chống đối ở trong nước lẫn ngoài nước, thì TQ không có dự tính theo đuổi nó tới cùng.

Theo với các định chế, sự thành công của TQ trong việc uốn nắn các chính sách và các ưu đãi của nước khác cũng bị giới hạn. Bất chấp sự có mặt ngày càng tăng của TQ trên trường quốc tế và những tương tác của nó với các nước khác cùng các định chế trên khắp thế giới, có rất ít thí dụ về việc TQ sử dụng ngoại giao của nó nhằm biến đổi động thái ngoại giao của các nước khác.

Trung Quốc có chút thành công trong việc uốn nắn chính sách của các nước khác và các vấn đề đặc biệt bén nhạy đối với Bắc Kinh, thí dụ Ðài Loan và Tây Tạng. Trong những thí dụ minh họa sự thành công ấy, các quốc gia đối tượng của việc điều tiết cho thích nghi với TQ thường chịu ít phí tổn mà thu được nhiều lợi ích. Trung Quốc đạt hiệu quả nhất trong việc nâng cao hình bóng của mình tại các xứ sở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Các nhà nước tại những khu vực đó giờ đây nhận biết hơn quan điểm và lợi ích của TQ, đưa tới kết quả có sự điều tiết nào đó phù hợp với quan điểm của Bắc Kinh, tuy thế, vẫn có một sự từ khước nào đó.

Nghịch lý người giữ tiền cược

Vậy TQ đã sẵn sàng cho vai trò lãnh đạo thế giới chưa? Câu trả lời ngắn gọn là: sắp tới thì hoàn toàn chưa (is not any time soon). Nhưng kết luận này phải được tái đánh giá liên tục.

Các lực phức tạp lôi kéo TQ về những hướng khác nhau. Lập trường cố hữu của nó, bị ăn thâm căn cố đế trong thế hệ hiện thời của những nhà lập chính sách của TQ là tránh vai trò lãnh đạo quốc tế trong khi đặt trọng tâm vào phát triển tại quốc nội. Khuynh hướng này sẽ vẫn còn dai dẳng trong một tương lai có thể thấy trước. Các lực đối nghịch, vốn đang đẩy TQ can dự vào thế giới hơn, cũng sẽ bị biến dị và ngày càng mạnh hơn. Kết quả là TQ sẽ nổi bật và hiệu quả hơn trong việc dùng ngoại giao của mình để đáp ứng thỏa đáng các yêu cầu quốc nội, và nó sẽ tìm kiếm các cơ hội để góp phần duy trì những cái chung mang tính toàn cầu.

Trong khi theo đuổi cả hai mục tiêu ấy, TQ sẽ tìm kiếm tiếng nói lớn lao hơn trong việc lập định các qui tắc quốc tế. Những đòi buộc này dẫn TQ tới việc trở thành một diễn viên chính mang tầm quan trọng chính và đôi khi đảm trách vai trò lãnh đạo – thỉnh thoảng một cách miễn cưỡng – với các cường quốc chính khác trong việc tìm cách giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Nhưng những hoạt động ấy không phải là lãnh đạo toàn cầu. Chúng liên quan tới thao tác theo sự đồng thuận hiện hành hơn là làm phát sinh một sự đồng thuận mới và rồi dẫn tới trách nhiệm lãnh đạo. Thêm nữa, bằng chứng gợi cho thấy rằng có rất ít quốc gia muốn đi theo sự dẫn đạo của TQ trong các vấn đề quốc tế. Như thế, trong khi TQ muốn thỉnh thoảng đảm trách vai trò lãnh đạo trong hợp tác với các nhà nước khác, nó vẫn còn rất xa với việc làm một lãnh đạo toàn cầu trong tâm trí hoặc bằng những năng lực của mình.

Việc phân tích tiềm năng lãnh đạo của TQ rọi ánh sáng lên sự căng thẳng tại tâm điểm của chính sách HK đối với TQ, và tôi gọi đây là nghịch lý của người giữ tiền cược (the stakeholder paradox).

Mặt này, HK đang khích lệ TQ xác định rộng rãi các lợi ích quốc gia của nó; HK cố gắng làm cho Bắc Kinh có khả năng đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, và tối hậu, vào việc duy trì hệ thống quốc tế hiện thời. Ðây là sự thúc đẩy trong chính sách của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao HK Robert Zoellick, bằng cách thách thức TQ làm một “người giữ tiền cược có trách nhiệm”, một lô-gic cốt tủy mà vẫn dai dẳng cho tới hôm nay.

Mặt khác, nhiều nhà chiến luợc HK và quốc tế lo lắng rằng chính sách ấy có thể mở rộng các tham vọng toàn cầu của TQ trong khi cải tiến các khả năng của nó để theo đuổi chúng – bao gồm những phương cách có thể không hỗ trợ các qui tắc, chuẩn mực và các định chế toàn cầu.

Khả năng của các nhà làm chính sách HK tạo cân bằng cho những quan tâm ấy sẽ cực kỳ quan trọng cho sự thành công của chính sách TQ của HK. Các luận cứ trong bài tiểu luận này gợi ý rằng trong tương lai có thể thấy trước, có thể xoay xở để có được sự cân bằng đó, một cách quyết định. Khi năng lực của TQ gia tăng, những ràng buộc quốc nội và những kiềm chế quốc ngoại trên chỗ ngoặt xét lại trong chính sách quốc phòng và ngoại giao của TQ sẽ vẫn còn đáng kể và một số của chúng sẽ gia tăng.

Các thế hệ lãnh đạo hiện thời và sắp tới của TQ chống lại việc đảm trách quá nhiều trách nhiệm và cam kết. Họ nhận biết sắc bén rằng TQ có vô số thách đố bên trong, trong đó nhiều cái sẽ gia tăng. Họ vẫn còn lưu tâm tới những tính toán sai lầm của các cường quốc đang lên thuở trước.

Về mặt bên ngoài, TQ sống trong một khu vực ương ngạnh, phần lớn không giống như HK lúc bắt đầu thế kỷ 20. Trung Quốc có chung biên giới với 14 quốc gia trong đó một số từng lâm chiến với nó. Các lân bang của TQ, đặc biệt Nga, Nhật Bản, Ấn Ðộ, đang giám sát thái độ của TQ và sẽ ghìm những tiến bộ của nó. Khi những tương tác toàn cầu của TQ gia tăng, những phí tổn của việc trở thành một nhà nước xét lại sẽ tăng lên theo hàm mũ, nếu không theo cấp số nhân.

Một thành tố quan trọng trong chính sách của HK đáp ứng với sự chỗi dậy của TQ là duy trì sức mạnh vật chất và đạo đức trong khi bảo đảm sự khả tín của các cam kết của HK. Những mục tiêu ấy bắt đầu với việc phục hồi sức khoẻ kinh tế và phúc lợi của HK, cả hai cái ấy bảo đảm những nền tảng của sức mạnh HK và như một dấu hiệu cho kỷ luật tự giác của HK.

Về mặt quốc tế, Washington cần có quan điểm rộng rãi về những trách nhiệm toàn cầu và sự tham gia của mình vào các định chế quốc tế, bao gồm việc chấp nhận rằng sự kiềm chế có thể là một nguồn sức mạnh trong khuôn khổ hợp pháp và ảnh hưởng – đặc biệt đối với một siêu cường. Những hành động ấy sẽ giúp bảo đảm rằng Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ có vị trí tốt để ứng xử với một TQ sẽ có thêm nhiều sinh lực và nhiều ảnh hưởng địa lý chính trị trong những năm sắp tới.

[1] Biển Ðông Việt Nam (người dịch)


Bài 2: Tại sao chế độ Trung Quốc vẫn vững?
Andrew G. Walder
Nguyễn Ước dịch

Ba thập niên trước, khi Trung Quốc (TQ) bắt đầu cải cách kinh tế thì đang có khoảng 34 quốc gia độc lập trên thế giới hôm nay bị chế độ độc tài cộng sản cai trị. Giờ đây chỉ tồn tại bốn nhà nước cộng sản. Hai trong số đó là chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa không cải cách, bị trì trệ sa lầy trong nghèo khó, là Bắc Hàn và Cu Ba. Trung Quốc và Việt Nam là hai nước duy nhất tiến hành những cải cách rộng lớn mang tính thị trường mà không thay đổi chế độ. Ba mươi chế độ còn lại đi theo con đường khác. Họ là nhà nước “hậu cộng sản” với nền kinh tế thị trường và một cấp độ rộng rãi các hệ thống chính trị, từ chế độ độc tài khắc nghiệt tới thể chế dân chủ tự do.

Thành tích kinh tế của TQ thật khác thường, và ở đây nó không đòi hỏi nhiều ý kiến. Nhưng trong thập niên vừa qua, một đợt sóng phản đối về các chủ đề kinh tế và sự tái trỗi dậy mới đây về bất ổn sắc tộc tại các khu vực phía Tây của TQ, đã và đang thêm phần gây nên nhận thức rằng có thể chế độ ấy đang đi vào thời kỳ bất ổn tăng cao, một thời kỳ mà cuộc chạy đua hai thập niên tiến bộ nhanh chóng cùng trật tự chính trị có thể đang đi tới kết thúc.

Chắc chắn TQ hôm nay là một xã hội lủng củng, có thể gây ra bất hòa, một cách tương đối, và dường như nhà nước bị ám ảnh bởi các biện pháp bảo đảm trật tự chính trị. Cũng quả thật đã có tiến bộ rất ít trong việc cải cách các định chế chính trị cốt lõi của TQ mà về mặt cốt yếu, chúng cũng là những cái hiện hữu kể từ khi bắt đầu cuộc cải cách kinh tế 30 năm trước. Tuy nhiên, tình hình chính trị tổng thể tại TQ có nhiều thuận lợi cho chế độ hơn trước đây, khi nó ở trong một thập niên xung đột xâu xé và tương đối hỗn độn của cuộc cải cách kinh tế.

Chính xác là 20 năm trước, lúc ấy TQ chắc chắn đang ở trong trạng thái kinh hoàng. Thiết quân luật áp dụng tại Bắc Kinh sau khi quân đội đột kích phong trào phản đối Thiên An Môn, liên minh cải cách trong hàng ngũ lãnh đạo Ðảng Cộng sản bị sụp đổ, đất nước bị cô lập về mặt quốc tế và bị chỉ trích dữ dội vì ngược đãi thô bạo nhân quyền, và nền kinh tế đang ở giữa khúc quặt đi xuống rõ rệt và sẽ kéo dài tình trạng sa sút trong vài năm.

Thế nhưng chúng ta thường quên rằng cuộc khủng hoảng sâu rộng năm 1989 đơn giản chỉ là kết quả của những tình huống chính trị và xã hội hiện hữu suốt thập niên 80, những tình huống tương phản một cách sắc nét với hiện tại hôm nay. Nếu chúng ta ngoảnh lại nhìn thập niên 80 thì thấy TQ lúc ấy có vẻ là một đất nước khác. Tăng trưởng kinh tế và hồi sinh quốc gia hai chục năm qua cùng các biến cố trong phần còn lại của thế giới trong thời kỳ quá độ, đặt chế độ TQ vào một vị trí rất khác và tạo ra một quan hệ rất khác giữa chế độ và xã hội mà nó cai trị.

Nói cụ thể, TQ hôm nay là một nơi chốn khác, theo bốn cách thức.

Thứ nhất, lúc này rõ ràng tiếp cận tiệm tiến của TQ vào cuộc cải cách kinh tế đã hữu hiệu. Suốt thập niên 1980, không chút nào rõ ràng rằng sách lược ấy sẽ thành công, ít nhất bên ngoài nông nghiệp.

Thứ hai, đường đi chính trị tổng thể (overall political trajectory) của TQ giờ đây trông hoàn toàn thuận lợi dưới ánh sáng của những vấn đề nghiêm trọng được trải nghiệm bởi nhiều nhà nước kế thừa hậu cộng sản. Vào cuối thập niên 1980, chế độ TQ có vẻ bị bế tắc và phản động so với các chế độ cộng sản khác đang bắt đầu công cuộc cải cách chính trị của họ.

Thứ ba, giới trẻ và người dân có học của TQ giờ đây cho thấy một cảm giác mạnh mẽ tinh thần tự hào dân tộc và thỉnh thoảng, lòng yêu nước mang tính vệ quốc. Ngược lại, hai thập niên trước đây, đặt vấn đề sâu xa về Ðảng Cộng sản và tính chính thống (legitimacy) của chế độ là một việc phổ biến hơn rất nhiều.

Cuối cùng, hàng ngũ lãnh đạo Đảng của TQ hôm nay, một cách căn bản, thống nhất quan điểm của họ về đường hướng đất nước nên đi. Suốt thập niên 1980, họ chia rẽ sâu xa cả về cải cách kinh tế lẫn sự tự do hóa.

Các thời kỳ bất định

Ngày nay, chúng ta quen với sự trỗi dậy kinh tế của TQ nên khó nhớ lại thái độ hoài nghi đáng kể liên quan tới những viễn cảnh của các cải cách kinh tế, từng hiện hữu trong thập niên đầu của chúng. Tới cuối thập niên 1980, các cải cách kinh tế của TQ không thật sự tiến hành sâu rộng bên ngoài nông nghiệp, nơi xứ sở đó sớm đạt những thành quả đầy ấn tượng, đơn giản nhờ vào việc buông bỏ những nông trường tập thể kiểu Sô-viết. Lợi tức ở nông thôn tăng nhanh, việc cung cấp thực phẩm cho thành thị cũng thế. Vào thời điểm đó, các cải cách của TQ trong nông nghiệp là tiến bộ nhất trong thế giới xã hội chủ nghĩa. Tuy thế, cũng vào thời điểm đó, người ta nhận xét một cách đại thể rằng đó là phần dễ dàng và mới chỉ là bước đầu.

Công tác khó khăn nhất của cuộc cải cách chưa được phát biểu theo cách thức mang ý nghĩa quan trọng nào – làm thế nào đảo ngược một khu vực kỹ nghệ quốc doanh khổng lồ và rõ ràng không hiệu quả. Hiển nhiên là các công ty kỹ nghệ cần tinh giản, tái tổ chức và bắt phải chịu sức ép cạnh tranh thật sự, nhưng công tác ấy liên quan tới sự đánh mất quyền kiểm soát của nhà nước trên những bộ phận chủ yếu của nền kinh tế. Nó cũng có nguy cơ gây bất ổn và đối lập chính trị vì phải sa thải nhân viên và vi phạm các nguyên lý (tenet) chính của chủ nghĩa xã hội. Suốt thập niên 1980, không rõ ràng việc các lãnh đạo Đảng thậm chí có thể tập hợp được ý chí chính trị để toan tính cuộc chuyển thể chưa có tiền lệ ấy, và nếu họ cố thử một cách nghiêm chỉnh, thì không rõ ràng việc Ðảng Cộng sản Trung quốc có thể tồn tại lâu hơn các hệ quả chính trị có thể có hay không.

Ðó cũng là một vấn đề hiểm nghèo của cải cách giá cả. Việc giải phóng giá cả tiêu thụ và sản xuất trong một nền kỹ nghệ khan hiếm nghiêm trọng mang theo nguy cơ thật sự lạm phát nhanh chóng và tác động gây bất ổn của lạm phát được thấy rõ tại các thành phố TQ năm 1988 và đầu năm 1989. Như các lãnh đạo TQ đã nhận thức một cách đau đớn, những gia tăng quá quắt trong giá cả tiêu thụ tại Ba Lan khiến phát sinh Phong trào Ðoàn kết vào lúc bắt đầu thập niên đó. Chúng ta nên nhớ rằng ở thời điểm ấy, trong lịch sử chưa từng có một chế độ xã hội chủ nghĩa nào tính chuyện chuyển dịch tới một nền kinh tế có định hướng thị trường, và chưa có gì rõ ràng cho thấy việc đó có vẻ hợp lý, hoặc một đảng cộng sản đang nắm quyền có thể sống sót trong một cuộc chuyển tiếp như thế.

Người ta cũng dễ quên rằng đường đi chính trị của TQ vào cuối thập niên 1980 dường như rất tụt hậu so với sự thay đổi mang tính tiến bộ trong khối Sô-viết, phần lớn đối với sự thất vọng chán nản của nhiều sinh viên, trí thức và đảng viên có đầu óc phóng khoáng. Phản ứng dữ dội của Đảng chống lại “sự tự do hóa trưởng giả” theo sau phong trào dân chủ của sinh viên vào cuối năm 1986, và tiếp đó, việc thanh trừng Hồ Diệu Bang, Tổng Bí thư có đầu óc phóng khoáng, khiến hàng ngũ lãnh đạo của TQ dường như lạc hậu và phản động. Khuynh hướng tự do báo chí, dân chủ hóa và thậm chí bầu cử có tranh đua mà vào năm 1988, đã thấy rất rõ tại Ba Lan, Hungary, và quan trọng nhất, tại Liên bang Sô-viết. Nhiều thành phố ở TQ, và thậm chí bản thân Đảng và chính quyền, đã nhìn những phát triển ấy với lòng ganh tị.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng đây chính xác là thời điểm các chế độ Ðông Á thoát ra khỏi những thời kỳ dài của độc tài chuyên chế. Philippines năm 1986, Nam Hàn năm 1987 và Ðài Loan năm 1988. Ðối với nhiều người tại TQ vào thời điểm ấy, những sắp xếp chính trị của xứ sở đang ngày càng lỗi thời, lệch lạc và phản động – và không tương hợp với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng theo định hướng thị trường mà rõ ràng lãnh đạo Đảng đang thiết tha mong mỏi.

Giới trẻ khủng hoảng

Một dấu hiệu đặc trưng của thập niên 1980 là sự xa lạ (alienation) của nhiều thanh niên thiếu nữ và trí thức TQ. Một thập niên bắt đầu với “khủng hoảng sự tin cậy” công khai và rầm rộ vào Ðảng Cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Trong các đại học, nở rộ một bầu không khí tự do đặt vấn đề, cũng như sự hiếu kỳ đối với các triết thuyết dân chủ và các định chế của văn minh phương Tây. Xuất hiện một thế hệ người TQ trong độ tuổi 20 và 30 từ một nền giáo dục bị gián đoạn, và nhiều người trong bọn họ vừa trải qua thời gian như “tuổi trẻ bị phái xuống” vùng nông thôn, trong một tâm trạng tra vấn và nổi loạn. Nhiều trí thức cấp tiến cũng tham gia cuộc náo nhiệt tổng quát ấy.

Ðó là một xã hội vẫn đang phục hồi từ những hãi hùng của cuộc Cánh mạng Văn hóa và vẫn cố sức giải thích căn nguyên của đại thảm họa toàn quốc dài ngày ấy. Vào lúc đó, nhiều người bất đồng ý kiến với đường lối tự phục vụ thấy rõ của Đảng – rằng những tai họa ấy do một nhóm nhỏ lãnh tụ độc dữ gây ra và những kẻ đó bị xỉ vả là bè lũ “Tứ nhân bang”. Nhiều người tin rằng nguyên nhân gốc của đại thảm hoạ toàn quốc của TQ đan quyện một cách sâu xa trong các định chế chính trị đơn nguyên (unitary) và hệ tư tưởng đang thống trị.

Sau cùng, giới lãnh đạo của TQ vào thập niên 1980 bị chia rẽ sâu xa và thường cũng rất cay đắng, về cải cách kinh tế cùng sự tự do hóa chính trị. Nhiều lãnh tụ nhìn các cải cách kinh tế như một đe dọa cho chế độ và vi phạm các nguyên lý căn bản của xã hội chủ nghĩa. Những kẻ bảo thủ ấy không thể hiểu tại sao TQ không đơn giản quay trở lại phiên bản đã được cập nhật của những thực hành theo kế hoạch và được khởi hứng mang tính Sô-viết từng thao tác tương đối tốt trong thập niên 1950, trước ngày mọi sự bị ném vào tình trạng hỗn loạn do bởi chủ nghĩa cực đoan đầy khinh suất của Mao Trạch Ðông. Và các nỗ lực từ những người chủ trương cải cách trong hàng ngũ lãnh đạo nhằm thúc đẩy sự tự do hóa chính trị và cởi mở đã dẫn tới cuộc chiến tranh bè phái trong hàng ngũ thượng đỉnh của Đảng.

Kết quả của cuộc đấu đá đầy thủ đoạn và triền miên ấy là kiểu mẫu của tình trạng biến đổi chính trị đột ngột, khi các chuyển dịch hướng tới tự do hóa và cải cách bị theo sau bởi các giai đoạn thụt lùi và đắp ụ. Lãnh tụ Ðặng Tiểu Bình làm trọng tài cho cuộc tranh đua bè phái, khi chuyển theo bên này khi ngã về bên kia, với hy vọng lèo lái giới lãnh đạo ngang bướng tới đường lối ở giữa của cuộc cải cách mang tính thị trường dưới sự cai trị nghiêm khắc của Đảng. Giới trẻ, trí thức và đảng viên, về mặt chính trị, nhận biết rất rõ những xung khắc ấy.

Bão tố hoàn hảo

Mùa Xuân 1989, cả bốn đặc điểm có từ lâu ấy của thập niên 1980 tại TQ hội tụ thành một cuộc khủng hoảng chính trị có thể sánh ngang một cơn bão hoàn hảo. Văn hóa giới trẻ xa lạ của thập niên 1980 phô diễn trọn vẹn trong các phản đối của sinh viên vào tháng Tư và tháng Năm. Sinh viên lấy cái chết của Hồ Diệu Bang phóng khoáng như một cơ hội bày tỏ lòng bất mãn của họ đối với phản ứng sau năm 1986 chống lại những phản kháng mang tính dân chủ của sinh viên vốn lên tới cực điểm khi Hồ Diệu Bang bị loại khỏi vị trí đứng đầu đảng. Lối tu từ và cách dùng các biểu tượng của sinh viên cho thấy sự quen thuộc sắc nét với các kiểu mẫu của thể chế dân chủ phương Tây cùng đức tin gần như ngây thơ vào tính hiệu năng của những kiểu mẫu đó và sự hiệu nghiệm của chúng như câu trả lời cho các vấn đề của TQ. Sinh viên trình bày nhận thức rằng TQ đang tụt lại đằng sau một thế giới có khuynh hướng dân chủ và rằng sở dĩ như thế là vì những quan điểm phản động một các cố định của lãnh đạo Đảng. Họ hy vọng ảnh hưởng lên sự cân bằng chính trị trong hàng ngũ lãnh đạo theo chiều hướng tự do hóa và dân chủ hóa lớn lao hơn.

Các trí thức, nhà báo, biên tập viên, thậm chí công chức chính quyền cuối cùng phản ứng đầy thiện cảm với vở kịch đang mở ra tại Quảng trường Thiên An Môn. Trong bọn họ, nhiều người cảm thấy nản lòng với nhịp bước chậm chạp của tự do hóa chính trị. Họ tham gia các cuộc phản đối, kêu gọi đối thoại ôn hòa với lãnh tụ sinh viên, và nhiều người đưa ra đòi hỏi tự do báo chí cùng các quyền dân chủ khác liên quan tới lãnh vực của mình. Họ nhận biết rằng tự do báo chí đã hoàn toàn rộng rãi tại Ba Lan, Hungary và ngay cả tại Liên bang Sô-viết, và những cuộc bầu cử có tranh đua đã nằm trong nghị trình của các nước đó. Họ nghĩ thật tự nhiên rằng TQ nên bước cùng một nhịp với các khuynh hướng khắp thế giới ấy.

Các công dân bình thường ùa ra đường phố, ủng hộ các sinh viên đang phản đối và khi họ ngăn không cho binh sĩ vào Bắc Kinh áp dụng thiết quân luật thì phản ứng đó làm cho cuộc phản đối leo thang. Những phản đối ấy phản ánh trạng thái bức bối công khai và lan rộng về tác động của cải cách kinh tế lên cuộc sinh kế tại đô thị. Tỉ lệ lạm phát chính thức vượt quá 25 phần trăm năm 1988 và đầu năm 1989, và những tình tiết của tình trạng mua sắm hoang mang xuất hiện khi có tin đồn lan rộng về việc sắp sửa xảy ra việc thả lỏng mọi giá cả. Các bước thử nghiệm đầu tiên sa thải công nhân tại các công ty thừa nhân viên ở thành thị cũng làm phát sinh tâm trạng âu lo trong khi dân chúng bị kích động, nổi giận bởi tình trạng tham nhũng gia tăng rõ rệt và việc các viên chức chính quyền và của Đảng đang tìm kiếm ưu quyền. Những quan tâm ấy cộng hưởng sâu xa khi sinh viên hô khẩu hiệu kêu gọi cởi mở, đối thoại và chấm dứt tình trạng tham nhũng của viên chức.

Sức ép do các biến cố ấy tạo ra làm vỡ từng mảnh bộ phận lãnh đạo Đảng mang tính bè phái và ngăn không cho nó đề ra một đáp ứng nhất quán và chặt chẽ. Khả năng lãnh đạo tê liệt, và dường như có bằng chứng rằng đang phát triển một sự bế tắc giữa hai phe tách biệt nhau – một kêu gọi đối thoại và một đòi hỏi phải trấn áp. Kết quả là hệ thống truyền thông chính thức của nhà nước bắt đầu tường thuật rộng rãi, và thậm chí có thiện cảm với phong trào phản đối đang mở ra, với nhiều viên chức cấp thấp hoặc về hưu phát biểu công khai hướng tới sự tiết chế.

Sự bế tắc lãnh đạo thấy rõ cùng tường thuật của truyền thông chính thức chỉ khích lệ người chống đối và dân chúng nói chung nghĩ rằng có thể đang có cơ hội thành công cho các hành động của họ. Giải pháp tối hậu dành cho cuộc khủng hoảng ấy là cuộc hành quân tàn bạo ngày 3 và 4 tháng Sáu năm 1989. Rạng sáng ngày 4 tháng Sáu, khi đường phố Bắc Kinh chìm ngập trong ánh lửa và súng nổ thì Ba Lan tổ chức cuộc bầu cử toàn quốc đa đảng lần đầu tiên mà chẳng bao lâu nữa, dẫn tới kết thúc sự cai trị của Đảng Cộng sản.

“Thế hệ Reagan” của TQ

Nếu bấm cho quay nhanh cuộn băng 20 năm tới thập niên hiện nay, chúng ta thấy một TQ rất khác. Văn hóa tuổi trẻ xa lạ không còn, và dư vị chính trị từ cuộc Cách mạng Văn hóa là hai thế hệ trong dĩ vãng. Ngày nay, tư cách đảng viên trở nên hợp thời trong thanh niên, đặc biệt đối với những kẻ năng động, học vấn cao và muốn tiến thân. Trong môi trường cạnh tranh cao độ, địa vị đảng viên là một thứ chứng minh thư để mở ra những cánh cửa cơ hội lớn lao hơn. Các chỗ làm trong công quyền thường được ưa thích so với rủi ro lớn lao hơn của các nghề nghiệp trong khu vực tư nhân năng động và rộng lớn của TQ. Nếu thế hệ xa lạ thập niên 1980 của TQ, về nhiều mặt, tương tự “Thế hệ thập niên 1960” của Hoa Kỳ, thì thế hệ trẻ hiện nay của TQ, về nhiều mặt, giống với “Thế hệ Reagan” thập niên 1980.

Giới trẻ TQ hôm nay có tính thực dụng chủ nghĩa, có định hướng nghề nghiệp và đang yêu nước theo những cách thức hiếm thấy trong giới trẻ thập niên 1980. Hầu hết chào đời sau các biến cố năm 1989, họ chỉ hiểu biết mơ hồ – và rất ít quan tâm – tới những xung khắc trong các năm ấy. Suốt thập niên vừa qua, họ tích cực về mặt chính trị, nhưng chủ yếu là những phản đối về sách giáo khoa có thành kiến của Nhật Bản, cuộc bỏ bom của NATO vào đại sứ quán TQ tại Belgrade, yêu sách tranh chấp chủ quyền quốc gia ở hòn đảo tí hon Ðiếu Ngư (Diaoyu), hoặc sự chỉ trích của các chính phủ và truyền thông nước ngoài về cách thức TQ xử lý những cuộc biểu tình Tây Tạng nhân sự cố Thế vận hội Bắc Kinh. Ðây là một thế hệ cảm giác sự trỗi dậy của TQ và đi cùng với nó là lòng tự hào dân tộc.

Sức mạnh trong ổn định

Ðối với các trí thức và những thị dân có học khác của TQ thì thật không còn rõ ràng về đường đi chính trị của quốc gia hiện nay so sánh một cách không thiên vị với đường đi của các nước anh em xã hội chủ nghĩa trước đây của nó. Vào cuối thập niên 1980, thế giới xã hội chủ nghĩa dường như đang trên bờ của cuộc xuyên phá dân chủ gay cấn và đầy hứa hẹn với giới lãnh đạo thủ cựu của TQ đang lưỡng lự việc liều mình lao vào. Lịch sử của những chuyển tiếp trong hai thập niên vừa qua thúc giục một chủ nghĩa duy thực (realism) điềm đạm hơn vào hôm nay.

Trong 30 chế độ hậu cộng sản trên thế giới, có chưa tới một nửa giờ đây là các chế độ dân chủ đa đảng đang ổn định vừa phải. Hết thảy những câu chuyện thành công thuộc về các nước nhỏ và đồng nhất về mặt sắc tộc, nhưng tất cả – trừ một nước là Mông Cổ – đều ở bên bờ đông của Liên hiệp châu Âu. Những nước còn lại đều hoặc độc tài chuyên chế khắc nghiệt hoặc là các chế độ hẹp hòi thối nát sâu xa mà các nỗ lực chuyển động tới thế giới dân chủ, trên một qui mô lớn, đều thất bại lẹ làng. Trong một số trường hợp, nỗ lực dân chủ dẫn tới sự sụp đổ nhà nước cấp quốc gia. Liên bang Sô-viết và Nam Tư (Yugoslavia) là hai thí dụ hàng đầu. Trong một số trường hợp khác, sự chuyển tiếp gây ra nhiều năm trời bạo động mang tính dân tộc chủ nghĩa hoặc nội chiến.

Và trong thực tế, mọi trường hợp nỗ lực chuyển động tới nền kinh tế thị trường trong khi diễn ra cách mạng chính trị đều mở ra cuộc khủng hoảng kinh tế sâu xa, kéo dài gần một thế hệ. Trong các nền kinh tế như thế, nhiều cái mới trồi ra khỏi những năm gian nan của mình. Ngược lại, hai nước trong nhóm này đã bứt xa với những gia tăng kéo dài và lớn nhất trong tổng sản phẩm nội địa (GDP), mỉa mai thay, lại vẫn tiếp tục bị cai trị bởi các đảng CS của chúng, đó là TQ và Việt Nam.

Phương trình ổn định chính trị cân bằng với tiến bộ xã hội và kinh tế là một luận cứ ngày nay có sức quyến rũ hơn hồi thập niên 1980. Bất cứ nhiệt tình nào xem nền dân chủ đa đảng như một phương thuốc trị bá bệnh cho các vấn đề TQ đều đang ở xa trong quá khứ. Nó đã được thay thế bằng một nhận thức điềm đạm hơn về những cái giá có khả năng phải trả cho một bước nhảy thất bại tới một kiểu thức của hệ thống chính trị khác.

Hôm nay, nhiều người biết tới thành tích của TQ về phát triển kinh tế nhanh chóng mà không lạm phát từ đầu thập niên 1990. Tuy thế, cũng không kém phần quan trọng là: cái từng có thời bị xem là trở ngại độc nhất và lớn nhất cho sách lược cải cách tiệm tiến, trên một qui mô lớn, đã là cái thuộc về quá khứ. Vì từ giữa thập niên 1990, TQ tinh giản một cách có hệ thống và tái cấu trúc khu vực nhà nước trương phình của nó. Vào lúc cao điểm năm 1997, nó thu dụng hơn 110 triệu người, giờ đây, khu vực đó chỉ còn thu dụng dưới 60 triệu người.

Trong chiều hướng tái cấu trúc ấy, hơn 40 triệu nhân công thường trực bị sa thải hay cho về hưu non. Ðiều đó quả thật gây ra một đợt sóng phản đối nhưng giờ đây, đã xong công tác tinh giản ấy. Giới lãnh đạo TQ không chỉ có khả năng triệu tập ý chí chính trị để làm những điều bị rất nhiều nhà quan sát trong thập niên 1980 nghĩ là bất khả thi, họ còn vượt qua các hậu quả mà tương đối ít có những tranh cãi chính trị.

Một cái nhìn đoàn kết

Rõ ràng những chia rẽ sâu xa trong giới lãnh đạo chính trị quốc gia từng nổi bật vào thập niên 1980 nay không còn hiện hữu. Các lãnh tụ TQ đoàn kết một cách đặc biệt quanh kiểu mẫu phát triển quốc gia, kết hợp việc cai trị độc đảng cùng sự tự do hóa chính trị hữu hạn với một phiên bản trung ương tập quyền cao độ bao gồm cải cách thị trường, tư nhân hóa tiệm tiến và dấn mình sâu xa vào kinh tế quốc tế.

Những phản đối Thiên An Môn và sự sụp đổ tiếp đó của các chế độ cộng sản chỉ làm vững mạnh thêm cảm giác đoàn kết ấy. Quả thật ngày nay, khó tìm thấy những bất đồng nghiêm trọng mang tính sách lược ở cấp thượng đỉnh, và suốt thập niên này không thấy có những đảo ngược sách lược sắc nét cùng kiểu mẫu “bắt đầu và chấm hết” của thập niên 1980. Ðây là một tập thể lãnh đạo quốc gia đoàn kết và nhiều tự tin tuy vẫn rất cảnh giác về vấn đề bảo đảm trật tự chính trị.

Ðó là những thay đổi cơ bản củng cố địa vị của một chế độ đảng trị, nhưng việc chú ý tới chúng không nhằm khẳng định rằng mọi sự tại TQ đang tốt đẹp hoặc rằng chế độ ấy sẽ kéo dài vô tận trong hình thức hiện nay của nó. Trong thực tế, ngày nay có những lực xã hội đang thao tác tại TQ báo trước sự thay đổi chính trị trong tương lai. Tuy thế, đó là những lực thao tác khác với những lực từng thao tác trong thập niên 1980, và chúng cũng là những lực rất khác với những lực đã làm các chế độ cộng sản sụp đổ ồ ạt hai chục năm trước đây.

Có thể nhận ra những lực ấy trong làn sóng rộng lớn những phản đối của người dân, được tường thuật rộng rãi và cũng bị thông giải rộng rãi trong những năm gần đây. Thực tế, trong thập niên hiện nay, TQ là một xã hội lủng củng hơn nhiều so với thập niên 1980, và những cuộc phản đối hôm nay có gốc rễ sâu xa hơn nhiều trong dân chúng thành thị và nông thôn.

Hồi thập niên 1980, các phong trào phản đối có địa bàn hoạt động tại những thành phố lớn; chúng liên quan tới sinh viên, thanh niên có học và một mức nào đó, tới trí thức. Tới năm 1989, những người phản đối mới lôi kéo rộng rãi các mảng thị dân đi với họ và ủng hộ họ. Nông dân thôn quê đang hưởng thành quả của nông nghiệp trên đất đai của hộ mình, không đóng vai trò nào trong các phong trào ấy và dường như họ cảm thấy bối rối khó xử về các nguyên cớ của chúng. Hầu như trong mọi trường hợp, các đòi hỏi của thị dân năng động về mặt chính trị đều nhắm tới, một cách thẳng thắn, vào vấn đề lãnh đạo và chính sách quốc gia đối với sự tự do hóa chính trị, tự do báo chí và tính vô tư trong những cuộc bầu cử địa phương.

Những phản đối ngày nay

Làn sóng phản đối tác động TQ suốt 10 tới 15 năm nay thì rất khác. Nó ít tập trung tại các thành phố lớn nhất. Sinh viên, giới trẻ có học và các nhà trí thức rất ít tích cực. Sinh viên thường xuống đường nhất, nhưng trên qui mô lớn là để biểu lộ lòng yêu nước và giận dữ các sức mạnh của nước ngoài. Ðợt sóng phản đối của giới cổ xanh (công nhân viên không lao động chân tay) là hậu quả của việc tinh giản khu vực nhà nước không đặt trọng tâm vào các thành phố chính. Thay vào đó, nó rải rác khắp đất nước, tập trung rộng lớn vào vòng đai han rỉ đang suy sụp – quanh các công ti Sô-viết già nua từ thập niên 1950, các công ti “mặt trận thứ ba” trong nội địa hoặc các vùng đông bắc TQ.

Phản đối ở nông thôn lan rộng không kém, rải rác khắp những vùng làng mạc ngoại ô cũng như tại các vùng xa xôi hẻo lánh. Những phản đối ấy được khởi hứng bởi các vấn đề kinh tế địa phương bức xúc: việc không trả tiền bồi hoàn đã hứa hoặc tiền trợ cấp công nhân bị sa thải trong thời kỳ tái cấu trúc hoặc bán công ty quốc doanh; lệ phí hoặc thuế chính quyền xã ấp đánh vào nông dân; việc chiếm đoạt bất công đất đai hoặc nhà của nông dân hay cư dân thành thị cho các dự án phát triển kỹ nghệ hay thương mại.

Chúng là những phản đối hoàn toàn chống lại viên chức địa phương, và chúng cầu viện luật pháp quốc gia cùng cáo buộc chính quyền địa phương tham nhũng và bất lương. Thủ lãnh các cuộc phản đối xem những cấp cao hơn của chính quyền như một giải pháp cho các vấn đề của họ, và những phản đối của họ, trên qui mô lớn, nhắm vào việc bảo đảm sự áp dụng vô tư luật pháp quốc gia mà họ cho là đã bị vi phạm thô bạo ở địa phương. Những cuộc tranh đấu đó thông thường là có tính cách thỉnh nguyện sự giúp đỡ của các cấp chính quyền cao hơn.

Những tranh cãi không thể tránh

Bộc phát những phản đối địa phương – được tường trình gần 80.000 vụ trong năm 2005, theo các nhân vật chính thức – là kết quả của những thay đổi sâu xa trong xã hội và kinh tế của TQ trong hơn 20 năm qua. Thời nông nghiệp tập thể, viên chức địa phương kiểm soát việc thu hoạch, quản lý đất đai và phân phối lợi tức. Với sự chuyển dịch tới việc canh tác theo hộ gia đình, nông dân kiểm soát và canh tác đất đai của mình và viên chức nông thôn phải trích lệ phí và thuế từ nông dân để có ngân khoản cho các hoạt động của chính quyền. Không thể tránh sự xung khắc đương nhiên của việc trích thu và quyền về đất đai, đặc biệt trong một xứ sở hoàn toàn không có luật pháp quản lý việc trích thu hoặc những định chế được thiết kế để phân xử công bằng những tranh cãi loại đó.

Cũng thế, trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cũ, quyền làm việc và hưu bổng cùng phúc lợi liên đới được bảo đảm. Khi công nhân bị tước quyền trong làn sóng tinh giản, việc tái cấu trúc và tư nhân hóa được qui định một cách thô sơ và thường đem lại lợi lộc cho viên chức và các nhà quản lý theo những cách thức lộ liễu, thì không thể tránh khỏi xung khắc. Và trên một qui mô lớn, TQ thiếu khung luật pháp hoặc nghiệp đoàn cùng những định chế chính quyền trong đó các nền kinh tế thị trường vận hành qua nhiều thế hệ đã góp phần điều chỉnh những xung khắc thuộc loại đó.

Trong lúc ấy kiểu mẫu phát triển của TQ dồn ép viên chức địa phương khắp nước lâm vào thế liên minh bền vững với các lợi ích của doanh nghiệp dù công hay tư, và tình thế ấy biến họ thành mục tiêu của những cuộc phản đối tập thể với những cáo buộc tham nhũng và câu kết nhằm chống lại họ.

Ðây là một quang cảnh chính trị xã hội rất khác với cái từng hiện hữu hồi thập niên 1980. Nông dân hồi thập niên đó hưởng lợi tức gia tăng từ việc canh tác nông nghiệp theo hộ gia đình, và ở nông thôn hiếm khi có phản đối. Các công nhân thành thị trúng đòn lạm phát và sợ sẽ bị sa thải, nhưng vẫn được bảo đảm quyền làm việc. Những phản đối hồi thập niên 1980 tập trung tại các thành phố chính và nhắm vào chính quyền trung ương. Ngày nay, những phản đối phân tán khắp quang cảnh đó nhưng nhắm vào viên chức địa phương và các quản trị viên công ty.

Những tháng gần đây, người ta thấy bùng lên trở lại cuộc xung đột sắc tộc tại Tây Tạng và Tân Cương. Tuy thế, trong chừng mực cắm rễ sâu xa và nghiêm trọng mà các vấn đề ấy có thể có, chúng hiện hữu tại những khu vực xa xôi. Và chúng biểu thị một sự hăm dọa nhỏ bé và tức thời, hoặc đối với chế độ khiến dường như nó đã quyết định trấn áp cuộc xung đột đó, và đối với công chúng thành thị TQ khiến họ biểu lộ thiện cảm ít ỏi đối với các nhóm can dự. Những xung khắc xã hội ấy tạo ra cho chính phủ trung ương các vấn đề mang tính sách lược nhưng chúng hầu như không là thách đố chính trị hay nguy cơ chính trị, từng được phô diễn bởi các phong trào chính trị tập trung tại Bắc Kinh và các thành phố rộng lớn khác hồi thập niên 1980 – các phong trào từng liên tục đe dọa làm vỡ từng mảnh giới lãnh đạo TQ thành các tuyến bè phái.

Trong ghế người cầm lái

Một số người quan sát nhìn khối tổng thể của những phản đối hiện nay là điềm báo hiệu sự khủng hoảng chế độ, làm như thể số lượng mỏng manh những hoạt động phản đối ấy quyết định tác động của sự phản kháng trên qui mô toàn quốc. Thỉnh thoảng người ta đọc thấy lời phỏng đoán rằng bất mãn đang lan rộng tại vùng nông thôn báo trước cơn đau ốm của chế độ tới độ làm phát sinh một cuộc nổi dậy du kích chiến ở nông thôn; một cảnh báo nào đó mang ý nghĩa rằng số phận của chế độ dân tộc chủ nghĩa trước đây có thể là kết quả xảy đến cho người cộng sản chủ nghĩa. Ðây là một suy tưởng đúng mực về lịch sử hiện thời của TQ nhưng chúng ta cần nhớ lại rằng đã phải cần một cuộc nổi dậy chiến tranh du kích cách mạng, sự xâm lăng của nước ngoài và sự chiếm đóng quân sự trước khi có thể huy động nông dân thành sức mạnh chính trị.

Một số nhà quan sát khác nối kết làn sóng các phản đối với các cấp độ bất bình đẳng đang gia tăng tại TQ – tất nhiên tới các cấp độ chưa từng thấy kể từ thập niên 1940 – và lúc này, người ta thường nghe những khẳng định rằng TQ là một trong những xã hội bất bình đẳng nhất thế giới. Quả thật các đo lường tổng thể về sự bất bình đẳng tại TQ gia tăng từ cuối thập niên 1970 khi các chỉ số bất bình đẳng toàn quốc – như được đo bằng hệ số Gini về phân phối lợi tức – ở khoảng .32, đại thể giống như ở Ðài Loan vào thời điểm đó. Chỉ số của TQ tăng nhanh tới giữa .40 vào cuối thập niên 1990, và ngày nay, trụ lại tại cấp độ đó.

Tuy thế, cũng quả thật rằng các cấp độ đó không cao một cách bất thường. Châu Mỹ La-tinh nằm dài ngày ở cấp độ cao hơn một cách có ý nghĩa về sự bất bình đẳng lợi tức (Brazil và Columbia cả hai ở .58) và nhiều quốc gia châu Phi có số đo lường cao hơn nhiều so với số đo đó. Các dữ liệu gần đây gợi cho thấy rằng sự bất bình đẳng lợi tức tại TQ lên tới tột đỉnh vào cuối những năm 1990 và giảm nhẹ kể từ lúc đó. Dù sao đi nữa, bất bình đẳng tự nó không nối kết trực tiếp với bất mãn chính trị – những nghiên cứu mới đây tại TQ chỉ dấu cho thấy rằng các công dân phán xét những cấp độ bất bình đẳng hiện thời ít khắc nghiệt hơn so với các công dân tại các nước khác như Ba Lan vốn có sự phân phối lợi tức bình đẳng khá hơn nhiều. Lý do là hầu hết công dân TQ trải nghiệm sự cải tiến kinh tế trong những năm gần đây và kỳ vọng hưởng cơ hội thêm nữa trong tương lai.

Những điềm báo chung chung vừa kể về sự bất ổn chính trị đang hiện ra lờ mờ không phải là những gì mà đôi khi chúng khẳng định phải là như thế. Chúng là những hội chứng của các xung khắc kinh tế trong một xã hội biến động một cách rộng lớn và trong bối cảnh một chế độ ổn định hơn và hưởng sự ủng hộ lớn lao hơn của đại chúng so với thập niên thứ nhất của công cuộc cải cách kinh tế. Thay đổi chính trị tại TQ sẽ tiếp tục là một sự vụ kéo dài, được lèo lái tới phía trước bởi những lực khác một cách căn bản với những lực từng xô ngã rất nhiều chế độ cộng sản phi chính thống và trì trệ kinh tế khoảng hai thập niên trước – và rằng nó đã hăm dọa ngắn ngủi chế độ TQ vào năm 1989.

Chắc chắn những cải cách 30 năm qua đã làm phát sinh những xung đột kinh tế nghiêm trọng. Một sự thất bại kéo dài trong việc phát biểu về những xung khắc này với bất cứ đánh giá nào khác với áp bức có thể cuối cùng làm tăng lên thật cao những đòi hỏi của đại chúng, được làm mới lại và nhắm một cách thẳng thắn hơn vào hàng ngũ lãnh đạo trung ương. Tuy thế, trong khoảng thời gian này, phản ứng của đại chúng dường như đang tạo sức ép lên chính quyền TQ nhằm tạo ra những định chế mới để phân xử công bằng hơn những xung khắc.
_____________
Andrew G. Walder, giáo sư môn xã hội học tại Ðại học Stanford, là tác giả cuốn Fractured Rebellion: The Beijing Red Guard Movement (Cuộc nổi loạn bị bẻ gãy: Phong trào Hồng Vệ binh Bắc Kinh), Harvard University Press, 2009
Nguồn: Bài này dịch toàn văn từ bài “Unruly Stability: Why China’s Regime Has Staying Power” (Ổn định lủng củng: Tại sao chế độ Trung Quốc vẫn tại quyền), của Andrew G. Walder, lấy từ tạp chí Current History – A Journal of Contemporary World Affairs (Lịch sử Hiện thời – Tạp chí Các sự vụ Thế giới Ðương đại), số đặc biệt China and East Asia (Trung Quốc và Ðông Á), tháng 9 năm 2009, xuất bản tại Hoa Kỳ.


Bài 3: Ðấu tranh trực tuyến tại Trung Quốc
Guobin Yang
Nguyễn Ước dịch

Lời người dịch:

Guobin Yang (Dương Quốc Bân) là phó Giáo sư trong Phân khoa Văn hóa Trung Ðông và Á châu tại trường Barnard College thuộc Ðại học Columbia, Hoa Kỳ. Ông là tác giả cuốn sách nổi tiếng The Power of the Internet in China: Citizen Activism Online (Sức mạnh của Internet tại Trung Quốc: Sinh hoạt vận động trực tuyến của công dân), Nxb Columbia University, 2009. Sau bài này, chúng tôi sẽ phổ biến bản dịch một bài điểm cuốn ấy.
Bài này dịch toàn văn từ tiểu luận “Online Activism”, đăng trong Journal of Democracy, số tháng Bảy 2009, Volume 20, Number 3, Nxb The Johns Hopkins University Press, Journals Division, Washingon DC, HK, tt.33-36.
__________________

Sinh hoạt vận động trực tuyến (online activism) là một hình thức mới của tranh luận đại chúng tại Trung Quốc (TQ). Trong một số trường hợp, internet được sử dụng để huy động xuống đường phản đối. Thông thường hơn, phản đối diễn ra trực tuyến. Các hình thức phổ biến nhất gồm kiến nghị trực tuyến, điều khiển các trang web vận động mang tính chiến dịch, và những phản đối bằng ngôn từ trên một qui mô lớn. Tiến bộ và triệt để nhất có lẽ là đột nhập (hacking) các trang web. Có thể tìm thấy các hình thức tranh luận ấy trong các blog, các bảng thông báo (message boards) trên internet, các cộng đồng trực tuyến (online communities), các trang nhà theo kiểu YouTube hay theo từng chuỗi hồ sơ bằng văn bản, hình ảnh, audio hay video… được tung lên mạng (podcast).

Sinh hoạt vận động trực tuyến lần đầu tiên xuất hiện tại TQ vào cuối thập niên 1990. Qua nhiều năm, bất chấp việc chính phủ kiểm soát chặt chẽ internet, nó càng ngày càng trở thành thường xuyên hơn và gây được ảnh hưởng có sức thuyết phục hơn. Tại sao?

Bốn loại hoạt động

Thật hữu ích để bắt đầu bằng cách phân biệt bốn loại sinh hoạt vận động trực tuyến: văn hóa, xã hội, chính trị và dân tộc chủ nghĩa.

Sinh hoạt vận động văn hóa trình bày mối quan tâm tới các giá trị, đạo đức, các lối sống và các bản sắc (identities). Năm 2003, khi người dùng internet (hoặc công dân mạng – netizen) thảo luận về một blog khiêu khích trong đó một phụ nữ trẻ tự xưng mình là Muzimei (Mộc Lệ Mai) cho lên mạng những bài viết về đời sống tình dục của mình, họ đã dấn mình vào hoạt động tranh luận về văn hóa.

Sinh hoạt vận động xã hội đặt trọng tâm vào các vấn đề như băng hoại, môi trường xuống cấp, và quyền của những nhóm bị thiệt thòi. Năm 2003, một trong một số trường hợp gây được ảnh hưởng là vụ cái chết của một di dân tại thành phố Quảng Châu, kích động những phản ứng lan rộng trên không gian ảo, đưa tới kết quả hủy bỏ qui định lỗi thời về lối sống lang thang nơi đô thị. Năm 2007, có một trường hợp ảnh hưởng có sức thuyết phục. Ðó là trình bày vụ tội phạm bắt cóc các thiếu niên đem vào làm lao động nô lệ tại các lò gạch kỹ nghệ hoạt động bất hợp pháp trong tỉnh Sơn Ðông.

Dù sinh hoạt vận động văn hóa hay xã hội cũng có tính chính trị trong các mặt quan trọng của chúng, ở đây tôi đặc biệt chọn sinh hoạt vận động chính trị như một loại riêng biệt để nhấn mạnh bản chất đối kháng của nó. Sinh hoạt vận động chính trị trực tuyến đặt trọng tâm vào nhân quyền, cải cách chính trị và các chủ đề khác, đụng chạm trực tiếp tới cách TQ được cai trị như thế nào, bởi ai và trên cơ sở nào. Linh bát Hiến chương, một thỉnh nguyện thư trực tuyến mới đây, kêu gọi cải cách dân chủ, là một thí dụ hàng đầu cho sinh hoạt vận động thuộc loại đó.[1]

Sau cùng, có dân tộc chủ nghĩa trực tuyến, nổi bật nhờ ưu điểm về tần số, qui mô và tác động. Phản đối mang tính dân tộc chủ nghĩa trong không gian ảo can dự tới động viên trực tuyến trên qui mô lớn và dùng các chiến thuật triệt để, thí dụ “chủ trương hoạt động đột nhập (hacktivism)”. Trong một số trường hợp, nó còn can dự tới xuống đường biểu tình.

Phát triển kỹ thuật và biến đổi xã hội kết hợp nhau, biến sinh hoạt vận động trực tuyến thành rộng rãi và nổi bật hơn. Trung Quốc tiếp nhận nối mạng internet đầu tiên năm 1994. Tới tháng 12 năm 2008, số người dùng internet lên tới 298 triệu, hoặc khoảng 2/3 dân số TQ. Công cuộc phát triển kinh tế TQ có mặt dưới bao gồm sự phân cực kinh tế xã hội, ô nhiễm môi sinh, tham nhũng, và theo với nó là những xâm phạm các quyền con người. Tất cả những cái đó cung cấp lời trách cứ, làm động cơ thúc đẩy những người sinh hoạt vận động trực tuyến và không trực tuyến (online and offline).

Ba điều kiện của hoạt động trực tuyến

Tuy thế, sinh hoạt vận động trực tuyến tại TQ tùy thuộc vào vài điều kiện đặc biệt.

Ðiều kiện thứ nhất là sự hiện hữu một xã hội dân sự đầy lông đủ cánh của những nhóm dân sự gồm người dân thường, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và quan trọng hơn cả: các cộng đồng trực tuyến. Trong thập niên 1980, nở rộ các nhóm xã hội dân sự nhưng rồi chịu thoái bộ với việc trấn áp những cuộc phản đối của sinh viên năm 1989. Thế nhưng kể từ giữa thập niên 1990, chúng sống lại, lan rộng và đảm trách những đặc điểm mới, thí dụ sự tự trị tương đối về tài chánh và quản trị đối với các cơ quan nhà nước.

Con số các tổ chức dân sự đăng ký chính thức là 360.000 vào cuối năm 2006, với con số thật sự được ước lượng khoảng 3 triệu.[2] Giống với các xứ sở khác, các nhóm xã hội dân sự TQ dùng internet để chia sẻ thông tin, giáo dục công chúng, tổ chức các sinh hoạt định kỳ và huy động thân hữu cùng kẻ đi theo mình. Một điều nghiên (survey) về 129 tổ chức thuộc loại đó do tôi tiến hành vào năm 2003, cho thấy trong đó có 106 (hoặc 82 phần trăm) nối kết mạng internet, và 60 (hay 65 phần trăm) có trang nhà riêng của mình.[3] Hoạt động nối mạng của các nhóm đang gia tăng và chúng làm dễ dàng hơn các hoạt động của họ.

Các cộng đồng trực tuyến, một hình thức mới và quan trọng của liên kết dân sự, là nơi hiện hữu hành động ấy. Chúng gồm vô số loại với nhiều cái là những không gian rất có ảnh hưởng để vui chơi và xã hội hóa. Hình thức nặc danh có thể làm cho những tấn công bằng ngôn từ thiếu ý thức, vô nghĩa, lờ quờ hoặc khờ khạo ra dễ dàng hơn, nhưng đồng thời nó cũng cho phép công dân mạng đích thân trình bày một cách tự do hơn thông thường.[4]

Tuy thế, các cộng đồng trực tuyến TQ có những hoạt động thay đổi khác nhau. Những tranh luận và phản đối trực tuyến về các chủ đề chính trị và xã hội phong phú. Bên cạnh các cộng đồng quan tâm tổng quát, có vô số cộng đồng trực tuyến quan tâm chuyên biệt, thí dụ các trang web do Công giáo, Tin Lành điều hành, các trang web tình dục đồng giới tính, các cộng đồng học thuật của các trí thức tân tả hoặc cấp tiến, các trang web dành cho những nỗ lực đa dạng công tác từ thiện và giảm nghèo. Cũng có nhiều trang nhà và blog dành để trình bày các tật bệnh xã hội và đấu tranh cho quyền của công dân như quyền của người tiêu thụ, quyền của người lao động đáng được bảo vệ để không bị phân biệt tại nơi làm việc.

Lý do duy nhất khiến các hoạt động tranh luận tăng lên nhanh chóng trong các cộng đồng trực tuyến là vì sự tranh luận ấy tốt cho kinh doanh – sự bất đồng ý kiến nâng cao lợi nhuận, và cùng với nó, lưu thông trang web. Trong khuôn khổ giới hạn, các trang web khích lệ người dùng tham gia những tương tác có khả năng gây tranh cãi. Một số trang web cổ động và hướng dẫn, có tính sách lược, việc tranh luận, hầu tạo ra lưu thông. Ðằng sau sách lược mang tính kinh doanh nhằm cổ động sự tham gia của người sử dụng là lô-gic của sự sản xuất xã hội phi sở hữu trong kỹ nghệ internet hôm nay.[5] Người tiêu thụ internet cũng là người sản xuất nội dung của internet. Khi cho đưa lên mạng các bảng thông điệp, blog viết, video hoặc phản đối trực tuyến, họ đóng góp trực tiếp vào kỹ nghệ internet.

Người dùng internet TQ là người sản xuất tích cực và sung mãn nội dung. Một điều nghiên toàn quốc vào tháng Giêng năm 2008 cho thấy có khoảng 66% trong 210 triệu người dùng internet từng tham gia đóng góp vào một hoặc nhiều trang web. Hơn 35% cho thấy trong sáu tháng vừa qua, họ hoặc đã đưa lên mạng hoặc đã trả lời các thông điệp trong những diễn đàn trực tuyến. Có khoảng 32% đã đưa các hình ảnh lên, trong khi đó 18% đưa lên phim, các chương trình truyền hình hoặc các tài liệu video.[6]

Ðiều kiện quan trọng thứ ba là óc sáng tạo của công dân mạng TQ. Nói chung, công dân mạng cố gắng quanh quẩn bên trong các giới hạn của luật pháp và tự kiềm chế để không thách đố trực tiếp quyền lực của nhà nước. Là người quan sát thành thạo sinh hoạt chính trị TQ, họ hiểu rõ chủ đề nào được phép tự do bàn luận và lúc nào. Tới một mức độ nhất định, có 4 loại sinh hoạt vận động trực tuyến phản ánh những phản ứng có tính sách lược của công dân mạng đối với các cơ hội chính trị, để theo đuổi các chủ đề khác nhau. Nếu sự đa dạng về văn hóa, xã hội và chủ nghĩa dân tộc trong hoạt động trực tuyến rộng rãi hơn sinh hoạt vận động chính trị, phần nào là vì ba loại đầu ấy hưởng được sự hợp pháp chính trị hơn. Giống với phản đối trên đường phố, phản đối trên không gian ảo thách đố trực tiếp nhà nước, nên bị câu thúc hơn những phản đối có thể đặt cơ sở hoặc trên luật pháp hiện hành hoặc trên những yêu sách về công lý và đạo đức, không đụng chạm trực tiếp tới vấn đề thẩm quyền của nhà nước.[7]

Dù thế, việc lọc các từ ngữ chủ yếu và chận trang web cùng các phương tiện khác dùng để theo dõi và kiểm soát những gì người dân làm trực tuyến, đặt ra các thách đố liên tục cho người hoạt động đấu tranh dùng internet làm cơ sở. Ðáp lại, công dân mạng TQ phát triển những phương pháp tài tình để đối phó với việc nhà nước kiểm soát internet. Một số người dùng nhiều blog hay dùng server hải ngoại để điều khiển trang nhà của mình. Một số khác dùng chatroom cho “những hội họp bí mật”. Nhiều người biết cách vận dụng tính linh hoạt của ngôn ngữ TQ để tạo ra những mẫu tự dễ dàng đánh bại các kỹ thuật lọc từ ngữ giỏi nhất.[8] Hậu quả là khi việc kiểm soát chính trị internet trở nên phức tạp hơn thì các hình thức đối phó cũng phức tạp theo. Óc sáng tạo của công dân mạng TQ làm cho việc chính phủ kiểm soát internet chỉ đạt kết quả phần nào.

Sinh hoạt vận động trực tuyến có làm được gì không? Rõ ràng nó có những tác động làm thay đổi trong động thái của nhà nước, bằng việc xói mòn sự kiểm soát thông tin và tạo sức ép xã hội để có sự trong sáng hơn trong việc cai trị. Như một nguồn mới mẻ ý kiến của quần chúng và vận động công dân, nó thường dẫn đến các thay đổi mang tính chính sách. Có lẽ quan trọng hơn nữa, có những người hoạt động trực tuyến liên quan trực tiếp tới những thay đổi trong quan điểm và động thái của công dân đối với quyền lực. Ngày 13 tháng Giêng năm 2008, tạp chí Nam phương Ðô thị báo (Southern Metropolis News) cho đăng câu chuyện có nhan đề “Chớ nghĩ tới chuyện đánh lừa công dân mạng”. Ðề cập tới nhiều trường hợp trong sinh hoạt vận động trực tuyến năm 2007, câu chuyện ấy lập luận rằng trong thời đại internet, công dân mạng sẽ không để cho mình bị lừa dối bởi bất cứ ai, vì “áp bức và dối trá chỉ làm mạnh thêm khát vọng đích thân trình bày của công dân mạng”.[9] Những thay đổi trong quan điểm và động thái chính trị ấy không đủ cho sự dân chủ hóa nhưng đồng thời, chúng là những khía cạnh cốt yếu cho bất cứ tiến trình nào dẫn tới sự việc đó.

Chú thích
 

[1] Xem Perry Link, dịch, “China’s Charter 08”, New York Review of Books, 15 tháng Giêng 2009. Cũng xem Journal of Democracy 20 (Th 4-2009): 179-82.
[2] Gao Bindong và Yuan Ruijun. “Induction: Stepping into Civil Society,” trong Beijing University Cicil Society Center, Zhongguo gongmin shehui fazhan lanpi shu (Sách xanh về phát triển xã hội dân sự tại Trung Quốc) (Beijing: Beijing University Press, 2008).
[3] Guobin Yang, “How to Chinese Civic Association Respond to the Internet? Findings from a Survey.” China Quarterly 189 (Tháng Ba 2007): 122-43.
[4] Trong những năm vừa qua, truyền thông TQ thường kết án “bạo động ngôn từ Internet”, dù những kết án như thế thường có nghĩa cung cấp tiền đề cho việc đòi hỏi kiểm soát chặt hơn internet.
[5] Yochai Benkler, The Wealth of Networks: How Social Production Transform Markets and Freedom (New Haven: Yale University Press, 2007).
[6] China Internet Network Information Center, “Survey Report on Internet Development in Chiana.” Tháng Giêng 2008, có ở www.cnnic.net.cn/enindexindex.htm.
[7]Ching Kwan Lee, Against the Law: Labor Protests in China’s Rustbelt and Sunbelt (Berkeley: University of California Press, 2007); Kevin J. O’Brien và Lianjiang Li, Rightful Resistance in Rural China (Cambridge: Cambridge University Press, 2006); Elizabeth J. Perry, “Chinese Conceptions of ‘Rights’: From Mencius to Mao–and Now,” Perspectives on Politics 6 (3-2008): 37-50.
[8] Một thí dụ rất buồn cười được thảo luận trong Michael Wines, “A Diary Pun Tweaks China’s Online Censors,” New York Times, 12 tháng Ba 2009: có ở www.nytimes.com/2009/03/12/world/asia/12beast.html.
[9] Hu Chuanji, “Wangluo gongmin de jueqi: shui du bie xiang meng wangmin” (The rise of Internet citizens: Don’t even think about deceiving netizens). Nam phương Ðô thị báo (Southern Metropolis News), 13-1-2008.

(Còn tiếp)

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh