MÁU TRONG CƠ THỂ (BLOOD)
1- KHÁI NIỆM:
Cơ thể trung bình của người trưởng thành có chứa một tổng số lượng máu khoảng 10 pints (hay 4,7lít = 0,47 lít x 10 pints). Thông thường, quả tim có nhiệm vụ bơm ép tổng số lượng máu này để tuần hoàn khắp châu thân, với chu kỳ mỗi lần một phút khi chúng ta nghỉ ngơi; và lên đến bốn (4) lần một phút khi chúng ta vận động thể lực.
2- NHIỆM VỤ:
Máu có nhiều chức năng khác nhau. Nhiệm vụ sơ khởi của máu nhằm đáp ứng cho tất cả những tế bào (cells) trong cơ thể, với những chất dinh dưỡng (nutrients) thu nhận được từ hệ thống tiêu hóa, và dưỡng khí (oxygen) có được từ hai buồng phổi.
Mặc dù máu hoàn thành nhiệm vụ sơ khởi này, nhưng máu còn giúp hữu dụng trong những trường hợp khác như: Bằng việc tiếp nhận và mang đi chất phế thải từ những tế bào. Thí dụ: Thán khí (carbon dioxide) được sinh ra khi những tế bào đốt cháy dưỡng khí (oxygen), rồi xuyên qua dòng máu, những thán khí này được vận chuyển đến những túi khí bào nhỏ li ti trong hai buồng phổi. Nơi đây, thán khí được tống xuất ra ngoài bằng hơi thở. Ngoài ra, những độc tố, và những hóa chất phụ khác đều được vận chuyển đến hai bộ phận thận và gan để được gạn lọc và bài tiết ra ngoài.
Hơn nữa, máu còn đóng một vai trò chủ yếu trong hệ thống miễn nhiễm (immune system), với những tế bào máu đặc biệt chống lại sự nhiễm trùng. Thí dụ; khi chúng ta bị thương, việc chảy máu nhằm giúp rửa tẩy chất bẩn và những vi trùng ra khỏi vùng vết thương. Sau đó, một động lực phức tạp tiếp tục thúc đẩy cho máu trở nên đông đặc tạo thành vảy trên vết thương (để ngăn chận việc mất quá nhiều máu của chúng ta); và bắt đầu một tiến trình chữa lành vết thương.
Hệ thống tuần hoàn máu cũng mang những kích thích tố (hormones), và những sứ giả hóa chất khác (the other chemical messengers) đến khắp châu thân, để giúp cho những vùng xa xôi nhất của cơ thể được phối hợp những chức năng viễn thông với nhau. Máu còn giúp điều hòa được phần nào thân nhiệt, bằng việc tiêu hao số nhiệt quá mức được sinh ra trong các cơ bắp (Thí dụ; Thông thường, chúng ta nhận thấy sự phát triển thân nhiệt khiến cơ thể trở nên nóng đỏ hồng, khi chúng ta dùng sức hoạt động mãnh liệt. Trái lại, khi thân nhiệt bị hạ thấp vì gió lạnh, máu lập tức rời bỏ các vùng tứ chi, và vội vã hướng tới những cơ quan chủ yếu để giữ chúng được sưởi ấm. Tiếp theo, những đầu ngón tay và ngón chân của chúng ta bắt đầu bị lạnh).
3- THÀNH PHẦN CẤU TẠO:
Máu được cấu tạo bởi các thành phần như: một phân nữa của máu là những tế bào máu (blood cells), một phân nữa khác là chất huyết tương (plasma), một phần chất lỏng của máu. Các tế bào máu (blood cells) gồm có ba (3) loại căn bản như: tế bào hồng cầu (red cell hay erythrocyte), tế bào bạch cầu (white cell hay leukocyte), và tế bào hình dĩa nhỏ (platelet hay thrombocyte).
- Tế Bào Hồng Cầu (Red Cell hay Erythrocyte):
Tế bào hồng cầu chiếm một tỷ lệ nhiều nhất trong máu. Chúng có nhiệm vụ trao đổi dưỡng khí trong sạch cho việc trút bỏ thán khí dơ bẩn trong cơ thể.
Những tế bào hồng cầu chứa đựng hồng huyết cầu (hemoglobin), một loại chất đạm gốc từ chất sắt đặc biệt (a special iron-based protein) có tính chất sẵn sàng kết hợp với dưỡng khí (oxygen) khi sự cô động dưỡng khí cao độ trong hai buồng phổi. Trái lại, nó có tính chất phóng thích dưỡng khí chỉ khi sự cô động dưỡng khí thấp độ trong những mô tầng (tissues) cơ thể.
Hình dạng vành khuyên (như bánh cam) đồng nhất (the unique doughnut-like shape) của tế bào hồng cầu có tính thích nghi tốt với chức năng của nó; vì có vùng bề mặt rộng lớn dễ hấp thụ tối đa cả hai dưỡng khí và thán khí. Ngoài ra, với bản chất khối lượng nhỏ và mỏng dễ tạo cho tế bào hồng cầu trở nên uyển chuyển, vừa đủ để chen lẫn, xuyên qua những mạch máu nhỏ li ti, mà không bị hư hoại.
Những tính chất bất thường trong tế bào hồng cầu có thể gây nên những chứng bệnh thiếu máu (anemia) và những chứng rối loạn khác.
-Tế Bào Bạch Cầu (White Cell hay Leukocyte):
Những tế bào bạch cầu được phân ra làm các loại chánh như: bạch cầu hạt nhỏ (granulocyte), bạch cầu đơn nhân (monocyte), bạch huyết bào (lymphocyte). Tất cả những loại bạch cầu này đều có cùng chung mục đích để chống bệnh tật.
Một số những tế bào bạch cầu này có nhiệm vụ tìm kiếm, đè bẹp, và tiêu diệt những vi trùng xâm phạm cơ thể.
Còn một số tế bào bạch cầu khác sản sinh các kháng thể (antibodie) trong lúc có bệnh tật (như bệnh sởi/measles, hay bệnh tăng trưởng số lượng bạch cầu đơn nhân/mononucleosis), và sau đó, lưu lại lâu dài trong dòng máu, để ngăn chận sự tấn công lần thứ hai của vi trùng.
Đôi khi, hệ thống miễn nhiễm bị méo mó, không làm đúng nhiệm vu, sinh ra những kháng thể (antibodies) chống lại những tế bào của chính cơ thể chúng ta. Việc này có thể gây ra những chứng bệnh (autoimmune diseases) như bệnh viêm thấp khớp (rheumatoid arthritis).
-Tế Bào Hình Dĩa Nhỏ (Platelet hay Thrombocyte):
Là loại nhỏ nhất của các tế bào máu. Cùng với một số chất đạm dính kết với nhau (clotting proteins) trong máu, tế bào hình dĩa nhỏ có trách nhiệm tạo nên tiến trình dính kết lại thành khối. Tiến trình này bắt đầu trong vòng vài giây đồng hồ, sau một vết thương bị cắt nơi da; những tế bào hình dĩa nhỏ lập tức nhóm họp thành khối đông, dính kết với nhau lại nơi vùng vết thương, để tạo thành một nút ngăn chận trong mạch máu bị thương, và tối thiểu hóa số lượng máu bị thất thoát.
Tuy nhiên, những khối đông dính kết với nhau lại như thế này không luôn luôn là việc tốt khi chúng xuất hiện trong mạch máu chủ yếu, vì chúng có thể dẫn đến các chứng công tim (heart attack), chứng đột quỵ (stroke) hoặc chứng tắt nghẽn mạch máu (thrombosis).
Do đó, hệ thống tuần hoàn cũng có một số tiến trình kiểm soát phức tạp, để giải quyết, hay hoà tan những khối đông dư thừa không cần thiết. Ngoài ra, Những sự bất bình thường trong các tế bào hình dĩa nhỏ, hay những chất đạm đóng khối dính nhau, có thể gây khuynh hướng chảy máu quá nhiều (hemophilia).
- Huyết Tương (Plasma):
Ngoài tất cả những tế bào máu (blood cells), phần còn lại trong máu là huyết tương (plasma). Huyết tương là chất lỏng có màu hơi vàng, với 95% nước có tính mặn gần giống như nước biển. Trôi giạt trong huyết tương (plasma) là tất cả những tế bào máu, cũng như các chất đạm (proteins), kích thích tố (hormones), đường (sugars), khoáng chất (minerals), và chất béo (fats), kể cả cholesterol.
Máu có tính chất phản ứng hỗ tương với hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể. Vì thế, các bệnh chứng, hay chức năng mất bình thường trong cơ thể, thường được phản ảnh qua những sự thay đổi trong máu. Do những lý do này, những thí nghiệm máu (blood tests) là yếu tố căn bản tìm hiểu trong phép chẩn đoán bệnh trạng (medical diagnosis). Thí dụ; thí nghiệm máu thông thường nhất (the Complete Blood Count = CBC) nhằm để xác định số lượng của mỗi loại tế bào máu trong một dung tích máu đã định, và khảo sát tìm xem có sự mất bình thường chức năng hay cấu tạo của các tế bào máu như thế nào?
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền