VI KHUẨN (Bacteria)
1- KHÁI NIÊM:
Vi khuẩn là những sinh vật đơn bào rất nhỏ (kích thước khoảng 0,5-5 um) Một số vi khuẩn gây bệnh tật trong con người và động vật, nhưng một số khác có ích lợi cho con người. Thí dụ như vi khuẩn phá hủy chất phế thải hữu cơ (organic waste); làm cho đất được màu mỡ tốt thêm; và được dùng để chế tạo ra rượu vang (wine), rượu bia (beer), giấm chua (vinegar), phó mát (cheese), và sữa chua (yogurt). Trong con người, một số vi khuẩn hữu ích nhất định sống trong bộ phận ruột (intestines), nơi đó chúng giúp ích cho sự tiêu hóa.
2-Phân Loại:
Hầu hết, vi khuẩn là đơn bào. Về hình thức, vi khuẩn có thể là trực khuẩn hình que gậy (rod-shaped bacteria hay bacilli); cầu khuẩn hình tròn hay trứng (round or egg-shaped bacteria hay cocci); phẩy khuẩn (comma-shaped bacteria hay vibrios), và xoắn khuẩn (spiral-shaped bacteria hay spirillum).
Ngoài ra, còn một cách khác để xếp loại vi khuẩn bằng việc chúng có thể sinh tồn trong không khí hay không? Một số có thể sống trong không khí được gọi là Aerobic; Số vi khuẩn không thể sống trong không khí được gọi là Anaerobic; và số khác có thể sống cả hai trong không khí và không có không khí, được gọi là Facultative Anaerobes.
Các loại vi khuẩn di động có một hay nhiều sợi mỏng (như chân hình ống dùng để di động). Nhiều loại có một nang mỏng bên ngoài; một số khác có khả năng sinh bao nang, hay dạng không hoạt động(nội bào tử/endospore).
3-Cách Sinh Sản:
Vi khuẩn (bacteria) không giống như những siêu-vi khuẩn (viruses); vì vi khuẩn có khả năng sinh sôi nảy nở bên ngoài tế bào sống (outside living cells), nhưng trái lại, những siêu-vi khuẩn (viruses) có thể phát triển và sinh sôi nảy nở chỉ bên trong tế bào sống (only in living cells).
Vi khuẩn sinh sản vô tính bằng cách phân chia tế bào; khi phân chia không đồng bộ các tế bào con, sẽ tạo thành những khuẩn lạc có số và cách phân bố tế bào khác nhau. Một số khuẩn lạc có dạng sợi giống như khuẩn lạc vi nấm.
Ngoài ra, một số vi khuẩn có thể sinh sản hữu tính bằng cách tiếp hợp. Chúng có phân bố rất rộng. Nhiều loại sống trong đất, nước, không khí; nhiều loại khác sống ký sinh ở người, súc vật, và cây cối. Nhiều loại vi khuẩn ký sinh không gây hại cho ký chủ, nhưng một vài loại gây bệnh bằng cách sản xuất chất độc.
4-Cách Thức Vi Khuẩn Truyền Bệnh:
Vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể bằng nhiều đường lối khác nhau. Thí dụ; việc hắt hơi hay ho của một người mắc bệnh viêm phổi (pneumonia) hay đau cuống họng (sore throat), đang đưa vào trong không khí những giọt nước rất nhỏ, có chứa những vi khuẩn gây bệnh; những vi khuẩn này sẽ bám vào những màng nhầy (mucous menbranes) trong cuống họng hay phổi của người mạnh khỏe khi được hít vào. Nơi đó, chúng sinh sôi nảy nở, và cuối cùng sẽ gây ra bệnh nếu không được sự hạn chế của hệ thống kháng thể (body's immune system).
Một cách truyền nhiễm khác qua việc ăn uống, thí dụ; những vi khuẩn gây ra bệnh đường ruột (intestinal diseases) như bệnh dịch tả (cholera), và bệnh thương hàn (typhoid), có thể được truyền nhiễm qua thực phẩm do người nhiễm bệnh tiếp cận, hay qua nước bị ô uế bởi những chất thải ra từ cơ thể của người nhiễm bệnh.
Ngoài ra, một cách truyền nhiễm quan trọng khác là xuyên qua vết thương trên da bị vỡ đứt. Do đó, việc quan trọng là giữ sạch tối đa bất cứ những vết da nào bị cắt đứt trên cơ thể.
5-Vi Khuẩn và Hệ Thống Phòng Thủ của Cơ Thể:
Một khi ở bên trong cơ thể, vi khuẩn gây ra mối nguy hại qua hai cách chính yếu như sau: bằng việc tàn phá trực tiếp các mô tầng; và bằng việc sinh sản các độc tố (toxins).
Những tế bào bạch huyết nhất định (certain white blood cells), như bạch huyết bào (lymphocytes), sinh ra những chất kháng độc tố (anti-toxins) để trung hòa những độc tố của vi khuẩn, và những chất kháng thể (anti-bodies) để tiêu diệt những vi khuẩn xâm lăng. Một khi được sinh ra, những chất kháng thể (anti-bodies) chống bệnh có thể lưu lại lâu dài trong cơ thể, hay được tái sinh sản khi cần; do đó, tính miễn dịch đối với bệnh này được tiếp tục, đôi khi kéo dài suốt đời.
Còn những tế bào bạch huyết khác, như thực bào (phagocytes), đánh bẫy và làm mất hiệu lực những vi khuẩn.
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền