Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 15, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Y học & đời sống
SIÊU-VI KHUẨN
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền


SIÊU-VI KHUẨN (VIRUSES)
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền

1- KHÁI NIỆM:

Viruses được khám phá bởi nhà khoa học người Nga, Dimitri Ivanovsky vào năm 1892, trong lúc ông đang nghiên cứu về chứng bệnh thực vật, được gọi là “đồ khảm mỹ thuật cây thuốc lá” (tobacco mosaic). Vào lúc bấy giờ, giới y khoa thường tin rằng bệnh chứng được gây nên bởi những vi khuẩn (bacteria); chúng là những sinh vật rất nhỏ (vi sinh vật), chỉ có thể được nhìn thấy dưới kính hiển vi. Những vi khuẩn có thể được gạn lọc ra khỏi từ những chất lỏng mà chúng sống trong đó, bằng một máy lọc rất tinh vi được làm bằng chất sứ (porcelain) hay chất đất được nén ép. Chất lỏng sẽ đi xuyên qua máy lọc này, nhưng những vi khuẩn sẽ bị cản lại, không đi lọt qua được.

Ông Ivanovsky đã chứng minh rằng ông ta có thể tạo ra chứng bệnh “tobacco mosaic” trong những cây thuốc lá đang trồng tươi tốt, bằng việc tiêm vào chúng chất nước ép nguyên chất của những cây bị bệnh, ngay sau khi chất nước ép nguyên chất này được gạn lọc bỏ ra những vi khuẩn gây bệnh. Từ đó, ông đã kết luận rằng một số chứng bệnh nào đó được gây ra bởi những siêu vi khuẩn môi giới, mà chúng có thể đi xuyên qua máy lọc tinh vi này.

Sau đó, những nhà khoa học khác đã xác nhận công trình khám phá của ông Ivanovsky. Họ đã cho rằng những siêu vi môi giới, mới được khám phá này, được gọi là những Viruses. Tên Virus là tiếng Latin có nghĩa là chất độc “poison”. Đôi khi, chúng cũng được gọi là “Filterable Viruses” bởi vì chúng có thể đi lọt qua được những hệ thống lọc tinh vi. Hoặc chúng còn có thể được gọi là “Ultra-microscopic Viruses”, bởi vì chúng quá nhỏ không thể được nhận thấy dưới kính hiển vi thông thường.

2-KÍCH THƯỚC VÀ CẤU TRÚC:

Tất cả những Viruses có kích thước vô cùng nhỏ; có đường kính chỉ khoảng một phần triệu millimeter. Virus lớn nhất là virus bệnh đậu mùa (vaccinia virus). Hình dạng của những viruses được biến đổi khác nhau tùy theo kích thước của chúng như: hình gậy, sợi chỉ, hình cầu vòng, khối đa diện, hình con nòng nọc. Một số viruses có một hình thể kết hợp của nhiều dạng khác nhau như: phần đầu có khối đa diện, dính với phần đuôi có hình gậy. Theo những cuộc nghiên cứu chi tiết, các nhà khoa học nhận thấy những viruses của một loại bệnh đặc biệt đều có cùng kích thước và hình dáng giống nhau. Hiện nay, các nhà khoa học có thể lọc cản trở Viruses bằng một hệ thống lọc tinh vi, với loại màng mỏng rất đặc biệt. Cũng như, kỹ thuật kính hiển vi điện tử để chiếu ảnh xác định kích thước và hình bóng rất vi tế của Viruses.

Hầu hết, những viruses đều có những cấu trúc phức tạp.Thành phần cấu tạo của chúng gồm có: một acid hạt nhân độc nhất như Dyoxyribo-Nucleic Acid, hay Ribo-Nucleic Acid (nên được xếp loại DNA virus hoặc RNA virus), những chất đạm (proteins), và những chất pha trộn khác, như là các chất đường,... Chất đạm (proteins) là chất chính yếu, để xác định hình dạng và sự cấu trúc của virus. Phần vỏ bên ngoài là chất đạm (protein) dùng để bảo vệ chất acid hạt nhân bên trong của virus. Một số viruses khác có vỏ che bên ngoài là loại màng mỏng chứa protein, chất béo (fat), và carbohydrates.

Viruses có khả năng xâm nhập và hòa tan vào một trong những tế bào sống của một số sinh vật, rồi dùng nguyên sinh chất (protoplasm) của tế bào, để chúng sinh sôi nảy nở. Hậu quả là tế bào sống này bị hủy diệt.


3- VIRUSES GÂY BỆNH TRUYỀN NHIỄM:

Viruses gây bệnh truyền nhiễm từ người này qua người khác, bằng sự tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp. Giữa con người hay các động vật, qua các sự việc như ho hen, hắt hơi, và đụng chạm gây nên sự truyền nhiễm bệnh viruses.

Hơn nữa, chúng tăng trưởng và sinh sản một cách tự nhiên trong những tế bào sống động của những sinh vật phức tạp hơn. Nơi đó, chúng có thể gây ra bệnh tật. Sự ảnh hưởng gây bệnh, hầu hết, đối với những vi khuẩn, thực vật cao lớn, loài động vật, và con người.

Đối với con người, Viruses gây ra những loại bệnh như: đậu mùa (smallpox, hay vaccinia), bệnh sởi (measles), cảm lạnh (colds), dịch cúm (influenza), bệnh dại (rabies), viêm não (encephalitis), quai bị (mumps), và một số ung thư nào đó. Ngoài ra, còn có một loại viruses chỉ chuyên tấn công vào Vi Khuẩn (Bacteria) được gọi là “Bacterio-Phages” hay “Phages” (có nghĩa là Bacteria Eaters). Thí dụ; một số Phages, được gọi là T4, làm nhiễm độc loại vi khuẩn ở ruột già con người, để sinh ra bệnh viêm ruột Escherichia Coli.

Hơn nữa, còn có những sinh vật nhỏ hơn Viruses. Chúng được gọi là “Sub-Viruses”. Chúng có khả năng gây ra những bệnh thần kinh trầm trọng cho con người, và những loại động vật nhỏ bé. Hiện nay, các nhà khoa học còn trong vòng nghiên cứu về những loại Sub-Viruses.

4- SỰ KIỂM SOÁT VÀ CHỦNG NGỪA BỆNH VIRUSES:

Như kết quả tiến bộ đạt được, trong việc nghiên cứu về viruses gần đây, các nhà khoa học đã bắt đầu sản xuất những loại thuốc điều trị, và chủng ngừa mới, có thể ngăn chận được sự tăng trưởng và sinh sản của viruses, tại bất cứ giai tầng nào trong chu trình đời sống của chúng. Những loại thuốc mới này là chất hóa học tổng hợp, hay những chất liệu thiên nhiên, được rút ra từ những vi sinh vật (micro-organisms) khác (không phải viruses). Ngoài ra, có một số thuốc “interferons” được cấu tạo bởi một nhóm chất đạm thiên nhiên (natural proteins), do sự tiết ra bởi những tế bào của những động vật có xương sống, kể cả loài người. Loại thuốc interferon có thể điều trị được nhiều loại bệnh viruses khác nhau.

Việc chủng ngừa, bắt đầu bằng những viên thuốc chủng ngừa được uống, hay những lượng thuốc được tiêm vào cơ thể, là việc đề phòng những chứng bệnh viruses trước khi chúng xuất hiện. Có nhiều loại thuốc chủng ngừa khác nhau. Mỗi một loại thuốc chủng ngừa chỉ có hiệu quả đối với một loại virus mà thôi. Tính miễn dịch, do việc chủng ngừa, có thể giúp con người hay thú vật, để tránh khỏi một bệnh chứng virus nào đó, trong một khoảng thời gian kéo dài, hay suốt đời.

Có ba (3) loại chủng ngừa chống bệnh viruses như sau:

41- Chủng Ngừa Virus Chết (Killed Virus Vaccine):

Như chủng ngừa Salk Polio Vaccine, dùng hợp chất hóa học gây cho virus không còn hoạt động (còn gọi là khử hoạt tính). Khi cơ thể tiếp nhận sự chủng ngừa này, virus chết kích thích tạo ra sự sản sinh những kháng thể (anti-bodies); như là những chất đạm (proteins) trong máu sẽ bảo vệ cơ thể, để chống lại sự tấn công của những viruses cùng loại.

42- Chủng Ngừa Virus Sống (Live Virus Vaccine):

Như chủng ngừa Sabin Polio Vaccine, dùng virus sống mà căn nguyên của nó được biến đổi, cho đến khi nó trở nên vô hại, và chất đạm (protein) mặt ngoài của virus không thay đổi. Vì thế, khi thuốc chủng được tiêm vào, hay qua vết cào làm rách da, virus sẽ gây ra sự nhiễm độc nhẹ, và cơ thể được kích thích để sinh ra những kháng thể bảo vệ (protective anti-bodies).

43- Chủng Ngừa Subunit Vaccines:

Việc chủng ngừa này áp dụng kỹ thuật tái kết hợp DNA, bằng cách dùng những bộ phận chọn lọc của virus, đặc biệt là màng ngoài chất đạm (protein coat), để tạo nên thuốc chủng. Phương cách này được áp dụng cho việc chủng ngừa bệnh viêm gan B (Hepatitis B), và viêm màng não trẻ thơ.

Mặc dù việc chủng ngừa còn có nhiều thiếu sót, nhưng nó đã chứng tỏ là vũ khí hùng mạnh, và hiệu quả của y khoa trong cuộc chiến chống các bệnh viruses như: bệnh sốt vàng (yellow fever), bệnh dại (rabies), bệnh dịch cúm (influenza), bệnh bại liệt trẻ em (polio), bệnh đậu mùa (smallpox), bệnh sởi (measles), bệnh quai bị (mumps), bệnh sởi đỏ (rubella). Ngoài ra, việc tiêm chủng còn kiểm soát được một số bệnh truyền nhiễm viruses trong các loài gia súc.

Tuy nhiên, việc chủng ngừa không thể ứng dụng trong việc kiềm chế những bệnh viruses trong loài thực vật. Bởi vì, loài thực vật không sản sinh những kháng thể (antibodies). Do đó, để ngăn ngừa viruses phá hại mùa màng, người ta chỉ có cách tạo ra những điều kiện, để giúp cho thảo mộc sống lớn mạnh, và có sức chịu đựng bền vững, chống lại sự xâm nhập của những viruses./.

VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền


 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh