MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 7)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 31
VẤN: Ông Ưng Phan Westminster, Orange County: Hai câu thơ bên dưới:
Minh nguyệt tùng minh chiếu
Thanh tuyền thạch thượng lưu.
Chẳng biết xuất xứ từ bài thơ và của tác giả nào? Nếu được xin bà cụ nhắc hộ cho.
ĐÁP:
Hai câu này trong bài “Sơn Cư Thu Minh” của Vương Duy. Toàn bộ bài thơ:
“Không sơn tân vũ hậu
Thiên khí vãng lai thu
Minh nguyệt tùng giang chiếu
Thanh tuyền thạch thượng lưu
Trúc huyền qui hoãn nữ
Liên động hạ ngư châu
Tùy ý xuân phương yết
Vương tôn tự khổ lưu.”
Bài thơ này tả cảnh thu mờ trên núi.
VẤN: Vũ Anh Monterey Park: Cháu thường nghe nói “chim xanh” và “chim tri liễu”. Vậy hai giống này có khác nhau không?
ĐÁP:
Chim xanh tức là “Thanh điểu”. Thực ra thì loại chim xanh này cũng chỉ là loại chin thông thường. Nhờ được gắn liền với câu chuyện có tính thần thoại như sau: Từ trên cõi trời Tây Vương Mẫu thường dùng “Thanh Điểu” làm sứ giả để đi truyền đạt tin tức. Một hôm con Thanh điểu bay đến đậu trước mặt điện Đông Phương Sóc bảo: Hãy chuẫn bị nghênh đón Tây Vương Mẫu sắp đến”. Và, quả nhiên bà Tây Vương Mẫu sau đó đến thật.”
Chim “tri liễu” là giống chim “chào mào”. Loại chim này thường kêu vào lúc bóng hoàng hôn đổ xuống. “Tri liễu” có nghĩa là “biết rồi”. Tiếng con tri liễu kêu nghe mường tượng như “phục thiên nhi, phục thiên nhi”, có nghĩa “chịu ông trời, chịu ông trời”.
VẤN: Ông Thanh Hoàng Alhambra: Theo các nhà Phong Thủy nói ngôi nhà mình ở cũng có “tướng” chẳng khác nào con người có tướng mệnh. Có đúng như vậy không?
ĐÁP:
Theo khoa Phong Thủy thì đúng là “nhà cũng có tướng”. Nó cũng giống như coi tướng người, có tướng mặt, tướng tay. Mục đích xem tướng nhà để coi ngôi nhà mình ở đó có tốt hay xấu, ảnh hưởng cho các tuổi nào đang sinh sống trong ngôi nhà ấy? Ví như, làm ăn thế nào? Có an cư lạc nghiệp không? Cát hay hung? Người xem tướng nhà như quan sát cái đẹp, cái xấu qua nghệ thuật thiết kế mới suy tính được những nguyên tắc liên quan đến sự lành hay dữ giữa gia chủ và cái nhà đang ở. Như cách đây hơn một thập niên, vị nguyên thủ của một quốc gia vùng Đông Nam Á, vì muốn được thêm vững mạnh ở tại vị, đã để cho một nhà Phong Thủy tại Hoa Kỳ sang tu sữa lại “Cỗng Chính” ngay dinh thự. Hậu quả sau đó chỉ khoảng trong thời gian một năm, nhà lãnh đạo này bị đảo chánh, may mắn thoát ra được nước ngoài và cuối cùng chết tại một vùng ở hải đảo. Ngoài ra còn có liên quan đến hướng ăn nằm của gia chủ ngôi nhà đang ở. Ví như người tuổi Đinh Mão kê giường ờ hướng Tây thì gia đạo bình an, không hay cãi vã, tranh tụng. Kê ở hướng Tây Bắc thì con cháu tốt đẹp. Kê ở hướng Đông thì ngũ tử kiết tường. Còn kê ở hướng Đông Nam thì tài nguyên đại thịnh. Điều cần nhớ là cẩn thận đừng kê ở hướng Bắc, nếu cứ tự chuyên tự chế mà kê phạm hướng này ắt gia đạo phiêu linh, nhân khẩu bị giảm bớt dần. Còn kê giường ở hướng Nam thì nhân khẩu bất lợi v.v...Đó là nói theo nguyên tắc. Đại khái như vậy. Muốn biết rõ nên tìm đến các nhà phong thủy chuyên nghiệp để tìm hiểu chính xác hơn.
VẤN: Ông Vũ Hồng Chinatown LA. Bà cụ có nhớ bài vè “Đánh Bạc”cũng như vè “con công” không? Xin nhắc hộ.
ĐÁP:
Bài vè ĐÁNH BẠC
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè đánh bạc,
Đầu hôm xao xác
Bạc tốt như tiên,
Đêm khuya không tiền
Bạc như chim cú.
Cái đầu xù xụ
Con mắt trõm lơ.
Hình đi phất phơ,
Như con chó đói.
Chân đi cà khọi,
Dạo xóm dạo làng,
Quần rách lang thang,
Lấy tay mà túm.
VÈ CON CÔNG
Con công hay múa
Nó múa làm sao?
Nó rụt cổ vào
Nó xòe cánh ra.
Nó đỗ cành đa,
Nó kêu ríu rít.
Nó đỗ cành mít,
Nó kêu vịt chè.
Nó đỗ cành tre,
Nó kêu bè muống.
Nó đỗ dưới ruộng,
Nó kêu tồm vông,
Con công hay múa
..............................
Cứ như vậy lặp đi lặp lại.
VẤN: Cháu Huỳnh Hải Hồ Reseda: Xin bà cụ nhắc hộ lại bài thơ “Mẹ Mốc” của cụ Nguyễn Khuyến.
ĐÁP:
Bài “Mẹ Mốc” của cụ Nguyễn Khuyến như sau:
“So danh giá ai bằng Mẹ Mốc!
Ngoài hình hài gấm vóc cũng thêm ra
Tấm hồng nhan đem bôi lấm, xóa nhòa
Làm như thể cho qua mắt tục.
Ngoại mạo bất cầu như mỹ ngọc
Tâm trung thường nhủ tự thiên kim
Nhó chồng con muôn dặm xa tìm
Giữ son sắt êm đềm một tiết
Sạch như nước, trong như ngà,
Trắng như tuyết
Mảnh gương trinh vằng vặc
Quyết không nhơ
Đáp tai,ngảnh mặt làm ngơ
Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây
Khôn em dễ bán chợ này!
VẤN: Cụ Bùi Tộc Cagona Park. Tôi nhiều lần (chứ không phải một) đọc nơi một vài tờ báo Việt ta có tác giả dùng danh từ chữ Hán mà tôi ngờ ngợ là không đúng. Như có câu: ”Viễn cảnh của một cuộc chiến đen tối”. Tôi phân vân tác giả đó có thể là sai mà sai một cách trầm trọng nữa. Bà cụ nghĩ thế nào?
ĐÁP:
Đúng như cụ đã nói. Tác giả đó lầm lẫn giữa hai từ ngữ “Viễn cảnh” và “Viễn ảnh”. Viễn cảnh có nghĩa là một cảnh tượng chỉ cho một hình ảnh có thật ở xa tầm mắt. Còn “VIỄN ẢNH” là hình ảnh trừu tượng nói lên theo ý nghĩ phán đoán của mình về một sự việc nào đó có thể xảy đến. Ví dụ “viễn ảnh” của một cuộc chiến có thể xảy đến v.v. chẳng han.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 32
VẤN: Cư sĩ Trương Hải, California: Bà cụ có biết làm thế nào để trở thành “thánh nhân” không?
ĐÁP:
Chẳng có gì khó. Miễn làm sao diệt được dòng suy tưởng không được trong sạch của mình. Quan niệm của Thiền học thì sự tinh khiết của tâm hồn là yếu tố để trở thành Phật rồi. Theo gót của Hàn Dũ là Lý Ngao cho rằng khi phát triển thuyết tính của Nho gia phải diệt tận gốc rễ của cái “Tình” và đồng thời thu hồi lại cái “Tính” thuở ban sơ của con người – cái tính ban sơ đó ấy là Phật tính. Mọi người khi mới sinh ra đời đều mang Phật tính. Sở dĩ không thành Phật được chỉ vì cái “mê muội” mà đánh mất đi cái gốc của mình. Lý Ngao đã viện dẫn lý luận Phật tính của Thiền tông mà đề ra cái thuyết “diệt tình phục tính” Muốn trở thành “Thánh Nhân” phải thu hồi cái “Thiện” bị đánh mất của mình, phải “cấm dục diệt tình”, không ưu tư để đạt đến “Tịch Nhiên Bất Động”....
“Phật” thì hầu hết mọi người không ai không biết. Tuy nhiên cũng có không ít người hiểu được thấu triệt “Phật là Người Giác Ngộ”, thường gọi là PHẬT ĐÀ tức Buddha theo âm tiếng Phạn. Nói đến Phật là đã nghĩ ngay đến đức Sakyamuni ta thường gọi là đức Thích Ca Mu Ni tức Sakyamuni. Như ông đã biết Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) con vua Tịnh Phạn (Suddhodana). Người sớm nhìn thấy nhân gian chỉ toàn là nỗi khổ đau, sinh ra, lớn lên, già nua, bệnh hoạn rồi cuối cùng buông tay nhắm mắt, theo như qui luật của Tạo Hóa Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Điều này khiến Ngài xót xa quyết định từ bỏ tất cả ngai vàng điện ngọc để tìm con đường giải thoát cho nhân gian hầu thoát cảnh lầm than khổ hạnh!...
VẤN: Cụ Phan Tiên Thanh, El Monte: Ngày còn trẻ tôi thường nghe các câu tục ngữ đại khái
1. Nhà sư sợ đệ tử nghèo.
2: Muốn thành Phật không suôn sẻ mà lắm cảnh gian truân.
3: Vợ mới, vợ cũ vợ nào cũng yêu cả.
Tôi không còn nhớ nữa xin bà cụ nhắc hộ và đồng thời giải nghĩa cho.
ĐÁP:
Trung Hoa có câu tục ngữ:
1. Bần hòa thượng ngại kiến cấp môn đồ.
Có nghĩa:
“Hòa thượng nghèo ngại gặp môn đồ kiết.”
2: “Bất thụ ma nạn bất thành Phật.”
Có nghĩa:
“Không chịu nạn ma, sao thành Phật được!
3 “Bất khán tân nhân thướng kiệu, chỉ khan lão phụ thu sao”.
Có nghĩa:
“Không trông vợ mới lên kiệu, chỉ mong vợ cũ thu sào”.
Tục ngữ ta cũng có câu cùng nghĩa:
“Mới yêu mà cũ cũng yêu
Mới có mỹ miều, cũ có công lênh”.
VẤN: Ông Văn Nhuận, Los Angeles: Tôi không hiểu cội nguồn của dân tộc Nhật. Bà cụ biêt không?
ĐÁP:
Lịch sử của dân tộc Nhật vốn dĩ theo Thần đạo Shintoisme. Theo truyền thuyết đức vua đầu tiên dòng Thiên hoàng là Thần Võ Thiên Hoàng (Jimmu Tenno, khoảng 660 trước Thiên Chúa, vốn là thần tiên giáng thế. Ngài và các vị tiên đế do Thái dương thần nữ sinh ra. Các nhá quí tộc thì cho rằng giai tầng của họ là con của thần Kamis, dân chúng Nhật thì tự bảo mình xuất xứ từ thần tiên mà có, do đó thần đạo được tôn sùng. Đức Thiên Hoàng Mikado thay mặt cho quốc gia cầu khẩn thần linh ban cho đất nước hạnh phúc, phú cường. Từ đó, “Thần đạo” trở thành quốc giáo. Đại thể là như vậy.
VẤN: Bà Ngô Nhược Monterey Park: Bà cụ có biết về cái tục “răng đen” của ta ngày xưa không?
ĐÁP:
“Răng đen” là một trong ba cái tục được nhiều người nước ngoài thời xa xưa lưu ý đến. Ba tục đó là: ”Thứ nhất nhuộm răng đen. Thứ hai tục ăn trầu. Thứ ba Tục hát mùa thu”.
Nói riêng về tục “răng đen” chẳng riêng hàng nữ lưu mới nhuộm, mà luôn cả nam giới cũng có số người muốn có màu răng đen lánh như vậy. Nhuộm răng đòi hỏi qua nhiều giai đoạn theo một lịch trình nhất định như :
1, Giai đoạn đầu cần phải đợi thay hết răng sữa. Giai đoạn 2 cha mẹ tính toán lo liệu mua loại “thuốc xỉa” nào theo ý muốn! Tất nhiên là loại thuốc đen và dẻo, có nồng độ cay để nhuộm. Muốn có bộ răng đen lóng lánh như hạt huyền thì phải chấp nhận trải qua bao nhiêu sự đau đớn do thuốc hành hạ như lưỡi bị bỏng bởi nồng độ cao, đến nỗi ăn không được các loại thực phẩm cứng. Ngoài ra thuốc xỉa còn làm cho đôi môi sưng tếu lên suốt cả tuần lễ.
Người xưa có quan niệm người phụ nữ để nguyên hai hàm răng trắng là bất chính, có nhiều lời lẽ bỉ bạc lưu truyền ngoài dân gian như sau:
“Răng trắng ỏng như răng chó
Răng trắng như răng của Ngô.”
Răng đen là một trong các yếu tố dưới nhãn quan của dân tộc ta lúc bấy giờ làm tăng thêm cho nụ cười duyên dáng. Người phụ nữ răng đen thời xưa thỉnh thoảng “xoi” thêm thuốc “xỉa” để cho răng lên nước và lóng la lóng lánh như hạt huyền.
Ca dao có câu:
“Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua.”
Hay là:
“Lấy chồng cho đáng tấm chồng
Bỏ công trang điểm má hồng răng đen...”
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 33
VẤN: Cụ Lưu Hành Trung Philadelphia: Đạo Gia xuất phát từ nhân vật nào?
ĐÁP:
Lão Tử sáng lập ra ĐẠO GIA và được coi như là một tôn giáo bản địa, xuất phát từ đất nước Trung Quốc. Có thể nói Đạo Gia là đạo giáo phức tạp - vừa kế thừa tư tưởng quỉ thần vừa kết hợp thuật bói toán cổ đại. Chẳng những vậy Đạo Gia ngoài tư tưởng quỉ thần còn đưa ra tư tưởng thần tiên, cùng với thần học sấm vĩ và luôn cả tư tưởng Hoàng Lão... khiến cho đạo giáo này đượm thêm màu huyền nhiệm thần bí.
Các nhà nghiên cứu về Đạo giáo còn tìm thấy trong ĐẠO GIA dung nạp lý luận của Nho gia và Phật giáo hay nói cách khác Đạo Gia là trung tâm tư tưởng thần tiên, chủ trương “thanh đạm, tiết dục để cho thể xác trong sạch và tâm hồn thanh thản.
Càng đi sâu vào Đạo Gia sẽ thấy họ chủ trương thần bí hóa và tôn giáo hóa với mục đích làm cho cái đạo của mình pha trộn màu huyền nhiệm, Không những Đạo Gia coi ĐẠO là cái gốc cội của vạn vật trong vũ trụ mà còn phát sinh ra nguyên khí và từ cái khí nguyên sơ biến thành các cõi tiên ngoài trời như Ngọc Thanh, Thượng Thanh, Thái Thanh v.v... Trong cõi tiên có các thủ lĩnh thần tiên như Nguyên Thủy thiên tôn, Linh Bảo thiên tôn và Đạo Đức thiên tôn tức Thái Thượng lão quân...Đó là “nhất khí hóa tam thanh”. Phía trên Tam Thanh còn có Đại la thiên, phía dưới có 32 cõi trời v.v...
VẤN: Ông Trương Đình, Chinatown LA. Tôi thường nghe nói về ngày “Ngũ Tứ”, nhưng không hiểu đó là ngày gì? Bà cụ cho biết.
ĐÁP:
NGŨ TỨ là một phong trào văn hóa mới của Trung Hoa. Trước hết là nhóm nhà văn có tên tuổi như Lý Đại Chiêu, Trần Độc Tú, Lỗ Tấn v.v..được xem là những nhà làm văn hóa tiền phong khởi xướng lên phong trào này nhằm vào ngày 4 tháng 5.
Cuộc cách mạng văn học bắt đầu từ khi các bài: ”Văn học cải lương sô nghị” của Hồ Thích, ”Văn học cách mạng luận” của Trần Độc Tú, “Phân tích văn học” của Chu Tác Nhân lần lượt đăng tải nói lên tinh thần cách mạng đang dấy lên tạo thành một luồn sóng chống văn ngôn, và đề xướng lối văn bạch thoại.
VẤN: Ông Vũ Hà Orange County: Trung Hoa có câu: Tảo trị bất nhập thời nhân nhãn, đa dụng yên chi họa mẫu đơn”, Có nghĩa là gì? Bà cụ giải hộ.
ĐÁP:
“Sớm hay chẳng hợp mắt người / Thà đem son phấn vẽ vời mẫu đơn.”
VẤN: Hoàng Bá Duy, Westminster: Bà cụ có nhớ bài ca dao nói về anh nhà nghèo đi cưới vợ, nhưng trong lưng chỉ có mỗi hai đồng, mà phải chi ra cho các khoản cần thiết cho đám cưới như rượu, trà, thức ăn đãi khách khứa v.v…Thật tình cháu muốn được nhắc lại bài ca dao bất hủ này.
ĐÁP:
Bài đó như sau:
Nhà anh đã khó lại khăn
Chỉ vài đồng bạc để dành cưới em.
Ba hào anh để mua nem
Đãi anh em bạn chị em xa gần.
Đồn đây kết nghĩa Châu Trần
Từ Nam chí Bắc đồn mình lấy ta.
Ba hào anh để mua gà
Bảy xua mua vỏ, hào ba mua trầu.
Năm xu anh để mua cau
Hào rưỡi mua chén chè tàu uống chơi.
Một hào đong rượu thổi xôi
Năm xu mua rượu cùng ngồi say sưa.
Anh về anh tính cũng vừa
Cưới em đồng bạc còn vừa mười xu.
Tiền xe tiền pháo lu bù
Hết chín hào chín một xu hãy còn.
Để dành làm vốn cho con
Mua gà bán lãi vốn còn một xu
VẤN: Ông Vương Hồng Đạt, Orange County: Trong Kinh Thi nơi Thiên Hành Lộ tam chương có mấy câu, tôi còn nhớ như sau:
Yếm ấp hành lộ
Khởi bất túc dạ? Vi hành đa lộ.
Và luôn cả các bài “Thùy vị tước vô giốc”, ”Thùy vị thử vô ngông”… bà cụ có nhớ không?
ĐÁP:
Các câu ngằn bên trên có nghĩa: “Đường đi ướt đầm, Ta há lại chẳng biết sáng tối phải đi trên ấy ư? Chỉ ngại vì đường ướt át thôi.”
Nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã dịch:
Đường đi giọt nước đầm đìa
Rằng đường nhiều nước sơm khuya ngại ngùng.
Còn các bài kia xin ghi lại để ông đọc:
Thùy vị tước vô giốc
Hà dĩ xuyên ngã ốc?
Thùy vị nhữ vô cốc?
Hà dĩ tốc ngã ngục.
Thất gia bất túc.
Có nghĩa:
“Ai dám bảo rằng con chim sẻ không có miệng? (Nếu không có miệng) làm sao cắn thủng được nhà ta? Ai dám bảo rằng chàng chưa có lễ hỏi vợ chồng, thì lại bức ta phải đến tụng đình? Tuy bức được ta đến tụng đình,thì cũng chưa thể lấy được ta.
Cu Tản Đà dịch như sau:
Con sẻ kia,
Ai bảo sừng không có?
Mái nhà đó,
Lấy gì làm thủng ra?
Mình với ta,
Ai bảo không cheo cưới
Gì làm cớ,
Đem ta đến ngục đình…
Cưới cheo chẳng đủ cho mình lấy ta.
Bài thơ thứ ba như sau:
Thùy vị thử vô ngông,
Hà dĩ xuyên ngã dung?
Thùy vị nhữ vô công?
Hà dĩ tốc ngã tụng?
Tuy tốc ngã tụng,
Diệc bất nhữ tùng.
Có nghĩa: Ai dám bảo rằng con chuột kia không có răng? (Nếu nó không có răng) sao nó lại làm thủng được tường ta?
Cụ Tản Đà đã dịch thành thơ:
Con chuột kia,
Ai bảo nanh không có?
Bức tường đó,
Lấy gì làm thủng ra.
Mình với ta,
Ai bảo không cheo cưới.
Gì làm cớ?
Đem ta đến tụng đình,
Thời ta cũng chẳng theo mình lấy nhau.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 34
VẤN: Cụ Vũ Văn Lục Maryland: Nghe người ta thường nói, đời muôn mặt, chẳng ai giống ai, câu nói này có đúng không?
Đáp:
Đúng là vậy. Đã là đời thì chẳng ai giống ai. Vì vậy mà người xưa thường bảo đời là muôn mặt. Không mặt nào giống với mặt nào, Lòng người cũng vậy, Mỗi người có một nỗi lòng riêng, chẳng lòng nào giống với dạ nào. Có người thích khiêm nhường, không muốn xuất đầu lộ diện, nhưng cũng chẳng ít kẻ luôn luôn muốn thắp sáng lên, để cho thiên hạ nhìn thấy mình. Có thể vì vậy mới nẩy sinh ra lắm cảnh bon chen:
Cẩu triều thí tẩu,
Nhân triều thế tẩu
(Chó rảo theo hơi rắm
Người đua theo thế quyền)
Xã hội nhiễu nhương cũng chỉ vì đam mê danh lợi. Chẳng ai muốn mình bất tài cả. Thế có nghĩa ai cũng nghĩ mình phải là bậc anh minh cao cả, một nhà tiên tri, một bình luận gia khét tiếng... dù họ tự hiểu rằng “những điều mình bình luận” đó chỉ vì cảm tính, vì quyền lợi nhất thời, vì một đại mộng nào đó, ví như “phải có danh gì” với núi sông. Theo người xưa bảo đó là cái bệnh không biết “đi hài” nhưng lại sính làm anh “thợ giày”. Tục ngữ bên dưới đây có câu hàm ý khuyên răn:
Bất hội niệm kinh hưu đương hòa thượng
Bất hội thượng hài hưu đương bì tượng.
(Không biết tụng kinh đừng làm hòa thượng
Không biết đi hài đừng làm thợ giày)
*
Đời lắm lúc nghe ra nghịch lý, nhưng lắm khi cái nghịch lý lại chính là cái lý. Người xưa bảo:
Bất nguyện văn chương trúng thiên hạ
Chỉ nguyện văn chương trúng thí quan.
(Không cầu văn vẻ lừng thiên hạ
Chỉ nguyện văn bài trúng thí quan.)
Quan thanh liêm thời nào cũng hiếm còn các quan viên không cần đến văn chương thi phú thì nhiều...Vì vậy mà thiên hạ không ngại mình dốt nát văn chương mà chỉ ưu tư cho văn bài của mình liệu có trúng với ý quan không.
Thật đúng là đời: “Nhà giàu đứt tay, ăn mày đổ ruột”. Âu đó cũng chỉ là chuyện không phải mới xảy ra ở thời đại này. Vậy thì nó đã sản sinh ra ngay từ ngày ông Thạch Sùng bị rủi ro con bò cọp chích vào tay. Thạch Sùng không đau đớn là bao, nhưng được cái là đã khiến cho cả thiên hạ trong vùng kéo nhau chạy đến...hỏi han bày vẽ chữa trị đủ điều. Nếu chỉ có vậy thì...âu đó cũng là thói thường có thể lâu dần rồi thiên hạ cũng quên đi, nhưng đầu này, ngay giữa lúc đó con chó của ông đại phú cắn đứt cả mảng thịt nơi bắp chân của Phạm Đan – một kẻ nghèo đến rớt mồng tơi cùng lúc nhưng chẳng ai đoái hoài han hỏi.
Vì vậy tục ngữ mới có câu:
“Cẩu giảo Phạm Đan vô nhân vấn
Yết tích Thạch Sùng tể phá môn.”
Có nghĩa:
Chó cắn Phạm Đan không kẻ đoái
Rết chích Thạch Sùng lắm kẻ lo...
Những kẻ lo đó kéo nhau thăm viếng đông đến nổi cơ hồ muốn sập cả ngôi nhà của ông đại phú. Vì vậy, người xưa cũng có câu nói lên cái thói thường này:
“Chỉ kiến hỏa thượng thiêm du
Bất kiến tuyết trung tống thán”
Có nghĩa:
Chỉ thấy đổ dầu thêm cho lửa
Nào đâu trời tuyết tặng nhau than
Câu này muốn chỉ tình đời: ”Phò thịnh chẳng phò suy”.
Người đời thường bảo người bình luận hồ đồ thì đôi môi bị mỏng. Có thể vì vậy mà tục ngữ mới có câu:
“Chủ thị lưỡng khối bì,
Bảo hoại đô do nễ”
Miệng là hai miếng da,
Hay, dở do ta cả.
Có thể các nhà bình luận hồ đồ thường gặp cảnh không may, nên thánh nhân ngày xưa khuyến cáo:
“Chủy bất nhượng nhân, bì ngật khổ”
Miệng chẳng nhịn người, da nếm khổ.
Chẳng biết người xưa thường bảo môi mép trơn tru và mặt mày lúc nào cũng xanh mét, nói theo tướng số:
“Chủy thượng vô mao, thuyết thoại bất lao”
Mép không râu, lời đâu chắc thực
Ta có câu:
Mặt tái mét nói phét thành thần
Cái câu có thể đúng nhất về bức tranh đời này:
“Cửu lưu tam giáo,dạng dạng tri đạo”
có nghĩa:
Cửu lưu tam giáo, gì cũng biết ráo
Nói khoác một tấc đến trời.
Nói sao cũng được,miễn tiền vào túi.
VẤN: Bà Lê Nguyên Vân San Jose: Bà cụ nhắc hộ tiểu sử của nhà thơ Kalidasa của Ấn Độ. Xin vô vàn cám ơn.
ĐÁP:
Kalidasa – là nhà thơ vĩ đại của Ấn Độ mà bản thảo viết bằng tiếng Phạn. Theo truyền thuyết ông vốn thuộc dòng dõi đẳng cấp Bà La Môn, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được một người chăn cừu nuôi nấng. Ông ít được học hành nên có phần đần độn nhưng lại được cái rất đẹp trai. Có lẽ nhờ trời dun dủi, ông được lọt vào mắt xanh của một nàng công chúa và nàng công chúa này đã xin phụ hoàng cho được cùng anh chàng đẹp trai này kết hôn. Vì yêu chồng nên công chúa cầu xin nữ thần Kali truyền cho chàng trí tuệ. Và quả như lời nguyện cầu của nàng công chúa, chàng trở nên thông minh sáng láng và được đặt tên là Kalidasa, có nghĩa là nô lệ của nữ thần Kali.
Tuy tài liệu còn quá ít, nhưng các nhà nghiên cứu biết chắc là Kali sống và sáng tác vào giai đoạn trị vì của hai vị vua Sandra Gupta II và Kumaragupta I nhằm vào thời đại hoàng kim của nền văn hóa Ấn Độ cổ đại. Kalidasa được coi là chiếc vương miện của làng thơ trong đội ngũ 9 nhà văn hóa lớn hay gọi là chín viên quý ngọc của vua Sandra Gupta.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 35
VẤN: Ông Bùi Bằng Túc Orange County. Tục ngữ Trung Hoa có 3 câu, tôi không biết rõ nghĩa. Ba câu đó như sau:
1. “Bão noãn tư dâm dục,cơ hàn khởi đạo tâm”.
2. Bão đàn ngạ xướng.
3. Chỉ khả tha vô tình”
ĐÁP:
Câu thứ nhất có nghĩa:
“Đói rét sinh tâm trộm cướp.
Ấm no lại tưởng dâm tà.”
Ta cũng có mấy câu tương tự:
- Đói ăn vụng, túng làm càn
- No cơm ấm cật rậm rật mọi nơi
- Đói rách tả tơi, mọi nơi bất động.
Câu thứ hai: “Bão đàn, ngạ xướng”
có nghĩa: “No đàn, đói hát.”
Có ý nói là khi no thì cầm đàn ra khảy cho vui, nhưng nếu bị đói thì hát lên để đổi chén cơm manh áo.
Câu thứ 3:
“Chỉ khả tha vô tình”
Bất khả ngã vô nghĩa.
Có nghĩa:
“Thà là người vô tình,
chứ ta không bạc nghĩa.”
Tục ngữ ta cũng có câu tương tự:
“Tham vàng bỏ ngãi ai ơi
Vàng ăn thì hết, ngãi tôi vẫn còn.
VẤN: Cô Hồ Cúc Hoa Monterey Park: Bà cụ có nhớ bài Ca dao “Cảnh chồng con” không?
ĐÁP:
Bài đó như sau:
Chồng con nó chẳng ra gì,
Tổ tôm xóc đĩa nó thì chơi hoang.
Nói ra xấu thiêp hổ chàng,
Nó giận, nó phá tan hoang cửa nhà.
Nói đây, có chị em nhà,
Còn năm ba thúng thóc với một và cân bông.
Em bán đi trả nợ cho chồng,
Còn ăn hết nhịn cho hả lòng chồng con.
Đắng cay ngậm quả bồ hòn,
Cửa nhà gia thế, chồng con kém người.
Nói ra, sợ chị em cười:
Con nhà gia giáo lấy phải người đần ngu.
Rồng vàng tắm nước ao tù,
Người khôn ở với người ngu bực mình.
VẤN: Tôi muốn biết nghĩa của “Minh linh du phù”. Bà cụ biết không?
ĐÁP:
Riêng hai từ “minh linh” có nghĩa: nó là loài vật có màu sắc xanh, thực phẩm lúc còn nhỏ là các loại rau xanh, lớn lên hóa thành ra bướm “du phù” tức con phù du. Nó là loại côn trùng nhỏ, sinh dưới nước, qua thời gian ngắn mọc cánh bay được. Thời gian sống của phù du rất ngắn ngủi.
Còn tiếp
THINH QUANG