Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
ÔNG NGUYỄN VĂN DANH
NGUYỄN DUY LONG


ÔNG NGUYỄN VĂN DANH, MỘT TẤM GƯƠNG HIẾU TỬ
NGUYỄN DUY LONG

tài Nguyễn Văn Danh (nửa đầu thế kỷ XIX) là một tấm gương hiếu tử sáng ngời. Trong người con hiếu hạnh vẹn toàn này, chữ hiếu đã quyện thành tình cảm yêu thương mãnh liệt dành cho bậc sinh thành chẳng may từ trần.

Trà Bình Trại, quê Nguyễn Văn Danh là một trại ven núi thuộc làng Trà Bình, huyện Bình Sơn (nay thuộc xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh), tỉnh Quảng Ngãi. Vào nửa đầu thế kỷ XIX, bao quanh vùng đất hoang vắng này là những đồi núi nhấp nhô, những cánh rừng rậm rạp với nhiều thú dữ trú ẩn. Nơi đây cuộc sống chẳng dễ dàng gì. Người dân phải trải qua những chuỗi ngày cơ cực tìm kế sinh nhai vì đất đai khô cằn, thiên nhiên khắc nghiệt. Họ còn đối mặt với sự thấp thỏm lo âu vì nạn ác thú rình rập, đe dọa. Khi mặt trời khuất bóng sau rặng núi, Trà Bình Trại chìm trong bóng đêm tĩnh mịch, dân chúng nhiều phen hoảng hốt vì tiếng thú hoang sột soạt bên nhà. Ngay cả ban ngày, thi thoảng ác thú kéo vào làng vồ người, bắt gia súc và phá hoại mùa màng.

Vùng quê hẻo lánh này đã vun đắp cho Nguyễn Văn Danh những tình cảm và tập quán tốt đẹp : hiếu thảo, ham học và nhẫn nại. Vượt qua bao gian truân trong cuộc sống thường nhật, đeo đuổi con đường khoa cử, ông thi đậu tú tài (1). Một thành tích nho nhỏ chưa được xếp vào hàng “phát khoa” nhưng khá hiếm hoi trong khoa bảng thời Nguyễn của một làng quê Quảng Ngãi cách trở và gian khó. Nhưng điều đáng trân trọng hơn là Nguyễn Văn Danh không hổ thẹn với nếp nhà, phép nước: chữ hiếu mà ông học trong nho giáo đã quyện thành tình yêu thương mãnh liệt dành cho bậc sinh thành chẳng may từ trần. Ông được xem là tấm gương hiếu tử muôn đời không phai mờ mà ngày nay chúng ta biết được qua những dòng ghi chép của sử gia triều Nguyễn (2).

Lo toan miếng cơm manh áo cho cả nhà, như mọi ngày, thân phụ Nguyễn Văn Danh ra đồng thì chẳng may bị hổ vồ chết một cách bi thảm. Nguyễn Văn Danh tìm theo, quan sát kỹ dấu chân hổ: một dấu chân nhỏ hơn ba dấu còn lại, và xác định được con hổ sát hại thân phụ mình là con hổ dị tật. Ông từ bỏ con đường khoa cử, loay hoay cầm chữ hiếu mà lòng nghẹn uất. Quên ngủ, bỏ ăn, lặn lội trong rừng đào hố, cài bẫy ông quyết chí giết con hổ bằng chính hai bàn tay của mình. Ông bẫy được rất nhiều hổ nhưng vẫn chưa bắt được con hổ dị tật. Cũng nhờ vậy mà nỗi lo âu vì thú dữ lộng hành của dân làng giảm đi phần nào. Chưa bắt được con hổ dị tật, thù cha còn đó, ông không cho phép mình nản chí. Những đường ngang lối tắt mà ác thú thường đi qua đều có những chiếc bẫy của ông. Sau nhiều ngày nhẫn nại, cuối cùng Nguyễn Văn Danh cũng bẫy được con hổ dị tật vồ thân phụ mình.

Ông tự tay mổ bụng lấy gan hổ làm lễ tế thân phụ, rồi xả thịt con hổ ra và tự nhủ ăn cho kỳ hết mới thôi. Thù cha đã trả nhưng vẫn không làm nguôi ngoai được nỗi buồn mà ông cảm nhận rất chua xót “Còn cha như bát nước đầy”. Sự sầu muộn thái quá dồn dập từ ngày nay sang ngày khác. Nỗi cô đơn xâm chiếm từng ngày lạnh lẽo. Tinh thần ông suy nhược nghiêm trọng. Nghĩ đến người cha thương yêu, những lúc mê sảng, ông kích động gầm thét. Rồi tâm trí tỉnh lại, ông cứ lặng lẽ quanh quẩn trong nhà mà nước mắt tuôn trào. Chẳng bao lâu, người con hiếu hạnh vẹn toàn này được cả nước biết đến. Tháng 6 năm Mậu Thân (1848), ông được ban tặng biển ngạch “Hiếu nghĩa khả phong”(3) (nghĩa là mong gió thổi ban khắp nơi tình hiếu nghĩa này).

Dẫu cho cách báo hiếu của Tú tài Nguyễn Văn Danh đượm một vẻ lạ lùng. Dẫu cho để thể hiện chữ hiếu, người đời nay còn nhiều cách chọn lựa khác, rất khác. Và dẫu cho một vài nội dung chữ hiếu không còn thích ứng với xã hội phát triển hôm nay nhưng cốt tủy của chữ hiếu mà người xưa quan niệm vẫn muôn đời bất biến “Hiếu là kinh của trời, là nghĩa của đất” (4). Chữ hiếu trường cửu với cuộc sống con người hôm qua, hôm nay và mai sau.

NGUYỄN DUY LONG

Tài liệu tham khảo và chú thích:

(1-2) Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng, Trần Xán. Đại Nam nhất thống chí. Quyển 6: Tỉnh Quảng Ngãi. Nguyễn Tạo dịch. Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục. Sài Gòn. 1964 : 101-2 (Văn hóa Tùng thư số 22).
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện. Tập 2. Ngô Hữu Tạo, Đỗ Mộng Khương dịch, Cao Huy Giu, Nguyễn Trọng Hân hiệu đính. Nxb Thuận Hóa. Huế. 1997: 514.
Nửa đầu thế kỷ XIX, Lý Văn Phức (1785-1849) diễn ca 24 truyện hiếu tử Trung Quốc để khuyên mọi người theo gương người xưa mà giữ đạo hiếu. Đầu thế kỷ XX, tự hào về truyền thống dân tộc, Trương Cam Lựu viết những câu chuyện hiếu tử của chính người Việt Nam và Nguyễn Văn Danh được chọn làm một trong những tấm gương tiêu biểu. Cuối thế kỷ XX, tên tuổi Nguyễn Văn Danh cũng được Việt Chương trân trọng chép trong “20 gương hiếu thảo Việt Nam ”.
Xem:
- Lý Văn Phức. Nhị thập tứ hiếu. Chu Lang Cao Huy Giu đính chính và chú thích. In lần 1. Nxb Tân Việt. Sài Gòn. 1952 (?).
- Trương Cam Lựu. 20 gương hiếu Việt Nam. Vũ Văn Kính trích dịch (sic-phiên âm). Nxb Trẻ. Thành phố Hồ Chí Minh. 1994 : 30-1.
- Việt Chương. 20 gương hiếu thảo Việt Nam. Nxb Tổng hợp Đồng Tháp. Đồng Tháp. 1997: 76-84.

(3) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXVII. Nguyễn Ngọc Tỉnh, Ngô Hữu Tạo, Phạm Huy Giu dịch, Cao Huy Giu hiệu đính. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1973: 103.
Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng, Trần Xán. Đại Nam nhất thống chí. Quyển 6: Tỉnh Quảng Ngãi. Sđd: 101-2.

(4) Hiếu kinh. Huyền Mặc Đạo Nhơn, Đoàn Trung Còn dịch. Nxb Đồng Nai. Đồng Nai. 1996: 31-2.


 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh