Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 03, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
ĐÍNH CHÍNH VỀ TIỂU SỬ VÀ BÀI THƠ NỔI TIẾNG CỦA HỌC SOẠN
NGUYỄN HỮU THIỆN
Các bài liên quan:
    HỌC SOẠN VỚI TIỀU PHU THÁN
    VÀI Ý NGHĨ VỀ BÀI VĂN CỦA ÔNG HỌC SOẠN


Lời giới-thiệu:

Học Soạn là một nhà thơ tên tuổi của miền núi Ấn sông Trà trong vài ba thập niên đầu của thế kỷ trước. Tương truyền Ông sáng-tác nhiều thơ. Rất tiếc, phần lớn bị thất lạc, nay chỉ còn lại dăm bài, trong đó có một bài nổi tiếng nhất, dài trên 80 câu thơ mà độc giả sẽ thấy trong phần sau.

Ban Điều Hành giới thiệu bài viết thứ 2 của tác giả Nguyễn Hữu Thiện trong loạt 3 bài viết. Bài thứ nhất với tựa "Học Soạn với bài Tiều Phu Thán" của tác giả Phương Đình đã được đăng trên trang web nầy.

Chúng tôi hy-vọng quý độc giả có thể suy-luận để tìm thấy những điểm gần sự thật nhất về tiểu-sử tác-giả và nhan đề của bài thơ nổi tiếng tiên dẫn.


Ban Điều Hành
www.nuiansongtra.net

- - - - - - - - - - - -

Trong quyển địa phương chí Non Nước Xứ Quảng của ông Phạm Trung Việt do nhà sách Khai Trí (Sài Gòn) phát hành năm 1969, trong phần thi ca có lục đăng bài thơ dưới nhan đề “Tiều Phu Thán” với lời giới thiệu tóm tắt về tiểu sử tác giả như sau: “Học Soạn tên thật Phạm Soạn, quán xã Phú Nhiêu (hiện xã Tư Duy) là nhà thơ trào phúng cận đại nổi tiếng của miền núi Ấn sông Trà, không rõ năm sinh và năm mất” (Non Nước Xứ Quảng, ấn bản 1969, trang 151).

Trong đặc san Quảng Ngãi xuân Mậu Dần của Hội Đồng Hương Quảng Ngãi Nam California có bài biên khảo của nhà thơ Phương Đình Lương Thế Lịch dưới nhan đề: “Học Soạn (1890-1944?) với Tiều Phu Thán”. Và theo như lời nhà thơ Phương Đình thì Học Soạn tên thật là Phan Soạn, người thôn Phú Nhiêu nay là thôn Phú Văn thuộc xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa. Sau đó ông cũng lục đăng bài thơ cũng dưới nhan đề “Tiều Phu Thán” như ông Phạm Trung Việt đã làm.

Theo tôi, cả hai tác giả Phạm Trung Việt và Phương Đình đều có vài lầm lẫn về tiểu sử và nhan đề bài thơ, cần được đính chính. Trước khi làm công việc đính chính cần thiết nầy, tôi xin tự giới thiệu: Tôi là cháu ngoại của cụ Phan Đăng Đỉnh và cụ Phan Đăng Soạn là ông ngoại bác của tôi. Những đính chính dưới đây phần lớn được căn cứ từ gia phả của tộc họ Phạm Đăng và bài thơ được chép theo trí nhớ của một bậc bô lão trong giòng họ Phạm Đăng.

* VỀ TIỂU SỬ:

Cách thị xã Quảng Ngãi chừng 5 cây số đường chim bay về phía tây nam là làng Tân Hội, thuộc xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa. Làng này có một xóm dân cư đông đúc, cư trú lâu đời từ cuối thế kỷ thứ 17 đến nay. Tất cả gia đình trong khu xóm này đều thuộc giòng họ Phạm Đăng, và ông tổ của họ chính là hậu duệ của vua nhà Mạc.

Số là, khi nhà Lê trung hưng, đất Cao Bằng là căn cứ cuối cùng của vua Mạc đã bị Trịnh Tùng đem quân đánh chiếm bắt giết vua Mạc và truy bức gắt gao con cháu của nhà vua để ngừa hậu hoạn. Lúc đó có một nhóm trong những bầy tôi trung thành với tiền triều phò tá một trong số các hoàng tử của vua Mạc xuống thuyền vượt biển xuôi thẳng vào Nam lánh nạn. Đoàn người này đã chọn đất Quảng Ngãi, mai danh ẩn tích, thay họ đổi tên, cải trang làm dân dã định cư lập nghiệp lâu dài. Vị hoàng tử nầy đã lấy họ Phạm thay thế cho họ Mạc và để lại chữ Đăng làm chữ lót, ngỏ hầu làm chứng tích lưu truyền cho con cháu mai sau nhìn nhận cội nguồn. Mấy chục năm nay, họ Phạm Đăng này đã bắt liên lạc được với bà con nơi nguyên quán ở vùng Hải Hưng, Cao Bằng.

Vào đầu thế kỷ 19, họ Phạm Đăng ở Tân Hội xuất hiện một vị khoa bảng là cố Viên ngoại Thị Lang Phạm Đăng Dương đỗ cử nhân khoa Mậu Ngọ, 1858, năm thứ 11 triều Tự Đức tại trường thi Bình Định. Ông xuất chính với chức vụ Án sát tỉnh Bình Thuận. Sau đó được thăng về bộ Hình với chức vụ như đã nói trên. Ông kết hôn với bà chánh thất Võ Thị Trang, quán làng Hiệp Phổ, huyện Nghĩa Hành. Ông bà đã hạ sinh được ba trai là ấm sinh Phạm Đăng Phò, học sinh Phạm Đăng Soạn và Phạm Đăng Đỉnh, một gái là bà Tú Trần.

Sau khi cố Viên ngoại thất lộc tại Huế, cụ bà đã đem gia đình con cái về làng Tân Hội, lập nghiệp an cư, vui hưởng tuổi già. Lúc này con cái cụ bà cũng đã trưởng thành, yên bề gia thất. Nổi bật nhất trong những người này có học sinh Phạm Đăng Soạn, thường gọi là Học Soạn. Ông học vấn uyên thâm, ứng đối mẫn tiệp, có tài thi phú, nhưng dứt khoát không đi thi để xuất chính vì ông không phục tân triều, không chịu cúi đầu khom lưng làm nô lệ cho ngoại bang. Ông kết hôn với con gái bà Bá hộ Đạt ở Đại An, huyện Tư Nghĩa. Ông là em cột chèo và cũng là bạn chí thiết với ấm sinh Nguyễn Bá Loan ở Mộ Đức.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Cần Vương của Lê Trung Đình thất bại và tan rã (1885), chính ông Học Soạn đã cùng Nguyễn Bá Loan khởi xướng phong trào Duy Tân ở Quảng Ngãi. Các ông đã sáng tác thơ văn kêu gọi lòng yêu nước của tầng lớp sĩ phu và hô hào dân chúng tẩy chay hàng ngoại hóa:

Chè Tàu, dầu hỏa, vải Tây
Ngoại bang đem đến phỉnh đây lấy tiền!

Trong phong trào xin thuế ở Quảng Ngãi vào năm 1908, cả hai ông đều bị bắt và bị tòa Đề hình Quảng Ngãi kết án tử hình đối với Nguyễn Bá Loan và cầm tù dài hạn Phạm Đăng Soạn vì đã sách động quần chúng nổi dậy chống chính quyền bảo hộ. Ông Học Soạn ở tù chừng 4 năm thì được Tuần vũ Nguyễn Bá Trác tha tù và đưa về quản thúc tại tư dinh để dạy chữ Nho cho con các quan trong tỉnh (*). Ông mất vào năm Bính Tý 1936.

Bình sinh ông rất thích ăn thịt chó và thường làm tiệc với các món nhậu này để thết đãi bạn bè. Một hôm, ông mời các thân hữu đến để xướng họa thơ văn và cùng nhậu món “cờ tây” hy hữu nói trên. Thực khách hơi đông nên phải dọn ra hai mâm, một ở bộ phản giữa, một ở bộ phản chái. Khi mọi người được mời ngồi vào tiệc, ông đứng dậy tuyên bố mấy câu:

- “Hôm nay nhà có món nhậu, mời quý hữu đến dự cho vui. Tuy có hai mâm, nhưng tất cả cũng đều là chó. Bên này chó, bên kia cũng là chó, không có gì khác”.

Cũng bởi câu ấy nên ai nấy đều bắt lỗi ông nói năng thiếu rành mạch và phạt phải làm ngay một bài Đường thi để tạ lỗi. Nhân có một thực khách ném cục xương chó xuống đất và có một con chó nhảy đến đớp ngay. Do vậy nên mọi người đều lấy đề tài “chó ăn thịt chó” cho bài thơ tạ lỗi của chủ nhà. Ông ứng khẩu ngâm liền tám câu như sau:

Nực cười loài vật cũng là nhăn,
Thịt chó sao mà chó lại ăn.
Béo miệng chẳng kiêng bầy vểnh mỏ,
No lòng chi quản bọn nhăn răng.
Gầm gữ cũng thứ vàng cùng mực,
Liếm láp chi nhau vện với vằn.
Để tiếng thị phi đời mai mỉa,
Nghĩa tình đồng loại há quên chăng?

Thơ ông nổi tiếng về lối dùng chữ đặt câu, gieo vần giản dị bình dân dễ hiểu nên được nhiều người mến mộ.

 

Ông còn có bài “Tiều Phu Hóa Phụ” rất xuất sắc dưới đây:

VỀ PHẦN BÀI THƠ:

* Về nhan đề bài thơ: Cả hai tác giả Phạm Trung Việt và Phương Đình Lương Thế Lịch đều ghi nhan đề bài thơ là “Tiều Phu Thán”. Thế nhưng, như trong phần nội dung của bài thơ chúng ta sẽ thấy, đây hoàn toàn không phải lời than của một lão tiều phu (tiều phu thán) mà chỉ là lời giải thích của lão tiều phu đối với những chất vấn của vợ để giáo hóa vợ bỏ thói đời bon chen để sống cuộc đời nhàn dật như trong câu thơ: “Mừng cho ta năng hóa phụ nhơn ngu” (dạy dỗ được người vợ ngu). Nhan đề đúng của bài thơ là “Tiều Phu Hóa Phụ” (Ông tiều cảm hóa người vợ - hóa ở đây có nghĩa là cảm hóa, giáo hóa).

Chúng tôi không hiểu lý do từ đâu bài thơ lại mang nhan đề Tiều Phu Thán!

* Về văn bản: Ngoài sự khác biệt ở một số chữ do khẩu truyền và tam sao thất bổn, bản sao lục sau đây của tôi có một khác biệt lớn đối với bản của hai ông Phạm Trung Việt và Phương Đình. Đó là về số câu của bài thơ. Bài sao lục sau đây dài hơn bài của 2 tác giả kể trên 9 câu kể từ câu “Chẳng qua là đầy tớ ít đồng tiền” đến hết câu “Bậu đừng mong, đừng tưởng cũng đừng phiền”.

Sau đây là văn bản của bài thơ Tiều Phu Hóa Phụ.

TIỀU PHU HÓA PHỤ

Con bóng ác đã chen về góc núi,
Phận lão tiều còn than củi ở đầu non.
Bước gập ghềnh đường đá nổi từng hòn,
Vợ chồng lão dắt dìu lòn đi dưới hố.
Vợ than thở: “Úy than ôi! Quá khổ!
Kiếp chi này xấu hổ với phường dinh,
Cứ lui cui trong xó núi một mình,
Bộ lem luốc chẳng ra hình chi cả thảy.
Chồng một quảy, vợ quảy theo một quảy,
Rất nặng nề, năm sáu bảy năm nay.
Lấm lui thui lủi thủi cả bàn tay,
Than củi có, dép giày sao chẳng có?”
Chồng khi ấy ngoắt tay kêu lại dỗ:
“Ráng mà đi, đừng để đổ mấy ki than”.
Vợ năn nỉ: “Chàng hỡi là chàng,
Đường thế lộ nghênh ngang thôi biết mấy.
Sao chàng chẳng ra làm điều quây quấy,
Trước vinh hoa, sau lấy bạc tiêu chơi.
Uốn lưỡi mềm ra láo xược với đời,
Đã sung sướng còn làm hơi ngoe ngoắt nữa.
Nghĩ như rứa sao chàng không muốn rứa,
Núp trong rừng dụ dựa chẳng đua bơi.
Nợ nần chi trốn tránh suốt cuộc đời,
Vợ khốn đốn, con than đói rách!”
Chồng khi ấy mở lời ra biện bạch,
Bảo vợ đừng than trách cuộc đời:
“Gẫm thế sự đang buổi cạnh tranh,
Kiếp con người là kiếp phù sanh.
Lợi cũng rứa mà danh thời cũng rứa.
Cơm hẩm hút ngày đôi ba bữa,
Ních no rồi ra tắm rửa bụi hồng trần.
Tội tình gì mà đày đọa tấm thân.
Sớm qua Sở tối lại về Tần,
Mắt chẳng nhắm ngó chừng đống bạc.
Công danh ấy nghĩ thôi mệt xác,
Kẻ bôn ba, người nhàn lạc, phía nào hơn?
Nói giúp dân, dân chẳng biết ơn,
Ngồi với bạn, bạn hờn thôi ỷ thế.
Công danh ấy ta đâu có kể,
Gáo nước khe, nồi cơm ghế vậy mà an.
Sớm nghêu ngao đi bán ít giỏ than,
Chiều về núi nghênh ngang riêng một cõi.
Điều phải trái, khen chê thôi cũng khỏi,
Khỏi phải theo luồn lỏi dưới cường quyền.
Chẳng qua là đày tớ ít đồng tiền,
Của thế giữ lại thêm phiền cho cái ruột.
Bịnh khanh tướng đố thày nào cho đặng thuốc,
Nghiệp trái oan ai rút khỏi mà ra.
Đoái giang sơn vốn thiệt của nhà ta,
Ăn mặc sướng, ngủ chơi thời cũng khỏe.
Cân đai đó tốt chi chi lắm kẻ,
Luống rập rình theo những kẻ bước xiên xiên.
Bậu đừng mong, đừng tưởng cũng đừng phiền,
Ta không dại, không điên đâu mà phải dạy.
Như Hàn Tín xưa sự nghiệp đặng gì đâu?
Còn Khổng Minh công cán được bao lâu?
Gẫm xưa nay mấy bực công hầu,
Danh vọng ấy đặng gì đâu mà ạo ực.
Than mình quạt văn minh ra sáng rực,
Qua thu rồi ai cũng ức kiếm mà mua.
Danh đen sì nhưng giá trị vẫn không thua,
Vàng bạc nẫu cũng kéo đùa ra năn nỉ đổi.
Thiên tải minh lương hoàn hữu hội,
Nhứt hồ phong nguyệt lạc trường xuân”.
Vợ nghe rồi nghĩ dửng dừng dưng,
Cầm chén cúc tay nâng từ tạ quá.
Chồng đắc ý, vỗ tay cười ha hả:
“Mừng cho ta Năng Phụ Hóa Nhơn Ngu (1)
Đôi đứa ta gắng gổ công phu,
Ráng sửa soạn chỉnh tu ba chiếc giỏ,
Gom góp lại mấy câu văn võ,
Đem về hầm cho đỏ thành than,
Chờ khi nào trong nước sửa sang,
Lấy luyện sắt, hầm gang ra giúp chúng.
Cơ khí họ đợi than mình mới dụng,
Thợ hóa công rồi cũng tính cho ta.
Úy thôi đừng nghĩ chuyện gần xa,
Mà bỏ nghiệp ông bà ta thuở trước.
Đạo trời đất khó xoay vần lộn ngược,
Cuộc thế này hết nước cũng lên non.
Đoái giang sơn cây cối hãy còn,
Sẽ dạy cháu con ra gánh vác.
Mãn mục vân sơn cu thị lạc,
Nhất hào vinh nhục bất tu kinh (2).
Ngoài bốn phương bầy xích tử, bọn thương sinh,
Ai nấy đợi than mình hơ ấm lại.
Ngẫm cho kỹ điều khôn cùng sự dại,
Nỡ lòng nào bạc đãi thú yên hà”.
“Từ đây mà thẳng tới già,
Tôi đâu dám nói những là giàu sang.
Chồng là đúng mực khôn ngoan”.

Houston, xuân Canh Thìn
NGUYỄN HỮU THIỆN

Chú thích:

(1) Năng hóa phụ nhơn ngu: Dạy dỗ được người vợ ngu.

(2)
Nhất: một
Hào: phần rất nhỏ, hào ly.
Vinh nhục: vẻ vang và xấu hổ.
Bất: chẳng
Tu: nên
Kinh: sợ.

(*) Lời BĐH: Nếu Học Soạn có tham gia phong trào khất thuế năm 1908 và nếu ông có bị tòa Đề hình xét xử cùng một lượt với Nguyễn Bá Loan thì sự việc này phải xảy ra vào năm 1908, vì năm này Ấm Loan bị kết án tử hình và bản án thi hành ngay trong năm. Theo như lời tác giả NHT, sau 4 năm bị giam cầm tức vào năm 1912, Học Soạn được Tuần vũ Nguyễn Bá Trác tha và phải vào ở trong dinh Tuần vũ để dạy học. Sự kiện này không trùng khớp với lịch sử, vì Nguyễn Bá Trác (1881-1945) về giữ chức Tuần vũ Quảng Ngãi năm 1930. Hay sư kiện này xảy ra với viên Tuần vũ Đoàn Đình Duyệt hay Tuần vũ Từ Thiệp (hai ông này trấn nhậm tại Quảng Ngãi từ khoảng năm 1910 đến năm 1916) chứ không phải là với Tuần vũ Nguyễn Bá Trác chăng?


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh