MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 8)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 36
VẤN: Bà Trúc Thi, Santa Ana: Trước kia, ngày nước ta còn bị Pháp đô hộ, có từ ngữ “Tiếng Bồi” – tiếng này chỉ những người nói tiếng Pháp mà không cần đúng hay sai từ giọng nói đến văn phạm, miễn sao diễn đạt được ý của mình cho các ông Tay hiểu là mình muốn nói gì, nhất là giới chạy bàn lúc bấy giờ trong các tiệm ăn. Tôi có lần tình cờ nghe qua nhưng không làm sao nhớ được. Bà cụ có nghe qua bài hát “Tiếng Bồi” này không?.
ĐÁP:
Từ ngữ “Tiếng Bồi” đúng như bà đã nói. Từ Bồi do chữ “Boy” thường chỉ cho những người “chạy bàn” – tức những người trai trẻ làm việc cho các nhà hàng ăn uống (Restaurant) bán thức ăn cho Tây. Đa phần những người chạy bàn này ít sành tiếng Pháp, nên chẳng cần văn phạm và phát âm có đúng hay sai để phục vụ cho thực khách người Pháp. Vì vậy mới có từ “tiếng bồi. Bài hát tiếng bồi đó tôi nhớ đại khái như sau:
“Hò ơ...ờ...Thượng thư, Thống soái, Thủ ngữ treo cờ ơ...ơ...hờ...
“Bu don (1) ôm lết (2) bí tết, xạc cờ rê (3), mũ ni (4) đánh bạo bây giờ sế ri (5) bỏ moa (6). Hò...ơ...hờ...
Mới ngày nào...”Toa (7) bảo Moa (8) “be dế” (9) để tỏ chút nhân tình...Mỏa (10) nào có khước từ chi mô... Nghĩ mà “xơ mét cô le” cha cha là giận..”
Bài hát này được truyền tụng trong đám bồi Tây riết đến nổi cả đám lính Lê Dương cũng thuộc lòng, buồn buồn các chú lính Tây mang ra ca hát trong các cuộc chén chú chén anh.
Các từ được ghi số bên cạnh theo từ của tiếng Pháp như sau:
1. Bouillon (canh xúp nước) 2. Omelette (chả trứng) 3. Beef – steak sacré (thịt bò Bít tết khả ố) 4. Menu. (Bảng chỉ thức ăn) 5. Chéri (yêu quí) 6. Moi (tôi). 7. Toi (mày). 8. Là tao 9. Baiser là (hôn). 9. Se mettre en colère...(giận dỗi)
VẤN: Ông Đinh Văn Thạch Reseda (CA): Sao gọi là ”Căn nguyên” và “Căn trần” xin bà cụ vui lòng chỉ giáo cho.
ĐÁP:
-“Căn duyên” gồm có 5 Căn chỉ về Căn Tính của người cùng cảnh ngộ. Còn “Căn trần gồm có 6 Căn và Sáu Trần ghép lại thành “Căn Trần“. Căn trần” gồm có 5 căn và 6 trần ghép lại thành “Căn Trần”. Nó có nghĩa đối với bên trong thì NHÃ, NHĨ, TỸ, THIỆT, THÂN, Ý...Còn đối với bên ngoài thì gồm: SẮC, HƯƠNG, VỊ, XÚC, PHÁP. Ý nói nhà tu hành cần làm sao giữ cho được trong sạch để không bị vẩn màu ô trọc.
VẤN: Ông Mai Ngọc Hà Westminster (Cali) “Bát Vị của Niết Bàn” là nghĩa gì?
ĐÁP:
Đó là: 1 Thường trụ. 2 Tịch diệt. 3 Bất lão. 4 Bất tử. 5 Thanh tịnh. 6 Thị không. 7 Bất động và 8 Khoái lạc.
VẤN: Nguyễn thị Đào, San Jose: Cháu muốn biết câu chuyện: 1/ Đường Minh Hoàng du ngoạn vùng rừng núi, mục đích để làm gì? 2/Sự khác biệt giữa Ngũ Lão và Bát Tiên. Bà cụ kể cho cháu nghe với.
ĐÁP:
1/ Vua Đường Minh Hoàng được một Đạo sĩ đưa đến viếng thăm các sắc tộc ở miền sơn cước, mục đích không ngoài để thỏa mãn lòng ước vọng cho nhà vua xem các vũ điệu dân gian tại miền rừng núi này.
2/ Ngũ lão với Bát tiên khác nhau. Ngũ lão là tiêu biểu cho Ngũ Hành tức Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ... Tương truyền khi vua Nghiêu đưa vua Thuấn lên núi Thú Sơn, có năm ông già (Ngũ Lão) đến thăm chơi. Còn “Bát Tiên” gồm có 8 chư tiên, đó là: Hán Chung Ly, Trương Quã Lão, Hàn Tương Tử, Lý Thiết Quày, Tào Quốc Cửu, Lữ Đồng Tân, Lâm Thái Hòa và Hà Tiên Cô.
VẤN: Ô. Vũ Như Hà Long Beach (Cali): Có câu danh ngôn ”Tất cả mọi gia đình đều có hạnh phúc giống nhau, nhưng bất hạnh thì mỗi nhà mỗi khác”. Bà cụ có nhớ câu danh ngôn này của ai không?
ĐÁP:
Câu danh ngôn này của Léon Tolstoi.
VẤN: Cháu Lữ Đồng Viên: 1. Cháu gốc Thái Trắng. Khi còn nhỏ thuộc bài ca Thái nói lên lòng tự ái của một cô gái sơn cước. Bây giờ thì quên rồi. Bà cụ có nhớ không? 2. Cháu muốn có lại bài Mười Hai Bến Nước xin chép lại hộ cho cháu.
ĐÁP:
Câu thứ nhất nói lên lòng tự ái của một cô gái miền sơn cước đó như sau:
“Em đâu cậy chân son má đào
Với tay lên trời hái sao;
Rày ước mai ao ra tỉnh
Hái hoa đỉnh núi đá!
Hoài công em nằm mơ
Mong ngóng chồng tài giỏi
Mòn mắt em trông chờ.
Hoa đào trong vườn cho em kén
Của nào trong nhà cho em chọn?
Dẫu được chồng tài giỏi,
Em làm sao giữ nỗi lòng mình?
Người tỉnh thành phải đâu ai cũng hạng thông minh,
Kẻ xấu núi mà đỗ trạng nguyên vẫn có,
Em ước lên tiên mà chẳng biến được thành rồng
Ước mãi hoài công, già mất thôi...
Đây là bài“Dân ca Thái”.
Câu thứ 2:
Mười Hai Bến Nước:
“Em hỏi thì anh xin thưa
Hoa kia trăm thứ biết em ưa hoa nào?
Hoa Gạo nhấm rượu trên cao
Lão đà lảo đão rơi nhào xuống đám cỏ may.
Hoa Lựu má đỏ hây hây
Hoa Ngâu chúm chím, hoa Bèo Tây bềnh bồng...
Mẫu Đơn trăm cánh trăm bông
Hoa Lan lẻ chiếc buồn không hả nàng?
Hoa Cứt Lợn sang thật là sang
Mình chê ta khó lấy quàng kẻ ngu
Hoa Quỳnh củ rủ cù rù
Các cô Thược Dược ỡm ờ đưa duyên
Má em như thể bông Sen
Ngón tay hoa Huệ,miệng em hoa Hồng
Để cho anh bế, anh bồng trên tay
Ước gì gió thổi hây hây
Để cho hoa đó lòng đây thơm cùng...”
VẤN: Cụ Nguyễn Nghĩa: Năm rồi tôi có qua Đài Bắc đọc được trong tập sao lục ca dao của một người ở địa phương. Trong đó có các câu:
1. Lão liễu kiểm bì, bão liễu đỗ bì.
2. Lã nha tiểu trư hắc, tự xú bất giác đắc.
Xin bà cụ giải hộ nghĩa cho.
ĐÁP:
Câu thứ nhất nghĩa như sau:
1: Da mặt càng dày da bụng càng căng.
Ta cũng có câu tục ngữ ý nghĩa cũng tương tự:
Mặt dày mày dạn, cố đấm ăn xôi.
Câu thứ 2 có nghĩa:
Quạ cười lợn đen, chẳng biết chẳng rằng mình lại xấu hơn.
Ta cũng có câu:
Lươn ngắn lại chê trạch dài
Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.
Hay câu:
Chuột chù chê khỉ là hôi,
Khỉ lại trả lời: Cả họ mày thơm”
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 37
VẤN: Cụ Đào Mộng Hoa (qua Inesta Ho) Dr. Schweitzer 93600 Aulway France: Xin bà cụ vui lòng giải nghĩa hộ các câu bên dưới:
1. Đăng quang thị hảo, bất cập hồng nhật chiếu không.
2. Một ngật tam thiên tố, tựu trượng đáo Tây Thiên
3. Ngật lão công, trước lão công.
4. Phú quý đa nhân hội.
ĐÁP:
1. Câu thứ nhất: Nguyên văn của câu, cụ viết nhầm một chữ. Thật ra câu này là:
“Đăng quang tuy hảo, bất cập hồng nhật chiếu không.
Có nghĩa:
Anh đèn tuy rạng, sao bằng mặt nhật hồng soi.
1.Câu thứ hai cụ cũng bị lầm một chữ khác.
Đó là: “Một ngật tam thiên tố,tựu trượng thướng Tây Thiên”.
Có nghĩa: “Chưa từng ba ngày chay lạt,lại hòng tấp tểnh đến Tây Thiên.”
Ta cũng có câu cùng ý nghĩa như câu tục ngữ trên, song có vẻ “lãng mạn”: “Học thì dốt, vợ tốt thì muốn.”
2. Câu này cụ thiếu mất một đoạn. Xin chép nguyên văn:
“Ngật lão công, trước lão công,
Táo lý vô sài thiêu lão công”.
Có nghĩa:
An của ông, mặc của ông
Trong bếp không dầu đốt nốt ông.
Ta cũng có mấy câu tục ngữ cùng một ý nghĩa:
“Ở chùa, đốt chùa“.
“Phản chủ đầu trâu
Ăn cơm nhà Phật đốt râu ông thầy nhà chùa.”
Tục ngữ Trung Hoa cũng có câu tương tự:
“Ngật bồ tát, trước bồ tát, táo lý vô sài thiêu bồ tát.
Có nghĩa:
An của Bồ Tát, Mặc của Bồ Tát,
trong bếp không dầu nấu luôn Bồ Tát.
4. Trọn vẹn của câu tục ngữ này:
“Phú quí đa nhân hội, bần cùng thân thích ly.”
Có nghĩa:
Giàu sang người bâu bám
Nghèo hèn thân thích xa.
Ta có câu:
Giàu sang nhiều kẻ tới nhà
Khó khăn nên nỗi ruột rà xa nhau.
VẤN: Cụ Vũ Như Thúc, Garvey Monterey Park (Qua Diệp Bảo Trung): Bà cụ có nhớ loạn Ngũ Hồ không? Loạn này ra vào thời đại nào? Nếu bà cụ còn nhớ xin nhắc lại hộ. Thành thật cảm ơn.
ĐÁP:
* Loạn Ngũ Hồ xảy ra vào thời Nhà Hán. Sau 400 năm thống trị, triều đại cuối cùng của Nhà Hán bị sụp đổ. Nhằm thời Hán mạt nên thiên hạ bị đại loạn. Tây Tấn thống nhất, nhưng chỉ thời gian ngắn. Không bao lâu toàn thể lục địa Trung Hoa bị chia làm hai, loạn Ngũ Hồ, Tấn thất bại bèn dời về phương Đông, gọi là Đông Tấn. Các nước Tống, Tề, Lương, Trần ở phương Nam xưng là Nam triều. Còn ở miền Bắc, các nước Bắc Ngụy, còn Bắc Tề, Bắc Chu xưng là Bắc triều. Về sau các nước này qui về với Tùy.
Ông Lễ Hữu Thọ, Orange County (Qua V. Hải): 1. Tôi chưa hiểu rõ về qui tắc mừng ngày cưới cũng như chia buồn phải viết như thế nào cho hợp lẽ. Ví dụ như muốn đăng báo chia buồn, đối với người qua đời trẻ phải viết như thế nào và đối với người già phải viết ra làm sao?
2. Ngày trước ở Việt Nam, trong đám tang ma thường viết “lá triệu”, và phải viết đúng luật, không được sai phép. Bà cụ có rõ về điều này không?
ĐÁP:
1. Ông chỉ cần nhớ là đối với người qua đời tuổi dưới 60, viết là “Hưlởng Dương” còn 60 tuổi trở lên thì viết “Hưởng Thọ”. Điều cần nhớ là với chuyện tang ma ta viết là “Chia Buồn”, còn chuyện hôn nhân thì là “Chung Vui”. Đối với chuyện hỉ sự thì Chung Vui”, còn chuyện tang ma thì “Chia Xẻ” nỗi buồn cùng tang quyến.
2. “Lá Triệu” cần phải viết đúng theo qui tắc, tính chữ đúng “Nam Linh, Nữ Thính”, rồi thêm hoặc bớt những chữ phụ để cho đúng số. Chữ “Phu Quân” dùng cho nam, chữ “Nữ Nhân” dùng cho nữ. Người quá cố nếu chỉ là hàng “sĩ thứ “ thì ta viết những chữ thích hợp với địa vị lúc sinh tiền, ví như: Học sinh, công nhân, thương nhân, nông nhân, lão bà, quả phụ v.v...Còn chữ Thụy là từ ngữ nói lên đức tính của người chết, ta chọn chữ cho thích hợp như đối với nam thì dùng các từ “dũng cảm, anh minh, hiền đức, cương trực...còn nữ thì dùng các chữ “hiền thục”, “trinh thục”, ”đoan chính” “mẫn thục” v.v...đại khái khi còn trong nước thời xa xưa là như vậy, hiện nay chúng ta đang sống ở Hoa Kỳ ít người còn bận tâm đế nữa!
VẤN: Ông Vũ Hà San Jose: Tôi muốn biết thế nào gọi là “Trạch Lôi Tùy và Trạch Phong Đại Quá”! Xin bà cụ giải thích hộ cho.
ĐÁP:
Trạch Lôi Tùy là Quẻ Đoài tức bùn lầy và Quẻ Chấn tức sấm sét nhập chung lại gọi tắt là Quẻ Tùy. Tùy có nghĩa là theo, phục tùng, hay qui thuận. Trên đời con người thường tuân theo lẽ phải. Ví như trong một quốc gia thì toàn dân phải tuân theo chính đạo, còn đạo làm người thì vâng theo lời dạy của thánh hiền....Đại khái như vậy.
Còn Trạch Phong Đại Quá là Quẻ Đoài tức đầm, bùn và quẻ Tốn (gió) nhập chung lại gọi tắt là quẻ Đại Quá. Đại Quá có nghĩa là to lớn. Đại ý nói là người lớn làm chuyện lớn, thuận với việc làm và hợp với sức mình.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 38
VẤN: Cụ Lương Duyên Hà Văn, Cagona Park: Tôi nghe bảo “Ứng dụng ngày sinh để tìm con số định mạng và gia tăng vận may” chuyện ấy có thật hay không?
ĐÁP:
Đây là câu chuyện thuộc về toán học. Tôi nhớ có đọc một bài viết có tính khảo luận nói về một thiên tài toán học: Pythagoras. Nhà toán học thiên tài này sinh tại Hy Lạp vào thế kỷ thứ VI tr.CN. Ông cũng chính là cha đẻ của ngành số học hiện đại. Pythagoras đã từng du hành khắp nơi, từ Âu Châu qua Ai Cập, đến cả các bộ lạc du mục không ngoài mục đích là để trao đổi thêm về kiến thức cũng như để học hỏi nền văn minh về số học.
Theo Pythagoras, các con số có ảnh hưởng rất lớn đến thời vận của con người. Nếu tử vi Đông Phương cho chúng ta biết chính xác về những thời điểm thăng trầm trong mệnh số thì các con số thời vận Tây Phương cũng giúp chúng ta xác định những từ trường thích hợp với các cơ hội cho vận hên để chúng ta có thể dựa vào đó tạo cho mình một ý thức hầu cầm nắm và thực hiện kế hoạch sống thích hợp với thời vận của mình.
Bí mật về cách giảng dạy bí truyền của nhà toán học đại tài này mãi cho tới khi ông qua đời gần 500 năm sau mới được tiết lộ bởi một đồ đệ hậu duệ của ông. Chẳng bao lâu các bí truyền này lan tràn khắp nơi,với sự ứng dụng và kết quả chính xác của nó. Từ đó người ta gọi là “Phương Pháp Pythagorean” để tìm hiểu và tự cầm nắm lấy vận mệnh mình. Dưới đây tôi xin thuật lại tài liệu đọc được qua một vài ví dụ như:
1. Ngày Sinh Và Con Số Định Mệnh:
Có lẽ trong cuộc đời của mỗi một người là con số Ngày Sinh, vì chính ngày ra đời là khởi điểm cho cuộc hành trình vào thế giới hiện hữu – cái thế giới vô cùng phức tạp đầy dẫy cảnh thăng trầm trong đời sống. Có lẽ vì vậy mà chẳng những tử vi Đông Phương mà luôn cả Tây Phương cũng đều coi trọng về ngày sinh trong khoa bói toán. Mỗi một con số tiêu biểu cho một từ trường, một sự ảnh hưởng và có sức mạnh vô địch gần như tuyệt đối. Dựa vào tư tưởng ảnh hưởng của sức mạnh này người ta có thể tìm ra những thời điềm có tương quan thuận lợi với con số định mệnh của mình để thực hiện những việc quan trọng trong suốt cuộc hành trình của cuộc đời.
Tưởng cũng nên biết nếu ngày sinh của quý vị là một con số đơn, thì đó chính là số vận mạng của đời mình. Trường hợp số thành đó lớn hơn 9, thì mang trừ cho 9 để tìm thấy được số đơn cho vận mạng v.v… Ví như: Những ngày 1, 10, 19, 28 là những ngày cho số 4. Những người có số vận mạng là 8 lại thích hợp với số 3 thì họ nên chọn những số 3 trong những vật sở hữu như chọn số điện thoại, chọn số phòng hay số xe chẳng hạn v,v…
Một thí dụ khác nữa như những ngày 3, trong số cọng của 1+2 =3 hay 21 (2+1=3) sẽ là những ngày họ có nhiều may mắn nhất.
Áp dụng cách tính như bên trên quý vị sẽ có cơ hội gặt hái được nhiều may mắn trong đời sống từ tình duyên, công việc làm đến các biến cố quan trọng khác.
VẤN: Ông Trịnh Hoàng Houston,Texas: Tôi còn nhớ trong lời giảng của một nhà Nho về con Quỳ, bảo rằng con Quỳ chỉ có một chân. Có đúng như vậy chăng?
ĐÁP: Có nhiều giải thích về con Quỳ. Như trong Sơn Hải Kinh ghi con Quỳ là con quái vật chỉ có “một chân”. Còn theo sách Thượng Thư, thiên Nghiêu điển thì nói rằng đó là vị nhạc quan của Thuấn. Trước hai luận điệu đó khiến Lỗ Ai Công hoài nghi bèn hỏi Khổng Tử: ”Có hai luận điệu: một đàng thì bảo là con quái một chân, còn một đàng thì là nhạc quan của Thuấn, vậy đàng nào đúng? Khổng Tử trả lời ngay không một chút suy nghĩ: “Khi người ta cho rằng Quỳ có một chân, chẳng phải vì Quỳ thực sự chỉ có một chân, thật ra người ta có ý muốn nói rằng, con người như Quỳ thì cần một chân là đủ rồi.”
VẤN: Ông Ngô Càn Vân, LA. Có một số danh tác trong Quốc Phong như các bài “rau hạnh”, xin bà cụ nhắc lại hộ.
ĐÁP:
Ngoài bài Quan quan thư cưu, còn các bài như “Sâm si hạnh thái” lời thơ lãng mạn như sau:
Sâm si hạnh thái,
Tả hữu lưu chi.
Yểu điệu thục nữ,
Ngu mi cầu chi.
So le rau hạnh lơ thơ,
Hái theo dòng nước ven bờ đôi bên.
U nhan thục nữ chính chuyên,
Nhớ khi thức ngủ triền miên chẳng rời.
(Tạ Quang Phát dịch)
Hay bài:
Cầu chi bất đắc
Cầu chi bất đắc,
Ngụ my tư bặc.
Du tai! Du tai!
Triển,chuyển,phản,trắc.
Muốn ăn rau hạnh theo dòng,
Muốn cô thục nữ mơ mòng được đâu.
Nhớ cô rằng rặc cơn sầu,
Cho ta đằn dặc dễ hầu ngủ yên.
(Tản Đà dịch)
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LUC 39
VẤN: Cụ Vũ Hà Nhân, Rosemead: Trong Tam Tự Kinh có hai đoan “Tam Cương” và “Tam Tài” song tôi quên. Xin bà cụ nhắc lại hộ và luôn cả giải hộ ý nghĩa của hai đoạn này.
ĐÁP:
“Tam Cương” có: Tam Cương Giả, Thiên Địa Nhân, Tam Quang Giả, Nhật Nguyệt Tinh. Tam Cương Giả, Quân Thần Nghĩa. Phụ Tử Thân, Phu Phụ Thuận.
Tam Tài: Thiên Tài, Địa Tài, Nhân Tài.
Tam Quang: Nhật Quang, Nguyệt Quang, Tinh Quang.
Tam Cương: Quân Thần, Phụ Tử, Phu Phụ
Đó là toàn bộ của ấy câu mà cụ muốn gợi nhớ lại. Nghĩa toàn bộ của mấy câu này như sau:
“Thế giới gồm có 3 phần: “Trời, Đất và Người. (Thiên, Địa, Nhân) gọi là “Tam Tài”. Ngoài ra còn có ba loại ánh sáng rọi tới Địa Cầu, đó là: Ánh sáng Mặt Trời, ánh sáng Mặt Trăng và ánh sáng của các vì Tinh Tú. Gọi đó là Tam Quang. Ý nghĩa của câu này: Con người muốn có quan hệ tốt với nhau thì phải theo ba cái cương lĩnh quan trọng: ”Giữa Vua và Quần Thần, để nói cái đạo nghĩa. Giữa Mẹ và Con Cái phải hòa hợp thân thiết với nhau. Giữa Vợ Chồng không tranh cãi với nhau. Làm được vậy nước nhà mới được thanh bình an lạc.
Nhân đây xin kể một giai thoại hầu cụ:
”Có một đêm kia Vua Nước Sở là Sở Trang Vương mở yến tiệc mời các quần thần ăn mừng cảnh nước nhà thanh bình an lạc. Tiệc đang tiến hành đến nửa chừng thì tự nhiên có cơn gió làm tắt hết các ngọn đuốc. Thừa cơ hội tối lửa tắt đèn có một vị quan đại thần đưa tay quờ quạng nàng nàng Quý Phi yêu yêu quý của Nhà Vua. Người quý phi không chịu nhục bèn túm lấy dãi mũ của của vị quan đại thần này tri hô lên rồi nghĩ bụng đợi đèn đuốc được thắp sáng lại sẽ tâu với Trang Vương trị tội. Nhưng Trang Vương thay vì chờ đèn sáng lên tìm hiểu nguyên nhân rồi trị tội kẻ đã làm điều bất chính, tự trách lấy mình, bỗng dưng đặt bày yến tiệc mời các đại thần và các tướng lĩnh đến mới xảy ra cớ sự nông nỗi như vậy. Trang Vương bèn lập tức ra lệnh hạ lên tất cả mọi người phải gở bỏ dãi mũ xuống và để nguyên tình trạng ngồi trong bóng tối tiếp tục nâng ly uống rượu như không có chuyện gì đã xảy ra. Qua một tuần rượu Trang Vương bèn hạ lệnh cho các người hầu bàn thắp sáng lại đèn đuốc lên và cho thấy tất cả các quan đại thần đều không có dãi mũ. Nàng Quý Phi đành chịu buông dãi mũ mà nàng túm trong tay kia ra và chẳng còn nhận diện được kẻ nào dám sàm sờ sờ soạng đến mình. Thế là mọi chuyện đều êm thắm.
Vài năm sau, nước Sở có chiến tranh với lân bang. Trong trận chiến xuất hiện một viên tướng rất anh dũng tả xung hữu đột lập được nhiều chiến công hiển hách. Về sau người ta mới biết ra người đó chính là người đã trêu ghẹo Quí Phi chẳng may bị tóm đứt dãi mũ. Để đền đáp ân tình nhà Vua biết mà tìm cách giải cứu tha cho tội lớn. Khá khen thay! Còn gì đáng khâm phục bằng.
VẤN: Cô Linh Văn Vân, Orange County: Bà cụ có nhớ bài ca dao nào nói về “nghĩa tào khang” không?
ĐÁP:
Có vài bài còn nhớ, xin ghi lại chuyển về cô như sau:
“Làm trai lấy được vợ hiền
Như cầm đồng tiền mua được của ngon.
Phận gái lấy được chồng khôn
Xem bằng cá vượt Vũ Môn hóa rồng.
Hai tay cầm bốn tô nôi
Tao thẳng, tao dũi, tao ngồi, tao mong.
Tao thì báo bổ mẫu thân.
Tao thì cắt nghĩa Châu Trần cùng anh.
Và các câu khác nữa như:
Cây khô nghe sấm nứt chồi
Đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương.
Trên Trời, dưới Đất, giữa Vua
Nên chi thiếp phải nhịn thua lời chàng.
Một câu nữa:
Rau răm đất cứng khó bứng dễ trồng
Dầu hay dầu dở cũng chồng của em…
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC40
VẤN: Ông Hà Văn Độ, Brookhurst Orange County: “Tướng bất nghiêm, quân bất phục”! Quân mà bât phục tắc loạn. Loạn thì ắt thế nước phải yếu. Nghe nói người xưa có sáu điều khuyên nhủ về thuật dụng binh. Vậy sáu điều khuyên nhủ ấy là gì?
ĐÁP:
Gia Cát Võ Hầu nhà Thục Hán đã từng khuyên nhủ sáu điều:
1: Giếng của quân binh chưa múc nước lên, thì Tướng không nên than khát (quân binh vị cấp tướng bất ngôn khát).
2. Cơm trong cơ binh chưa thổi, Tướng không nên than đói (Quân mễ vị xuy, tướng bất ngôn cơ).
3. Lửa trong doanh trại cơ binh chưa nhen nhúm, Tướng chớ nên kêu than rằng lạnh (Quân hỏa vị nhiên, Tướng bất ngôn hàn)
4. Màn trong doanh trại chưa giăng, Tướng chớ than van rằng nóng (Quân mạc vi duệ, Tướng bất ngôn nhiệt).
5. Mùa Hạ không phe phẩy quạt, tiết Đông thiên không mặc áo dày (Hạ bất thao phiến, đông bất phục cầu).
6. Mưa không giương lọng che, Tướng phải biết hòa mình như thân phận của những người dưới trướng (Vũ bất trương cái, dữ chúng đồng giã.)
Đó là sáu điều mà ông muốn nhắc đến.
VẤN: Ông Võ Thành, Monterey Park: Xin giải hộ cho hai câu tục ngữ như sau:
1. Tái hồi đầu dĩ bách niên thân.
2. Bất nhận lão hương thân.
ĐÁP:
Câu thứ nhất có nghĩa:
Lỡ bước một phen nghìn đời ân hận
Quay đầu nghĩ lại chín suối ngậm ngùi.
Ý nói:
Một phút lỡ lầm, nghìn năm ân hận.
Câu thứ hai ông thiếu mất một câu. Nguyên hai câu như sau:
Nhất bộ đăng cao tựu
Bất nhận lão hương thân.
Có nghĩa:
Một bước lên cao, quên tình quê cũ.
Tục ngữ ta cũng có câu: “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ.
VẤN: Bà Nguyễn Lan Canoga Park: Xin nhắc lại hộ bài thơ “Mẹ Mốc” của Nguyễn Khuyến. Cám ơn bà cụ.
ĐÁP:
Bài Mẹ Mốc của Nguyễn Khuyến như sau:
So danh giá ai bằng mẹ Mốc!
Ngoài hình hài gấm vóc cũng thêm ra
Tấm hồng nhan đem bôi lấm, xóa nhòa
Làm như thế cho qua mắt tục
Ngoại mạo bất cầu như mỹ ngọc
Tâm trung thường thủ tựa thiên kim
Nhớ chồng con muôn dặm xa tìm
Giữ son sắt êm đềm một tiết
Sạch như nước, trong như ngà,
Trắng như tuyết
Mảnh gương trinh vằng vặc
Quyết không nhơ
Đáp tai ngoảnh mặt làm ngơ
Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây
Khôn em dễ bán dại nàt!
VẤN: Cụ Nguyễn Xiễn, Alhambra: Nghe nói thời Tam Quốc có những hai Không Minh, thật vậy chăng?
ĐÁP:
Thật vây. Trong lịch sử Trung Hoa thời Tam Quốc có đến hai Khổng Minh. Cả hai đều trí tuệ siêu phàm.
Một là Thừa tướng nước Thục ở phương Nam, đó là Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh.
Còn Khổng Minh thứ hai, tức ẩn sĩ nước Ngụy, phương Bắc tên là Hồ Chiêu. Ông Khổng Minh này ít người biết đến. Hồ Chiêu người Đĩnh Xuyên, lớn hơn Gia Cát Lượng 19 tuổi. Hồ Chiêu suốt đời không chịu ra làm quan, luôn ẩn cư trong núi. Chư hầu Viên Thiệu đã từng thân hành đến tận cửa để vời ông ra giúp. Tào Tháo cũng cho sứ giả đến triệu, nhưng ông cũng một mực chối từ. Vì sợ những kẻ quyền uy quấy rầy, ông dời đến Lục Hồn Sơn ẩn mình. Mãi đến khi Viên Thiệu chết, Ngụy chủ là Tào Phương lại phái sứ giả mang xe vào sâu trong núi, nơi ông đang ở ẩn để vời ra làm quan nhưng ông vẫn nhất mực từ khước. Hồ Chiêu để lại cho đời một câu danh ngôn như sau:
“An giả tại sơn, tiểu giả diệc tại sơn, tại sơn tắc đồng, sở dĩ sơn tắc dị”. Câu này được ghi lại trong Tấn Thư của Tàng Vinh Tự, người Nam Tề, và trong sách Chiêu Minh Văn Tuyển của Lý Thiện, đời Đường.
VẤN: Bà Nguyễn Anh Hoa, Philadephia: Bà cụ có nhớ “Bài Hát Đố” không? Nếu được xin cụ chép lại hộ cho.
ĐÁP:
Bài Hát Đố đó như sau:
Ở đâu, năm cửa nàng ơi!
Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng?
Sông nào bên đục bên trong?
Núi nào thắt cổ bồng mà có thánh sinh?
Đền nào thiêng nhất tỉnh Thanh?
Ở đâu lại có cái thành Tiên xây?
Ở đâu là chín từng mây?
Ở đâu lắm nước, ở đâu lắm vàng?
Chùa nào mà lại có hang?
Ở đâu lắm gỗ thời nàng biết không?
Ai mà xin lấy túi đồng?
Ở đâu lại có non sông Ngân Hà?
Nước nào dệt gấm thêu hoa?
Ai mà sinh ra cửa ra nhà chàng ơi?
Kìa ai đội đá vá trời?
Kìa ai trị thủy cho đời được yên?
Anh hỏi em trong bấy nhiêu lời,
Xin em giảng rõ từng nơi từng người.
- Thành Hà Nội năm cửa chàng ơi!
Sông Lục Đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng.
Nước sông Thương bên đục bên trong.
Núi đức thánh Tản thắt cổ bồng mà lại có thánh sinh.
Đền Sòng thiêng nhất tỉnh Thanh,
Ở trên tỉnh Lạng, có thành tiên Xây.
Trên trời có chín từng mây
Dưới sông lắm nước, núi nay lắm vàng.
Chùa Hương Tích mà lại ở hang,
Trên rừng lắm gỗ thời chàng biết không?
Ong Nguyễn Minh Không xin được túi đồng
Trên trời lại có con sông Ngân Hà.
Nước Tàu dệt gấm thêu hoa
Ong Hữu Sào sinh ra cửa, ra nhà, chàng ơi!
Bà Nữ Oa đội đá vá trời
Vua Đại Vũ trị thủy cho đời yên vui.
Anh hỏi em trong bấy nhiêu lời
Em xin giảng rõ từng nơi từng người.
Còn tiêp
THINH QUANG