MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 9)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 41
VẤN: Cụ Lương Trọng, Monterey Park (CA). Tôi thường nghe nói đến Pháp An cũng như từ “Thủ Lăng Già“, xin bà cụ giải hộ ý nghĩa của hai danh từ này.
ĐÁP:
Pháp An mà cụ đề cập đến là Mudrâ. Nó biểu tượng như phù hiệu, chẳng khác nào các thủ lệnh của nhà binh, thường dùng tay để sử dụng. Tuy nhiên cũng có nhiều phái sử dụng “Pháp An” bằng cả chân hoặc đứng hay ngồi. Đó là chưa kể một vài phái dùng đến cả “thiệt hầu” tức là lưỡi nữa
Theo chân ngôn tông nếu dùng “An” thì :
- Bàn tay mặt biểu tượng cho cõi Phật.
- Bàn tay trái biểu tượng cho cõi Người.
- Ngón tay cái biểu tượng cho vũ trụ càn khôn.
- Ngón tay trỏ biểu tượng cho Phong (gió)
- Ngón tay út biểu tượng cho Thổ (đất).
Các loại “ấn pháp”:
Thần ấn: Bắt ấn linh nhập vào trí tuệ.
Phục Ma ấn bắt ấn trừ tà.
Chư hạnh vô thường ấn.
Chư pháp vô ngã ấn.
Niết Bàn tịch tỉnh ấn.v.v...
Có dịp tôi sẽ đề cập đến ý nghĩa của 3 pháp ấn bên trên, riêng phần này tôi chỉ xin đề cập về ấn pháp của Mật Tông, đó là những hành ấn chỉ áp dụng chung với Linh Phù và Thần Chú.
Mãi đến ngày nay vẫn chưa thấy có sách vở nào ghi rõ có bao nhiêu hành ấn đã được phổ biến ngoại trừ 172 hành ấn, trong ấy có 36 hành ấn thường được sử dụng. Bộ Nhất Bách Thất Thập Nhị Pháp Ấn được chia ra như sau:
a. Thập lục nguyên khởi ấn: được phổ biến.
b. Thập lục phục ma ấn: tùy trường hợp phổ biến.
c. Thập lục luân hoàn ấn: có thể được phổ biến.
d. Thập lục nhân linh ấn: tùy nhân duyên phổ biến.
e. Nhị thập bát thượng tinh ấn: tuyệt đối không được phổ biến.
2. Trong Mật Tông, ngoài diệu pháp Liên Hoa Kinh, Thủ Lăng Già Ma Súramgama hay là Thủ Lăng Nghiêm đã được hàng ngàn học giả trên thế giới phiên dịch. Đầu tiên là hòa thượng Bát Lạt Mật Đế (Paramiti) đã dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán truyền bá nơi vùng miền Đông Đô vào đời nhà Đường. Thủ Lăng Nghiêm là bộ kinh đại thừa. Nội dung của kinh hàm dưỡng tư tưởng Thiền quán và Mật giáo. Thiền quán có nghĩa truy về cội nguồn tự tánh chân tâm. Mật giáo là Thần chú với sức vạn năng tiêu trừ nghiệp chướng của Bác Nhã, và Chứng Đắc Nhất Thừa Diệu Pháp của kinh Pháp Hoa.
VẤN: Ông Nguyễn Phú Quí: Đức Khổng Tử quê nơi nào? Triết thuyết của người là gì? Bà cụ biết xin nhắc lại hộ. Thành kính cám ơn.
ĐÁP:
Đức Khổng người xã Xương Bính, huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông hạ lưu sông Hoàng Hà, dòng dõi nước Tống tỉnh Hà Nam. Tổ ba đời của Ngài sang ở Lỗ, tức tỉnh Sơn Đông. Thân phụ Ngài là Thức Lương Ngột nguyên là một võ quan. Người vợ trước cụ Thúc Lương Ngột sinh được 9 người con gái. Tiếp đến người vợ thứ hai sinh được một trai tên là Mạnh Bì. Nhưng tiếc thay người con trai này bị tật nguyền (què một chân). Mãi đến lúc tuổi già mới lấy được bà Nhan Thị, sinh ra Khổng Tử vào tháng 10 năm Canh Tuất, đời Chu Linh Vươngthứ 21. Khi sinh ra, Ngài được đặt tên là Khâu, tự là Trọng Ni.
Triết thuyết của Ngài là “Thuyết Nhân” chỉ cho sự hiếu để. “Nhân” của Khổng Tử không phải để yêu không mà còn cả ghét nữa. (Luận Ngữ, Lý Nhân: ”Duy chỉ người có đức Nhơn” mới có thể yêu, mới có thể ghét người”)
VẤN: Ông Nguyễn Cao, Thomas Ave. St. Paul, MN. Có lần tôi đọc thấy một câu trong một tập sách như sau:
“Mây đùn mấy đám tự nhiên
Chim bay mỏi cánh đã quen lối về!”
Chẳng biết câu thơ này của tác giả nào? Và 2. Bà cụ nhớ nhắc cho một số câu ca dao nói về “nỗi tương tư”, nếu được thật không gì quí giá bằng.
ĐÁP:
Câu này của Đào Tiềm. Ca dao Trung Hoa cũng có câu tương tự:
Lưu thủy hạ than phi hữu ý
Bạch vân xuất tụ bản vô tâm.
Ý nghĩa cũng tương tự như vậy.
Mây đùn mấy đám tự nhiên
Chim bay mỏi cánh đã quen lối về.
2. Xin ghi lại một số câu ca dao nói về nỗi tương tư như sau:
- Chiều chiều mây phủ Sơn Chà (có nơi gọi là Sơn Trà)
Lòng ta thương bạn, nước mắt và lộn cơm.
Đêm qua mở ngỏ đợi anh
Đêm nay nước mắt long lanh hai hàng.
Tay ôm bó mạ xuống đồng,
Miệng ca tay cấy mà lòng này những nhớ ai!
Anh về thấy cảnh thêm buồn
Nhành mai ủ dột, vách tường nhện giăng.
Bởi thương nên ốm nên gầy
Cơm ăn chẳng đặng gần đầy ba trăng.
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người thục nữ mỹ miều thuở nao!
Anh xa em chưa đầy một tháng
Nước mắt lai láng hai mươi tám đêm ngày.
Bao giờ cạn lạch Đồng Nai,
Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền...
VẤN: Cụ Vũ Toàn, Orange County: Tôi nghe có bản “Văn Đàm Tế”, nhưng không hiểu bài văn này là gì! Bà cụ nhớ xin giải thích hộ. Cám ơn bà cụ rất nhiều.
ĐÁP:
Bài Văn Đàm Tế là bản văn tế khi để tang cho cha mẹ được 27 tháng (sau đại tường 3 tháng). Lễ đó gọi là “Đàm Tế”
VẤN: Cụ Đỗ Mậu, Rosemead: Bà cụ còn nhớ các loại giấy bạc Đông Dương ngày trước không?
ĐÁP:
Bạc Đông Dương ngày xưa có nhiều loại như sau:
1. Tờ Năm Trăm có hình hình ảnh hai phụ nữ Pháp đang đứng ngay giữa tờ giấy bạc. Bên trên có hàng chữ lớn: BANQUE DE L’INDOCHINE. Nơi góc hai bên có in số 500, Bên góc trái tờ bạc khi ta cầm nhìn thấy có hai chữ lớn ghi số tiền:”CINQ CENTS PIASTRES. Dưới đó là bốn hàng chữ nhỏ li ti, nếu chú ý đọc sẽ thấy phía trên hai chữ ký là hàng chữ nói về chức vụ của hai người ký trên tờ giấy bạc: Le président et le Directeur Général v.v.. Phía bên lưng sau đồng 500 này cũng vẫn hình ảnh của hai phụ nữ như bề mặt tờ giấy bạc 500 này.
2. Tờ giấy bạc MỘT TRĂM, bề mặt là hình của một người phụ nữ và cũng có hàng chữ Banque De L’Indochine và hai chữ lớn bên dưới ghi CENT PIASTRES. Phía bên sau tờ bạc Một Trăm có ghi hàng chữ Hán cạnh hai con voi và bên mặt là hình của một chàng trai bản xứ. Con số 100 đóng khung (in nơi giữa tờ bạc bên phía dưới).
3. Tờ bạc Hai Mươi Đồng cũng tương tự, tuy nhiên trên là hình ảnh các vị Phật hay thần linh của người Cao Miên và người Ai Lao thờ phượng. Bên dưới hình người phụ nữ một dòng chữ Việt ghi “GIẤY HAI CHỤC ĐỒNG” Đồng thời còn có hàng chữ Hán nhỏ bên cạnh hàng chữ Cao Miên lúc bấy giờ.
4. Giấy Năm Đồng có in hình Chùa Tháp, chữ Miên, chữ Lào và một hàng chữ Việt Nam lớn chạy dài bên dưới tờ Năm Đồng này.
5. Tờ bạc MỘT ĐỒNG, bên phía tay trái có in hình ảnh một người phụ nữ ăn vận kiểu người Bắc Việt. Bên trên có hàng chữ Banque De L’Indochine, ngay góc mặt còn ghi con số 1 lớn. Nơi giữa và phía dưới tờ bạc hàng chữ Pháp nói về trị giá của tờ giấy bạc “UNE PIASTRE. Lật bên sau có hình một thanh niên gánh dưa đi bán. Vì vậy mà lúc bấy giờ gọi là “Đồng Bạc Gánh Dưa”. (Tưởng cũng nên biết lúc bấy giờ đồng Đông Dương trị giá cao hơn đồng Franc của Pháp và tương đương với đồng Dollar của Hoa Kỳ. Dưới đó là các loại bạc giấy 50 CENTS (năm chục xu) gọi là NĂM HÀO. Dưới tờ 50 Cents còn có loại bạc giấy 5 Cents gọi là tờ NĂM XU. v.v... Đại khái là vậy, về sau còn nhiều loại bạc khác nữa.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 42
VẤN: Ông Lê Hữu Trí, Van Nuys: Tôi có lần nghe qua về vị thuốc Đông Trùng Hạ Thảo, nhưng không biết rõ về tác dụng của vị thuốc này như thế nào? Nghe nói mãi đến ngày nay khoa học chưa tìm ra sự bí ẩn của sự biến hóa của vị thuốc thần kỳ này, có phải như vậy không, thưa bà cụ?
ĐÁP:
Đông Trùng Hạ Thảo (Cordyceps Sinesis Sace) là một loại thuốc đại bổ, chữa được nhiều chứng nan y, từ hơn hai ngàn năm nay được các nhà Đông Y hay dùng đến. Nó được xem là vị thuốc thần. Sự sinh hóa của Đông Trùng Hạ Thảo thật vô cùng kỳ thú. Nó có hai thể chất chung nhau sinh biến cùng một thể dạng kỳ lạ trong mùa Đông và mùa Hạ. Khi trời còn đương trong mùa Hạ nó là một thân thảo có lá, thân, rễ xanh tươi giống như các thân thảo khác. Điều kỳ diệu là là khoảng khi trời gần tàn Thu thì biến dạng như sau: trong ruột cây hóa ra một con vật như loại côn trùng, loại trùng này từ từ lớn lên cho đến khi các vỏ, thân và gốc cây tiêu tan thì lộ ra một loài động vật có thể dạng đầy đủ lông cánh. Loại vật này có 12 chân dài, chia ra làm hai hàng, mỗi bên sáu chân. Đến khoảng mùa Đông con vật bắt đầu thoát ra toàn diện để hoạt động. Và, đến những ngày cuối cùng của tiết Đông thiên con vật có 12 chân này từ giã thế giới động vật để trở về với thế giới với xã hội thực vật nằm yên ngủ trong các khu rừng u tịch.
Đông Y đã biết được sự kỳ bí này tiềm ẩn được tính vô cùng quý báu của nó đề chế biến thành nhiều dạng dược phẩm dùng chữa trị các bệnh như:
- Sưng phổi và sưng màng phổi
- Chứng ho lao và tụ đờm
- Hen suyển
- Thổ huyết
- Các chứng phong thấp và ra mồ hôi tay
- Thần kinh suy yếu hay suy nhược của người già
- Các chứng suy thoái sinh lý của nam nữ cũng như các chứng tảo tinh và lãnh cảm...Đại khái là như vậy.
Câu thứ hai của ông hỏi là cho đến ngày nay khoa học vẫn chưa tìm ra được một cách chính xác tại sao nó lại có sự sinh hóa kỳ lạ như vậy?
VẤN: Cụ Văn Học Khổng, Los Angeles: Nghe nói từ khi có Kinh Dịch xuất hiện, Đông phương đã chia nhau nhiều môn phái để luận giải và đề xử dụng bộ kinh này. Vậy bà cụ có biết đó là các môn phái nào và họ đã xử dụng ra làm sao?
ĐÁP:
Kể từ khi có Kinh Dịch ra đời như ông nói tại Đông phương có nhiều môn phái mang ra nghiên cứu và xử dụng cho phái môn của mình. Như:
- Theo Nho giáo thì xem đây là bộ sách bói toán cát hung.
- Theo Phật giáo xem đây là bộ Kinh soi sáng thêm đời sống con người với vũ trụ.
- Theo Mật Tông thì đây là bộ Kinh dành để nghiên cứu về sự vận chuyển của từ lực của con người với các đối thể hiện hữu chung quanh.
- Theo Tân Gia Mặc Pháp thì đây là bộ Kinh tôi luyện tư tưởng và dùng nó để khắc chế thiên nhiên.
- Theo các tư tưởng Tây phương gọi nó là pho triết học uyên bác có khả năng chuyển cải
- Tư tưởng bất thuần động của nhân loại.
Với khái niệm này tùy thuộc vào mỗi nơi, mỗi tôn giáo, tùy theo mỗi quốc gia hay địa phương áp dụng theo nhãn quan theo đặc tính của họ. Ví như phái Võ Đang với môn huy là thái cực, dùng Kinh Dịch để lập thành chiêu thế như:
- Thái Cực đại tâm quyền
- Càn khôn kiếm
- Hỏa muội phong sơn côn
- Địa tấn thương
- Lôi tùy giang hành trảo...
Tưởng cũng nên biết rằng bộ quyền cao đẳng vi diệu nhất của Võ Đang do Trương Tam Phong khi thọ được 103 tuổi lúc sắp chết đã minh ngộ lập thành sau khi đã tịnh giải được quẻ: Thủy Phong Tĩnh tức là bộ thái cực quyền gồm 108 thế, chia làm 12 phần, mỗi phần 9 thế. Mười hai phần này chuyển vào 12 kinh mạch của con người v.v...Có dịp tôi sẽ trình bày rõ thêm.
HỎI: Ông Văn Đông Hà, Monterey Park: Xin bà cụ nhắc hộ cho hai câu:
1. Tôi còn nhớ ý của hai câu tục ngữ Trung Hoa nói về muốn mượn cái kia lại chỉ cái no.
2. Câu thứ hai y nói người sống còn hơn cả của cải.
ĐÁP:
Câu thứ nhất: “Chỉ cốc, tá mễ”.
Có nghĩa:
Chỉ thóc mượn gạo” hay “Trông giỏ, ngó thời”.
1. Nguyên văn câu tục ngữ Trung Hoa:
“Chung thân bạch cốt mai thanh trùng
Nan bả hoàng kim mãi hắc đầu”
Có nghĩa:
Một đời xương trắng vùi mồ biếc
Khó đổi đầu đen, dẫu lắm vàng.
Ta cũng có câu:
Người sống hơn đống vàng.
Hay:
Một mặt người bằng mặt của.
VẤN: Ông Phùng Hữu, Orange County: Xin bà cụ giải thích hộ nghĩa và sự tích của “Phù Chú” như thế nào?
ĐÁP:
“Phù chú” gồm có hai thứ là “Phù lục và Chú ngữ. Phù chú là một phần của vu thuật giữa một phần rất quan trọng trong văn học sử Trung Hoa. Tôi đã có lần giải cho một vị độc giả cũng cùng trên mặt báo “Thằng Mõ”. Đạo Phù là một thứ đồ hình và văn tự đầy tính thần bí của đạo Vu từng sử dụng. Người ta còn gọi Đạo Phù là “Phù văn, phù thư, phù thực, phù triện, phù lục, phù đồ, giáp mã...Đạo phù xuất xứ từ Tây Vương Mẫu. Thời Đông Hán Tây Vương Mẫu được thờ thành thần của Đạo giáo. Theo Chẩm Trung Thư thì Tây Vương Mẫu là con gái của Nguyên Thủy thiên tôn là vị thần tối cao của Đạo giáo trên cả Thái Thượng Lão Quân.
VẤN: Cụ Đỗ Quang Hoa, Chinatown LA. Bà cụ có nhớ thiên thứ nhất của Ngũ Thiên Tị không? Nếu được xin nhắc lại hộ. Cám ơn nhiều.
ĐÁP:
Đệ Nhất Tiết Khai Thuyết như sau:
THỪA nhân, NHÀN vắng, HẠ rồi
KIỀN trời, KHÔN đất, TÀI bồi, TRỒNG vun.
TÍCH xưa, TỰ chữ, DO còn
QUAN xem, SOẠN soạn, VIÊN tròn, THIÊN thiên.
VI làm, ÂM tiếng, TRÍ nên
PHƯƠNG thơm LƯU để, BIÊN biên, ĐẠI đời.
THIÊN trời, ĐỊA đất, NHÂN người
QUẦN bầy, TỨ mọi, LOẠI loài, THÀNH nên
PHÁN chia, HẠ dưới, THƯỢNG trên
SINH sinh, KẾ nối, TRUYỀN truyền, CỬU lâu
TỰ từ, TIỀN trước, HẬU sau
ĐẠT thông, LÝ lẽ, THÂM sâu, TỪ lời.
VẤN: Cư Sĩ Tịnh Hải Orange County: Quan niệm của Thiền tông Phật như thế nào?
ĐÁP:
Theo Thiền tông thì ”Bản tính là Phật”,”Tự tâm là Phật”, Phật tính là bản chất duy nhất của nhân tính. Hay nói cặn kẽ hơn loại “linh tri” là loài hiểu biết linh thiêng ấy mới chính đó là Phật tính. Tuy nhiên Phật tính thường bị võng niệm che lấp đi làm cho Phật tính không biểu hiện được, cho nên cần phải “bản giác”. Thế nào là bản giác? Nhiều người hỏi như vậy. Bản giác là tự ngộ, tự giác, muốn sao cho bản giác thành tựu được chỉ cần vứt bỏ cái “võng niệm” đi. Vị tổ thứ sáu của Thiền tông là Huệ Năng dạy rằng: ”trong phút chốc mà suy nghĩ sai lạc ắt bị diệt, hiểu biết tự tính, giác ngộ mà đến đất nước Niết Bàn (nhất sát na gian, vọng niệm cụ diệt, nhược thức tự tính, nhất ngộ tức chí Phật địa). Đốn Ngộ là ở nơi lời lẽ này. Cư sĩ chiêm nghiệm sẽ thấy rõ.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 43
VẤN: Cụ Hà Huy Hoàng, San Jose: Tôi được biết sơ lược về “Ngũ Tàng Sinh Thành Thiên” trong Hoàng Đế Nội Kinh song không được thấu triệt, bà cụ có biết xin giải thích hộ cho.
ĐÁP:
Cứ vào Hoàng Đế Nội Kinh nói về cái Năm Tàng là điểm chủ yếu của con người. Có không ít giai thoại nói về nỗi quan tâm của Hoàng Đế về sức khỏe mỗi ngày mỗi suy giảm khiến lo cho tuổi thọ của mình. Một hôm Hoàng Đế cho mời Kỳ Bá lại hỏi:
- Trẩm cảm thấy càng lúc long thể bất an. Hà cớ sinh ra như vậy?
- Phàm cái gì cũng vậy, hễ thái quá thì bất cập.
- Cái gì gọi là thái quá?
- Ăn nhiều, ngủ nhiều, hoang lạc nhiều.
- Ăn nhiều là bổ, ngủ nhiều là khỏe, hoan lạc nhiều là biểu tượng của sự sung túc. Cớ sao gọi lại là thái quá?
- Phàm cái gì cũng vừa phải. Ăn vừa phải, đủ no. Uống vừa phải để cho máu huyết lưu thông. Ngủ vừa phải đúng theo qui luật của trời đất. Ngược lại, cái gì thái quá ắt phải có hại. Phàm “ngũ hành” có tương sinh nhưng không phải là không có tương chế. Không thẻ thiên cái nào. Vì vậy phải biết trung dung giữ cân bằng cho sự sống.
- Vậy phải làm thế nào?
- Đừng ăn mặn thái quá, đừng dùng nhiều thức ăn đắng thái quá, và cũng đừng ăn ngọt nhiều quá.
- Điều này trẩm chưa chưa rõ lắm.
- Ăn mặn nhiều sẽ bị thương “tâm” bởi “thủy vị” thái quá, ví như nước bị đọng sẽ có cơ bị “úng”. Nước mà úng đất sẽ bị thối đi. Ví như “tâm” bị nước tràn đầy ắt sẽ làm cho thương tổn. Chớ ăn quá nhiều vị đắng khiến cho hỏa ngùn ngụt bốc lên làm thương tốn đến phế. Phế mà bị thương tổn da dẻ sẽ bị khô đi râu tóc phải rụng. Cũng không nên dùng vị cay, bỏi vị cay làm tổn hại đến gan làm cho gân bi co rút lại, các móng tay chân trở thành khô khan, dòn gãy. Cũng như người ăn nhiều vị chua ắt khó lòng tránh khỏi thương “tỳ” tai hại không ít.
- Thế nào là tai hại không ít?
- Thịt sẽ dồn lại. Môi mép sẽ rộp đi. Ăn nhiều đồ ngọt cũng làm tổn thương đến thận. Thận bị tổn thương tóc rụng, xương đau…Năm vị Ngọt, Mặn, Đắng, Cay, Chua cốt để nuôi Tàng…không có không được nhưng có điều không nên lạm dụng.
Hoàng Đế ngẫm nghĩ giây lâu gật đầu rồi hỏi:
- Thế nào là lạm dụng?
- Ngũ hành có tương sinh, tương chế, nếu chiều theo sở thích thì ắt phải phạm điều “tương tặc” khiến người trẻ chóng già, da khô cằn cỗi, thì làm sao giữ được màu tươi nhuận?
- Vậy những vết nhăn trên mặt trẩm có phải vì lão hóa chăng?
- Sinh, Lão, bệnh, Tử là chuyện thế thường. Tất cả mọi loài, mọi vật đều nằm trong qui luật. Sinh ra, lớn lên, bệnh hoạn, chết chóc…chẳng ai tránh được. Tuy nhiên có những người già hơn trước tuổi, chỉ bởi tại vì thái quá trong sịnh hoạt hàng ngày. Có người mặt mày ngã màu u ám như sắc cỏ úa tàn, có người mặt vàng, da bũng, có kẻ mặt biến thành xám sịt và cũng có người đỏ sẩm y như màu huyết tụ v.v…Với những ai có các sắc diện này khó lòng tồn tại.
- Trong năm sắc khanh vừa nói đó, ta nằm ở sắc diện nào?
- Hoàng Đế thì chưa, da dẻ hồng hào, thần sắc còn hiện lên vẻ bóng nhoáng mỡ màng. Muốn giữ được sắc tươi nhuận như vậy được dài lâu xin Hoàng Đế phải biết tránh những gì thái quá… Đó là “Ngũ Tàng Sinh Thần Thiên”.
VẤN: Cháu Nguyễn Hải Hà, Virginia: Bà cụ có nhớ câu ca dao “Thói Hay Chế Giiễu” không?
ĐÁP:
Ở sao cho vừa lòng người
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê;
Cao chê ngỗng, thấp chê lùn
Béo chê béo trục béo tròn
Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra.
VẤN: Bà cụ Vũ Uyên, Orange County: Trong bài thơ “Lục Vân Tiên đánh bọn cướp, cứu nàng Kiều Nguyệt Nga” có hai câu:
“Đề được tỏ căn nguyên
Dở hay sẽ liệu kinh quyền giúp cho”.
Vậy hai danh từ “căn nguyên” cũng như “kinh quyền”là nghĩa làm sao?
ĐÁP:
1. Căn nguyên: là Đầu mối. Giải riêng ra từng từ: Căn có nghĩa rễ cây. Nguyên là nguồn nước. Tức là duyên do, gốc tích.
2. Kinh quyền: Xuất xứ từ câu: Xử thường chấp kinh, xử biến tòng quyền. Ở vào cảnh bình thường thì giữ lấy đạo thường, nhưng gặp phải cơn nguy biến thì tùy theo tình thế mà đối phó.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 44
VẤN: Ông Nguyễn Hồng Hà,
ĐÁP:
Đó là Trần Hậu Chủ tức Trần Thúc Bảo được xem là vị hoàng đế phong lưu hào sảng nhất lúc bấy giờ. Người đời xưng tụng là “Văn Nghệ Hoàng Đế”. Đúng như lời xưng tụng đó, nhà vua chỉ tuyển chọn các cung phi mỹ nữ toàn là những thiên tài văn nghệ. Trong số này có nàng Viên Đại Xả làm chức Nữ Học Sĩ. Suốt ngày đêm nhà vua vui chơi với các nàng quý phi hoặc mở yến tiệc khoản đãi các nhà văn thơ nổi tiếng trong thiên hạ cùng nhau xướng họa. Nhà vua cho lựa chọn những kiệt tác cho in ấn hoặc cho phổ nhạc...Bài thơ nổi tiếng nhất được nhà vua ca tụng không tiếc lời “Ngọc Thọ Hậu Đình Hoa”, “Lâm Xuân Lạc” có những lời lẽ ca tụng sắc đẹp của Dương Quý Phi và Khổng Quý Tân là hai nàng quý phi được nhà vua sủng ái nhất.
HỎI: Ông Vũ Quân,
ĐÁP
Câu bà hỏi có hai vế:
“Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa”.
Ý nói:
Người kỹ nữ đâu biết căm hận về nỗi mất nước, nên bên kia sông còn vẳng lại khúc Hậu đình hoa.
HỎI: Bà Tường Hy, Van Nuys: Tôi muốn biết: cái gì không thể trốn được cũng như cái gì không thể cầu được? Xin bà cho biết.
ĐÁP:
Cái mà Thượng Đế đã phú cho mình, ta không thể cầu mà cũng chẳng thể nào trốn tránh được. Lão Tử đã nói: “Các an kỳ sở an, bất an kỳ sở bất an”. Vì vậy, nên biết an phận mà vâng theo cái “Mạng” do Thượng Đế đã an bài. Tốt nhất phải biết mình. Biết được mình thì không bôn chôn đau khổ, không phát sinh ra điều giận hờn ghen ghét. “Tự tri bất tự kiến, tự ái bất tự quý” Biết mình để an mạng chứ không phải để xem mình là bậc trên trước,mẫu mực. Không nên chỉ thấy có mỗi mình mà không thấy người. Không nên chỉ biết lấy riêng rẻ bản thân mình mà khinh khi kẻ khác.
VẤN: Có mấy câu tục ngữ chữ Hán, xin bà cụ giải nghĩa hộ cho:
1. Chi ma luc đâu quan.
2. Chủy ngật thiên bảo vô nhân tri
Nhân thượng vô y bị nhân khi.
3. Công thuyết công ữu lý,bà thuyết bà hữu ly.
ĐÁP:
1. Chi ma lục đậu quan
Có nghĩa:
Quan mè, quan đậu
Trạng ăn, trạng ngủ.
2. Chủy ngật thiên bảo vô nhân tri,
Thân thượng y bị nhân khi.
Có nghĩa:
Miệng ăn nghìn thứ không ai biết
Thân kém áo quần bị chúng khinh.
Ta có câu:
Người tốt về lụa, lúa tốt về phân
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 45
VẤN: Cụ Vũ Nhân, Rosemead: Xin bà cụ cho biết địa vị của “Ông Trời” và ai là thủy tổ của Đạo gia?
ĐÁP:
1. Theo thuyết Âm Dương Ngũ Hành thì “Ông Trời” là vị thần có đủ nhân cách đứng trên cả vũ trụ, điều khiển cả trăm vị thần. Trời được nhà vua tôn quí. Theo Đổng Trọng Thư thì Vũ Trụ cấu thành bởi “Thập Đoan”, tức mười mối dựng nên bốn phương tám hướng, đó là Trời, Đất, Âm, Dương, Mộc, Hỏa, Thổ, Kim thông qua cái lẽ “tương sinh, tương khắc” của Ngũ Hành mà diễn biến thành Vũ Trụ.
2. Thủy Tổ của Đạo gia là Hoàng đế. Thời Chiến quốc Đạo gia muốn đề cao vị trí của mình đối với mọi tôn giáo nên suy tôn Hoàng đế làm thủy tổ. Vì vậy mà Đạo gia được gọi là Hoàng Lão.
VẤN: Cụ Hoàng Hàng, LA. Tôi muốn được nhắc lại bộ sách nào ghi chép các dược liệu Đông Y và có tất cả bao nhiêu vị thuốc để chữa bệnh?
ĐÁP:
Đó là bộ sách Thần Nông bản thảo kinh được biên soạn từ đời Hán. Trong bộ sách thuốc này có 365 loại dược liệu. Chẳng những ghi đầy đủ tên các dược liệu mà còn cả nơi sản sinh ra các loại dược loại này. Nhưng đến thời Nam triều Đông Y tiến triển bằng vào việc bào chế từng phương vị chữa trị tùy theo căn bệnh. Đến thời Đường Cao Tông được một số quan triều thông thạo về thuốc tâu trình lên vua Đường Cao Tông cho mời 20 Đông Y Sĩ nổi tiếng trong nước soạn thảo ra tâp Tân Tu bản thảo. Năm 1082 đời nhà Tống có người tên là Đường Thận Vi biên soạn Kinh Sử chứng loại ghi chép có đến 1.700 dược liệu.
VẤN: Ông Lý Tùng Vân, Reseda: Tôi có nghe nói đến một nhà thơ rất xuất sắc đời Đường sinh tại đất Thiểm Châu. Bà cụ có biết nhà thơ nổi tiếng này không?
ĐÁP:
Đó là Thượng Quan Nghi tự là Du Thiều. Ông thi đỗ tiến sĩ đời Đường Thái Tông niên hiệu Trinh Quán sơ niên. Nhà vua triệu bổ làm Trực học sĩ tại Hoằng Châu Quán. Tại đây ông được Thái tông giao toàn quyền duyệt lại các thi văn của nhà vua. Thơ ông được lắm thi văn nhân ái mộ. Ông có một số câu thật xuất sắc trong “An đức sơn trì yên tập”:
Vũ tế hồng kỳ văn,
Hoa lạc phụng đài xuân.
Thế hoa đê vũ tịch
Văn hạnh tán ca trần.
Có nghĩa:
Mưa đã tạnh sao cầu vồng vẫn chẳng chịu tan đi?
Hoa rơi trên Phụng vào mùa xuân.
Chiếc thoa ngọc rơi xuống chiếu vũ lộng,
còn người có tài về văn học lại lưu lạc trong chốn ca trần.
VẤN: Cô Vũ Thị Hồng Hoa, Virginia: Bà cụ nhớ bài “Con Trai Ngỏ Ý Với Con Gái” không?
ĐÁP:
Bài đó như sau:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà.
Ao anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Ao anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công
Ít bữa lấy chồng, anh lại giúp cho.
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo,một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp.đôi trằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới,lại đèo buồng cau.
VẤN: Ông Đào Trọng Viễn, San Jose: Bà cụ giải nghĩa hộ mấy câu tục ngữ bằng Hán văn như sau:
1. Bất phạ văn nhân tục,chỉ phạ tục nhân văn.
2. Bát thập tuế học xuy cổ thụ
3. Bất phạ hổ sinh tam chích khẩu
Chỉ phạ nhân hoài lưỡng dạng tâm.
ĐÁP:
Câu thứ 1: Có nghĩa:
Chẳng sợ văn nhân tục, chỉ sợ tục nhân văn.
Câu thứ 2: Có nghĩa:
Già tám chục học đòi chiêng trống
Cũng có câu:
Già còn chơi trống bỏi.
Câu thứ 3: Không sợ hùm sinh ba miệng, chỉ ngại kẻ hai lòng.
VẤN: Cụ Hoàng Đình Khoản, LA. Lục triều gồm những triều nào? Bà cụ nhắc hộ.
ĐÁP:
Lục triều gồm gồm: Ngô, Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần.
VẤN: Cụ Tú Lắc, San Jose: Bà chị có nhớ bài thơ “Trâu kể công trạng mình” không? Xin nhắc hộ:
ĐÁP:
Bài thơ đó như sau:
Trâu mỏi nhọc, trâu liền năn nỉ
Một mình trâu kể nỗi gian nan:
“Lóng canh gà vừa mới gáy tan,
Chủ đã gọi thằng chăn vội vã.
Dạy rằng: Đuổi trâu ra thảo dã,
Cho nó ăn ba miếng đỡ lòng,
Chưa bao lâu thoát đã rạng đông,
Vừa đến buổi cày bừa bua việc.
Trước cổ đã mang hai cái niệt
Sau đuôi thêm kéo một cái cày.
Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây,
Trên lưng ruồi bu, dưới chân đỉa cắn,
Trâu mệt đã thở dài, thở vắn
Người còn hầm hét, mắng ngược mắng xuôi,
Liệu vừa đúng bóng mới thôi,
Đói hòa mệt, bước khôn muốn bước.
Ai thong thả, trâu nào ben được,
Trâu nhọc nhằn ai dễ thế cho?
Cày ruộng sâu, ruộng cạn cho no,
Lại vườn đậu,vườn mè khiến trở.
Làm không kịp thở,
Ăn chẳng kịp nhai.
Tắm mưa, chải gió chi nài?
Đạp tuyết, giày sương bao sá?
Có tơ, sẵn tằm, tơ, lúa má;
Không trâu, không hoa quả, gạo mè.
Lúa gặt cắt lên, đã có trâu xe,
Lúa chắt trữ lại, để dành trâu đạp.
Từ tháng giêng cho đến tháng chạp,
Kể xuân, hè nhẵn đến thu, đông.
Việc cày bừa công vụ vừa xong,
Lại xe gỗ dầm công liên khói
Bất luận xe rào, xe củi.
Nhẫn đến loài phân, bổi tranh tre,
Hễ bao nhiêu nhất thiết của chi,
Thì đã phú mặc trâu chuyên chở,
Bao quản núi non hiểm trở.
Chi nài khe suối dầm dề.
Còn tiếp
THINH QUANG.