Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 10)
THINH QUANG


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 10)
Thinh Quang


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 45

VẤN: Cụ Vũ Nhân, Rosemead: Xin bà cụ cho biết địa vị của “Ông Trời” và ai là thủy tổ của Đạo gia?

ĐÁP:

1. Theo thuyết Âm Dương Ngũ Hành thì “Ông Trời” là vị thần có đủ nhân cách đứng trên cả vũ trụ, điều khiển cả trăm vị thần. Trời được nhà vua tôn quí. Theo Đổng Trọng Thư thì Vũ Trụ cấu thành bởi “Thập Đoan”, tức mười mối dựng nên bốn phương tám hướng, đó là Trời, Đất, Âm, Dương, Mộc, Hỏa, Thổ, Kim thông qua cái lẽ “tương sinh, tương khắc” của Ngũ Hành mà diễn biến thành Vũ Trụ.

2. Thủy Tổ của Đạo gia là Hoàng đế. Thời Chiến quốc Đạo gia muốn đề cao vị trí của mình đối với mọi tôn giáo nên suy tôn Hoàng đế làm thủy tổ. Vì vậy mà Đạo gia được gọi là Hoàng Lão.

VẤN: Cụ Hoàng Hàng, LA. Tôi muốn được nhắc lại bộ sách nào ghi chép các dược liệu Đông Y và có tất cả bao nhiêu vị thuốc để chữa bệnh?

ĐÁP:
Đó là bộ sách Thần Nông bản thảo kinh được biên soạn từ đời Hán. Trong bộ sách thuốc này có 365 loại dược liệu. Chẳng những ghi đầy đủ tên các dược liệu mà còn cả nơi sản sinh ra các loại dược loại này. Nhưng đến thời Nam triều Đông Y tiến triển bằng vào việc bào chế từng phương vị chữa trị tùy theo căn bệnh. Đến thời Đường Cao Tông được một số quan triều thông thạo về thuốc tâu trình lên vua Đường Cao Tông cho mời 20 Đông Y Sĩ nổi tiếng trong nước soạn thảo ra tâp Tân Tu bản thảo. Năm 1082 đời nhà Tống có người tên là Đường Thận Vi biên soạn Kinh Sử chứng loại ghi chép có đến 1.700 dược liệu.

VẤN: Ông Lý Tùng Vân, Reseda: Tôi có nghe nói đến một nhà thơ rất xuất sắc đời Đường sinh tại đất Thiểm Châu. Bà cụ có biết nhà thơ nổi tiếng này không?

ĐÁP:
Đó là Thượng Quan Nghi tự là Du Thiều. Ông thi đỗ tiến sĩ đời Đường Thái Tông niên hiệu Trinh Quán sơ niên. Nhà vua triệu bổ làm Trực học sĩ tại Hoằng Châu Quán. Tại đây ông được Thái tông giao toàn quyền duyệt lại các thi văn của nhà vua. Thơ ông được lắm thi văn nhân ái mộ. Ông có một số câu thật xuất sắc trong “An đức sơn trì yên tập”:

Vũ tế hồng kỳ văn,
Hoa lạc phụng đài xuân.
Thế hoa đê vũ tịch
Văn hạnh tán ca trần.

Có nghĩa:
Mưa đã tạnh sao cầu vồng vẫn chẳng chịu tan đi?
Hoa rơi trên Phụng vào mùa xuân.
Chiếc thoa ngọc rơi xuống chiếu vũ lộng,
còn người có tài về văn học lại lưu lạc trong chốn ca trần.

VẤN: Cô Vũ Thị Hồng Hoa, Virginia: Bà cụ nhớ bài “Con Trai Ngỏ Ý Với Con Gái” không?

ĐÁP:

Bài đó như sau:

Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà.
Ao anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Ao anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công
Ít bữa lấy chồng, anh lại giúp cho.
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo,một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp.đôi trằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới,lại đèo buồng cau.

VẤN: Ông Đào Trọng Viễn, San Jose: Bà cụ giải nghĩa hộ mấy câu tục ngữ bằng Hán văn như sau:

1. Bất phạ văn nhân tục,chỉ phạ tục nhân văn.
2. Bát thập tuế học xuy cổ thụ
3. Bất phạ hổ sinh tam chích khẩu
Chỉ phạ nhân hoài lưỡng dạng tâm.

ĐÁP:

Câu thứ 1: Có nghĩa:
Chẳng sợ văn nhân tục, chỉ sợ tục nhân văn.

Câu thứ 2: Có nghĩa:
Già tám chục học đòi chiêng trống

Cũng có câu:
Già còn chơi trống bỏi.

Câu thứ 3: Không sợ hùm sinh ba miệng, chỉ ngại kẻ hai lòng.

VẤN: Cụ Hoàng Đình Khoản, LA. Lục triều gồm những triều nào? Bà cụ nhắc hộ.

ĐÁP:
Lục triều gồm gồm: Ngô, Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần.

VẤN: Cụ Tú Lắc, San Jose: Bà chị có nhớ bài thơ “Trâu kể công trạng mình” không? Xin nhắc hộ:

ĐÁP:

Bài thơ đó như sau:

Trâu mỏi nhọc, trâu liền năn nỉ
Một mình trâu kể nỗi gian nan:
“Lóng canh gà vừa mới gáy tan,
Chủ đã gọi thằng chăn vội vã.
Dạy rằng: Đuổi trâu ra thảo dã,
Cho nó ăn ba miếng đỡ lòng,
Chưa bao lâu thoát đã rạng đông,
Vừa đến buổi cày bừa bua việc.
Trước cổ đã mang hai cái niệt
Sau đuôi thêm kéo một cái cày.
Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây,
Trên lưng ruồi bu, dưới chân đỉa cắn,
Trâu mệt đã thở dài, thở vắn
Người còn hầm hét, mắng ngược mắng xuôi,
Liệu vừa đúng bóng mới thôi,
Đói hòa mệt, bước khôn muốn bước.
Ai thong thả, trâu nào ben được,
Trâu nhọc nhằn ai dễ thế cho?
Cày ruộng sâu, ruộng cạn cho no,
Lại vườn đậu,vườn mè khiến trở.
Làm không kịp thở,
Ăn chẳng kịp nhai.
Tắm mưa, chải gió chi nài?
Đạp tuyết, giày sương bao sá?
Có tơ, sẵn tằm, tơ, lúa má;
Không trâu, không hoa quả, gạo mè.
Lúa gặt cắt lên, đã có trâu xe,
Lúa chắt trữ lại, để dành trâu đạp.
Từ tháng giêng cho đến tháng chạp,
Kể xuân, hè nhẵn đến thu, đông.
Việc cày bừa công vụ vừa xong,
Lại xe gỗ dầm công liên khói
Bất luận xe rào, xe củi.
Nhẫn đến loài phân, bổi tranh tre,
Hễ bao nhiêu nhất thiết của chi,
Thì đã phú mặc trâu chuyên chở,
Bao quản núi non hiểm trở.
Chi nài khe suối dầm dề.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 46

VẤN: Cụ Văn Khúc Hà, Westminster: Bà cụ có nhớ bài “Dân Ca Cổ Hung Nô” cũng như bài “Kích Nhưỡng Ca” không? Xin bà cụ nhắc hộ.

ĐÁP:

1. Bài “Hung Ca Cổ Hung Nô” như sau:

Vong ngã Yên chi sơn
Sử ngã phụ nữ vô nhan sắc.
Vọng ngã Kỳ liên sơn,
Sử ngã lục súc bất phiền tức.

Có nghĩa:
Xin đừng làm mất đi núi Yên chi sơn của chúng tôi, khiến cho phụ nữ chúng tôi mất đi nhan sắc! Xin đừng bỏ mất núi Kỳ liên sơn của chúng tôi làm cho súc vật của chúng tôi phải biến mất dần đi.”

2, Bài “Bích Nhưỡng Ca” như bên dưới:

Nhật xuất nhi tác,
Nhật nhập nhi tức.
Tạc tình nhi ẩm,
Canh điền nhi thực,
Đế lực ư ngã,
Hà hữu tai.”

Có nghĩa:
Mặt trời mọc thì làm.
Mặt trời lặn thì nghỉ.
Đào giếng lấy mà uống.
Đừng có trông mong,
Vì sức vua có hạn.

VẤN: Ông Hà Thúc Khải, San Jose: Tôi muốn được biết đại khái về Dịch Kinh – kho tàng quí báu này. Kính xin bà cụ chỉ giáo.

ĐÁP:
Kinh Dịch mênh mông như trời cao bể rộng, thật khó lòng mà thấu triệt được. Càng đi vào càng cảm thấy mình chẳng biết gì cả, lẩn quẩn tìm hiểu và cuối cùng thì của Dịch trả về Dịch. Tuy nhiên về khái quát thì những nhà nghiên cưu Kinh Dịch thì có thể am hiểu đại khái như “Dịch là để định giải muôn vật thành được mọi việc, bao trùm đạo lý của con người. Vì thế thánh nhân áp dụng đạo Dịch để khai mở hoài bảo của thiên hạ.

Như chúng ta đã nhận thấy trong các bộ kinh tối cổ của nhân loại như Cựu Ước, Dzyan, Dịch Kinh. Trong số các pho kinh tối cổ thì Kinh Dịch của Đông Phương được xác nhận là lâu đời nhất. Có thể nói nó là cơ sở phát triển ra văn hóa, lập ra nền luân lý, vạch ra con đường đạo đức…soi sáng cho nhân loại.

Dịch Kinh thật huyền bí vi nhiệm đến nỗi Đức Khổng Phu Tử phải bỏ ra rất nhiều thời gian để hệ thống và lý giải bộ kinh vĩ đại này, song vẫn không thể nào làm hoàn hảo được. Điều này đã khiến cho Ngài trước khi nhắm mắt đã phải thảng thốt kêu lên: ”Gia ngã sở niên, tốt dĩ học dịch, khả dĩ vô đại quá hỷ.” Lời nói bất hủ này ngày nay nhiều ngôn ngữ khác nhau khi nghiên cưu Dịch Kinh cũng đều dịch lại lời nói này của Ngài. Trong tập A Philisophical Prophecy I Ching của Jayme F Simmons dịch ra đăng ngay trang đầu: ”Confucius said: ”Give me a few more years,so that I may have spent a whole fifty in study (of the Iching) and I believe that after that all I should be fairly free from error”.

Dịch Kinh nói về lẽ biến hóa của trời đất cùng sự năng hành chuyển vận của muôn vật. Ngay trong thời khai minh thượng cổ, Đông phương tin rằng trong trời đất có lẽ âm dương, lúc ẩn, lúc hiện v.v…”Vua Phục Hy (4477-4363 tr.Tây lịch, chiêm nghiệm Hà Đồ lập ra thành quẽ lấy Cái Vạch (_) biểu thị cho lẽ Âm Dương. Lời biểu thị đó ấn định: Dương là “CƠ”, Âm là “NGẪU”. Mỗi cách Vạch Liền gọi là Một Hào. Lập ra Bát Quái như ta thấy có sự ấn định Kiền, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn.
Bàn về Dịch nói khôn hết, giải khôn cùng. Đại khái là như vậy, kính hầu ông.

VẤN: Cụ Qui Hải Garden Grove: Bà cụ có nhớ câu Thần Chú Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm thứ 30 không?

ĐÁP:
Đó là câu “Ma Đát Rị Già Noa”.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 47

VẤN: Ông Vũ Bích, Westminster,Orange County: Tôi thường nghe hoặc được từ “Trừ Tịch” nhưng không biết cái nghĩa của từ này. Xin bà cụ chỉ giáo hộ cho. Nhân năm mới Bính Tuất, kính chúc bà cụ an khang trường thọ.

ĐÁP:
Đêm Trừ Tịch tức đêm 30 Tết, còn gọi là “Đại Nguyệt Dạ”. Ngày cuối năm gọi là “Tuế Trừ”. Ngày xưa ông bà ta thường vào đêm Trừ Tịch bắt các trẻ em thức đợi đón Giao Thừa để vừa đón mừng Năm Mới vừa đón thêm một tuổi. Tập quán này gọi là “Thủ Tuế Bất Thụy”.

VẤN: Bà Hồ Thị Thủy, West Covina: Bà cụ giải thích hộ về ngày Nguyên Đán. Cháu mừng tuổi bà cụ.

ĐÁP: Ngày Nguyên Đán là Mồng Một Tháng Giêng, còn gọi là Nguyên Nhật. Nguyên Đán tức là ngày Đầu năm, còn được gọi là Quá Niên hay Xuân Tiết.

VẤN: Vũ Cung, Monterey Park: Bà cụ có nhớ bài Mùa Xuân trong Thơ Tứ Thời của Ngô Chi Lan cũng như bài “Chiều Xóm Vạn” của Mộng Đài không? Nếu có xin nhắc lại hộ.

ĐÁP: Bài thơ của Ngô Chi Lan mà ông hỏi như sau:

“Khí trời ấm áp đượm hơi sương
Thấp thoáng lâuđài vẻ ác vàng
Rèm liễu líu lo oanh hót gió,
Giậu hoa phấp phới bướm châm hương.

Bài “Chiều Xóm của nhà thơ Mộng Đài như sau:

“Ai có về chơi chiều xóm Vạn
Nhớ trông khói xám ấp mây vàng
Hương cau thơm phức bên bờ giếng
Hàng liẽu bơ phờ rũ lá xanh.

Chuông chiều vẳng tiếng đâu đây
Nhà sư thúc giục báo ngày sắp xa
Hơi sương vương khóm tre già
Đàn chim ngơ ngác bay qua bãi dừa...”

VẤN: Ông Đỗ Hữu, Pasadena: Bà cụ có nhớ về tục Thiếp Môn Thần không?

ĐÁP:
Thiếp Môn Thần có nghĩa là thần giữ cửa. Nguyên trước thời Tần trong các vị thần được thờ số này có thần giữ cửa. Có điều lúc bấy giờ vị thần giữ cửa chưa có danh vi như các vị thần trấn giữ các lĩnh vực do Thiên Hoàng bổ nhiệm. Mãi đến đời nhà Hán vị Thiếp Môn Thần mới có tên tuổi nhất định. Nguyên do là đời Hán có một người vẽ hình dũng sĩ cổ đại có tên Thành Khánh. Trong thời kỳ đó cũng có người vẽ Kinh Kha là một dũng sĩ hành thích Tần Thủy Hoàng. Hai vị thần có tên tuổi này được dán ngoài cửa trước mặt nhà. Kịp đến Nam Bắc triều người ta lại thay bằng hình Thần Dư, Ức Lỗi. Qua đời Đường thay bằng hình thần Tân Thúc Bảo, Uất Trì Cung. Tiếp đến thời Ngũ Đại người dân mang hình Cung Quì vào thay thế. Sau này, thời cận đại, có nhiều người dán hình ba ông sao: Phước, Lộc, Thọ hoặc Bồ Tát Thần Tài. Tất cả những vị thần ghi bên trên mục đích để giữ cửa, tống khứ ác chướng tà ma đón rước sự bằng an thịnh vượng.

VẤN: Ông Đỗ Việt, San Jose: Tại sao người Trung Hoa coi mình là trung tâm vũ trụ? Bà cụ biết không?

ĐÁP:
Ngay từ thời thượng cổ người Trung Hoa đã có quan niệm như vậy rồi. Lý do, nước Tàu nằm ở phía Nam của nước Yên và ở phía bắc nước Việt. Thật ra, bất cứ quốc gia nào cũng có thể coi mình như là trung tâm. Tư Mã Bưu ở thế kỷ thứ ba đã từng lý giải:

-”Thiên hạ thì vô cùng, và vì cái vô cùng đó mà trung tâm có thể ờ bất cứ nơi nào, cũng như ta vẽ hình vòng tròn thì bất cứ điểm nào trên vòng tròn đó cũng xem như là điểm khởi đầu.

VẤN: Ông Bùi Hữu Triết, Canoga Park: trong Kinh Thi có bài: ”Kích Nhưỡng Ca” có phải là câu ca dao của người Trung Hoa không? Bà cụ giải hộ nghĩa luôn cho.

ĐÁP:
Đúng là câu ca dao của người Trung Hoa. Bài này của người thời Đế Nghiêu sáng tác. Tuy nhiên về tính cách nguyên thủy của nó còn làm cho người ta hoài nghi vì có nhiều chữ mà thời Đế Nghiêu chưa có ai biết dùng đến như “nhi tác, “nhi tức” hay “Hà hữu tai”. Vì vậy mà các nhà nghiên cứu về văn học chưa xác quyết được. Có người bàn rằng: ”Nếu nó không phải là câu ca dao thì có thể người sau thêm bớt vào, do vậy nó cũng là câu giả thác của hậu nhân vậy.

Nghĩa của bài Kích Nhưỡng Ca như sau:

”Mặc trời mọc thì làm việc. Mặt trời lặn thì nghỉ. Đào lấy giếng mà uống, cày lấy ruộng mà ăn. Sức vua giúp ta thì không hề có.

VẤN: Bà Vũ Thúc Sinh, Alhambra LA: Người xưa bảo thịt công ngon bổ và còn là vị thuốc chữa trị được bệnh nữa. Bà cụ có biết làm thế nào để có một bữa ăn thịt công đúng với lời của cổ nhân không?

ĐÁP:
Công thuộc loại chim rừng có bộ cánh trông rất đẹp. Công thường xòe đuôi múa để khoe màu sắc đẹp đẽ của mình. Thịt công ngon hơn thịt gà ta nhiều, nhưng có hơi độc. Ăn thịt công có khả năng giải trừ được các thứ thuốc đã uống. Có người bảo, uống thuốc mà ăn thịt công sẽ đi tả ra toàn loại thuốc mà ta vừa uống vào. Vì vậy, nếu uống lạm thuốc hay nhầm lẫn nên ăn thịt công có thể giải được dễ dàng. Thịt công còn có thể trị các bệnh như phát cổ trướng hay trị trùng (theo Đông Y). Có điều, bà nên loại bỏ “Mật Công” ăn vào có thể làm thiệt mạng. Cần phải cẩn thận khi làm thịt loại chim này đừng để vỡ túi mật, nhớ cắt và vứt đi. Mật công rất độc nhưng thịt công lại rất ngon. Chẳng những túi mật công độc mà phấn trong lông công cũng độc không kém, nếu bay vào mắt đưa đến sự đui mù. Thịt công có thể làm các món ăn như ta ăn gà vậy. Đặc biệt thịt công ăn với lá chanh cắt chỉ thì chẳng còn gì thích bằng. Phần nhiều dùng thịt công làm “nem chua” còn thịt phượng làm chã, ngon đến độ người xưa phải ca tụng chẳng có món ăn nào ngon hơn “Nem Công Chã Phụng”.

VẤN: Ông Hà Dung, Orange County: Tôi còn nhớ một câu tục ngữ Trung Hoa như sau: ”Đại ca mạc thuyết nhị ca ca”, nhưng không nhớ cái nghĩa của nó. Xin bà cụ giải giúp hộ.

ĐÁP:
Ông bị thiếu mất một câu. Trọn cả câu đó:
“Đại ca mạc thuyết nhị ca ca, lưỡng cá ca ca sai bất đa”

Có nghĩa:
“Anh cả chớ dèm pha anh hai, hai anh cùng như nhau cả.”

Ta cũng có câu có ý nghĩa tương tự: “Cá mè một lứa”.

VẤN: Ông Trương Đình Thơ (Vannuys):
1. Nghe nói Phật A Di Đà có hai danh hiệu, vậy hai danh hiệu ấy là gì?
2. Tôi muốn được biết câu trong lời Kinh mà người Công giáo xem lễ thường hay đọc: ”Lạy Chúa thương xót chúng con, Chúa Giêsu thương xót chúng con” nếu được bà cụ cho biết nguyên văn của câu này.

ĐÁP:
1. Phật A Di Đà là biểu trưng cho đời sống vĩnh cửu và trí tuệ hào quang, nên có hai danh hiệu: ”Vô lượng thọ Phật”. Có nghĩa đời sống của Phật dài lâu, vô lượng, vô biên và Vô lượng quang Phật. Theo Phật Thích Ca trong kinh A Di Đà thì cõi Phật ở Tây phương cách Địa Cầu tới hàng ngàn vạn ức dặm. Cõi Phật đó là Sukhavati mà ta thường gọi là Cực lạc quốc. Nơi đây có đời sống an lạc vô vàn và hạnh phúc vô biên.
2. Tôi nhớ mày mạy chẳng biết có đúng hay không, xin chép để kính hầu ông. “O God wees hom Gardig. Here Jesus wees my genadig”. Nếu có thể ông tìm vị linh mục nào gần nhà để hỏi lại xem có phải như vậy chăng!

VẤN: Đào Mộng Hùng, Canoga Park: Sao gọi Thiền là samadhu?

ĐÁP:
Samadhu có nghĩa là cái tâm không động. Từ Thiền, theo ngôn ngữ bình dân gọi là Pali hay Jhana. Tiếng Sanskrit gọi là Dhyâna”, Nhật Bản “Zena”...


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 48

VẤN: Cụ Hồ Hữu Kim, Virginia: Trước ngày học chương trình Việt Pháp, tôi theo học một cụ Đồ. Tôi còn nhớ những từ “Quát quát, Hoát hoát, Gia thảm hiết khiết”, ”Nghiệt nghiệt”, nghĩa của những từ này làm sao?

ĐÁP:
“Quát quát” có nghĩa: sông chảy cuồn cuộn. “Hoát hoát”: tiếng kêu róc rách. “Gia thảm kiết kiết”: Cỏ lau mọc um tùm. “Nghiệt nghiệt” chi cho người đàn bà trang điểm lộng lẫy.

Trong thiên Thạc Nhân có những từ này. Bài thơ đó như sau:

Hà thủy dương dương,
Bắc lưu quát quát.
Thi cô hoát hoát,
Triên vĩ bát bát.
Gia thảm kiết kiết,
Thứ hương nghiệt nghiệt.
Thứ sĩ hữu khiết.

Có nghĩa:
Dòng sông cuồn cuộn hướng về phương Bắc chảy.
Tiếng lưới buông trên dòng sông nghe róc rách.
Cá chiên, cá vĩ cong mình nhảy trong lưới.
Um tùm cả cỏ lau.
Còn các bà thứ thiếp lo trang điểm sao cho mình xinh đẹp.
Cạnh đó là các người trai tráng tùy tùng để bảo vệ, trông oai phong lẫm liệt.

VẤN: Bà Vũ Hạnh Nữ, Orange County: Xin bà cụ vui lòng giải nghĩa hộ cho mấy câu tục ngữ Hán tự như sau:

1. Hữu tiền đáo xứ thị Dương Châu
2, Hữu tiền, hữu tửu tất đa bằng hữu.
3. Ninh chiết thập tòa miếu, bất phá nhất nhân hôn.

ĐÁP:
1. Có tiền chốn chốn thảy Dương Châu

Ta cũng có câu:
Có tiền có bạc chốn nào lại chẳng Thần Tiên.

2. Hữu tiền hữu tửu tất đa bằng hữu,
Có tiền có rượu, bằng hữu đầy nhà

Ta cũng có câu:
Anh em gạo, đạo nghĩa tiền.

3. Ninh chiết thập tòa miếu, bất phá nhất nhân hôn
Thà phá mười đền miếu
Chớ phá nhân duyên người

VẤN: Bà Hồ Thị Vui, San Jose: Tôi quên mất một số chữ trong Tam Tự Kinh từ chữ TRỤ cột, LƯƠNG rường cho đến chữ BÁ bác. Bà cụ nhắc hộ.

ĐÁP:
Trụ cột, Lương rường, Sàng giường, Tịch chiếu, Khiếm thiếu, Dư thừa, Sử bừa, Cúc cuốc, Chúc đuốc, Đăng đằng, Thăng lên, Giáng xuống, Điền ruộng, Trạch nhà, Lão già. Đồng trẻ, Tước sẻ, Kê gà, Ngã ta, Tha nó, Bá tác, Di dì v.v…

VẤN: Ông La Thoại Ngọc Hầu, Rosemead: Không biết các nhân vật thời cổ đại bên Tàu như Hoàng đế, Nghệ, Nghiêu v.v.. có thật hay không?

ĐÁP:
Trong truyền thuyết cổ đại Trung Hoa có lắm nhân vật cùng các mẩu chuyện của các vị anh hùng như Hoàng Đế, Nghệ, Nghiêu, Thuấn, Cổn, Vũ…và còn nhiều nhân vật khác là có thật. Có thể đó là những người tù trưởng được xem như những nhân vật kiệt xuất trong một xã hội thị tộc.

VẤN: Cụ Lã Như Sơn, Monterey Park: Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện tại, khiến tôi sực nhớ lại là trước kia cách nay đã gần ngót thế kỷ có cuộc khủng hoảng vô cùng tai hại trên khắp thế giới. Bà cụ có biết cuộc khủng hoảng này không?

ĐÁP:
Có vậy. Từ năm 1919 đến 1930 thì một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài được xem là vô cùng tai hại, xảy ra nhiều năm, có nghĩa là cho đến những năm 1933-1934 mà vẫn còn dai dẳng không chấm dứt được. Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài lê thê đến hàng chục năm làm khốn đốn những người lao động và luôn cả các nhà kinh doanh, các tư sản và địa chủ. Riêng tại Việt Nam, là một trong năm xứ Việt, Miên, Lào và Cao Miên, Ai Lao được xem là vựa lúa ở Á Châu, đồng bạc cao hơn đồng quan của Pháp rất nhiều. Nhưng khi lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, vật giá đều xuống thấp, giá vàng chỉ trên dưới 100 Đồng Đông Dương, ruộng khoảng 200 đồng một mẫu, một lon gạo đong lượng bằng lon sữa bò ngang giá một cái bánh đa chỉ mỗi một xu…một cái (tức 1 cent hiện nay tại Mỹ) v.v…Dân chúng lâm vào hoàn cảnh đói khổ, chết chóc khắp hang cùng ngỏ hẽm…

Sau năm 1934 kinh tế vừa ngấp ngoải chổi dậy thoát cảnh trầm kha thì cuộc xâm lăng Trung Quốc của Nhật mở màn cho một cuộc chiến thế giới lần thứ hai.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 49

VẤN: Bà La Lan, Mongterey Park: Tờ báo Phụ Nữ nào đầu tiên tại Việt Nam?

ĐÁP:
Đó là tờ tuần báo Nữ Giới Chung thành lập vào tháng 2 năm 1918. ông Henri Blaquiere Người Pháp đứng làm chủ nhiệm. Tờ báo chỉ sống còn đến cuối năm này. Chủ bút của tờ Nữ Giới Chung là bà Sương Ngọc Anh - ái nữ của nhà thơ Nguyễn Đình Chiều.

VẤN:
Cụ Đào Mộng Hoa (qua Inesta Ho) Dr. Schweitzer 93600 Aulway France: Tôi nhớ mấy câu tục ngữ của Trung Hoa nhưng lại quên mất nghĩa của các câu này, vậy xin cô nếu nhớ vui lòng nhắc lại hộ. Thành thật cám ơn.

ĐÁP:
1. Đăng quang thị hảo, bất cập hồng nhật chiếu không.
2. Một ngật tam thiên tố, tựu trượng đáo Tây Thiên (109)
3. Ngật lão công, trước lão công.
4. Phú quý đa nhân hội.

1. Câu thứ nhất:
Nguyên văn của câu, cụ viết nhầm một chữ. Thật ra câu này là:
“Đăng quang TUY hảo, bất cập hồng nhật chiếu không.

Có nghĩa:
Anh đèn tuy rạng, sao bằng mặt nhật hồng soi.

2. Câu thứ hai cụ cũng bị lầm một chữ khác. Đó là:
“Một ngật tam thiên tố, tựu trượng thướng Tây Thiên”.

Có nghĩa:
Chưa từng ba ngày chay lạt, lại hòng tấp tểnh đến Tây Thiên.
Ta cũng có câu cùng ý nghĩa như câu tục ngữ trên, song có vẻ “phàm phu, tục tử”:
“Học thì dốt, vợ tốt thì muốn.”

3. Câu này cụ thiếu mất một đoạn. Xin chép nguyên văn hầu cụ:
“Ngật lão công, trước lão công, táo lý vô sài thiêu lão công”.

Có nghĩa:
Ăn của ông, mặc của ông
Trong bếp không dầu đốt nốt ông.

Ta cũng có mấy câu tục ngữ cùng một ý nghĩa:
“Ở chùa, đốt chùa“.
“Phản chủ đầu trâu
Ăn cơm nhà Phật đốt râu nhà chùa.

Tục ngữ Trung Hoa cũng có câu tương tự:
“Ngật bồ tát, trước bồ tát, táo lý vô sài thiêu bồ tát”.

Có nghĩa:
Ăn của Bồ Tát, Mặc của Bồ Tát, trong bếp không dầu nấu luôn Bồ Tát.

4. Trọn vẹn của câu tục ngữ này:
“Phú quí đa nhân hội, bần cùng thân thích ly.”

Có nghĩa:
Giàu sang người bâu bám
Nghèo hèn thân thích xa.

Ta có câu:
Giàu sang nhiều kẻ tới nhà
Khó khăn nên nỗi ruột rà xa nhau.

Chúc cụ trường thọ.

VẤN: Cụ Vũ Như Thúc, Garvey Monterey Park (Qua Diệp Bảo T.): Bà cụ có nhớ loạn Ngũ Hồ không? Loạn Ngũ Hồ xảy ra vào thời đại nào? Nếu bà cụ còn nhớ xin nhắc lại hộ. Thành thật cảm ơn.

ĐÁP:
Loạn Ngũ Hồ xảy ra vào thời Nhà Hán. Sau 400 năm thống trị, triều đại cuối cùng của Nhà Hán bị sụp đổ. Nhằm thời Hán mạt nên thiên hạ bị đại loạn. Tây Tấn thống nhất, nhưng chỉ thời gian ngắn. Không bao lâu toàn thể lục địa Trung Hoa bị chia làm hai, loạn Ngũ Hồ ,Tấn thất bại bèn dời về phương Đông, gọi là Đông Tấn. Các nước Tống, Tề, Lương, Trần ở phương Nam xưng là Nam triều. Còn ở miền Bắc, các nước Bắc Ngụy, còn Bắc Tề, Bắc Chu xưng là Bắc triều. Về sau các nước này qui về với Tùy.

VẤN: Ông Vũ Hà, San Jose: Tôi muốn biết thế nào gọi là “Trạch Lôi Tùy và Trạch Phong Đại Quá”! Xin bà cụ giải thích hộ cho.

ĐÁP:
Trạch Lôi Tùy là Quẻ Đoài tức bùn lầy và Quẻ Chấn tức sấm sét nhập chung gọi tắt là Quẻ Tùy. Tùy có nghĩa là theo, phục tùng, qui thuận. Trên đời con người thường tuân theo lẽ phải. Ví như trong một quốc gia thì toàn dân phải tuân theo chính đạo, còn đạo làm người thì vâng theo lời dạy của thánh hiền... Đại khái như vậy.

Còn Trạch Phong Đại Quá là Quẻ Đoài tức đầm, bùn và quẻ Tốn (gió) nhập chung lại gọi tắt là quẻ Đại Quá. Đại Quá có nghĩa là to lớn. Đại ý nói là người lớn làm chuyện lớn, thuận với việc làm và hợp với sức mình.

VẤN: Ông Đỗ Hiếu Tộc, Orange County: Tôi còn nhớ trong Hàn thi ngoại truyện có một ẩn giả thời Chu một lòng giữ thanh khiết. Tôi muốn biết người đó là vị nào? Và giữ lòng thanh khiết bằng cách nào?

ĐÁP:
Người đó là Bảo Tiêu, ẩn giả dưới thời Chu. Ông nhất quyết giữ lòng thanh khiết, không thờ thiên tử, không làm loạn với chư hầu. Một hôm Tử Cống bảo ông:

-”Tôi nghe kẻ chống nền chính trị của người thì chẳng đạp đất người, ghét vua người thì không nhận cái lợi của người cho. Nay tiên sinh đạp đất người, chìa tay nhận cái lợi của người. Làm thế há được ru? “

Bảo Tiêu liền đáp:

-”Tôi nghe rằng bậc được coi là thanh khiết trọng tiền mà khinh thoái, kẻ hiền dễ thẹn mà khinh cái chết, coi cái chết như mảnh lông hồng.”

Nói dứt lời ôm lấy cây mà chết. Một số đông người chỉ nhìn cái chết mà không thông suốt được cái chết của Bảo Tiêu là khi chết đã ông theo hoài bảo của mình.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 50

VẤN. Ông Bùi Lộc, Philadelphia: Bà cụ có nhớ các thi nhân trong thời TRUNG ĐƯỜNG THI là những nhân vật nào không?

ĐÁP:
Đó là Vi Ứng Vật, Lưu Trường Khanh, Cổ Huống, Thích Hiệu Nhiên.
Và kế tiếp sau đó là Đại lịch thập tài tử xuất hiện khoảng Đại lịch thuộc Đường đại tông và mệnh danh là “Thập Tài Tử”. Các thi nhân trong Thập Tài Tử có: Lư Luân, Cát Trung Phủ, Hàn Hủ Tiền Khởi Tư, Không Thự, Miêu Phát, Thôi Đồng, Cảnh Vi, Hạ Hồi Thẩm, Lý Đoan… là những nhà thơ nổi tiếng lúc bấy giờ.

VẤN: Cụ Vũ Việt, LA: Tôi muốn biết ai là tác giả của Tam Quốc Chí. Tác phẩm này liệu có thật chăng?

ĐÁP:
Tác giả Tam Quốc Chí là La Bản (1330-1400) tự là Quán Trung, hiệu là Hồ Hải Tân Nhân. Chuyện Tam Quốc thịnh hành nhất vào đời Đường. Tam Quốc là chuyện có thực trong lịch sử Trung Hoa. Toàn bộ cốt truyện ghi lại lịch sử diễn ra kể từ năm 184 đến năm 280 sau CN. Nội dung câu chuyện không ngoài nói lên cuộc đấu tranh giữa ba thành phần chính trị lúc bấy giờ là Ngụy, Thục, Ngô. Các nhân vật trong truyện có thật như Lưu Bị, Gia Cát Lượng, Quan Vân Trường, Tào Tháo…

VẤN: Cụ Đỗ Mậu, San Jose: Tôi muốn biết trong Phật giáo có nhân vật tên là Thảo Đường. Vậy Thảo Đường là ai?

ĐÁP:
“Thảo Đường là nhận vật ở vào thời Nhà Lý. Ông là một Thiền Sư giỏi về Đạo Học, thông hiểu về kinh sách phật, được vua nhà Lý tôn làm sư phụ. Về sau ngồi xếp bằng mà tịch.” Trong sách “An Nam chí nguyên có ghi:

-“Thảo Đường Thiền Sư tốt hữu đạo hạnh, tinh thông phật điển. Lý vương bái vi sư, hậu đoạn tọa nhi hóa.”

Khảo tra trong “Phật học từ điển” của Trung Hoa không thấy có ghi nhân vật Thảo Đường. Theo tài liệu lịch sử Phật học tại Việt Nam có ghi thiền sư Thảo Đường, vào thế kỷ thứ XI là thời kỳ Phật giáo rất thịnh hành các tầng lớp dân chúng ở Việt Nam, chẳng những hạng bình dân, mà cả còn trong giới quan trường mọi cấp và luôn cả vua chúa nữa. Phái này muốn lập ra một tông phái mới, lẽ ra họ phải chọn tổ Bồ Đề Lạt Ma nhưng họ đồng thuận chọn vị Thiền Sư Thảo Đường Trung Hoa. Được biệt Thiền sư Thảo Trường thường tìm đến Chiêm Thành học đạo. Đạo học của Thảo Đường nặng về Mật Tông.

VẤN: Bà Lê Vi, Rosemead: Có phải vua Lý Thánh Tông là từ Cung Quản Hàn đầu thai phải không?

ĐÁP:
Lý Thánh Tông là con của vua Thái Tông. Mẹ Mai thị nằm mộng thấy mặt nguyệt sa vào lòng mình rồi sinh ra nhà vua. Nhà vua tin sùng Phật giáo cho xây tháp Bảo Thiên, Lầu chuông hoa sen một cột lục giác…
Đặc biệt nhà vua ham mộ âm nhạc Chiêm Thành, tự dịch lấy nhạc khúc và cho phổ biến cho tât cả mọi tầng lớp trong nhân dân. Đặc biệt ông viết chữ Phật dài đến cả một trượng 6 thước.

VẤN: Ông Lê Trọng Nhân, New York: Bà cụ giải hộ 2 câu:
1. Lão ứng tróc tiểu kê, nhất cá ưu sầu nhất cá hỉ.
2. Lão nha tiếu trư hắc, tự xú bất giác đắc.

ĐÁP:
1. Diều hâu bắt gà con,
Một con âu sầu, một con sướng khoái.

2. Quạ cười lợn đen
Chẳng biết rằng mình xấu
Lươn ngắn lại chê trạch dài
Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm
Chuột chù chê khỉ là hôi
Khỉ lại trả lời: Cả họ mày thơm.

Còn tiếp
THINH QUANG


 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh