Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
ĐỒNG ĐÔ-LA MỸ (Phần 1)
LÊ CHÁNH THIÊM
Các bài liên quan:
    ĐỒNG NHÂN DÂN TỆ CỦA TÀU CỘNG SẼ KHÔNG BAO GIỜ THAY THẾ ĐỒNG ĐÔ LA MỸ TRỞ THÀNH ĐỒNG TIỀN DỰ TRỮ CỦA THẾ GIỚI
    SỰ THỐNG-TRỊ CỦA ĐỒNG ĐÔ-LA ĐÃ ĐẾN HỒI KẾT?
    CƠN NGHIỆN ĐỒNG ĐÔ LA MỸ
    SỰ ÁP ĐẢO CỦA ĐỒNG ĐÔ LA VÀ TÌNH TRẠNG ÁP CHẾ TÀI CHÁNH


CHÚNG TA BIẾT GÌ VỀ ĐÔ-LA MỸ?
Lê Chánh Thiêm

1. Dẫn nhập.

Người Việt-Nam ta có 2 câu có ý nghĩa trái ngược nhau: “Biết dễ, làm khó” và “Biết khó, làm dễ”. Việc chi tiêu, xử dụng đồng bạc nằm trong câu thứ hai, là một việc “làm” thì rất dễ dàng nhưng “biết” tường tận về đồng bạc mà ta dùng nó thì “khó”: từ cách in ra đồng bạc, cách lưu-trữ, trao đổi, chế độ “bản vị”,... biết bao nhiêu điều bí ẩn. Đó là chưa đi vào lĩnh vực chuyên môn liên quan đến đồng bạc như thị-trường hối-đoái, chứng-khoán giao-dịch, hoạt động của ngân-hàng v.v… hay nói đến những sinh hoạt đều liên-hệ trực tiếp đến đồng bạc.



 

Trong việc tìm hiểu các hoạt động cần thiết trong đời sống quanh ta, mời quý độc giả theo-dõi bài viết nói đến một số đặc tính của đồng Đô la Mỹ, qua việc in ấn, phát hành, quản trị, thay thế… là những hoạt động để tạo ra đồng bạc nhằm phục vụ cho nhu-cầu thiết-yếu cho dân Mỹ nói riêng và một số cơ sở ngoại quốc nói chung mà hệ thống ngân hàng của Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve) đảm trách, trong đó có Bureau of Engraving and Printing (BEP, Cục Khắc dấu và In ấn) giữ một trọng trách.

2. Đặc tính của đồng Đô la Mỹ.

Đồng đô la Mỹ hay “Mỹ kim” (United States dollar), còn được gọi tắt là “Đô la” hay “Đô”, là đơn vị tiền tệ chính thức của Hoa Kỳ. Ký hiệu phổ biến nhất cho đồng Đô La là dấu $. Mã ISO 4217 cho Đô la Mỹ là USD; ký hiệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dùng là US$; ký hiệu trên giấy tờ tại Mỹ ghi là $. Mỹ kim là đơn vị tiền tệ chính thức của Hoa Kỳ. Một vài quốc gia dùng đô la Mỹ làm đơn vị tiền tệ chính thức và nhiều quốc gia khác cho phép dùng nó trong thực tế nhưng không chính thức. Nó cũng được dùng để dự trữ tại một số quốc gia khác, được gọi là “kim ngạch dự-trữ”.

Những quốc gia ngoài Hoa Kỳ sử dụng đồng đô la Mỹ làm đơn vị tiền tệ chính thức gồm có: Ecuador, El Salvador và Đông Timor. Các cựu thành viên trong nhóm Lãnh thổ Tín nhiệm Các đảo Thái Bình Dương (Trust Territory of the Pacifi Islands) dưới sự quản lý của Hoa Kỳ, kể cả Palau, Micronesia và Quần đảo Marshall, đã không phát hành tiền riêng sau khi họ độc lập nên dùng đồng USD làm tiền chính thức. Ngoài ra, Bermuda, Bahamas, Panama và một số quốc gia khác có thể hoán đổi với USD với tỷ giá 1:1 ($1 ăn $1). Đơn vị tiền tệ của Barbados được hoán đổi với tỷ giá 2:1 (2 ăn 1). Á Căn Đình (Argentina) dùng tỷ giá hoán đổi 1:1 giữa đồng peso của họ và USD từ 1991 đến 2002. Tại Lebanon, $1 USD được đổi thành 1.500 lira Lebanon và USD cũng có thể được sử dụng để mua bán như đồng lira. Tại Hồng Kông, đồng USD và đô la Hồng Kông được đổi với tỷ giá HK$7,8/USD từ năm 1983. Đồng Pataca của Macao trao đổi với đô la Hồng Kông, giá MOP1,03/HKD, gián tiếp hoán đổi với USD theo tỷ giá MOP8/USD. Đồng Nhân dân tệ của Trung Cộng ấn định với USD từ giữa thập niên 1990 với giá Y8,28/USD cho đến ngày 21-7-2005. Tại Malaysia, giá của đồng ringgitt với giá MR3,8/ USD từ 1997.

 


Đồng đô la còn được dùng làm đơn vị tiêu chuẩn trong các thị trường quốc tế cho các mặt hàng như vàng và dầu hỏa. Ngay cả các công ty ngoại quốc ít buôn bán tại Hoa Kỳ (như Airbus) cũng liệt kê và bán sản phẩm của họ bằng USD, do nhiều người cho rằng ”vì các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang thống trị ngành hàng không”.

$1 USD được chia ra thành 100 xu (cent, ký hiệu ¢) hay chia ra thành 1.000 min (mill). Cứ mỗi $10 USD còn được gọi là Eagle (đại bàng). Tuy nhiên, chỉ có đơn vị xu (cent) mới được dùng rộng rãi; rất ít người - kể cả người Mỹ “chính hiệu con nai vàng” - biết hay nghe đến các chữ "eagle" hay "mill", tuy rằng từ ngữ “mill” có khi được dùng trong việc thu thuế.

Tiền của Mỹ đang lưu hành dưới 3 dạng: Tiền giấy (gọi là dollar bill): lớn hơn hoặc bằng 1 đô la (1 đô la có thể là tiền giấy hay tiền kim loại, nhưng tiền giấy được lưu hành nhiều hơn); tiền cắc (coins): nhỏ hơn hoặc bằng 1 đô la, dưới dạng kim loại và tiền đúc bằng vàng: được phát hành mệnh giá lên tới 20 đô la.

3. Tiền giấy:

Tất cả loại bạc giấy Mỹ (USD) đang lưu-hành tại Mỹ và ngoại quốc được Bureau of Engraving and Printing (BEP, cơ-quan khắc dấu và in ấn) dân Mỹ gọi nôm-na là sở in tiền (The Money Factory) trực-thuộc Bộ Tài-Chánh Hoa-Kỳ in và phát-hành cho Cục Dự trữ Liên bang từ năm 1914 đến nay. Các loại tiền giấy (bill) đô la Mỹ có chung dạng trang trí, chung mầu sắc (đen bóng mặt trước và xanh lá cây mặt sau) có cùng kích thước (156 x 66mm) cho dù chúng có giá trị khác nhau, từ 1 USD trở lên. Mỗi loại tiền giấy, ứng với một mệnh giá, mang hình một tổng thống Mỹ theo đúng quy định.
 

 

$1 USD in năm 1862


Giấy $1 mặt trước có in hình Tổng-thống Washington mặt sau có in dấu ấn Hoa Kỳ, giấy $2 có hình Tổng-thống Jefferson, phía sau có in hình Tuyên ngôn độc lập; giấy $5 có hình Tổng-thống Abraham Lincoln, phía sau có in hình Tượng đài Lincoln; giấy $10 có hình Tổng-thống Alexander Hamilton, phía sau có in hình Toà ngân khố; giấy $20 có hình Tổng-thống Andrew Jackson, phía sau có in hình Tòa Bạch Cung; giấy $50 có hình Tổng-thống Ulysses S. Grant, phía sau có in hình Toà Quốc hội; giấy bạc $100 có hình ông Benjamin Franklin, người có chữ ký trong bản Tuyên Ngôn Độc lập năm 1776, phía sau có in hình Toà Độc lập (Independence Hall); giấy $500 có hình Tổng-thống William McKinley, giấy $1,000 có hình Tổng-thống Grover Cleveland, giấy $5,000 có hình Tổng-thống James Madison và giấy $10,000 có hình Ông Salmon P. Chase, Bộ trưởng Ngân-khố đầu tiên của Hoa-kỳ. Tờ giấy bạc có mệnh giá $100,000 có hình tổng thống Woodrow Wilson. Chúng chỉ được in trong khoảng thời gian từ tháng 12/1934 đến tháng 1/1935. Được lưu hành chỉ trong 60 ngày.

Hiện nay dân chúng Hoa-Kỳ xử-dụng tờ giấy bạc giấy (dollar bill) lớn nhất là tờ $100. Trước năm 1964, dân chúng Hoa-Kỳ đã có dịp xử-dụng các tờ giấy bạc lớn như $500, $1,000, $5,000 và $10,000. Năm 1934 có tờ giấy bạc lớn nhất là $100,000. Những tờ giấy bạc lớn nầy không được in thêm kể từ năm 1946 và đã chính thức ngưng lưu hành từ năm 1969. Những tờ tiền giấy này thường được dùng bởi các ngân hàng để trao đổi với nhau. Vì sự tiện lợi trong việc di chuyển, lưu hành, chi trả… nên các thành phần tội phạm có tổ chức, như bọn rửa tiền, bọn buôn lậu, các tổ chức “xã hội đen” thích những đồng bạc có mệnh giá lớn nầy. Cũng vì lý do đó mà tổng thống Richard Nixon ban lệnh ngừng lưu hành. Sau năm 1964, những tờ giấy bạc lớn kể trên không còn lưu-hành trong dân chúng mà chỉ được xử-dụng trong các ngân-hàng và dùng để trao đổi trong các thương-vụ mà thôi. Tuy vậy, nếu muốn có những tờ bạc “đặc biệt”, ta vẫn “mua” được ở các nhà sưu-tầm tiền hay những tay buôn tiền. Dĩ nhiên là số tiền muốn mua phải cao hơn giá trị của chính tờ bạc đó, và những tờ bạc đó vẫn có giá-trị đối với luật pháp Mỹ. Ví dụ, vào năm 2007, tờ bạc $1 in vào năm 1862, phải đấu giá (bid) với giá ban đầu (start price) là $300 USD, sau 5 lần đấu, giá cuối cùng đã đấu lên đến $600 USD vào lúc 2:11PM giờ CT ngày 21-5-2007, còn cộng thêm tiền thuế, premiums, fees & shipping. Riêng khoảng shipping, có khi lên đến $40, $50 USD.

Chân-dung Tổng-thống Washington trên tờ $1 do họa-sĩ H. Bourg vẽ ra. Bên cạnh chân-dung của Tổng-thống còn có hình một con đại-bàng, kim-tự-tháp với một con mắt ở trên đỉnh tháp. Chim đại-bàng đầu trắng (Bald Eagles) là biểu-tượng của nước Mỹ, trên đầu chim có 13 ngôi sao sáng. Ở ngực đại-bàng là một lá chắn có 13 sọc. Chân phải chim cắp cành ô-liu, biểu-tượng của hòa-bình, chân trái cắp 13 mũi tên, biểu tượng của chiến-tranh, đầu mũi tên hướng về cành ô-liu. Tất cả những đồng bạc giấy và bạc cắc được in nơi cơ-sở ban đầu ở Baronton, Massachussetts; sau đó có cơ-sở in tiền ở Washington. Hai nơi đây làm việc suốt ngày đêm, trung-bình in ra 22,500 tờ giấy bạc các loại mỗi ngày. Cơ-sở mới nhất được thành-lập vào tại Fort Worth, Texas vào ngày 26 tháng 4 năm 1991.

 

$1 USD Phát hành năm 1917


Cứ sau 18 tháng, tiền giấy bạc $1.00 và $5.00 được đổi lại vì cũ, bị mờ đi hay bị rách. Vậy cứ mỗi năm, chính-phủ in $3 tỷ rưỡi tiền $1.00 và $1.1 tỷ tiền $5.00. Trong năm 1993, chính-phủ Mỹ in thêm 641 Triệu loại tiền $10.00; 2,2 tỷ loại $20.00; 259 triệu loại $50.00 và 323 triệu loại $100.00. Chỉ có 5% số tiền mới này được in thêm để “bơm thêm vào thị-trường”, 95% còn lại là để thay thế các tờ bạc cũ bị phá hủy. Dân chúng có thể đem tiền cũ đến bất cứ ngân-hàng nào để đổi lấy tiền mới. Các ngân-hàng sẽ gởi trả về Ngân-hàng Liên-bang Trung-ương (Federal Reserve Bank) để đổi bạc mới. Ngân-hàng này giữ sổ sách đầy đủ và sẽ báo-cáo cho Nha Khắc dấu, In và Ấn-Loát (Bureau of Engraving and Printing) cần in thêm bao nhiêu tiền mới.

Cơ-Quan điều-tra về tiền giả không phải là Cục An-Ninh Quốc-Gia (National Security Agency, NSA) còn gọi là Central Security Service (CSS), là Cục Điều tra Liên bang (Federal Bureau of Investigation, FBI) hay là Cơ quan Tình Báo Trung Ương (Central Intelligence Agency, CIA) mà là United States Secret Service (USSS). USSS còn có nhiệm-vụ quan-trọng khác là bảo-vệ an-ninh cho các vị Tổng-thống Mỹ (tại vị hay đã nghỉ việc) cùng gia-đình, các yếu-nhân chính-trị Hoa-Kỳ, các ứng cử viên những chức vụ quan trọng (như TT & PTT Mỹ) cũng như quan-khách ngoại-quốc đang công-du tại Hoa-kỳ. Số điện-thoại của họ nằm trong mục “US Government” trong các cuốn Yellow Book.

Văn-phòng Tiêu-chuẩn Tiền-tệ (OCS) tại BEP (Cục Khắc dấu và In ấn) của Hoa-kỳ còn đảm-nhiệm một nhiệm-vụ khá thú-vị: duy-trì phẩm chất tiền mặt đang lưu-hành ở Hoa-kỳ. Vào tay họ là những tờ bạc không thể xử dụng được nữa: được bắn ra từ nòng súng, nhàu-nát trong máy giặt, méo mó trong máy xay sinh-tố, bị xé rách, bị cháy xém, bị mối ăn, bị mục nát v.v... Sau khi làm việc, họ sẽ cho biết “chính xác” là có bao nhiêu tờ bạc bị hư cùng giá-trị của nó để có thể đổi được bao nhiêu tiền mới khác tương-ứng. Điển hình, cơ-quan này từng đảm-nhiệm công việc khôi-phục $2.5 triệu USD trong đống xe bọc thép bẹp-dúm sau một vụ nổ. Ly kỳ hơn, là vụ một nông-dân giết một con bò đã “ăn” cái ví của ông ta: sau khi ăn thịt con bò, ông này đã gởi cái bao-tử con bò đến cho OCS. Ở đó, họ đã “vá” lại được $473 thay vì $600 như nông-dân nọ đã khai với nhân-viên OCS. Từ ngữ “vá” chỉ là nói khôi hài, thật ra, họ “biết” chính xác số tiền con bò đã nuốt vào bao tử để trả lại cho khổ chủ.
 

 

$1 USD bạc (silver) in năm 1886


Bất cứ chuyện gì cũng gặp những chỉ trích. Các người chỉ trích tờ bạc giấy đô la cho rằng việc làm tiền giả còn quá dễ dàng. Họ cho rằng việc in hình màu là việc dễ dàng đối với các máy in hiện đại và kỹ thuật tân kỳ liên quan đến computer, đến ngành in ấn. Theo thống-kê, cứ 500,000 người dân Mỹ thì có một người có ý định làm bạc giả, vì thế kỹ-thuật in tiền của Mỹ ngày càng phức-tạp hơn để tránh tệ-trạng làm tiền giả, nhất là bọn in bạc giả chuyên nghiệp, trên lãnh-thổ Hoa-Kỳ hay ở ngoại-quốc. Các chuyên gia về ngành tiền tệ đưa ra nhiều biện pháp nhằm chống lại việc in tiền giả, như thêm màu, tạo hình mờ v.v… Họ đề nghị FED nên áp dụng kỹ thuật ảnh toàn ký (holography) như đã có trong Đô la Canada, đồng quan Thụy Sĩ, đồng Euro hay tiền giấy bằng polymer, khó giả mạo hơn.

Tuy nhiên, tiền giấy USD không quá dễ giả mạo như các nhà chỉ trích đã nói vì theo FED, hai chức năng chống tiền giả quan trọng nhất trong tờ USD là giấy và mực. Kỹ thuật chế tạo ra giấy và cách chế biến mực để in tiền USD được họ giữ bí mật. Sự kết hợp của giấy và mực nầy tạo ra một lớp màu đặc biệt, nếu khi tiền được qua tay nhiều người thì càng được rõ nét hơn. Các đặc điểm này làm cho bọn làm bạc giả khó làm được nếu không có đủ thiết bị, vật dụng. Những người chỉ trích còn cho rằng tiền giấy Mỹ khó phân biệt: các hoa văn trên giấy bạc rất giống nhau, được in bằng cùng màu, cùng cỡ. Những người hỗ trợ người khiếm thị lại muốn chúng in với khổ giấy khác nhau, có chữ Braille cho những người khiếm thị sờ vì họ không nhìn được mà không cần phải dùng máy đọc tiền.

Những người chống đối thường chê bai đồng USD khi họ so sánh với các loại tiền giấy của các nước khác và đề nghị chính phủ thay thế nhưng nếu thay thế thì có nhiều trở ngại. Một trong các trở ngại là việc thay thế các máy móc liên quan đến đồng tiền như: máy bán hàng tự động (selling machines), các máy đổi tiền (changing machines), các máy đếm tiền (counting machines) v.v… mà chi phí cho việc chế tạo các loại máy nầy rất lớn vì tại Mỹ loại máy nầy nhiều không kể xiết. Hơn nữa, việc làm USD giả là điều mà bọn làm bạc giả thích nhất vì đồng đô la thông dụng hầu như trên toàn cầu nhưng thực chất có bao nhiêu đô la giả được lưu hành để người xử dụng có thể nhầm lẫn được? Kỹ thuật của bọn làm bạc giả dù tinh vi đến đâu cũng dễ dàng bị nhận diện ngay từ những người thường, đó là chưa kể đến chuyên viên giảo nghiệm hay máy móc.

Đáng lý ra nếu làm bạc giả, bọn gian cần phải làm đồng bạc có mệnh giá lớn ($50, $100 USD) nhưng chúng không làm được vì khó qua mắt được mọi người, ngay cả người thường mắt trần vì đồng bạc càng lớn chừng nào, người xử dụng (người nhận vào từ kẻ khác) càng thận trọng hơn mà chỉ cần xem qua vài chi tiết đơn giản và phổ thông nhất, ai cũng biết được ngay. Theo thống kê, tờ bạc giấy $20 USD là tờ bạc bọn làm bạc giả thích nhất vì giá trị của tờ bạc ($20) không lớn nên mọi người lơ-là, không xem kỹ khi nhận vào hơn là tờ bạc lớn hơn.

4. Tiền kim loại
 

Tiền kim loại được đúc bởi Sở đúc tiền Hoa Kỳ (United States Mint). Đang được lưu hành, có tiền 1¢ (penny), 5¢ (nickel), 10¢ (dime), 25¢ (quarter), 50¢ (nửa đô la, không thịnh hành) và $1 (không thịnh hành). Đồng bạc được đúc giữa 1794 đến 1935 với một vài thời gian bị gián đoạn; tiền đúc bằng đồng và nikel cùng cỡ được đúc từ 1971 đến 1978. Đồng kim loại $1 Susan B. Anthony được phát hành năm 1979 nhưng không được ưa chuộng vì dễ bị nhầm lẫn với đồng quarter (25¢) nên bị ngừng đúc ngay sau đó nhưng vẫn là tiền hợp pháp. Trong năm 2000, US Mint cho đúc đồng 1 đồng ($1) có hình Sacagawea nhưng vẫn không được ưa chuộng bằng tiền giấy $1. Sự thất bại của tiền kim loại đã bị đổ lỗi do việc thất bại trong việc thu hồi tiền giấy và do yếu kém trong việc phổ biến tiền kim loại. Hầu hết các máy bán hàng tự động (selling machines) không thối tiền bằng giấy được, cho nên chúng thường được thiết kế để thối bằng $1 hay nửa đô la kim loại. Trong quá khứ, Mỹ đã đúc tiền kim loại với giá trị: nửa xu, hai xu, ba xu, hai mươi xu, $2,50, $3,00, $4,00, $5,00, $10,00 và $20,00. Chúng vẫn là tiền tệ chính thức theo giá trị trên mặt, nhưng cao giá hơn đối với những nhà sưu tầm tiền cổ vì sau nầy chúng không còn lưu hành nữa.
 

 

$1 USD bạc (silver) in năm 1896


Cũng như tiền giấy, đồng tiền kim loại cũng bị chỉ trích. Trước hết là cỡ tiền không theo giá trị của nó. Tiền 1 cent (penny) và 5 cent (nickel) đều lớn hơn đồng 10 cent (dime), và đồng 50 cent lại lớn hơn đồng $1 có hình Sacagawea hay $1 Susan B. Anthony. Thật ra, vì lý do lịch sử, cỡ của đồng dime, quarter và nửa đô la đã có từ trước 1964 khi chúng được đúc từ 90% bạc; và cỡ của chúng tuỳ thuộc vào giá trị của chúng bằng bạc (trọng lượng bạc ngang với giá trị lượng bạc đúc ra nó). Điều đó giải thích tại sao đồng dime có cỡ nhỏ nhất. Người ta còn chỉ trích các từ ngữ "penny", "nickel", "dime", "quarter", "half dollar", rất khó nhớ cho người không nói được tiếng Anh khi họ đến Mỹ. Tuy nhiên, trên đời làm sao mọi chuyện được trọn vẹn.

Cũng cần biết thêm, trong thế kỷ 20 còn có đồng đô la Eisenhower (Đại bàng trắng đáp trên Mặt Trăng), cùng cỡ với đồng Peace và Morgan được đúc bằng bạc được phát hành. Tưởng cũng cần biết, tiền coin của chính phủ Mỹ đúc chỉ là lối một phần ngàn tổng số tiền của Mỹ (1/1.000).

5. Tiền vàng, bạc và bạch kim.

Sở Đúc tiền Hoa Kỳ cũng sản xuất tiền thoi vàng và bạch kim, được gọi là "American Eagles" (Đại bàng Mỹ), đều là tiền chính thức tuy hiếm khi được dùng. Lý do là chúng không được sản xuất để trao đổi, do đó giá trị thật của chúng thấp hơn giá kim loại quý được dùng để đúc ra chúng. Đồng thoi American Silver Eagle (Đại bàng bằng bạc Mỹ) được lưu hành với giá trị $1 (1 ounce troy). Đồng thoi American Gold Eagle (Đại bàng vàng Mỹ) có giá trị $5 (1/10 ounce troy), đồng $10 (1/4 ounce troy), đồng $25 (1/2 ounce troy) và đồng $50 (1 ounce troy). Đồng thoi American Platinum Eagle (Đại bàng bạch kim Mỹ) có giá trị $10 (1/10 ounce troy), đồng $25 (1/4 ounce troy), đồng $50 (1/2 ounce troy) và đồng $100 (1ounce troy). Đồng bằng bạc có 99,9% bạc, đồng bằng vàng có 91,67% vàng 22 karat và đồng bạch kim có 99,95% bạch kim. Các đồng tiền này không bán lẻ cho cá nhân, mà phải mua từ các cơ quan có phép và các tổ chức buôn tiền.
Sở Đúc tiền Hoa Kỳ còn đúc tiền kim loại dành cho các nhà sưu tầm, có cùng giá mặt và thể tích vàng thoi để bán lẻ. Hiện giờ đơn vị lớn nhất được lưu hành là tờ $100 và đồng $100 ounce troy Platinum Eagle.
 

 

Bạc giấy $500 USD 

 

6. Những nét đặc trưng.

Theo thống kê, năm 1995, trên 380 tỷ đô la đã được lưu hành khắp nơi, trong đó hai phần ba được lưu hành và dự trữ ở ngoài nước Mỹ. Tính đến tháng 4-2004, gần 700 tỷ USD đã được lưu hành, trong đó hai phần ba vẫn còn trôi nổi ở ngoại quốc. So với năm 1969, đồng Đô-la bây giờ nhỏ hơn trước 1 inche và chiều ngang cũng ngắn hơn 1 inch. Cứ 490 tờ bạc $1 cân nặng 1 pound, cứ 1 triệu tờ $1 cân nặng 1 tấn. Các ngân-hàng dùng phương-pháp “cân” để biết được số tiền cắc thân chủ gởi vào trương-mục của họ.

Làm sao các máy bán hàng tự-động, các máy đếm tiền, đổi tiền v.v... biết được tiền thật hay giả? Các loại máy này sẽ “đọc” đồng bạc nhờ “bộ nhớ” (memory chips) về vài chi-tiết trên tờ giấy bạc cũng như các bộ-phận trên máy với tốc-độ đo rất nhanh và chính-xác. Các đặc-tính này giúp máy tính ra chính-xác chiều dài (V=l/t), độ dày (thickness) của tờ giấy bạc. Ngoài ra, mực để in tiền còn có chứa chất nam-châm (magnetic ink, magnetic particles), các sensors của các loại máy trên sẽ “ngửi” rất nhanh. Như thế, những tờ bạc giả không hội đủ các đức tính trên, các máy sẽ không “ăn” và máy sẽ thải chúng ra ngoài hay không tính tờ giấy bạc đó nếu nó không thải ra.

Để vinh danh tất cả 50 tiểu bang, chính phủ cho đúc những đồng 25 xu mới. Năm 1996, hội viên của “Hội Sưu tầm tiền cắc” nói rằng “việc thay đổi mẫu vẽ trên các đồng tiền cắc sẽ góp phần phản ảnh di sản quốc gia Mỹ”. Ý kiến này được Quốc hội và bộ Ngân Khố ủng hộ. Ngày 1/12/1997, tổng thống Bill Clinton ký đạo luật "Chương trình Đồng 25 xu 50 tiểu bang”. Như vậy, cứ mỗi 10 tuần, 1 đồng bạc cắc mới được phát hành. Năm 1999, đồng tiền 25 xu của tiểu bang Delaware là đồng tiền mới được vinh hạnh lưu hành trên thị trường trước nhất. Mẫu do ông Eddy Seger, một giáo sư trường trung học Caeser Rodney vẽ kiểu, với hình vị anh hùng Caeser Rodney đang cưỡi ngựa đi bỏ phiếu bầu cho nền độc lập. Các tiểu bang kế tiếp có đồng tiền mới là Pennsylvania, New Jersey, Georgia, Connecticut. Năm 2000 với Massachusetts, Maryland, South Carolina, New Hampshire và Virginia. Đến năm 2008 hoàn tất đầy đủ 50 đồng cắc của 50 tiểu bang. Như vậy, tiểu bang nào của nước Mỹ hình thành đầu tiên sẽ được ưu tiên cho in đồng tiền cắc mới trước.
 

 

 

Bạc giấy $1,000 USD


Vào thời điểm này, đồng đô la Mỹ vẫn là đơn vị tiền dự trữ hàng đầu, hầu hết trong tờ $100. Phần đông tiền giấy Hoa Kỳ đang ở ngoài Hoa Kỳ. Theo kinh tế gia Paul Samuelson: “nhu cầu cho tiền đô la cho phép Hoa Kỳ giữ sự thiếu hụt trong xuất-nhập khẩu mà không dẫn đến sự suy sụp của đồng tiền”. Sau khi đồng euro (€; mã số là ISO 4217 EUR) được phát hành năm 2002 thì đồng đô la đã bị từ từ giảm giá trên thị trường quốc tế nhất là trước việc thiếu hụt trong chi tiêu và thương mại của Hoa Kỳ ngày càng gia tăng. Đến cuối năm 2004 đồng đô la đã tụt giá thấp nhất đối với các đơn vị tiền quan trọng khác, đặc biệt là đồng euro. Đồng Euro lên giá mạnh {$1,36 = 1 € (ký hiệu viết là 0,74€/$) vào cuối năm 2004 nếu so sánh với đầu năm 2003 ($0,87/€)}. Cuối tháng 5-2005 đồng đô la lại lên giá so với đồng euro sau khi nền kinh tế châu Âu ứ đọng và Hiến pháp Liên minh châu Âu không được phê chuẩn trong cuộc trưng cầu dân ý ở Pháp và Hòa Lan. Khi tỷ lệ thất nghiệp và sự phát triển kinh tế bị chậm lại tại Liên Âu, đồng euro bị xuống giá so với đồng đô la, tuy đồng euro vẫn giữ sức mạnh.

7. Nguồn gốc của tên "dollar"

Đồng đô la lấy tên từ đồng 8 real của Tây Ban Nha với khối lượng bạc ít hơn 1 ounce. Tên gọi "đô la Tây Ban Nha" (Spanish dollar) được sử dụng cho một đồng tiền bằng bạc của Tây Ban Nha, tên là peso, có giá trị 8 real, được xử dụng trong thế kỷ 18 ở các thuộc địa của Tây Ban Nha tại Tân Thế Giới, được người Mỹ xử dụng. Các đồng đô la đầu tiên được chính phủ Hoa Kỳ đúc lại có cùng cỡ và cấu tạo giống với đồng đô la Tây Ban Nha nên sau chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ 1776, đồng đô la Tây Ban Nha và Hoa Kỳ được lưu hành có giá trị tương đương nhau. Việc sử dụng của đô la Tây Ban Nha và thaler Maria Theresa làm tiền tệ chính thức trong những năm đầu sau khi Hoa Kỳ tuyên bố độc lập là lý do đơn vị tiền tệ của nước này có tên Đô la. Tên "dollar" đã được sử dụng trong tiếng Anh để chỉ đồng Thaler khoảng 200 năm trước Cách mạng Hoa Kỳ. Đồng đô la Tây Ban Nha, còn được gọi là "tám phần" (pieces of eight), được phổ biến ở 13 thuộc địa sau này trở thành Hoa Kỳ, và cũng là tiền tệ chính thức của tiểu bang Virginia. Có 25 đơn vị tiền tệ của nhiều nước lấy tên là Đô la.

 

 

Bạc giấy $5,000 USD (mặt trước)


8. Nguồn gốc dấu $.

Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của dấu "$" để chỉ đồng USD. Đồng Đô la thoạt tiên là đồng 8 real của Tây Ban Nha, nên có người cho rằng hình chữ 'S' có nguồn từ số '8' được viết trên đồng tiền này. Một giả thuyết khác: dấu "$" được bắt nguồn từ chữ "PS" (cho “peso” hay “piastre”) được viết chồng lên nhau trong tiếng Tây Ban Nha. Về sau, chữ “P” biến thành một dấu gạch thẳng đứng -|- vì vòng cong đã biến vào trong vòng cong của chữ “S”. Giải thích này được ủng hộ khi xem tài liệu cũ: dấu "$" đã được sử dụng trước khi tiền đô la Tây Ban Nha được dùng làm tiền tệ chính thức vào năm 1785.

Ký hiệu đô la đôi khi còn được viết với hai dấu gạch thẳng đứng như dấu $ của Việt Nam Cộng Hòa. Người ta cho rằng có thể đây chỉ là thói quen viết ba nét để viết dấu hiệu cũ: một nét cho chữ “S”, một nét cho đường gạch đứng, và nét cuối cho đường cong trong chữ “P”. Người ta viết nhanh không chú ý đến việc viết chữ “P” cho đúng cho nên tiện tay viết một dấu gạch nữa.

Một giải thích khác cho dấu gạch thứ hai: người ta cho rằng dấu "$" xuất thân từ hai chữ “U” và “S” viết chồng trên nhau (vòng cong của chữ “U” cùng nét với vòng cong ở dưới chữ “S”. Tuy vậy, tất cả chỉ là giả thuyết mà thôi.

Các đơn vị tiền tệ dùng ký hiệu đô la ($) là: đồng escudo (Bồ Đào Nha), đồng peso (Argentina, Boliva, Chile, Colombia, Cuba, Cộng hòa Dominican, Mexico, Uruguay), đồng real (Brazil).

9. Bureau of Engraving and Pirinting (Cục Khắc dấu và In Ấn)

Trực thuộc Bộ Tài-chánh Hoa-Kỳ, Bureau of Engraving and Printing (BEP) là cơ quan mà người Mỹ gọi nôm-na là “nhà máy in tiền” (the money factory), nơi đảm-trách việc in ra tiền Đô la để lưu-hành trên toàn cõi Hoa-kỳ và toàn thế giới là nhiệm vụ chính.

Ngoài nhiệm-vụ trên, BEP còn có vài nhiệm-vụ khác: in ra tem thư cho bưu-điện, in các loại giấy tờ cho chính-phủ Mỹ. BEP tọa lạc tại C Street &14 Street SW. Washington DC., nằm ở phía Nam Holocaust Museum, số điện-thoại: (202) 447-1391. Ngoài ra, BEP còn in mướn cho các quốc gia khác trong các dịch vụ vừa kể.

9a. Khái niệm:

Bureau of Engraving and Printing được thành-lập vào ngày 29-8-1862 trong một căn phòng nhỏ nằm dưới tầng hầm (basement) của tòa nhà chính Bộ Ngân-khố có tên là Burea’s Annex trong thời Tổng-thống Franklin D. Roosevelt. Nơi đây, vào lúc đó, một toán gồm hai người đàn-ông và bốn người đàn-bà có nhiệm-vụ niêm-phong bằng tay loại bạc và đã được một nhà băng tư nhân in ra cho chính-phủ Mỹ để chính-phủ phát-hành cho dân chúng xử-dụng. Như vậy, ban đầu BEP có nhiệm-vụ như một nhà kho chứa tiền.
 

 

Một công đoạn của máy in tiền.

 

Cơ-sở in tiền của BEP ban đầu nằm ở Baronton, Massachusetts. Qua một thời-gian dài, ngày nay, BEP có khoảng 2,700 nhân-viên làm việc tại hai trụ-sở chính: một tại thủ-đô Washington DC., nơi đây làm việc suốt ngày đêm, trung-bình mỗi ngày in ra 22,500 tờ giấy bạc các loại; và một mới thành-lập vào 26 tháng 4 năm 1991 tại thành-phố Fort Worth, Texas.

Trong lịch-sử của BEP, nhân-viên trẻ nhất làm việc cho BEP là cô Emma S. Brown, được nhận vào làm việc năm 1865 khi cô ta mới 11 tuổi. Nguyên gia-đình cô gồm có 3 người: cô, người anh ruột và người mẹ tàn-phế. Người anh cô ta là một quân-nhân, đang phục-vụ trong “đoàn 188th Pennsylvania Volunteers”, là người cột trụ của gia-đình. Anh trai của cô bị chết trong cuộc chiến khi bao-vây Petersburgh vào tháng 7 năm 1864. Vị dân-biểu đơn-vị của cô Brown khi đó, sau khi nghe tình cảnh cô ta, đã đứng ra bảo-lảnh về chính trị cho cô ta với BEP. Thế là cô được nhận vào làm việc cho BEP để có tiền nuôi sống mẹ già tật nguyền. Cô Emma Brown làm việc cho BEP từ ngày đó và sau 59 năm phục-vụ, bà Brown về hưu vào ngày 24-4-1959.

Sau một thời-gian dài in tiền cho chính-phủ Mỹ, BEP được giao-phó nhiệm-vụ in Revenue stamps vào năm 1876 và sau đó đảm-nhận luôn việc in tem thư cho bưu-điện Mỹ vào năm 1894.

9b. Thăm viếng.

Giống như nhiều cơ-quan công quyền quan-trọng của Mỹ khác như Tòa Bạch-Ốc, Ngũ Giác đài, cơ-quan Tình-báo CIA v.v..., BEP mở cửa cho công-chúng tự-do vào xem mọi hoạt-động của mình. Đây là một truyền-thống đặc-biệt của Mỹ mà không có bất cứ quốc-gia nào có được. Tất cả các quốc-gia khác không cho công-chúng vào xem các hoạt-động của cơ-quan chính-phủ, nhất là các cơ-quan quan-trọng như phủ Tổng-Thống, Bộ Quốc-phòng, các Bộ quan-trong, các cơ-quan tình-báo, an-ninh vì họ sợ bí-mật bị tiết-lộ, nước Mỹ thì ngược lại.

Việc kiểm-soát khi vào cửa BEP không mấy khó khăn: du-khách chỉ phải qua máy dò kim-loại để kiểm-soát giống như vào bất cứ văn phòng thường nào khác mà thôi. Muốn vào thăm, du-khách đi theo thành từng tour (toán du-lịch). Tour tham-quan BEP gồm có 3 loại:

9b1- Tour dành cho yếu nhân (VIP):

Tour dành cho yếu nhân (VIP: Very Important Person) có hướng-dẫn viên, lâu khoảng 45 phút, dành cho các Dân-biểu và các Thượng-nghị-sĩ. Có 2 phiên: 8 AM và 8:15 AM, từ thứ Hai đến thứ Sáu. Trong tháng 6 và tháng 7 có tour 4 PM. Muốn tham-gia phải ghi danh trước tại văn-phòng Thượng viện hay Hạ viện.

9b2- Tour dành cho công chúng:

Tour dành cho công chúng lâu khoảng 35 phút mỗi ngày từ 9 AM đến 2 PM, từ thứ Hai đến thứ Sáu, dành cho cá-nhân, gia-đình hay nhóm. Từ tháng 6 đến tháng 8 còn có tour từ 5 PM đến 6:40 PM.

9b3- Tour dành cho nhóm trường học:

Đây là một chương-trình mới được thực-hiện, các trường học thuộc Washington D.C. và các vùng phụ-cận (Maryland, Virginia) là các đơn-vị hưởng chương-trình này đầu tiên. Muốn tham-gia chương-trình này, các trường phải điền một mẫu đơn gọi là School Group Reservation Request Form gởi đến BEP ít nhất là 4 tuần-lễ trước ngày tham-quan. Điện-thoại của chương-trình này là (202) 874-2155. 

 

 

Giấy bạc $10,000 USD (mặt sau)

 

Mọi chương-trình tham quan BEP đều hoàn-toàn miễn phí. Có người khôi-hài, dí-dỏm về vấn-đề miễn lệ-phí vào cửa khi thăm viếng nơi đây đã nói:

-“Ở đây họ in quá nhiều tiền nên đâu thèm mấy đồng tiền lẻ của du khách”.

Du-khách có thể tham-dự nhiều tour nếu muốn, không hạn chế số lần dự.

Du khách vào xem hoạt-động của BEP được cách ly với các cỗ máy in và công-nhân đang làm việc bằng một bức tường bằng kính chạy dọc trên cao để du khách có thể nhìn thấy mọi hoạt-động bên dưới. Du khách có quyền chụp ảnh, quay phim nhưng không được dùng đèn Flash, có lẽ sợ ánh đèn ảnh-hưởng đến công-nhân đang làm việc bên dưới.

Du khách cũng có thể dừng lại bất cứ đâu họ muốn trong suốt tour của mình. Một hệ-thống phóng thanh đặt dọc theo hành-lang để hướng-dẫn, giải-thích chi-tiết cho du-khách mọi hoạt-động trong việc in ra tờ giấy bạc. Mọi thắc-mắc được các hướng-dẫn viên chuyên nghiệp của BEP giải-đáp thỏa-đáng cho du-khách.

Nếu có điều kiện, mỗi người trong chúng ta nên đến xem một lần cho biết, để chứng kiến tận mắt và sẽ biết nhiều hơn. Những gì được người viết ghi lại trong bài nầy chưa đầy đủ lắm.

9c. Kỹ thuật in tiền:

Ai ai cũng đều biết xử-dụng tờ bạc nhưng rất ít người biết về lai-lịch tờ giấy bạc mình đang dùng. Một tờ bạc từ lúc chuẩn bị rồi in ra đến khi phát-hành phải qua đến 65 công đoạn: từ lúc chuẩn-bị bản kẽm cho đến khi tờ bạc được xếp thành xấp, đem đi phát-hành.
 

 

Giấy bạc $100,000 USD


Bản kẽm thực-hiện bằng phương-pháp thủ công trên một tấm thép có độ mềm để các họa-sĩ vẽ và khắc mọi chi-tiết cần-thiết như ý muốn. Bản kẽm gốc này được cất giữ cẩn-thận để còn dùng lâu dài, ví dụ như bản kẽm tờ giấy bạc có chân-dung của Tổng-thống Lincoln từ năm 1869 đến nay vẫn còn xử-dụng được.

Khi bản kẽm đã xong, chuyển qua khâu tôi luyện trong điều-kiện về lực nén và nhiệt-độ tối đa. Sau đó được đúc thành khuôn nổi bằng một chất dẽo đặc-biệt trước khi ngâm trong một chất điện-giải. Sau khi được kiểm-soát kỹ càng, khuôn plastic này sẽ được mạ một chất Chrome vĩnh-cữu để chống mòn bản kẽm.

Máy in mà BEP xử-dụng là loại máy in chạy rất nhanh, có công-suất rất lớn, mỗi giờ in được 8,000 tờ khổ lớn. Mỗi tờ giấy in ra bạc phải chịu một sức ép rất lớn là 20 tấn để tạo sự tiếp-xúc chặt-chẽ giữa giấy và mực in. Do vậy, khi ta đặt tay lên mặt trên của tờ giấy bạc mới phát-hành, tay ta có thể cảm-nhận được các hoa-vân, các hình-ảnh và mặt dưới tờ bạc hơi lõm xuống.

Về mặt kỹ-thuật, người ta in mặt sau của tờ giấy bạc trước tiên với mực màu xanh và 24 giờ sau mới in mặt trước tờ giấy bạc với mực màu đen. Mỗi một tờ giấy lớn để in, khi hoàn-tất sẽ thành 32 tờ bạc. Khi đã in hai mặt, nó được cắt làm hai để kiểm-soát. Khi kiểm-soát xong, nó sẽ được đưa qua giai-đoạn in chồng (overprinting) các chi-tiết khác. Series và số của tờ bạc, con dấu của Bộ Tài-chánh được in bằng màu mực xanh.

Có tất cả 9 kho bạc Liên-bang đặt tại: San Francisco, Dallas, Kansas City, Atlanta, Chicago, Saint Louis, Minnesota, Cleveland và Richmond. Mỗi kho bạc này có một con dấu riêng để in lên trên tờ bạc. Các chi-tiết: Con dấu của kho bạc liên-bang, chữ ký của Bộ-trưởng Bộ Tài-Chánh và Giám-đốc kho bạc Liên-bang được in bằng mực đen. Sau đó, tờ giấy được cắt thành nhỏ bằng hai tờ bạc mỗi tấm, xếp thành chồng, mỗi chồng 100 tờ. Cuối cùng chuyển qua dàn máy cắt và niêm thành chồng 100 tờ giấy bạc để phân-phối đến các kho bạc Liên-bang.

Ngoài ra, người ta còn thiết kế các chi-tiết đặc-biệt trên tờ bạc như sợi dây kim-loại nằm giữa hai lớp giấy tờ bạc, các hình chìm trong tờ bạc mà khi nhìn ta không thấy, muốn thấy, ta phải đưa tờ bạc lên nhìn qua ánh-sáng.

Mực in cũng là loại mực đặc-biệt. Giấy in cũng thế, phải chịu đựng các chi-tiết về kỹ-thuật trong qui-trình. Như vậy, mỗi tờ giấy bạc được in ra phải đáp-ứng nhiều nhu-cầu và mỗi ngày một tối-tân hơn để khó có thể làm giả được.

Tuy vậy, tờ bạc phải thích-nghi với các loại máy móc để chúng nhận ra tiền trong các thương-vụ. Các máy bán hàng tự-động, các máy đếm tiền, đổi tiền (changing machines) làm sao biết được tiền thật hay giả? Các loại máy này sẽ “đọc” đồng bạc nhờ “bộ nhớ” (memory chips) về vài chi-tiết trên tờ giấy bạc cũng như các bộ-phận trên máy với tốc-độ đo rất nhanh và chính-xác. Các đặc-tính này giúp máy tính ra chính-xác chiều dài (V=l/t), độ dày (thickness) của tờ giấy bạc.

Ngoài ra, mực để in tiền còn có chứa chất nam-châm (magnetic ink, magnetic particles), các sensors của các loại máy trên sẽ “ngửi” rất nhanh. Như thế, những tờ bạc giả không hội đủ các đức tính trên, các máy sẽ không “ăn” và máy sẽ thải chúng ra ngoài.

9d. Cần biết thêm về BEP:

Du khách vào thăm BEP ngạc nhiên khi thấy bên cạnh các cỗ máy in có dòng chữ rất dí-dỏm: “TUY RẤT GẦN NHƯNG RẤT XA”. Ngụ ý những dòng chữ này là: những công-nhân làm việc “rất gần” những tờ giấy bạc mà nhiệm-vụ họ đang đảm-trách là in nó ra nhưng thật tế thì “rất là xa” tầm tay của họ, nghĩa là nó không thuộc về họ.

Từ ngày cơ-sở in tiền thành-lập đến nay chưa có một trường-hợp tiêu-cực nào bị phát-giác đối với công-nhân làm việc tại nhà máy in bạc. Các máy camera đặt rải-rác trong nhà máy sẽ thu hình và truyền về màn ảnh kiểm-soát của bộ-phận an-ninh của BEP, nhân-viên làm việc tại đây biết rất rõ như thế nên không ai dám vi-phạm. Từ năm 1863 đến nay, các loại giấy bạc của Mỹ được in và phát-hành ra tại các nhà máy trực-thuộc BEP.

Ngoài nhiệm-vụ in tiền cho chính-phủ Mỹ, BEP còn đảm-nhậm nhiệm-vụ in bạc cho các nước khác: in tiền cho Phi-Luật-Tân vào năm 1928, cho Cuba vào năm 1934, cho Thái-Lan vào năm 1945, cho Đại-Hàn vào năm 1947 và một số quốc-gia khác sau nầy.

Trụ sở mới của BEP tại Fort Worth, Texas được chọn từ hơn 80 thành-phố được đề-cử. Qua vòng tuyển chọn lại lần thứ hai, chỉ còn lại 11 thành-phố, dựa trên tiêu chuẩn căn-bản là phải có phi-trường thương-mãi không dừng lại (non-stop airport) từ các ngân-hàng trung-ương ở Kansas City, Dallas, San Francisco và nhiều chi-nhánh của nó. Mười một thành-phố còn lại là: Dallas, Houston, Fort Worth, Denver, Las Vegas, Salt Lake City, Los Angeles, Oakland, San Diego, Phoenix và Seattle. Trong thời-gian tuyển chọn địa-điểm lần này, BEP nhận được 4 đề-nghị tặng đất và xây dựng trụ-sơ của 4 thành-phố. Những đề-nghị được xem xét cẩn-thận và lượng gia, định trước về tiêu-chuẩn. Fort Worth được chọn vì các tiêu-chuẩn: địa dư, an-ninh và sản-xuất dễ-dàng, được chấp-thuận và trở thành trụ-sở phía Tây của BEP. Trụ-sở này nhận nhiệm-vụ in tiền cho các ngân-hàng trung-ương khu vực: Dallas, Kansas City, Atlanta, Chicago, St. Louis, Minnesota, Cleveland, Richmond và San Francisco. Trong năm 1996, trụ-sở này in ra 4.1 tỷ Đô-la.

9d. Những chuyện liên-hệ.

Cứ 490 tờ bạc $1 (là bạc mới phát hành vì bạc cũ thì nặng hơn) cân nặng 1 pound, cứ 1 triệu tờ cân nặng 1 tấn. Các ngân-hàng dùng phương-pháp “cân” để biết được số tiền cắc thân chủ gởi vào trương-mục của họ, nơi các sòng bài giải-trí cũng cân tiền cắc để trả tiền giấy lại cho khách để tiện dụng. Ngoài ra, tại các ngân-hàng, người ta dùng máy tính tiền để đếm cho nhanh và chính-xác.

Từ khi quốc-hội chấp-thuận câu motto của quốc gia, nó được đưa in ở mặt sau của tờ bạc. Câu motto hiện nay là “In God Wre Trust”: “chúng ta tin ở Thượng-đế”. Nhiều người nói đùa khôi-hài, thêm câu “...the others pay cash” (những người khác trả tiền mặt); đầy đủ là “In God Wre Trust, the others pays cash”, ngụ ý nói “ngoài Thượng-đế, chỉ tin tiền mặt (không tin ở check, thẻ tín dụng,...). Người Mỹ thường có câu nói đùa:

-“Đa-số phụ-nữ Mỹ thường tự-hào rất ưa thích âm-nhạc, điều đáng tiếc là họ chỉ mê có hai nốt Đô và La”

Ngụ ý họ nói: âm nhạc có 7 nốt: Do Re, Mi, Fa, Sol, La, Si – nhưng đàn bà Mỹ chỉ biết hai nốt Do và La, 2 nốt trên ghép lại thành chữ Dollar.

Riêng ông Ralph Emerson, một triết gia cũng là một nhà thơ nổi tiếng của Hoa-Kỳ thì đưa ra một nhận-xét nghe qua rất chua-chát nhưng cũng khá thâm-thúy và thực-tế, đó là:

-“Người Mỹ có rất ít đức tin, họ chỉ tin vào sức mạnh của đồng Dollar mà thôi!”.

10. Tạo ra (create) tiền & phát hành tiền (emission of bank-note).

Trên nguyên tắc, Bộ Tài Chánh Mỹ đảm trách việc phát hành tiền ở Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ quan nầy chỉ có quyền phát hành tiền “coins” (tiền đúc), nghĩa là đúc (mint) ra tiền coin mà thôi. Federal Reserve (FED) mới có quyền phát hành tiền giấy. Trên bạc giấy USD có in hàng chữ “Federal Reserve Note”, trong đó, chữ “note” có nghĩa “a paper acknowledging a debt and promising payment; promissory note”, tức là “tờ giấy nợ”: chính phủ Mỹ nợ FED. Chính phủ Liên Bang cần số tiền chi dùng nhiều hơn số tiền thu vào, như: tiền được đánh vào mọi sắc thuế, từ đóng góp của mỗi tiểu bang cho Liên bang, từ tiền cho các ngân hàng vay, từ tiền lời trong kinh doanh v.v…nên phải mượn của FED, cơ quan duy nhất có quyền in ra tiền. Chính phủ ủy quyền cho Bộ Tài Chánh (The Treasury Department) in giấy nợ dưới hình thức “Federal Bonds”, gọi là giấy IOU (I Owe You). Điều cần biết là FED là một cơ quan mang tên là “Liên Bang” (Federal) nhưng không phải của Liên bang mà là một công ty độc lập của tư nhân (a corporation independent privately owned). FED gồm có 12 cái FED Bank địa phương (12 regional federal reserve banks), mà mỗi chi nhánh là sở-hữu của những nhà bank tư nhân, thành viên của cái FED địa phương đó. Các FED ở: 1- Boston (MA), 2- New York (NY), 3- Philadelphia (PA), 4- Cleveland (OH), 5- St Louis (MO), 6- San Francisco (CA), 7-Richmond (VA), 8-Atlanta (GA), 9-Chicago (IL), 10- Minneapolis (MN), 11- Kansas City (MO) và 12-Dallas (TX).
 

Lấy thí dụ: FED Bank của New York thì hai đại công ty Citibank và J. P. Morgan Chase Co. nắm đa số cổ phần. Citibank của gia-đình Rockefeller và J. P. Morgan Chase Co. là của gia-đình Morgan. Hai đại gia đình này (trong đó có gia đình Harriman, Kutny và Loeby) và 2 gia đình Carnegie & Rothschild là những thế lực lớn, hầu như nắm nền kinh tế nước Mỹ, được nhiều người gọi là “the Robber Barons” (những Nam-tước trộm cắp). Đứng đầu các nhà tài phiệt là John Pierpout Morgan (chết năm 1913) và John Davison Rockefeller (chết năm 1937), hai tay tài phiệt mạnh nhất nước Mỹ.

Trở lui lại một chút: Ngày 22/11/1910, đại diện và cộng sự của 2 gia đình Morgan và Rockefeller xuất hiện tại câu lạc bộ Jeckyll Island mà John P. Morgan là đồng chủ nhân. Trong số quan khách có thượng nghị sĩ Nelson Aldrich, thông gia của John P. Morgan; cùng với Henry P. Davison, Fank A. Vanderlip, Phó chủ tịch Ngân hàng National City of New York của Rockefeller. Họ đến đó với họ tên giả, đi xe hơi thuê. Trong sáu ngày họ đã viết xong sắc luật ngân hàng - tài liệu sau đó được thượng nghi sĩ Aldrich giới thiệu trước Quốc hội và năm 1913 Cục Dự trữ Liên bang (hay là Ngân hàng Trung ương Mỹ) FED đã được khai sinh qua Federal Reserve Act (đạo luật) năm 1913 do Tổng Thống Woodrow Wilson ký. Trong Ban Quản Trị (board) của FED có Bộ Trưởng Tài Chánh (Treasury Secretary) và Giám Sát Ngân Khố (Comptroller of Treasury) là nhân viên chánh phủ Liên Bang. Tổng Thống Mỹ bổ nhiệm (qua sự chấp thuận của Quốc Hội) ông Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị (Chairman of The Governing Board) của FED, cho nên FED được coi như là một cơ-quan “gần như của chính phủ (chính thức)” (quasi-governmental). Ban Quản Trị này gồm có 7 người với nhiệm kỳ là 14 năm. Theo luật Mỹ, Tổng Thống chỉ có quyền thay thế một người mỗi hai năm. Ban Quản Trị không kiểm soát được cả 12 FED bank địa phương tuy rằng dự luật (bill) H.R. 4316 được đưa ra năm 1975 cho phép chánh phủ có quyền “audit” (soát xét) FED nhưng dự luật nầy chưa qua (passed) được để thành luật nên kể từ khi thành lập cho tới nay, FED chưa bị chánh phủ “audit” lần nào. Nhiều người Mỹ thường ví FED như một con “hydra”, theo thần thoại, là một con rắn có 9 cái đầu, nếu chặt đầu này thì nó mọc đầu khác, có nhiều cái vòi (tentacles) rất dài để bắt mồi từ xa. Quả thật, hydra FED “bị chặt đầu” nhiều lần trong dĩ vãng nhưng sau mỗi lần đó nó sống lại với một cái tên khác.

Nếu nói về lịch sử tiền tệ của Mỹ là một thiên trường ca với nhiều tình tiết éo le, ly kỳ, gay cấn, hấp dẫn v.v… giữa một bên là những người nắm vận mạng nước Mỹ trước và sau ngày tuyên bố độc lập, tức chính quyền Liên bang đối đấu cùng phía kia là các tay tài phiệt, với chính quyền và các “đại gia” của mẫu quốc (nước Anh), Hòa Lan, … qua những cái tên đã đi vào lịch sử: ”Boston Tea Party”, “Bản Tuyên Ngôn Quyền Của Người Mỹ Có Đóng Thuế”, “British bankers”, “England Bank” “US Bank” rồi “First US Bank”, “Second US Bank”… Vị Tổng Thống thứ 7 của Mỹ, Andrew Jacksaon (1829-1837), là người quyết liệt nhất tuyên chiến với giới tài phiệt tiền tệ, giới chủ nhà băng trong vấn đề tài chánh, đến nỗi ông cử đến vị Bộ trưởng Tài Chánh thứ 3 mới “dám” thi hành lệnh của ông nhưng bị giới “tài phiệt ngân hàng” vận động hành lang (lobby) với quốc hội Mỹ để không đồng ý bổ nhiệm ông Bộ trưởng này.

Thêm vào đó, họ gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế bằng việc siết chặt sự cung cấp tiền để tạo ra xáo trộn về tài chánh để đổ tội Tổng Thống Jackson cùng với việc một năm sau đó TT Jackson bị mưu sát bằng 2 phát đạn nhưng ông thoát chết. Tập đoàn tài phiệt tiền tệ tạo ra sự thiếu hụt tiền bạc để khuynh loát và buộc chính phủ thi hành theo điều kiện có lợi cho họ. Tuy vậy, sau cùng thì TT Jackson đã chiến thắng. Trước đó, Tổng Thống Thomas Jefferson (1801-1809) vị TT thứ 3 từng thấy cái nguy hại cho đất nước và gọi liên đoàn các nhà bank (the banking cartel) là “con quái vật ăn thịt người có cái đầu của con hydra”. Ông còn nói:

-“Nếu dân Mỹ để cho nhà bank kiểm soát việc phát hành tiền tệ của mình, thì trước hết bằng sự lạm phát (inflation) rồi bằng sự kém phát (deflation) các nhà bank và các công ty (corrporations) sẽ phát triển và tước đoạt hết tài sản của dân, thì con cháu chúng ta sẽ thức dậy vô gia-cư trên cái lục địa mà cha mẹ của chúng đã chiếm được”.

Vị tổng thống dám chống lại “tập đoàn tài phiệt tiền tệ” hay “con quái vật tài chánh” sau TT Jefferson là TT. Abraham Lincoln (1861-1865), vị T.T. thứ 16 của Mỹ. Sau khi ông đắc cử thì xảy ra nội chiến Nam - Bắc (The Civil War) vì vấn đề “Nô-lệ” (Slavery). Các nhà bank ở miền Đông (thuộc về Union) đề nghị cho chánh phủ vay $150 triệu với phân lời từ 24 tới 26%. Thấy vậy, Lincoln từ chối và quyết định chánh phủ sẽ tự in tiền tên là “United Note” mà dân chúng gọi là “Greenback” (phía sau in màu xanh). Tiền nầy không phải là một giấy nợ (IOU) với cam kết trả lại bằng vàng hay bạc mà là một tờ giấy chứng nhận công lao. Lãnh lương là lãnh giấy chứng nhận công lao để mua thức ăn đồ dùng, trao giấy chứng nhận công lao của mình để nhận lấy món hàng được sản xuất với người bán. Tiền được chính phủ in ra theo nhu cầu của dân, do dân và vì dân nên trong 4 năm tại chức, TT. Lincoln đã làm được những thành quả to lớn mà việc chống lại tập đoàn tài chánh là điểm then chốt. Ta có thể kể những thành quả trong thời Lincoln lãnh đạo nước Mỹ: biến Hoa-Kỳ thành một quốc gia kỹ-nghệ khổng lồ (industrial giant), kỹ nghệ thép (steel industry) được thành lập, xây dựng và võ trang quân đội lớn mạnh, thành lập hệ thống đại học miễn phí, làm nên hệ thống hỏa-xa xuyên lục-địa, lập nên bộ máy hành chánh cho vùng Miền Tây, tăng mức sản xuất lao động (labor productivity) lên từ 50% đến 75%...ngoài việc giải phóng mấy triệu người da đen nô lệ.

Ảnh hưởng của những thành viên trong gia đình nhà Morgan và Rockefeller rất lớn, ngay cả những người đã từng giúp việc cho họ. Điển hình là ông Alan Greenspan (1), trước khi làm “xếp” FED, ông ta từng là ủy viên trong Ban điều hành Morgan Guarantee Strust Company, ngân hàng chính của gia đình Morgan. Ông Paul Volcker, người tiền nhiệm của Greenspan, nhiều năm là cố vấn kinh tế của tập đoàn dầu lửa Exxon và ngân hàng Chase Manhattan của gia đình Rockefeller.

Quyền lực của FED rất lớn trong cán cân quyền lực Mỹ giữa chính trị và kinh tế. Hội đồng quản trị Cục Dự trữ Liên bang không chịu sự kiểm soát cũng như không hề có trách nhiệm phải giải thích những quyết định chi tiền như thế nào với bất cứ cơ quan nào của chính phủ Mỹ. GS Murray N.Rothbard, nhà kinh tế (đã qua đời), một trong số những nhà lý luận chính của trường phái Kinh tế cho biết ý kiến:

-"Không phải CIA, mà chính Cục Dự trữ Liên bang FED là cơ quan chính phủ hoạt động mờ ám nhất ở Mỹ".

Điều đặc biệt là chính tổng thống đề cử và được Thượng viện Mỹ thông qua danh sách 7 thành viên Hội đồng quản trị Fed, nhiệm kỳ 14 năm, thủ tục tương tự với chức danh Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, điều khác hơn là nhiệm kỳ chỉ có 4 năm.

Sẽ không ngạc nhiên khi Cục dự trữ Liên bang tìm mọi cách che giấu những gì diễn ra sau lưng họ. Năm 1993, thượng nghị sĩ Texas, ông Henry B. Gonzales, đã đưa ra Quốc hội dự luật, theo đó sẽ đề ra một số biện pháp nhằm công khai hóa hoạt động của Fed, trong đó có kiểm toán độc lập FED và cần phải ghi lại hình ảnh các phiên họp của Hội đồng Quản trị Fed. Dự luật đã bị bác bỏ ngay trong đó có Tổng thống Mỹ. Bill Cliton đã viện lý do:

-"Việc chấp nhận đạo luật như thế có thể làm suy giảm lòng tin của thị trường đối với Cục Dự trữ Liên bang"(?!).

Phần ông Ben Bernanke, từng là một trong những người ủng hộ hăng hái nhất chủ trương “minh bạch hơn hoạt động của FED” khi ông còn giảng dạy kinh tế tại Đại học Priceton nhưng khi trở thành sếp Ngân hàng trung ương (năm 2007), ông ta quay ngoắt 180 độ quan điểm của mình.

(Xem tiếp phần 2)
Lê Chánh Thiêm

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh