MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 12)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 56
VẤN: Ông Hoàng Triều, Washington DC.: Tôi nhớ cách nay hàng chục năm có đọc môt bài viết về cái “BIẾT”, lâu quá tôi không còn nhớ rõ. Bà cụ có biết là nghĩa thế nào không?
ĐÁP:
“BIẾT” thuộc bản năng “thú tính” khác với bản năng “TÂM LINH”. Bản năng thú tính của người phàm như biết ăn, biết uống, biết chạy nhảy, đi đứng v.v…Còn cái biết thanh cao hơn, được sử dụng trong lĩnh vực TÂM LINH thì hoàn toàn khác hẵn. Theo Hán tự thì cái biết đó là TRI với cái nghĩa Knowledge. Cái biết này như thành ngữ ta có câu: KHÔN cũng chết, DẠI cũng chết, BIẾT thì sống.
GS Đào Văn Vinh đã viết:
-TRI là cơ năng (facullty) là năng lực (power) Thượng Đế với nhiều mức độ khác nhau) đã trang bị riêng cho sinh vật siêu đẳng tối linh ư vạn vật. Nhờ vào cái tối linh ư vạn vật đó mà con người biết vâng lời, biết phải trái. Cái TRI thiên bẩm này gồm từ cơ năng siêu hình (Methaphysical faculty căn bản là LƯƠNG TRI hay Lương Tâm cho tới năng lực siêu linh. Đó là sự hiểu biết huyền diệu, hiếm thấy mà khoa học ngày nay vẫn không thể tìm hiểu được. Tại sao lại có linh tính (foreknowledge), và điều mà ta gọi là Thần Giao Cách Cảm (Extra Sensorial Perception). Hay GiÁC Quan Thứ Sáu…”.
Cái BIẾT về tâm linh được xem là cao cả, tinh thần luôn luôn sinh động… như trên đã nói nó khác với cái biết của bản năng thú tính. Nếu con người chỉ biết cần ăn no để sống không thôi thì như một nhà Hiền Triết Hy Lạp sống vào khoảng 500 năm trước TL đã nhận định một cách hài hước:
-”Nếu ở đời chỉ có ăn là trước hơn hết thì con bò quả là con vật hạnh phúc nhất trên cõi đời này”.
Đại khái là như vậy.
VẤN: Bà Hồng Hoa LA. Thưa bà cụ, tôi nghe và muốn được biết đại khái về khoa phong thủy. Vậy PHONG THỦY là gì? Xin cụ giải thích cho.
ĐÁP:
Phong thủy có nghĩa là Gió và Nước. Đây là một môn học cổ truyền Trung Hoa về môi trường tự nhiên. Khoa Phong Thủy có thể xác định cho mỗi cá nhân có vị trí tối hảo hay thuận lợi nhất và những vị trí bất lợi nhất ở bất cứ môi trường nào. Môi trường ở đây có thể là văn phòng hoặc nơi cư ngụ, hoặc bất cứ vị trí nào. Khoa Phong Thủy xác định được những vị trí tốt xấu căn cứ vào năm sinh, môi trường mà người đó sinh sống và sự vận chuyển của Thái dơng hệ. Qua tiến trình lịch sử lâu dài của khoa Phong Thủy, các nhà nghiên cưu phong thủy và những nhà địa lý đã thu nhập được nhiều kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Tất cả mọi sinh vật trong vũ trụ đều bị chi phối bởi môi trường chung quanh. Đây là một dữ kiện khoa học được mọi người công nhận. Nếu có ai nghiên cứu khoa Địa lý cổ truyền Trung Hoa theo con mắt khoa học hiện tại thì phải công nhận rằng ý niệm quan trọng nhất là “KHÍ”. Thật ra “Khí” có nghĩa là “khí lực” hoặc “năng lực” v.v.. Cái khí đều hướng đúng cách có thể làm tăng sự hòa diệu, thịnh vượng, sức khỏe và trường thọ…Đại khái Phong Thủy là vậy.
VẤN: Ông Vũ Quỳnh, Alhambra LA. Xin bà cụ giải thích hộ hai lễ của Âm lịch:
1. Trùng Dương Tiết, và
2. Lạp Bát Tiết.
Thành thật cảm ơn.
ĐÁP:
1. Trùng Dương Tiết là ngày chín thánh chín, tập tục trèo lên cao (Đăng Cao) từ đời Đông Hán. Tên Trùng Dương có từ đời Tam Quốc. Đến đầu đời Đông Tấn lại xuất hiện tên mới là Trùng Cửu. Tục này mọi người rủ nhau trèo lên nơi cao, ăn bánh, thưởng hoa cúc và uống rượu hoa cúc.
2. Lạp Bát Tiết: Tiết này nhằm vào ngày Mồng Tám tháng Chạp tức lạp nguyệt. Mọi người ăn cháo. Tục này có từ đời Tống cùng với ngày Phật tổ thành đạo. Tương truyền rằng ngày Mồng Tám Tháng Chạp là ngày Đức Thích Ca đắc đạo. Từ đời Hán trở về sau là lễ của các Phật tử nấu cháo bố thí cho người qua đường.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 57
VẤN: Ông Vũ Bằng An, Maryland: Trong bài thơ Nỗi Buồn Của Kiều Liên có hai câu:
“Non Thiên Thai mấy trượng cao
Lưu lang chưa dễ tìm vào đến nơi!”
Tôi muốn biết sự tích của Lưu lang. Bà giải hộ cho.
ĐÁP:
Trong tích Lưu Thần và Nguyễn Triệu thuộc đời nhà Tấn, vào ngày Mồng Năm tháng Năm đi hái thuốc bị lạc vào núi Thiên Thai là chốn thần tiên ở, lấy được vợ tiên, quên chuyện về lại trần gian. Mãi đến nửa năm trở về nhà thăm thì thân thích đều đã chết, hỏi ra mới biết đã bảy đời.
VẤN: Cháu Hoa Văn, Philadelphia: Bà cụ giúp cho cháu bài ca dao “Con Trai ngỏ Ý Với Con Gái. Cháu xin cám ơn bà cụ.
ĐÁP: Bài ca dao đó như sau:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái nón trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà.
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa cưới, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng.
Khâu rồi, anh sẽ trả công
Ít nữa lấy chồng anh lại trả cho:
Trả em một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Trả em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Trả em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.
VẤN: Cụ Hà Huyền Hào, Orange County: Bà cụ có nhớ bài thơ Thái Vi và bài Tứ Mẫu của Võ Vương không?
ĐÁP: Bài Thái Vi:
Viết quy, viết quy!
Tuế diệc mạc chỉ!
My thất, my gia
Hiểm doãn chi cố.
Bất hoàng khải cư
Hiểm doãn chi cố.
Có nghĩa:
Về nhà, về nhà
Ngày tàn, tháng lụn.
Không vợ con, chẳng cửa nhà
Chỉ vì rợ Hiểm gây cảnh chiến chinh
Không giờ rỗi rảnh để được gần nhà.
Bài Tứ Mẫu:
Tứ mẫu phi phi
Chu đạo uy trì
Khởi bất hoài quy?
Vương sự my cổ
Ngã tâm thương bi!
Có nghĩa:
Ngồi trên xe tứ mã rong rủi không ngừng, trên con đường thênh thang, quanh co và xa tắp. Chẳng lẽ ta lại chẳng muốn trở về sao? Nhưng chỉ vì việc của vua ta chưa hoàn tất mà đành chịu vậy! Lòng ta xa xót lắm thay!
VẤN: Ông Đặng Thới Lai Orange County: Tờ báo đầu tiên ở VN xuất bản từ năm nào? Tên của tờ báo? Các cây bút nào tiên phong gia nhập nghề viết báo?
ĐÁP:
Quân Pháp chiếm Gia Định năm 1859, tiếp đến chiếm ba tỉnh miền đông Nam Kỳ vào năm 1862 vẫn chưa có báo tiếng Việt. Lúc bấy giờ ta còn dùng chữ Hán Việt, cho mãi đến những năm gần cuối thế kỷ 17, nhờ các nhà giáo sĩ Thiên Chúa giáo dùng chữ La Tinh chế tạo ra chữ quốc ngữ (tức chữ tiếng nước Việt) rồi dần dà truyền bá ra ngoài dân chúng. Pháp muốn dễ dàng phổ biến các tin tức bèn mở các trường học, nhờ vậy mà sô người biết chữ quốc ngữ càng ngày càng đông lên. Đến năm 1865, vào ngày 15 tháng Tư thì Gia Định báo ra đời. Đó là tờ báo đầu tiên viết bằng tiếng Việt. Đến năm 1868, tức ba năm sau thì Phan Yên theo chân xuất hiện. Nhưng tờ báo này bị cấm vì viết các bài công kích nhà cầm quyền Pháp. Các cây bút viết đầu tiên bằng tiếng Việt là Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Của…
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 58
VẤN: Cháu Vũ Bạch Thủy Alhambra LA. Cháu thường nghe trong ca dao ta có “hát đối”. Vậy thế nào gọi là hát đối? Bà cụ giải hộ cho cháu. Và nhân thể nếu bà cụ có nhớ xn chép cho cháu một vài bài. Cám ơn bà cụ nhiều.
ĐÁP: Hát đối là bài hát của hai bên nam nữ hát đối đáp nhau. Thường sử dụng trong các cuộc gặp gỡ nhau nơi công cộng để vừa giải trí,vừa làm tăng thêm phần hào hứng trong các việc làm bằng sức lao động. Có nhiều cách hát đối,ví như bên nam hát một câu thì bên nữ cũng hát trả một câu. Hát đối được chia nhiều loại như : hát quan họ, hát ví, hát dặm v.v…
Dưới đây là các lời hát đối :
“Ngồi tựa vườn đào,
Nửa chăn để đó, nửa giường để đó chờ ai.
So chữ sắc tài
Có công gắn bó,có người phụ nghĩa quên công.
Nên chăng đấy vợ,đây chồng ?”
Và đây là lời bên nữ đối lại:
“Ngồi tựa vườn đào,
Thấy người bạn ngọc ra vào,lòng những vẩn vơ.
Tháng đợi năm chờ,
Yêu nhau chớ để hững hờ với khách tài hoa.
Khấn nguyện trăng già
Duyên tơ xe lại một nhà đầm ấm yên vui.
Nguyệt lặn sao dời
Bõ công gắn bó,bõ lời gắn bó giao đoan.
Nên chăng tình Tấn,duyên Tần?
VẤN: Cụ Đào Huy Hiệu Los Angeles: Ai lập ra 64 quẻ cũng như bản đồ phương vị cho Dịch học?
ĐÁP: Thụ Ung. Ong là một nhà triết học được xem là siêu việt của Trung Hoa chẳng có ai sánh kịp.
VẤN: Trương Vĩnh Thơ Vannuys: Bà cụ có biết thần đồng Từ Huệ không? Xin cho biết.
ĐÁP: Từ Huệ người đời Đường, là con gái của Từ Hiếu Đức, tám tuổi đã biết làm thơ mà thơ của cô bé gái này lại được liệt vào hàng tuyệt tác. Nữ Thàn đồng được nhà vua Đường Thái Tôn triệu vào làm tài nhân trong cung. Một hôm vua vời nàng không đến, vua nổi giận. Nghe tin vua muốn trị tội, nàng nàng bèn dâng lên bài thơ rằng:
“Triêu lai lâm kính đài
Trang bãi độc bồi hồi.
Thiên kim mãi nhất tiếu
Nhất triệu khởi năng lai.
Có nghĩa:
Sớm mai đến chốn đài gương, điểm trang xong bỗng thấy lòng sao bồi hồi. Ngàn vàng mua một nụ cười, một lần vời há đã vội lại ngay sao!
Đọc xong bài thơ của nàng,nhà vua mỉm cười tha cho tội bất kính.
VẤN: Ong Đào Hữu Trúc Monterey Pàk: Tôi có mấy câu tục ngữ bằng chữ Hán sau đây,nhờ bà cụ giảng giải hộ:
1. Kim triêu hữu tửu kim triêu túy
Minh nhật sầu lai minh nhật đương.
2. Kim bằng hỏa luyện phương tri sắc
Nhân dữ tài giao tiện kiến tâm.
ĐÁP: Câu thứ 1:
Sớm nay rượu đến thì say uống
Mai hễ sầu chi đã có mai.
Ta cũng có câu:
“Được con nào,xào con nấy
Câu thứ 2:
Lửa lò thét ngọn vàng tươi sắc
Giao dịch đến tiền mới rõ tâm
Ta có câu:
Thấp cao mới biết tuổi vàng
Gặp cơn lửa đỏ màu càng thắm thêm.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 59
VẤN: Giáo sư Bạch Doãn Lợi, Virginia: Ngay từ ngày thế chiến thư hai chấm dứt, có nghĩa là đã 65 năm, tôi được nghe khắp thế giới đều bàn tán vê Đĩa Bay tức UFO. Tôi tìm sách báo để đọc dồng thời theo dõi để tìm hiểu có hay không về hiện tượng đĩa bay? Nhưng càng ngày tôi cảm thấy mất đi tin tưởng. Bà chị có tin là có hay không?
ĐÁP:
Tôi cũng như giáo sư vậy. Có nghĩa từ khi nghe khắp mọi nơi đều bàn thảo và gần như tin chuyện “Đĩa Bay” (UFO) là có thật. Như trong bản “Report On My Trip To Saturn” của George Adamski đăng trong Cosmic Bulletin và tái đăng trong Vol. 4 No. 3 của Orbit “The Tyneside Society’s Magazine” đã viết về hiện tượng chuyện Người Không Gian xâm nhập vào địa cầu chúng ta.
Tiếp đến cuốn “The UFO Case Book” phát hành năm 1989-90 của đại úy hồi hưu Kelvin D. Randle, sau khi ông bỏ ra 25 năm nghiên cứu, lặn lội khắp nơi có hiện tượng liên hệ UFO xảy ra, từng phỏng vấn hàng trăm nhân chứng. Trong tập sách của ông có nói đến người hành tinh thường bắt cóc người địa cầu để thí nghiệm, truyền giống… Ông cũng đề cập đến những người đã bị ngưới hành tinh bắt cóc đều cho rằng người hành tinh lạnh lùng và với họ không có lấy một cảm giác nào đối với những nạn nhân mà họ đã tiếp xúc.
Ông đưa câu chuyện của một người phụ nữ làm thương mại còn trẻ – bà Suzan Ramstead – đã nhìn thấy UFO và làm “Report” cho chính quyền địa phương về việc bà đã trông thấy một đĩa bay vào thángMười năm 1973 ở một cánh đồng bắp, lúc bà đang trên đường đi họp thương mại. Ngay sau đó, bà liên lạc với chồng bằng CB, thì bị ngưng hoạt động. Theo lời bà, thì bà bị mất liên lạc độ 5 phút nhưng chồng bà thì khẳng định lâu hơn nữa, có thể đến 20 phút. Bà Suzan cũng chẳng khác nào những người cùng tình trạng bà, họ hoàn toàn quên hết tất cả những gì đã gặp người hành tinh. Thế có nghĩa bà hoàn toàn không nhớ bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc gặp gỡ với những người ngoài không gian. Có nghĩa bà cũng bị người hành tinh dùng kỹ thuật như thôi miên làm cho quên hết hoặc cứ tưởng rằng đó chỉ là một giấc mơ trong khi ngủ. Theo bà Suzan qua một thời gian bà chợt sực nhớ lại hình ảnh của người hành tinh và thuật lại:
-”Tôi ngừng xe lại và nhìn họ – những con người nhỏ bé - tiến đến bên xe tôi. Họ có hai con mắt rất lớn, nhưng không có nét nào hiện rõ trên mặt. Bà nhớ là họ đã đưa bà lên đĩa bay. Bên trong đĩa bay lạnh và có ánh sáng rực lên, bày ra rõ ràng những máy móc, màn ảnh như các máy điện tử. Họ đưa bà lên một cái bàn dài để khám nghiệm. Họ lạnh lùng và chẳng có chút nào tình cảm. Và nhiều lần nữa, họ đến ngay nhà bà…nhưng bà chỉ cảm nhận như là giấc mơ với những hành động tương tự như cảnh đã diễn ra trên dĩa bay.”
Chuyện nửa hư nửa thực, mơ mơ hồ hồ. Thật hoàn toàn bí ẩn …
VẤN: Ông Hoàng Đình Khai, Orange County: Tôi muốn được nhắc lại quẻ ĐỊA TRẠCH LÂM và quẻ TRẠCH THIÊN GIẢI. Xin cám ơn bà cụ.
ĐÁP:
Quẻ ĐỊA TRẠCH LÂM: Quẻ TRẠCH và ĐOÀI nhập chung lại là Quẻ LÂM có nghĩa là: biểu tượng sự suy xét những cử chỉ, ngôn ngữ và ý chí của con người qua cái ánh sáng thiêng liêng mà ta thường gọi là linh hồn. Lâm là tiến lên mà lấn bước một việc gì, chẳng hạn trong đạo trị dân, thân với dân nhưng phải dạy dỗ và cảm hóa…
Qủe TRẠCH THIÊN GIẢI do quẻ ĐOÀI (đầm, bùn) và quẻ KIỀN (trời) nhập chung gọi tắt là quẻ QUẢI. Quải có nghĩa là: quyết liệt, lý cho tới cùng mới thôi. Quyết liệt để đạt mục đích. Quẻ này ý nói nếu mang chính nghĩa ra hành động thì phải thực hiện cho kỳ được.
VẤN: Bà Văn Thành Hồng Los Angeles: Tại sao “Theo ngọn mây Tần” từ điển tích nào?
ĐÁP:
Trong thơ Hàn Dũ có câu: ”Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại?” Có nghĩa “Mây che ngang núi Tần, không trông thấy nhà ở đâu”.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 60
VẤN: Ông Văn Hồng An, Philadelphia: Bà cụ có nhớ những lời của thầy Mạnh Tử hỏi vua Tuyên Vương về đường lối xử trí đối với người có những đường lối sai lầm như thế nào không?
ĐÁP:
Trong “Cổ Học Tinh Hoa” có ghi câu chuyện mà ông vừa hỏi: “Một hôm thầy Mạnh Tử hỏi vua Tuyên Vương nước Tề rằng: Giả sử có người bề tôi nhà vua đem y thực của vợ con ký thác cho người bạn thân nhờ trông nom giúp để sang chơi nước Sở có việc; kịp đến lúc về, mới biết bạn đã để cho vợ con đói rét thì người ấy nên xử sự với bạn thế nào?”.
Vua nói: Nên tuyệt giao. Thầy Mạnh Tử lại hỏi:
- Giả sử có người làm quan sĩ sư không trông nổi được thuộc viên, để cho hình ngục sai lầm, công việc phế khoáng, thì nhà vua nên xử thế nào với viên quan ấy?
Vua nói: Nên bãi đi. Thầy Mạnh Tử nhân đấy, hỏi luôn câu nữa:
- Thế thời làm vua một nước mà không sửa sang việc chính trị, việc giáo dục để đến nỗi trong nước không được bình trị, thì trách nhiệm tại ai và nên xử trí thế nào?
Vua nghe nói, ngoảnh mặt sang bên tả, bên hữu, nói lãng sang chuyện khác, có ý vừa chữa thẹn, vừa tránh không trả lời. (Mạnh Tử)
VẤN: Cụ Nguyễn Mậu, Virginia.
1. Trong bộ Tam Quốc Chí, có tât cả bao nhiêu nhân vật?
2. Nghe nói Tam Quốc Chí có ba cái “Tam Tuyệt”, vậy ba cái “Tam Tuyệt” đó là gì?
ĐÁP:
a. Có 1178 nhân vật tất cả.
b. Ba cái “Tam Tuyệt” đó là:
1. Tào Tháo gian tuyệt
2. Quan Vũ nghĩa tuyệt
3. Khổng Minh trí tuyệt
VẤN: Bà Nguyễn Hà Chân, Cagona Park: Đường Tăng đi thỉnh kinh, chuyện có thật chăng?
ĐÁP:
Có thật vậy. Đời Đường Thái Tông, có nhà sư trẻ tuổi là Huyền Trang một mình sang Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh, đường xa hàng mấy vạn dặm, đi về mất đến 17 năm trời.
VẤN: Bà Nguyễn Vân Anh, San Jose: Bà cụ có nghe nói tiết lợn cũng là loại thuốc chữa bệnh không? Nếu có thì sử dụng như thế nào?
ĐÁP:
Tôi cũng nghe nói như vậy. Các sắc dân châu Á như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, Đại Hàn v.v…thường dùng tiết heo ăn trong các bữa ăn chính và làm đủ mọi kiểu để ăn cho ngon miệng. Việt Nam ta thì nấu cháo huyết, làm tiết canh, dồi lợn, một phần trong món bún bò Huế, hoặc xào với hẹ. Đó là các thức ăn vừa rẻ vừa bổ.
Theo Tây y “tiết canh” có hàm lượng chất sắt cao. Theo các bản nghiên cứu thì cứ 100 grammes thì có đến 45% chất sắt. Tính ra cao hơn “gan” đến 20 lần. Cao hơn thịt nạc cũng 20% và cao hơn cả trứng gà đến 18 lần. Chất sắt là thành phần chính để tạo ra hồng huyết cầu. Do đó người bị bệnh thiếu máu có thể ăn tiết lợn. Tưởng cũng nên biết lượng mỡ trong tiết lợn lại rât thấp. Trái lại chất lân tinh thì rất cao. Ngoài ra trong tiết lợn còn chứa nhiều loại dinh dưỡng gồm đủ chất Vitamin và chất khoáng. Theo phương pháp ăn uống trị liệu như sau:
Dùng một bát tiết lợn hay một miếng tiết chín hay tươi sẵn bán ở chợ, cá chép 100 gr. gạo 100 gr. một ít hạt tiêu trắng giã nhỏ bỏ chung vào nấu thành cháo ăn thường xuyên chẳng những chữa được bệnh mà còn làm cho tinh thần và thể xác thoải mái. Đại để là như vậy. Bà chị nên hỏi các Đông Y Sĩ có phải như vậy chăng? Tôi cũng chỉ nghe đại khái như vậy.
(còn tiếp)
THINH QUANG