MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 11)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 51
VẤN: Ông Hồ Hữu Nhân, Virginia: Tôi nghe vào khoảng thế kỷ 19, có rất nhiều sách in về ca dao, tục ngữ, cụ có biết các loại sách này không?
ĐÁP:
Có tương đối khá nhiều về sách ca dao, tục ngữ kể từ năm 1882. Đa phần là sách của tác giả Huỳnh Tịnh Của như:
1- Maximes et provertes, viết bằng quốc ngữ do Imp. du Gouvernement. Saigon ấn hành.
2. Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn, Imp. –libr Nouvelles Claude et Cie, Saigon 1896.
3. Câu hát được thu thập trong dân gian, Recueil des chansons populaires, Saigon
Một số của Khâu Vô Nghi, như:
1. Hát chèo ghe đối đáp, do nhà in Xưa Nay ấn hành.
2. Hát huê tình đối đáp, do nhà in Xưa Nay
Sưu Khảo của Nguyễn Công Chánh:
1. Câu hò xay lúa, nhà in Xưa Nay ấn hành năm 1928
Đặng Tấn Tài:
1. Câu hát và lời hò thu thập trong dân chúng. Ấn hành năm 1929.
2. Câu hát đối đáp do nhà in Xưa Nay ấn hành. Đại khái như vậy.
VẤN: Tôn Nữ HK., San Jose: Bà cụ nhắc hộ vầ sự tích của từ “Đan Quế” và “Ngọc Thố”.
ĐÁP:
Từ “Đan Quế” có nghĩa là một cây quế màu đò ở cung Hàn. Cứ theo điển tích thì Vua Đường Minh Hoàng du nguyệt điện, nhìn thấy các nàng tiên nhởn nhơ múa hát ngay dưới bóng cây quế. Còn Ngọc Thố là danh từ chỉ cho mặt nguyệt. Cứ vào sự tích chép trong Kinh Phật: Một ngày nọ có một con thỏ nhân đức nhìn thấy cảnh đói khổ của một bầy thỏ động lòng từ, bèn nhảy ngay vào đống lửa để làm chả cho đồng loại ăn. Khi bầy thỏ đói ăn hết cả thịt rồi đức Phật Thích Ca thu góp lại đống xương đem để dưới gốc cây Đan Quế trên cung trăng.
VẤN: Cụ Hồng Văn Hạnh, Philadelphia: Tôi muốn được nhắc lại nghĩa của “Tam Ma Địa”. Tại sao lại có từ này?
ĐÁP:
Tam Ma Địa là danh từ Sanskrist dịch ra thành từ phát âm chữ Hán. Tam Ma Địa hay còn được gọi là Tam Muội, chỉ vào quá trình tâm sinh lý thực nghiệm mà nhà tu hành thường dùng để tập họp tất cả năng lực ngăn không cho phóng ra ngoài hoặc dùng đề thu cái phóng tâm về. Tránh không cho tâm bị vọng động.
1. Chính định tức không để tinh thần xao lảng.
2. Chính thụ – giữ vững cảm xúc đi thẳng vào đối tượng của mình.
3. Chính tâm hành xử – hòa hợp với đối tượng v.v..không ngoài mục đích khai phóng sang bình diện siêu phàm.
VẤN: Cụ Lưu Văn Tỷ, Orange County: Bà cụ giải hộ cho mấy câu ca dao bằng Hán tự bên dưới:
1. Hà hiệp thủy cấp, nhân cấp kế sinh
2. Hại nhân chi tâm bất khả hữu, phòng nhân chi tâm bất khả vô.
3. Hàm tại khẩu trung phạ dưỡng
Thổ tại khẩu ngoại phạ lãnh
ĐÁP:
Câu thứ 1:
Sông hẹp nước chảy xiết, người gặp ngặt sinh mưu
Ta có câu:
Túng thì tính
Hoặc:
Cái khó ló cái khôn.
Câu thứ 2:
Lòng hại người không nên có
Bụng phòng người chẳng thể không
Câu thứ 3:
Ngậm trong miệng sợ ngứa, nhả ra thì sợ lạnh
Ta có câu tương tự:
Bỏ thì thương,vương thì tội.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 52
VẤN: Cụ Vũ Văn Ngọc, Cagona Park: Tôi muốn được nhắc lại bài Thu phong từ của Hán Vũ Đế. Bà cụ giúp cho.
ĐÁP:
Dưới thời Hán Vũ Đế nền văn học được xem là cực thịnh. Nhà vua là một người hùng tài, hiếu động, thích vể văn học. Thời gian này đối với các văn nhân là một cơ hội hiếm có để lập công. Bài Thu phong từ này như sau:
“Thu phong khởi hề, bạch vân phi,
Thảo mộc hoàng lạc hề, nhạn Nam quy
Lan hề, tú hề cúc hữu phương,
Hoài giai nhân hề, bất năng vong!”
Gió thu dấy lên hề, mây trắng bay
Cây cỏ vàng rực hề, nhạn Nam quy.
Lan hề, đẹp hề, Hoa cúc tỏa hương
Nhớ giai nhân lắm hề, không thể quên…
VẤN: Lê Thị Hồng Vân, Monterey Park:
1. Cháu biết gia cầm là các loài lông vũ nuôi trong nhà, có điều không biết gồm bao nhiêu loai?
2. Cháu cũng nghe đến loại “gà tiền”, vậy gà tiền là gì? Bà cụ giúp cháu được hiểu rõ hơn.
ĐÁP:
1. Gia cầm gồm các giống gà như: gà cồ, gà đá, gà ri, gà đen, gà nổ, các loại gà Hydro HV, gà logo v.v… Các giống vịt như vịt cồ, vịt bầu, vịt ô môn, vịt Bắc Kinh, vịt thung lũng xứ Anh Đào, vịt xiêm…
Ngỗng thì có ngỗng sen, ngỗng sư tử, ngỗng Ranhlan. Bồ câu cũng được liệt vào hàng gia cầm.
2. Gà tiền, thuộc giòng họ Trĩ Phasianidae, bộ gà, cổ lớn sắc lông xám tro hơi ngã mảu nâu, mỗi chiếc lông của nó có điểm hình tròn màu xanh lam óng ánh. Giống này sống ờ rừng sâu có nhiều tre nứa. Mỗi lứa đẻ hai trứng, ấp 21 ngày. Thực phẩm của chúng là hoa qủa và các côn trùng nhỏ.
VẤN: Cụ Phan Đại Trung, Orange County: Tôi có nghe Sách Thi Tử đã mô tả cảnh đất nước thanh bình trong bài Nam Phong Ca, tôi quên bài này xin bà cụ nhắc hộ và luôn thể giải thích cho.
ĐÁP:
Có như vậy. Sách Thi tử có nói cảnh thanh bình trong bài Nam Phong Ca như diễn tả cảnh vua Thuấn đàn Ngũ Huyền Cầm ca bài Nam Phong, được ghi lại trong Khổng Tử Gia Ngữ:
Nam phong chi huân hề,
Khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề,
Nam phong chi thời hề,
Khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề.
Đây là bài ca dao được mô tả cảnh thái bình khó lòng có bài ca dao nào sánh kịp: “Mùi thơm của gió Nam hề có thể làm nguôi ngoai được lòng buồn giận của dân ta. Có gió Nam đưa lại thích thời đó hề, có thể làm tài sản của dân ta phong phú thêm lên.”
VẤN: Cư sĩ Tịnh Hải, Orange County: Bà chị có nhớ nhân vật lịch sử về Phật giáo ở Việt Nam là vị nào không?
ĐÁP:
Có thể đó là nhà sư Khang Tăng Hội. Nhà sư họ Khang sinh tại Giao Chỉ, song thân ông là người Sogdian tên Tăng Hội, thương gia từng đến An Nam bằng đường bộ.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 53
VẤN. Ông Hà Hữu Vi, San Jose: Vào thập niên 30 ở đồng quê, người dân thờ cúng ngoài chùa chiền, am miếu, còn thấy thờ cả các tảng đá mặt vẽ bùa, hoặc trước hiên nhà treo thờ cả cung tên nữa. Bà cụ có biết thờ như vậy là thuộc tôn giáo nào không?
ĐÁP:
Xã hội nguyên thủy có tục Bái Vật do một tôn giáo chủ trương gọi là Bái Vật Giáo. Có các loại thờ phượng là Nhân Thể, Thần Tượng, Vật Hộ Thân. Như đá, cành cây, xác người, hay xác động vật, cung tên v.v… Theo người nguyên thủy các vật kể trên chúng có một sức mạnh siêu nhiên huyền bí. Họ thờ cúng để được thần linh trừ tà và ban cho phúc lộc.
VẤN: Bà Đỗ Tri Văn, Alhambra LA. Tôi không biết ý nghĩa của CAN CHI. Bà cụ nhắc hộ cho,
ĐÁP: Can Chi chia ra hai phần khác nhau:
CAN có 10 Can gồm: Gíap, Ất, Bính, Đinh, Mồ, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí.
CHI có 12 Chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Can Chi phần này dùng để tính về Năm, Tháng. Còn tính thời khắc thì kể từ 23 giờ tức là giờ Tý.
Qui tắc ghép Can Chi: Can chẳn ghép với Chi chẳn. Can lẻ ghép với Chi lẻ.
Về phần “Dược” tức thuốc uống chữa bệnh theo Đông Y Cổ Truyền thì sử dụng trong “Tí Ngọ Lưu Trú”. CAN CHI không phải duy chỉ Trung Hoa và Việt Nam thường dùng mà còn luôn cả Nhật Bản và Triều Tiên.
VẤN: Ông Bùi Bằng, Virginia: Tôi nghe danh từ “Đông Bích” nhưng không biết nghĩa của nó như thế nào? Chẳng lẽ là bức tường ở phương Đông sao?
ĐÁP:
Đúng là bức tường ơ phương Đông. Nó xuất phát tên một ngôi sao trong “Nhị Thập Bát Tú. Đông Bích chủ về thi hạch văn chương. Đông Bích còn chỉ về sách vở. Người ta thường để sách vở ở hướng Đông. Tần Thủy Hoàng là một bạo chúa chôn sách giết học trò. Do đó dưới thời Tần Thủy Hoàng người ta dấu sách trong giữa bức tường rồi xây kín lại. Sau khi bạo chúa Tần Thủy Hoàng chết, những người cất giấu sách của Khổng Tử trong tường hướng Đông phá vách mang ra. Do đó mới gọi Đông Bích.
VẤN: Gs. Hà Văn, Maryland: Thưa cụ, xin mạo muội vài lời cụ giải thích hộ cho: Kể từ mấy ngàn năm từ khi có bộ Kinh Dịch ra đời đến nay có bao nhiêu môn phái luận đến và mang ra sử dụng?
Đáp:
Đây là bộ kinh tối cổ và được nhiều giáo phái, cũng như các nhà tư tưởng luận đến và mang ra sử dụng cho đường lối của mình. Ví như:
- Theo Nho giáo thì đây là bộ Sách bói toán cát hung.
- Theo Phật giáo thì đây là Bộ Kinh soi sáng theo đời sống con người với vũ trụ.
- Theo Mật Tông thì đây là bộ Kinh dành để nghiên cưu về sự vận chuyển các từ lực của con người với các đối thể hiện hữu chung quanh.
- Theo Tân Gia Mặc Pháp thì đây là bộ Kinh tôi luyện tư tưởng và dùng nó để khắc chế thiên nhiên.
- Theo các tư tưởng gia Tây phương gọi nó là bộ triết thọc uyên bác có khả năng chuyển cải tư tưởng bất thuần động của nhân loại.
Với khái niệm như đơn cử bên trên cho thất tùy mỗi nơi, mỗi tôn giáo, tùy mỗi quốc gia và địa phương theo sự thu nhận và suy tư hợp với đường lối của mình. Chẳng hạn trong các môn võ phái, võ thuật cũng bị những khái niệm khác nhau về Kinh Dịch làm thay đổi các tư tưởng võ thuật. Ví như: Phái Võ Đang với môn huy là Thái Cực, dùng Kinh Dịch để lập thành chiêu thế như sau:
- Thái Cực đại tâm quyền
- Càn Khôn Kiếm
- Hỏa Muội phong sơn côn
- Địa tán thương
- Lôi tùy giang hành trảo…
và bộ quyền cao đẳng vi diệu nhất của Võ Đang do Trương Tam Phong khi thọ được 103 tuổi lúc sắp chết đã minh ngộ lập thành sau khi định giải được quẻ: Thủy Phong Tĩnh. Đây là bộ thái cực quyền gồm 108 thế, chia 12 phần, mỗi phần 9 thế. 12 phần này chuyển vào kinh mạch của con người…
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 54
VẤN: Một độc giả San Jose (Qua nhà thơ Tú Lắc): Tôi thường nghe hai chữ “TANG BỒNG” có biết đại khái song muốn thấu triệt hơn. Xin bà cụ nếu biết giải hộ. Nước Việt Nam ta có cỏ BỒNG không?
ĐÁP:
Ta gọi là TANG BỒNG. Tang là cây dâu, Bồng là cỏ Bồng có mùi thơm đuổi được bóng Tà. Thơ Thinh Quang trong bài đáp họa bài thơ của cụ Nam Trung Tử, có câu: ”Xông khói Bồng lên đuổi bóng tà”. “Tang bồng” chỉ về chí khí giang hồ.”Tang bồng hồ thỉ” là cây cung làm bằng gỗ dâu, mũi tên thì làm bằng cỏ bồng, ta thường nghe nói về chí khi của nam nhi: Phỉ chí tang bồng. Tang bồng do chữ “Tang hồ, bồng thỉ” mà ra. Có người cho rằng “Cỏ Bồng” tức CỎ VOI – tên về nông: Pennisetum purpureum thuộc loài cỏ lưu niên họ Hòa thảo tức Poaceae – thân cây đứng trông hệt như thân cây mía, cao đến từ 3 đến 4 thước, mọc thành bụi dày to tròn, ruột rỗng có nhiều đốt, có quả màu nâu sậm. Có người cho Cỏ Bồng” tức loại “Cỏ Xước” (Achyranthes aspera, cây thảo họ Rền tức Amaranthacae cao khoảng một thước, thân vuông lá hình trứng...trỗ bông ở ngọn. Chính đó là loại “CỎ BỒNG”.Đông Y gọi là vị thuốc “Ngưu Tất Nam”, xông lên có mùi thơm dịu. Các loại cỏ này có cùng khắp tại các cánh đồng ruộng nước ở Việt Nam ta.
VẤN: Cụ Hoàng Ngọc Phu, Rosemead: Xin nhờ bà cụ giải nghĩa hộ cho mấy câu tục ngữ Trung Hoa như sau:
1. Cần canh bố chủng ban ban hữu
Lãn tác sinh nhai sự sự không.
2. Cẩu triều thí tẩu, nhân triều thế tẩu.
3. Cẩu cấp khiêu tường, nhân cấp huyền lương.
ĐÁP:
Câu 1. “Cần canh bố chủng ban ban hữu
Lãn tác sinh nhai sư sự không.”
Nghĩa:
Siêng cầy trồng tỉa,luôn luôn có
Nhác việc làm ăn ắt rỗng không. (rỗng không đây có nghĩa trắng tay).
Ta cũng có câu:
Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.
Câu 2: “Cẩu triều thí tẩu, nhân triều thế tẩu.
Nghĩa:
Chó rảo theo hơi rắm, người đua theo thế quyền.
Trạng Trình cũng có câu cùng nghĩa:
“Được thời, thân thích chen chân đến
Thất thế hương lư ngoảnh mặt đi.”
Câu 3:
“Cẩu cấp khiêu tường, nhân cấp huyền lương”
Nghĩa:
Chó gấp nhảy rào, người cùng trộm đạo.
Ta có câu: “Chó cùng rứt giậu.”
Cũng có câu tục ngữ nói về bước đường cùng của kẻ sĩ: “Quân tử cố cùng, quân tử cố”.
VẤN: Cụ Hà Thành Văn, Canoga Park: Tập tục vẽ thần giữ cửa? Các vị thần đó là vị thần nào? Bà cụ biết xin kể lại.
ĐÁP:
Tập tục này có từ thời Hán. Lúc bấy giờ người đương thời có thói quen vẽ Thần Đồ, Úc Lũy và luôn cả “hổ” trên hai cánh cửa lớn trước mặt nhà. Người xưa thường có quan niệm rằng hai vị Thần Đồ và Úc Lũy có biệt tài về bắt ma vương quỷ sứ. Cứ mỗi lần bắt được các quỷ sứ ma vương thì dùng loại dây lau trói ké lại mang cho hổ ăn thịt. Người cổ đại tin các vị Thần Đồ, Úc Lũy và hổ là khắc tinh của quỷ vương, vì vậy muốn không bị ma quỷ đột nhập vô nhà quấy phá tổ tiên ta ngày xưa đều vẽ hình tượng của các vị thần này nhìn thấy phải tránh xa không còn bén mảng nữa. Tưởng cũng nên biết người xưa cho rằng “tượng vẽ” với “tượng thật” có sự tương thông nhau, do đó có tác dụng đối với bản thân tượng thật. Theo Vương Sung: ”Vẽ hình ảnh người trên gỗ đào không phải là Thần Đồ, Úc Lũy, cũng như “hổ vẽ” là hổ ăn quỷ sứ ma vương, thật ra khắc vẽ đúng như hình tượng chỉ với dụng ý là để ngăn ngừa cái hung xảy đến mà thôi”.
VẤN: Cụ Lê Nhân Quang, Orange County: Ai đã tìm ra cách bói toán gọi là khoa “Tử Bình”?
ĐÁP:
Người tìm ra lối bói giải thuộc khoa Tử Bình là Từ Cử Dịch tự là Tử Bình. Người tìm ra khoa này có bút hiệu Sa Địch tiên sinh, ngoại hiệu là Bồng Lai Tẩu, quê quán Đông Hải, núi Thái Khê thuộc đời Đường.
Có giả thuyết bảo rằng Tử Bình được lập ra bởi Lạc Lộc Tử người đời Hán. Lại có giả thuyết cho là của ông Châu Dụ Kha, cháu của vua Châu Công Đán. Thêm một giả thuyết nữa bảo rằng của Hàn Luận Cơ, thúc phụ của Hàn Phi Tử phát minh ra. Hiện tại người Hồng Kông cũng như người ở hải đảo Dài Loan coi trọng môn bói toán này.
VẤN: Đông Y Sĩ Năng Hồng, Rosemead: Tôi còn lờ mờ về “Tính Chất và Chủ Trị của sâm. Ví như, trong Y Học Đông Phương bảo khi sâm khi thì có tính “cực âm”, lúc thì có tính “cực dương”. Lại nữa theo y lý Đông Phương cho rằng sâm chận được hàn, dùng nhiều thì chẳng khác nào như thiêu như đốt. Tôi cũng chẳng rõ lắm về chủ trị về các căn bệnh gì? Nếu được xin cụ bà lý giải hộ cho.
ĐÁP:
Tính chất của “Sâm” tự nhiên mọc hay được trồng thì hoàn cảnh vẫn thích nghi là nơi ẩm ướt, không có ánh nắng mặt trời. Sâm mang tính “Cực Âm” nhưng đặc biệt khi thành củ thì sâm là loại “Cực Dương” có nghĩa là có tính nóng, phát nhiệt. Nên nhớ, khi dùng ít nó mang tính “Chận Hàn”, tuy nhiên dùng nhiều thì trở nên “Nóng”. Vị của sâm tùy theo loại, phần nhiều rất béo, ngọt ngọt và nồng độ của từ tính rất cao. Nếu là sâm quý chỉ cần ngậm một lát nhỏ là chúng ta có thể nhận thấy ngay được nồng độ phát ra cực mạnh do vị giác thấm thấu ngay khi vừa đưa lát sâm ấy vào miệng.
Về chủ trị: Nên nhớ “Sâm” được mang tên là thần thảo vì nó linh nghiệm đối với các chứng bệnh theo như y lý mà tôi biết được như các chứng:
- Suy tim (Cardiac Failure).
- Tim và phổi (Cardiopulmonary).
- Sự xáo trộn dẫn truyền từ tâm nhĩ đến tâm thất (Bundle Branchblock)
- Nhịp tim giống như tiếng hý nhỏ v.v...Đại khái là như vậy. Để chắc chắn hơn, ông nên đến các Đông Y Sĩ có đầy kinh nghiệm và kiến thức rộng để khảo sát lại. Tiếc là tôi không phải là Đông Y Sĩ chỉ nhớ lờ mờ như vậy, chẳng biết có đúng hay không.
VẤNI: Cụ Vi Lam, Orange County (CA): Tôi muốn được nhắc lại hai bài thơ bên dưới:
1. Bài “Cung Oán” của Tư Mã Lễ
2. Bài “Đề Đô Thành Nam Trang” của Thôi Hộ.
Nếu có được cả bài dịch chẳng có gì quí bằng.
ĐÁP:
1. Bài CUNG OÁN của Tư Mã Lễ như sau:
Liễu ảnh sâm si yểm họa lâu,
Hiểu oanh đề tống mãn cung sầu.
Niên niên hoa lạc vô nhân kiến,
Không trục xuân toàn xuất ngự câu.
Bài dịch của Nguyễn Huy Nhu:
Thấp cao bóng liễu che lầu,
Oanh kêu giục giã tiếng sầu đầy cung.
Hoa rơi nào thấy ai trông
Luống theo ngọn suối ra vùng ngự câu.
2. “Đề Đô Thành Nam Trang” của Thôi Hộ.
Tích niên kim nhật thử môn trang,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Bài dịch của Tương Như:
Cửa đây, năm ngoái cũng ngày này,
Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây.
Má phấn giờ đâu? Đâu vắng tá?
Hoa đào còn bỡn gió Xuân đây.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 55
VẤN: Ông Vũ Hồng Đạo (San Jose) Tôi nghe có người gọi là TỰ ĐIỂN, có người thì gọi là TỪ ĐIỂN. Chẳng biết có khác nhau không?
ĐÁP:
Trước hết xin giải về từ TỰ ĐIỂN. “TỰ” là CHỮ. TỰ ĐIỂN là sách giải nghĩa các chữ một cách đơn giản.
Còn TỪ ĐIỂN: thì “TỪ” là LỜI. TỪ ĐIỂN là sách để giảng giải các từ ngữ. Tuy nhiên theo chiết tự thì TỪ ĐIỂN có nghĩa rộng hơn, bao quát hơn TỰ ĐIỂN.
VẤN: Cư sĩ Tịnh Hải, Orange County: 1. Thưa đạo hữu, tôi muốn được nhận thức rõ hơn về cái nghĩa của PHẬT’, Thế nào gọi là PHẬT? Luôn thể xin giải thích Phật tạng và Đạo tạng khác nhau như thế nào?
ĐÁP:
1. Theo Thiền tông cho rằng “bản tính Phật là Phật”, “Tự tâm là Phật”. Có nghĩa bản tính là tính duy nhất của Phật. Phật tính tồn tại trong tâm của mỗi người. Mất Phật tính bởi vì ta bị Võng Niệm suy nghĩ sai lạc mà phải sa vào vòng tội lỗi. Muốn vào cõi Phật chẳng mấy khó khăn nếu vứt bỏ được cái “võng niệm” hầu giác ngộ được cái tâm tính “linh tri bất mị” của mình thì chắc chắn sẽ đi vào Cõi Phật.
Tổ Thứ Sáu Huệ Năng đã nói: ”Nhất sát na gian, võng niệm cụ diệt, nhược thức tự tính, nhất ngộ tất chí Phật địa (trong phút chốc suy nghĩ lệch lạc thảy đều bị diệt, hiểu biết tự tính, giác ngộ mà đến đất Phật).
2. Phật tạng tức Đại tạng kinh có nghĩa tổng hợp tất cả các kinh điển Phật giáo. Còn Đạo tạng là tổng hợp tất cả sách kinh Đạo giáo.
VẤN: Bà Trương văn Tải (Virginia): Bà cụ có nhớ bài thơ Hà mãn tý của tác giả nào không? Nếu bà cụ nhớ xin cho biết và chép lại bài thơ này.
ĐÁP:
Bài thơ Hà Mãn Tý là của Trương Hổ, người đồng thời với Đỗ Mục. Bài này được Đỗ Mục tán thưởng. Xin chép lại để bà chị thưởng lãm:
“Cố quốc tam thiên lý
Thâm cung nhị thập niên.
Nhất thanh hà mãn tí,
Song lệ lạc quân tiền.”
Chuyển dịch:
Cố quốc ba ngàn dặm
Thâm cung vài chục năm.
Ca khúc Hà mãn tí,
Chàng ơi, lệ rơi đầm…
VẤN: Bà Văn Thành, Orange County: Tôi thường nghe “Dây Vũ, Dây Văn với Cung Thương và Tư Mã phượng cầu, nhưng không biết rõ lắm. Bà cụ nhắc cho.
ĐÁP:
Tiếng gọi về nhạc cu. Dây Vũ là dây lớn, dây Văn là dây nhỏ. Còn Cung, Thương là hai âm trong ngũ âm tức là Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ.
Kiều có câu:
So dần dây Vũ dây Văn
Bốn dây to nhỏ theo vần Cung Thương.
Còn Tư Mã tức Tư Mã Tương Như, người đời Hán. Phượng cầu tức Phượng hoàng – tên của một khúc nhạc nói về con chim phượng tìm con chim hoàng của Tương Như gáy. Tiếng đàn thật não nùng khiến người nghe không khỏi phải tuôn trào lệ.
VẤN: Cụ Phan Vũ Hùng, San Jose, Tôi muốn được biết về sự tích “Ngựa” của Mục Vương. Bà cụ nhắc hộ.
ĐÁP:
Mục Vương có tám con ngựa dùng để kéo xe. Cứ theo Mục Thiên Tứ Truyện, tám con ngựa đó có tên như sau: Xích Ký, Đạo Ly, Bạch Nghĩa, Du Luân, Sơn Tử, Cử Hoàng, Hoa Lựu và Lục Nhĩ.
VẤN: Cụ La Văn Ký, Maryland: Có một số cổ thi dùng chữ “Hề”, chẳng biết nghĩa ra sao?
ĐÁP:
“HỀ” là một trợ từ, người miền Bắc Trung Hoa thuở xưa tường lấy từ này để trợ cho các bài thơ. Ví dụ:
Lạc bại sơn HỀ, khí cái thế
Thời bất lợi HỀ, chuy bất thệ.
Chuy bất thệ HỀ, khả nại hà?
Ngu HỀ, Ngu HỀ! Nại nhược hà!
Việt Nam ta có bài thơ mà Giáng Tiên khi ngôi cạnh cây tùng vừa đàn vừa hát như sau:
“Cô vân vãng lai HỀ, sơn thiều nghiêu
U điểu xuất nhập HỀ, lâm yêu kiều
Hoa khai mãn ngạn HỀ, hương phiêu phiêu,
Tùng minh vạn hác HỀ, thanh tiêu tiêu…
HỀ có nghĩa là VẬY, là À, là CHỪ… Về sau lối dùng chữ HỀ tràn xuống tận miền Nam. Lão Tử người nước Sở ngày xưa thích làm loại văn cũng có chữ HỀ như miền Bắc.
VẤN: Ông Lý Đại Vân (Reseda): Tôi thường nghe Thiền phái Yoga, nhưng chẳng biết cái nghĩa của từ này.
ĐÁP:
Yoga có nghĩa là ”Nhất Thống”, còn gọi là Đạo…Nguyên có một vị kiếm sư mang tên là Oyoki Soma được một Lạt Ma truyền thụ môn Yoga vào thế kỷ 13 (1285). Suốt 15 năm ôn luyện tại một cánh rừng gần sông Dương Tử, Oyaki đã chứng ngộ được 9 pháp môn trong số 12 môn tuyệt đỉnh. Nhưng về sau người ta thường chỉ biết có Hatha Yoga, có nghĩa là Âm Dương Nhất Thống Học (Ha là mặt trời, Tha là mặt trăng và Yoga là nhất thống).
Còn tiếp
THINH QUANG