Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 03, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
VÀI Ý NGHĨ VỀ BÀI VĂN CỦA ÔNG HỌC SOẠN
LONG CƯƠNG
Các bài liên quan:
    HỌC SOẠN VỚI TIỀU PHU THÁN
    ĐÍNH CHÍNH VỀ TIỂU SỬ VÀ BÀI THƠ NỔI TIẾNG CỦA HỌC SOẠN


Lời Giới-thiệu:

Học Soạn là một nhà thơ tên tuổi của miền núi Ấn sông Trà trong vài ba thập niên đầu của thế kỷ trước.

Tương truyền Ông sáng-tác nhiều thơ. Rất tiếc, phần lớn bị thất lạc, nay chỉ còn lại dăm bài, trong đó có một bài nổi tiếng nhất, dài trên 80 câu thơ mà độc giả được đọc trong phần sau.

Ban Điều Hành giới thiệu bài viết thứ 3 của tác giả Long Cương trong loạt 3 bài viết. Bài thứ nhất với tựa "Học Soạn với bài Tiều Phu Thán" của ông Phương Đình, bài thứ hai với tựa "Đính chính về tiểu sử và bài thơ nổi tiếng của Học Soạn" do ông Nguyễn Hữu Thiện viết, đã được đăng trên trang web nầy.

Chúng tôi hy-vọng quý độc giả có thể suy-luận để tìm thấy những điểm gần sự thật nhất về tiểu-sử tác-giả, nhan đề và những điều liên quan đến bài thơ nổi tiếng tiên dẫn.

Qua ba bài viết liên quan đến một danh nhân của đất Quảng Ngãi, chúng tôi hy-vọng độc giả nào có tài liệu khác (hay nghe biết được) liên quan đến đề tại nầy, xin gởi vào để "làm sáng tỏ" vấn đề, hầu góp thêm phần phong phú cho kho tàng tư liệu của Quảng Ngãi.


Ban Điều Hành
www.nuiansongtra.net

 

- - - - - - - - - - - -

Trước năm 1960, một hôm trong một tiệm ăn bình dân tại Sài Gòn, tôi nghe một ông có vẻ tự hào với đám trẻ trong bàn ăn, đọc bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế rằng:

Nguyệt lạc ô hề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hà Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.


Khi nghe ông ta giảng giải, tôi mới hiểu rằng ông ta không biết gì về chữ Hán cả, chỉ là đọc theo sự chép hoặc đọc lại sai mà thôi. Ông đã đọc “ô đề” thành “ô hề” và “Hàn Sơn” thành “Hà Sơn”. Tôi nghĩ, nếu Trương Kế mà nghe được chắc cũng phải bật cười.

Sau khi về Quảng Ngãi, được Phạm Trung Việt tặng quyển Non Nước Xứ Quảng do anh biên khảo.

Khi đọc đến những bài thơ văn xưa - loại truyền khẩu - tôi thấy có cái gì chưa thỏa mãn. Cụ thể như bài "Tiều Phu Thán" của ông Học Soạn, đề bài đã không thích hợp mà câu văn có nhiều chỗ như thiếu sót, gượng gạo.

Năm nay (1), anh Phạm Trung Việt đem đến cho tôi bài văn của ông Học Soạn với nhan đề Tiều Phu Hóa Phụ do cháu ngoại của tác giả là Nguyễn Hữu Thiện viết để đính chính chỗ sai lầm của ông Phạm Trung Việt và ông Phương Đình về bài văn nầy (2).

Bài văn Nguyễn Hữu Thiện chép, số câu có nhiều hơn, và nhiều câu văn không trùng hợp nhau. Nó hoàn toàn giống nhau chỉ có 14 câu. Đọc bài này thì có thể thỏa mãn được cái đề mục một phần, còn toàn bài văn thì cũng như bài của Phạm Trung Việt, vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn.

Tôi nghĩ rằng, những thơ văn truyền khẩu đều có trường hợp quá lâu ngày, người đọc thuộc lòng là người có tuổi, bị quên, nhớ sai và đọc sai là sự thường. Nay tôi mạo muội đem hai bản văn xếp lại theo ý riêng của tôi, muốn cho nó thành một bản văn hoàn hảo. Đầu đề thì tôi nghĩ là tác giả khi đặt không có đầu đề, nên đổi lại nhẹ nhàng hơn:

LỜI ÔNG TIỀU

Con bóng ác đã xế về chót núi,
Phận lão tiều còn than củi ở đầu non.
Bước gập ghềnh đường sạn đá chon von,
Vợ chồng lão hãy còn trong xó hố.
Vợ than thở: “úy than ôi! Quá khổ,
Kiếp chi vầy, xấu hổ với phường dinh.
Cứ lui cui trong xó núi một mình,
Bộ lem luốc chẳng ra hình chi cả thảy.
Chồng một quảy, vợ quảy theo một quảy,
Rất nặng nề, năm sáu bảy năm nay.
Lấm thui thui thủi thủi cả bàn tay,
Than củi có, dép giày sao chẳng có?”.
Chồng khi ấy, ngoắc tay kêu lại dỗ:
“Ráng mà đi, đừng để đổ mấy ki than”.
Vợ nỉ năn: “Chàng hỡi là chàng,
Đường thế lộ nghênh ngang thôi biết mấy.
Sao chàng chẳng đi theo làm vậy vậy,
Trước vinh hoa, sau lấy bạc tiêu chơi.
Uốn lưỡi mềm ra láo xược với đời,
Đã sung sướng còn hơi ngoa ngoắt nữa.
Nghĩ như rứa sao chàng không muốn rứa,
Núp trong rừng dụ dựa chẳng đua bơi.
Nợ nần chi trốn tránh suốt cuộc đời,
Vợ khốn đốn, con than đói rách!”
Chồng khi ấy mới mở lời bộc bạch,
Bảo vợ đừng than trách cuộc đời:
“Gẫm thế thời đang buổi cạnh tranh,
Kiếp con người là kiếp phù sanh,
Lợi cũng rứa mà danh thời cũng rứa!
Cơm hẩm hút, ngày đôi ba bữa,
Ních no rồi ra tắm rửa bụi hồng trần.
Tội tình gì mà đày đọa tấm thân,
Sớm qua Sở, tối lại về Tần,
Mắt chẳng nhắm, ngó chừng đống bạc.
Công danh ấy nghĩ thôi mệt xác,
Kẻ bôn ba, người nhàn lạc, phía nào hơn?
Nói với người, người chẳng biết ơn,
Ngồi với bạn, bạn hằng giữ thế.
Công danh ấy, ta đâu có kể,
Gáo nước khe, nồi cơm ghế cũng là nhàn.
Sớm mai đi bán ít ki than,
Chiều về núi nghênh ngang một cõi.
Điều phải trái khen chê thôi cũng khỏi
Khỏi phải theo luồn lỏi dưới cường quyền!
Chẳng qua là đầy tớ ít đồng tiền,
Của thế giữ lại thêm phiền cho cái ruột.
Bịnh khanh tướng, đố thầy nào cho đặng thuốc,
Nghiệp trái oan, ai rút khỏi mà ra.
Đoái giang sơn vốn thiệt của nhà ta,
Ăn mặc sướng ngủ chơi thời cũng khỏe.
Cân đai đó tốt chi chi lắm hẻ?
Luống rập rình theo những kẻ bước xiên xiên:
Bậu đừng mong, đừng tưởng cũng đừng phiền,
Ta không dại, không điên mà phải dạy.
Mưu Hàn Tín, sự nghiệp gì để lại?
Kế Khổng Minh, công đức được bao lâu?
Gẫm xưa nay mấy bậc công hầu,
Danh vọng ấy đặng gì đâu mà ạo ực!
Chi cho bằng, than mình quạt ra sáng rực,
Qua thu rồi, ai cũng chực mà mua.
Danh đen sì nhưng giá trị vẫn không thua,
Tiền bạc nẫu kéo ùa năn nỉ đổi.
Vậy có câu rằng:
“Thiên tải minh lương hoàn hữu hội,
Nhất hồ phong nguyệt lạc trường xuân” (1)
Vợ nghe rồi ngồi dửng dừng dưng
Cầm chén cúc tay nâng từ tạ quá.
Chồng bắt đốc, vỗ tay cười ha hả:
“Mừng cho ta năng hóa phụ nhơn ngu.
Đôi đứa ta gắng gổ công phu,
Lo sửa soạn chỉnh tu ba cái giỏ.
Gom góp lại mấy cây văn võ,
Đem về hầm cho đỏ thành than,
Chờ khi nào trong nước sửa sang,
Lấy luyện sắt, hầm gang ra giúp chúng.
Cơ khí họ đợi than mình mới dụng,
Thợ hóa công rồi cũng tính cho ta.
Uûy thôi đừng nghĩ chuyện gần xa,
Mà bỏ nghiệp ông bà ta thuở trước.
Đạo trời đất khéo xoay vần lộn ngược,
Cuộc thế này hết nước cũng lên non!
Đoái giang sơn cây cối hãy còn,
Để dạy bảo cháu con ra gánh vác:
“Mãn mục giang san câu thị lạc,
Nhất hào vinh nhục bất tu kinh” (2)
Ngoài bốn phương bầy xích tử, bọn thương sinh,
Ai nấy đợi than mình hơ ấm lại.
Gẫm cho kỹ điều khôn cùng sự dại,
Nỡ lòng nào bạc đãi thú yên hà”
Vợ nghe rồi: “Tôi biết đến già,
Tôi đâu dám nói những là giàu sang.
Chồng vầy đúng mực khôn ngoan!”

Hè Canh Thìn, 2000
LONG CƯƠNG

Chú thích:

BĐH lấy cả 2 chú thích trong bài của ông Phương Đình:

(1)

Rồi đây nghìn năm một thuở, sẽ có lúc những bậc hiền minh lương hảo hội chung nhau (minh lương: minh quân lương tể)
Trăng trong gió mát trên một mặt hồ, vui mừng đón xuân trường cửu. Ý hai câu này: Hy vọng một thuở thanh bình, an lạc sẽ đến.

(2)

No mắt nhìn khắp non sông, đâu cũng là cảnh vui thú
Vinh nhục, nhục vinh là điều cần trải qua, ngại ngùng làm gì!
 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh