Hương ước là nguồn tư liệu cực kỳ phong phú để nghiên cứu văn bản học, sử học, dân tộc học và luật học, đặc biệt là có giá trị trong việc tìm hiểu làng xã người Việt trước Cách mạng Tháng Tám. Bài viết này chúng tôi xin giới thiệu hương ước của một làng nội thị Quảng Ngãi - làng Chánh Lộ, tổng Nghĩa Điền, phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
Hương ước chính là phần lệ làng được văn bản hóa và là bộ luật riêng của mỗi làng (1). Dù không phải là một bộ luật hoàn chỉnh, hương ước, với những điều qui định về một số nét sinh hoạt riêng của làng xã vẫn đóng một vai trò "cương lĩnh", có thể còn khá chung chung, nhưng dù sao cũng đáng xem là một nếp sống hàng ngày của làng xã mà mọi cá nhân, mọi tổ chức, trong làng, trong xã phải tuân thủ (2). Các bản hương ước là sản phẩm tinh thần hết sức độc đáo của làng xã người Việt, hàm chứa nội dung phong phú liên quan đến hầu hết các sinh hoạt của làng. Đây là nguồn tư liệu hết sức giá trị để chúng ta nghiên cứu đời sống văn hóa, kinh tế, lịch sử xã hội đương thời.
Từ nhiều năm qua, Viện Thông tin Khoa học Xã hội đã sưu tầm lưu giữ hàng ngàn bản hương ước thời kỳ cận đại hay còn gọi là "Hương ước Cải lương Hương chính" và đến năm 1991 Viện đã biên soạn thành thư mục để phục vụ bạn đọc (3). Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi có 8 bản hương ước. Năm 1996, Sở văn hóa Thông tin Quảng Ngãi đã in toàn bộ các bản hương ước này (4). Trải qua biết bao biến cố lịch sử, một trong những hương ước hiếm hoi còn lưu giữ lại được, chưa được hai tài liệu trên đề cập đến, là Hương ước làng Chánh Lộ, tổng Nghĩa Điền, phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi (5). Nhận thấy đây là một tư liệu giá trị, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược bản Hương ước này.
VĂN BẢN VÀ NỘI DUNG HƯƠNG ƯỚC.
Nguồn tư liệu mà chúng tôi sử dụng(6) không phải là bản sao chép tay có thể bị tam sao thất bản mà là bản sao chụp (Photocopy) nên nội dung gần như trung thành với nguyên bản (chỉ một số chữ bị mờ, mất dấu, mất nét có thể khôi phục lại được). Dĩ nhiên, bản sao chụp là một tư liệu không hoàn chỉnh và không phản ánh được một số yếu tố cấu thành nên văn bản như khổ sách, cỡ chữ, chất liệu giấy v.v… nhưng nó vẫn cung cấp nhiều thông tin đáng tin cậy.
Trang bìa (7) bản hương ước theo thứ tự từ trên xuống, có 6 dòng chữ:
HƯƠNG ƯỚC, LÀNG, CHÁNH LỘ, QUẢNG NGÃI, IMPRIMÉRIE DE QUINHON, và QUINHON (ANNAM).(8) (Hình 1).
Về mặt cấu trúc, bản Hương ước được trình bày như sau:
- Phần mở đầu với bài tựa(1 trang) nêu lý do lập hương ước "Vâng theo lời chỉ bảo của quan trên với ý muốn chung của làng, xin gom góp những tục lệ cũ lưu truyền trong làng, chọn lọc, sửa đổi lại cho thích hợp với trình độ tiến hóa của nhân dân lại xin thêm vào đây những lệ làng ta mới đặt ra để đối phó với những sự trạng phức tạp của cuộc đời mới rồi biên thành quyển hương ước này (…). Tiếp theo là ý nghĩa của hương ước :Hương ước được xem là quyển Luật của làng, nhắc nhở nhân dân làm tròn những bổn phận của kẻ công dân trong làng và chỉ bảo làm điều hay, tránh điều lỗi. Hương ước còn là cái lợi khí cho nhân dân dùng để bảo vệ danh dự và quyền lợi chính đáng của mình nữa (…).
- Phần nội dung chính (62 trang) gồm các điều khoản liên quan đến cơ cấu tổ chức quản lý làng xã và tập tục sinh hoạt của làng.
- Mục lục (3 trang)
- Phần cuối cùng (1 trang) gồm các thông tin: Tri phủ Nguyễn Mậu duyệt (vu)và ký (signé), Công sứ (Résident) Aurillac và Tuần vũ Hồng Quang Địch phê chuẩn (Approuvé), ngày 12 tháng 10 năm 1938, sao y nguyên bản (pour copie conforme) và sau cùng là dấu triện, họ tên của Đại hào mục TạTuynh, dấu triện, họ tên của Lý trưởng Nguyễn Bích (Hình 2).
Hương ước không ghi rõ ngày tháng biên soạn nhưng căn cứ vào lời tựa, ngày tháng phê chuẩn, chúng ta biết được Hương ước được soạn vào năm 1937 hay 1938, cùng với đợt 8 bản hương ước Quảng Ngãi được đề cập trên đây. Những bản hương ước này , theo Cao Văn Biền (9), có thể là do chính quyền Trung Kỳ yêu cầu các làng xã làm để thử nghiệm. Vì cuộc Cải lương Hương chính ở Trung Kỳ đến năm 1941 mới bắt đầu thực hiện.
Bản Hương ước tổng cộng 68 trang (trang 2 để trắng) chia làm 13 tiết gồm có 58 mục với 181 khoản. Văn bản được viết bằng chữ quốc ngữ dùng nhiều thuật ngữ Hán Việt mà đến nay không còn phổ biến rộng rãi nữa, đôi khi chưa thêm chữ Pháp như Sổ ký trữ (Compte de Dêpot) và có một vài từ viết sai chuẩn chính tả như cho mướng, giạy học, nguyên đáng… Dưới đây chúng tôi chép lại mục lục để bạn đọc hình dung được nội dung chi tiết của Hương ước:
Tiết I: Hội đồng Đai hào mục:
• Mục 1: Thiết lập.
• Mục 2: Tuyển trạch
• Mục 3: Quyền hạn
• Mục 4: Họp tập
Tiết II: Tổ chức về tài chính:
• Mục 1: Ngân sách.
• Mục 2: Quỹ làng
• Mục 3: Kế toán
• Mục 4: Kiểm soát
Tiết III: Tọa thứ:
• Mục 1: Đình gian giữa.
• Mục 2: Nhà đông gian giữa
• Mục 3: Gian tả
• Mục 4: Gian hữu
• Mục 5: Nhà tây ba gian.
Tiết IV: Tế lễ:
• Mục 1: Thần sắc.
• Mục 2: Nguyên đán
• Mục 3: Xuân thủ
• Mục 4: Khai thác
• Mục 5: Xuân tế, Thu tế
• Mục 6 : Chạp đình
• Mục 7 : Phật tự
• Mục 8 : Tôn thần từ úy nhật
• Mục 9: Hưng quốc khánh niệm.
• Mục 10: Quốc khánh.
Tiết V:
• Mục 1: Khánh hạ.
• Mục 2: Tang lễ
• Mục 3: Khao vọng
• Mục 4: Hôn lễ
• Mục 5 : Nhân thế bộ.
Tiết VI: Cầm phòng:
• Mục 1: Động tịnh
• Mục 2: Đạo kiếp
• Mục 3: Núi Thiên bút
• Mục 4: Chôn người chết trong làng
• Mục 5: Canh thủ hoa lợi.
Tiết VII: Công ích, công lợi.
• Mục 1: Vệ sinh chung.
• Mục 2: Tu trúc đạo lộ
• Mục 3: Vệ nông
• Mục 4: Cứu tai truất nạn
• Mục 5: Học hành, giáo dục
• Mục 6 : Chỉnh đốn phong tục.
• Mục 7: Kỷ luật.
Tiết VIII: Quản cấp công điền công thổ.
• Mục 1: Đấu giá .
• Mục 2: Quân cấp .
• Mục 3: Dân ở đất công của làng.
Tiết IX: Phân bổ sưu thế:
• Mục 1: Phân bổ.
• Mục 2: Cách thức thu thuế
• Mục 3: Kiểm soát
• Mục 4: Tư ích
• Mục 5: Loại khai
• Mục 6: Điền thổ bộ.
Tiết X:
• Mục 1: Thưởng phạt .
• Mục 2: Quyền thưởng phạt
• Mục 3: Quyền phân xử.
Tiết XI:
• Mục 1: Văn thư.
• Mục 2: Sổ sách
Tiết XII: Dân kiều ngụ.
• Mục 1: Sự đối đãi.
• Mục 2: Việc đóng góp.
Tiết XIII: Những cuộc vui.
• Mục 1: Ngày hội đồng dân.
• Mục 2: Ngày hội trẻ con
• Những điều khoản chung.
MỘT VÀI NHẬN XÉT
Hương ước làng Chánh Lộ mang những nét chung của một loại sổ sách làng xã và các mục lớn đề ra thường giống với các hương ước thời kỳ cận đại: Tọa thứ, cầm phòng, công ích công lợi, quân cấp công điền công thổ, phân bổ sưu thế. Nhìn chung, nó đề cập đến hai nội dung chủ yếu sau đây:
- Cơ cấu tổ chức quản lý làng xã: Bộ máy chính quyền, thu chi ngân sách, bảo vệ an ninh, bảo vệ môi trường…
- Sinh hoạt tập quán của làng: Phân định ngôi thứ trong làng, phân chia ruộng đất công, các kỳ tế lễ hàng năm, tổ chức tang ma, cưới xin…
1. Bộ máy quyền lực ở đây là Hội đồng Đại hào mục do dân làng cử lên từ nội bộ của mình và được chính quyền cấp trên duyệt y: (…) Hội đồng gồm có những người kỳ hào tộc biểu làm Hội viên lý hương và chánh phó xã đoàn đương thứ tham dự. Sẽ lựa trong 4 xóm, mỗi xóm một người có tuổi tác, phẩm hàm hay có lịch duyệt để làm cố vấn cho Hội đồng (Khoản 1). Với thành phần mở rộng như vậy, Hội đồng Đại hào mục là hình thức kết hợp của Hội đồng Kỳ mục, Hội đồng Tộc biểu và cả Hội đồng Lý dịch (10) và là cơ quan có quyền quyết định nhiều công việc quan trọng trong làng như sắp đặt ngân sách, trù tính các khoản thu chi, chăm nom giữ gìn trật tự an ninh… Lý dịch là các ủy viên chấp hành của hội đồng và chịu trách nhiệm thi hành các quyết nghị của Hội đồng.
Lý dịch gánh vác một trách nhiệm nặng nề và phải đương đầu với lời ra tiếng vào của dân làng. Dưới con mắt của người dân quê xưa, lý dịch có một vị trí tương đối thấp trong hệ thống ngôi thứ cấp làng xã. Lề lối suy nghĩ đó cũng thể hiện qua hương ước: (…) Ta cũng nên hiểu biết công trạng của những lý hương thừa hành việc quan và việc làng ta. Theo tình thế bây giờ, công việc ấy rất khó nhọc và rất phiền phức cần phải có khôn ngoan sáng suốt và thạo việc mới làm nổi.
Những người thừa hành cũng nên biết chức vụ của mình là chức vụ vinh dự và nên vứt bỏ cái thành kiến đã khiến cho bao người lý hương xem việc làm làng như một cái nghề làm ăn cần phải kiếm lợi, những mối lợi về vật chất có khi quá lạm và trái phép nữa (…). (Khoản 181)
2. Trong bối cảnh xã hội phong kiến, tôn ti trật tự toàn bộ khối cư dân của làng được phân định thành cấp bậc cụ thể theo hướng ưu đãi cho người có bằng cấp (khoa) hoặc chức tước (hoạn). Tuy nhiên, phân tầng đẳng cấp này thể hiện qua chỗ ngồi tại đình làng vào những dịp yến ẩm không nhất thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt: Về năm khoản tọa thứ kể tên, đã có định lệ rồi, song trừ khoản thứ nhất ra, viên nhơn nào hoặc vị tình bà con thầy trò hoặc vị tuổi tác thuận nhượng ngồi cũng được (Khoản 38). Kể ra, trật tự kẻ trên người dưới tại chốn đình trung không còn là vùng bất khả xâm phạm nữa.
Mặt dù hương ước có một vài điều khoản phân biệt dân ngụ cư nhưng không đến mức khinh miệt, ghét bỏ: Người làng khác kiều ngụ trong làng ta vẫn được đối đãi, bảo vệ tử tế. Rủi họ có gặp những điều hoạn họa ta nên lấy tình đồng loại cứu giúp. Nếu người kiều ngụ có mời thì lý hương làng ta cũng có thể đến dự những lễ như Quan - Hôn - Tang- Tế. Sẽ chuẩn trong công quỹ làng một số tiền không khi nào quá 2$00 để mua sắm lễ vật đi cho mỗi người kiều ngụ.
Cũng có thể, tùy theo danh giá, phẩm vọng của mỗi người, dùng những đồ nghi lễ rước đưa đối với họ nhưng sự rước đưa ấy không được long trọng bằng hay quá sự rước đưa sánh với người làng ta (Khoản 173). Dân ngụ cư và dân chính cư cùng nhau gánh vác việc làng như đi tuần, làm việc công ích.
3. Một nét tích cực của làng Chánh Lộ thể hiện qua hương ước là sự giản dị và tiết kiệm trong sinh hoạt cộng đồng. Thể lệ cúng tế không quá chú trọng đến ẩm thực. Lễ vật dùng cho các kỳ tế lễ đơn giản, thường là hương, đèn, trầm, trà, trầu cau và rượu, riêng chạp đình, tế xuân hay tế thu có thêm súc vật tế thần. Sau khi tế lễ, đầu con vật tế dành cho tiên chỉ, phần còn lại để khoản đãi những người dự lễ chứ không chia phần biếu theo trật tự ngôi thứ nữa.
Đặc biệt, hương ước không đề cập đến một tiêu chuẩn gia nhập vào hệ thống "quan viên hàng xã" - lễ khao vọng- rất phổ biến ở làng Việt cổ truyền Bắc Bộ. Mục khao vọng chỉ ghi vắn tắt, khuyên kiệm ước và nghiêm cấm mê tín dị đoan: Trong làng nhà nào có làm những lễ như là tế xuân, tế thu, kỵ lạp, khao thổ, làm chay, hoàn nguyện, cúng mừng, mừng nhà mới, cưới vợ… tùy theo giàu nghèo mà làm không nên xa xỉ thái quá, chí như những việc đồng bóng, phù pháp để lợi dụng lòng mê tín của người thì nhất thiết cấm chỉ (Khoản 59).
Loại bỏ những tục lệ phiền phức và tốn kém trong nghi thức tang lễ, Hương ước qui định: (…) Lễ điện tế và lễ táng, cần phải làm kiệm ước. Đối với người làng họ bạn bè, đến thăm, điếu, người ở gần thì tang chủ chỉ dùng trầu nước, xa thì dùng cơm thường khoản đãi, không được đặt rượu thịt ăn uống như những tiệc vui (…) (Khoản 57).
Về việc cưới xin, Hương ước thể hiện một quan niệm tích cực mà chúng ta cần duy trì và phát huy: (…) Cha mẹ hay anh trưởng (…) nên tùy theo lòng ưng muốn của chúng nó, không nên ép uổng làm hỏng cuộc đời và hạnh phúc của đôi vợ chồng vì không thương yêu nhau" (Khoản 60), "Hôn lễ nên làm đơn giản sự đơn giản sẽ không làm mất vẻ long trọng của một cuộc hôn thú hợp pháp. Nhà gái không nên xem việc gả con lấy chồng như việc buôn bán hàng hóa cần phải đặt giá cho cao, mong thu lợi cho nhiều. Người nào làm như thế không những không biết làm trọn cái thiên chức của mình đối với con em mà lại làm giảm nhân phẩm của chúng nó nữa (Khoản 62).
4. Đề cao việc học là một đặc điểm cơ bản của xã hội nho giáo. Chính vì thế, Hương ước làng Chánh Lộ cũng mang những nội dung khuyến khích và mở mang giáo dục:
- Trợ cấp kinh phí cho học trò nghèo, học giỏi, hạnh kiểm tốt.
- Xin lập thêm trường tiểu học ở ven làng-những khu vực xa trung tâm.
- Tổ chức lớp học ban đêm cho người lớn tuổi.
- Lập thư viện.
- Chú trọng đến giáo dục thể chất:
Xin lập trường đá bóng, quần vợt và mở những lớp dạy các môn thể thao.
Từ quan niệm gia đình, mở rộng ra là dòng họ đóng vai trò thiết yếu trong giáo dục, là nơi đầu tiên dạy đạo đức, dạy chữ nghĩa, dạy những nguyên tắc ứng xử, rèn luyện nhân cách, ý chí , Hương ước qui định: Cho con em đến trường học là một điều cần ích nhưng chưa đủ, cần phải khuyên răng dạy bảo chúng nó nữa (…) (Khoản 118), Trong gia đình trách nhiệm giáo dục con em thì ủy thác cho các bậc phụ huynh (…). Những người không biết chữ sẽ nhờ người láng giềng, bà con dạy hay tộc biểu thường thường coi ngó việc học cho con em giúp mình (…) Những người nghèo thất học cũng có thể dạy bảo con em những sự lễ nghiõa, những bổn phận theo nền luân lý của ông bà ta để lại (Khoản 119), Trong tộc phái, tộc biểu phải gánh lấy phận sự dạy bảo trông nôm người trong họ (…) (Khoản 120).
5. Một chức năng quan trọng của bộ máy chính quyền là tự phân chia ruộng đất công. Việc chia cấp này được vận dụng một cách linh hoạt tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng làng. Trong bối cảnh đất hẹp người đông, làng Chánh Lộ đem ruộng đất công cho dân làng đấu giá và cho thuê trong thời hạn là 03 năm. Số tiền thu được trích lấy chi tiêu cho việc cúng tế, cấp cho lính, lập quỹ cứu tế. Phần còn lại sẽ đem chia đều cho số người có đóng thuế trong làng từ chức sắc đến dân thường.
Ngoài ra, một ít đất công dành phân cho một số đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt: Người dân làng thật nghèo không có ruộng đất và cũng không có nghề nghiệp gì khá giả để tậu một cái vườn có quyền xin đất làng để ở, phần mỗi người chỉ một sào mà thôi (…). (Khoản 137), (…) làng sẽ co ùthể làm một dãy nhà hợp theo phép vệ sinh ở đấy, để cho dân làng nghèo ở không lấy tiền hoặc cho thuê (…) (Khoản 138).
Đối với ruộng đất tư, hương ước cũng khẳng định quyền sở hữu, sử dụng và mua bán của cá thể có điền sản. Trong trường hợp lưu chuyển quyền sở hữu ruộng đất, Hương ước khuyến cáo người dân nên đến cơ quan quản lý xin trước bạ, ghi sự lưu chuyển này vào điạ bạ và trích lục. Những thủ tục pháp lý như thế nhằm bảo vệ quyền lợi về sản nghiệp.
6. Hương ước phản ánh lối sống và cách ứng xử theo tình làng nghĩa xóm, tương thân tương ái: Làng có thể giúp đỡ người dân nghèo để họ có phương tiện làm ăn bằng cách cho vay không lấy lợi hay lấy rất ít lợi. Và trước khi đủ sức làm những công việc xã hội trọng đại như lập nhà thương, nhà hộ sinh, ấu trí viện v.v.. làng có thể mua thuốc để ngừa hay trừ bệnh cho dân làng như thuốc ký ninh, thuốc nhỏ mắt v.v…
Trong làng sẽ tổ chức một ban cứu tế gồm có các nhà hảo tâm, các bà, các cô thay mặt hay hiệp sức với làng về phương diện vật chất hay về tinh thần để làm việc phúc thiện (Khoản 110).
Khi tối lửa tắt đèn như hỏa hoạn, thiên tai, đói kém làng sẽ trích ngân quỹ trợ cấp cho gia đình lâm vào cảnh nguy khốn. Và tùy theo khả năng của làng, việc cứu tai truất nạn có thể mở rộng đến dân kiều ngụ trong làng, làng lân cận và có thể mở rộng hơn nữa.
7. Thông qua hương ước , làng xã qui định vị thế, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Làng Chánh Lộ dành những điều khoản riêng qui định chi tiết việc khen thưởng người có công, xử phạt kẻ có tội. Tùy theo công trạng, người có công nhận các hình thức khen thưởng sau đây: Khen ngợi trước công chúng, giấy ban khen của Hội đồng Đại hào mục, thưởng tiền hay cho hưởng quyền lợi đặc biệt về vật chất hay tinh thần (miễn đi canh , miễn tư ích trong một kỳ hạn). Và tùy theo tội trạng, kẻ vị phạm lệ làng chịu các hình thức xử phạt sau đây: Khiển trách trước công chúng, phạt tiền hay phạt dịch và trình chính quyền cấp trên trách phạt. Mức hình phạt nặng nề nhất là đuổi khỏi làng không được Hương ước đề cập đến.
Đặc biệt, làng Chánh Lộ còn lập ra "SỔ KỶ CÔNG" để ghi tên người có công và "SỔ KÝ QUÁ" để ghi tên người có lỗi. Người nào có công đức lớn đối với làng được ghi tên vào bản "KỶ CÔNG" treo ở đình làng và khi qua đời đến ngày húy nhật, làng sẽ trích công quỹ phái hương chức đến cúng và thể hiện sự tôn vinh bằng những nghi lễ long trọng.
Kết luận:
Chúng tôi vừa trình bày những nội dung cơ bản của bản hương ước một làng nội thị- Làng Chánh Lộ, tổng Nghĩa Điền, phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Nội dung khá phong phú đề cập đến nhiều mặt của cuộc sống làng xã như cơ cấu tổ chức, tín ngưỡng, kinh tế, giáo dục vv. Một khi nói đến làng Việt cổ truyền chúng ta ít nhiều đều đề cập đến hương ước. Đây là loại hình văn bản rất quan trọng, là cơ sở để tìm hiểu làng xã và khôi phục lại diện mạo nông thôn trước Cách mạng Tháng Tám. Hơn nữa, từ những kinh nghiệm quản lý nông thôn trong quá khứ bằng hương ước, Nhà nước đang khuyến khích tái lập hương ước với tên gọi mới như "qui ước làng", "qui ước văn hóa" sao cho phù hợp với thực tế xã hội hiện nay.
Để trở thành một công cụ quản lý xã hội hiệu quả, hương ước phải được xây dựng dựa trên những nguyên tắc chặt chẽ, có chỉ đạo sát sao, phù hợp với thực tế từng địa phương, mọi thứ cưỡng chế điều không thành công. Hương ước- tri thức dân gian về quản lý cộng đồng - là di sản chứa đựng nhiều yếu tố tích cực góp phần xây dựng làng xã quê hương, thức đẩy sự tăng trưởng kinh tế gắn liền với ổn định xã hội. Và hương ước dường như vẫn tiếp tục tồn tại.
NGUYỄN DUY LONG
Tài liệu tham khảo và chú thích:
(1) Vũ Duy Mền. Nguồn gốc và điều kiện xuất hiện hương ước trong làng xã vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ. Nghiên cứu Lịch sử. 1993.1(266): 49-57.
(2) Trần Từ. Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ. NXB Khoa học Xã hội. Hà Nội 1984: 103.
(3) Viện Thông tin Khoa học Xã hội. Thư mục hương ước VN thời kỳ cận đại. Hà Nội. 1991.
(4) Tạ Hiền Minh (Giới thiệu) Vũ Ngọc Khánh, Lê Hồng Khánh (Sưu tập, biên soạn). Hương ước Quảng Ngãi. Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi. Quảng Ngãi. 1996.
(5) Trên trang 3, tên đơn vị hành chính tạo lập văn bản bị in sai thành "Phủ Tư Chánh", chính xác là "Phủ Tư Nghĩa" (Hình 3). Chúng ta có thể căn cứ vào cứ liệu ngay trong bản hương ước để khẳng định đây là sai sót in ấn:
- Con dấu của Hội đồng Đại hào mục được mô tả: (…) vòng ngoai khắc chữ " Làng Chánh Lộ, tổng Nghĩa Điền, phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi”(…) (Khoản 4).
- Dấu triện của Hội đồng Đại hào mục ở trang cuối cùng (Hình 2) cũng chứa thông tin: Làng Chánh Lộ, tổng Nghĩa Điền, phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
Làng Chánh Lộ này bao gồm địa phận của hầu hết các phường thuộc thị xã Quảng Ngãi ngày nay. Nhân đây, xin nhắc lại hai khái niệm làng xã. Làng, từ nôm, chỉ đơn vị tụ cư nhỏ nhất nhưng hoàn chỉnh của người nông dân Việt. Xã, từ Hán, chỉ đơn vị hành chính thấp nhất ở các vùng nông thôn Việt, Xã của người Việt có thể bao gồm từ một đến nhiều làng. Trong nhiều trường hợp, xã chỉ gồm có một làng thì xã chính là làng và làng cũng là đơn vị hành chính cấp cơ sở, do đó, có thể xảy ra các trường hợp lẫn lộn giữa hai từ. Xem: Trần Từ. Sđd. Trang 135.
(6) Tư liệu do cụ Tạ Ư, 159 Nguyễn Công Phương, thị xã Quảng Ngãi cung cấp. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.
(7) Chính xác hơn là trang bìa của bản sao chụp hiện có. Đây có thể là trang bìa hoặc trang đầu tiên của tập sách hương ước.
(8) Nhà in "DE QUINHON", Qui Nhơn (Trung Việt).
(9) Cao Văn Biền. Kho Hương ước Cải lương Hương chính ở Bắc Kỳ. Nghiên cứu Lịch sử. 1998. 3 (298): 73-83.
(10) - Hội đồng Kỳ mục : Bộ máy quản lý thôn truyền thống bao gồm những người có phẩm hàm, bằng cấp, chức vụ đại diện cho cộng đồng.
- Hội đồng Tộc biểu: Đại biểu các dòng họ trong làng.
- Hội đồng Lý dịch: Bộ máy hành chính đơn vị cơ sở nhà nước.
Nửa đầu thế kỷ 20, chính quyền bảo hộ tiến hành cải tổ bộ máy qủan lý làng xã gọi là"Cải lương Hương chính". Tại các làng xã Bắc Bộ, năm 1921, người Pháp giải tán Hội đồng Kỳ mục, lập Hội đồng Tộc biểu thay thế và chỉ sáu năm sau, năm 1927, tái lập Hội đồng Kỳ mục bên cạnh Hội đồng Tộc biểu để cùng kiểm soát công việc trong làng. Đến năm 1941, cả hai Hội đồng trên đây đều bị bãi bỏ và thay thế vào đó là Hội đồng Kỳ hào (với thành phần tập hợp rộng rãi như Hội đồng Kỳ mục trước đây). Xem: Bùi Xuân Đính. Lệ làng phép nước. Nxb Pháp Lý. Hà Nội. 1985: 86- 9.