Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
ĐOÀN KHẮC CUNG
NGUYỄN DUY LONG


DẤU ẤN ĐOÀN KHẮC CUNG TRONG LỊCH SỬ

Nguyễn Duy Long

 

Theo thăng trầm lịch sử, những con người của thời đại xuất hiện. Vượt lên trên tất cả là những khuôn mặt làm nên lịch sử, để lại dấu ấn khó phai mờ trong sử sách. Bên cạnh đó là những khuôn mặt mờ nhạt hơn song không thể thiếu trong bức tranh toàn cảnh về diện mạo lịch sử dân tộc, lịch sử một vùng đất. Nhưng rồi năm tháng trôi qua, việc đời thay đổi, dấu tích phai mờ, thân thế của những con người ít tiêu biểu này bị lãng quên. Trong hàng ngũ các nhân vật lịch sử Quảng Ngãi, Đoàn Khắc Cung (? -1824) là một trường hợp như thế.

Cuộc đời Đoàn Khắc Cung như thế nào mà hậu thế ít biết đến? Chúng ta chỉ biết về ông qua phần giới thiệu sơ lược tiểu sử các nhân vật tiêu biểu của Quảng Ngãi trong Đại Nam nhất thống chí (1), qua một vài sự kiện ít nhiều liên quan đến ông chép trong Đại Nam thực lục (2). Tư liệu hiện còn không xác định được ông sinh năm nào, điều kiện đèn sách ra sao song chúng ta có thể đoán định ông sinh trưởng vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt giữa nhà Nguyễn với nhà Tây Sơn (1771-1802), chưa đỗ đạt gì và là người ngoài cục diện tranh hùng cuối thế kỷ XVIII.

Đoàn Khắc Cung còn gọi là Đoàn Hầu (3), quê làng Nhơn Hoà, huyện Bình Sơn ( nay thuộc xã Bình Tân huyện Bình Sơn), tỉnh Quảng Ngãi (4). Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1802, khi tuyển lựa nhân tài bổ sung vào đội ngũ quan lại, ngoài những người đã từng đỗ đạt trước đây, Gia Long còn lấy thêm những người có học hành giao cho nhiệm vụ đứng đầu các phủ huyện. Thông qua sự tiến cử của viên quan trấn thủ Quảng Ngãi, Đoàn Khắc Cung được bổ giữ chức tri huyện Mộ Hoa (5) – vùng đất tương đương với huyện Mộ Đức và Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Tháng 11 năm Bính Tý (1816), ông đảm nhận chức vụ Phó Đốc học Gia Định (6). Sau đó, tháng 6 năm Nhâm Ngọ (1822) thăng lên Thiêm sự bộ Công và tháng 11 cùng năm phụng giữ chức Biện lý công việc tiền lương bảo Châu Đốc (7). Tháng giêng năm Giáp Thân (1824) chuyển sang giữ chức Thự Cai bạ trấn Phiên An (một trong năm trấn của Gia Định Thành lúc bấy giờ) và ngay trong tháng 6 năm đó ông mất tại trấn sở, được truy tặng chức Cai bạ (8).

Có một vài nét đáng chú ý trong hành trạng của Đoàn Khắc Cung. Năm 1822, khi Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại dựng bia Thoại Sơn chép việc đào kênh Đông Xuyên (sau đổi thành kênh Thoại Hà nay là kênh Long Xuyên) thì ông chịu trách nhiệm đính chính bài văn bia do Đốc học Gia Định Cao Bá soạn thảo (9). Năm 1823, khi Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại chỉ đạo những đợt thi công tiếp theo của công trình đào kênh Vĩnh Tế thì ông phụ trách công việc quản lý lương tiền cho công trình này (10).

Khởi đi từ một Đoàn Khắc Cung mà văn tài được các sử gia triều Nguyễn đánh giá cao(11), họ Đoàn trở thành một trong vài ba dòng họ có truyền thống đăng khoa của Quảng Ngãi. Con ông là Đoàn Khắc Nhượng đậu cử nhân khoa Bính Ngọ (1846), giữ chức Bố chánh Khánh Hoà thăng đến Tuần phủ Nam Ngãi, năm 1878 từng làm Khâm phái hoàn thành trọng trách chẩn tế, an dân tại Quảng Ngãi (12). Đậu cử nhân khoa Bính Ngọ này còn có cháu gọi ông bằng chú là Đoàn Duy Trinh, từng giữ chức giáo thụ (13). Và cháu nội ông là Đoàn Thúc Vỹ tiếp bước theo, đậu cử nhân khoa Giáp Ngọ (1894) (14).

Thời gian như nước qua cầu, một vài dấu ấn của Đoàn Khắc Cung cho thời đại mình hẳn là còn lại. Phó Đốc học Gia Định góp phần phát triển nền giáo dục Nho học ở vùng đất mới phía Nam. Rồi kênh Thoại Hà (mà ông đính chính bài văn bia) và kênh Vĩnh Tế (mà ông phụ lực) là hai công trình giao thông thuỷ lợi quan trọng giúp dân chúng mở rộng sản xuất nông nghiệp, bảo vệ biên giới Tây Nam, và lưu thông hàng hoá ở đồng bằng sông Cửu Long mà đến tận ngày nay vẫn còn tác dụng to lớn (15). Và cuối cùng, tiếp nối theo ông là một họ Đoàn có truyền thống đăng khoa tương đối hiếm hoi ở Quảng Ngãi.

NGUYỄN DUY LONG

Tài liệu tham khảo và chú thích:

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí. Tập 2. Phạm Trọng Điềm dịch. Nxb Thuận Hoá. Huế. 1997: 446.
Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng, Trần Xán. Đại Nam nhất thống chí. Quyển 6 : Tỉnh Quảng Ngãi. Nguyễn Tạo dịch. Nha Văn hoá Bộ Quốc gia Giáo dục. Sài Gòn. 1964 : 96-7 (Văn hoá Tùng thư số 22).
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Tập 1. Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch. Nxb Giáo dục. Hà Nội. 2002: 938.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Tập 2. Ngô Hữu Tạo, Nguyễn Mạnh Duân, Phạm Huy Giu và TGK dịch. Nxb Giáo dục. Hà Nội. 2004 : 223, 243, 329, 360.
(3) Bia Thoại Sơn do Thoại Ngọc hầu dựng năm 1822 chép “(…) Công bộ Thiêm sự phụng thủ Châu đốc đồn tiền lương công vụ Đoàn Hầu đính chính”. Theo Đại Nam thực lục (xem chú thích (2)), năm 1822 Đoàn Khắc Cung cũng giữ chức vụ này. Như vậy Đoàn Khắc Cung chính là Đoàn Hầu, người đính chính bài văn khắc trên bia Thoại Sơn. Xem: Nguyễn Văn Hầu. Thoại Ngọc hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang. Hương Sen. Sài Gòn. 1972: 374.
(4- 5) Xác định quê quán của Đoàn Khắc Cung chúng tôi dựa vào chi tiết: Con ông tên là Khắc Nhượng làm đến chức Bố chánh Khánh Hoà và Đoàn Khắc Nhượng người làng Nhơn Hoà huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Vì kiêng huý, các sử gia triều Nguyễn chép là Tri huyện Mộ Đức thay vì Tri huyện Mộ Hoa.
Xem: Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng, Trần Xán. Đại Nam nhất thống chí. Quyển 6: Tỉnh Quảng Ngãi. Sđd: 96-7.
Cao Xuân Dục. Quốc triều hương khoa lục. Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch, Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh. 1993: 251.
(6-8) Xem chú thích (2).
(9- 11) Nguyễn Văn Hầu. Thoại Ngọc hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang. Sđd: 365-74.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí. Tập 2. Sđd: 446.
(12- 14) Cao Xuân Dục. Quốc triều hương khoa lục. Sđd: 250-1, 523.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXXIV. Trần Huy Hân, Nguyễn Trọng Hân dịch. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1976: 135.
(15) Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn. Danh nhân lịch sử Việt Nam. Tập 1. Nxb Giáo dục. Hà Nội. 1987: 148.

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh