Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 13)
THINH QUANG


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 13)
Thinh Quang

MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 61

VẤN: Bà Nguyễn Trung Hoạt, Rosemead (Ca): Đọc “Một Ngàn Lẻ Một Chuyện Nhớ Quên” của bà cụ đáp lại câu hỏi chuyện Đĩa Bay (UFO), tôi có vài điều thắc mắc xin nêu ra:
1. UFO nguyên chữ là gì?
2. Nhiều báo chí đã từng loan tải chuyện UFO tức Dĩa Bay xuất hiện trên vòm trời nhiều nơi khắp thế giới, chuyện này bà cụ nghĩ như thế nào?

ĐÁP:
1. UFO nguyên chữ là Unidentified Flying Objects, là tiếng chỉ cho những vật lạ bay trên bầu trời. Sự di động quá nhanh và biến ảo của UFO đã vượt khỏi sự hiểu biết và khả năng hạn hẹp về hàng không và không gian của con người ở trái đất. Sự xuất hiện và các hoạt động của UFO cho thấy có một nền văn minh ngoài vũ trụ đã lưu ý tơi địa cầu này. Luận điệu này của những người tin tưởng là UFO có thật. Họ nghi ngờ là các siêu cường đã cố ý bưng bít để che đậy sự yếu kém của mình.

2. UFO có thể đã xuất hiện tại trái đất này từ lâu rồi, có thể hàng bao nhiêu thế kỷ. Năm 1896 vào dịp Thanksgiving tại San Francisco và rất nhiều nơi khác nhiều người trông thấy có không ít các vật lạ bay trên bầu trời. Và cũng trong dịp lễ Giáng Sinh năm này, UFO bay trên vùng Siberia của Nga. Tại Anh Quốc và vùng bán đảo Scandinavia, UFO cũng từng xuất hiện nhiều lần vào năm 1889. Đặc biệt tại Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 1904, tạp chí Monthly Weather Review đã loan tải một tin gây chấn động khắp thế giới. Bản tin ghi lại như sau:

“Trung úy Frank H. Schofield chỉ huy tàu USS SUPPLY báo cáo rằng chính ông và đoàn thủy thủ trong đêm 24 tháng 2-1904 đã nhìn thấy rõ ràng 3 vật to lớn,sáng lóng lánh di chuyển theo hàng dọc trên bầu trời của vùng biển Atlantic. Vật lớn nhất có đường kính khoảng 6 lần lớn hơn đường kính của mặt trời theo mắt thường ta nhìn thấy hàng ngày.

Sau đó vào khoảng tháng 3-1913,tạp chí Royal Astronomical Society of Canada đăng tải bài của giáo sư CHANT thuộc đại học Toronto cho biết ông đã nhìn thấy trong đêm tối nhiều vật lạ bay từ đông sang tây dọc theo biên thùy Hoa Kỳ-Gia Nã Đại. Sự kiểm chứng lại của chính quyền địa phương hai bên biên giới sau đó đều xác nhận rằng không có một máy bay nào của ta trong đêm đó trên vòm trời này.

Bài báo của Gs CHANT ghi nhận rằng vào lúc đó rất nhiều người trên đường ông di chuyển cùng quan sát và cùng trông thấy có một vật thực lớn sáng chói vượt ngang bầu trời. Vật này gồm có ba hay bốn phần và mỗi phần có một cái đuôi riêng. Suốt một giờ quan sát thấy có khoảng từ 32 đến 35 vật như vậy.

Phối họp với những tài liệu về UFO sau này kể từ năm 1947 trở về sau người ta ghi nhận những vật lạ đó mang các hình dáng khác nhau, cái thì hình đĩa, cái thì như điếu xì gà, có cái hình trái cầu, trái chuối hoặc là một điểm lớn cực sáng di động”.

Rồi tin tức về UFO gây thêm nhiều sự ngạc nhiên và sợ hãi với sự mô tả có những sinh vật hình dáng gần giống người địa cầu, nhưng có đôi mắt xếch và to hơn nhiều đi lại khi phi thuyền đáp xuống tại một vùng nào đó v.v.. Còn nhiều chuyện khác liên quan đến UFO không thể ghi lại hết.

VẤN: Văn Xuyên, San Jose: Xin bà cụ giải hộ các câu ca dao Hán tự như sau:

1. Lai giả bất cự, khứ giả bất truy
2. Ma tước tuy tiểu, ngũ tạng câu toàn
3. Nã trước trư đầu tầm bất trước miếu môn

ĐÁP:
1: Đến không cự, đi chẳng đuổi theo

Hoặc:
Đến không mời, đi không giữ
Chim sẻ tuy nhỏ, bộ đồ lòng đầy đủ

Cũng có câu:
Bống có gan bống, bớp có gan bớp

3. Bưng đầu heo tìm không ra miếu.

VẤN: Bà La Hồng Diệp, Maryland: Bà cụ có nhớ bài thơ “Hỏi Ả Bán Chiếu Gon” của Nguyễn Trải và bài đáp lại của Nguyễn Thị Lộ xin nhắc lại hộ.

ĐÁP:
Bài thơ của Nguyễn Trải:

Người ờ đâu mà bán chiếu gon?
Mặt trời đà tối chửa về non?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
Chồng chửa? Hay là đã mấy con?

Bài đáp lại của Nguyễn Thị Lộ:

“Tôi ở Thanh trì bán chiếu gon,
Mặt trời chửa tối chửa về non.
Xuân xanh nay đúng hai mươi tuổi,
Chồng vẫn còn không, chớ hỏi con.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 62

VẤN: Ông Vũ Trung Đạo, Philadelphia: Bà cụ có biết dùng Cao Qui Bản không?

ĐÁP: Ngày còn ở Việt Nam tôi đọc qua một tập nghiên cứu về cách nấu các loại cao, trong đó bao gồm về cách dùng Cao Qui Bản như ông đề cập đến. Thông thường người ta cắt nhỏ từng lát, sau đó bỏ chung trong chén cháo thật nóng để ăn. Cũng có trường hợp cắt ra từng mảnh nhỏ để ngậm cho tan dần trong miệng. Theo người xưa bảo Cao Quy Bản chữa được các chứng bệnh phong thấp, tê xụi. Tưởng cũng nên biết Cao Quy Bản nguyên tính thiên về khí âm. Thể Cao không rắn như Cao Hổ hay Ban Long, mà mềm và dẻo, không khô cứng. Nếu theo Phong thấp y luận thì khuyến cáo không được dùng qui bản cho các bệnh nêu trên vì nó sẽ giúp cho khí âm gia tăng gây phương hai cho bệnh nhân. Nhưng trong bộ Y Cảnh Thần Dược của Nghiêm Chính – vị y sư rất nổi tiếng đã chữa trị cho ba đời vua nhà Thanh đều hoàn toàn lành hẳn, chứng minh loại Cao Qui Bản đúng theo như Y sử đã ghi nhận sự hiệu nghiệm như thần dược của loại qui này. Ngày nay theo một số y sư cho rằng chỉ dùng loại cao này đơn độc thì có thể ít hiệu nghiệm bằng gia thêm các vị thuốc ghi bên dưới:

- 10 chỉ Mộc Liên Diệp (Magnolia Obovata
- 5 chỉ Oa Cự (Lac Tuca Savita Bish)
- 1 lượng Qui Bản (Glymmys Chinesis Tortoiso)

Tất cả nấu chung cho nhừ mãi đến khi thấy tan gần như nước, chắc lấy nước này để cho thật trong rồi uống mỗi ngày nửa chén, liên tục lối một tuần, sẽ thây các chứng sưng ở cổ tay, cổ chân, các khớp xương sống, xương đùi đều giảm hết hẳn. Nếu biết chắc chắn cho việc sử dụng về loại thuốc này tốt nhất ông nên hỏi các Đông Y Sĩ.

VẤN: Cụ Hồng Văn Hảo, Wesminster: Thế nào gọi là “Thuần Khôn” và Địa Trạch Lâm”?

ĐÁP:
THUẦN KHÔN là quẻ Khôn và quẻ Thuần nhập chung lại gọi tắt là QUẺ KHÔN tức THUẦN KHÔN. Nó có nghĩa là mềm và thuận. Quẻ Khôn gồm bốn đức tính của bốn quẻ như sau:

“Hàm” là không gì không bao dung
“Hoàng” là không gì mà không có
“Quang” không đâu là không tỏ
“Đại” là không đâu là không che trùm.

Như vậy quẻ Khôn có nghĩa là sự to lớn, uy nghiêm và quang minh lỗi lạc. Sự rộng lớn của nó biểu thị chí khí của các bậc anh hùng ôm nhiều hoài bảo kiến tạo và sự quang vinh dân tộc.

2. ĐỊA TRẠCH LÂM gồm quẻ Khôn và quẻ Đoài (Trạch) nhập chung lại gọi tắt là quẻ Lâm. Nó có nghĩa là biểu tượng cho sự soi xét những cử chỉ, ngôn ngữ và ý chí của con người qua cái ánh sáng thiêng liêng mà ta gọi là linh hồn.

LÂM là tiến lên lấn lướt một việc gì, ví như trong đạo trị dân, thân với dân nhưng phải dạy dỗ và cảm hóa, cho dù có phải sửa phạt một số người để muôn vạn người đi cùng một hướng tạo nên một khung cảnh thanh bình.

VẤN: Bà Vũ Hạnh Nữ, Orange County: Xin bà cụ vui lòng giải nghĩa cho mấy câu tục ngữ Hán tự như sau:
1. Hữu tiền đáo xứ thị Dương Châu
2. Hữu tiền, hữu tửu tất đa bằng hữu
3. Ninh chiết thập tòa miếu, bất phá nhất nhân hôn

ĐÁP:
1. Có tiền chốn chốn thảy Dương Châu
Ta cũng có câu:
Có tiền, có bạc, chốn nào lại chẳng Thần Tiên
2. Có tiền có rượu bằng hữu đầy nhà
Ta cũng có câu:
Anh em gạo, đạo nghĩa tiền

3. Thà phá mười đền miếu
Chớ phá nhân duyên người

VẤN: Cụ bà Khương Nữ, Paris: Được đọc bà chị giải thích câu hỏi của một độc giả ở Hoa Ky về tờ Nữ Giới Chung là tờ báo dành cho phụ nữ ta - một tờ báo mà chủ nhiệm là một người Pháp, chủ bút là bà Sương Nguyệt Anh một người đàn bà được xem là thông kim bác cổ, giỏi về chữ Hán lại uyên bác về Pháp Văn. Nhưng tờ báo này chỉ sống võn vẹn một năm thì khai tử (1) Sau đó, có tờ Phụ Nữ Tân Văn ra đời. Vậy tờ Phụ Nữ Tân Văn là của ai và hoạt động của tờ báo như thế nào?

ĐÁP:
Sau khi tờ Nữ Giới Chung đóng cửa mãi đến ngày 2-5-1929 tờ Phụ Nữ Tân Văn ra đời. Tờ báo này của ông bà Nguyễn Đức Nhuận lúc bấy giờ được xem là cơ quan ngôn luận của người phụ nữ quan trọng nhất ở Sài Gòn. Có thể nói đây là tờ báo cách mạng được mọi người dân Việt nhiệt liệt yểm trợ tán thưởng. Ngay từ số đầu Phụ Nữ Tân Văn đã mở ngay các cuộc phỏng vấn các nhân vật cách mạng hay các nhà trí thức như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Văn Trường, Nguyễn V8an Bá…Phụ Nữ Tân Văn do một nhà văn tên tuổi Đào Trinh Nhất đứng làm chủ bút. Năm năm sau tức năm 1934 thì tờ báo này đóng cửa.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 63

VẤN: Cụ Ngô Thiên, Canada: Bà cụ hớ bài Đánh Tổ Tôm xin nhắc hộ cho.

ĐÁP:
Bài Đánh Tổ Tôm của Trần Tế Xương, thuộc về Hái Nói:

Bực chẳng nhẽ anh hùng khi vị ngộ,
Như lúc đen chơi cuộc tổ tôm.
Bài trạm thành cuối cánh phỗng ầm ầm,
Ngồi thôi chẳng bốc quân rác rảnh.
Cũng có lúc không chi thì bát sách,
Cũng có khi bạch định bốc yêu hồng;
Cất bài lên ông lão vẫn lẩn vòng,
Không đâu cả gặp kề năm bảy phỗng.
Cũng có ván tôm lèo lên chờ rộng,
Vớ phải thằng bạch thủ phỗng tay trên.
Gớm ghê thay đen thực là đen!
Sắc như mác cũng thua thằng vận đỏ.
May mắn nhẽ hữu duyên năng tái ngộ,
Bĩ cực rồi đến độ thái lai;
Tiếng tam khôi chi để nhường ai,
Hết bạch lại hồng, thông mãi mãi.
Nào những kẻ tay trên ban nãy,
Đến bây giờ thay thảy đến tay ta;
Tiếng bài cao lừng lẫy khắp gần xa,
Bát vạn ấy người ta ai dám đọ.
Thế mới biết tổ tôm có đen thì có đỏ,
Thì anh hùng vị ngộ có lo chi;
Trước sau, sau trước làm gì?

VẤN: Cụ Hải Trang, Walnut (CA): Nghe nói Việt Nam ta cũng có nhiều loại sâm quí. Có đúng vậy không? Nếu có xin bà cụ lược cho một số và tác dụng của nó. Xin thành thật cám ơn bà cụ.

ĐÁP:
Quả ở Việt Nam ta có nhiều loại sâm quí, xin lược qua một số hầu ông:

1. Sâm Bố Chính, nổi tiếng ở Việt Nam. Loại sâm này mọc rải rác ở trong rừng của các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ tỉnh…có hình dáng giống như sâm Thạch Trụ. Vị thơm và béo. Công dụng của nó chủ trị các căn chứng suy nhược thần kinh, đặc biệt chủ trị ngũ tạng: tâm, can, tỳ, phế, thận… Sâm Bố Chính còn chữa được chứng đau bụng của phụ nữ.

2. Sâm Nhị Hồng, giống sâm này mọc ở rừng Long Thành,Long Khánh,Bà Rịa…thường mọc chung với cỏ tranh. Loại này không có củ mà duy chỉ có một bộ rễ như rễ tre,nhưng chứa mọng nước,dùng để nấu canh cho những người mới ốm dậy. Ta có thể đem phơi khô, nấu uống như trà. Rất khỏe.

3. Sâm Chi Huyết, củ sâm giống như sâm Hoa Kỳ, vị thơm và hơi béo. Củ nhỏ thường có các rễ màu đỏ. Loại này phát hiện ở rừng Sơn La. Lai Châu, Hòn Gai, Cẩm Phả. Công dụng chữa các bệnh bị lòa mắt hoặc mắt yếu của người già. Phơi khô ngâm rượu uống rất bỏ.

Ngoài ra còn các loại Sâm Rừng, Sa Sâm, Thượng Đảng, Hồng Huyết Sâm v.v…

VẤN: Cụ Vũ Viết Khuê, Philadelphia: Tôi không được rõ lắm về tục không có tên “TỰ” dành cho trẻ em. Bà cụ có thể giải hộ cho điều này chăng?

ĐÁP:
Ngày xưa Trung Hoa thường nói câu: ”Đồng Tử Vô Tự”. Có nghĩa Con trẻ không có tên Tự. Theo tập tục Trung Hoa thì tên “TỰ” được qui định con trai đợi đến khi làm “Quán Lễ”, còn con gái đến tuổi cài trâm mới được có tên “Tự”. Có nghĩa là đối với con trai đến tuổi làm lễcúng gà” tức “Kê Lễ” thì cha mẹ mới đặt được tên “Tự”.

Tóm lại, con trai hay con gái đợi đến khi lớn lên thành niên mới được đặt tên “Tự”. Cách đặt tên của người Trung Hoa là “Tính” tức “Họ” đặt trước “Tên” tức “Danh”, còn tên “Tự” thì đặt sau Tính và Danh.

VẤN: Ông Trương Tấn Thơ, Rhea Ave – Reseda: Bà cụ giải hộ mấy câu tục ngữ Hán tự như sau:
1. Thiếu hóa tử ngật tử, chích chích hảo.
2. Tỉnh lý hà mô, tỉnh lý hảo.
3. Hoa đối hoa, liễu đối liễu, phá bản ky, tương đối hoại thiều trửu.
4. Hòa thượng yếu tiền, não hạt huyên thiên.

ĐÁP:
1 “Thiếu hóa tử ngật tử, chích chích hảo” có nghĩa:
“Ăn mày ăn cua chết, ăn con nào cũng thấy ngon”.

2. Tỉnh lý hà mô, tỉnh lý hảo”
Có nghĩa:
“Ểnh ương trong giếng, giếng như trời”
Ta cũng có câu:
“Ếch ngồi đáy giếng, xem trời bằng vung”

3. Hoa đối hoa, liễu đối liễu, phá bản ky, tương đối hoại thiều trửu.
Có nghĩa:
“Hoa đối hoa, liễu đối liễu, sọt thủng đối chổi cùn.
Còn có câu:
Thuyền đua thì lái cũng đua
Con cóc nó nhảy, con cua nó bò.

4. Hòa thượng yếu tiền, não bạt huyên thiên.
Có nghĩa:
“Hòa thượng cần tiền, khua inh não hạt.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁO SAO LỤC 64

VẤN: Cụ Chu Hà Nhân, Rosemrad: Báo chí ở Việt Nam kể từ ngày Pháp chiếm đóng, xuất hiện từ bao giờ? Tờ báo Việt Nam nào xuất hiện đầu tiên? Bà cụ liệt kê các báo nào hiện diện vào thời gian này?

ĐÁP:
Kể từ năm 1865 Sài Gòn đã xuất hiện báo chí Pháp ngữ lẫn Việt ngữ. Lúc bấy giờ Sài gòn là thành phố lớn nhất nước kể cả Nam Trung Bắc. Là một xứ thuộc địa nên Sài Gòn được hưởng nhiều quyền tự do và dân chủ hơn hai miền Trung Bắc. Thời gian đầu có nhiều người Pháp đứng tên xin phép ra báo thuê cho bất cứ người bản xứ nào muốn kinh doanh ngành báo chí. Tờ báo Pháp ngữ đầu tiên xuất bản tại Sài Gòn là La Cloche Fèlée, L’Annam… Đây là những tờ ra đời vào giữa thập niên 20 của thế kỷ 20. Tờ báo đầu tiên của người Việt là tờ Dân Chúng tự xuất bản mà không cần xin phép. Trong khoảng thời gian 1919 cho đến năm 1939 đã có đến hàng chục tờ báo ra đời, tất cả đều là những tờ báo phi Cộng Sản, mà chống lại đường lối cai trị của thực dân. Các báo Pháp ngữ có tờ La Cloche Fèlése, L’Annam, La Lutte, Le Peuple, L’Avant-garde, còn báo Việt ngữ như Văn học tuần san, Tiểu thuyết thứ sáu, Tiểu thuyết Nam Kỳ, Tiểu thuyết thứ bảy v.v…Các báo Việt Ngữ ghi trên đa phần chuyên về văn chương nghệ thuật.

VẤN: Ông Lê Văn Phan, Reseda (CA): Nghe các thầy Đông Y bảo: “Trong các loài thú, chỉ có loài hổ là có thể chữa được nhiều căn bệnh. Và, hổ còn có thể nấu cao gọi là cao hổ cốt”. Vậy muốn nấu loại cao này phải làm sao?

ĐÁP: Hổ chữa được nhiều căn bệnh. Máu của hổ giúp cho ta có trí nhớ lâu bền. Móng cọp chữa được các chứng kinh phong, tà khí. Răng của cọp chữa được chứng lao trùng, phong độc hoặc bị chó dại cắn. Tim của cọp chữa ác mộng, mồ hôi trộm…Gân hổ đốt cháy hiệu lực phi thường trị được bệnh báng nước, sốt rét (nên đặc biệt lưu ý là ĐỪNG BAO GIỜ NẰM TRÊN DA CỌP, nếu bị các lông rơi rụng nhằm vào vết thương sẽ làm lỡ loét sinh trùng vô cùng nguy hiểm). Ngoài ra còn nhiều bộ phận của hổ chữa trị các bệnh nan y khác.

Cách nầu cao hổ cốt: “Chọn 10 bộ xương cọp đúng với ý mình mang ngâm nước Địa Cốt Bì mà ta thường gọi là củ khởi độ hai ngày. Sau đó vớt ra dùng dao bằng tre hay miệng chén bát vỡ, tuyệt đối không được dùng đồ bằng sắt, cạo tất cả thịt gân ra thật sạch, rồi mang ngâm vào nước muối nguyên chất, cũng trong vòng 2 ngày. Cuối cùng vớt ra đập thành từng mảnh nhỏ, nạo hết tủy trong xương bỏ đi, đoạn rửa sạch mang phơi khô. Phơi khoảng ba nắng đêm ngâm với nước đậu xanh (đã nấu sôi). Nấu chừng hai ngày vớt ra, phơi nắng 3 hôm… Xong đâu đó mới ngâm xương với nước gừng nguyên chất…Cuối cùng sao cho thật khô, lúc bấy giờ mới nấu thành cao được.

VẤN: Ông Trương Văn Cứ (San Jose): Bà cụ có nhớ điển tích của câu tục ngữ “Vẽ rắn thêm chân” không?

ĐÁP:
“Vẽ Rắn Thêm Chân” được dịch ra từ câu tục ngữ Trung Hoa “Họa Xà Thiêm Túc”. Thường thường người ta muốn nói ra một sự việc gì không đáng vào đâu mà cứ vẽ vời thêm ra để cho quan trọng hóa vấn đề hay biến chuyện nhỏ thành chuyện lớn. Theo Chiến Quốc Sách: “Nước Sở có Miếu Vũ, chủ nhân của ngôi miếu này, mướn mấy người đến ở canh giữ. Một đêm nọ chủ nhân mang đến một bầu rượu cho mấy người canh miếu cùng nhau chia uống lấy chút thảo. Tuy nhiên, bầu rượu thì nhỏ, không thể nào chia đủ cho tât cả người gác miếu, nên mở cuộc thi, kẻ nào thắng thì sẽ chiếm trọn bầu rượu nhâm nhi một mình. Lúc bấy giờ một người trong bọn được xem là lão thành nhất trong bọn đưa ra câu hỏi: ”Trong bốn môn “Cầm, Kỳ, Thi, Họa” được xem không có gì bằng trên cõi đời này, vậy anh em trong bọn ta ai thích môn nào nhất?” Tât cả đều bảo trên đời chỉ có môn “Họa” là mình yêu thích nhất. Người lão thành bèn tuyên bố: “Vậy thì cứ lấy môn “Họa” làm đề tài thi. Ai nhanh nhất và đúng ý nghĩa nhất thì chiếm vô địch chiếm lấy bầu rượu này”. Thế là họ hè nhau ra “Vẽ”.
Trong bọn ai cũng dốc cả tài năng mình ra vẽ để cố chiếm giải khôi nguyên. Bỗng chưa đầy cái nháy mắt, có tiếng trong bọn reo lên: ”Tôi xong trước rồi đây”. Người này vừa nói vừa với tay lấy bầu rượu ôm chặt vào lòng, rồi lên tiếng nghênh ngang cao ngạo như thể kẻ đổ Trạng Nguyên nói”:

- Tài của tớ chẳng phải chỉ bấy nhiêu, tớ dám cam đoan còn có thể vẽ ra thêm chân nữa…

Trong bọn có người nhìn bức tranh phản bác:

- Này, anh kia ôi! Rắn đâu có chân mà vẽ Đùng có xạo, đưa lại bầu rượu đây. Chỉ được cái bịa chuyện ra mà vẽ vời…

Người tự xưng mình vô địch không thể đáp lại, đành nằm giương mắt nhìn đồng bọn cùng nhau vui cười đánh chén.

Tích này để chỉ trích kẻ nào nói chuyện mà thêm thắt những điều không có để làm cho câu chuyện mình kể cho thêm phần quan trọng. Do đó mới có câu: ”Vẽ rắn thêm chân” là vậy.

VẤN: Cụ Trương Trọng Thu, Texas: Bà cụ còn nhớ bài “Dịch Thủy” không? Hình như bài này của Lạc Tần Vương?

ĐÁP:
Đúng vậy. Bài “Dịch Thủy” là của Lạc Tân Vương. Bài thơ này như sau:

“Thử địa biệt Yên Đan
Tráng sĩ phát xung quan,
Tích thời nhân dĩ một,
Kim nhật thủy do hàn”.

Cụ Ngô Tất Tố đã dịch:

“Đất này giã cậu hoàng Yên,
Tóc người tráng sĩ dựng lên mái đầu.
Người xưa khuất bóng đã lâu,
Ngày nay còn thấy nước sâu lạnh lùng”.

VẤN: Bà Hải Trần, Maryland: Có một bài đăng trong báo, thấy bà cụ đáp lại về con “Rươi”. Có người bảo con rươi còn được gọi bằng danh từ Hán-Việt. Vậy từ đó là gì?

ĐÁP:
Lịch sử triều Nguyễn có nói về “rươi” và gọi nó là HÒA TRÙNG. Nó giống như con rết mà cũng mường tượng như con bọ ngựa. Thân rươi mềm như con tằm và nhỏ như đầu chiếc đũa ăn cơm. Chiều dài của rươi hơn hai tấc có màu sắc xanh và vàng sặc sỡ. Bên trong thân hình nó có có nước trắng. Rươi từ gốc lúa mà ra, sinh sản ở đồng ruộng hoặc bãi biển. Rươi là món ăn hợp với khẩu vị dân chúng ở địa phương. Dân chúng trong vùng thi nhau vơt lên mang bán thu được nhiều tiền. Tưởng cũng nên biết “Hòa trùng” có nghĩa là sâu lúa. Chữ Hán còn gọi là “HÁ”. Trong Tam Tự Kinh có câu: “MÔNG: MỊT MÙ. LÀNG: sáng. KIẾN: Đầu tháng. TẠP: ba mươi. HÁ: RƯƠI…


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 65

VẤN: Cụ Linh Quang Thiết Washington DC:
1/ Trong một bài viết về Văn Hóa tôi đọc được có nói về Văn Hóa Đa Dạng, thật tình tôi không hiểu rõ vì tác giả giải thích tối nghĩa.
2/ Tại sao lại gọi là Indonesia? Xin bà cụ giải thích hộ cho.

ĐÁP:
Văn hóa đa dạng là thành quả của từ BHINNEKA TUNGALLIKA (thành ngữ của Indonesia) có nghĩa là “THỐNG NHẤT TRONG ĐA DẠNG” - chỉ cho một nền văn hóa mang tính đa tuyến trong sự tiếp xúc tròng tréo lên nhau, tạo nên những cấu trúc văn hóa các dân tộc. Có nghĩa là không mang tính đơn thuần trong sự biệt lập.
2/ Indonesia là Nam Dương Quần Đảo, nhưng người Tây phương đặt bằng một chữ ghép bắt nguồn từ INDE (ẤN) và từ ESIA vốn gốc Hy Lạp có nghĩa là đảo. INDONESIA tức là ẤN ĐẢO hoặc ĐẢO ẤN ĐỘ. Cũng như chữ INDO CHINA là tiếng Pháp. Indo China tức ẤN ĐỘ – CHINA, gồm có Miến Điện, Thái Lan, bán đảo Mãi Lai, Lào, Campochea và Việt Nam.

VẤN: Bà Võ Lan Thị, Westminster: Tôi thường đọc đến từ Văn Hóa, chỉ biết khái quát vì không được thấu đáo lắm. Xin bà cụ giải hộ.

ĐÁP:
“Văn Hóa” nó hiện hữu trong tât cả mọi người,từ cái ăn, cái mặc đến sự nghỉ ngơi đi đứng, suy tư trong cuộc sống hằng ngày. Quẻ Bí của Chu Dịch nói: ”Quan hồ nhân văn, dĩ hóa thành thiên hạ”, có nghĩa: ”Quan sát dáng điệu của con người, lấy đó để giáo hóa thiên hạ”. Nhưng Bổ Văn Thi của Thúc Triết thì cho rằng: ”Văn hóa nội tập, vũ công nội tu” Văn hóa là để làm cho bên trong hòa mục còn vũ công là để sửa sang bên ngoài. Thúc Triết nói: “Văn hóa” gần như “giáo hóa”. Khổng Dĩnh Đạt trong Chu Dịch chính nghĩa thì giải thích về cái ý của bậc thánh nhân quan sát dáng vẻ con người tức nói đến cái Thi, Thư, Lễ, Nhạc… mà bày vẽ cho thiên hạ. Taylor – người đưa ra thuyết nhân loại học của nước Anh định nghĩa: ”Văn hóa là một tổng thể phức tạp, trong cái phức tạp đó bao gồm đủ mọi thứ, từ tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật đến đạo đức, pháp luật, phong tục…chẳng những vậy còn bao gồm cả năng lực, thói quen mà con người đã đạt được trong xã hội.”

Định nghĩa của “Văn Hóa” thật vô cùng. Nhiều học giả đã đề cập, bàn thảo, tranh luận và nhiều lúc định nghĩa trái nghịch nhau đưa ra có đến hàng trăm loại như vậy. Hiện nay vẫn còn nhiều điểm bất đồng chưa đưa đến một kết luận chung cho cái nghĩa của nó.

VẤN: Cụ Hồ Tùng Châu, Philadelphia: Vào khoảng năm 1940 tôi có đọc một bài thơ trong tạp chí Tri Tân, trong đó có bài viết về chuyện một ông tiều vừa đi vừa hát bài thơ của Hồ Hán Thương – khoảng năm Khai Đại Nhà Hồ – tôi nhớ một đoạn như sau:

“Na chi sơn hữu thạch toàn ngoan
Thụ thương thương
Yên mạch mạch.
Thủy sàn sàn.
Triêu hề ngọ xuất,
Mộ hề ngọ hoàn.”

Mấy câu sau đó nếu cụ còn nhớ xin chỉ giáo lại hộ.

ĐÁP:
Mấy câu bên dưới như sau:
“Hữu y hề chế ky;
Hữu bội hề nhận lan.
Thát bài thanh hề bình hữu chướng;
Điền hộ lục hề chẩm tình than.
Nhậm tha triều thị,
Nhậm tha xa mã;
Truy trần bất đáo thử giang san.
U thảo Tống triều cung kiếm;
Cọp khâu tấn đại y quan.
Vương tạ phong lưu,
Triệu Tào sự nghiệp.
Toán vãng cổ lai kim khanh tướng,
Thạch triên đài man.
Tranh như ngã trạo đầu nhất giác,
Hồng nhật tam can.”

Có nghĩa:

Cây xanh xanh.khói mờ mịt nước hề long lanh.
Sớm ra khỏi động hề, tối lại về ghềnh.
Xiêm dây đeo mặc sức.
Ao lá sẵn bên mình.
Cửa động rừng xanh non dịu sáng,
Đầu ghềnh ruộng biếc bến thêm xinh.
Mặc ai xe ngựa,
Mặc ai thị thành.
Nước non đây không muốn bụi phù sinh,
Tống để cung đao vùi dưới cỏ,
Tấn xưa mũ áo chẳng còn manh.
Tạ, Vương phú quí,
Tào, Triệu công danh;
Ngồi nghĩ lại cổ kim khanh tướng,
Bia đá rêu rêu quanh,
Ai đặng bằng ta?
Choàng tỉnh giấc.
Ngảnh trông ác đã đầu cành”!

VẤN: Ông Mã Hồng Văn, Reseda: Bà cụ có nhớ 10 cái chủ trương lớn của Mặc Gia không?
ĐÁP: Mười chủ trương của Mặc Gia do Mặc Tử chủ xướng đó là: Kiêm ái, Phi công, Thượng hiền, Tiết táng, Tiết dụng, Phi nhạc, Phi mệnh, Tôn thiêng, Minh quỹ.

Theo ông chỉ vì cái “giao tương ố”, sự qua lại hàng ngày của con người vốn xấu với nhau nên tạo ra cảnh bi lụy phiền não…Do vậy mà ông mới đề xướng phải biết “kiêm tương ái” tức phải biết thương yêu nhau, qua lại cho có lợi với nhau, gọi đó là “giao tương lợi” v.v… Ông chủ trương người có sức thì giúp sức cho nhau, người có tiền của thì biết giúp đỡ nhau, người hiểu được cái đạo thì truyền lại cho nhau. Chỉ cần làm được những điều trên thì thiên hạ mới mong có cảnh thanh bình an lạc…

Còn tiếp
THINH QUANG


 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh