MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 14)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 66
VẤN:
1. Cụ Hà Huyền, San Jose: Tôi nghe nói vào thập niên 20 của thế kỷ 20, có một tờ bào Việt từ Pháp chuyển về Việt Nam. Nếu có thì tên tờ báo này là gì và ai đứng chủ trương?
2. Vào thời gian năm 1924 làng báo ta đã có báo Xuân chưa?
ĐÁP:
1/ Năm 1924 tại Pháp đã có xuất bản tờ “Việt Nam Hồn”. Đáy là tờ báo Việt đầu tiên xuất bản tại Marseille nước Pháp. Chủ nhiệm của tờ báo Việt Nam Hồn là cụ Nguyễn Thế Truyền. Cụ Truyền giao cho thủy thủ VN làm cho các thương thuyền chuyền về nước để quảng bá. Ngoài ra cùng năm 1924 còn có tờ Le Paria xuất bản tại Paris tờ này cũng được chuyển về VN bằng tàu thủy S/S Canton chạy đường Sài Gon – Tourane (bây giờ gọi là Đà Nẵng) – Hải Phòng-Hongkong – Nagasaki…
2. Năm 1924 ba miền Trung – Nam - Bắc của VN chưa có tờ báo Xuân nào như ngày nay.
VẤN: Bà Trần Xuân Hương, Orange County: Bà cụ có nhớ bài thơ “Tứ Thời” của nữ sĩ Ngô Chi Lan không? Nếu có xin cụ nhắc lại hộ.
ĐÁP:
Bài thơ “Tứ Thời” đó như sau:
MÙA XUÂN
Khí trời ấm áp đượm hơi dương,
Thấp thoáng lâu đài vẻ ác vàng.
Rèm liễu líu lo oanh hót gió,
Giậu hoa phấp phới bướm châm hương.
MÙA HẠ
Gió bay cánh lựu đỏ tơi bời,
Tựa gốc cây đu đứng nhởn chơi.
Oanh nọ tiếc xuân còn vỗ cánh,
Én kia nhớ cảnh cũng gào hơi.
MÙA THU
Gió vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ,
Lẻ tẻ bên trời bóng nhạn thưa.
Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm,
Rừng phong lá rụng tiếng như mưa.
MÙA ĐÔNG
Lò sưởi bên mình ngọn lửa hồng,
Giải buồn chén rượu lúc sầu đông.
Tuyết đưa hơi lạnh xông rèm cửa,
Gió phẩy mưa băng giải mặt sông.
VẤN: Cụ Hoài Nam Nhân, N. Carolina: Gần đây người ta lại thường bàn về “Sấm” khiến tôi bỗng sực nhớ lại sấm Vạn Hạnh. Bà cụ có biết gì về chuyện Sấm Vạn Hạnh chăng?
ĐÁP:
Xin tóm tắt đại khái về chuyện Sấm Vạn Hạnh” như sau:
“Khi hoàng tử Thẫm lên làm vua đến thôn Lưu Gia Hải Ấp gặp được một thiếu nữ có nhan sắc. Nàng thiếu nữ này là con gái của một người ngư phủ tên là Trần Lý. Nhà vua lấy làm vợ và phong cho Trần Lý tước Minh Tự, còn cho cậu vợ là Tô Trung Từ làm chức Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Việc phong chức này đã làm cho quần thần bất bình đâm ra ganh tị. Từ đó các quần thần đều nghĩ đến tư lợi mà quên hẳn việc bảo vệ quốc gia. Đến khi thái tử Sảm kế vị xưng hiệu là Huệ Tông, lại càng tỏ ra nhu nhược cũng đam mê con gái Trần Lý, sách lập Trần thị làm nguyên phi, và dùng cậu Tô Trung Từ làm chức thái úy phụ chánh. Về sau vua Huệ Tông mắc phải bệnh điên.
Nguyên nhân, cứ theo Việt Sử Thông giám Cương mục thì nhà vua bị trúng ác phong, dần dần biến chứng cuồng dịch, khi thì xưng mình là tướng nhà trời giáng hạ,lúc thì cầm giáo và khiêng mộc múa may cả ngày lẫn đêm. Lắm lúc nhà vua uống rượu say khướt ngủ li bì giao tất cả quyền hành cho anh vợ là Trần Tự Khánh. Hoàng hậu chỉ sinh được hai công chúa. Nàng công chúa lớn tên là Thuật Thiên, nàng công chúa thứ hai là Chiêu Thánh. Vì nhà vua mắc bệnh điên nên triều đình bắt phải nhường ngôi cho con gái mới lên bảy tuổi, lấy đế hiệu là Lý Chiêu Hoàng.
Họ Lý tuyệt tự nên sang tay họ Trần. Việc này nhà sư Vạn Hạnh trước kia đã tiên tri cho Lý Thái Tổ bằng lời sấm như sau:
“Thụ căn liễu liễu
Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc
Thập bát tử thành.
Đông A nhập địa (*)
Dị mộc tái sinh
Chấn cung hiện nhật
Đoài cdung ẩn tinh
Lục thất niên gian
Thiên hạ thái bình.
Nghĩa:
Rễ cây liễu liễu
Hoa lá xanh xanh
Lúa đao cây rụng
Mười tám con thành
Đông A nhập địa.
Cây khác ắt sinh
Nhật xuất phương Đông
Phương Tây sao lặn
Sáu bảy năm nữa
Thiên hạ thái bình!
(*) Đông A họ Trần. Cho thấy cơ đồ nhà Lý sang tay nhà Trần.
VẤN: Bà Nguyễn Đình Lộc, Monterey Park: Trong Thần Chú Phật Đình Thủ Lăng Nghiêm tôi quên mất từ câu thứ 14 đến câu thứ 18. Xin bà cụ nhắc hộ cho.
ĐÁP:
Những câu đó như sau:
14. Na mô bạt ra ha ma nê. 15. Na mô nhân đà ra gia. 16. Na mô bà gia bà đế. 17. Dô đà ra da. 18 Ô ma bát đế.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 67
VẤN:
1.Cụ có thể thuật lại một số hình ảnh của các báo vào thời gian từ sau Đệ Nhất Thế Chiến không?
2. Nhóm Nam Phong gồm những ai thực hiện tạp chí nổi tiếng này?
ĐÁP:
Kể từ sau cuộc thế chiến thứ nhất, tức vào khoảng đầu năm 1919 đến năm 1939 là thời kỳ bị khủng hoảng kinh tế trầm trọng, tại ngay Sài Gòn đã lần lượt xuất bản có đến hàng chục tờ báo, trong đó có một so có xu hướng đối lập như L’Annam, Le Peuple, L’Avant – garde và tờ báo tiếng Việt là tờ Dân Chúng. Tuy nhiên, cũng có nhiều tờ tách rời hẳn chính trị mà chỉ thuần túy viết về văn học nghệ thuật, tuyệt đối không đả động về phương diện chính trị, được đa số quần chúng hưởng ứng tán trợ. Ví như tờ Sài Thành Họa Báo, Văn Học Tuần San, Tiểu Thuyết Thứ Sáu, Tiểu Thuyết Nam Kỳ, Truyện Ngắn Nhi Đồng, Tiểu Thuyết Sài Gòn, Sài Gòn Tiểu Thuyết v.v… Ngoài ra còn có những tờ báo đánh trúng vào thị hiếu của giới trẻ Việt Nam hay những người có khuynh hướng đổi mới như tờ Kịch Nghệ, Màn Anh (chiếu bóng), Thể Thao, Đua Ngựa, đặc biệt là báo nói về chuyện huyền bí như Thần Bí Tạp Chí (Mystériosa) hoặc báo Ao Thuật Tạp Chí (Revue de Prestidigation) là những tờ gây sự tò mò chẳng những giới trẻ mà luôn cả các thành phần trong xã hội lúc bấy giờ.
2. Nhóm Nam Phong Tạp Chí do cụ Phạm Quỳnh đứng làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Ngoài ra còn có các nhân vật cộng tạc như:
Cụ Nguyễn Bá Học
Cụ Nguyễn Trong Thuật
Cụ Phạm Duy Tốn
CụNguyễn Bá Trác
Cụ Sở Cuồng Lê Dư
Cụ Đông Hồ và
Cụ Tường Phố.
VẤN: Nguyễn M. Xuân, Monterey, CA: Nền văn hóa Đông Nam Á được quốc tế xác nhận chính thức từ bao giờ? Bà cụ có theo dỏi vấn đề này không?
ĐÁP:
Từ sau cuộc thế chiến, các nhà khảo cứu văn hóa mới tìm thấy được nền Văn Hóa Đông Nam Á. Mãi đến năm 1980 UNESCO mới thành lập một Uy Ban Tư Vấn về việc nghiên cứu các nền Văn Hóa ĐNA (The Advisory Committee For The Study Of S.E. Asean Cultures) Giới khoa học quốc tế xác nhận có vùng văn hóa DNA (Aire Culturelle, Cultural Area) gọi là vùng Văn Hóa Đông Nam Á.
VẤN: Cụ Nguyễn Tiến, Monterey Park: Bà cụ vui lòng giải cho các câu tục ngữ Hán văn thành Việt ngữ như sau:
1. Hảo ngôn nan đắc,ác ngữ dị thi
2. Hảo hán ái hảo hán,tinh tinh tích tinh tinh
3. Hại hương lân,ngật bạc chúc
ĐÁP:
1.Hảo ngôn nan đắc, ác ngữ dị thi.
Có nghĩa:
Lời hay khó đọc,l ời ác tuôn bừa
2. Hảo hán ái hảo hán,tinh tinh tích tiinh tinh. Có nghĩa:
Hảo hán yêu hảo hán, tinh tinh tiếc tinh tinh.
Ta cũng có câu:
Anh hùng mới biết anh hùng
Những loài cáo vượn,cùng phường như nhau.
3. Hại hương lân, ngật bạc chúc.
Có nghĩa:
Hại láng giềng thì ăn cháo lỏng
Ta cũng có câu:
Bán anh em xa,mua láng giềng gần.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 68
VẤN: Cụ Trịnh Bính, Orange County: Nghe nói trong tương lai khoa học sẽ giúp cho con người được “trường sinh bất tử” như Tần Thủy Hoàng từng mong ước. Bà cụ có thể tin như vậy chăng?
ĐÁP:
Đó là điều mà các nhà khoa học hằng kỳ vọng. Theo đài BBC có lần công bố về khả năng hoàn toàn có thể xảy ra trong bản báo cáo của nhóm khoa học gia Mỹ. Bản báo cáo này đã khẳng định là con người “sẽ không biết đến tuổi già” nếu như công nghệ tiền tiến giúp duy trì tế bào gốc (stem cell) trong cơ thể họ luôn ở trạng thái khỏe mạnh.
Tưởng cũng nên biết tế bào gốc là tế bào chủ trong cơ thể con người. Loại tế bào này xuất hiện nhiều ờ tủy xương, nó có khả năng phát triển và thay thế chức năng của rất nhiều loại tế bào khác.
Bản báo cáo này cho biết tiến hành liệu pháp gene để “tăng cường sinh lực” cho tế bào gốc ở giống chuột đồng. Đại học Kentucky trong thời gian gần đây đã phát hiện khả năng phòng chống bệnh tật được cải thiện đáng kể ở nhóm chuột được tiến hành thí nghiệm. Kết quả, của những con chuột này cũng dài hơn tương đối so với so với nhóm chuột bình thường, có nghĩa là nhóm chuột không được cấy gene. Các nhà khoa học này cho biết sự khác biệt vật lý nữa giữa hai nhóm chuột xuất hiện ờ một gene cụ thể nằm trong nhiễm sắc thể tưc chromosome 11. Hiện đang còn tiếp tụcnghiên cứu về sự khác biệt này.
Các khoa học gia này cho biết kết quả công trình nghiên cứu là đáng khích lệ. Tuy vậy không phải chỉ trong một sớm một chiều mà còn cần viện chứng khoa học nữa, trước khi có thể về khả năng trường thọ của con người. Đó là lời tuyên bố của nhà khoa học Gary Van Zant, là một thành viên trong đội nghiên cứu phát biểu với tạp chí New Scientist.
VẤN: Cháu Nguyễn Hồng H., Orange County: Thưa bà cụ, cháu thú thật với bà cụ không gì xấu hổ bằng là mỗi lần chuyện trò với đám bạn cùng lóp bị chúng cho là miệng hôi. Bà cụ có biết phương pháp nào để chữa hết mùi không?
ĐÁP:
Có nhiều nguyên nhân phát sinh ra có mùi ở miệng, như các chứng viêm nhiễm ở răng, ở đường mũi họng, hay có thể là cháu làm vệ sinh miệng răng hàng ngày không được chu đáo. Sau đây là một số loại thảo dược giúp khắc phục được mùi hôi như sau:
1. Hương nhu, còn gọi là cây é. É có 2 loại: é tía và é trắng. Tốt nhất là cháu dùng loại “é tía” sẽ hay hơn.
Cách chế biến: Hương nhu bỏ vào nồi hay siêu thuốc sắc với 200 ml nước đoạn cô đặc lại. Hàng ngày buổi sáng ngậm lối chùng 1 – 2 phút rồi nhổ ra ngoài. Ban đêm trước khi đi ngủ cũng làm như buổi sáng.
2. Phương thuốc thứ hai: Rau Tần Khô: Rau Tần còn gọi là “húng chanh”, rau thơm, rau thơm lông, tần dày lá. Dùng một nắm lá rau tần khô sắc lấy nước đặc để ngậm và súc miệng hàng ngày. Chắc hắn là cháu sẽ khỏi sau thới gian quyết tâm chữa trị. Đây là bài thuốc theo “Sức Khỏe và Đời Sống” công bố.
VẤN: Ông La Thoại Hằng, Rosemead: Có lần tôi đọc qua các bài thơ ngắn nói về các mối tình của các cô gái miền Trung, mối tình của cô gái Hoa Việt và mối tình của cô gái Nam, bây giờ thì quên rồi. Bà cụ nhắc lại cho.
ĐÁP:
Các bài này của ông Tú Lắc đăng trên báo Mõ Nam Cali, như sau:
TÌNH GÁI TRUNG
Răng chi rứa
Tình đực rựa.
Răng chi mô,
Nhớ thấy mồ.
O đắn đo,
Tính yêu đó.
Răng chi nớ,
Yêu nghi ngờ,
O bên ni
Yêu làm chi.
Hắn bên nớ,
Yêu hững hờ.
TÌNH GÁI HOA –VIỆT
Ngộ ái nị.
Hơn là nị ái ngộ.
Nhưng yêu dzồi,
Hảo lớ nợ duyên thôi.
Ngộ chịu lỗ,
Nị lời tình cũng lược,
Miễn nị dzui,
Chịu gả ngộ cho dzồi.
TÌNH GÁI NAM
Nói thiệt nghe,
Tui mê anh lắm.
Gặp mạt anh,
Tim đập hà rầm.
Vắng giọng anh,
Lòng tui thiếu thốn.
Rồi giận hờn,
Như trẻ lên 5.
Nói nhỏ nghe,
Tui chịu anh rồi.
Từ hôm rày,
Khổ quá đi thôi.
Sáng không ăn,
Đêm dzìa khó ngủ.
Nhớ nhung chi,
Quên quách cho rồi.
Nói cho nghe,
Tôi thương dễ sợ,
Thương mút mùa,
Thương đến bơ phờ.
Ngày nào đó,
Nếu lòng ưng ý,
Chút cau trầu,
Tui ký đời tui.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 69
VẤN: Ông Đỗ Phú Hào. LA. Nghe nói tại Quảng Ngãi có một di tích được UNESCO ghi vào di tích lịch sử thế giới. Có đúng như vậy không? Nếu có thì đó là di tích nào?
ĐÁP:
Đó là ngôi đền QUAN THÁNH tại Thu Xà – một thành phố nằm về phía Đông tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Thu Xà là một dải đất nhỏ nhương địa của Pháp từng một thời được xem là một trong những trung tâm thương mại phồn thịnh nhất, chẳng những của tỉnh Quảng Ngãi mà luôn cả các tỉnh miền nam Trung Kỳ. Ngôi chùa Quan Thánh xưa nay được người bản xứ và khách thập phương về chiêm bái, xin xăm, bói quẻ và luôn cả xăm thuốc chữa trị bệnh… Hiện nay ngôi đền này đã được trùng tu và khách du lịch không ít kéo về chiêm bái.
VẤN: Bà Ngô Khôn Thị, Rosemead: Tôi hơi tò mò muốn biết chẳng lẽ các sinh vật từ loài người đến các thú vật chỉ có trên địa cầu của chúng sao? Vậy bà cụ có nghĩ rằng có những sinh vật xa lạ ở ngoài các hành tinh không? Nếu có họ sống như thế nào?
ĐÁP:
Mới đây, tôi có đọc thấy các nhà khoa học đã tìm thấy cả trăm hành tinh quay chung quang các ngôi sao mẹ, tương tự như trái đất quay quanh mặt trời; và cho rằng trên các hành tinh này rất có thể cũng có sự sống. Có điều, các dạng sống xa lạ này chắc không giống với người địa cầu.
Cũng có thể chúng là những sinh vật thông minh, có tay chân và đi đứng với tư thế như chúng ta và bằng cách nào đó họ nhận được thông tin của nhau về môi trường chung quanh. Người ta chưa biết chúng sẽ thở bằng oxy hoặc cũng có thể một vài loại khí khác.Điều chắc chắn là sinh vật nào đó ở ngoài hành tinh chúng ta cũng phải tranh thủ theo những nguyên tắc vật lý hóa học. Tưởng cũng nên biết rằng muốn duy trì sự sống thì phải có chất hòa tan, như trên trái đất chúng ta chất hòa tan thường là nước. Một số hóa chất khác cũng có thể cần cho sự sống như ammoniac, methane, hydro sulfide v.v…Ngoài ra, sự sống của những sinh vật trong vũ trụ cũng phải có sự tiến hóa và thích nghi với những điều kiện môi trường, ví như nhiệt độ, độ ẩm, trọng lực v.v… (theo Howstuff-Works).
VẤN: Bà Vũ Hồng Hoa, Pasadena: Thưa cụ, cháu sinh ngày 23 tháng 8 và chồng cháu 23 tháng 9, nếu tính theo Tử Vi Tây phương thì thuộc về dạng gì và chồng cháu thuộc dạng gì?
ĐÁP:
Bà sinh 23 tháng 8 tính đến ngày 22/9 thuộc dạng Virgo tức Xử Nữ. Còn ông nhà sinh ngày 23/9 đến 22/10 thuộc dạng Libra tức Thiên Xứng.
VẤN: Cụ Lê Trương, Santa Ana:
1/ Thưa bà xưa nay cứ thắc mắc có phải Lão Tử là người đầu tiên sáng lập ra Đạo giáo không?
2/ Tại sao Lão Tử đột ngột biến thành thần tiên?
ĐÁP:
1. Lão Tử tuy là người đầu tiên sáng lập ra Đạo gia cũng không phải là thủy tổ sáng lập ra Đạo giáo, nhưng được các phương sĩ đời Đông Hán do nhu cầu xuất phát từ lý luận hóa mà tôn ông lên làm giáo chủ. Bắt đầu từ đó mới hình thành ra Đạo giáo.
2. Đó là trường hợp chúng ta cần đào sâu để tìm hiểu. Vốn là người phàm tục thoắt biến thành thần tiên, là do các phương sĩ cải trang cho ông với mục đích:
a/ Lấy thuyết “Khí Hóa” làm Đạo. Trong lý luận của Lão Tử cho ta thấy thành phần thần bí nhất là Khí Hóa, được coi là then chốt của sự chuyển biến. Cứ vào câu: ”Đạo chi vi vật, duy hoảng duy hốt. Hốt hề hoảng hề, kỳ trung hữu tượng, hoảng hề hốt hề, kỳ trung hữu vật, yểu hề minh hề, kỳ trung hữu tinh, kỳ tinh thậm chân, kỳ tinh hữu tín.”
Có nghĩa:
”Đạo sinh ra vật, thấp thoáng mập mờ. Thấp thoáng mập mờ, trong đó có hình. Mập mờ thấp thoáng, trong đó có vật, sâu xa tối tăm, trong đó có tinh. Tinh đó rất thực, trong đó có tín.”
Khi đến tay các phương sĩ Đạo đã được khí hóa. Vu Cát đời Đông Hán cho là không có “khí” thì không thành cái gọi là Đạo:
“Nguyên khí thành Đạo rồi mới sinh ra vạn vật…bất hành đạo thì không thành cái gọi là Đạo Nguyên khí hành Đạo, dĩ sinh vạn vật… bất hành đạo bất năng bảo lõa thiên địa)v.v…
Có dịp sẽ bàn sâu hơn hầu cụ.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 70
VẤN: Cụ Hồng Văn Vĩ, Virginia: Nghe nói tại Miến Điện có ngôi chùa vàng, có đúng vậy chăng? Bà chị có biết không?
ĐÁP:
Có như vậy. Cách Pego chừng hai ngày đường có một ngôi chùa mà dân chúng thường đến hành hương. Chùa này tên là Dagon, có chiều cao khá đặc biệt và… được “bọc vàng” phủ kín từ trên xuống dưới. Chùa có xây dựng phòng ốc cho các sư sải. Bên trong chùa có 40 chiếc cột lớn thếp vàng ròng và ba lối đi. Ngoài 40 cây cột lớn còn có nhiều cột nhỏ cũng được dát vàng óng ánh. Toàn thể ngôi chùa từ trong ra ngoài đều được thép vàng rực sáng khi có ánh mặt trời ban ngày hoặc có ánh đèn về ban đêm rực lên… một màu vàng lung linh kỳ ảo.
Ngôi chùa được dựng lên vào thời Konbaun (1774), sau đó còn xây thêm nhiều công trình nữa càng làm tăng phần tráng lệ hơn.
Đây là một ngôi chùa vàng quần thể, xây hình chữ nhật 214 X 275 mét, chạy dài theo hương Bắc Nam. Chùa có 4 dãy tam cấp và bốn mặt cửa từ dưới dẫn lên khu chùa. Chung quanh chùa có 72 tháp nhỏ vây quanh rập theo kiểu Phật giáo Hạ Miến. Giữa các tháp nhỏ có những tượng voi, tượng sư tử, hình Nát tức thần và các tượng Belu tức Quỳ. Ngoài các hình tượng này còn có các tượng quái vật Sine trấn giữ. Quan trọng là phần đỉnh của tháp chính được làm từ năm 1871, cao 10 mét gồm 7 vòng vàng.
Có thể nói trên thế giới này chưa có quốc gia nào kiến trúc một ngôi chùa nhiều vàng đến như vậy. Tên gọi ngôi chùa này là SVEDAGON. Phần đỉnh của tháp chính được dát 9300 lá vàng với tổng sản lượng 500 kí phủ kín mặt tháp. Đỉnh tháp còn được tô điểm các loại đá quí, có hàng trăm viên kim cương và hồng ngọc, lại còn nhiều chuông vàng, chuông bạc…treo khắp mọi nơi.
Đặc biệt, còn có các tru bằng bạc, mỗi trụ đội một quả cầu vàng, đường kính 25 centimet và được khảm bằng 5448 viên kim cương cùng 2317 viên đá quí. Đó là chưa kể 1065 quả chuông vàng, 421 quả chuông bạc được treo trên các trụ đình.
VẤN: Ông Huỳnh Tường, Van Nuys: Hình như trong Tam Tự Kinh có đoạn: “Địạ Sở Sinh, Hữu Thảo Mộc v.v..” Tôi muốn được nhắc lại đoạn này. Bà cụ giúp cho và luôn cả nghĩa lẫn sự tích. Xin cảm ơn.
ĐÁP:
Toàn đoạn này như sau:
“Đia sở sinh, hữu thảo mộc, thử thực vật, biến thủy lục, hữu trùng ngư, hữu điểu thú, thử động vật, năng phi tẩu.”
Có nghĩa:
Trên trái đất còn sinh trưởng các loại cỏ cây gọi là thực vật. Chúng có ở khắp nơi dưới nước và trên bờ. Còn có các loại sâu bọ, cá, chim và thú vật, gọi là động vật. Chúng có loại có thể bay trên trời, có loại có thể chạy trên mặt đất.”
Sự tích: Cách đây khoảng 2000 năm trước, người Trung Hoa đã có nhiều chuyện thần thoại về các loại cỏ cây, chim thú. Quyển “Sơn Hải Kình” là một quyển sách chuyên ghi chép các chuyện xưa tích cổ. Trong sách có nói: ”Có một ngọn núi tên là Chiêu Dao Sơn. Trên núi mọc một loại cỏ tên là Chúc Dư. Loại cỏ này có hình dáng giống như cây hẹ, hoa nhỏ màu xanh. Khi ăn loại cỏ này con người có cảm giác như ăn cơm.
Ngoài ra còn có một loại cây. Tại thân cây này có những vân vòng tròn màu đen. Các vân này có một cái tên kỳ quái là “Mê Cốc”. Nếu đeo “Mê Cốc” trên người, thì có thể tránh được các loài tà ma quỉ quái.
Trong sách còn kể rằng: ”Ở phương Bắc có một nước tên là Hắc Xỉ Quốc. Dân chúng tại nước đó đều mọc răng đen. Ở Hắc Xỉ Quốc có một thung lũng. Trong thung lũng có một cái hồ. Xung quanh hồ mọc một loại cây gọi là cây Phù Tang. Theo truyền thuyết thời cổ, trên trời có mười Ông Mặt Trời. Mười Ông Mặt Trời này thường tới hồ này để tắm mát.
Sách còn chép rằng: ”Một ngọn núi gọi là Đan Huyệt Sơn. Trên núi có một con chim trông giống như con gà nhưng lại đẹp hơn gà hàng trăm lần, lông nó ngũ sắc, gọi là con phượng hoàng. Đầu con phượng hoàng có vân gọi là “ĐỨC. Lông ở cánh có vân gọi là “NGHĨA”. Lông trên lưng có vân, gọi là “LỄ”. Lông ở ngực có vân gọi là “NHÂN”. Lông ở bụng có vân, gọi là “TÍN”. Chim này không những hót hay rất êm tai mà còn biết nhảy múa rộng rất đẹp mắt. Người xưa xem phượng hoàng như con chim Thần, mỗi khi xuất hiện trong nhân gian thì “thiên hạ thái bình”.
Những chuyện kể trên đây thuộc loại thần thoại, nói lên tình cảm của con người đối với muôn loài muôn vật trên trái đất này thật vô cùng thắm thiết.
Còn tiếp
THINH QUANG