VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 15)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 71
VẤN: Ông Bùi Bảo, Orange County: Tôi còn nhớ có ba câu tục ngữ Trung Hoa, nhưng nghĩa thì không hiểu được thấu đáo. Ba câu đó như sau:
1. Hảo hoa tu thượng lão nhân đầu
2. Hạt tử kiến tiền nhãn dã khai
3. Hoa đối hoa,liễu đối liễu,phá bản ky,
tương đối hoại thiều trửu”
ĐÁP:
Câu thứ 1: “Hảo hoa tu thượng lão nhân đầu”
có nghĩa:
“Hoa đẹp thẹn cài trên tóc bạc”.
Ta cũng có câu ý nghĩa tương tự:
“Gái tơ mà lấy chồng già.
Ra đường người hỏi là cha hay chồng”.
Câu thứ 2: “Hạt tử kiến tiền nhãn dã khai”
Có nghĩa:
“Thằng mù mà thấy tiền, mắt cũng liên liên, láo láo”
Trong Kiều cũng có câu tương tự:
“Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”.
Câu thư 3:
“Hoa đối hoa, liễu đối liễu, phá bản ky
Tương đối hoại thiều trửu”
Có nghĩa:
Hoa đối hoa,liễu đối liễu
Sọt thủng đối chổi cùn.
Tục ngữ ta cũng có câu tương tự:
“Thuyền đua thì lái cũng đua
Con cóc nó nhảy, con cua nó bò”.
VẤN: Ông Vũ Hồng, Chinatown: Bà cụ có nhớ bài vè “Đánh Bạc” cũng như vè “Con Công” không? Xin nhắc hộ.
ĐÁP:
Bài vè “Đánh Bạc”:
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè đánh bạc.
Đầu hôm xao xác
Bạc tốt như tiên.
Đêm khuya không tiền
Mặt như chim cú.
Cái đầu bù xụ
Con mắt trảm lơ
Hình đi phất phơ
Như con chó đói.
Chân đi cà khói
Dạo xóm dạo làng.
Quần rách lang thang
Lấy tay mà túm.
Đây là bài vè, nên khi đến hết câu cuối, thì lại bắt đầu đọc lại câu trên…và cứ như vậy cho đến khi không cần thiết nữa.
2. Bài vè “CON CÔNG”
Con công hay múa
Nó múa làm sao?
Nó rụt cổ vào
Nó xòe cánh ra.
Nó đỗ cành đa
Nó kêu ríu rít.
Nó đỗ cành mít
Nó kêu vịt chè.
Nó đỗ cành tre
Nó kêu bè muống.
Nó đỗ dưới ruộng
Nó kêu tầm vông.
Con công là công hay múa…
Và cũng như bài vè trên, cứ thế mà lặp đi lặp lại…
VẤN: Ông Vũ Hải Hồ, San Diego (CA)
1. Tôi còn nhớ trong làng báo tại Sài Gòn có tờ Trung Việt Tân Văn cũng như nhóm Hàn Thuyên gồm có những cây bút nào?
2. Chủ trương hai tờ báo “Sống” và Dân Chúng là những nhà báo nào?
ĐÁP:
1. Báo Trung Việt Tân Văn gồm có Trần Kim Điền, Thượng sĩ Nguyễn Đức Long, Phùng Bảo Thạch và Vũ Bằng. Còn Hàn Thuyên gồm có các cây bút như: Nguyễn Quốc An, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Tuân, Lê Văn Siêu, Trần Văn An, Nguyễn Trần Huân và Hồ Hữu Tường. Phụ trách về phóng sự có cây viết Thanh Thương Hoàng, sau này là Chủ tịch làng báo chí Việt Nam, và nhà thơ Uyên Thao hiện là Giám đốc nhà xuất bản Quê Hương.
2. Tờ báo Sống của nhà báo Chu Tử. Tờ Dân Chúng của nhà báo Mặc Kinh Trần Thế Xương. Nhà báo Chu Tử thì đã qua đời, còn nhà văn lão thành Mặc Kinh Trần Thế Xương hiện cụ đang ở tại Luân Đôn.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 72
VẤN: Cụ Đào Mộng, Maryland: Có người hỏi rằng thế nào là tranh vẽ của Khổng Tử? Tôi thật sự không biết. Bà cụ góp ý hộ cho.
ĐÁP:
Cầm, Kỳ, Thi, Họa là linh hồn của nghệ thuật. Nó là bức tranh Văn Học Nghệ Thuật tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc. Hay nói cách khác nó là hình ảnh của khu vườn tư tưởng đầy muôn hương nghìn sắc mà vị vạn thế sư biểu xem đó như trời cao bể rộng. Đức Khỏng Tử cho rằng văn học nghệ thuật là con đường mà mọi người đều phải đi qua để tìm chân lý, chính đó là cái thuyết “minh đạo phục cổ”! Ngài cho rằng thi ca có nhiều khả năng làm trong sáng cái đức của con người, ngài bào “văn dĩ tải đạo”: thể hiện cho nhân cách, dung hóa cho nhân luân v.v…hễ người làm sao thì lời văn như thế đó. “Tuế hàn nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã” Chẳng có gì khó, hãy đợi sau mùa đông ắt sẽ nhìn thấy chồi của cây tùng, cây bách” mượt mà, tươi xanh, cành mai, hoa lan, hoa cúc sẽ vô vàn đẹp đẽ. Đó là bức tranh của Khổng Tử.
VẤN: Cụ Hồng Văn Hinh, Virginia: Hình như báo Đồng Nai là tiền thân của báo Trắng Đen. Có phải như vậy không?
ĐÁP:
Có như vậy. Tờ báo Đồng Nai của nhà báo Việt Định Phương tức Phạm Thu Trước. Về sau đổi sang tờ nhật báo Trắng Đen, là một trong các tờ báo nổi tiếng tại Sài Gòn cho đến ngày mất nước. Tổng Thư Ký của Trắng Đen là nhà văn Vị Thủy. Ông Việt Định Phương cho tái bản tại Orange County, vào năm 1988, chủ bút là nhà báo Thinh Quang nguyên Chủ nhiệm nhật báo Dân Luận Sài Gòn, các ông Đinh Văn Ngọc, cựu Chủ nhiệm báo Tin Mới và Kỹ sư Lê Quang Tiềm trong ban biên tập…
VẤN: Ông Nguyễn Ngọc Vân: Tôi muốn được hiểu nghĩa của câu:
“Văn tâm điêu long”. Xin bà cụ giúp cho.
ĐÁP:
“Văn tâm điêu long” có nghĩa “rồng chạm nổi của tinh túy văn chương”. Đây là tên một tập sách của tác giả Lưu Hiệp, người đời Lương.
VẤN: Bà Đào Thị, Monterey Park: Bài thơ Thanh Phong, Minh Nguyệt của tác giả nào? Tôi muốn được đọc lại bài thơ này, bà cụ vui lòng giúp cho.
ĐÁP: Bài Thanh phong, minh nguyệt của tác giả Ngô Thế Vinh, bút hiệu Trúc Đường vào thời Minh Mệnh thứ 10.
Giang tâm thu nguyệt bạch,
Não nùng thay khi gió mát, lúc trăng thanh!
Bóng thiềm soi đáy nước long lanh,
Quanh cảnh ấy cũng thanh mà cũng lịch.
Vạn khoảnh tịch nhiên thu dạ vĩnh,
Nhất hồ oánh nhĩ nguyệt minh thâu.
Đàn năm cung, thơ một túi, cờ một cuộc,rượu một bầu,
Tiếng ca quản một vài câu khiển hứng.
Chèo mấy mái, thuyền lan lững thững,
Bạn mấy người tài tử ngao du.
Non mấy tầng, đá mọc lô nhô,
Cầu mấy nhịp, bắc ngang sông Vị thủy.
Hội Xích bích nọ năm Tuất nhỉ!
Thú phong lưu há để một Tô công?
Trăng thanh gió mát kho chung.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 73
VẤN: Ong Cao Hữu Nhân Reseda (LA): Thế nào là Đạo Phù? Đạo phù xuất xứ từ đâu? Và có phải nhờ Phù đạo mà chiến thắng được Xuy Vưu?
ĐÁP: Đạo phù được coi như là một phương thuật, mà những kẻ lợi dụng thần quyến làm chỗ tựa hư ảo hầu thăng hoa cho đời sống của mình.
Đạo phù là một loại phù chú gồm Phù lục và Chú ngữ. Tuy nhiên, nó lẫn lộn nhau như trong Phù có Chú, trong Chú có Phù. Nó giữ một vai trò quan trọng trong văn học sử Trung Quốc. Cứ theo Phương thuật của đạo sĩ thì nó gồm có Phù lục, Kinh giới, Phục nhĩ, Phòng trung thuật và xem đó là “Tứ Bảo”. Cứ vào truyền thuyết về nguồn gốc của đạo phù, xuất xứ từ Tây Vương Mẫu. Bà là một thủ lãnh của một bộ tộc thiểu số thời Tây Chu. Cứ theo học giả đời Thanh là Tất Nguyên viết đại loại gổm nhiều thuyết như: ”Người đời thời ấy cho rằng Tây Vương Mẫu là thần nhân sai. Còn trong Thượng Thư đại truyện viết: Tây Vương Mẫu đến Đăng bạch ngọc quãn. Trong Tuân Tử thì lại viết: Vua Vũ học ở Tây Vương Quốc. Theo Tất Nguyên, Tây Vương Mẫu là người thật. Thời Chiến Quốc Tây Vương Mẫu được Thần Thánh hóa. Như trong mục Thiên Tử truyện thuật chuyện Chu Mục Vương tại cảnh Tiên Dao trì hội kiến Tây Vương Mẫu, trong thời kỳ này bà đã thay hình đổi dạng mà Sơn Hải Kinh mô tả “môi bà là môi báo”, “răng bà răng cọp”, tóc bà lá tóc cỏ bồng, đúng là hình ảnh con của Thượng Đế. Bà biết thổi sáo, biết vỗ đàn ống trúc…Tiếng sáo bà thổi cao vút thánh thót tận vòm trời xanh,tiếng đàn ống trúc bà vỗ nghe véo von nả nớt…Bà được Lão Trang sùng bái. Thời Đông Hán bà được thờ làm thần Đạo giáo, đứng hàng thứ bà chỉ sau Nguyên Thủy Thiên Tôn và Thái Thượng Lão Quân. Đời Tấn, Tây Vương Mẫu được tôn là nữ thần trông coi về bổn mạng của bá tính.
Trong Long Ngữ Hà Đồ viết:
-”Một đêm, Hoàng Đế nằm mộng thấy Tây Vương Mẫu sai đạo nhân trùm áo lông cừu đen, đem đạo phù trao cho và bảo rằng: Thái Ất ở trước, Thiên At đàng sau, Hà đồ ra tín hiệu phù đồ, đánh ắt sẽ thắng Xuy Vưu. Nói xong thần biến. Khi thức dậy Hoàng Đế nghĩ đến phù đồ bèn nói với Phong Hậu Lực Mục. Phong Hậu liền tâu: Đúng là ứng việc binh đao, đánh tất thắng. Thế là Hoàng Đế cùng Lực Mục cùng đến bên sông Thịnh, lập đàn tế lễ, cho con hắc qui ngậm phù ra khỏi nước đặt đàn rồi bơi đi. Hoàng Đế liền tế lễ lấy Phù làm đúng Phù Y như trong mộng cho thấy bề rộng ba tấc, chiều dài một thước, rồi chính bản thân Hoàng Đế đeo Phù xuất quân đi diệt trừ Xuy Vưu. Thế là Hoàng Đế tiêu diệt được quân thù…Đất nướ thanh bình”.
Kể từ đó Đạo phù được thiên hạ xem là một đạo thuật linh thiêng bao trùm khắp trong thiên hạ.
VẤN: Bà Cao Thế Nhân, Maryland: Tôi nghe nói khoa học thừa nhận có chuyện linh hồn thoát xác. Chẳng biết thực hư như thế nào?
ĐÁP:
Theo ABC NEWS trong mục khoa học: ”Nhiều người kể rằng họ từng trải nghiệm cảm giác linh hồn thát khỏi thể xác, trôi bềnh bồng trên cao. Nay các nhà khoa học mới tìm ra được một khu vực mà mỗi khi bị kích thích vào đó, con người sẽ có cảm giác “thoát xác”.
Khu vực não nói trên có tên là Agular Gyrus, thuộc bán cầu não bên phải (chịu trách nhiệm nhận biết không gian.) Trong một ca trị bệnh, nhóm nghiên cưu của Olaf Blanke, Đại học GENF (Thụy Sĩ), đã dùng điện lực kích thích vào vùng não bộ này của một nữ bệnh nhân 43 tuổi. Đột nhiên bà nói rằng linh hồn bà đang trôi bồng bềnh trên thân xác và nhìn xuống nó.
Các nhà khoa học đã kích thích não bộ của nữ bệnh nhân này 3 lần. Trung bình mỗi lần, cảm nhận “thoát xác” của bà ta chỉ kéo dài khoảng 2 giây. Lúc ở trạng thái bồng bềnh, nữ bệnh nhân nói:” Tôi thấy mình nằm trên giường, từ trên cao nhìn xuống, nhưng chỉ thấy được đôi chân thôi. Có điều tôi thấy đôi chân ấy ngắn hơn bình thường.
Khoảng 10% bệnh nhân chết lâm sàng, kể rằng họ có trải nghiệm về hiện tượng thoát xác. Ngay cả những người bị ngất do chấn thương đau ở đầu hoặc co giật thần kinh đột ngột cũng có thể có trải nghiệm này. Ông Blanke phỏng đoán rằng, cảm giác thoát xác xuất hiện do não bộ thiếu OXY, dẫn tới hạn chế một chức năng nào đó của khu vực Anguar Gyrus tại bán cầu não phải. (ABC NEWS, SPIGEL)
VẤN: Lê Thu Hương, Rosemead: Trong Kinh Thi có bài ca dao trữ tình “Sâm Si Hạnh Thái”, bà cụ nhớ xin chép nguyên văn cũng như bài dịch. Cám ơn bà cụ.
ĐÁP:
Bài đó như sau:
Sâm si hạnh thái,
Tả hữu lưu chi.
Yểu điệu thục nữ
Ngụ my cầu chi.
Dịch thơ:
So le rau hạnh lơ thơ
Hái theo dòng nước ven bờ đôi bên.
U nhan thục nữ chính chuyên
Nhớ khi thức ngủ triền miên không rời.
(Tạ Quang Phát dịch)
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 74
VẤN: Cụ Hồ Bân và cụ Lê Giản (San Jose) Chúng tôi muốn được cụ chỉ giáo cho mấy điều chưa được am tường như sau:
1. Thế nào gọi là Hoa Giáp?
2. Luật Can Chi xuất hiện từ bao giờ?
3. Nhật Thần là gì?
Những câu bên trên tôi có đọc trong bản chỉ dẫn về tử vi sao không thấy đề cập đến? Phải dùng nó trong khoa nào thuộc phạm vi huyền bí học?
ĐÁP:
1. Đó là “Lục Thập Hoa Giáp”, lối ghép của mười Can với 12 Chi vào thành 16 kép. Ví dụ năm này Kỷ Sửu 61, Canh Dần 60, Tân Mão 59…2. Can Chi xuất hiện từ đời Hoàng Đế (2697-2597).3. Trong Tử Vi khong dùng từ “Nhật Thần”. Nhật Thần là tên của ngày.
Đối với các thuật sĩ cũng như trong Ngũ Thuật ngoại trừ Tử Vi Đẩu Số, các khoa Mệnh, Y, Bốc, Tướng, Y, Sơn…luôn cả Phượng tề, Châm cứu đều cần đến.
VẤN: Cư sĩ Tịnh Sơn, Monterey Park: Phật, Pháp, Tăng là gì? 37 phẩm trợ đạo, là những đạo phẩm gì?
ĐÁP:
Đức Phật là Phật Bảo. Kinh sách những lời Phật dạy là Pháp Bảo. Các vị Tỳ Kheo xuất gia tu theo Phật là Tăng Bảo. Còn 37 phẩm trợ đạo gồm Tứ Niệm Xứ, Tứ Chính Cần, Tứ Như Ý Túc. Ngũ Căn, Ngũ Lực và Chánh Bát Đạo, cộng lại tất cả 37 đạo phẩm. Muốn lên Niết Bàn cần phải thực hành cho được các phẩm ấy. Có nghĩa là lúc nào cũng để cho thân tâm thanh tịnh, không ưu tư phiền não, phải diệt cho được tất cả mọi ưu tư phiền muộn.
VẤN: Cháu Hồng Hồng (Philadelphia): Quốc hiệu Việt Nam có từ bao giờ? Trước đó gọi là gì? Xin bà nhắc cho.
ĐÁP:
Nước ta mang quốc hiệu Việt Nam bắt đầu đời nhà Nguyễn từ năm 1804. Trước đó có nhiều danh xưng. Băt đầu từ đời Hùng Vương 2879-258 trước Tây lịch gọi là Văn Lang, rồi cải lại là Au Lạc (vào thời An Dương Vương 257 – 207 TTL). Về sau đổi tên là Vạn Xuân vào thời Lý Bôn năm 544. Đại Cồ Việt thời Đinh Tiên Hoàng năm 968. Đại Việt thời nhà Lý 1054. Quốc hiệu này được giữ qua các triều đại nhà Trần (1225-1413) dẫn tới nhà Lê 1428. Đại Ngu nhà Hồ 1400-1407 trở lại với tên Đại Việt.
VẤN: Teresa Vương (Reseda) Đức Mẹ Maria hiện ra tại Fatima năm nào? Ba trẻ được Mẹ cho trông thấy tên là gì? Có thật có chuyện Mặt Trời nhảy múa hay không?
ĐÁP:
Lần thứ nhất Mẹ Maria hiện ra tại Fatima vào ngày 13-5-1917. Hôm ấy có ba trẻ đang chăn cừu tại thung lũng Cova de Ira thuộc xứ Fatima. Trước tiên ba em thấy bất thình lình trời đang trong sáng bỗng có tia chớp rực sáng lên, tưởng trời sắp mưa nên vội lừa cừu về nhà. Mới đi được một quảng đường các em bé bất thần nhìn thấy một bà trông đẹp tuyệt vời hiện ra trên cây sồi. Bà ngỏ ý bảo ba em đến nơi này hàng tháng. Lần thứ hai, Mẹ Maria hiện lên vào ngày 13-6-1917. Tiếp đến ngày 13-7-1917 và lần thứ tư vào ngày 13-8-1917. Ba em bé tên là Jacinta, Lucinta Marto (gái) 7 tuổi, Phanxico Marto 9 tuổi là anh của Jacinta, Lucinta dos Santos 10 tuổi là chị họ của hai bé trên.
Phép lạ “Mặt Trời Nhảy Múa” có thật. Đó là lần thứ 6 tức ngày 13-10-1917. Mẹ hiện ra trước một đám đông khoảng hơn 100.000 người kéo đến cầu nguyện và xin phép lạ. Mẹ đã làm phép cho Mặt Trời nhảy múa từ trên cao lao xuống thật nhanh và cứ thế lao mãi xuống. Khi đến nửa chừng thì Mặt Trời dầng lại rồi sau đó trở về chỗ cũ. Đó là câu chuyện có thật, tính đến năm 2010 chưa tròn thế kỷ, tức chỉ mới 93 năm.
VẤN: Cụ Vũ Mạnh Hà (Alhambra): Xin bà chị vui lòng giải hộ những chỗ tôi quên trong Dịch Kinh sau đây:
1. Phù dịch khai vật – thành vụ – mạo thiên hạ chi đạo như tư nhi dĩ. Thị cố thánh nhân dĩ thông thiên hạ chi chí dĩ định thiên hạ chi nghiệp, dĩ đoán thiên hạ chi nghi.
2. Trong những bộ kinh hiện diện từ lâu trong nhân loại, bộ kinh nào được xem là tối cổ?
3. Trong Bát Quái gồm Kiền, Đoài, Ly, Chấn, Tố, Khảm, Cấn, Khôn…tôi muốn biết cái nghĩa của nó qua từng giai đoạn.
ĐÁP:
1: Dịch là để giải muôn vật thành được mọi việc, bao trùm đạo lý của con người. Vì thế thánh nhân áp dụng Đạo Dịch để khai mở hoài bảo của thiên hạ, định được khả nghiệp của thiên hạ và đoán được sự ngờ của thiên hạ.
2: Trong những bộ kinh tối cổ của nhân loại như kinh Cựu Ước,Dzyan thì Dịch Kinh là lâu đời nhất. Nó là mầm khởi thủy ra văn hóa, luân lý, đạo đức của Đông phương. Dịch Kinh vô cùng huyền nhiệm có thể nói là vô cùng, đến nỗi Đức Khổng Phu Tử đãphải kêu lên: ”Gia ngã sổ niên, tốt dĩ học dịch, khả dĩ vô đại quá hủ”.
3: Vua Phục Hy chiêm nghiệm Hà Đồ lập ra thành quẻ lấy vạch liền (_) biểu thị của Dương, lấy cái vạch ngắn (-) biểu thị lẽ Âm.
Dương là Cơ, Am là Ngẩu, các vạch liền nhập chung với các vạch liền để vạch ra Bát Quái, như sau:
KIỀN là Trời. ĐOÀI là Đầm hay Hồ. LY là Lửa. CHẤN là Sấm Sét. TỐN là Gió. KHẢM là Nước. CẤN là Núi. KHÔN là Đất.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÀP SAO LỤC 75
VẤN: Bà Vương Hà Khanh, Orange County: Thưa cụ, trong bài Mộng Tuyền Vấn Đáp Sao Lục 69, cụ có nói là CHÙA QUAN THÁNH Ở THU XÀ được UNESCO LHQ ghi vào danh sách lich sử thế giới, co thật vậy chăng?
ĐÁP:
Đó là sự thật. Nếu có dịp bà về Việt Nam hỏi Sở Du Lịch sẽ được biết thực hư thế nào.
VẤN; Cụ Vương Hà Đạo, Maryland. Cụ bà có nhớ tiểu sử của Lạc Tân Vương không? Xin bà cụ nhân thể nhắc một vài bài thơ thời đó.
ĐÁP:
Lạc Tân Vương người đất Ly Châu, có khiếu văn chương. Ông biết làm thi phú từ năm lên 7. Ví như bài Đế kinh phú được xem là kiệt tác. Không những vậy mà biền văn của ông còn vượt hơn cả thi ca của ông. Bài Thảo Võ Chiếu hịch được người đương thời ca tụng không tiếc lời. Bài này của ông là một trong ba bài viết chung hịch với Trần Lâm tức bài Thảo Tào Tháo hịch cũng với bài Hịch Trung Nguyên phụ lão của Thạch Đạt Khai. Ba bài này hợp thành bộ ba xem là “Tam Đại Hịch Văn” được truyền tụng khắp nơi.
Bài “Dịch Thủy” nổi tiếng nhất của ông:
Thử biệt biệt Yên Đan,
Tráng sĩ phác xung quan,
Tích thời nhân dĩ một
Kim nhật thủy do hàn.
Có nghĩa:
Đây là nơi chốn giã biệt thái tử Đan. Tóc của người tráng sĩ dựng cả lên chạm phải cái mũ đang đội trên đầu. Người xưa (ý chỉ thái tử Đan) không còn nữa, nhưng dòng nước ngày nay vẫn còn lạnh như xưa…
VẤN: Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Washington DC.: Tôi còn nhớ nghe được hai câu tục ngữ Trung Hoa nhưng quên nghĩa của nó:
1. “Bất thị sinh thuyền thủ,hưu nả trúc sao đầu”
2. Bất hội niệm kinh hưu đương hòa thượng
Bất hội thượng hài hưu đương bì tượng
ĐÁP:
Câu 1: Có nghĩa:
“Không phải tay chèo lái, chớ mó máy cây sào.”
Ta cũng có câu ý nghĩa tương tự:
Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.
Câu thứ 2:
“Không biết niệm kinh đừng làm hòa thượng
Không biết đi giày, đừng làm thợ giày.
VẤN: Lê Hải, Reseda: Danh từ Samadhi là gì và xuất xứ từ đâu?
ĐÁP:
Samadhi là danh từ Sanskrist, phiên âm ra Hán văn là “Tam ma địa” còn phiên dịch là “Tam muội”’ Nó có nghĩa chỉ về quá trình tâm sinh lý thực nghiệm của các nhà tu hành không ngoài mục đích tập hợp tất cả năng lực không để cho tâm vọng động, gồm các giai đoạn như Chính định, Chính thụ, Chính tâm hành xử, Tức lự ngưng tâm v.v..
VẤN: Cụ Văn Hà Thanh, San Jose: Bà cụ có tiểu sử của Đức Khổng Tử xin chỉ giáo cho. Chủ thuyết của vị Vạn Thế Sư Biểu này là gì?
ĐÁP:
Đức Khổng quê xã Xương Bình, huyện Khúc Phụ, Sơn Đông vùng hạ lưu sông Hoàng Hà thuộc dòng dỏi người nước Tống. (Hà Nam). Tổ ba đời của Ngài sang ở Lỗ (Sơn Đông). Phụ thân là Thúc Lương Ngột (quan võ). Vợ trước sinh được 9 gái. Vợ hai sinh được một trai tên Mạnh Bì. Người con trai này bị tật nguyền què chân. Đến lúc già lấy được bà Nhan Thị sinh ra Khổng Tử tháng 10 năm Canh Tuất tức năm thứ 21 đời Chu Linh Vương (551 trước CN). Khi sinh ra mẹ đặt tên là Khâu, tự Trọng Ni.
Ngài chủ trương thuyết NHÂN. Ngài cho rằng phải hiếu để và không phải chỉ Yêu mà còn cả Ghét nữa.
Còn tiếp
THINH QUANG