Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 16)
THINH QUANG


VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 16)
Thinh Quang

MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 76

VẤN. Vương Việt, Alhambra LA.: Tôi còn chưa hiểu cặn kẽ về cái nghĩa của ĐỐN NGỘ như thế nào. Phật ở đâu? Và ai là Phật? Còn TIỆM NGỘ nghĩa ra làm sao? Xin bà cụ chỉ giáo cho.

ĐÁP:
Đốn ngộ là một loại nhận thức luận tiên nghiệm. Nó cùng nghĩa với đốn giác, hàm ý là tức khắc giác ngộ một cách trọn vẹn. Có người hỏi: ”Muốn thành Phật phải làm như thế nào?” Câu này các phái Phật học thường bảo là ta có thể suy nghiệm về “Tâm tính bản giác” làm mệnh đề cơ bản để giải đáp. “Phật là bản tính”, ”tự tâm là Phật”, Phật tính là bản chất duy nhất của nhân tính. Phật tính luôn luôn tồn tại trong tâm của con người. Phật ở nơi bổn tính. (Nhân chi sơ tính bổn thiện) – “Thiện đó là Phật tính”. Loại “linh tri” có nghĩa hiểu biết linh thiêng chính là nhờ Phật tính. Nhưng cái Phật tính tồn tại trong lòng của con người thường bị sai lạc bởi bị “võng niệm” che lấp đi. Vì vậy mà ta cần phải chu toàn “bản giác” tức phải “tự ngộ, tự giác”, vứt bỏ cái “võng niệm” đó đi, giác ngộ cho được cái bản tính “linh tri bất mị” là vị chi đi thẳng ngay vào cõi Phật. Theo Huệ Năng – ông tổ thứ sáu của phái Thiền tông đã nhắc nhỡ: “...Trong phút chốc, suy nghĩ sai ắt bị tiêu diệt, phải hiểu biết tự tính, giác ngộ mà đến đất Phật (nhất sát na gian, võng niệm cụ diệt, nhược thức tự tính, nhất ngộ tức chí Phật địa) đó gọi là ĐỐN NGỘ. Còn “TIỆM NGỘ” theo Bắc tông là giác ngộ dần dần nhiên hậu từ đó mới sáng tạo ra “ĐỐN NGỘ”.

VẤN: Ông Văn Thành Vũ, San Gabriel: Các truyện Liêu Trai, Nho lâm ngoại sử, cũng như Hồng Lâu Mộng là những pho truyện ngày xưa của Trung Hoa, nhưng chưa biết rõ chính tác giả của những kiệt tác đó là của ai ? Xu hướng về các kiệt tác phẩm ấy nhằm chủ đích nào? Xin bà cụ giải thích hộ.

ĐÁP:
Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh, là tập đoản thiên tiểu thuyết. Bồ Tùng Linh, mượn chuyện ma quái để ám chỉ cái hắc ám của triều đình nhà Thanh và đám quan lại đương thời. Còn bộ Nho lâm ngoại sử của Ngô Kỉnh Tử là bộ trường thiên tiểu thuyết nhằm đả kích một chế độ cổ hủ cũng như chế độ thi cử đương thời. Tuyệt phẩm Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần cùng Cao Ngạc sáng tác (đồng tác giả) miêu tả cái lẽ hưng suy của một gia đình phong kiến v.v...

VẤN: Ong Bùi Trường Trúc, Orange County:
1. Câu tục ngữ Trung Hoa tôi còn nhớ cái nghĩa dịch sang tiếng Việt mình: “Học điều thiện ba năm, còn học điều ác chỉ cần một buổi” nhưng lại quên nguyên văn của câu tục ngữ ngữ đó.
2. Và một câu khác nguyên văn chữ Hán: “Ninh tẩu thập bộ viễn, bất tẩu nhất bộ hiểm” là nghĩa làm sao?

ĐÁP:
Câu thứ 1. Nguyên văn câu tục ngữ này như sau:
Học thiện tam niên,
Học ác nhất triêu.

Câu thứ 2: Có nghĩa:
Thà đi mười bước xa
Hơn đi một bước hiểm.

VẤN: Ông Trần Tú: El Monte: Bà cụ có biết ý nghĩa của là cờ “NGŨ SẮC” không? Xin chỉ giáo hộ về xuất xứ của lá cờ, tại sao lại dùng ngũ sắc? Cờ này dùng vào các dịp lễ Tôn Giáo không? Lá cờ có “đuôi nheo” tại sao lại gọi như vậy?

ĐÁP:
1. Cờ NGŨ SẮC xuất hiện từ lâu đời, ngay từ thời đại Hoàng đế Đại Vũ trước CN. Vị Hoàng đế này lúc đầu cho vẽ hình Hà Đồ và Lạc Thư trong lá cờ và gọi là cờ hiệu. Cũng có một giai thoại khác cờ ngũ sắc xuất từ đời vua Phục Hi. Từ xưa nay việc dùng cờ bất cứ quốc gia dân tộc nào cũng đều có ý nghĩa, là biểu thị cho một vấn đề nào đó như quốc hiệu biểu thị linh hồn của đất nước. Ngoài lá quốc kỳ tiêu biểu cho quốc gia dân tộc được xem là tối thượng còn có những lá cờ của các tôn giáo, đoàn thể để biểu trưng cho tổ chức của mình. “CỜ THẦN là tên gọi chung các loại cờ treo ở đình chùa, người xưa thường dùng để rước Thần, rước trạng nguyên, quan quyền hay hay vua chúa, v.v... Lúc đầu cờ may bằng vải màu sặc sỡ, xung quanh có lượn nét như hình lửa bốc. Ngoài ra còn có các loại cờ “mao“, cờ “tiết” – loại cờ dùng để đi đầu đám rước...đặc biệt là cờ “Ngũ Hành”, cờ “Bát Quái” v.v...NGŨ SẮC tức cờ NGŨ HÀNH. Cờ Ngũ Hành gồm có 5 màu XANH, ĐỎ, VÀNG, TRẮNG, ĐEN chỉ cho KIM, MỘC, THỦY, HỎA, THỔ. Người xưa quan niệm trong trời đất tức trong Vũ Trụ có năm chất căn bản: được ghi nhận như: MỘC, tức là cây cỏ. HỎA là lửa, hơi nóng, THỔ là đất, đá, KIM là vàng và THỦY là nước. Theo sự tích thì vua Phục Hi đã tìm thấy vật chất cấu tạo nên vũ trụ là Hành Thủy.
Hà Đồ – Lạc Thư có ghi như sau :

Thiên nhất sinh thủy
Địa lục thành chi
Địa nhị sinh hỏa
Thiên Thất thành chi
Thiên Tam sinh mộc
Địa Bát thành chi
Địa Tứ sinh kim
Thiên Cửu thành chi
Thiên Ngũ sinh Thổ
Địa Thập thành chi...
Thiên Dương Địa Am...

Tương sinh với nhau như: Mộc sinh Hỏa. Hỏa sinh Thổ. Thổ sinh Kim. Kim sinh Thủy. Thủy sinh Mộc. Còn Tương khắc: Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa...

Ngũ Hành là bản thể của Âm-Dương mà cũng là sự tồn tại của các dạng vật chất. Ví như khi vật chất bị bốc cháy thành hơi bay vào bầu trời biến thể thành “ion” trong điện trường. Đó là Dương v.v... Ý nghĩa của Ngũ Hành chỉ cho 5 màu sắc cơ bản. Đó là trắng, đen, xanh, đỏ, vàng...Cũng như nhạc thì ta thấy có 5 âm: Thương, Dốc, Chủy, Vũ, Cung. Phương hướng cũng có 5. Đó là Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung Ương. Con người cũng có 5: Tâm, Can, Tì, Phế, Thận... Cờ Ngũ Hành có thể dùng trong các buổi lễ cho bất cứ tôn giáo nào. Đuôi nheo được xem là một phụ kỳ: có hình cheo chéo như đuôi con “cá nheo”. Nó chỉ có ý nghĩa làm tăng thêm vẻ mỹ quan cho Ngũ Hành Kỳ. Tuy nhiên nó đã được xem như một công thức chung cùng một nguyên tắc không thể thiếu được.

VẤN: Cụ Hồng Văn Trình, Vannuys: Tôi nghe nói thời phong kiến muốn được làm Hoàng Hậu phải hội đủ 9 vẻ. Vậy chín vẻ đó là những vẻ gì? Xin cụ chỉ giáo hộ.

ĐÁP:
Cứ theo Hoàng Triều Nội Điển của Quách Thế Hy thì phải có những điểm như sau:
1. Vẻ mặt cho nghiêm nhưng trông vào thì đậm nét từ ái.
2. Giọng nói nhỏ nhẹ và ít nói hơn lắng nghe.
3. Mắt lúc nào cũng nhìn lên và nhìn thẳng về phía trước mặt.
4. Cung cách ngồi phải ngay ngắn và vững tợ núi Thái Sơn.
5. Bước đi chẫm rải và chững chạc.
7. Tránh dùng loại phấn son lòe loẹt mà phải tao nhã.
8. Vui buồn, giận hờn, không để lộ ra mặt.
9. Đối với thuộc cấp nếu đồng ý hay không đồng ý, đều biểu lộ cử chỉ nhẹ nhàng, gật đầu hay lắc đầu và không bao giờ phát ngôn lớn tiếng để khen thưởng ai.

 

MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 77

VẤN: Ông Bùi Bằng Túc, Orange County. Tục ngữ Trung Hoa có 3 câu mà tôi không biết rõ nghĩa, bà cụ giải hộ cho:
1. Bão noãn tư dâm dục, cơ hàn khởi đạo tâm.
2. Bão đàn ngạ xướng.
3. Chỉ khả tha vô tình”

ĐÁP:
Câu thứ nhất có nghĩa:
“Đói rét sinh tâm trộm cướp.
Ấm no lại tưởng dâm tà.”

Ta cũng có mấy câu tương tự:
- Đói ăn vụng, túng làm càn
- No cơm ấm cật rậm rật mọi nơi
Đói rách tả tơi, mọi nơi bất động.

Câu thứ hai: “Bão đàn, ngạ xướng”
có nghĩa: “No đàn, đói hát.”
Có ý nói là khi no thì cầm đàn ra khảy cho vui, nhưng nếu bị đói thì hát lên để đổi chén cơm manh áo.

Câu thứ 3:
“Chỉ khả tha vô tình”
Bất khả ngã vô nghĩa.

Có nghĩa:
“Thà là người vô tình,
chứ ta không bạc nghĩa.”

Tục ngữ ta cũng có câu tương tự:

“Tham vàng bỏ ngãi ai ơi
Vàng ăn thì hết, ngãi tôi vẫn còn.

VẤN: Cụ Bùi Kiểm, Virginia: Tôi mạo muội đề đạt lên bà chị về chuyện xưa tích cũ về “Làng Thơ” ở Việt Nam ta của các thập niên đầu của thế kỷ 20 như sau:
1. Ai là người (kể cả tờ báo khứng ra đứng mũi chịu sào) làm một cuộc cách mạng trong làng thơ từ thể thơ cũ đổi sang thơ mới?
2. Chẳng biết phong trào đổi thừ cũ sang mới, trong làng thơ ta lúc bấy giờ có những phản ứng gì? Xin cụ chỉ giáo cho.

ĐÁP:
Phụ Nữ Tân Văn là tờ báo đầu tiên khởi xướng cuộc cách mạng trong làng thơ từ cũ chuyển sang mới. Lời hô hào đầu tiên về phong trào này là ông Tú Khôi trong bài viết đăng tải trên Phụ Nữ Tân Văn: ”Duy tân đi! Cải lương đi!”

Ông kêu gọi đừng loanh quanh lẩn quẩn trong lòng bàn tay của họ hoài. Họ ở đây Tú Khôi khẳng khái nêu lên: “Ho” là ông Lý, ông Đỡ, ông Bạch, ông Tô v.v…Ông kêu gọi các thi nhân ta thuở bấy giờ hãy cố thoát ly ra khỏi Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn Du…

Và theo chân ông vốn một nữ lưu tên là Nguyễn Thị Kiêm đã bước lên bục diễn đàn ở Hội Khuyến Học Sài Gòn vào đêm 26-7-1933 kêu gọi cần phải có một cuộc cách mạng đổi mới trong làng thơ thay vì cho khuôn sáo cũ với Lý, Đỗ…Cuộc diễn thuyết táo bạo đầu tiên này của Nguyễn Thị Kiêm được đăng tải trên Phụ Nữ Tân Văn số 210 phát hành ngày 3-8-1933. Và sau đó là những cuộc bút chiến không ít giữa những người thủ cựu quyết níu kéo giữ lại theo sáo cũ. Vì vậy mới xảy ra một cuộc bút chiến giữa các nhà thơ, nhà văn và luôn cả trong làng báo kéo dài 0một thời gian dài xoay chung quanh vấn đề “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”.

Cụ Tản Đà thay vì viết một bài tranh luận, thì cụ lại đăng lên một bài chế giễu việc đề xướng phong trào đổi mới như sau:

“Từ khi Lý Bạch chết, thiên hạ không chuộng thơ mà thơ kém hay. Bởi thế mới có Phan tiên sinh ra đời.
Từ khi Bá Nha chết, thiên hạ không chuộng đờn, mà đờn kém hay. Bởi thế mà có Quách tiên sinh ra đời.
Phan tiên sinh cải lương về nghề thơ, ở đời chưa gặp ai là tri kỷ.
Quách tiên sinh cải lương về nghề đờn, ở đời chưa gặp ai là tri âm.
Một hôm kỳ ngộ duyên may, hai tiên sinh gặp gỡ.
Trong một nhà ở phố Khâm Thiên, Phan đang nằm hút trên gác, bỗng nghe có tiếng đàn gảy, nhận lâu rất thấy khác thường: tiếng đàn thực hay mà như không có cung bậc. Do bụng hoài nghi, Phan tiên sinh bước xuống bực thang ngó thử coi, thấy người gảy đàn đo chừng cũng là một du tử, mà coi ra có vẻ cao nhân; nhân bước xuống thang, làm quen nói chuyện chơi. Người dó là ai? Tức à Quách tiên sinh vậy. Rồi đó, Quách tiên sinh nói chuyện đàn, Phan tiên sinh nói chuyện thơ.
Rồi Quách tiên sinh đờn một chặp, Phan tiên sinh thơ một hồi.
Rồi Quánh lại đờn, Phan lại thơ.
Rồi Phan, Quách lại chuyện thơ, chuyện đàn.
Cái thú gặp tri kỷ, khó bút mực nào vẽ cho hết.

Chị chở đò nguyên là một tay tài tình, văn thơ âm nhạc đều có hiểu qua, nhân bàng quan một cuộc cầm thi, cũng cảm tác một bài “THƠ MỚI”.

Đàn là đàn
Thơ là thơ
Thơ thời có chữ, đàn có tơ
Nếu không phá cách vứt điệu luật
Khó cho thiên hạ đến bao giờ!
Bá Nha xa,
Lý Bạch khuất
Thơ có họ Phan, đàn họ Quách
Thơ có chữ
Đàn có tơ
Đàn thời ngơ ngẩn, thơ vẩn vơ
Tài tử văn nhân thường rứa rứa
Bút huê ngao ngán bận đề thơ.

Tản Đà

Cụ Tản Đàn là một trong những người chế giễu, chống đối phong trào đổi mới thơ. Nhưng chống đối mạnh nhất là thầy giáo Nguyễn Văn Hạnh ở Sài Gòn. Ông cho rằng chẳng có gì “lạ lùng” và “chướng tai” hơn. Tât nhiên bên hàng ngũ chủ trương một cuộc cách mạng thơ cũng bàn thảo, cũng đẩy mạnh sáng tác những bài thơ đổi mới để đáp lễ lại phe bảo thủ mong sao cho họ lòng dạ, mắt mũi sáng ra!


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 78

VẤN: Ông Ngô Hữu, Santa Ana: Trong Tam Tự Kinh có đoạn nói về cái “bản thiện”: “Nhân chi sơ, tính bản thiện, tính tương cận, tập tương viễn, cẩu bất giáo, tính nãi thiên, giáo chi đạo, quí dĩ chuyên”, để được am tường xin bà cụ vui lòng giảng giải cho. (Từng chữ và luôn cả giai thoại nếu có làm điển hình cho tính thiện).

ĐÁP:
Tôi xin giải từng chữ trước khi giải toàn bộ các câu bên trên:
NHÂN là người. SƠ là lúc mới sinh. TÍNH là bản tính của con người.
TƯƠNG CẬN là cách biệt không xa. TẬP là học tập. TƯƠNG VIỄN là cách biệt quá xa. CẨU là nếu như. THIÊN: là thay đổi. GIÁO là dạy bảo. CHUYÊN là chuyên tâm. ĐẠO là phương pháp, phương cách…

Dịch nghĩa:
Con người lúc mới sinh ra vốn bản tính lương thiện. Cái bản tính lương thiện này ai ai cũng đều giống như nhau. Nhưng sau này vì hoàn cảnh học tập của mỗi người khác khiến bản tính của con người có phần khác biệt rất xa. Nếu như lúc nhỏ không được sự dạy bảo đúng đắn, thì bản tính sẽ bị ảnh hưởng của hoàn cảnh không tốt mà có sự thay đổi. Phương pháp giáo dục trẻ em quan trọng nhất là phải chăm chỉ chuyên cần.

Có câu chuyện nói về cái “BỔN THIỆN”:

“Đời Tấn thời xưa, có người tên là Chu Xứ. Lúc trẻ thơ vốn tính hiền lành dễ mến, nhưng vì cha mẹ mất sớm, không ai dạy bảo lớn lên giao du cùng đám bạn xấu trong xóm, tính tình trở nên hung bạo, cử chỉ hành vi của hắn cũng rất dã man hiểm ác. Chu Xứ thích bắt nạt người hèn yếu hơn mình, thường chỉ vì một việc thật nhỏ mà làm cho hắn không vui, bèn ra tay đánh cho kẻ khốn cùng yếu đuối kia đến vỡ đầu gãy tay không chút thương tâm. Do đó mà dân trong làng trong xóm đều tránh xa hắn.

Một ngày kia, trong làng xuất hiện một con hổ dữ và đồng thời trong đầm ở đầu làng cũng xuất hiện một con giao long trông rất khủng khiếp. Hổ và giao long thường xuyên xuất hiện phá phách mùa màng và lùng bắt các gia súc của dân làng. Mọi người đều sống trong sự hãi hùng. Dân chúng trong làng đều coi đó là hiện tượng hung ác nên cùng nhau bảo làng ta vốn có sẵn Chu Xứ đã là một tai họa, nay thêm hổ dữ và giao long cọng lại thành ba. Đây chính là điềm TAM HẠI nếu không trừ được thì chẳng bao giờ được sống yên ổn.

Chu Xứ nghe nói trong làng có “Tam Hại” bèn nảy ra ý muốn thi đấu hầu diệt hai loài sơn lâm, thủy quái kia. Đầu tiên Hắn bèn vào núi tìm cho được con hổ dữ và chỉ dùng tay không mà đánh chết được hổ dữ dễ dàng. Sau đó hắn tìm đến đầm hỗn chiến với con giao long. Cuộc chiến với giao long suốt ba ngày ba đêm và cũng như đánh hổ, cuối cùng hắn diệt trừ được con thủy quái kia. Thế là trong “Tam Hại” hắn đã ra tay trừ được hai, chỉ còn lại một hằng định quay trở về làng hỏi xem cái “hại” thứ ba là gì để hắn ra tay khử trừ một thể.

Trong thời gian dài chờ đợi không thấy Chu Xứ về dân làng tưởng hắn đã cùng chết với giao long, như vậy là cái HẠI thứ ba là Chu Xứ cũng đã chết không còn nữa. Nghĩ vậy dân chúng trong làng không tránh khỏi nỗi vui mừng khôn sao kể xiết, bèn cùng nhau tổ chức nhày múa ăn uống thật no say để mừng cho cái họa “tam hại” từ nay không còn nữa.

Khi Chu Xứ trở về nghe chòm xóm xầm xì về mình mới hiểu ra là dân làng cho mình là cái hại thứ ba, nên quyết hạ tâm ăn năn hối cải, nguyện giúp đỡ người già kẻ yếu, và tìm đến Lục Vân xin được ra mắt thầy ngày đêm cố học tập không rời kinh sách. Cuối cùng thi đổ làm quan, giúp ích cho dân làng. Từ đó Chu Xứ trở thành người được toàn thể dân chúng khắp nơi mến phục.

VẤN: Ông Lê Bằng, Chinatown (LA): Tôi có đọc trong Kinh Thi có Thiên Hữu Tất của Lỗ Tụng, bây giờ tôi quên mất vế đầu, bà cụ có nhớ chăng?

ĐÁP:
Thiên Hữu Tât tam chương của Lỗ Tụng, gồm có 3 bài. Bài thứ nhất ông quên như sau:

Hữu tất hữu tất!
Tất bỉ thặng hoàng.
Túc dạ tại công,
Tại công mang mang
Chấn chấn lộ,
Lộ vu hộ.
Cổ uyên uyên,
Túy ngôn vũ.
Vu tư lạc hề!

Ngựa khỏe làm sao, ngựa khỏe sao
Bốn con ngựa đẹp hao hao màu vàng.
Bình minh bận đến hôn hoàng
Mãi lo cầm cán cân vàng xử phân.
Đàn cò vữ lộng trên không
Kẻ nhìn, người ngó, thật không muốn rời.
Thình thình trống đánh vang trời
Uống rồi nhảy múa Lỗ Hầu cũng vui
Người người cùng cất tiếng cười…

(Thinh Quang dịch)


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 79

VẤN: Bà Tôn Nữ Quỳnh Ho, Monterey Park (LA) Tôi nghe bà Từ Cung mẫu hậu của vua Bảo Đại có bài thơ Thương Con, bà cụ có biết không? Nếu có thể xin bà cụ vui lòng chép lại cho. Thành kính cám ơn bà cụ.

ĐÁP:
Quả có. Bài thơ này là của bà Từ Cung, mẫu thân của Vua Bảo Đại.

Bài thơ có tựa đề: THƯƠNG CON

Thương con đau ruột mẹ trăm chìu,
Thao thức canh tàn luống quạnh hiu!
Bóng xế thẩn thơ vườn Thượng uyển,
Người buồn xui cảnh cũng buồn thiu!

Thương con thơ ấu đã không cha!
Du học nước ngoài chẳng quản xa.
Thời thế phong trào đâu đã thấu,
Hai vai nặng một gánh sơn hà!

Nhớ con cách trở mấy năm trời!
Muôn dặm sơn khê khó hết lời.
Dẹp nổi việc nhà vì việc nước,
Non xanh bể thẳm lúc đầy vơi.

Vắng con nào mẹ có vui chi!
Cắt ruột đau lòng nỗi biệt ly.
Gác tía lầu hồng thôi cũng thế,
Thăm con cũng khó nỗi mà đi.

Nhớ con xui dạ cứ bàng hoàng,
Thơ cũ đem coi lại mấy hàng.
Canh lụn chiêm bao mường tượng bóng,
Giật mình thức dậy cứ mơ màng…
Dặn con ghi dạ chớ nên nguôi,
Dẫu bực đế vương nữa cũng người.
Phải nhớ cương thường luân lý cũ,
Thương dân, thương nước, ích cho đời.

Khuyên con ngàn dặm bấy nhiêu câu,
Phật Thánh ngày đêm mẹ khẩn cầu.
Phù hộ cho con mau tấn đức,
Giữ nền xã tắc đặng bền lâu.

VẤN: Cụ Nguyễn Tri Thức, San Jose: Thành ngữ Trung Hoa có câu: ”ĐẠO BẤT THẬP DI”, là làm sao? Câu thành ngữ này muốn nói gì? Xin cụ giúp giải hộ.

ĐÁP:
Câu thành ngữ này ý nói “vật rớt giữa đường không ai thèm nhặt”.

Có giai thoại:

Thời Xuân Thu, Lỗ Định Công là vua nhà Lỗ, Khổng Tử từng nhậm quan ở đất nước này. Lúc ban đầu làm chức quan Trung Đô Tể cai trị một ấp (ngày xưa một ấp bằng cả một huyện), nay là huyện Văn Thương tỉnh Sơn Đông. Chức Trung Đồ Tể có quyền hạn bằng chức quyền của quan Huyện. Về sau ông được thăng lên chức Đại Tư Khấu coi về sự hình phạt.

Ngài tên Khưu, tự Trọng Nê, là người học cao, hiểu rộng có đầy đức độ. Chỉ trong vòng cầm quyền ba tháng mà đã thay đổi được bộ mắt của huyện Văn Thương.

Về thương vụ, tất cả các nơi chợ búa, bất cứ buôn bán mặt hàng gì không bao giờ thách thức, giá mấy bán mấy. Các đồ vật dù là vàng bạc của quí rơi rớt ở dọc đường, khách bộ hành, già, trẻ, lớn, bé cũng không ai thèm ngó ngàng lượm lấy làm của riêng. Du khách đến Lỗ không lo có kẻ gian trộm cắp. Tối ngủ không bao giờ đóng cửa. Bởi vậy mới có thêm câu thành ngữ riêng cho tỉnh Sơn Đông lúc bấy giờ: “Dạ bất bế hộ” có nghĩa, đêm ngủ không hề đóng cửa.

VẤN: Cụ Diệp Năng Hồng, Rosemead: Bà cụ có nhớ trong Ly Tao của Khuất Nguyên có câu nói về sự hỗn loạn của xã hội đã làm cho ông chịu bao nhiêu nỗi đắng cay đau khổ…Bà cụ nhớ giúp cho đó là câu gì “

ĐÁP:
Ly Tao của Khuất Nguyên có nhiều câu gửi gắm tâm sự của mình. Ví như câu:
“Thế hỗn trọc nhi tật hiền hề,
Hiếu tế mỹ nhi xưng ác.

Có nghĩa:
Đời hỗn loạn đã tham mà còn ganh tị bậc hiền hề, hay che khuất đi cái đẹp mà đưa ra cái xấu.

Hay câu:
“Thế u muội dĩ huyễn hề,
Thực vân sát du chi thiện ác?”

Có nghĩa là:
Thế gian u muội mà lại còn khoe khoang hề,
Không phân được điều thiện ác, (Ôi!) ai hiểu được nỗi lòng ta?)


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 80

VẤN: Ong Đào Văn Tập, San Jose: Tôi không rõ câu ”Vô hữu nhị pháp” là nghĩa như thế nào? Xin bà cụ gỉai hộ.

ĐÁP:
“Vô hữu nhị pháp” được ghi trong Kim Cương cho rằng dù trước hay sau cũng chỉ có một nguyên lý, cái nguyên lý đó là “Tâm pháp nhất như”. Trong Kim Cương có câu:
”Hà nhơn vấn? Như hà thị Phật”? Như hà thị Pháp? Như hà thị Thiền? Sư vấn: Vô thương pháp vương tại thân vi Phật, tại khẩu vi Pháp, tại tâm vi Thiền. Tuy tại tam ban kỳ quy tắc nhất. Dụ như tam giang chi thủy, tuy xứ lập danh, danh tuy bất đồng thủy tính vô dị.”

Có nghĩa:
Có người hỏi Ngài: Thế nào gọi là Phật? Thế nào gọi là Pháp? Thế nào gọi là Thiên? Thiền sư đáp: Đức Vô thượng pháp vương ở trong thân mình ấy đó là Phật, lời nói ra miệng ấy đó là Pháp, còn ở tại tâm mình, ấy đó là Thiền. Ví như nước trên ba giòng sông, chảy qua mỗi nơi mang một tên khác. Tuy tên gọi không giống như nhau nhưng nó lại đồng một tính nước.”
VẤN: Bà Linh Quang Thiện, Virginia: Bà cụ có nhớ bài “Bà Lang Khóc Chồng” cũng như bài “Hang Cắc Cớ” của Hồ Xuân Hương không? Xin bà cụ nhắc hộ.

ĐÁP:
Hai bài đó như sau:

BÀ LANG KHÓC CHỒNG

Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì
Thương chồng nên nỗi khóc tì ti
Ngọt bùi thiếp nhớ mùi Cam thảo
Cay đắng chàng ơi vị Quế chi
Thạch nhũ, Trần bì sao để lại
Qui thân, Liên nhục tẩm mang đi
Dao cầu thiếp biết trao ai nhỉ
Sinh ký chàng ôi tử tắc quy.

(Mỗi câu đều có tên vị thuốc Đông y)

HANG CẮC CỚ

Trời đất sinh ra đá một chòm
Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom
Kẽ hầm rêu mốc trơ hoen hoẻn
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm
Giọt nước vô tình rơi bỏm bỏm
Con đường vô ngạn tối om om
Khen ai đẻo đá tài xuyên tác
Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm.

VẤN: Cụ Vũ Hà Nhân, (Rosemead): Trong Tam Tự Kinh có hai đoạn “Tam Cương” và “Tam Tài”, tôi bị quên mất. Xin bà cụ nhắc hộ, đồng thới giải luôn nghĩa cho.

ĐÁP:
“Tam Cương” có:
“Tam Cương Giả,Thiên Địa Nhân, Tam Quang Giả, Nhật Nguyệt Tinh, Tam Cương Giả, Quân Thần Nghĩa, Phụ Tử Thân, Phu Phụ Thuận”

Tam Tài: “Thiên Tài, Địa Tài, Nhân Tài.
Tam Quang: Nhật Quang, Nguyệt Quang, Tinh Quang.
Tam Cương: Quân Thần, Phụ Tử, Phu Phụ
Đó là toàn bộ của mấy câu, và dưới đây là nghĩa của nó:

“Thế giới gồm có ba phần: ”Trời, Đất và Người. (Thiên, Địa, Nhân) gọi là Tam Tài. Ngoài ra còn có ba loại ánh sáng rọi tới Địa Cầu. Đó là: Anh sáng Mặt Trời, ánh sáng Mặt Trăng và ánh sáng của các vì tinh tú. Gọi là Tam Quang. Ý của câu này: Con người muốn có quan hệ tốt với nhau thì phải theo ba cái cương lĩnh quan trọng: ”Giữa vua và quần thần, để nói cái đạo nghĩa. Giữa Mẹ và Con Cái phải hòa hợp thân thiết với nhau. Giữa vợ chồng không tranh cãi với nhau. Làm được như vậy nước nhà mới có thanh bình an lạc.

Có giai thoại:

”Một đêm kia vua nước Sở là Sở Trang Vương mở yến tiệc mời các quần thần ăn mừng cảnh nước nhà thanh bình an lạc. Tiệc đang tiến hành đến nửa chừng thì tự nhiên có cơn gió thổi làm tắt hết các đèn đuốc. Thừa cơ hội tối lửa tắt đèn có một vị quan đại thần đưa tay quờ quạng đến một nàng quý phi xinh đẹp yêu quí nhất của nhà vua. Nàng Quý Phi không chịu nhục bèn túm lấy dải mũ của vị quan đại thần này tri hô lên, nghĩ bụng đợi khi đèn đuốc sáng trở lại sẽ tâu với Trang Vương trị tội. Nhưng Trang Vương thay vì chờ đèn sáng lên tìm hiểu nguyên nhân rồi trị tội kẻ đã làm điều bất chính, song nhà vua tự trách lấy mình, bỗng dưng tự bày yến tiệc mời các đại thần cùng các tướng lĩnh đến mới xảy ra cớ sự nông nổi như vậy. Nghĩ rồi, Trang Vương bèn lập tức ra lệnh cho tất cả mọi người phải gở bỏ dải mũ xuống và để nguyên tình trạng ngồi trong bóng tối tiếp tục nâng ly uống rượu như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Qua một tuần rượu Trang Vương mới hạ lệnh cho các người hầu bàn thắp sáng lại các đèn đuốc lên, cho thấy tất cả các quan đại thần đều như nhau không ai còn có dải mũ, tất cả đều giống như nhau. Nàng Quý Phi đành chịu buông dải mũ đang cầm trên tay xuống đưa mắt đăm đăm nhìn nhà vua, song Trang Vương làm ngơ như chẳng biết chuyện gì đã xảy ra. Thế là mọi chuyện đều êm thắm.

Vài năm sau, nước Sở có chiến tranh với lân bangTrong trận chiến xuất hiện một viên tướng rất anh dũng tả xung hữu đột lập được nhiều chiến công hiển hách. Mãi về sau, mọi người mới biết vị tướng anh dũng đó chính là người đã trêu ghẹo Quý Phi. Để đền đáp ân tình của nhà vua biết và tìm cách giải cứu để tha cho tôi chết, nên vị tướng này quyết hy sinh mạng sống để đền đáp lại ân tình của nhà vua tha cho mạng chết. Khá khen thay lòng rộng lượng như hải hà hiếm hoi của một Đấng Minh Quân!

Còn tiếp
THINH QUANG

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh