VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 18)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 86
VẤN: Ông Vũ Kinh Sồ, Santa Ana: Trong ngày lễ Valentine, tôi có nghe lõm câu chuyện tại một nhà hàng ở Orange County, nói về ngày Tình Yêu, tức ngày Valentine trùng hợp với ngày Nguyên Đán của Tết Âm lịch. Có một Đông Y Sĩ cho rằng Tình Yêu xuất phát từ con tim. Vui quá hay buồn quá cũng đều làm tổn thương tim không ít. Vị Đông Y sĩ này nói điều này không ra ngoài Lục Dục Thất Tình”. Vậy thì Lục Dục Thất Tình” là gì? Bà cụ giải hộ cho.
ĐÁP: Lục dục thất tình, câu nói này nằm trong khoa y lý, người thầy thuốc nhìn sự phát xuất của “căn cơ” mà trị bệnh. Ví như:
1. Cửu Hành thương CÂN. (Đi quá làm thương tổn “gân”)
2. Cửu Lập thương CỐT (Đứng lâu làm tổn thương đến “xương”.
3. Cửu Tọa thương NHỤC. (Ngồi lâu tổn đến các thớ “thịt”
4. Cửu Ngọa thương KHÍ. (Nằm lâu quá làm tổn hao đến “khí”.
5. Cửu Thị thương “HUYẾT”. (Sử dụng mắt quá làm thương tổn đến “huyết”
Ngoài ra còn năm cái “NỘ” tức là sự giận dữ”:
1. “Nộ” thương “CAN. (Giận quá làm thương đến GAN
2. “Tư lự” thương TÌ”. (Suy nghĩ quá làm tổn đến “LÁ LÁCH”
3. “Ưu sầu thương “PHẾ”. (Phiền muộn quá ắt bị thương “PHỔI”
4. “Khủng hoảng” thương “THẬN”: (Để bị khủng hoảng quá sẽ bị thường “THẬN”
5. “Hoan hỉ” thương “TÂM”. (Vui mừng quá thì sẽ hại đến “TIM”.
Nói tóm lại cái gì mà ta sử dụng quá với tự nhiên ắt không khỏi bị làm tổn hại đến “Tâm, Can, Tì, Phế, Tạng”.
VẤN: Bà Nguyễn Thi Phương Vân, LA. Xin bà cụ nhắc hộ cho các câu trong Tam Tự Kinh như:
“Đạo Lương Thúc, Mạch Thủ Tắc…” nhưng mấy hàng chữ bên dưới thì tôi bị quên. Luôn tiện bà cụ giải nghĩa và nói về sự tích của nội dung đoạn văn này..
ĐÁP:
Các hàng chữ như bà nói như sau:
“Đạo Lương Thúc, Mạch Thủ Tắc, Thủ Lục Cốc, Nhân Sở Thực.
Mã Ngưu Dương, Kê Khuyển Thỉ, Thử Lục Súc, Nhân Sở Tự.
Và dưới đây nghĩa của những chữ khó:
Đạo: Lúa gạo.
Lương: là một loại kê.
Thúc: các loại đậu nói chung.
Mạch: Lúa mì, lúa mạch.
Tắc: Lúa tẻ.
Lục Cốc: Sáu loại lương thực.
Lục súc: Sáu loại súc vật, gồm: Ngựa, Bò, Dê, Gà, Chó, Lợn.
Tự là nuôi dưỡng…
Dịch nghĩa: Gạo, kê, đổ, mì, nép, tẻ là sáu loại lương thực mà con người dùng để nuôi dưỡng.
Chuyện kể rằng:
Thời kỳ Thần Nông Hoàng Đế có ngưới tên là Hậu Tắc, có công dạy dân, cấy gặt. Từ đó con người biết cày cấy làm ruộng. Lúc bấy giờ chỉ có năm loại (chưa đủ sáu loại). Đến đời Đường, vua Thái Tôn niên hiệu Tường Phù, từng sai sứ thần đến nước Chiêm Thành (Miền Nam Việt Nam ngày nay) xin được một loại lúa giống về, mới có đủ sáu loại. Loại lúa này có nhiều chất dẻo gọi là niêm cốc và dùng để nấu rượu gọi là nếp.
Tổ tiên ta học biết cách chăn nuôi trước, về sau mới học cách cày cấy. Khi chưa biết chăn nuôi, con người đầu tiên bắt được những thú vật, chỉ đủ ăn. Sau này bắt được nhiều có dư thừa, ăn không hết, bèn tìm cách đuổi dồn chúng vào những hang động và dùng cây để rào kín, không cho chúng chạy thoát. Từ đó, tổ tiên ta biết cách chăn nuôi súc vật. Dần dần những con thú vật do con người chăn nuôi cũng thuần tính, không còn hung dữ nữa. Trong khi chăn nuôi, tổ tiên ta đã thấy súc vật thích ăn một số loại cây có hạt. Con người đầu tiên mới hái các hạt đó về rắc vào chuồng cho súc vật ăn. Không ngờ một năm sau, một số hạt mọc lên. Từ đó con người mới học được cách trồng trọt.
Trước thờ kỳ Tam Hoàng, con người còn chưa biết ăn chín, tất cả đều ăn tươi nuốt sống. Cũng vào thời kỳ Tam Hoàng, ông Hiên Viên dạy dân hấp gạo thành cơm, nấu gạo thành cháo. Ông Phục Hy dạy dân lấy cây làm chày, đào đất thành cối để dả gạo. Có một người tên là Ung ,làm ra cối bằng đá. Đến đời Tấn, Đỗ Dự làm cối dùng sức nước. Cối xay bằng đá là do “ông Lỗ Ban đời nhà Chu làm ra. Táo tức là bếp để đốt lửa nấu cơm, là do “Toại Nhân Thị Chế” đầu tiên. Ông đã dạy dân khoan cây lấy lửa và xếp đá sành làm bếp để nấu củi. Đến đời vua Nghiêu, có ông tên là Bá Ích dạy dân đầo giếng lấy nước để ăn uống. Đời vua Thần Nông, dân đã biết cày cấy, trồng trọt. Thời đó có quan tên là Trúc Sa thị đã dạy dân nấu nước biển thành muối để ăn.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 87
VẤN: Cháu Vũ Hà, Trinity St. Philadelphia: Nghe nói trong ca dao ta có nhiều câu nói về thời tiết. Bà cụ cho cháu một ít câu.
ĐÁP:
Dưới đây là một số câu ca dao về tiết trời:
1. Chuồn chuồn liện thì nắng
Chim én liện thì mưa.
2. Đang mưa quạ kêu thì nắng
Đang nắng quạ kêu thì mưa.
3. Trăng quần thì hạn, trăng tán thì mưa
4. Nhiều sao thì nắng,vắng sao thì mưa.
5. Gió bấc hiu hiu, sếu kêu thì rét.
6. Cơn mưa đằng đông, vừa trông vừa chạy
Cơn mưa đằng tây, mưa giấy gió giật
Cơn mưa đằng nam, vừa làm vừa chơi.
Cơn mưa đằng bắc, để thóc ra phơi v.v…
VẤN: Ông Lê Văn Bảo, Orange County: Trong bài “Nỗi Buồn” của Kiều Liên có mấy câu:
“Từ ô chim chóc vật thường
Còn mong kiếm chốn tìm đường trả ơn.
Mưa sầu gió thảm từng cơn
Dễ ai chực phận thờn bơn một bề!
…
Nghĩ xa rồi lại nghĩ gần
Chạnh lòng xảy nhớ Châu Trần nghĩa xưa.
…
Chốn Lam Kiều, cách nước mây
Bùi Hàng kia dễ biết đây nẻo nào?”
Các danh từ: Từ ô, thờn bơn, Châu Trần, Lam Kiều, Bùi Hàng, cháu không được hiểu rõ. Bà cụ giúp cho.
ĐÁP:
1.Từ ô, chỉ về con quạ. Giống chim này hiền lành nên gọi là Từ ô.
2. Thờn bơn:
Tục ngữ ta có câu:
“Thờn bơn chịu ép một bề” – Ý nói trong tình cảnh như vậy dễ có ai chịu ngồi yên được.
3. ChâuTrần: Nói về việc đính hôn với Phan Sinh.
4.”Lam Kiều – Bùi Hàng: Theo Thái Bình Quảng Ký thì: Bùi Hàng người đời Đường, thi hỏng buồn tình đi ngao du ở Ngọc Chữ gặp được nàng tiên là Vân Kiều phu nhân được trao trao cho bài thơ như sau:
“Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sinh,
Nguyên sương đảo tận kiến Vân Anh.
Lam Kiều tiện thị thần tiên quật
Hà tất kỳ khu thượng ngọc kinh.”
Có nghĩa: Hễ uống rượu quỳnh tương thì trăm mối cảm xúc sinh ra, nhưng mà có tán hết thuốc nguyên sương (tợ như sương) mới gặp được Vân Anh. Lam Kiều vốn là chỗ thần tiên ở, hà tất phải vất vả lặn lội trên con đường gập ghềnh để lên tận chốn ngọc kinh!
Sau đó, Bùi Hàng đi ngang qua Lam Kiều khát nước vào hàng quán để giải khát. Bà chủ quán nhìn thấy bèn gọi con gái là Vân Anh ra lấy nước đãi khách. Nhìn thấy cô gái con bà hàng quán đẹp khiến tâm thần điên đảo, bèn ngỏ lời muốn được cùng Vân Anh nên nghĩa vợ chồng. Bà chủ quán liền bảo phài có cối và chày ngọc để tán thuốc thì mới gả con gái cho. Bùi Hàng vâng theo lời, liền hối hả lên đường với bao nhiêu công khó tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng chàng được tiên cho chày cối ngọc đúng như lời bà hàng quán đòi hỏi. Thế là mộng ước thành tựu. Bùi Hàng lấy được Vân Anh. Sống với nhau được ít lâu, cả hai vợ chồng đều lên được cõi tiên.
VẤN: Bà Vũ Ngọc An – Philadelphia: Bà cụ có nhớ bài Thanh Phong, Minh Nguyệt của tác giả nào không? Xin bà cụ ghi lại hộ cho.
ĐÁP:
Tác giả bài ”Thanh Phong, Minh Nguyệt” là Ngô Thế Vinh. Ông còn có một bút hiếu nữa là Trúc Đường, đổ Tiến sĩ năm Minh Mạng thứ 10. Nguyên bài thơ đó như sau:
Giang tâm thu nguyệt bạch,
Não nùng thay khi gió mát với trăng thanh!
Bóng thiềm soi đáy nướclong lanh,
Quang cảnh ấy cũng thanh mà cũng lịch.
Vạn khoảnh tịch nhiện thu dạ vĩnh,
Nhất hồ oánh nhĩ nguyệt minh thâu.
Đàn năm cung,thơ một túi,cờ một cuộc,rượu một bầu,
Tiếng ca quản một vài câu khiển hứng.
Chèo một mái, thuyền lan lũng thững,
Bạn mấy người tài tử giao du.
Non mấy tầng, đá mọc lô nhô,
Cầu mấy nhịp bắc ngang sông Vị Thủy.
Hội Xích Bích nọ năm Tuất nhỉ!
Thú phong lưu há dễ một Tô Công?
Trăng thanh gió mát kho chung.
VẤN: Ông Cao Can, San Jose: Nạn khủng hoảng kinh tế năm 1930-1937, bà cụ có nhớ giá sinh hoạt lúc bấy giờ như thế nào không?
ĐÁP:
Nạn Kinh Tế Khủng Hoảng đã làm cho dân chúng chẳng những Nam, Trung, Bắc Việt Nam mà luôn cả Cao Miên và Lào (Nằm trong Liên Bang Đông Dương) bị khốn khổ không ít. Trong lúc dân chúng thất nghiệp giá cả thực phẩm tăng vọt; Nhất là vào năm 1936 sau khi đồng Franc bị chính phủ L. Blum (Pháp) phá giá nên ảnh hưởng nặng nề. Các thực phẩm đều leo thang:
- Gạo 10 lit trước năm 1936: 40 cents tăng lên 60 cents.
- Trứng vịt 1 trứng - 01 cent - 02 -
- Đậu Tây 100 gr - 06 cents - 15 -
- Thit heo 1 kg 30 cents - 40 -
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 88
VẤN: Ông Lê Hồng Vũ (Washington DC) Trong những năm gần đây thường nhắc đến Do Thái, nhưng thật sự tôi ít biết nhiều về lịch sử của người Do Thái. Bà cụ giải thích giúp không?
ĐÁP:
Vào thời kỳ Tân Vương Quốc ở Ai Cập là giai đoạn của một nền văn minh đạt đến gần tận đỉnh cao. Vào năm 1292 đến 1225 trước CN. Pharaon Ramsès ll hoàn thành việc kiến trúc các đền đài nổi tiếng Cacnat, Thebès, Luxor v.v…Moses dẫn người Do Thái tức giống người Hébreux ra khỏi lãnh thổ Ai Cập. Khi người Hébreux tức người Do Thái tiến vào đất Canaan, tại đây Daun trở thành vị Hoàng đế đầu tiên của người Do Thái. Cũng cùng thời kỳ này quốc gia Palestine được thiết lập và cũng chính là thời gian đạo Do Thái được hình thành.
VẤN: Cháu Vũ Thanh Bình (Orange County): Có phải cái bàn toán đầu tiên trên thế giới là của Ấn Độ, có đúng không? Cháu muốn biết về lai lịch của cái bàn tính này.
ĐÁP:
Khoảng 500 năm tr.CN, người Trung Hoa phát minh ra cái bàn toán đầu tiên. Ngoài ra, nhà toán học thời cổ đại này còn lập ra một bản “Qui Pháp” chung cho việc sử dụng về các bài toán nhân, chia v.v…để người sử dụng học thuộc lòng. Ví như trong bản qui pháp chung có mấy câu, như “Nhì nhất thiêm tất ngũ, phùng nhì tấn nhứt. Tam nhứt tam thập nhứt, phùng ngũ tấn tam v.v… Tôi nhớ đại khái như vậy.
VẤN: Ông Hà Thái Đạo, Monterey Park. Xin bà cụ chỉ giáo hộ về:
1. Trên lĩnh vực văn hóa cổ, thần bí của Đông phương cũng như Tây phương xuất hiện từ bao giờ? Riêng về Đông phương ta có các khoa nào trên lĩnh vực huyền bí này?
2. Kinh Koran là gì, xuất hiện bởi tôn giáo nào?
ĐÁP:
1. Nói về lĩnh vực văn hóa cổ đại Tây phương chỉ xuất hiện vào lối vài ba nghìn năm. Đặc biệt Tây phương có Chiêm Tinh học, Tử Vi Hy Lạp… Còn phương Đông, xuất hiện lâu đời hơn, gồm có các bộ môn như Bói, Độn, Thuật, Số, Tượng số, Tam thế diễn cầm, Lục Nhâm Đại Độn, Bát Quái, Phong Thủy v.v…
2. Koran phiên âm từ tiếng Á Rập, có nghĩa là tụng niệm. Koran do từ Ku’ran hay Qu’ran phiên ra, còn có nghĩa là truyền giảng. Theo Hồi giáo đây là lời phán truyền của Thánh Allah lưu giữ tận chín tầng mây và được thiên thần Capeli truyền lại cho vị sứ giả Muhammad…Toàn bộ của pho kinh gồm 30 tập và rất nhiều chương…ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa, chính trị, kinh tế và luôn cả về luân lý và đạo đức của con người.
VẤN: Ông Lại Đức Thùy (Humble TX) Tôi nghe nói Kinh Thi là một tổng hợp thơ đầu tiên của dân tộc Trung Hoa. Chẳng biết có đúng không?
ĐÁP:
Kinh Thi là một tổng hợp đầu tiên của dân tộc Trung Hoa, được chia ra làm 3 phần: PHONG, NHÃ, TỤNG. Chẳng những Kinh Thi có tác dụng nghiên cứu lịch sử cổ đại của nước Tàu mà còn được xem là một kiệt tác giá trị về văn học. Các nhà nghiên cứu Kinh Thi nổi tiếng trong các thời đại như Mao Hanh, Trịnh Huyền Khổng Dĩnh Dạt đời Đường, Chu Hi đời Tống cùng các nhà biên khảo khác như Vương Phu Chi, Ngô Khải Sinh v.v…
VẤN: Bà cụ Đạt Nguyên, Ventura County: Trong bản tử vi có câu:
“Dần phùng phủ tướng vi đăng nhất phẩm chi vinh”, chẳng biết hàm ý của câu này muốn nói lên điều gì?
ĐÁP:
Câu này nói lên “An mệnh mà an tại Dần, Ngọ, Tuất gặp Phủ, Tướng hội lại không gặp phải Sát Tinh ắt giàu sang, vinh hiển. Nếu làm quan sẽ đến bậc cao cấp, ngày xưa thường chỉ hàng nhất phẩm triều đình…
VẤN: Ông Nguyễn Trọng Phùng (Maryland): Có 2 câu tục ngữ Trung Hoa:
1. Thế thượng một nhân biến, ngưu mã một nhân biến.
2. Thiện môn nan khai, ác môn nan bế.
3. Tri vi tri, bất tri vi bất tri, thị tri.
4. Vị tố quan kiến thuyết thiên ban
Tố liễu quan nhi thị bất ban.
Xin bà cụ giải hộ cho.
ĐÁP:
Câu 1: Trên đời không kẻ trí trá, ngựa trâu chẳng hóa ra người.
Câu 2. Cửa thiện khó mở, cửa ác khó đóng.
Câu 3. Biết thì nói là biết, không biết nói là không biết, mới là biết.
Tục ngữ ta cũng có câu:
Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.
Và một câu khác nữa:
Biết thì thành thật nói ra,
Xin đừng thếm muối mạn mà làm chi.
Câu 4.
Chưa làm quan nói rồng, nói phượng
Làm quan rồi cũng một giuộc ma thôi.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 89
VẤN: Ong Minh Giang (Reseda):
1. Bà có nhớ câu đối Tết:
“THỊT MỠ, DƯA HÀNH, CÂU ĐỐI ĐỎ
CÂY NÊU, TRẢNG PHÁO, BÁNH CHƯNG XANH”
Do tác giả nào và xuất hiện từ thời đại nào, xin cụ cho biết.
2/ Hai câu thơ bên dưới:
“Thương nữ bất tri vương quốc hận,
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa” trong bài thơ nào và tác giả là ai?
ĐÁP:
1. Hai câu đối Tết: Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Đã trở thành quá thông dụng đến nỗi hầu hết không còn ai nhớ đến tên tác giả nữa.
2. Hai câu:
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.
Trích trong bài thơ Bạc Tần Hoài nổi tiếng của thi hào Đỗ Mục, đời Đường:
Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa,
Dạ bạc tần hoài cận tửu gia.
Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.
BÊN BẾN TẦN HOÀI
Khói sông bờ cát trăng soi
Đậu thuyền bên bến Tần Hoài tửu gia
Trên sông hát khúc Đình Hoa
Ca nương nào biết nước nhà hưng vong.
(Võ Thị Xuân Đào phỏng dịch).
VẤN: Một độc giả San Jose qua nhà thơ Tú Lắc: Tôi thường nghe hai chữ “TANG BỒNG”, chỉ hiểu đại khái song muốn được thấu triệt hơn. Nước Việt Nam ta có cỏ BỒNG không?
ĐÁP:
TANG BỒNG do hai chữ Tang và Bồng ghép lại. Tang là cây dâu. Bồng là cỏ bồng có mùi thơm đuổi được bóng tà. Thơ Thinh Quang trong bài đáp họa lại bài thơ của cụ Nam Trung Tử, có câu: ”Xông khói Bồng lên đuổi bóng tà”.
Tang Bồng chỉ về chí khí giang hồ. “Tang Bồng hồ thỉ” là cây cung làm bằng gỗ dâu, mũi tên thì bằng cỏ bồng, ta thường nghe tả về chí khí nam nhi bàng câu thành ngữ: ”Phỉ chí tang bồng”. Tang bồng do chữ “Tang bồng hồ thỉ”mà ra. Có người cho rằng “Cỏ Bồng” tức “Cỏ Voi”, tên về nông: Pennisetum purpureum thuộc loài cỏ lưu niên họ Hòa thảo, tức Poacea. Loại cỏ này thân cây đứng trông như thân cây mía, cao từ 3 đến 4 mét, mọc thành bụi dày to tròn, ruột rỗng có nhiều đốt, trái màu nâu sậm. Có người cho Cỏ Bồng là loại Cỏ Xước (Achyranthes aspera, cây thảo họ Rền tức Amaranthacae aspera cao khoảng một thước, thân vuông, là hình trứng, trỗ bông ở ngọn. Chính là loại cỏ bồng. Đông y gọi là vị thuốc Ngưu Tất Nam, xông lên mùi thơm dịu. Loại cỏ này mọc cùng khắp các cánh đồng ruộng nước tại Việt Nam ta.
VẤN: Cụ Hoàng Ngọc Phu, Rosemead: Xin bà cụ giải nghĩa hộ cho các câu tục ngữ Trung Hoa như sau:
1. Cần canh bố chủng ban ban hữu
Lãn tác sinh nhai sự sự không
2. Cẩu triều thí tẩu, nhân triều thế tẩu
3. Cẩu cấp khiêu tường,nhân cấp huyền lương.
ĐÁP:
Câu 1: Cần canh bố chủng ban ban hữu
Lãn tác sinh nhai sự sự không
Nghĩa:
Siêng cầy trồng tỉa,luôn luôn có
Nhác việc làm ăn ắt rỗng không
(rỗng: không có đáy ý nói trắng tay)
Ta cũng có câu:
Tay làm hàm nhai, tay quay miệng trễ.
Câu 2: Cẩu triềi thí tẩu, nhân triều thế tẩu.
Nghĩa:
Chó rảo theo hơi rắm, người đua theo thế quyền.
Trạng Quỳnh cũng có câu tương tự:
Được thời, thân thích chen chân đến
Thất thế hương lư ngoảnh mặt đi.
Câu 3: Cẩu cấp khiêu tường, nhân cấp huyền lương.
Nghĩa:
Chó gấp nhảy rào, người cùng trộm đạo.
Ta có câu:
Chó cùng rứt giậu.
Và cũng có câu tục ngữ nói về bước đường cùng của kẻ sĩ:
“Quân tử cố cùng, quân tử cố”.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 90
VẤN: Bà Vũ Thị Như Hải, Charlotte Ave. Rosemead: Bà cụ có nhớ sự tích sợi Xích Thằng không? Nếu có xin mách hộ.Kính cẩn cám ơn bà cụ.
ĐÁP:
Xích Thằng chỉ việc hôn nhân. Trong Tình Sử có chép: Đời nhà Đường có ngưới Vi Cố đi kén vợ. Dọc đường gặp một ông cụ đang ngồi dựa túi xem sách. Vi Cố hỏi: ”Sách nói việc gì trong ấy?” Ông cụ đáp: ”Sách chép tên những người lấy nhau”. Vi Cố hỏi: ”Còn túi kia chứa những gì trong ấy?” Ông cụ đáp: ”Túi ấy chứa đựng những sợi xích thằng để buộc chặt hai người phải lấy nhau, không thể nào gở ra được nữa”. Vi Cố hỏi: ”Tôi đang đi kén vợ, vậy người vợ tương lai của tôi là ai?” Ông cụ liền tiện tay chỉ một đứa bé mới lên ba của một người đàn bà chột mang rau ra chợ bán bảo: ”Vợ của ông là con bé lên ba tuổi đó”. Vi Cố giận sai người lấy dao đâm đứa bé ấy, nhưng may mắn con bé chỉ bị thương thôi. Mười bốn năm sau quả nhiên khi đứa bé đó lên mười bảy tuổi đẹp đẽ vô song. Ban Cố được người làm mai mối cưới về làm vợ. Khi trở nên vợ chồng, Vi Cố thấy có dấu vết sẹo trong người hỏi: ”vì sao có vết sẹo nơi cánh tay”. Người vợ bèn thuật lại câu chuyện được mẹ kể cho nghe là mình mới lên ba bị một người lớn tuổi đi kén vợ sai kẻ tùy tùng đâm nhưng may mắn thoát chết, cách nay đúng mười bốn năm về trước. Vi Cố ngẩn người ra tỏ ra vô cùng hối hận. Thì ra duyên nợ không phải tự mình mà có, tất cả đều do nơi định mệnh an bài. Do tích đó mới có chữ Xích Thằng…ta thường gọi là sợi tơ hồng. Trong Kiều có câu:
“Duyên em dù nối chỉ hồng
May ra khi đã tay bồng tay mang”.
VẤN: Cụ Hà Nam Ninh, Fair Stone Dr. Fairfax VA. (Qua Bùi Tịnh Trinity St. Philadelphia. Bà cụ có nhớ tích Uyên Sồ không?
ĐÁP:
Huệ Tự làm tướng quốc của nước Lương, Trang Tử có ý sang chơi. Có người nói với Huệ Tử rằng là trường hợp Trang T qua đây không ngoài dụng ý cùng ông tranh ngôi tướng quốc. Huệ Tử tỏ ý sợ, liền cho người đi lùng xét luôn trong ba đêm ngày. Sau đó, Trang Tử gặp Huệ Tử bèn bảo: ”Nơi trời Nam có con chim tên gọi là Uyên Sồ, điều này ông có biết không? Con Uyên Sồ đó từ biển Nam bay qua biển Bắc, nguyện trong lòng rằng nếu không gặp hột luyện thì không ăn, nếu không có nước suối ngọt thì quyết chẳng uống.
Trên đường bay con chim uyên sồ thấy con chim cú đang rỉa xác chuột chù, còn chim cú thì nhìn thấy con Uyên Sồ đang bay ngang qua. Con cú sợ bị giành mất miếng ăn, bèn kêu to lên mục đích để dọa cho con Uyên Sồ kia đừng đáp xuống. Nay có lẽ vì sợ cái ngôi vị tướng quốc của ông tại đất Lương, nên ông mới kêu lên mấy tiếng quang quác để dọa Trang Tử này sao? Nguyên văn câu nói cuối này: ”Kim tử dục dĩ tử chi Lương quốc nhi bách ngã gia?”
VẤN: Cụ Lê Bá Bôi, Brookhurst, Orange County CA. Ba câu tục ngữ Trung Hoa bên dưới, tôi đọc được song không hiểu nghĩa, xin bà cụ giúp cho.
1. Nhãn tà tâm bất chính/ ty oai ý bất đoan.
2. Nhân vô hại hổ tâm/ hổ vô thương nhân ý.
3. Nhân vô thiên nhật hảo/ hoa vô bách nhật hồng.
ĐÁP: Câu thứ nhất có nghĩa:
1. Mắt tà tâm không chính
Mũi lệch ý chẳng ngay.
Câu thứ 2:
Người không lòng hại hổ,
Hổ chẳng dạ hại người.
Câu thứ 3:
Người không nghìn ngày khoái
Hoa không trăm buổi hồng.
Tục ngữ ta có câu:
Trời còn khi nắng khi mưa
Người còn khi sớm khi trưa nữa người.
VẤN: Cụ Nguyễn Thơ, Rue Dr. Schweitzer 93600 Aulway S. Bois France (Qua Inesto Ho):
1. Ngày xưa lúc còn trẻ tôi có tò mò nghiên cứu về Kinh Dịch, tôi còn chưa rõ nơi “Định Thế” của quẻ, cũng như quên mất nghĩa về quẻ Tùy cùng quẻ Cách.
2. Nghe nói Mạn Đa Ra, nhưng chưa biết nghĩa của danh từ này. Bà cụ giúp cho.
ĐÁP:
1. Quẻ Tùy tức Trạch Lôi Tùy, do quẻ Đoài tức bùn lầy và quẻ Chấn tức sấm sét nhập chung lại gọi tắt là quẻ Tùy. Tùy có nghĩa là tùng theo, qui thuận. Ví như: Ông vua theo chính đạo, vâng theo lời dạy của chính nhân, mà làm việc nghĩa, ấy là minh quân.
Quẻ Cách tức là Trạch Hỏa Cách. Do quẻ Đoài (đầm bùn) và quẻ Ly (lửa) nhập lại gọi là quẻ Cách, có nghĩa là cải cách, thay đổi, biến đổi, cách mạng…Đại để là nếu thấy những gì quá cũ kỹ, lỗi thời, mục nát, lạc hậu thì thay đổi, canh tân…cải đổi v.v…
2. Mạn Đa Ra do phiên âm viết bằng chữ quốc ngữ của ta, Tiếng Tây Tạng viết: Kyilkhor, còn Phạn ngữ là Mâdâra hay Mandâra ta đọc thành âm Manđárá. Từ này có nghĩa là Linh Phù, đàn giới, đạo tràng…Theo Tự Điển Phật Học thì Linh Phù có nghĩa là lá bùa linh thiêng, có lá rộng bằng bàn tay, cũng có lá nhỏ chỉ bằng ngón tay, được họa trên giấy màu vàng hay trên thể cây có hình tròn hoặc dài, hay vuông, cũng nhiều khi người sử dụng bùa chú thư giữa hư không, không cần phải có thể dạng bằng vật chất. (giấy hay gỗ…Người tu theo Man Da Ra giáo tức Mật giáo. Chơn Ngôn Tông, gom cả vào đó sức linh của Phật, Thánh, Tiên, Thần dùng để trừ tà ma quỉ quái và cùng nhằm bảo hộ sinh mạng hay nhà cửa, chùa đình…
VẤN: Ông Lê Đình, El Monte: Nghe nói Trung Hoa có trò chơi thể thao có từ thời cổ đại giống như môn trượt băng của Tây phương ngày nay. Nếu có vậy thì trò chơi này xuất hiện vào triều đại nào?
ĐÁP:
Thời xưa người ta cũng quen gọi là môn chơi trượt băng. Môn chơi này xuất hiện từ thởi cổ đại Trung Hoa, nhưng thật sự hình thành vào triều đại nhà Minh. Danh từ người Trung Hoa lúc bấy giờ gọi là “Băng Hí”, có nghĩa vui đùa trên băng. Người đời còn gọi là “Kiên Băng Chi Hí”, có nghĩa là vận động thể dục trên băng tuyết. Dưới triều đại nhà Minh xếp môn thể thao này vào hàng quan trọng.
Theo sách Tùy Thư cách đây 1.300 năm tại vùng rừng núi An Lĩnh có một bộ tộc gọi là Thất Vi thích trượt ngựa gỗ trên băng tuyết. Họ gọi môn chơi là “Kỵ Mộc Hành”. Kỵ Mộc Hàng là cưỡi ngựa gỗ. Người đời Nguyên dễn tả hình dáng con ngựa gỗ có hình cong như cánh cung, chiều dài 4 xích, chiều rộng 5 thốn, dùng đi trên tuyết trông tợ ngựa phi.
VẤN: Bà Trần Xuân Hương, Orange County: Bà cụ nhắc lại hộ bài thơ “Tứ Thời” của nữ sĩ Ngô Chi Lan. Cám ơn bà cụ.
ĐÁP:
Bài thơ nói về bốn thời vụ này như sau:
MÙA XUÂN
Khí trời ấm áp đượm hơi sương
Thấp thoáng lâu đài vẻ ác vàng.
Rèm liễu líu lo oanh hót gió
Giậu hoa phấp phới bướm châm hương.
MÙA HẠ
Gió đưa bông lựu đỏ tơi bời,
Tựa gốc cây đu đứng nhởn chơi.
Oanh nọ tiếc xuân còn vỗ cánh
En kia nhớ cảnh cũng gào hơi.
MÙA THU
Gió vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ,
Lẻ tẻ bên trời bóng nhạn thưa.
Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm
Rừng p0hong lá rụng tiếng như mưa.
ĐÔNG
Lò sưởi bên mình ngọn lửa hồng
Giải buồn chén rượu lúc sầu đông.
Tuyết đưa hơi lạnh xông rèm cửa
Gió phẩy mưa băng giải mặt sông.
Còn tiếp
THINH QUANG