Lời thưa trước:
Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu những đóng góp về mặt văn học và báo chí của một số cây bút Quảng Ngãi tại Hải ngoại. Phần lớn những tài liệu chúng tôi thu thập được là do chính các tác giả cung cấp. Tuy nhiên, có một số tác giả chúng tôi không có địa chỉ liên lạc hay đã liên lạc nhưng vẫn chưa nhận được hồi thư, chúng tôi sẽ dùng tài liệu từ nguồn báo chí và internet.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu các tác giả viết bằng tiếng Việt, nếu có giới thiệu một vài tác phẩm bằng tiếng Anh, cũng chỉ vì tác giả đó có tác phẩm bằng tiếng Việt và nhân tiện giới thiệu luôn tác phẩm bằng tiếng Anh.
*
Trước khi đi vào đề tài, chúng tôi giới thiệu các tác giả được phân định theo địa phương để chúng ta dễ theo dõi:
* Bình Sơn: Lão Lục (NV) – Đông Thủy Trần Đại Xá (MA) – Trần Quốc Bảo (Nam CA)
* Sơn Tịnh: Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích (Bắc CA) – Bright Quang (Bích Quang, tên thật Nguyễn Xuân Quang, Bắc CA) – Tâm Huệ Đỗ Hoài Nam (tên thật Đỗ Huân, Nam CA) – Tâm Từ Nguyễn Khoa Hoài Trung (Nam CA) – Thiên Hà Nguyễn Toản (Melbourne, Australia) – Võ Thạnh Văn (Bắc CA) – Kỳ Phát (tên thật Huỳnh Phát, Nam CA) – Trương Thị Kim Chi (Nam CA)
* Tư Nghĩa: Nguyễn Đức Lập (Nam CA) – Thinh Quang (tên thật Trần Dũ Khiêm, Nam CA)– Miêng (tên thật Võ thị Xuân Sương, Paris, Pháp) – Trạch Gầm (tên thật Nguyễn Đức Trạch, Nam CA) – Trúc Nam (tên thật Trần Thiên Bích, Nam CA) – Hồ Văn Đồng* – Tạ Quang Hoàng (Nam CA) – Hồ Phi (Nam CA) – Hoàng Ngọc Thành (Bắc CA) – Lâm Như Tạng (Sydney, Australia) – Minh Triết Trần Thiện Đạt (TX) – Tạ Cự Hải (VA) – Nguyễn Hữu Thời (Nam CA)
* Nghĩa Hành: Đặng Thế Vinh (NY)– Đồng Sa Băng (tên thật Nguyễn Mậu Vân, MD))– Nguyễn Hồng Dũng (Bắc CA) – Phương Đình Lương Thế Lịch (NH) và Liên Phương (tên thật Trần thị Việt Nghĩa (NH).
* Mộ Đức: Lê Phụng Thiên (còn ký bút hiệu Nguyễn Tường Tứ, Ottawa, Canada) – Đỗ Vĩnh Khanh (MA)– Yên Sơn (tên thật Trương Nguyên Thuận, TX) – Nguyễn Liệu (Bắc CA) – Nguyễn Cao Can (Bắc CA) – Thủy Lâm Synh (tên thật Võ Văn Nở, MI)
* Đức Phổ: Trần Anh Lan (Bắc CA)– Nguyễn Văn Quảng Ngãi (tên thật Nguyễn Văn Sang, TX) – Đoàn Xuân (Bắc CA) – Tạ Tự (tên thật Nguyễn Minh Hùng, Nam CA) – Phạm Việt Hùng (MA)
I. NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ MẶT VĂN HỌC:
A. VỀ THI CA:
* Võ Thạnh Văn là một thi tài đặc biệt. Ông có một sức sáng tác khá sung mãn và đã hoàn tất những thi phẩm đồ sộ: Kinh Vô Thường gồm 10,000 câu thơ lục bát chia làm 10 tập từ Cát Bụi 1 đến Cát Bụi 10 đã được nhà thơ Hà Thượng Nhân và nhà thơ Cao Mỵ Nhân đề tựa – Kinh Vô Tự gồm 10,000 câu thơ ngũ ngôn cũng chia thành 10 tập từ Hư Vô 1 đến Hư Vô 10.
Những biến cố lịch sử gần đây đã tạo cho ông một nguồn cảm hứng đặc biệt để ông hoàn thành các thi phẩm: Hồn Bản Giốc – Hận Nam Quan – Hịch Sông Núi – Trường Sa huyết hận và Những bài ca bình Bắc.
Mảnh đất quê hương núi Ấn sông Trà đã tạo cho ông một nguồn thi hứng dồi dào để ông hoàn thành những thi phẩm: Địa linh: Non nước Trà Giang – Nhân kiệt: Danh nhân xứ Quảng – Núm rốn chưa lìa – Gọi hồn cố quận.
Và một số thi phẩm ca ngợi tình yêu như: Ru cuộc tình xa – Dư hương – Ngỡ mắt môi xưa… Ngoại trừ Kinh Vô Thường và Kinh Vô Tự, một số lớn trong các thi phẩm liệt kê trên đây đã được tác giả cho thực hiện bằng các CD diễn ngâm nhưng vẫn chưa được phát hành.
Ngoài ra, Võ Thạnh Văn còn là một nhiếp ảnh gia, đang làm việc cho 2 tờ nhật báo Mỹ: Marin Independence Journal và Investor Business Daily.
* Minh Triết Trần Thiện Đạt cũng là một trường hợp đặc biệt trong làng thơ hải ngoại. Làm thơ thật nhiều và thật hay, được nhiều bạn thơ và người yêu thơ mến mộ, đã được 2 nhà thơ Diên Nghị và Song Nhị tuyển chọn thơ của ông để bình trong tác phẩm Lưu Dân Thi Thoại – bút luận 25 năm thơ hải ngoại do cơ sở thi văn Cội Nguồn xuất bản năm 2004, Minh Triết vẫn chưa có tác phẩm in thành sách, ngoại trừ 6 CD Thơ được lần lượt phát hành từ năm 2005 đến nay: Từ trái tim thơ – Màu trăng lữ thứ – Dòng sông bến cũ – Trăm dòng nước mắt – Nở đoá hoa lòng và Ngời Ánh Đạo Vàng.
* Trạch Gầm sinh tại Sài Gòn nhưng những năm thơ ấu ông lại sống tại Quảng Ngãi, quê hương của thân phụ ông – nhà báo Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy (1902-1985). Trạch Gầm đã tạo cho mình một bản sắc Thơ khá đặc biệt: với giọng thơ ngang tàng, ý thơ bi phẫn, Trạch Gầm đã tạo cho mình một cõi thơ riêng: cõi thơ Trạch Gầm.
Hiếm có nhà thơ được người yêu thơ mến chuộng như ông, 2 năm liền xuất bản 2 thi phẩm: Vụn Vặt (2008) và Ráng Chịu (2009)
* Lâm Như Tạng là một nhà khoa bảng về chính trị học nhưng lại rất thích làm thơ. Ông là tác giả của những tập thơ sau đây: Gởi về quê Mẹ (Tokyo, 1978) – Hạnh phúc từ đây (in chung với Ngọc Bích, Tokyo, 1982) – Những bước thời gian (Tokyo, 1984) – Trọn vẹn một tình yêu (Sydney, 1991) – Con đường cảm thông (truyện thơ, Sydney, 1986).
* Trúc Nam là nhà thơ Đường hiếm hoi tại hải ngoại. Ông đã có thơ đăng trên báo Tiếng Dân ở Huế từ mấy năm đầu của thập niên 1940, vậy mà phải đợi mãi đến khi định cư ở Hoa Kỳ ông mới lần lượt cho ra đời 2 thi phẩm: Trúc Nam 1 và Trúc Nam 2 gồm nhưng bài thơ luật Đường thật điêu luyện.
* Thiên Hà Nguyễn Toản làm thơ từ thời rất trẻ, chỉ để tặng bạn bè và đọc cho bạn bè nghe. Qua nhiều năm tù tội sau năm 1975, khi được định cư tại Úc Đại Lợi, ông đã lần lượt cho xuất bản 4 tác phẩm thơ: Hương Lòng – Trai Việt do Tổng hội Sinh viên Học sinh Việt Nam Liên bang Úc châu ấn hành và Việt Nam Quốc Dân Dảng Úc châu phát hành đặc biệt tặng cho các bạn trẻ tham dự Đại hội Thanh niên Sinh viên Thế giới tổ chức tại Melbourne tháng 1-1999 – Đời Trai (1999) – Xế Bóng (2006).
* Phương Đình Lương Thế Lịch đã có thơ đăng trên các tạp chí văn học tại Việt Nam trước năm 1975, vậy mà mãi đến gần cuối đời, ở tuổi bát tuần, sau khi định cư ở Mỹ hơn 14 năm mới cùng vợ là Liên Phương xuất bản chung thi tập Đậm Đà Tình Quê vào năm 2009.
* Bright Quang (Bích Quang) là tác giả của thi phẩm Tiếng Hát Tận Cùng (My Inner-Most Song). Ngoài thi phẩm bằng tiếng Việt nói trên, ông còn là tác giả của các tác phẩm bằng tiếng Anh sau sau đây: Poetry and Art (Thi ca và Nghệ thuật), My Torch (Ngọn đuốc của tôi), Road to the United States (Đường đến Hoa Kỳ) gồm 2 tập và Animosity and Love (Thù hận và Yêu thương).
Ngoài làm thơ, viết văn, ông còn là một họa sĩ, một điêu khắc gia từng tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế (trước năm 1975) và sau khi đến Mỹ, ông tiếp tục theo học ngành này tại CSU Hayward và tốt nghiệp B.A. năm 2003. Sau khi tốt nghiệp, tranh tượng của ông đã được triển lãm tại Canada College, Lake Wales Cultural Center (Florida), Santa Cruz Art League Gallery, Cardiff House-Santa Cruz, Arts Council Of Santa Mateo County, Coastal Arts Gallery, Corridor Gallery San Mateo…dưới sự bảo trợ của các hội nghệ thuật Hoa Kỳ.
* Tạ Tự là tác giả của một Thi phẩm khá đặc biệt: không có nhan đề mà chỉ là một biểu tượng: dấu chấm than (!) xuất bản lần thứ nhất năm 1999 và lần 2 năm 2006. Đặc biệt hơn nữa, chính tác giả đã dịch thơ mình sang tiếng Anh, và một tu sĩ Phật giáo cũng là một dịch giả – Tàn Mộng Tử, tức đại đức Thích Nguyên Tâm – đã dịch thơ Tạ Tự sang tiếng Nhật. Thi sĩ Du Tử Lê đã nhận xét về Tạ Tự như sau:
-“Tạ Tự là một người trẻ. Nhưng từ nếp sống đến tinh thần, thi ca của anh, lại lấp lánh phong cách và sinh khí của một đạo sĩ. Đạo sĩ phương Đông.”
* Đỗ Hoài Nam đã lần lượt cho ra đời 2 thi phẩm: Ngàn năm mây bay gồm những bài thơ đượm chất Thiền và Ngày đó chúng mình gồm những bài thơ tình và tác phẩm này đã được tái bản vào năm 2008.
* Trần Anh Lan là tác giả của thi phẩm Hoang vắng đôi bờ phát hành năm 2002 với những bức phụ bản màu là những hoạ phẩm sơn dầu rất có giá trị của hoạ sĩ Phạm Cung (người huyện Nghĩa Hành) và các bản nhạc được phổ từ thơ Trần Anh Lan của các nhạc sĩ tên tuổi Châu Kỳ, Thanh Sơn, Vũ Đức Sao Biển, Thanh Châu. Ngoài phần chính là thơ của Trần Anh Lan, còn có thơ của người em gái Trần Kim Tước, và người cháu gái – Nguyễn Kim Thoa. Cùng phát hành với thi phẩm này còn có 2 CD thơ: Hoang vắng đôi bờ và Bên kia bờ thương nhớ.
* Yên Sơn là tác giả của 2 tập thơ: Cho Quê hương – Tôi – Và Tình yêu, xuất bản năm 1998 tại California – Một đời tưởng tiếc, xuất bản năm 2002 tại Houston, Texas.
Ngoài ra, Yên Sơn còn phát hành chung với 4 thi hữu 2 CD Thơ: Những giọt sương rơi (2002, Texas) và Lối cũ vẫn trong tim (2009, Texas)
* Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích với tập thơ Từ đó em yêu xuất bản năm 2001 tại San Jose, Bắc Calfornia. Ngoài ra, ông còn là tác giả của 3 CD Thơ: Quảng Ngãi quê hương ơi (2003), Như trong tiền kiếp (2005) và Lời mẹ ru suốt cuộc đời (2007)
* Nguyễn Đức Lập với thi phẩm Những đêm không ngủ tác phẩm đầu tay của ông tại hải ngoại, xuất bản năm 1986 tại Nam California.
* Lê Phụng Thiên và P.T. Ca Hát với thi phẩm Gót chân huyền ảo xuất bản lần đầu tại Sài Gòn năm 1968, tái bản tại Canada năm 1996.
* Đỗ Vĩnh Khanh với thi phẩm Nỗi buồn dặm cát xuất bản lần đầu tại Massachusetts năm 2002.
* Vĩnh Phước với thi phẩm Khẽ nói riêng em.
* Đông Thủy Trần Đại Xá với thi phẩm Nỗi Niềm xuất bản năm 2002.
* Đặng Thế Vinh với tuyển tập thơ dịch Việt Anh - Anh Việt gồm thơ của “nhiều tác giả trong và ngoài nước, tiền chiến và hậu chiến” lấy tên Tiếng Quê Hương – Voice of the Homeland, xuất bản năm 2005 dưới sự bảo trợ của Onondaga County Cultural Resources.
Năm trước đó (2004) được sự bảo trợ của cơ quan Onondaga County Cultural Resources Council, Đặng Thế Vinh đã có cuộc triển lãm 20 bức tranh màu nước (aqualic), sơn dầu vẽ cọ, sơn dầu vẽ dao kéo dài 1 tháng tại SEAC (Trung tâm Văn hóa Á châu – South East Asian Center).
Sau cuộc triển lãm này, bức tranh VÁ CỜ (1.00 x 0.80), mô phỏng theo bức ảnh lừng danh cùng tên của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh đã dược chọn trưng bày vĩnh viễn tại Syracuse City Hall nhân ngày thành phố công nhận lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là biểu tượng của người Việt tỵ nạn.
B. VỀ VĂN XUÔI:
* Nguyễn Đức Lập: Là một cây bút làm việc rất cần mẫn và thận trọng, đến nay, ông đã hoàn thành 40 tác phẩm và mới cho lưu hành 14 tác phẩm, đó là: Cuộc chiến chưa tàn và tiếp theo sau đó là những tác phẩm: Kiếm đạo 1, Bảo kiếm tặng anh hùng (chuyện dài, 1987), Kiếm đạo 2, Thần thư trao hào kiệt (chuyện dài, 1987), Ngắn cổ khó kêu (chuyện dài, 1989), Nhứt biết nhì quen (chuyện dài, 1990), Phong vũ tiêu tiêu lôi vũ động (chuyện dài, 1991), Giàn đậu mưa rung (chuyện dài, 1992), Khung rào hẹp (chuyện ngắn, 1992), Cặp mắt quay lại (chuyện ngắn, 1992), Trần ai khoai củ (chuyện dài, 1994), Lớp trước lớp sau (chuyện ngắn, 1994), Mảnh vụn một đời (chuyện dài, 1999), Đi trước về sau? (chuyện dài, 2009).
Ngoài những tập chuyện dài, chuyện ngắn kể trên, ông còn là tác giả của tác phẩm Hương Giáo đề thơ, gồm những lá thư mang giá trị giáo dục thật sâu sắc và bổ ích đối với mọi giới độc giả.
“Truyện Nguyễn Đức Lập trung thực như gương soi. Không thêm. Không bớt. Chỉ thật, rất thật”. Bà con thị xã Quảng Ngãi khi đọc chuyện Ai thèm giết hắn làm chi trong tuyển tập chuyện ngắn Cặp mắt quay lại sẽ biết tác giả đã viết về nhân vật nào tại thị xã Quảng Ngãi sau năm 1975, một câu chuyện thực 100%.
Vào mùa Hè năm 1999, nhà văn Nguyễn Đức Lập đã cùng nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng (1937-2000), nha sĩ Võ Trọng Di, nhà báo Du Miên, nhà báo Trần Lam Giang thành lập và điều hành Thư viện và Bảo tàng viện Việt Nam, trụ sở đặt tại thành phố Westminster, Nam California. Cho đến ngày nay, thư viện đã có trên 55,000 quyển sách và Bảo tàng viện đã có trên 5,000 hiện vật rong đó có nhiều cổ vật quý giá.
Đây là một hoạt động văn hóa thật hữu ích, đáng được bà con đồng hương chúng ta tiếp tay ủng hộ.
* Thinh Quang cũng là tác giả đã có nhiều tiểu thuyết được xuất bản tại Hoa Kỳ. Đó là: Hoả thiêu thiên đàng (1992), Khiết Linh (1992), Nắng thôn đoài, Mưa bên này, nắng bên kia, Mối tình vương giả, Kiếp hồng nhan, Những loài hoa dại, Như hạt sương mai....Tiếng hú hoàng hôn (đăng trên Thằng Mõ Nam Cali),
* Nguyễn Tường Tứ (còn có bút hiệu Lê Phụng Thiên khi làm thơ) với tiểu thuyết Lan Ngựa (Canada, 1986). Trước khi xuất bản, tác phẩm này đã được đăng từng kỳ trên báo Văn Nghệ Tiền Phong của ông Nguyễn Thanh Hoàng tại Hoa Kỳ.
* Miêng, hiện cư ngụ tại Paris, Pháp quốc với Tuyển tập truyện ngắn (1998) và Tuyển tập truyện dịch (2001)
* Nguyễn Hồng Dũng tuy rất bận với công việc giảng dạy bậc Đại học, viết bài cho báo Cali Today, viết bình luận cho đài Truyền Hình Việt Nam (Bắc CA), ông cũng đã dành nhiều thì giờ cho sáng tác văn chương với các tác phẩm Nước mắt của biển (tập chuyện ngắn, 1992), Búp sen hừng sáng (tuyển tập chuyện ngắn, 2009), Pháp vũ (chuyện dài, 2006), Tường Vân (chuyện dài, 2008) và Quang Trung hồn Việt (chuyện dài, 2009)
* Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích với các tác phẩm Lưu dấu ngày xưa (tập truyện, 2004, 2005) và Hương bồ kết (tập truyện, 2007).
* Đồng Sa Băng với tác phẩm Dấu chân ngày xưa (truyện ngắn, 2005)
* Đặng Thế Vinh với tập truyện ngắn Giữ thơm quê mẹ.
* Trần Anh Lan với tác phẩm Giọt máu về tim (truyện ngắn và tùy bút, 2008).
* Lão Lục với tác phẩm Chuyện cũ kể lại (tập truyện, 2008)
* Nguyễn Liệu với tập hồi ký Đời tôi xuất bản năm 2008 và tập truyện ngắn Bên Kia Đèo xuất bản năm 2009.
Có 2 tác phẩm viết về trại tập trung cải tạo của cộng sản Việt Nam:
* Hồ Văn Đồng với Sương như búa bổ xuất bản năm 1991. Nhà thơ Hà Bỉnh Trung đã viết:
-“Tác phẩm Sương Như Búa Bổ là một tập truyện ký viết về cuộc đời của một người tù và tố cáo sự tàn ác và vô nhân của cộng sản, đang dần dần đưa dân tộc vào nghèo đói và dốt nát.”
* Tạ Quang Hoàng với Chuyện tù kể từ trại Nam Hà xuất bản năm 2008. Như nhan đề đã cho ta biết, đây là một tập truyện ký viết về trại tù Nam Hà ở miền Bắc. Và nhà báo Huy Phương đã giới thiệu, đây là một tác phẩm nhằm “...đưa ra một số dữ liệu về việc tổ chức và điều hành một trại tập trung kiểu mẫu của cộng sản Bắc Việt như thế nào, đồng thời, cùng với những điều mắt thấy tai nghe trong thời gian bị giam cầm ở trại này, Tạ Quang Hoàng muốn nêu lên những gương tranh đấu và hy sinh của những người bạn tù bất khuất hiên ngang đối mặt với kẻ thù, cuối cùng đã nhận cái chết của những người chiến sĩ can trường.”
C. BIÊN KHẢO
Về triết học:
- Con rắn lửa huyền diệu trong nền triết học Đông Phương của Thinh Quang do nhà Đại Nam xuất bản năm 1991.
- Bí mật của cái chết của Thinh Quang do tạp chí Thằng Mõ Nam California phát hành năm 2005.
Về tôn giáo:
- Đạo Phật và truyện Kiều của cư sĩ Tâm Huệ Đỗ Hoài Nam (2000)
- Vài vấn đề Thiền của cư sĩ Tâm Huệ Đỗ Hoài Nam và cư sĩ Tâm Từ Nguyễn Khoa Hoài Trung (2001)
- Tâm Thiền-Tâm Thiền Sinh của cư sĩ Tâm Huệ Đỗ Hoài Nam và cư sĩ Tâm Từ Nguyễn Khoa Hoài Trung (2003)
- Những bí mật của dãy Hy Mã Lạp Sơn của Thinh Quang đã được nhà Đại Nam xuất bản lần đầu năm 1992 và đến năm 2009 đã được nhà xuất bản Tân Văn tái bản. Đây là tập biên khảo được viết dưới dạng truyện ký, tìm hiểu và giải thích về những điều kỳ bí và ưu việt của Phật giáo Tây Tạng dưới nhãn quan khoa học.
- Hòa thượng Thích Quảng Độ: Cội tùng trước gió là “một tuyển tập gồm nhiều cây bút trong và ngoài nước, không phân biệt tôn giáo, chính kiến, với nhiều thể loại khác nhau nhưng chỉ có một hướng nhìn duy nhất là trân quý và tôn vinh một Đại tăng lỗi lạc đã hy sinh cả cuộc đời vì Tự do, Dân chủ và Nhân quyền cho Dân tộc…” do cư sĩ Nguyễn Cao Can và nhóm Liên kết thực hiện (2008, và 2009).
Về văn học:
- Việt Nam Văn Hoá Sử Cương của Thinh Quang.
- Xuôi Dòng Thời Gian của Nguyễn Văn Quảng Ngãi (2002). Đây là một tác phẩm giới thiệu các tác phẩm thuộc nhiều thể loại từ Thơ, Truyện, Hồi ký đến Biên khảo của nhiều tác giả hiện đang sinh hoạt tại Hoa Kỳ.
- Những phản ảnh xã hội và chính trị trong tiểu thuyết Miền Bắc (1950-1967) của Hoàng Ngọc Thành. Như nhan đề đã nói rõ, tác phẩm này đã được tác giả viết và xuất bản tại Việt Nam trước năm 1975 và đã được tái bản tại Hoa Kỳ vào năm 1991.
- Về nguồn – là tác phẩm thuộc loại ngôn ngữ học khảo-sát dấu ngang-nối trong Việt-ngữ của Đoàn Xuân.
Về lịch sử và chính trị:
* Giáo sư tiến sĩ sử học Hoàng Ngọc Thành là một tác giả đã có nhiều tác phẩm xuất bản tại Việt Nam trước năm 1975 như: Lịch sử chính trị và bang giao quốc tế thế giới hiện đại (2 quyển), Những quan hệ giữa Pháp và Trung Hoa về vấn đề Việt Nam v.v... Sau khi sang định cư tại Hoa Kỳ, ông vẫn tiếp tục con đường biên khảo sử học của mình và đã cho xuất bản hay tái bản một số tác phẩm có giá trị về lịch sử cận đại Việt Nam chung quang khoảng thời gian trị vì của Tổng thống Ngô Đình Diệm (1955-1963):
- Những ngày cuối cùng của Tổng thống Ngô Đình Diệm (1994)
- Những này cuối cùng của Tổng thống Ngô Đình Diệm: Cuộc điều tra lịch sử về vụ lật đổ và ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu (1996)
- President Ngo Dinh Diem and the US của Hoàng Ngọc Thành (viết chung với Thân Thị Nhân Đức) (1994, 2001)
* Tiến sĩ Lâm Như Tạng là tác giả của rất nhiều bài nghiên cứu về Phật học và được xem là nhà nghiên cứu Phật học hàng đầu tại Úc. Ngoài ra, ông còn là tác giả của các tác phẩm: So sánh 2 chế độ chính trị của Anh và Hoa Kỳ (Tokyo, 1977), Nghiên cứu về Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản (Tokyo, 1983) và Những đặc điểm trong phương pháp quản lý xí nghiệp tại Nhật Bản (Sydney, 1988)
* Nhà báo Hồ Văn Đồng (1922-2006) từng giữ những chức vụ quan trọng như Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội (1951), Tổng thư ký Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt (1960-1966), Phó Chủ tịch Liên đoàn Ký giả Quốc tế ở Á châu (1964-1966), Chủ tịch hội Chủ báo Việt Nam (1966-1970), sau khi vượt biên đến Hoa Kỳ, ông vẫn tiếp tục làm ký giả và đã cho xuất bản tác phẩm Hắc thư về chủ nghĩa Cộng sản (2 tập) vào năm 2003 được dịch từ tác phẩm Le Livre du Communism của Stephan Courtois và 10 học giả khác. Ngoài phần dịch thuật, dịch giả Hồ Văn Đồng cùng với ông Nguyễn Hương Nhân đã sưu khảo nhiều tài liệu xác thực để viết nên phần phụ lục về những tội ác của Cộng sản Việt Nam.
Về địa phương chí:
* Ông Trương Nguyên Thuận, tức nhà thơ Yên Sơn, được sự đồng ý của tác giả Phạm Trung Việt, đã lãnh “trách nhiệm xuất bản và phát hành” tác phẩm Non Nước Xứ Quảng, một quyển địa phương chí viết về quê hương núi Ấn sông Trà rất có giá trị đã được chính tác giả bổ sung nhiều hình ảnh và tài liệu mới từ năm 1996 và Non Nước Xứ Quảng đã được phát hành lần đầu tiên tại thành phố San Jose (Bắc CA) vào năm 1998.
* Cuối cùng về loại sách biên khảo, chúng ta cũng phải nhắc đến 2 tuyển tập Quảng Ngãi Mến Yêu 1 (2003) & Quảng Ngãi Mến Yêu 2 (2006) do hội Đồng hương và Thân hữu Quảng Ngãi miền Nam California ấn hành. Đây là 2 tuyển tập tuyển chọn một số bài tiêu biểu viết về quê hương núi Ấn sông Trà phần lớn dưới dạng biên khảo đã được đăng rải rác trong các Đặc san Xuân của các hội Đồng hương Quảng Ngãi ở Hoa Kỳ và Canada từ năm 1995 đến năm 2005.
II. NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ MẶT BÁO CHÍ:
A. SINH HOẠT BÁO CHÍ CỘNG ĐỒNG:
Có thể nói, phần lớn những tác giả có sách phát hành đều tham gia vào làng báo (báo giấy và báo mạng). Có những tác giả là nhà báo chuyên nghiệp ngay từ thời trước năm 1975 như nhà báo Thinh Quang tham gia làng báo Sài Gòn từ năm 1943, nhà báo Hồ Văn Đồng (1922-2006) tham gia làng báo Hà Nội từ năm 1947. Có nhiều tác giả, sau khi đặt chân lên vùng đất tạm dung mới bắt đầu làm báo và đã để lại nhiều thành quả đáng khích lệ trong làng báo như nhà thơ Minh Triết Trần Thiện Đạt, sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ đã cùng với luật sư Đinh Thạch Bích ra báo Việt Nam Hải Ngoại từ năm 1978, nhà thơ Võ Thạnh Văn đã cộng tác với tờ Liên Lạc từ năm 1979.
Nhà văn, nhà báo lão thành Thinh Quang được xem là một trong vài ba nhà báo tham gia làng báo từ thời tiền chiến còn hoạt động tại hải ngoại và đến nay, tuy đã ở tuổi ngoại bát tuần, tiên sinh vẫn còn tiếp tục cầm bút. Tiên sinh viết nhiều thể loại khác nhau từ Thơ, Truyện đến Biên Khảo. Tiên sinh là một trong một số rất ít nhà văn, nhà báo hiến dâng trọn đời cho nền văn hoá Việt Nam được Văn đàn Đồng Tâm làm lễ vinh danh qua tác phẩm Thinh Quang: Nhà văn hoá thầm lặng (xuất bản năm 2007) quy tụ bài viết của 66 tác giả.
Sau khi vượt biển đến Mỹ năm 1984, Nguyễn Đức Lập đã bỏ nghề cũ của mình là Luật sư (nguyên là Luật sư tòa Thượng thẩm Sài Gòn), ông bắt đầu xây dựng sự nghiệp văn chương bằng những truyện đăng trên tờ Tin Việt và sau đó ông đã cộng tác với nhiều tạp chí văn học ở Hoa Kỳ như Văn, Văn Học…và ở Canada như tờ Làng Văn…Ông thực sự sống bằng nghề cầm bút và là cây bút trụ cột của tờ Thời Báo của ký giả Du Miên (Nam Cali) trong nhiều năm.
* Thinh Quang, còn ký bút hiệu Mộng Tuyền nữ sĩ, Trần Liêm Khảo, Chiêm Hoa Trà Nữ được mời làm chủ bút cho tạp chí Hồn Việt (1984-1989), nhật báo Trắng Đen (1988), tạp chí New York Times (1989), tạp chí Tri Thức (1994), tạp chí Viễn Xứ (1995-2000). Ông là cộng tác viên thường xuyên của tuần báo Saigòn Nhỏ và bán nguyệt san Thằng Mõ.
* Hồ Văn Đồng được mời làm chủ bút cho tờ Sóng Thần ở Virginia do Phạm Bá Vinh làm Chủ nhiệm (2004)
* Trần Quốc Bảo định cư tại Hoa Kỳ (Nam CA) năm 1980 thì năm sau anh đã tham gia viết báo Tuổi Ngọc, rồi sau đó giữ chức Tổng thư ký tuần báo Nghệ Sĩ (1986), Chủ nhiệm báo Hồng (1987), Chủ nhiệm bán nguyệt san Thế Giới Nghệ Sĩ (1989-2001).
Trước khi gia nhập làng báo, Trần Quốc Bảo đã là một nhạc sĩ, đã cho xuất bản tập nhạc Tình Ca Trần Quốc Bảo (1981) “gồm những ca khúc tôn vinh Thượng Đế và hoài nhớ quê hương” và thành lập nhóm du ca Nguồn Sống (1981). Trần Quốc Bảo còn là MC tài danh, tham gia điều khiển nhiều chương trình ca nhạc lớn, tự đứng ra tổ chúc các show ca nhạc khó quên. Hiện nay Trần Quốc Bảo đang cộng tác hàng tuần với đài truyền hình VHN trong chương trình 1001 Khuôn Mặt Thương Yêu.
* Kỳ Phát, chủ nhiệm kiêm chủ bút bán nguyệt san văn học nghệ thuật Trẻ Magazine tại Little Saigon, Nam California từ năm 1996. Trẻ Magazine có một địa bàn hoạt động rộng lớn tại nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ nơi có nhiều người Việt định cư. Trẻ Magazine còn được phát hành tại Nhật Bản, Pháp, Đức, Hòa Lan và Úc Đại Lơi. Trẻ Magazine quy tụ nhiều cây bút chuyên nghiệp về sân khấu và điện ảnh như Trường Kỳ, Nguyễn Ngọc Chấn CNN, Nguyễn Ngọc Ngạn, Nam Lộc…và đã đáp ứng được nhu cầu của giới thưởng ngoạn ca nhạc, kịch nghệ và phim ảnh tại hải ngoại.
Kỳ Phát được xem là một trong 4 kiện tướng (Trường Kỳ, Tùng Giang, Nam Lộc và Kỳ Phát) của phong trào nhạc Trẻ tại Việt Nam trước năm 1975 cũng là người đã vực dậy phong trào nhạc trẻ tại Hoa Kỳ bằng những lần tổ chức “Hội ngộ Nhạc Trẻ Việt Nam thập niên 60-70” từ năm 1998 đến 2004 vào mỗi lần tổ chức chu niên tạp chí Trẻ Magazine.
Kỳ Phát còn là một nhạc sĩ sáng tác và cũng đã đặt lời Việt cho hàng trăm bản nhạc Pháp, Anh, Trung Hoa và Mỹ.
* Minh Triết Trần Thiện Đạt từng phụ trách trang thơ của tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong (1981-1982), Chủ bút tạp chí Người Việt Illinois (1982-1983), Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tạp chí Người Việt New York Magazine từ 1995 đến 2005. Đây là một tạp chí văn học có giá trị. Sau khi dời cư về Houston, Texas ông đã ngưng điều hành tờ Người Việt New York này. Trong tạp chí này, Minh Triết Trần Thiện Đạt đã viết những bài biên khảo về văn học Việt Nam rất có giá trị.
* Phạm Việt Hùng chủ trương tạp chí “văn hóa, thông tin, nghị luận” Dân Chủ Mới phát hành số đầu tiên vào năm 1990 đến tháng 7-1997 đổi tên thành tờ Phương Đông, tại tiểu bang Massachusettes, có sự cộng tác của các cây bút đồng hương Quảng Ngãi như Trương Quang (Trương Quang Cẩm Thành), Phương Đình Lương Thế Lịch.
* Thủy Lâm Synh, Chủ nhiệm bán nguyệt san Chicago Việt Báo, một “tạp chí thông tin, văn nghệ, quảng cáo thương mại”. Tờ báo ra đời vào năm 2001 và vẫn tiếp tục hoạt động, phát hành rộng rãi tại các tiểu bang Indiana, Wisconsin và Michigan.
Ngoài vai trò là người điều hành tờ Chicago Việt Báo, Thủy Lâm Synh còn dành nhiều thời giờ cho sáng tác. Anh vừa viết truyện, vừa làm thơ lại còn sáng tác nhạc. Các tác phẩm đã phát hành: Nỗi lòng người đi (CD Thơ, 2005) – Mẹ là tất cả (CD Thơ, 2006) – Thịt da này của Mẹ (CD Thơ) – Con thầm gọi Mẹ Việt Nam (CD Nhạc, 2007) – Tình quê trong ta (CD Nhạc, 2008).
Thủy Lâm Synh cộng tác với các tuyển tập văn học như Văn Học Thời Nay, Hương Thời Gian.
* Trần Anh Lan giữ vai trò Chủ nhiệm tạp chí Nguồn (2004-2005) ở San Jose. Đây là một “tạp chí sáng tác, nhận định phê bình văn học nghệ thuật” xuất bản định kỳ hàng tháng quy tụ nhiều cây bút có tên tuổi với nhiều bài vở giá trị.
* Tiến sĩ Tạ Cự Hải, bút hiệu Quang Nghĩa, từng giữ vai trò Chủ nhiệm tạp chí văn học nghệ thuật Văn Phong ở miền Đông Hoa Kỳ (1991-2001) và Chủ bút tạp chí Chiến Sĩ Quốc Gia (2000-2003), tiếng nói của Liên hội Cựu chiến sĩ VNCH vùng Hoa Thịnh Đốn.
Tiến sĩ Tạ Cự Hải viết tham khảo về kinh tế tài chánh và văn học trên một số tạp chí và diễn đàn, cũng như xuất hiện trên các hệ thống truyền hình và truyền thanh hải ngoại. Hiện nay, ông phụ trách chương trình Kinh tế Tài chánh hàng tuần trên đài Radio Hải Ngoại tại Hoa Thịnh Đốn.
Ông còn là tác giả của Thơ tình Quang Nghĩa (CD thơ, 2007) và Tình khúc thơ Quang Nghĩa do Hồ Bảng và Nguyễn Tuấn phổ nhạc (2007).
* Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dũng là bỉnh bút của nhật báo Cali Today (Bắc Cali) phụ trách mục Cộng đồng, Chính trị và Xã hội, phụ trách phần bình luận cho webcast Truyền Hình Việt Nam tại Bắc Cali từ năm 2005 đến nay.
* Nhà thơ Võ Thạnh Văn chủ bút Đức Tin & Tín Hữu (San Jose), chủ bút Song Nguyên (San Jose, 1980), trong nhóm Chủ biên tạp chí Nguồn của cơ sở thi văn Cội Nguồn (Bắc CA).
B. CÁC ĐẶC SAN CỦA CÁC HỘI ĐỒNG HƯƠNG:
Mùa Xuân năm Ất Hợi (1995), được sự giúp đỡ và chăm sóc tận tình của ông hội trưởng Đặng Văn Thông và ông hội phó Đỗ Phú Nhật Tảo, hội Đồng hương và Thân hữu Quảng Ngãi Nam California đã cho phát hành tờ Đặc san Xuân đầu tiên của Hội và đây cũng là tờ báo Xuân đầu tiên của con dân miền núi Ấn sông Trà tại hải ngoại.
Đến năm 1997 (Đinh Sửu), bà con Quảng Ngãi định cư tại các tiểu bang thuộc miền Đông Bắc Hoa Kỳ liên kết thành lập Liên hội Đồng hương Quảng Ngãi–New England và liên hội đã cho phát hành tờ Đặc San Xuân đầu tiên vào mùa Xuân năm Đinh Hợi (1997).
Cũng trong thời gian này, bà con Quảng Ngãi Bắc California cũng thành lập Hội Ái hữu Quảng Ngãi Bắc California và cho ra mắt số Đặc san Xuân Đinh Hợi (1997). Từ đó đến nay, các hội kể trên vẫn phát hành đều đặn Đặc San Xuân của hội mỗi dịp Xuân về.
Vào mùa Xuân năm Tân Tỵ (2001), Hội Ái hữu Đồng hương Quảng Ngãi Georgia cho ấn hành tờ Đặc San Xuân đầu tiên. Cũng trong năm này (Tân Tỵ, 2001), Hội Thân hữu Quảng Ngãi Toronta - Canada cho phát hành tờ Đặc san Xuân đầu tiên.
Và đến mùa Xuân năm Giáp thân (2004), Hội Ái hữu Quảng Ngãi Houston và vùng phụ cận cho ấn hành tờ Đặc San Xuân đầu tiên.
Với khoảng 50 tập Đặc san Xuân, trong đó có hàng trăm bài thuộc dạng biên khảo hoặc bút ký viết về thắng cảnh, lịch sử và con người Quảng Ngãi, quả là một kho tài liệu vô giá nhằm bảo lưu và phát huy nét đẹp của quê hương núi Ấn sông Trà nơi quê hương thứ hai này.
III. THAM GIA CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT:
* Nhà văn Nguyễn Hồng Dũng giữ vai trò Chairman của Vietnamese American Culture Foundation (VACF) từ năm 2003 đến nay. Ông cũng là Vice Chairman của Federation Vietnamese American in Northern California 2 nhiệm kỳ (2002-2005 và 2005-2008)
* Nhà văn Nguyễn Văn Quảng Ngãi đã cùng nhà văn Đào văn Bình, nhà văn Chu Tấn, nhà thơ Ngô Văn Thọ thành lập Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Tự Do vào tháng 6-1089 tại Little Saigon, miền Nam California.
* Nhà thơ Lê Phụng Thiên: Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại – Hội Tác Giả Việt Nam Hải Ngoại do nhà thơ Viên Linh làm Tổng Thư Ký sáng lập năm 2009.
* Nhà thơ Yên Sơn: Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, từng giữ chức Tổng thư ký Trung Tâm Văn Bút Việt Nam/ Nam Hoa Kỳ (2000-2002 và 2002-2004) và đương kim Tổng thư ký Trung tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại nhiệm kỳ 2008-2011.
* Nhà văn Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích: Ủy viên Báo chí Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại/ Trung tâm Tây Bắc Hoa Kỳ, ông cũng hoạt động trong Văn đàn Đồng Tâm.
* Nhà thơ Võ Thạnh Văn: Hoạt động trong Thi văn đàn Lạc Việt với chức vụ Phụ tá Nội vụ, Văn đàn Đồng Tâm, Thi văn Viễn Xứ, Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại/ Trung tâm Tây Bắc Hoa Kỳ và đã giữ vai trò Tổng thư ký của Trung tâm này nhiệm kỳ 2006-2008. Về nhiếp ảnh, ông là hội viên Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam (từ 1980) và Hội Nhiếp Ảnh Gia Nghệ Thuật Hoa Kỳ (từ 1982)
* Tiến sĩ Tạ Cự Hải: Hội Văn Bút Việt Nam Hải ngoại và Hội Văn Bút Quốc Tế
IV. KẾT LUẬN:
Ở trên, chúng tôi vừa mới lược qua một số đóng góp của một số cây bút hoặc chuyên nghiệp, hoặc bán chuyên nghiệp hoặc chỉ là những cây bút tài tử trên văn đàn hải ngoại, dĩ nhiên là nhiều thiếu sót không thể nào tránh khỏi vì, quả thực, người viết đã không thể nào biết hết và liên lạc được hết với các cây bút đồng hương núi Ấn sông Trà hiện sống rải rác ở khắp mọi miền trên quả địa cầu này.
Để kết thúc bài viết, chúng tôi mạn phép được nêu lên một vài ý kiến:
- Những tác giả có tên được nhắc đến trong bài viết trên đây phần lớn đều ở lứa tuổi trên 50, nhiều nhất là trên 60. Sự thiếu vắng của những cây bút trẻ đáng là điều để chúng ta suy ngẫm. Thực ra, không phải trong đồng hương của chúng ta không có những người trẻ có khả năng về viết lách. Trong thời gian lo cho Đặc san Xuân của Hội (từ năm 1995 đến nay), chúng tôi đã nhận biết được những cây bút trẻ đầy khả năng. Đó là Hồng Ân (Lê thị Thu Hiền). Đó là Thái Thị Ý Nhi. Đó là Nguyễn Văn Dư. Đó là Trần Trọng Quý…Rất tiếc, những cây bút này chỉ mới đóng góp được một ít tác phẩm của mình cho Đặc San Xuân của hội, rồi thì, vì việc học hành và sau đó là việc làm chiếm hết thời giờ nên họ đã không thể tiếp tục sáng tác. Chúng tôi nghĩ, các bạn trẻ nêu trên là những cây bút có khả năng thực sự, nếu họ chịu khó và biết khai thác khả năng của mình, chúng tôi tin họ sẽ gặt hái được những thành quả tốt đẹp trong dòng văn chương Việt Nam ở hải ngoại.
- Có những tác giả, tuy chưa có tác phẩm xuất bản, nhưng những tác phẩm của họ lại được đăng nhiều trên báo như tác giả Nguyễn Hữu Thời với hơn 30 truyện ngắn đăng trong mục Viết Về Nước Mỹ của tờ Việt Báo kể từ ngày mục này ra đời vào năm 2000, hay tác giả Hồ Phi cũng đã có hơn 20 bài viết cũng đăng trong mục này của tờ Việt Báo. Có những tác giả tuy viết rất ít, nhưng đọc qua bài viết của họ, chúng ta cũng có thể thấy được khả năng của họ trong lãnh vực văn chương chữ nghĩa như các tác giả Lê Quang Chưởng, Lê Quang Vấn, Trương Quang (Trương Quang Cẩm Thành), Lê Chánh Thiêm, Phạm Đông Văn (Đạm Phong, Trần Quảng Á)…Đặc biệt là Trương Thị Kim Chi, một tác giả thành danh tại Việt Nam với 3 tác phẩm đã được xuất bản trước khi định cư tại Hoa Kỳ (Nam CA) theo diện đoàn tụ. Chúng tôi hy vọng trong tương lai, bà sẽ có những đóng góp đáng kể cho văn chương Việt Nam tại hải ngoại.
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
(Trong Đặc San QUẢNG NGÃI Xuân Canh Dần 2010 của Hội Đồng Hương & Thân Hữu Quảng Ngãi Nam California)