MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 19)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 91
VẤN: Bà Nguyễn Cao Sơn, Virginia: Vì sao lại gọi là Đường Tam Tạng? Xin bà cụ giải thích hộ cho.
ĐÁP:
Tam Tạng hay Đường Tam Tạng là vị cao tăng đời Đường, từng du học suốt 14 năm tại Ấn Độ. Khi về nước mang theo 659 bộ kinh Đại Thừa và Tiểu Thừa viết bằng chữ Sanskrit. Ông đã miệt mài suốt 20 năm dịch 76 bộ Kinh Luận, gồm 1349 cuốn. Nhờ thông suốt cả ba tạng: Kinh-Luật-Luận tức là Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng Phật giáo, nên được gọi là Đường Tam Tạng. Đường Tam Tạng còn viết cuốn “Đại Đường Tây Vực ký” thuật lại từng chi tiết về cuộc hành trình dài dằng dặc qua 110 nơi của 28 thành bang và quốc gia để sang đến Tây Vực và đất nước Ấn Độ. Cuốn Đại Đường Tây Vực ký được xem là tập sách giá trị.
VẤN: Bà Lê Thị Hồng Đào Reseda (CA.) Tôi muốn đ0ược biết bài thơ về truyện “Trê Cóc” và lịch sử của bài thơ này. Bà cụ có nhớ không?
ĐÁP:
Truyện Trê Cóc là một truyện ngụ ngôn bình dân được nhiều người biết hoặc tìm hiểu. Câu chuyện Trê Cóc là tấm gương phản ảnh xã hội đương thời. Cốt truyện có một nội dung đã làm cho nhà đương quyền lúc bấy giờ loai hoai khó xử, không biết phân xử sao cho hợp lý hợp tình giữa nhà con Trê và vợ chồng nhà Cóc. Nguyên ủy chỉ là vì chuyện con Cóc đẻ trứng xuống ao, nở ra đàn con Nòng Nọc có đuôi trông chẳng khác nào đàn cá Trê con. Trê nhìn thấy hình dạng giống mình bèn nhận là con mang cả về cho vui cửa vui nhà.
Cóc đẻ xong an dưỡng trong thời gian ngắn, đoạn quay trở về ao tìm kiếm song chẳng còn tìm ra chúng ở nơi nào. Cóc bèn tức tốc nhảy đi dò la. Sau một thời gian biết được hiện đàn con yêu quý của mình bị Trê lùa về nhận vơ là con cái của nhà trê có hàng râu ngạnh hiên ngang bề thế. Cóc lên tiếng đòi lại, liền bị Trê đánh đuổi. Cóc bèn làm đơn đi kiện Trê lên cửa quan về tội “đoạt nhân thủ tử”. Viên quan huyện nhìn lũ nòng nọc giống hệt Trê chẳng có chút nào ra vẻ con cái nhà cóc! Quan trên nhận xét xong tuyên bố Trê thắng kiện và truyền bảo nha môn mang Cóc giam vào ngục thất về tội cáo gian đợi ngày xét xử.
Vợ Cóc tìm cách khiếu oan cho chồng, bèn đến ao nhà Nhái bén. Nghe tường thuật đầu đuôi Nhái bén bèn bảo:
-“Theo lẽ tự nhiên của tạo hóa, con giống nào lại hoàn giống nấy nhưng hiện tại đàn con của hai vợ chồng anh chị còn mang hình hài “Nòng Nọc” thì kiện sớm chỉ có phần thua là chuyện dĩ nhiên. Kiện sớm như vậy chẳng ích lợi gì. Hãy đợi bao giờ đàn con Nòng Nọc kia đứt đuôi nhảy lên cạn rồi sẽ đến cửa quan khiếu nại. Chừng ấy phần thắng ắt về tay anh chị. Nói xong Nhái bén nhảy đi.”
Từ đó mới có bài thơ:
“Trê Cóc” như bên dưới:
Bén rằng ngan chuyện đàn bà,
Làm gì việc ấy, khéo mà nói quanh.
Tuy rằng một kiếp phù sinh
Giống nào giống ấy tranh dành làm chi?
Trê kia là đứa ngu si,
Chẳng qua tham dại quản gì nông sâu.
Thôi đừng kiện cáo chi nhau,
Còn đương dưới nước dễ hầu làm chi.
Để cho Trê nó bù chì,
Đứt đuôi nó lại tìm về là hơn.
Muốn cho êm ái đôi bên,
Thời đem trình phủ mà đem cóc về.
Nhược bèn có dạ tranh thi
Lại làm đơn cáo cho Trê khó già..
Bài thơ này là tấm gương phản chiếu xã hội đương thời.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 92
VẤN: Bà Hồng thị Hoàng, Washington DC: Trong Kiều có câu:
Sớm khuya lá bối phướn mây
Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương.
Lá bối là gì? Và sao gọi là chày nện sương?
ĐÁP:
Ngày xưa kinh nhà Phật thường viết vào lá bối. Tiếng chày nện sương là đánh vào lúc tan sương.
VẤN: Ông Thọ Phan, Maryland: Bà cụ có nhớ hai bài “Tự Tình” của bà Hồ Xuân Hương không?
ĐÁP:
Tự Tình 1
Canh khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Xuyên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mấy đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con.
TỰ TÌNH 2
Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom,
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.
Mõ thảm không khua mà cũng cốc,
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om?
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,
Sau giận vì duyên để mõm mòm.
Tài tử văn nhân ai đó tá?
Thân này đâu đã chịu già tom!
VẤN: Cư sĩ Tịnh Sơn, Orange County: Thế nào gọi là Kinh Thủ Lăng Nghiêm? Xin bà giải thích hộ.
ĐÁP:
Kinh Thủ Lăng Nghiêm là bộ kinh Đại Thừa. Nội dung của kinh hàm dưỡng tư tưởng Thiền quán và Mật giáo. Thiền quán là truy về cội nguồn tự tánh chân tâm. Mật giáo là Thần chú với sức vạn năng tiêu trừ nghiệp chướng. Kinh Thủ Lăng Nghiêm rộng sâu thông thống cả hệ thống tư tưởng quán không của Bát Nhã và Chứng Đắc Thừa Diệu Pháp của kinh Pháp Hoa. Văn kinh còn thuyết minh công đức trì giới và cõi Phật trang nghiêm, công hạnh và năng lực nhiệm mầu của chư Phật Bồ Tát. Tóm lại, kinh Thủ Lăng Nghiêm dung hợp cả hệ thống tư tưởng Thiền, Mật, Luận,Tịnh. Có nghĩa là thu tóm tất cả tư tưởng trọng yếu Đại Thừa Phật giáo, là phương pháp hữu hiệu dành cho những ai muốn đạt trực chỉ bản tâm, hầu thấy được tánh Phật.
VẤN: Ông Cao Hoàng Duy Thái, Monterey Park, (LA): Tôi muốn cách xưng tụng trong gia đình đúng theo lề luật luân lý. Bà cụ biết chỉ bảo giúp cho.
ĐÁP:
Trong Tam Tự Kinh có ghi rõ về vấn đề này:
Cao Tằng Tổ – Phụ Nhi Thân – Thân Như Tử – Tử Như Tôn –Tự Tử Tôn – Chí Tằng Huyền – Nãi Cửu Tộc – Nhân Chi Luân.
Có nghĩa theo từng chữ:
CAO là Cao Tổ tức Ông của Ông Nội.
TỔ: là Ông Nội.
TẰNG là Tằng Tổ là Cha của Ông Nội.
PHỤ là Cha.
THÂN là Bản Thân.
TỬ là Con.
TÔN là Cháu.
TẰNG TÔN là Con Của Cháu.
HUYÊN là Huyền Tôn là Cháu của Cháu.
Nói về CỬU TỘC, chỉ từ Cao Tổ đến Huyền Tôn.
Tóm lại: Từ Cao Tổ sinh Tằng Tổ. Từ Tằng Tổ sinh ra Ông Nội. Từ Ông Nội sinh ra Cha. Từ Cha sinh ra Ta. Từ Ta đến Con, đến Cháu, đến Tằng Tôn, đến Huyền tôn. Tổng cộng là chín đời. Cái tôn ti trật tự đó là luân lý của con người, tuyệt đối không thể xáo trộn. Nếu để bị xáo trộn là phạm tội loạn luân.
Có chuyện kể rằng:
Đời nhà Chu, có ông Chu Công, chuyên làm ra các luật lệ về lễ nhạc. Một hôm con của Chu Công là Bá Cầm có việc cần gặp, nhưng ba lần vào xin gặp đều không được chấp thuận. Bá Cầm không hiểu ra sao bèn tìm đến nhà hiền triết là Thương Tử để vấn ý. Sau khi Thương Tử nghe xong câu chuyện, dẫn Bá Cầm lên trên núi Nam Sơn và chỉ vào hai cây mà nói rằng: ”Phía Nam của Nam Sơn có cây Kiều, thân cây to cao cành lá xum xuê và phía Bắc của Nam Sơn có cây Tử, nhỏ thấp, cành lá lưa thưa.”
Bá Cầm xem hai cây này và suy nghĩ kỹ một lát chợt hiểu ra cây Kiều to lớn uy nghiêm kia, tượng trưng cho hình ảnh của người cha. Cây Tử nhỏ bé tượng trưng cho người con. Vậy người con đối với cha cần phải tôn kính lễ phép mới phải. Bá Cầm nóng nảy, không biết lễ phép nên bị ngăn cản không cho vào gặp.
Lại một câu chuyện khác:
Đời nhà Hán có người học trò là Vĩ Bá Dư, rất có lòng hiếu thảo. Mỗi lần làm điều gì sai trái, mẹ đều lấy roi đánh và dạy bảo. Lâu lắm, có một hôm hắn lại phạm điều sai trái, bà mẹ lấy roi nhằm vào mông con mà quất vào. Không như mấy năm trước, lần này Vĩ Bá Dư bỗng ôm mặt òa lên khóc. Bà mẹ lấy làm lạ bèn lên tiếng hỏi:
-”Có phải là vì mẹ đánh đau quá không?”
Vĩ Bá Dư trả lời:
-”Thưa mẹ không. Trước kia mẹ đánh con rất đau, chứng tỏ là mẹ còn khỏe. Nay mẹ cũng dùng roi này đánh con, con thấy chẳng chút nào đau đớn về thể xác. Con khóc vì nhậnthấy sức khỏe mẹ ngày nay không còn như xưa nữa mà đã sa sút đi rất nhiều”.
Lời nói chân thành và lòng hiếu thảo của Vĩ Bá Dư đáng cho ta học hỏi.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 93
VẤN: Cụ Vương Đình Ai (Sunny Valley) xin bà cụ giải hộ cho mấy câu tục ngữ bên dưới:
1. Phật tại tâm đầu tọa.
2. Phạ hoa thập tự liệt, lăng giác lưỡng đầu tiêm.
3. Phong tranh phóng đắc cao, điệt hạ lai nhất đoàn tao.
4. Xảo ngôn loạn đức.
5. Nhất bộ đăng cao tựu bất nhận lão hương thân.
ĐÁP:
1. Câu thứ nhất này bị thiếu một câu. Xin ghi lại cho đúng:
Phật tại tâm đầu tọa,
Tửu nhập xuyên trường quá.
Có nghĩa:
Phật ở trong lòng ta,
Còn rượu thịt thì tuôn qua ruột.
Câu thứ 2:
Phạ hoa thập tự liệt,
Lăng giác lưỡng đầu tiêm.
Có nghĩa:
Sợ hoa xé chữ thập,
Củ ấu nhọn hai đầu.
Ta cũng có câu:
“Sợ gái thập thành, sợ người đòn xóc hai đầu.
Câu thứ 3:
Phong tranh phóng đắc cao,
Điệt hạ lai nhất đoàn tao.
Có nghĩa:
Diều giấy bay càng cao,
Rơi xuống thành đống vụn.
Tục ngữ ta cũng có câu tương tự:
Càng trèo cao, càng té nặng.
Nguyễn Hữu Chỉnh ngày xưa cũng có câu cùng nghĩa:
Kêu lắm lại càng tan xác lắm,
rồi ra chỉ một tiếng mà thôi.
Câu thứ 4:
Xảo ngôn loạn đức. Có nghĩa lời xảo làm loạn đức.
Tục ngữ ta cũng có câu tương tự:
Miệng thơn thớt,da ớt ngăm.
Câu thứ 5:
Nhất bộ đăng cao bất nhận lão hương thân.
Có nghĩa:
Một bước lên cao, quên tình quê cũ.
Tục ngữ ta cũng có câu tương tự:
Giầu đổi bạn, sang đổi vợ.
VẤN: Cụ Lữ Thắng tự Hoa Viên (qua Thọ Phan) Maryland: Tôi có nghe câu thành ngữ “Cảm đái nhị thiên”. Có nghĩa cảm thấy có hai ông Trời. Vậy câu này tất có điển cố. Xin bà cụ chỉ giáo.
ĐÁP:
Câu này có điển tích như sau:
Đời nhà Hán có người tên Tô Chương làm đến chức Thích Sử có nhiệm vụ giám sát các quan Châu. Ông có người bạn cũ, làm chức Thái Thú ở quận Thanh Hà. Có lần ra ngoài điều tra, Tô Chương biết được bạn cũ của mình là Thái Thú Thanh Hà thuộc hàng tham nhũng. Khi Thái Thú Thanh Hà tổ chức đại tiệc mời đãi, Tô Chương biết là người bạn thời xưa cốt để mua chuộc mình, Tô Chương giả vờ làm như chẳng biết, vẫn đến dự. Giữa tiệc Thái Thú Thanh Hà nói lên một câu:
-“Thiên hạ chỉ có một ông Trời, mà riêng tôi có đến những hai.”
Tô Chương cười lớn đáp:
-”Ngày hôm nay uống rượu là chuyện riêng tư, còn mai kia xử án thì phải chiếu theo pháp luật.”
Và đúng như lời Tô Chương nói, ông vẫn thi hành đúng theo luật pháp trị tội viên quan tham nhũng này.
VẤN: Ông Khang Vũ, West Covina: Tôi muốn biết về chuyện Lưu Thần – Nguyễn Triệu du Thiên Thai. Bà cụ thuật lại cho.
ĐÁP:
Sự tích ấy như sau:
Năm Vĩnh Bình đời vua Hán Minh Đế, nhằm ngày Tết Đoan Ngọ, Lưu Thần, Nguyễn Triệu rủ nhau vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc trong rừng gần nửa tháng, lương thực không còn để ăn chỉ hái những quả đào chín mọc bên sườn núi hầu cho đỡ đói. Lúc xuống khe uống nước thấy có những hạt cơm vừng và lá rau trôi, mới bảo nhau chắc gần nơi này có người ở.
Hai chàng cố vượt qua mấy dãy núi nữa, đến được một cái khe trông thấy hoa lá cây cỏ đẹp vô cùng. Trong lúc ngắm những cánh hoa xinh đẹp mà từ xưa nay hai chàng chưa từng trông thấy, bất thần có hai mỹ nhân xuất hiện đưa mắt nhìn gọi:
”Lưu, Nguyễn sao mà đến chậm thế?”
Cả hai đều giật mình lấy làm lạ, không biết làm sao hai cô gái kia biết được tên mình. Nhìn thấy Lưu Nguyễn có vẻ bỡ ngỡ, hai nàng khúc khích cười, rồi cất tiếng mời hai chàng đi theo mình. Tới động hai chàng càng sửng sốt trước cảnh trang hoàng lộng lẫy còn hơn cả các dinh thự, mùi hương tỏa ra sực nức. Hai nàng bèn vui vẻ mời Lưu Nguyễn cùng uống rượu.
Tối lại, thêm nhiều mỹ nhân khác xuất hiện, bưng một mâm đào đến, tặng mỗi người một quả rồi nói:
-”Chúng em mừng tân lang và tân giai nhân chẳng những chỉ có quả đào tiên mà còn xin được phép vũ lộng để mừng ngày hội ngộ.”
Khi tiệc tàn, khách khứa ra về, Lưu Nguyễn vào động phòng với hai nàng tiên nữ. Và từ đấy hai chàng luôn luôn sống cạnh bên vợ, quên hẳn quê hương. Cảnh trong động ngày thì luôn luôn ấm áp, khí hậu quanh năm như mùa xuân, lại thêm đầy dẫy cả kỳ hoa dị thảo…chim ca vượn hót. Đêm thì trăng sáng sao thưa, trăng thanh gió mát, lúc nào cũng nghe thoảng có mùi hương phảng phất quanh mình.
Gần được hai năm, hai chàng bỗng cảm thấy động lòng nhớ nhà, bèn ngỏ ý với hai nàng tiên nữ đã thành duyên chồng vợ với mình được về quê thăm lại quê hương xứ sở. Và nguyện là chỉ thời gian ngắn sẽ trở lại cùng nhau chung sống cho trọn nghĩa vợ chồng.
Biết lưu giữ không được, hai nàng ngậm ngùi nói:
-”Cũng vì hồng phúc tiền thân nên hai chàng được dun dủi đến đây để nên duyên nên nợ. Nhưng vì căn trần của hai chàng chưa dứt hết nên mới xui ra chuyện muốn quay về trần tục thăm lại chốn cũ”.
Thế rồi, hai nàng cùng đàn tiên nữ thiết yến tiệc tiễn đưa hai chàng ra khỏi động.
Khi ly biệt, hai nàng cầm tay chồng ân cần căn dặn:
-“Cõi trần nhỏ bé, kiếp sống dưới trần gian ngắn ngủi thời gian qua như chớp mắt, hai chàng sẽ chỉ nhìn thấy toàn cảnh cũ nay chỉ còn như liễu rũ hoa tàn, làm sao còn như những ngày chưa rời nhân thế!!!”.
Lưu Nguyễn ra khỏi núi, đi không bao lâu đã đến quê nhà, trông phong cảnh tiêu điều, khác hẳn ngày xưa. Làng xóm chẳng nhận ra mình là ai nữa. Hỏi thăm mãi mới gặp một ông cụ già kể cho biết:
-”Ngày xa xưa có hai ông cụ bảy đời tên là Lưu Thần – Nguyễn Triệu đi vào núi hái thuốc rồi mất tích hẳn. Nay đã trở thành chuyện xưa tích cũ”.
Lúc bấy giờ hai chàng Lưu - Nguyễn mới biết mình đã lên cõi tiên tính đến nay đã bảy đời, nên chẳng còn ai quen biết, bèn bàn nhau trở lại tìm đường trở về cửa động, nhưng…ôi thôi, núi non còn đó nhưng đường lên tiên ngày nào thì nay đã đã quên mất lối rồi”.
MỘNG TUYÊN VẤN ĐÁP SAO LỤC 94
VẤN: Cụ Hà Thành Văn, Canoga Park: Xin bà cụ cho biết về các thần giữ cửa và xuất hiện từ thời đại nào?
ĐÁP:
Tập tục thờ Thần Giữ Cửa tức Môn Thần có từ thời Hán. Lúc bấy giờ người đương thời có thói quen vẽ các Thần Đồ, Úc Lũy và luôn cả Thần Hổ trên hai cánh cửa lớn ra vào ngay giữa mặt nhà. Người xưa có quan niệm hai vị Thần Đồ, Úc Lũy có biệt tài bắt ma vương, quỷ sứ. Cứ mỗi lần bắt được các loại ma quỷ này thì dùng loại dây lau trói ké lại mang cho hổ ăn thịt. Người thời xưa tin các vị Thần Đồ, Úc Lũy cũng như Thần Hổ là khắc tinh của quỷ vương, vì vậy muốn không bị ma quỷ đột nhập vào nhà quấy phá, tổ tiên ta lúc bấy giờ cho vẽ các hình tượng các vị thần môn dán lên cửa trước nhà, ma quỷ trông thấy không dám bén mảng đến.
Tưởng cũng nên biết người xưa cho rằng “tranh vẽ“ với “tượng thật” có sự tương thông nhau, do đó có tác dụng tăng thêm phần linh ứng hơn. Theo Vương Sung ”Vẽ hình ảnh người trên gỗ đào không phải là Thần Đồ, Úc Lũy hay vẽ “Thần Hổ” là con hổ ấy ăn thịt ma vương quỷ sứ, thật ra vẽ các hình tương này với dụng ý để ngăn ngừa cái hung xảy đến mà thôi.
VẤN: Cụ Lê Nhân Quang (Orange County): Ai tìm ra khoa bói toán gọi là Tử Bình?
ĐÁP:
Người tìm ra lối bói giải thuộc khoa Tử Bình là Từ Cử Dịch tức là Tử Bình. Ông có bút hiệu là Sa Địch tiên sinh, ngoại hiệu là Bồng Lai Tẩu, quê quán Đông Hải, núi Thái Khê thuộc đời Đường.
Có giả thuyết bảo rằng Tử Bình được lập ra bởi Lạc Lộc Tử người đời Hán. Lại có giả thuyết cho là của ông Châu Dụ Kha, cháu của Châu Công Đán thời nhà Châu. Thêm một giả thuyết nữa bảo rằng của Hàn Luận Cơ, thúc phụ của Hàn Phi Tử phát minh ra. Hiện tại người HongKong cũng như cư dân hải đảo Đài Loan coi trọng môn bói toán này.
VẤN: Cụ Vi Lam, Orange County: Tôi muốn được biết hai bài thơ bên dưới:
1. “Cung Oán” của Tư Mã Lễ.
2. Bài “Đề Đô Thành Nam Trang” của Thôi Hộ.
Nếu có luôn cả bài dịch thì thật quí hóa vô cùng.
ĐÁP:
Bài “Cung Oán” của Tư Mã Lễ, như sau:
Liễu ảnh sâm si yểm họa lâu,
Hiểu oanh đề tống mãn cung sầu.
Niên niên hoa lạc vô nhân kiến
Không trục xuân toàn xuất ngự châu.
Bài dịch của Nguyễn Huy Nhu:
Thấp cao bóng liễu che lầu,
Oanh kêu giục giã tiếng sầu đầy cung.
Hoa rơi nào thấy ai trông
Luống theo ngọn suối ra vùng ngự câu.
BÀI 2:
“Đề Đô Thành Nam Trang” của Thôi Hộ:
Tích niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Bài dịch của Tương Như:
Cửa đây, năm ngoái cũng ngày này,
Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây.
Má phấn giờ đây, đâu vắng tá?
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây.
VẤN: Trương Vĩnh (Vannuys): Bà cụ có nhớ thần đồng Từ Huệ không?
ĐÁP: Từ Huệ người đời Đường, là con gái của Từ Hiếu Đức, tám tuổi đã biết làm thơ và thơ của nữ thần đồng này được liệt vào hàng tuyệt tác. Nữ thần đồng Từ Huệ được vua Đường Thái Tôn triệu vào triều làm tài nhân trong cung. Một hôm vua vời để bàn chuyện thi văn, nhưng nàng trù trừ không đến. Vua nổi giận định vấn tội. Nghe tin chẳng lành, nàng bèn làm bài thơ dâng lên trình bày cớ sự.
“Triêu lai lâm kính đài
Trang bãi độc bồi hồi.
Thiên kim mãi nhất tiếu
Nhất triệu khởi năng lai.
Có nghĩa:
Sớm mai đến chốn đài gương, điểm trang xong bỗng thấy lòng sao bồi hồi. Ngàn vàng mua một nụ cười, Một lần vời há đã vội lại ngay sao!
Đọc xoNg bài thơ của nàng, nhà vua mỉm cười bèn tha cho tội bất kính.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 95
VẤN: Cụ Trịnh Văn Hải (Garden Grove): Xin bà chị giải hộ câu: ”Bộc bạch cùng đại chúng hiện tiền” có nghĩa như thế nào?
ĐÁP:
Là biểu lộ nỗi lòng của mình cho mọi người, mọi giới đang hiện diện để nghe mình bộc bạch một vấn đề gì đó có liên quan với xã hội. Hay nói cách khác là nói lên ý tưởng của mình trước đại chúng đang hiện diện tại thính đường.
VẤN:
ông Hồ Đắc Quang (Orange County): Bên Việt Nam ta có trái đười ươi, ăn ngon. Nghe nói y học Đông phương dùng quả đười ươi làm thuốc chữa bệnh. Bà cụ có biết loại trái cây này chữa bệnh gì không
ĐÁP:
Trái đười ươi còn gọi là trái bời lời, Đông Y gọi là An Nam Tử. Danh từ khoa học gọi là Sterculia Scapgigera Wall. Ngoài tên An Nam Tử còn gọi là Bàn đại hải hay Hồ đại hải. Vị này chủ trị thương phong, ho tắt tiếng, cổ khô, trừ đàm. Loại trái này Việt Nam có nhiều. Nhưng nhiều nhất là tại Hải Nam đảo tức tỉnh Hải Nam Trung Hoa ngày nay.
VẤN: Cháu Nguyễn Thị Diễm, Maryland: Xin bà cụ giải thích cho hai điều:
1. Tại sao người Chiêm Thành ở Phan Rang gọi đồng bào Thượng Sédang là ông Ba Bị?
2. Có bao nhiêu sắc dân miền Thượng?
ĐÁP:
1. Người Sédang vốn là người Thượng sống ở thung lũng tại những nơi đồi núi nghèo nàn. Dân tộc này có vóc dáng cao lớn, khỏe mạnh và có nước da ngăm đen. Bản tính người Sédang thật thà và thành tín. Nhưng có điều nóng nảy và hiếu chiến. Những người mới gặp nghĩ rằng người Thượng Sédang dã man, thô bạo. Thật ra, sác dân này rất tốt, đầy nghị lực lại thiện chiến trong rừng rú. Họ chiến đấu hăng say, không biết mệt mỏi.
Ngày xưa người Bahnar cho rằng người Sédang hung tợn lúc nào cũng rình rập kéo đến cướp phá, nên cùng nhau rào làng đắp lũy ngăn ngừa. Nhất là những lời đồn đãi người Sédang thường bắt con nít làm thức ăn. Lời đồn đãi vô cớ này đến tai người Chiêm Thành, do đó mới gọi là ông Ba Bị, một loại ma quái chuyên dọa nạt ăn thịt con nít.
2.Có một số sắc dân tại miền Thượng, gồm:
- Sédang
- Bahnar
- Djarai
- Rhadé
- M’nông.
- Stien.
- Koho…
Các sắc dân này có những tục lệ như: ”Mừng lúa mới, lễ bó mạ, lễ đâm trâu, lễ mai táng, nghề phù thủy, cách chế biến rượu cần ...
VẤN: Cụ Đỗ Thạch Bình (El Monte): Tôi còn nhớ có đọc truyện tiểu thuyết nhan đề “Cố Hương” của Lỗ Tấn, kề chuyện một con vật ở miền sơn cước thích ăn các loại dưa. Nhưng tôi quên mất con thú đó là giống vật gì?
ĐÁP: Đó là loài dã thú hình thù giống như loài chó ta nuôi, thường gọi là con “TRA”, thức ăn của con tra là các loại dưa.
VẤN: Bà Vương Hà (Reseda): Đọc truyện Tàu thấy nói về nem công chả phượng cũng như các món cao lương mỹ vị khác. Tôi muốn được các thức ăn thời ấy gồm những món gì?
ĐÁP:
Từ ngàn xưa vua được xem là đấng tôn quý nhất của một quốc gia. Bất cứ cái gì cao qúy nhất trên đời này đều xem là thuộc của nhà vua. Các món ăn ấy xem là trân quý nhất như:
1. Gan công (có sách nói là gan rồng?)
2. Chả phượng.
3. Thai con báo.
4. Đuôi cá gáy.
5. Chả thịt cú.
6. Môi đười ươi.
7. Bàn tay gấu.
8. Nhượng heo con.
Đó là những món cao lương của các nhà vua đời Đường. Nhưng các món ăn của các nhà vua đời nhà Chu, khác hơn, gồm có:
1. Thuần ngao (xôi có gia vị)
2. Thuần mô (xôi mỡ)
3. Bào dồn (thịt lợn nướng)
4. Bào dương (thịt dê trộn mỡ chưng cách thủy)
5. Đảo trâu (giò lụa)
6. Trách (thịt heo ngâm giấm)
7. Ngao (nem)
8. Can liêu (gan chó ướp gia vị, cuốn lá thơm rồi nướng)
Ngoài ra còn nhiều món ăn độc đáo khác…
Còn tiếp
THINH QUANG