Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 21)
THINH QUANG


VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 21)
Thinh Quang

MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 101

VẤN: Ông Hoàng Đình, Alhambra (LA): Vào thời đại nhà Trần, ai đã nói câu: ”Xưa nay người ta bán cháu nuôi con, chẳng có ai đi bán con nuôi cháu”. Hậu quả của lời nói này ra sao? Tôi vốn biết nó là một sự tích, song không biết sự tích đó đã diễn ra từ thời đại nào trong dòng sử Việt ta? Bà cụ có nhớ không?

ĐÁP:

Người nói câu “Xưa nay người ta bán cháu nuôi con, chứ chẳng ai bán con nuôi cháu bao giờ”, câu nói này là của Hồ Quý Ly. Tuy nhiên nó không phải xuất phát từ ý nghĩ của họ Hồ mà chính là của Phạm Cự Luận. Nguyên là, Thượng hoàng trong triều lúc bấy giờ tin dùng Hồ Quý Ly một cách quá đáng, khiến một số cận thần nhà vua Trần Đế Nghiễn lo ngại cùng bàn thảo phải tìm cách khống chế, bèn không thì sẽ không tránh khỏi cảnh Quý Ly lộng hành tai hại. Việc xầm xì này khiến họ Hồ không tránh khỏi lo sợ bèn vấn kế các vị cận thần theo phe cánh của mình. Nguyễn Đa Phương khuyến cáo Quý Ly nên lánh ra núi Đại Lại để nghe ngóng tình hình rồi hẳn trở về lại triều đình. Nhưng phương cách này Phạm Cự Luận cho là tiêu cực:

-”Không thể rời bỏ chốn triều đình bất cứ giờ phút nào, bèn không thật khó lòng mà ứng phó được trước những mưu lược nhằm triệt hạ của phía bên kia.”

Hồ Quý Ly buồn bã nói:

-”Nếu không có kế sách nào để ứng phó thì tôi thà tự đi tìm cái chết, còn hơn để lọt vào tay kẻ địch”.

Cự Luận vốn là một mưu sĩ tài ba, bèn giảng giải cái thế phải hành xử chuyển từ chỗ yếu ra thế mạnh, là phải biết chớp lấy thời cơ mà giữ thế thượng phong.

-“Mới rồi nhà vua xử tử quan phục hầu đại vương Húc vốn là con của Nghệ Tông, việc này khiến cho Thượng hoàng giận bầm gan tím ruột. Chuyện này các triều thần đều thấy rõ, hiện chỉ có mình Đại Nhân mới chính là cột trụ của triều đình, xứng đáng là cứu tinh của đất nước. Như đại nhân đã thấy nhà vua chẳng những không đoái hoài đến mà lại còn tin yêu bọn sàm nịnh tiểu nhân! Thật tình không ai biết được ý đinh của nhà vua, rồi sẽ còn làm những gì nữa. Vậy thì, theo thiển kiến, đại nhân nên thừa cơ hội này vừa tấn công vừa giải vây cho mình”.

Hồ Quý Ly hỏi:

-”Vậy ta phải làm bằng cách nào?”

-“Chỉ có cách đại nhân nên cấp tốc yết kiến Thượng hoàng bày tỏ khúc nôi về chuyện trước kia Thượng hoàng nhường ngôi cho cháu là Đế Hiện lên làm vua thay vì cho chính con mình là Chiêu Định. Chẳng ai bán con nuôi cháu bao giờ”.

Hồ Quý Ly làm y như vậy. Thượng hoàng cho là lời phân giải đúng đắn bèn truyền lệnh triệu nhà vua lại giam vào chùa Tư Phúc, tôn Nghệ Tông tức Chiêu Định lên ngai vàng. Thế là Hồ Quý Ly lật ngược được thế cờ chuyển từ họa thành phúc.

Chiếu chỉ của Thượng hoàng viết rằng

-“Vì trước đây Duệ Tông vào trong Nam đánh giặc, không thấy trở về nên mới dùng người cháu trưởng lên nối ngôi vua. Đó là theo đạo đời xưa nay vốn vậy. Nhưng xét thấy từ ngày Quan gia lên ngôi đến nay vẫn chưa lột bỏ tính trẻ con ngày ngày giao du với bọn tiểu nhân Lê Á Phù, Lê Dữ Nghị, ráp tâm hãm hại đối với công thần khiến cho xã tắc chuyển động lâm nguy. Nay xét, đất nướic không thể không có người cầm riềng mối, nên nay giáng chỉ cho rước Chiêu Định Vương là Ngung vào triều tiếp nối đại thống. Vậy, nay ban bố chiếu chỉ cho khắp kinh thành, mọi nơi chốn được biết sự thay đổi này”.

Đại ý lược dịch, từ nguyên văn bên dưới:

(Tác giả Duệ Tông Nam tuần bất phản, dụng đích vi tự, cổ chi đạo dã. Nhiên Quan gia tiễn vị dĩ lai, đồng tâm ích thậm, binh đức bất thường, thân mật quần tiểu thính Lê ÁPhù, Lê Dữ Nghị, siểm vụ công thần, phiên dao xã tắc, khả giáng vi Linh Đức Đại Vương. Nhiên quốc gia bất khả dĩ vô chủ, Thần khí Bất khả dĩ cửu hư, khả phụng nghênh Chiêu Định nhập kế đại thống. Bố cáo trung ngoại hàm sử văn tri).

VẤN: Bà Phùng Thanh Hải, Arizona: Thành ngữ “Bang Môn Lộng Phủ” là ý nghĩa nói về điều gì? Bà cụ chỉ giáo cho.

ĐÁP:

“Bang Môn Lộng Phủ” có nghĩa “Múa rìu qua mắt thợ” như câu thành ngữ của ta. Thành ngữ này chỉ về người thiếu tài mà khoe khoan.

Câu này nguyên có tích như sau:

Ngày xưa, tại nơi có mồ chôn của Lý Bạch, nên thường xuyên có đông đảo thi nhân đến viếng. Không phải chỉ viếng không thôi, mà còn nhiều người đến bưc thành mộ đề thơ, tự phong mình là tài tử. Mãi đến nhà Minh có vị học giả tên là Mai Chí Hoán, nhìn thấy nhiều người chen chúc tranh nhau đề thơ rồi ngâm tràn lên khiến cảnh tịch mịch của nghĩa trang trở thành như giữa chợ. Tò mò học giả Mai Chi Hoán lần mò đến ghé mắt xem thơ, thấy đa phần các tài tử này không biết lượng sức viết toàn là những bài thơ không niêm không luật. Chẳng đặng đừng học giả họ Mai bèn xuống bút đề ra 4 câu thơ châm biếm:

Thể thạch (1) giang biên nhất đôn thổ
Lý Bạch chi danh cao thiên cổ!
Lai lai vãng vãng nhất thủ thi
Lỗ Bang môn tiền lộng đại phủ.

Có nghĩa:

Bên sông Thể Thạch Cơ có đống đất,
Lý Thái Bạch có tiếng từ thiên cổ
Đi đi lại lại xong bài thơ
Trước cửa Lỗ Bang lộng đại phủ.

(1) Thể Thạch: tên của một địa phương ở tỉnh An Huy gọi là Thể Thạch Cơ, cách huyện Đường Đồ 20 dặm về hướng Tây Bắc. Nơi đó có hòn núi gọi là Ngưu Đỗ Sơn. Dưới núi có cái doi, miếng đất gọi đó là Thể Thạch Cơ (Lý Bạch chôn tại nơi này).
Lỗ Bang nguyên là họ Du tên là Bang, sau vì hoàn cảnh đặc biệt nên đổi sang họ Lỗ. Đời Xuân Thu ông là Kiến Trúc Sư.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 102

VẤN: Bà Đào Bình (Maryland): Có lần tôi được nghe kể chuyện đại khái về lễ “Lục Tuần” của bà Từ Hi Thái Hậu, nhưng hiện chỉ còn nhớ lờ mờ, bà cụ còn nhớ xin thuật lại cho.

ĐÁP:

Đó là lễ “Vạn Thọ Đại Điển” được xem là ngày trọng đại của triều đại nhà Thanh lúc bấy giờ. Ngày lễ Lục Tuần được tổ chức vào năm Quang Tự thứ 20, đúng là năm bà Từ Hi Thái Hậu tròn 60 tuổi. Theo sử ghi chép lễ này đã chuẩn bị suốt 2 năm trường do một Ban Nghi Lễ chịu trách nhiệm.

Theo sử chép:

”Vua Quang Tự dâng phẩm vật lên chúc thọ Tư Hi Thái Hậu có hơn trăm lễ phẩm cao quí nhất gồm có hai họp ngọc Như Ý, mỗi họp chín cây, vàng bạc, châu báu trị giá khoảng 29 vạn lạng, tổng cộng thành tiền có hơn 60 vạn lạng bạc trắng. Đó là chưa kể lể vật của tất cả các quan phủ huyện địa phương nhân dịp ngày lễ trọng đại này để lấy lòng Thái Hậu đua nhau dâng ngọc ngà châu báu, có cả ngọc “Cửu Cửu Như Ý” là một báu vật hiếm quý nhất lúc bấy giờ. Chỉ kể số lượng “ngọc như ý” đã đạt đến con số vượt khỏi ngàn cây. Trong số dâng lễ mừng ngọc như ý, riêng một trong các hàng quan lại dâng cống đến 9 hộp gồm 91 cây. Đây là lễ phẩm lớn nhất từ xưa nay dưới triều đình nhà Thanh.

VẤN: Cụ Đỗ Vũ Ninh (Orange County): Thú thiệt với bà chị, ngày xa xưa tôi vốn là một Đồ Nho, thích nghiên cứu về Dịch Học. Tôi càng đi sâu vào Dịch Lý, càng cảm thấy mình bị lạc lõng, chẳng hiểu gì được cả. Thật tình, tôi muốn được hiểu một phần nào về môn học này, bà chị nếu có thể giảng giải đại lược cho. Thành kính cám ơn bà cụ.

ĐÁP:

Tôi không được am tường lắm về khoa Tử Dịch Học, nên xin nói đại khái như sau:

Tử Dịch Học do Uẩn Long chân nhân lập ra vào đời Nam Tống – thế kỷ thứ 12, lấy Bát Quái (Hậu thiên) làm cung di hành của 96 sao. Trong tám phần liên quan đến mạng số chung quanh đời người, còn được gọi là 8 cung. Ví như: Bát quái gồm: Kiền, Khôn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài (an cố định không thay đổi).
Bát Cung thì có: Mệnh, Hoạt, Tướng, Ý, Tâm, Khí, Linh, Thần, thay đổi tùy theo ngày tháng và quẻ gieo được khi luận bản số.

Tử dịch học là một khoa số học vô cùng ảo bí cực kỳ thần diệu. Nó đòi hỏi người người tham luận phải có kiến thức cao đẳng về Dịch số, cùng với một kiến văn uyên bác mới có thể hiểu được. Khoa Tử dịch ít thấy xuất hiện trong dân gian. Có thể vì sự thâm sâu của khoa địch này mà ít có người thấu đáo được.

VẤN: Cháu Lê Điền, Reseda: Bà cụ có nhớ những câu ca dao nói về các lễ hội không?

ĐÁP:

Có một số câu đại khái như sau:

1. Những lễ hội mùa xuân:

Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.

Lễ Phật quanh năm
Không bằng hội Rằm tháng Giêng.

Ai là con cháu rồng tiên
Tháng Hai lễ hội Trường Yên thì về.

Tình cờ ta lại gặp ta
Vui bằng mở hội tháng Ba đền Hùng.

Mồng Bốn là hội Kéo co
Mồng 5 hội Ó chẳng cho nhau về.
Mồng 6 đi hội Bồ Đề
Mồng Bảy trở về đi hội Đống Cao.

Các câu ca dao trên trích trong bài biên khảo “Ca Dao” của nhà biên khảo thi ca bình dân Đào Đức Nhuận.

VẤN: Cháu Hồ Mộng Điệp (Santa Ana): Cháu có nghe từ một người bạn của nhà thơ Huệ Thu San Jose có nói về bài thơ của nhà thơ Hà Thương Nhân nhắc đến Quán Chùa, đến Thanh Thúy, đến Queen Bee và luôn cả Khánh Ly nữa. Bà cụ có nhớ hay không?

ĐÁP:

Đó là mấy câu trong “Ngày Tháng Khó Quên” tập 2 Bên Trời Lận Đận, một thi phẩm được xem như là kiệt tác của nhà thơ mà giới thi nhân thường xưng tụng là Hà Chưởng Môn.

Các câu đó như sau:

Nhớ hè phố xanh lam tà áo,
Nhớ trên tay trang báo vừa in.
“Quán Chùa” (*) những buổi săn tin,
Vây quanh bàn nước mắt nhìn ngu ngơ.
Nhớ Thanh Thúy canh khuya nức nở,
Bạn bè mình ai ở, ai đi?
Nhớ đêm ca nhạc Queen Bee,
Lúc này mái tóc Khánh Ly còn dài?

* La Pagode (ở đường Tự Do).


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 103

VẤN: Thưa bà cụ, tôi thật sự suy nghĩ từ lâu nay về vấn đề các Linh Mục giáo hội Công giáo La Mã suốt từ hơn 2000 năm vẫn giữ nguyên tình trạng ràng buộc sống độc thân?

ĐÁP:

Đây chính là vấn đề được nhiều người quan tâm, trong đó có Lm Nguyễn Khắc Hy S.S. Và Ngài đã nêu ra những ý nghĩ của một số không nhỏ các Chủ Chiên là muốn được nói lên Sự Lựa Chọn hơn là Sự Bắt Buộc.

Trong một bài viết có nhan đề “Linh Mục và Luật Độc Thân”, đăng tải trên tạp chí “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” số 280, tháng 12-2009 có đến 160 vị linh mục đồng ký đơn xin tổng giám mục Timothy Dolan cho họ mang vấn đề này thảo luận trong hội đồng linh mục. Vấn đề này, trong thời gian gần đây một số các linh mục Anh Giáo xin được gia nhập giáo hội Công Giáo, và cũng đưa ra đề tài “Luật Độc Thân” của linh mục được mang ra bàn thảo, bỏi đại đa số các linh mục Anh giáo đã có gia đình.

Nói về qui định từ xưa nay của Công giáo La Mã có khác hơn với các quy định của các Giáo Hội khác. Có những sự hiểu lầm của những người ngoại Công giáo nêu ra điều mà họ thấy được trong Thánh Kinh là có một số tông đồ không sống độc thân, và đặt câu hỏi, vậy thì tại làm sao Giáo hội Công giáo La Mã lại ràng buộc các linh mục vẫn phải sống độc thân? Trong lúc đó một số Tin Lành cũng đưa ra lời bình luận là Công giáo La Mã đã đi ngược lại Thánh Kinh vì Thánh Kinh đâu có đề cập đến vấn đề này?

Theo giáo hội Công giáo La Mã đã biện minh rõ ràng là giáo hội này chỉ áp dụng cho các linh mục của giáo hội Công giáo La Mã, còn giáo hội Công giáo Đông Phương không bắt các linh mục của họ sống độc thân. Các giáo hội Chính Thống hay giáo hội Đông Phương (không là Công giáo) không phải sống độc thân, có nghĩa là cho phép các linh mục được lập gia đình.

Trong bài ”Linh Mục và Luật Độc Thân” của Lin mục Nguyễn Khắc Hy đã viết:

-”Giáo hội Công giáo Đông Phương cho phép linh mục được lập gia đình, nhưng không cho phép những người độc thân nhận chức linh mục lập gia đình sau khi đã làm linh mục. Thế có nghĩa họ được phép lập gia đình trước khi chịu chức linh mục, nhưng không được phép sau khi nhận chức linh mục. Với những người lập gia đình nếu vợ qua đời họ không được phép tục huyền”.

Tưởng cũng nên biết, luật sống độc thân không phải là vấn đề thần học hay tín điều, mà chính là vấn đề kỷ luật. Tóm lại luật sống độc thân của người Công giáo La Mã là một kỷ luật hơn là nặng về thần học. Hoặc nói khác hơn đây là “Ơn Được Mời Gọi tận hiến cho Chúa để lo việc của Người “.

VẤN: Cụ Lâm Bảo Hòa, Virginia: Thưa bà cụ, tôi còn nhớ thành ngữ có câu: “Chỉ Thượng Đàm Binh”vậy cái nghĩa của câu này là thế nào?

ĐÁP:

“Chỉ Thượng Đàm Binh” có nghĩa “Nói Chiến Lược Trên Giấy”, ý nói chỉ có tài về lý luận mà chẳng làm được nên việc. Thành ngữ này có tích:

”Thời Chiến quốc Đại Tướng Triệu Xa người nước Triệu, có người con trai tên là Triệu Quát thông minh đĩnh ngộ. Lúc còn trẻ Triệu Quát thường cùng cha mang chuyện binh pháp ra thảo luận. Đại Tướng Triệu Xa hỏi điều gì Triệu Quát đều trả lời trôi chảy. Vốn là một Tướng Quốc giàu kinh nghiệm, ông bèn mang chuyện này nói với vợ:

-“Triệu Quát rât tài tình, song hắn không thể nào làm Tướng quốc được”.

Người vợ ngạc nhiên hỏi:

-“Cớ vì sao?”

Đại Tướng Triệu Xa đáp lại lời vợ:

-“Người cầm quân là nắm cả vận mệnh của đất nước, nó thường cho là việc chẳng có gì khó khăn cả. Hắn tỏ ra khinh thường cho là chuyện chuyện chiến trường dễ như trở bàn tay, Nếu quốc gia dùng nó thì nước Triệu sẽ bị tiêu diệt”.

Triệu Xa chết. Triệu Quát càng ngày càng tỏ ra xuất sắc, thường mang chuyện binh đao nơi chiến trường ra cùng các cao thủ bình luận. Một ngày kia, Tần mang quân tấn công Triệu. Lão tướng Liêm Pha của Triệu, mang quân chống lại. Liêm Pha muốn có lợi cho việc tác chiến về lâu về dài bèn xây dựng đồn lũy để kiên thủ, đợi thời cơ mà động binh.

Lúc bấy giờ Triệu Hiếu Viên nghe lời bọn phản gián của nước Tần bảo rằng Liêm Pha đã già yếu, không đủ sức chống cự với đại địch. Vua Triệu nghe lời xuống chỉ phái Triệu Quát thay thế cho Liêm Pha. Mẹ Triệu Quát nghe được tin, vội dâng sớ khuyên vua nên đình lại. Sờ viết:

-”Triệu Quát tuy thông thạo binh thư nhưng hắn ta không linh hoạt vận dụng thực hiện được, tức không đủ tài cầm quân ra chiến trường. Xin nhà vua không nên trọng dụng nó.”

Lạn Tương Như cũng đồng ý như vậy, song vua Triệu nhất mực không nghe lời, giao binh quyền cho Triệu Quát. Vốn bản tính kiêu ngạo, Quát ra lệnh thay đổi lại chiến lược của Liêm Pha. Không mấy ngày sau đó, bị quân Tần vây khổn. Triệu Quát loai hoai chống trả, 40.000 quân binh bị chết trong vòng một đêm, số còn lại bỏ chạy. Cuối cùng Triệu Quát bị trúng tên ngã ra chết.

Đời nhà Minh có Minh Thái Tổ, Triệu Hàn Lâm Học Sĩ, Lưu Như Tôn (Tam Ngô) làm thơ châm biếm:

Trong bài thơ có câu:

Triệu giả du khoa chỉ thượng binh.

Người rừng rú còn dám khoa trương,chỉ được cái nói về chuyên cơ binh trên giấy. Ý nói những người như Triệu Quát chỉ có cái tài lý luận suông.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 104

VẤN: Bà Vương Hồng, Houston. Xin bà cụ vui lòng nhắc lại bài thơ Thương Nga có tính thần thoại nói về sự tích Hằng Nga và nếu có thể một số bài khác cùng loại. Thành thật cám ơn bà cụ.

ĐÁP:

Bài thơ Thương Nga của Lý Thương Ẩn đời Đường là một trong những giai thoại thời cổ đại như chuyện Bàn Cổ khai thiên lập địa, chuyện Chim Tinh Vệ lấp bể, Bà Nữ Oa đội đá vá trời, chuyện Hằng Nga lộng nguyệt, vua Huỳnh Đế đại chiến Xi Xưu v.v… đặc biệt người đời ca tụng bài Ngưu Lang và Chức Nữ, xem đó là thứ tình yêu lãng mạn được thần thánh hóa và là mối tình đẹp nhất ở cõi trần gian này. Dưới đây là bài Thương Nga mà bà chị cần nhớ lại:

Vân mẫu bình phong chúc ảnh thâm,
Trường hà tiệm lạc hiểu tinh trầm.
Thương nga ưng đối du linh dược
Bích hải thanh thiên dạ dạ tâm.

Chuyển dịch:

Đèn khuya chiếu bóng bình phong
Sao thưa canh vắng bến sông trải dài.
Oan tình trộm thuốc khôn nài
Đêm thanh cam chịu thay người nàng yêu.

(Thinh Quang lược dịch)

Một bài khác của Đỗ Mục:

Ngân chúc thu quang lãnh họa bình,
Khinh la tiểu phiến phác lưu huỳnh.
Thiên giai dạ sắc lương như tyhủy,
Ngọa khán khiên ngưu chức nữ tinh.

Chuyển dịch:

Trăng mờ lạnh lẽo bình phong
Quạt tung cánh mỏng đóm ngang chập chùng.
Lưng trời gió thoảng nhẹ nhàng
Nằm yên lặng ngắm bóng nàng Hằng Nga
.
(Thinh Quang lược dịch)

VẤN: Ông Văn Thinh, Rosemead: Tôi nhớ hai câu thơ bằng Hán tự như sau:
“Duy thử đảng nhân chi du lạc hề,
Lộ u muội dĩ hiềm ải”
Nhưng chẳng biết hai câu này ở trong bài thơ nào và nghĩa của nó. Bà cụ nhắc lại hộ.


ĐÁP:

Hai câu thơ này trong bài LY TAO của Khuất Nguyên. Có người đã dịch như sau:

Kìa bọn tiểu nhân được thời vui sướng cẩu thả hề, đạo vua tăm tối và khuynh nguy.

VẤN: Cư sĩ Tịnh Sơn (Orange County) Tôi có nghe nói “Nhập Thế” và “Xuất Thế” theo triết của nhà Phật. Bà chị giải thích hộ.

ĐÁP:

Tại Á Đông có hai nền văn hóa được xem là truyền thống cổ kính: Một – đại diện cho quốc gia Ấn Độ và một – cho Trung Hoa. Người Ấn Độ có truyền thống Vệ Đà, nặng về phần giải thoát, còn Trung Hoa thì có truyền thống về Thi Tư thiên, về Đại Đồng. Như vậy cho ta thấy về hai nhân sinh quan tu hành của hai quốc gia Châu Á này có khác nhau. Một đàng thiên về luân lý còn một đàng đi ra ngoài vòng cương tỏa, có nghĩa một đàng xuất thế và một đàng nhập thế. Tóm lại, Trung Hoa có Nho Đạo, còn Ấn Độ có Brahmanisme-Buuhism (Phật giáo).

Vấn: Cụ Hà Duy Vân (Monterery Park): Tôi biết hai lời ca như sau:
“Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn”
nhưng không nhớ kỹ là của ai? Đồng thời xin dịch nghĩa hộ.

ĐÁP:

Lời ca này của Kinh Kha. Nó có nghĩa:

“Gió hiu hiu thổi hề, sông Dịch lạnh
Tráng sĩ một đi hề, không trở về.”


VẤN: Cô Hà Thái Bình (Rosemead) Bà cụ có nghớ bài thơ của Quan Như ngũ chương của Chu Nam không?

ĐÁP:

Đó là một trong số danh tác trong Quốc Phong như sau:

Quan quan thư cưu,
Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu.


Cụ Tản Đà đã chuyển dịch:

Quan quan cái con thư cưu,
Con sống con mái cùng nhau bãi ngoài.
Dịu dàng thục nữ như ai
Sánh cùng quân tử đẹp đôi vợ chồng.





MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 105

VẤN: Bà Hồ Thanh Thủy (Inesta Hồ, Paris): Tôi có lần được đọc mục “Vườn Hoa Xướng Họa” đăng tải trong báo Thằng Mõ Nam Cali, về bài thơ sách họa “Viết Cái Gì Đây” của Mộng Tuyền nữ sĩ, lâu rồi. Tôi muốn được chép lại bài xướng lẫn những bài đáp họa này Bà cụ giúp cho.

ĐÁP:

Bài thơ xướng nhan đề “Viết Cái Gì Đây” có nhiều bài đáp học, song tôi chỉ nhớ được một số ít xin ghi lại hầu bà.

Bài Xướng

Gửi nhà thơ Tú Lắc

Viết cái gì đây để nhủ nhau?
Viết lời đen bạc chỉ thêm đau!
Viết câu thương cẩu càng thêm bực
Viết lẽ phù vân mãi cũng rầu!
Viết chữ thị phi hườm miệng thế
Viết lời thanh lãng hượm còn lâu.
Thôi đành vết hỏi tri thù vậy
Hang cái Hà Mô mấy thước sâu?


Mộng Tuyền nữ sĩ

ĐÁP HỌA:

Nói nghĩa nhân là nhắc nhở nhau
Nói chi bá đạo để lòng đau
Nói câu không sắc vơi niềm tục
Nói thuyết Vô Vi bớt nỗi rầu
Nói chuyện Tái Ông may với rủi
Nói đường Báo Ứng sớm hay lâu
Hà Mô hang ấy bao nhiêu thước
Có thử một lần biết cạn sâu.


Tú Lắc

TÙNG HỌA

Lẵng lặng mà nghe họ hỏi nhau
Hà Mô (1) hang ấy ở nơi đâu?
Hỏi mà đã giải từng con chữ
Đáp chắc chi qua một phút rầu!
Thiếu chuyện cho nên bày vấn kế
Dư tiền sao chẳng hẹn cao lâu?
Tri Thù (2) sẽ lắc như ông Tú
Ai biết lòng ai cạn với sâu!

Trần Trung Tá

* (1): Hà Mô: Con ểnh ương, cũng có nghĩa nơi đâu.
* (2): Tri Tù: con nhện.

TÙNG HỌA

Nói chuyện tầm phào nói với nhau
Nói thân vong quốc nói càng đau
Nói tình văn hữu ôi buồn chết
Nói nghĩa tào khang lại phát rầu!
Nói kiếp phù du buồn mấy nả?
Nói tuồng bịp bợm diễn bao lâu?
Giăng tơ cái nhện toan ruồi bắt
Hang ếch sâu chừng hai tấc sâu!


Trình Xuyên

NGÀN DẶN QUAN HOÀI
(Chỉ mượn vần HỎI CÁI TRI THÙ)

Sinh con cắt rốn tiếp chôn nhau
Quê…ở quê người nghĩ thật đau!
Chữ nghĩa vô duyên truyền phát bực
Văn chương hữu cảnh nhắc nghe rầu!
Xuôi đường thế hệ trôi như chớp
Ngược nẻo quan hoài bước quá lâu!
Hỏi nhện buồn chi giăng lưới gió
Ech kêu ắt nhớ đoạn sông sâu!

Trần Vấn Lệ

VẤN: Cụ Vũ Đình Hòe (Virginia): Trong Kinh Thi có bài “Vĩ vĩ Văn vương” Tôi không nhớ, bà cụ nhắc lại hộ và giải luôn nghĩa của bài thơ này. Cám ơn bà cụ.

ĐÁP:

Bài Kinh Thi đó như sau:

Vĩ vĩ Văn vương,
Lịnh vấn bất dĩ,
Trần tích tai Chu.
Hầu Văn vương tôn tử
Văn vương tôn tử
Bổn chi bách thế,
Phàm Chu chi sĩ
Bất hiển, diệt thế?

Bài dịch:

Văn vương như cố gắng hoài,
Cho nên tiếng tốt lâu dài chẳng thôi.
Vương nghiệp nhà Chu, Trời ban thưởng,
Con cháu Văn vương hưởng dồi dào.
Văn vương con cháu trước sau,
Làm vua đích thứ nối nhau trăm đời.
Phàm Chu triều những người quan chức,
Há đời đời chẳng rất hiển vinh?

Tạ Quang Phát dịch

VẤN: Cụ Nguyễn Khải (Orange County): Bà cụ còn nhớ bài thơ lục bát vừa Nôm vừa Hán nói về Thiên Văn trong Ngũ Thiên Tự từ câu thứ sáu đến câu thứ tám không?

ĐÁP: Đó là một đoạn trong “Đệ Nhị Tiết” như sau:

NGUYỆT mặt trăng NHẬT mặt trời
VÃNG qua LAI lại, DI dời CANH thay
VŨ mưa THỬ nắng VÂN mây
SƯƠNG sương TUYẾT tuyết TRÚ ngày DẠ đêm
NHÂN HUÂN nghi ngút TƯỜNG điềm
ĐÔN ánh THỰ sáng ÂM êm ĐIỀU hòa
LÔI ĐÌNH sấm sét PHÁT ra
OANH ran ĐIỆN chớp HÀ xa NHĨ gần.

(Hình như tập Ngũ Thiên Tự gần đây ở Việt Nam có hai tác giả Vũ Văn Kính cùng nhà văn Khổng Đức soạn lại và xuất bản)

VẤN: Ông Trần Lưu (Ventura County): Như thế nào mới gới gọi là lối viết phản đề, bà cụ chỉ giáo hộ.

ĐÁP:

Lối viết này thường với mục đích làm nổi bật chủ đề mà người viết muốn đề cập đến. Thông thường phần trên của bài đưa ra luận cứ bài bác điểm chính mà tác giả muốn đề cao hoặc bênh vực chủ đề của mình. Qua phần sau của bài tác giả đưa ra ý kiến thuyết phục người đọc hưởng ứng chủ đề của mình viết. Tuy nhiên, nếu không khéo léo để thiếu sự cân bằng, ví như phần bài bác lại dài dòng và sắc bén hơn phần lý luận để bênh vực lấy chủ đề của mình. Điều này rất tai hại, chẳng những không làm sáng tỏ được chủ đề của mình viết mà còn bị phản ứng ngược lại. Vì vậy, tác giả muốn viết theo lối phản đề phải thận trọng để tránh gặp sự hiểu lầm đáng tiếc!

VẤN: Ông Vũ Hồng Westminster: Tôi không hiểu câu tục ngữ bằng chữ Hán như sau, nhờ bà cụ giúp giải nghĩa hộ: “Hảo hoa năng kiến kỷ thời hồng?”

ĐÁP:

Câu này có nghĩa:

 
“Hoa xinh được mấy lúc hồng?”

Hay:

“Hoa đẹp có mùa, người đẹp có lúc”.

Còn tiếp
THINH QUANG


 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh