VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 22)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 106
VẤN: Ô. Nguyễn Quang Thành (Rosemead): Tôi không được rõ lắm về Bát Thiền Định, cụ bà giúp giải thích cho.
ĐÁP:
Bát Thiền Định là giúp cho các tín đồ thoát khỏi Dục giới, trong đó có cả “Sắc giới” và “Vô sắc giới”. Bát Thiền Định gồm có tám điều chính yếu:
1. Sơ Thiền định
2. Đệ nhị thiền định
3. Đệ tam thiền định
4. Đệ tứ thiền định
5. Không vô biên xứ định
6. Thức vô biên xứ định
7. Vô sở hữu xứ định. Và…
8. Phi tưởng phi phi tưởng xứ định.
Kểtừ pháp định thứ nhất cho đến pháp định thứ tư, là bốn pháp thuộc về lĩnh vực sắc giới. Qua điều thứ 5 đến thứ 8 thuộc về lĩnh vực vô sắc giới và được xác minh là “Tứ Thiền Bát Định”. Khi người tín đồ hiểu được các điều này sẽ am tường được sự vi diệu của “Mật Kinh”. Đại khái là như vậy.
VẤN: Cô Linh Vân, Orange County: Bà cụ nhắc hộ cho những vần ca dao nói về nghĩa tào khang. Xin cám ơn bà cụ.
ĐÁP:
Có một số tôi còn nhớ:
1. “Làm trai lấy được vợ hiền
Như cầm đồng tiền mua được của ngon.
Phận gái lấy được chồng khôn
Xem bằng cá vượt Vũ Môn hóa rồng.”
2. Hai tay cầm bốn tô nôi
Tao thẳng, tao dũi, tao ngồi, tao mong.
Tao thì báo bổ mẫu thân
Tao thì kết nghĩa Châu Trần cùng anh.
3. Cây khô nghe sấm nứt chồi
Đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương.
4. Trên Trời, dưới Đất, giữa Vua
Nên chi thiếp phải nhịn thua lời chàng
5. Rau răm đất cứng khó bứng dễ trồng
Dầu hay dầu dở cũng chồng của em v.v…
VẤN: Ông Võ Duy Văn, Westminster: Xin bà cụ giải nghĩa hộ 2 câu tục ngữ Trung Hoa như sau:
1. Bạt thập tuế học xuy cổ thủ.
2. Bần nhân tranh xuất xí,
3. Phú nhân bất hoan hỉ.
Xin cám ơn bà cụ.
ĐÁP:
Câu thứ 1:
Già tám chục còn học đòi chơi chiêng trống.
Câu này hàm ý chê trách mấy cụ đã già còn học đòi chuyện “trống bỏi”.
Ta cũng có câu:
”Già còn chơi trống bỏi.
Câu thứ 2:
Bần nhân tranh xuất xí, phú nhân bất hoan hỉ.
Có nghĩa:
Người nghèo thường tranh nhau đi đại tiện. Kẻ giàu sang thì chẳng có chút nào an lòng.
(Câu này hàm ý nói kẻ nghèo lúc nào cũng an lòng đi làmv ệ sinh riêng không hề sợ kẻ gian léo hành rình rập để trộm cắp của cải). Còn người giàu có thì chẳng có giây phút nào an lòng, lúc nào cũng lo nơm nớp sợ kẻ gian phi đột nhập vào nhà cướp mất tài sản.
Ta cũng có câu:
Ăn cơm cáy thì ngáy o o
Ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy.
VẤN: Bà Nguyễn Phú Hữu, Philadelphia: Trên thế giới nước nào có tiền trước nhất? Thời cổ đại họ lấy gì làm ra tiền?
ĐÁP:
Trung Hoa là nước có “Tiền” trước nhất. Đầu tiên họ lấy vỏ sò tức “hải bối xác”. Loại ốc này có răng cưa vì vậy mới gọi là “hóa bối”. Cách tính dùng từ “Bằng” làm đơn vị. Ví như lấy “Chuỗi” tức lá “Xuyên” loại này tếch bằng loại vỏ cây lột ra rồi se lại thành dây, gọi là dây chuỗi. Hai “Chuỗi” tức là hai “Xuyên” mà hai Xuyên là một Bằng.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện trong mộ tháp thời cổ đại loại tiền bằng vỏ sò.
Tiền đúc bằng kim loại được phát hiện vào cuối đời nhà Thương. Loại tiền này gọi là Đồng Bối tức Tiền Đồng được xem là sớm nhất thế giới. Dần dà sau náy như thời Xuân Thu Chiến Quốc, các nước chư hầu đều thi nhau đúc tiền bằng nhiều hình thức, thể loại khác nhau…
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 107
VẤN: Cụ Thanh Hoàng, San Jose:Trong sử sách có ghi, Hồ Quý Ly là một kẻ gian hùng.Có đúng vậy chăng?
ĐÁP:
Trong cổ sử Việt có ghi nhận về Hồ Quý Ly là con người có nhiều tham vọng chiếm đoạt giang san như vậy là điều đáng chê trách.
Tuy nhiên cũng có một số người lại cho rằng việc làm của Hồ Quý Ly đáng khen, có công giúp Thuận đế làm được nhiều việc quan trọng như đặt “giang quan” đi tuần thủ, cấp học điền cho các xứ, thông thương mậu dịch, thiết lập cơ chế cứu tế dân cơ hàn…ấn hành tiền tệ thông bảo, đưa ra các chước để qui định cơ chế quốc gia, đặc biệt chú trọng việc thủy lợi, làm đường sá, xây cầu cống từ đầu Thanh Hóa đến Thuận Hóa… Ngoài ra Quý Ly còn tỏ lượng bao dung, lòng dạ quân tử như trường hợp có kẻ sĩ phu là Nguyễn Dụng Phủ có lần mặc áo bồ hoàng nhạo dâng thư nhạo báng, họ Hồ chẳng những không giận mà còn đối đãi như thượng khách. Phải nói, Quý Ly tỏ ra tài ba về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế… được lòng tin yêu tuyệt đối của Vua Nghệ Tông tức Thượng hoàng ban cho ấn soái, có cờ, có kiếm sác đề:
“Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức”.
Chẳng những vậy đến khi Thượng hoàng sắp băng hà còn cho vời Hồ Quý Ly trao tặng bức tranh “Tứ Phụ đồ”, vẽ Chu Công, Hắc Quang, Gia Cát Lượng, Tô Hiến Thành…là những bậc công thần có công lớn với đất nước.
Thượng hoàng nhìn vào bức tranh này nói với Quý Ly:
-“Khanh giúp cho Quan gia tưởng cũng nên theo như các đại công thần đã vẽ trong tranh này”.
Đến khi sắp qua đời Thượng hoàng cho vời Quý Ly bảo:
-”Trẫm băng hà, giao phó sự trông nom cai quản triều đình cho khanh. Nếu kẻ kế tục ta xét thấy hèn kém, ngu muội, thì khanh nên cứ tự đảm nhận lấy ngôi vua”.
Thời gian sau Hồ Quý Ly chuyên quyền, tự xưng là Đại Vương thay vua cai trị đất nước. Đến năm 1400 truất phế nhà vua lên ngôi Hoàng đế, cuối năm thoái vị lên làm Thái Thượng Hoàng…từ đó họ Hồ thay thế họ Trần.
Kể ra lòng dạ Hồ Quý Ly phản trắc thật, đáng chê thay! Nhưng tài ba của thì xuất chúng, đương thời chẳng mấy ai sánh kịp.
VẤN: Ông Lê Phấn (Virginia): Xin bà cụ giải hộ mấy câu sau đây:
“BÀO THỔ CÁCH, MỘC THẠCH KIM, TY CHỈ TRÚC, NÃI BẤT ÂM. VIẾT BÌNH THƯỢNG, VIẾT KHỨ NHẬP, THỬ TỨ THANH, NGHI ĐIỀU HIỆP”.
ĐÁP:
Xin gỉai từng chữ:
Bào: Một loại bầu. Một loại nhạc cụ bằng trúc tím, còn gọi là sanh.
Thổ: Loại nhạc cụ làm bằng loại đất sét nung.
Cách: Loại nhạc cụ làm bằng da bò.
Mộc: Loại nhạc cụ làm bằng gỗ.
Thạch: Loại nhạc cụ làm bằng đá, gọi là khánh.
Kim: Loại nhạc cụ bằng kim loại, như chiêng đồng, trống đồng.
Ty: Loại nhạc cụ bằng tơ, như Tỳ bà.
Trúc: Loại nhạc cụ bằng trúc, như sáo, tiêu.
Tứ Thinh: Bình, Thượng, Khúc, Nhập là bốn loại âm điệu.
Dịch nghĩa:
Tám loại âm thanh do tám loại nhạc cụ phát ra như tiếng của nhạc cụ bằng trúc tím gọi là BÀO, như tiếng của nhạc cụ bằng đất sét nung gọi là THỔ, như tiếng của loại nhạc cụ bằng gỗ gọi là MỘC, như tiếng của nhạc cụ bằng đá như khánh gọi là THẠCH, như tiếng của loại nhạc cụ bằng kim loại như chuông đồng gọi là KIM, như tiếng của loại nhạc cụ bằng tơ sợi như Tỳ bà gọi là TY, như tiếng của loại nhạc cụ bằng ống tre như sáo, tiêu gọi là TRÚC.
Còn cách phát âm của tiếng nói có bốn âm điệu là: BÌNH, THƯỢNG, KHỨ, NHẬP. Bốn âm điệu này cần phải điều hòa thì mới nghe được rõ ràng.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 108
VẤN: Cụ Đỗ Văn Diễn, San Jose: Chữ Hán là một văn tự cổ đại, tôi muốn biết loại văn tự này xuất phát từ đời nào ở Trung Quốc?
ĐÁP:
Văn tự cổ đại nhất của Trung Hoa mà gần đây phát hiện được, đó là “giáp cốt văn” và “kim văn” thuộc đời Ân, căn cứ thời gian mới phát hiện được gần đây. Các nhà khảo cổ học trước kia không tìm ra được những thực chứng chữ viết trước đời Ân, do đó mới cho rằng cổ tự xuất hiện từ đời Ân.
VẤN: Bà Võ Vân Thi (LA): Bà cụ có nhớ bài thơ Thu Tịch của Đỗ Mục không? Nếu được xin bà cụ nhắc lại hộ.
ĐÁP:
Bài Thu Tịch của Đỗ Mục:
Ngân chúc thu quang lãnh họa bình,
Khinh la tiểu phiến phác lưu hình,
Thiên giai dạ sắc tương như thủy,
Ngọa khán khiên ngưu chức nữ tinh.
Bài dịch:
Hiu hắt lạnh – bình phong mờ bóng nguyệt,
Đóm lập lòe cánh quạt phất phơ lay.
Nghe cánh gió lưng trời êm ái thoảng
Lặng lẽ nằm nhìn ngắm bóng Ngưu Lang.
VẤN: Cụ Việt Nhân (Orange County) Tôi có nghe sự tích Tử Cống hỏi bậc ẩn sĩ Bảo Tiêu thời Chu rằng: ”Đã không thích đất người mà vẫn ở đất người, đã chống chính trị người mà vẫn chạy đến núp dưới vạc áo rộng của người, đã chống vua người mà vẫn ăn cái lợi của người ban cho”. Chẳng biết câu chuyện đó đầu đuôi như thế nào, xin bà cụ nhắc hộ.
ĐÁP:
Câu chuyện đó như sau:
-”Có bậc ẩn giả thời Chu tên Bảo Tiêu là bậc tài ba thường giữ lòng liêm khiết. Có lần Tử Cống hỏi bậc ẩn giả này: Nghe nói kẻ chống nền chính trị của người thì chẳng bao giờ đến đất của người, ghét vua của người thì không nhận cái lợi của người. Nay kẻ hèn này thấy tiên sinh đạp đất của người, lại ăn cái lợi của người, há lẽ làm như thế mà được sao?”
Thường thì đối với kẻ tiểu nhân thì chống cứ chống, nhưng bên trong lén lút đưa hai tay ra nhận lấy cái lợi của người. Còn với bậc ẩn sĩ như Bảo Tiêu thời nhà Chu thì không bao gờ hành động như vậy.
Bảo Tiêu đã đáp lại lời của Tử Cống:
-”Tôi thường nghe rằng các bậc liêm khiết trọng tiền mà khinh thoái, còn bậc hiền sĩ dễ thẹn mà khinh cái chết.”
Nói xong kẻ ẩn sĩ Bảo Tiêu ôm lấy cây mà tự tận.
Một số người chỉ nhìn thấy cái chết của Bảo Tiêu chẳng khác nào như các cái chết bình thường. Họ đâu có biết rằng kẻ ẩn sĩ này khi chết đã mang theo cái hoài bảo của mình.
Sự tích này xuất xứ ở Chiến Quốc Sách nói về lời lẽ của Lỗ Liên đáp với Tân Viên Diễn.
VẤN: Ông Vũ Văn LA.: Tôi có đọc qua truyện Phan Trần, nhưng giờ thì quên khuấy mất. Xin bà cụ nhắc lại hộ.
ĐÁP:
Truyện Phan Trần xuất xứ từ sự tích bên Trung Hoa vào đời Tịnh Khang và Thiệu Hưng nhà Tống. Nội dung nói về một cuộc tình ngang trái của Phan Sinh và Trần Kiều Liên. Đây là cuộc tình được hai bên cha mẹ kết ước cho hai con từ lúc còn trong thai nghén. Nhưng chẳng may đất nước loạn ly xảy ra, hai gia đình chia cách một thời gian, tưởng chừng như chẳng bao giờ tái hội. Nhưng sau đó đất nước trở lại thanh bình lại được cùng nhau sum họp.
Trong truyện có doạn thuật lại cảnh có thời gian Trần Kiều Liên than thở:
Bởi sinh làm phận nữ nhi
Nghĩ tình buồn tủi, nhớ thì luống thương.
Từ ô chim chóc vật thường,
Còn mong kiếm chốn tìm đường trả ơn.
Mưa sầu gió thảm từng cơn
Dễ ai chực phận thờn bơn một bề v.v..
VẤN: Cụ Nguyễn Thị Hà (Norway): Nghe nói Kinh Dịch chia thành nhiều môn phái để luận giải hầu sử dụng bộ kinh tối cổ này. Bà cụ có biết xin giải thích hộ cho.
ĐÁP:
Đúng như vậy. Nhiều môn phái có sự nhận định khác nhau, như:
1. Theo Nho giáo thì đây là bộ sách bói toán việc cát hung.
2. Theo Phật giáo thì đây là bộ kinh soi sáng thêm con người với Vũ trụ.
3. Theo Mật Tông thì đây là bộ kinh dành để nghiên cứu về sự vận chuyển các từ lực của con người với các đối thể ở chung quanh.
4. Theo Tân Gia Mặc Pháp thì đây là bộ kinh rèn luyện tư tưởng và dùng nó để khắc chế thiên nhiên.
Theo các nhà tư tưởng Tây phương gọi là pho triết học uyên bác có khả năng chuyển cải tư tưởng bất thuần động của nhân loại. Trong các mô phái võ thuật cũng bị những khái luận khác nhau về Kinh Dịch làm thay đổi các tư tưởng võ thuật. Ví như:
Phái Võ Đang với môn huy là Thái Cực, dùng Kinh Dịch để lập thành các chiêu thức như:
- Thái Cực đại tân quyền
- Càn Khôn kiếm
- Hòa Muội phong sơn côn
- Địa tấn thương
- Lôi tù giang hành trảo.
Và, đặc biệt bộ quyền cao đẳng vi diệu nhất của Võ Đang do Trương Tam Phong thọ được 103 tuổi, lúc sắp chết đã minh ngộ để lập thành, sau khi đã tịnh giải được quẻ: Thủy Phong Tĩnh, tức là bộ Thái Cực Quyền gồm 108 thế, chia làm 12 phần, mỗi phần là 9 thế. 12 phần này được chuyển vào 12 kinh mạch của con người.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 109
VẤN: Bà cụ Vũ Quốc Bách, Orange County: Tôi muốn được biết quê quán của Đức Khổng Phu Tử, bà chị biết không?
ĐÁP:
Đức Khổng Tử người Xương Bình, huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông (Hạ lưu sông Hoàng Hà). Ngài là dòng dõi người nước Tống (Hà Nam). Tổ ba đời của Ngài ở nước Lỗ (Sơn Đông). Cha là Thúc Lương Ngột làm quan võ. Người vợ trước sinh được 9 con gái. Vợ thứ sinh một trai tên là Mạnh Bì, người con trai này bị tật què một chân.
Đến lúc về già cưới bà Nhan Thị sinh ra Đức Khổng Tử vào tháng 10 năm Canh Tuất tức năm thứ 21 đời Chu Linh Vương (551 tr CN)
Sau khi sinh đặt tên Khâu tự Trọng Ni. Khổng Tử đưa ra chủ thuyết “Nhân” tức “Hiếu Để”. Ngài bảo rằng: “Nhân không phải chỉ để yêu mà còn cả ghét nữa”.
VẤN: Cháu Vũ Hoàng (Paris France): Bà cụ có nhớ các bài thơ vịnh về Bà Triệu không? Nếu được xin bà cụ cho xin một vài bài bậc nữ lưu anh hùng cứu nước này.
ĐÁP:
Một số bài thơ và tài liệu lịch sử liên quan đến bà Triệu:
BÀI THƠ VỊNH THẤN THẾ
“Cao một trượng cả mưới vừng
Bỏ tóc ngang lưng, vú chấm sừng,
Họp chứng rừng xanh, oai náo nức
Cỡi đầu voi trắng, tiếng vang lừng.
Mác dài trỏ vẫy tan đàn giặc
Ngôi cả lăm le học họ Trưng.
Ví có anh hùng duyên định mấy
Thời chi Đông Hán dám hung hăng”
VỊNH MIẾU BÀ TRIỆU
Miếu tạc bia truyền lẫn khói nhang,
Nghìn thu oanh liệt Triệu kiều quang.
Cờ vàng khởi nghĩa quân Ngô khiếp
Voi trắng tung hoành giặc Lữ tan.
Khăn yếm những mong đền nợ nước
Áo cơm bao quản gánh giang san.
Núi Bồ làm dấu ghi thiên cổ,
Máy Tạo hưng vong cũng khó lường.
Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục
Còn có các bài đồng dao nói về giai thoại thu phục con voi trắng:
“Có bà Triệu tướng,
Vâng lệnh trời ra.
Trị voi một ngà
Dựng cờ mở nước.
Lệnh truyền sau trước,
Theo gót bà Vương”.
Sau khi chiếm được quận Cửu Chân, quân phương Bắc nể phục tôn xưng bà là Lệ Hải Bà Vương, có câu truyền tụng trong sử sách:
Hoành qua đương hổ dị
Đối diện Bà Vương nan.
Nghĩa:
Múa dáo đánh cọp dễ
Đối mặt bà Vương khó.
VẤN: Bà Hồ Thị Vui (Reseda): Có một số chữ trong Tam Tự Kinh mà tôi quên kể từ chữ TRỤ cột, LƯƠNG rường cho đến chữ BÁ bác…Bà cụ nhắc hộ.
ĐÁP:
TRỤ cột, LƯƠNG rường, SÀN giường, TỊCH chiếu, KHIẾM thiếu, DƯ thừa, SỬ bừa, CÚC cuốc, CHÚC đuốc, ĐĂNG đèn, THĂNG lên, GIÁNG xuống, ĐIỀN ruộng, TRẠCH nhà, LÃO gia, ĐỒNG trẻ,TƯỚC sẻ, KÊ gà, NGÃ ta, THA nó, BÁ bác, DI dì v.v..
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 110
VẤN: Thưa cụ, tôi có mấy câu thành ngữ dưới đây, nhờ cụ giải hộ:
1. Ma chử tất châm
2. Nhất phạn thiên kim
3. Thanh xuất ư lam
Xin cám ơn bà cụ.
ĐÁP:
1. Đời nhà Đường có Lý Bạch, thuở thiếu thời thường bỏ bê việc học hành đi rong chơi đây đó để thưởng ngoạn cảnh đẹp của đất trời. Một hôm đến chốn núi non bỗng gặp một bà cụ già cầm cây sắt cặm cụi mài trên mặt tảng đá. Lấy làm lạ, Lý Bạch lên tiếng hỏi:
- Thưa cụ, tại sao bà cụ lấy thanh sắt mài trên đá như vậy?
Bà cụ ngẩng mặt lên mỉm cười nhìn Lý Bạch đáp lời:
- Ta muốn mài cái chày sắt này cho đến khi thành cây kim nhỏ.
Suy nghĩ trong dây lát Lý Bạch tiếp tục hỏi:
- Cháu chưa hiểu rõ ràng, xin bà cụ mở rộng cho đầu óc kẻ ngu dốt này.
Bà cụ bảo:
- Nhược yều công phu thâm, thiết chử ma thành châm”
Câu này ý nói:
”Muốn thành công thì phải làm đến nơi đến chốn.
Hiểu được lời bà lão họ Lý bèn quay trở về quyết tâm lập chí. Lý Bạch thành công. Sau này trở thành một nhà thi hào không ai sánh kịp. Lý Bạch thường bảo:
- Thế thượng vộ nan sự, chỉ phạ hữu tâm nhơn”.
Không có gì khó trên đời này, chỉ sợ lòng người không quyết tâm lập chí. Từ đó có câu:”Ma Chử Tât Châm” có nghĩa mài sắt thành kim.
Thành ngữ ta cũng có câu:
“Hữu chí cảnh thành” hay nói nôm na: “Có Chí Thì Nên”.
2. Nhất Phạn Thiên Kim: Có nghĩa một miếng cơm lúc nghèo khổ đáng giá ngàn vàng. Thành ngữ này phát xuất từ một giai thoại: “Hàn Tín giúp Hán Cao Tổ bình thiên hạ”.
Câu chuyện như sau:
“Thuở bần cùng, Hàn Tín thường đi câu cá, hy vọng gặp được vận khí tốt lập nên sự nghiệp. Nhưng trải qua bao nhiêu nan thác, Hàn Tín vẫn tay trắng trắng tay, lắm lúc phải lao đao đói khát. Một hôm đói lả ngồi tựa tảng đá ven sông tay chân bủn rủn bởi suốt cả ngày chẳng có lấy được miếng cơm trong bụng, bỗng có một bà cụ mang áo quần ra sông giặt, đồng thời mang một đảy cơm theo dành để ăn trưa đi ngang qua nơi tảng đá họ Hàn ngồi.
Bà cụ nhìn thấy Hàn Tín mặt mày xanh mét, biết là đang bị đói, liền đến bên cạnh trao đảy cơm cho ăn.
Hàn Tín ăn xong vô cùng cảm kích bèn nói:
- Khi nào họ Hàn này công thành danh toại, sẽ nhớ mãi ơn này nguyện báo đáp ơn này của Biểu Mẫu.
Bà cụ nhìn Hàn Tín tỏ vẻ không vui, khẽ vái chào rồi bỏ đi không đáp lại. Về sau, Hàn Tín giúp được cho Hán Cao Tổ được phong làm Sở Vương. Nghĩ đến kẻ đã nhịn ăn nhường lại bữa cơm của bà Biểu Mẫu, bèn mang ngàn lượng vàng đến để đền đáp ơn xưa.
Sau này Hàn Tín thường mang câu chuyện này nói với mọi người:
-”Lúc hoạn nạn có người nhường cho miếng cơm, không thể nào quên được”.
Từ đó có câu “Nhất PhạnThiên Kim”.
3. “Thanh Xuất Ư Lam” xuất xứ từ giai thoại:
Nhà Châu có người học hành uyên thâm, tên là Tuân Huống tự là Tuân Tử, sáng tác ra tập sách nhan đề: ”KHUYẾN HỌC THIÊN”. Trong tập sách này có câu: “Thanh sắc thị dụng lam sắc điều thành”, có nghĩa: màu xanh làm từ màu lam ra. Màu xanh thì trông bao giờ cũng đẹp mắt.
Từ sự tích này mới có câu: “Hậu sinh khả úy”
Câu này ý nói học trò sau này còn thành tựu hơn cả thầy dạy nữa. Theo Bắc sử có truyện Ly Bí thuở nhỏ mời ông Khổng Phiên làm thầy dạy mình học. Lý Bí học đâu những nhớ đó chyẳng những vậy mà còn biết làm cho rõ hơn về những lời giảng giải của thầy dạy mình hơn nữa.
Có lần Khổng Phiên nói với Tuân Tử: ”Ta không phải là thầy, mà chính là ngươi đã dạy ta thêm sáng tỏ.”
Vì vậy sau này mới có câu thành ngữ: ”Thanh Xuất Ư Lam”
VẤN: Cụ Bùi Bằng, Virginia: Nghe nói, trong truyền thống thiền học đời nhà Lý có nhiều thơ kệ của các thiền sư, trong đó có nhà vua Lý Nhân Tông làm một bài thơ tả phép mầu của thiền học lúc bấy giờ, bà cụ biết không?
ĐÁP:
Đúng như vậy, nhà vua Lý Nhân Tông đã nhận thấy được tinh thần huyền học lúc bấy giờ đã đạt đến siêu việt. Bằng vào tâm lý ma thuật, tâm lý thần thông và tâm lý nghệ thuật mà nhà vua đã diễn tả bằng bài thơ ngũ ngôn như sau:
“Giác hải tâm như hải
Thông huyền đạo hữu huyền
Thần thông kiêm biến hóa
Nhất Phật nhất Thần Tiên.”
Bài thơ này nhà vua tặng cho thiền sư Giác Hải và đạo sĩ Thông Huyền.
Còn tiếp
THINH QUANG