Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Phiếm luận
NĂM DẦN NÓI CHUYỆN CỌP
PHƯƠNG-ĐÌNH


XUÂN CANH DẦN, CHÚA SƠN LÂM CÓ CÒN LÀ HÙM, HỔ, CỌP?
PHƯƠNG ĐÌNH

Thưa quý bạn Đồng hương,

Xuân Canh Dần (2010) đang bước vào thềm Năm Mới bên Quê Hương Việt Nam của chúng ta với biểu tượng Con Cọp, Hổ, Hùm, một giống vật dũng mãnh, hung hãn thường được gán tên là Chúa Sơn Lâm.

Trong bài này, cố gắng tránh giọng “cà kê”, Phương Đình chỉ lần lượt trình bày các mục:

A. Tự, từ, thành ngữ Hán Việt liên quan đến năm Dần, tuổi Dần.
B. Điển cố, chuyện xưa nay về cọp.
C. Cọp trong lịch sử và văn chương Việt Nam.
 


A. TỰ, TỪ, THÀNH NGỮ HÁN-VIỆT LIÊN QUAN ĐẾN NĂM DẦN, TUỔI DẦN…

- Hổ bảng: Khoa thi lấy được nhiều hiền tài. Bảng trúng tuyển Tiến sĩ.
- Hổ phách: Hòn ngọc hình như con cọp.
- Hổ cốt: Xương cọp.
- Hổ cốt tửu: Rượu xương cọp.
- Hổ cốt cao: Thứ cao nấu bằng xương cọp.
- Hổ cứ: Hổ ngồi. Nghĩa bóng: Địa thế hiểm yếu.
- Hổ đầu: Đầu cọp. Nghĩa bóng: Tướng mạo tốt.
- Hổ giảo: Cọp cắn, cọp ăn.
- Hổ huyệt: Hang cọp, chỗ nguy hiểm.
- Hổ lang: Hổ và chó sói. Nghĩa bóng: Loài hung ác.
- Hổ phù: Phù hiệu ấn tín trong quân (thời xưa).
- Hổ quyền: Chỗ nuôi cọp.
- Hổ trành: Ma cọp. Tục truyền người bị cọp ăn, hồn phụ theo cọp rồi giúp cọp làm hại người khác.
- Hổ trướng: Trướng có vẽ thêu hình cọp ở nơi doanh trại của Nguyên súy đóng.
- Hổ trướng xu cơ: Việc cơ yếu bí mật trong quân (tên bộ Binh thư của Đào Duy Từ)
- Hổ tướng, dũng tướng: Lộ bộ mặt hung dữ như mặt cọp.
- Hổ đầu xà vĩ: Đầu hổ, đuôi rắn; đầu voi đuôi chuột.
- Bất nhập hổ huyệt, bất đắc hổ tử: Không vào hang hổ (thì) không bắt được hổ con.

B. ĐIỂN CỐ, CHUYỆN XƯA NAY VỀ CỌP:

1. Dê di kiếm ăn với Cọp:

Xưa có con cọp ở trong bụi rậm một mình, lấy làm buồn bực lắm. Một hôm, cọp thơ thẩn dạo chơi trên rừng, giữa đường, gặp một con beo cái đàng kia đi lại. Cọp hỏi beo rằng:

-“Chị đi đâu đó?”

Beo đáp:

-“Tôi định đi kiếm một người chồng, kẻo ở cô độc buồn lắm!”

Cọp nghe nói lấy làm mừng rỡ, bảo rằng:

-“Tôi cũng thế. Tôi ở lẻ loi một mình không có gì là vui. Tôi đang muốn đi tìm bạn, thì may sao lại gặp được chị đây. Cái tình cảnh đôi ta thật giống nhau. Hay chị lấy tôi làm chồng có được không? Phải đi đâu mà tìm kiếm ai nữa!”

Beo nghe xuôi tai. Hai bên ý hợp tâm đầu, từ đó lấy nhau làm vợ làm chồng, ăn ở với nhau không bao lâu đã đẻ được ba con nhỏ.
 


Thêm con, miếng ăn tất phải thêm, mà cái trò cứ quanh quẩn mãi một nơi, của ăn mỗi ngày một ít đi, thành mỗi ngày một khó kiếm.

Một hôm, vợ beo mới bảo chồng cọp rằng:

-“Ta mà cứ ở mãi đây, đến khi hết lá, hết lộc đi (đời ấy hổ beo chưa biết ăn thịt) thì rồi chết đói mất. Chi bằng ta phải tìm đường liệu kiếm chốn khác cho được dư dật miếng ăn.”

Cọp chồng nghe theo beo vợ. Rồi một đoàn vợ chồng con cái, năm muông cùng đem nhau đi kiếm ăn. Đi được một lúc, gặp một con Dê. Dê ton ton bước lại nói rằng:

-“Chào ông! Ông đi đâu mà đem cả bà ấy và các cô, các cậu đi theo thế?”

Cọp hỏi:

-“Anh đến làm chi đây mà anh chào tôi định làm gì?”

Dê nói:

-“Tôi thấy ông đem cả gia quyến đi qua đây, tôi chực lại, trước là để mừng ông, sau là để hỏi xem ông đi đâu, có nạp dụng được tôi, thì xin theo hầu làm một tay sai khiến.”

Cọp bảo:

-“Chúng tao đi kiếm ăn đây, ừ, mày có muốn theo thì tao cũng cho theo.”

Dê được nhập bọn, hớn hở vui mừng (cũng như bò được làm bạn với sư tử!).

Sáu con vừa đi hết khu rừng, cọp thấy xa xa có một con hươu, liền bảo dê:

-“Mày phải làm sao bắt con hươu đó cho tao. Mày có họ hàng gì với nó thì phải.”

Dê nói:

-“Thân tôi bé nhỏ, một mình bắt sao được hươu. Phải nhờ có oai hùm của ông giúp vào thì mới xong.”

-“Ừ, mày đi theo tao. Hễ khi nào tao đuổi hươu đến thì mầy phải ra chận đường, chớ cho nó chạy thoát.”
 


Xong rồi, cọp bèn thét lớn tiếng đòi hươu đến, hươu sợ, hươu chạy, nhưng dê ra chận lại. Hươu thấy dê mới nói rằng:

-“Tôi với chú, ta cùng một họ, một làng, sao chú lại nỡ ra chận đường cho tôi phải chết vì chú thế nầy?”

-“Không, bác nghĩ lầm rồi. Tôi đến đây là để cứu bác. Bác cứ đứng lại đây nói chuyện, can chi đâu mà ngại.”

Hươu còn đang tần ngần chưa biết bụng dê thực giả thế nào, mới đứng lại. Thì cọp đâu thình lình đã lẻn gần tới sau lưng. Nhanh như chớp, hươu than:

-“Chú hại tôi! Chú giết tôi! Đừng giữ tôi thì tôi chạy thoát rồi. Bây giờ chú tính sao cho tôi đây?”

Dê uốn lưỡi nói:

-“Tôi tưởng ông ấy còn ở xa, ai ngờ ông ta có phép gì mà đã tới đây như thế. Bác sợ ông ấy, tôi cũng sợ ông ấy lắm. Bác chết đã đành, mà cái thân tôi biết đã thoát được nanh vuốt của ông ấy không!”

Nói xong, dê lánh sang một bên để cọp nhảy đến vồ lấy lấy hươu mà cấu, mà cắn rất dữ dội. Lúc ngắc ngoải sắp chết, hươu còn ráng quay đầu lại nhìn dê, thực thà bảo:

-“Chú dê ơi, tôi đành chết vậy, còn chú muốn tránh khỏi thì hãy mau mau chạy đi.”

Lúc hươu chết thật rồi, cọp xé hươu ra, chia làm ba phần và bảo dê:

-“Đây, tao một phần, bà và các cô cậu một phần, còn một phần cho mầy.”

Nói xong, cọp và vợ con của cọp ngồi nghiến ngấu chỉ trong nháy mắt bao nhiêu thịt đều hết sạch. Còn dê cứ ngồi nhấm nháp mãi, chỉ ăn được một ít thôi.

Cọp thấy vậy bảo dê rằng:

-“Sao mầy ăn lâu thế? Hay tại mầy bé nhỏ nên ăn ít? Hay tại mầy không thích món thịt hươu? Để tao bảo mầy: Bây giờ cái phần của mầy đem ra đây, tao chia ra ba, tao ăn hai phần, còn mầy ăn một phần thôi, mà như thế cũng không chắc gì là mầy có thể ăn hết được.”

 

Dê tiếc lắm mà không dám cãi. Cọp lại ăn một lúc hết hai phần, còn dê có mỗi một phần mà gặm nhá mãi chưa xong. Cọp thấy vậy lại bảo:

-“Thằng nầy không biết ăn thịt hươu rồi. Cái phần của mầy vẫn còn nguyên vẹn. Mà giờ đây, bà và các cô cậu vẫn còn thèm, mầy phải đưa một ít để người ta ăn đỡ.”

Chia xong, dê năn nỉ cọp:

-“Thôi, tôi còn ít nầy, để thong thả cho tôi nuốt. Răng tôi yếu, tôi phải nhằn từng tí một. Xin ông đừng chia nữa nhé!”

Cọp giơ vuốt, nhe nanh bảo:

-“Cái thằng nầy, mầy ăn mãi không hết, người ta thấy, người ta ăn hộ làm phúc, lại còn lếu láo gì! Còn một ít đó, mầy đưa đây để tao cùng ăn cho chóng hết đi, kẻo ngứa mắt tao lắm.”

Dê van lạy nói:

-“Thôi, còn chút đây, xin ông để cho tôi ăn, ông đừng xơi nữa. Xin ông khoan tâm nghĩ lại: Tôi cũng có không ít khó nhọc vào đấy mới được chút thịt nầy, bây giờ mà ông xơi hết thì tôi đói mất!”

Cọp nghe nói, gầm lên:

-“À, cái thằng nầy giở lý sự, công vối cốc gì mầy! Nhọc với mệt đâu đến mầy! Mầy không đưa tao ăn nốt chỗ ấy, thì tao ăn thịt luôn cả mầy bây giờ.”

Dê run cầm cập, vội vàng còn bao nhiêu thịt đưa ngay cả cho cọp, rồi vừa lùi vừa nói rằng:

-“Vâng, thì mời ông xơi nốt. Tôi xin ông tôi về.”

Rồi dê cắm đầu lủi thủi bỏ đi, không dám nghĩ đến thịt người đồng hương nữa.

Trên đây là một bài ngụ ngôn trong “Truyện cổ nước Nam” của soạn giả Nguyễn Văn Ngọc (xuất bản tại Hà Nội năm 1932).

“Kinh nghiệm rút ra từ các ngụ ngôn nầy thật rõ ràng: Không bao giờ có thể thỏa hiệp với bạo quyền vô nhân đạo một cách an toàn được.



 

“Khuôn khổ bài nầy có hạn định, nên chỉ có thể trình bày một số đặc điểm căn bản về nhận thức quan của người dân Việt qua các truyện kể dân gian tiêu biểu nhất mà thôi, một nhận thức với cái nhìn thật toàn diện, luôn đề phòng sự khiếm khuyết của giác quan, của thành kiến chủ quan, của sự tự tôn tự đại mù quáng trước các giá trị tương đối của sự vật, của lối học sách vở xa rời thực tế, của hành vi vô liêm sỉ thỏa hiệp với quân cướp nước gian trá, bạo ngược để mưu cầu lợi lộc hão huyền.

“Một nhận thức quan đã giúp cho dân Việt ứng xử được sáng suốt, chừng mực, thực tế trong công cuộc chống xâm lăng, bảo tồn đất đai, duy trì nòi giống cho đến ngày nay.”

(Đoạn trên ghi một phần nhận định cơ bản qua tác phẩm Tình tự Dân Tộc của thầy Võ Thu Tịnh do Xuân Thu xuất bản năm 1999)

2. Cọp cũng không sợ ngựa:

Một hôm, có con ngựa đang ăn trong núi, thân thể to lớn, tính khí dữ tợn, hễ thấy loài nào là miệng nó thét cắn ầm ỹ, chân nó hất đá lung tung, cho nên không loài nào dám đến gần nó cả.

Có con cọp rình muốn bắt ngựa. Nhưng thấy ngựa cao lênh khênh hơn mình, lại có nghề tài đá hất giỏi, nên cọp sợ, cọp ngồi núp một xó bụi để xem ngựa giở những trò trống gì. Một lúc lâu thấy ngựa im, chỉ phe phẩy qua cái đuôi dài, hay lắc cái cổ bờm tua tủa sang bên nọ rồi lại vắt sang bên kia.

Cọp chạy đến, giả vờ như muốn xông vào bắt ngựa. Thì thấy ngựa thét thật hung mà hai chân sau đá lên thực cao. Cọp có ý sợ, lùi lại…Lại thấy ngựa im.

Đợi một chốc, cọp lại chạy tới, giả vờ như muốn xông vào bắt ngựa lần nữa, thì lại thấy ngựa thét, ngựa đá hai chân sau.

Cọp ta không có ý sợ nữa. Cọp ngồi nhìn một chốc, rồi lại xông ra như muốn bắt. Thì lại thấy ngựa chỉ thét dữ với đá hai chân sau lồng lên thôi.

Nghĩ đoạn, cọp xông vào bắt ngựa, thì quả bắt được ngay, ngựa không có cách gì mà chống lại.

(Theo “Truyện cổ nước Nam” của cụ Nguyễn Văn Ngọc, trang 361-362)
 


3. Hồ mượn oai Hổ:

Vua Tuyên Vương làm vua cả nước Sở. Chiêu-Hề-Tuất chỉ là một người bầy tôi vua Tuyên Vương. Thế mà người phương Bắc ai nghe thấy nói Chiêu-Hề-Tuất cũng phải kinh sợ. Vua lấy làm lạ, một hôm hỏi quần thần là vì cớ làm sao. Không ai trả lời nổi. Chỉ có Giang-Nhất thưa được rằng:

-“Con hổ hay bắt các giống thú để ăn thịt. Một hôm bắt được con hồ (chồn, cáo). Hồ bảo: “Liệu đó! Chớ có động chạm đến ta mà chết ngay bây giờ. Ta là Trời sai xuống, cầm quyền coi hết cả bách thú. Ngươi mà ăn thịt ta, là ngươi trái mệnh Trời, hại đến thân ngay lập tức. Không tin, thử để ta đi trước, ngươi đi theo hầu sau, xem có con thú nào thấy ta mà không sợ hãi, tìm đường trốn cho mau không!”

Hổ cho là hồ nói thật, bèn theo hồ đi. Quả nhiên bách thú trông thấy đều sợ mà chạy cả. Hổ vẫn không biết rằng bách thú đều sợ mình mà chạy, cứ tưởng là sợ hồ. Nay nhà vua nước mạnh, quân nhiều mà vua giao cả quyền thế cho Chiêu-Hề-Tuất, người phương Bắc sợ Hề-Tuất, nhưng kỳ thực là sợ vua cũng như bách thú sợ hổ vậy.”

Lời bàn:

Bài này cũng như bài ngụ ngôn “Lừa đội lốt sư tử” cốt ý nói những kẻ thần hạ mượn quyền thế người trên để hống hách dọa nạt người ta. Nhưng nếu người ta không biết, thì người ta còn sợ, chứ khi “hổ mà thèm cỏ, lừa mà thò tai” thì chẳng những người ta đem lòng khinh bỉ mà người ta còn làm cho đê nhục để cho bõ ghét.

(Theo Cổ Học Tinh Hoa của cụ Nguyễn Văn Ngọc, xuất bản 1925)

C. CỌP TRONG LỊCH SỬ VÀ VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM

1. Cọp ở Quảng Ngãi:

a/ Theo “Đại Nam chính biên liệt truyện” chép rằng: Ở tỉnh Quảng Ngãi, nhân dân miền núi thường bị cọp vằn đen quấy nhiễu, sát hại. Người ta đào hầm, cạm bẫy, săn bắn mà không làm sao trừ được con cọp đó. Ngày nọ, Tả quân Lê Văn Duyệt đóng quân gần đền Trấn Bắc (thờ ông Bùi Tá Hán) khiến quân làm một cái cũi lớn đem đặt trước đền, gần bên núi rồi ông khấn vái xin thần đền Trấn Bắc giúp cho:

-“Con hổ làm hại nhân dân thì thần linh ở đây cũng có trách nhiệm. Như Thần mà có linh thật thì xin Thần làm sao cho con hổ nọ vào trong cái cũi nầy.”
 


Qua một đêm, sáng ngày sau, quan quân đều ngạc nhiên thấy một con cọp vằn đen nằm phục bên đền. Tả quân hạ lệnh quân lính bao vây thì thấy tự nhiên con hổ cứ từ từ đi vào trong cũi mà không có hùm hét cắn xé chi cả! Mọi người đều cảm thức có thần Bùi Tá Hán hỗ trợ thành công mỹ mãn.

b/ Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” của ta chép:

“Ở thôn Xuân Sơn, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đời Gia Long có con cọp trắng (bạch hổ) bảo vệ làng nầy, chống lại bọn Mọi quấy nhiễu, chống lại những cọp khác và theo dân làng xin cá mà ăn. Dân làng viết bằng khoán bầu cọp làm ông Hương Cả, mỗi khi cúng tế đều có dâng đầu heo cho cọp, ban đêm về ăn. Sau ngày cọp chết có ứng vào xác đồng, dân làng có lập đền thờ gọi là đền Kha Hổ”.

2. Cọp có nhiều liên hệ với nhà cách mạng Tăng Bạt Hổ:

Nhà cách mạng Tăng Bạt Hổ hiệu là Điền Bát, suốt đời tranh đấu cho chính nghĩa quốc gia, nêu cao tinh thần dân tộc suốt thời kỳ Pháp thuộc. Quê quán làng An Thường, xã An Thạnh, quận Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông tên thật là Lê Thiệu Hổ, làm Tán tương Quân vụ cho chiến tướng Mai Xuân Thưởng, lãnh tụ Cần vương ở Bình Định. Đến năm 1887, khi thất bại trong nước, ông bèn trốn ra hải ngoại, hăng hái hoạt động, thường xuyên liên lạc và cổ động nhân sĩ xuất dương.

Năm 1904, ông cùng đi với chí sĩ Phan Bội Châu sang Nhật, gặp các chính khách Nhật Bản như Khuyển Dưỡng Nghị và Đại-Ôi Trọng-Tín bàn định việc đưa Kỳ Ngoại hầu Cường Để từ quốc nội sang Đông Kinh. Sau đó, ông sống ở hải ngoại, thường đi lại các nước Trung Quốc, Xiêm La rồi lại sang Nhật.

Năm 1914 lại bí mật về nước hoạt động, tá túc nơi nhà cụ Cử Võ Bá Hạp, bạn của cụ Sào Nam, rồi lâm bệnh thổ tả mà chết trong cơn lụt bão. Cụ Cử Võ phải chèo ghe mai táng nơi gò Bao Vinh, nhưng gặp nhiều khó khăn khi đắp đất vì quan tài cứ nổi lềnh bềnh trong mộ huyệt.

Vào khoảng 1936, cụ Sào Nam lúc đó bị an trí ở Bến Ngự (Huế) trong một nhà tranh nhìn ra sông Phủ Cam, có chiếc đò lịch sử và cây sung soi bóng quanh năm, thỉnh thoảng về Bao Vinh thăm cụ Cử Võ, và một lần nọ Cụ có đem theo một tấm bia đúc bằng xi-măng. Cụ Phan gọi hai người con trai của cụ Cử Võ xuống thuyền khuân tấm mộ bia lên nhà để chờ ngày lành tháng tốt đem dựng nơi mộ cụ Tăng Bạt Hổ vì mộ vẫn còn vô danh vì sợ Tây biết. Tấm bia nầy có ghi bút tích của cụ Phan là “Lê Thiệu Dần chi mộ” (dùng chữ Dần thế chữ Hổ vì vốn còn sợ Tây lùng ra tung tích!)

Năm 1957, thi hữu Vũ Tùng Chi cùng một số nhân sĩ ba Kỳ đã góp xây một ngôi nhà gạch ngói nơi bờ sông Bến Ngự Phủ Cam dùng làm ngôi nhà thờ gọi là Từ đường Phan Bội Châu và liệt sĩ cách mạng trên khoảnh đất vườn cũ của cụ Phan, đồng thời đã dời mộ cụ Tăng Bạt Hổ trọng táng tại đó, với mộ chí “Điền Bát tử Tăng Bạt Hổ chi mộ”.

Đã nhiều lần Cụ đánh nhau với cọp nơi rừng rậm đèo cao với chiếc roi dâu, một thứ roi mà cọp rất sợ vì nó phát ra một thứ siêu thanh (ultra-son) có hiệu lực hơn cả súng đạn. Cho nên lúc đó trong ba quân ai cũng gọi là Bạt Hổ Tướng Quân.
 

…Hồi cuối thế kỷ 19, sau Phong trào Cần Vương thì có Phong trào Đông Du với Đông Kinh Nghĩa Thục. Rồi tiếp nối có Phong trào Đông Độ (cũng như Đông Du) rồi đến Việt Nam Quang Phục Hội. Cụ Lê Thiệu Hổ được giao phó trọng trách bí mật hướng dẫn thanh niên Việt Nam xuất ngoại du học. Từ lần đầu, dùng đường dây Hòn Gay vượt biên giới sang Quảng Tây (Trung Hoa), có một làng Tàu mộ đạo Thiên Chúa. Cụ phải cải trang làm Linh mục đọc kinh, làm lễ để lấy cảm tình với địa phương mà giao phó thanh niên cho họ, đợi ngày lên tàu vượt biển. Sau đường dây bị lộ, cụ Lê chuyển hướng, dùng đường biên giới Hoa Miến và Lào Việt để đưa học sinh sang Miến Điện hoặc Ai Lao vượt sông Mékong sang Xiêm La, rồi từ đó sang Trung Hoa hay là Nhật Bản. Mỗi lần phiêu lưu như vậy, cụ Lê lại phải cải trang làm thầy Tăng mặc áo cà-sa vàng, gõ mõ tụng kinh, khất thực như thầy tu của Tiểu Thừa. Và từ đó, các đồng chí lại gọi cụ Lê bằng cụ Tăng.

Lúc cụ Tăng Bạt Hổ từ trần, các nhân sĩ từ Bắc chí Nam đều sụt sùi thương tiếc.

(Riêng trong Tiểu mục C “Cọp trong lịch sử và văn chương Việt Nam” đã tra cứu bài biên khảo của cụ Hương Giang Thái Văn Kiểm qua Việt Nam Gấm Hoa do Làng Văn xuất bản năm 1997).

* * *

Cuộc mạn nhàn đàm về Cọp, Hổ, Hùm nhân dịp đầu Xuân Canh Dần đến đây tạm đủ chăng?

Nhân dịp Tân Niên dù Xuân có về bên Quê Mẹ bên kia bờ Thái Bình Dương, Phương Đình xin cầu chúc Quý Bạn vạn sự tốt lành.

Manchester, New Hampshire
PHƯƠNG ĐÌNH 

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh