Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
NÚI ẤN QUÊ MÌNH
LÊ NGUYỄN THỨ LANG


Tôi còn nhớ cái hồi mới chín mười tuổi, cứ vài ba tuần, vào một buổi tối thứ bảy rảnh rỗi nào đó, cha tôi lại giở một cuốn sách cũ mèm có tên là Quốc Văn Giáo Khoa Thư tìm đọc một bài rồi giảng nghĩa rõ ràng từng chữ từng câu, kể lại từng sự tích cho chị em tôi hiểu. Tôi còn nhớ như in có một tối đọc hết bài “Chỗ quê hương đẹp hơn cả”, cha tôi bắt chị em tôi phải đọc đi đọc lại mỗi đứa hai lần. Sau khi chị em tôi đọc xong, cha tôi mới chậm rãi giảng giải từng câu, từng chữ trong bài có vẻ cảm động lắm. Cha tôi đã nói đi đâu thời đi, ở đâu thời ở, đất lành thời chim đậu, nhưng chớ bao giờ được quên quê hương xứ sở của mình. Người ta vẫn nói quê hương là quê cha đất tổ của mình là đúng lắm. Vì Quê Hương là nơi mình chôn nhau cắt rún. Vì Quê Hương là nơi có mồ mả của ông bà tổ tiên. Vì Quê Hương là nơi có bà con ruột thịt, chòm xóm láng giềng, anh em bè bạn đã để lại cho mình bao nhiêu là kỷ niệm vui buồn trong cuộc sống.

Hồi còn nhỏ tôi đâu có biết gì nhiều về tình yêu quê hương, nhưng những lời dạy của cha tôi như in trong trí não của tôi cho mãi tới cái ngày phải xa đất nước mới thấy thấm thía.

Sau biến cố 30-4 đau thương của đất nước, cha mẹ tôi lần lượt quy tiên, rồi cũng vì vận mạng đất nước, ở cái tuổi 24, 25 tôi đã phải liều mình bỏ xứ mà đi tạm dung nơi quê người. Trong khoảng thời gian đầu nơi xứ sở xa lạ này, hình ảnh quê hương cứ hằng đêm hiện về, khiến nỗi nhớ quê hương sao mà da diết quá. Nhớ quay nhớ quắt. Nhiều đêm trằn trọc ngủ không được cũng chỉ vì những hình ảnh ngày xưa của quê hương hiện về mồn một trong tâm tưởng.

Trong những năm đầu trên đất Mỹ tôi gần như tuyệt vọng, nghĩ mình không có cách nào được trở về để thăm lại quê hương. Càng tuyệt vọng nỗi thương nhớ quê hương lại càng da diết hơn. Vậy mà rồi, đùng một cái, tình hình có phần xoay chuyển. Chuyện về thăm quê hương không còn là chuyện mò kim đáy biển nữa. Một người về, rồi năm bảy người rủ nhau về. Lúc đầu còn khó khăn nhưng mọi việc rồi cũng êm xuôi. Cách đây mươi năm tôi cũng đã theo mấy người bạn về thăm quê. Và mới vài năm trước đây, tôi lại về thăm quê lần nữa. Ngoài việc xây lại ngôi mộ cho song thân, thời gian còn lại tôi đã đi thăm thú nhiều nơi. Và cái nơi đã gây cho tôi nhiều cảm động nhất, đó là đi thăm chùa Thiên Ấn. Bởi vì Thiên Ấn đã gợi lại cho tôi bao nhiêu kỷ niệm của tuổi học trò, của tuổi thanh niên.

Sau khi thăm Thiên Ấn về, tôi đã thực sự bị xúc động vì một vài đổi thay ở nơi này. Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng được xây lại có vẻ khang trang hơn nhưng tôi vẫn thích cái ngôi mộ ngày xưa đã được xây lên từ tấm lòng mến mộ chân thực của các nhân sĩ Quảng Ngãi thời bấy giờ. Cái đại hồng chung của một giai thoại đầy linh thiêng huyền bí đã ngân nga để thức tỉnh lòng người hơn một thế kỷ rưỡi nay nghe đâu đã được thay thế bởi một cái đại hồng chung mới của một “đại gia”(!) nào đó cúng dường!? Rồi ngôi tháp của Đệ Nhất Tổ cũng được thay thế bởi một ngôi tháp đồ sộ, quá mức đồ sộ, nghe đâu tiêu phí trên vài tỷ bạc Việt Nam là của bà con người Quảng Ngãi mình ở Canada đóng góp xây nên. Cái lẽ sinh trụ hoại diệt, cái lý vô thường như ẩn hiện đâu đây trong từng ngọn cỏ, gốc cây. Ôi! Cảm khái biết chừng nào!

Rồi từ những suy nghĩ miên man về cái lẽ sinh trụ hoại diệt, cái lý vô thường đó, hốt nhiên tôi nhớ lại những câu hò câu hát ngày xưa có liên quan đến Thiên Ấn mà mẹ tôi vẫn thường hát một mình vào mỗi buổi trưa hè khi nằm trên chiếc võng mắc ngoài vườn sau nhà và những bài thơ đề vịnh Thiên Ấn mà trong số đó có những bài cha tôi vẫn thường ngâm nga thuở người còn làm thầy giáo dạy lũ trẻ lớp nhì, lớp nhất trường làng và một số sau này tôi đã ghi lại trong sách báo hay trên mạng internet để ngâm nga cho khuây khỏa mỗi khi buồn nhớ quê hương.

Tôi sẽ ghi lại những câu hò câu hát, những bài thơ đó (không nhiều đâu, tôi biết làm sao cho hết được!) để cho anh em bằng hữu của tôi, bà con đồng hương của tôi và nhất là lớp con cháu của tôi tìm đọc mà nhớ về quê cha đất tổ của mình!

Quả thiệt, nói về Quảng Ngãi, làm sao không nhắc đến Thiên Ấn cho được, cho dầu nó chỉ là một ngọn núi chỉ cao khoảng hơn 100 thước tây nằm về phía bắc con sông Trà Khúc, nhưng chính nó đã tạo nên cái thắng cảnh đẹp tuyệt trần của quê hương Quảng Ngãi mình: Thiên Ấn niêm hà – hai chữ “niêm hà” đặt sau tên Thiên Ấn là do Đạm Am Nguyễn Cư Trinh đặt cho khi ông về làm tuần vũ Quảng Ngãi năm 1750 như còn vang vọng mãi cho tới ngàn sau.

Thiên Ấn là một ngọn núi thiêng. Phương ngữ có câu: “Hòn Ấn lấn hòn Bút” quả không phải chỉ là một nhận xét có vẻ bỉ thử hay hời hợt lắm đâu. Cái “ấn” công hầu quả có nghiêng về phía Sơn Tịnh quê tôi. Người khai khoa cho khoa bảng Quảng Ngãi là ông Trương Đăng Quế, người Tịnh Khê, về sau làm quan lên đến Phụ chính Đại thần, “lưỡng triều cố mạng lương thần” đứng đầu triều đình thời vua Thiệu Trị và Tự Đức.

Cái hòn núi thiêng Thiên Ấn này nằm bên cạnh con sông Trà dòng nước trong xanh kia đã tạo nên biểu tượng “Quê Hương Núi Ấn Sông Trà” mỗi khi nhắc đến Quảng Ngãi:

Ai về núi Ấn sông Trà
Có thương em bậu ghé nhà mà thăm.

Cái hình ảnh núi Ấn sông Trà thân thương đó đã là niềm nhớ nhung khắc khoải cho bao nhiêu tâm hồn nhà thơ xứ Quảng mỗi khi nhắc đến quê hương ngàn dặm xa vời. Nhắc đến núi Ấn là phải nhắc đến sông Trà như nhắc đến hình ảnh của một đôi tình nhân quấn quít bên nhau trọn đời không rời nhau nửa bước.

Nhắc đến núi Ấn là nhắc đến sông Trà, bởi lẽ núi Ấn sông Trà là biểu tượng của một quê hương mãi mãi bền vững trường tồn:

Ấn sơn, Bút lĩnh non càng vững
Vệ thủy, Trà giang sóng chửa nhòa
(Phương Đình Lương Thế Lịch)

Nhắc đến núi Ấn là nhắc đến sông Trà, bởi lẽ núi Ấn sông Trà là biểu tượng của tình đoàn kết keo sơn của con dân đất Quảng dù có phải sống tha hương nơi góc bể chân trời:
Thiên Ấn mây gom tình đất mẹ
Sông Trà nước tụ nghĩa anh em
(Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích)

Nhắc đến núi Ấn là nhắc đến sông Trà, bởi lẽ núi Ấn sông Trà là niềm hãnh diện của con dân đất Quảng mỗi lần được dịp nhắc đến mảnh đất thân yêu:

Em thấy quê anh núi Ấn sông Trà
Đẹp quá nhỉ, cúi đầu hôn đất Quảng
(Đỗ Vĩnh Khanh)

Bởi vì hình ảnh của núi Ấn sông Trà xinh đẹp biết bao nhiêu, quyến rũ biết bao nhiêu:

Mây núi Bút phiêu phiêu về đỉnh Ấn
Dòng Trà giang lừng lững chảy bên trời
(Trần Hậu)

Đỉnh Ấn mây vần đàn én lượn
Sông Trà sóng vỗ cánh diều bay
(Phương Đình Lương Thế Lịch)

Bây giờ xa quê, hình ảnh của ngọn núi quê hương – Thiên Ấn, hình ảnh của dòng sông quê hương – Trà Khúc, lại hiện về với bao niềm khắc khoải mênh mang:

Lâu lắm rồi không về thăm xứ Quảng
Ôi, thương làm sao và nhớ làm sao!
Trà giang hỡi, nước còn trong như cũ?
Liễu còn xanh đỉnh Ấn của năm nào?
(Thiên Hà Nguyễn Toản)

Ngọn núi xưa đó, dòng sông xưa đó đã hơn một lần níu gót khách tha phương:

Trời Quảng Ngãi vấn vương niềm thương nhớ
Bóng đỉnh Ấn nghiêng dòng xanh nức nở
Bến Trà Giang sóng nước ngại ngùng trôi
(Phương Đình Lương Thế Lịch)

Lại nhớ về những ngày đầu ngậm ngùi chia tay mảnh đất quê hương, chia tay núi Ấn sông Trà ngàn đời thương nhớ:

Rời xứ Quảng với bao niềm lưu luyến
Nhớ nước sông Trà từng in bóng hình ai
Nhớ lúc ra đi nhìn Thiên Ấn ban mai
Như mờ nhạt trong làn sương sớm
(Trần Đơn)

Và hẳn rằng sẽ có một ngày, một ngày nào đó không xa, chúng ta sẽ trở về, chúng ta sẽ trở về mang theo đàn con trưởng thành trên xứ người, hãy chỉ cho con này đây ngọn núi quê hương, này đây dòng sông quê hương – quê hương núi Ấn sông Trà sẽ vỗ về ấp yêu những đứa con nơi đất khách quê người đang tìm về với quê cha đất tổ:

Lỡ mai mốt dắt con về Trà Khúc
Nhìn Long Đầu, Thiên Ấn đứng trơ vơ
Hãy bảo con rằng: Đây là di chúc
Như dòng sông con nước ấp yêu bờ…
(Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn)

Ôi! Tôi muốn bắt chước người xưa mà hỏi: “Núi bao nhiêu tuổi? (gọi là núi non)”. Ừ, Thiên Ấn của tôi đã bao nhiêu tuổi? Đã bao nhiêu triệu năm rồi Thiên Ấn có mặt trên mảnh đất quê hương thân yêu này? Nào ai biết được. Và những rẫy tranh vẫn rập rờn theo từng cơn gió đong đưa đã “sinh trụ hoại diệt” qua bao nhiêu đời rồi? Cũng không ai biết được. Cứ sinh rồi lại diệt. Diệt rồi lại sinh.Và rồi, từ bao đời nay những rẫy tranh tạo nên màu sắc kỳ lạ cho Thiên Ấn kia vẫn mãi mãi trường tồn bất diệt trong những câu hát dân gian:

Bao giờ núi Ấn hết tranh
Sông Trà hết nước anh mới đành xa em!

Anh con trai xứ Quảng mình sao mà chung tình quá vậy cà! Tranh núi Ấn làm sao mà hết cho được! Nước sông Trà làm sao mà cạn cho được! Tranh núi Ấn vẫn còn đó, nước sông Trà vẫn còn kia thì tình anh yêu em làm sao mà hết cho được, anh làm sao đành lòng xa em cho được, phải không?

Và những rẫy tranh xanh rờn khi còn non hay vàng óng lúc về già nọ vẫn mãi mãi là chứng nhân cho những người yêu chung thủy, sống chết với tình – để cho người con gái quê tôi mượn hình ảnh của tranh Thiên Ấn mà nói lên lòng chung thủy sống chết của mình với người yêu:

Ngó lên Thiên Ấn nhiều tranh
Liều mình lén mẹ theo anh phen này.

Rồi cứ phân vân hoài vì cái tên Thiên Ấn! Phải rồi. Cái tên Thiên Ấn có tự bao giờ trên bản đồ của của tổ quốc Việt Nam?

Khi Nguyễn Cư Trinh về trấn nhận chức tuần vũ Quảng Ngãi vào năm 1750, thì trước đó hơn năm mươi năm, một nhà sư trẻ mới khoảng ngoài 20 tuổi, tên Lê Diệt (Duyệt) tức Pháp Hóa thiền sư người tỉnh Phúc Kiến bên Trung Hoa đã đến Quảng Ngãi và vào năm 1694 đã chọn Thiên Ấn làm nơi hoằng dương Phật pháp và ngài đã cho dựng trên đỉnh Thiên Ấn một ngôi thảo am và sau đó hơn 20 năm, vào năm 1716, Ngài đã cho trùng tu ngôi chùa thật khang trang để làm nơi cho thiện nam tín nữ đến chiêm bái và học Đạo, và ngay trong năm này đã được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho biển ngạch “Sắc tứ Thiên Ấn tự”. Vậy thì, cái tên Thiên Ấn vừa thiêng liêng vừa nên thơ đó phải đã xuất hiện trên bản đồ Tổ Quốc trước khi Pháp Hóa thiền sư đến dựng ngôi thảo am.

Vậy thì, cái tên Thiên Ấn có tự bao giờ? Hình như chưa có ai tìm hiểu cặn kẽ về điều này. Chỉ biết rằng, vào cuối thế kỷ thứ 17, núi đã có tên Thiên Ấn, đến năm Minh Mạng thứ 11 (1830), Thiên Ấn đã được khắc hình vào cửu đỉnh đặt ở Đại nội trong kinh thành Huế, và đến năm Tự Đức thứ 3 (1850), Thiên Ấn được liệt vào hàng danh sơn đồng thời được ghi tên vào Tự Điển

Và trước khi được gọi bằng cái tên Thiên Ấn thì ngọn núi thân thương này đã được gọi bằng tên gì? Cứ theo như ông Phạm Trung Việt người thị xã Quảng Ngãi trong tác phẩm “Non nước xứ Quảng”, thì Thiên Ấn còn được gọi là núi Hó và cái tên này là tên đã có từ cái thời người Chiêm Thành còn là chủ nhân ông của mảnh đất Cổ Lũy Động mà vào mấy năm đầu thế thứ 15, lần đầu tiên người Việt Nam chúng ta đặt chân đến đây và có thể từ 3 thập niên cuối của thế kỷ thứ 15 người dân Việt chúng ta mới thực sự lũ lượt kéo nhau vô vùng đất mới này để sinh cơ lập nghiệp.

Trong dân gian vẫn gọi bằng cái tên núi Hó có vẻ nôm na mặc dầu không hiểu Hó nghĩa là gì. Ờ, Hó nghĩa là gì vậy? Không hiểu nhưng cũng không ai thắc mắc. Cứ tự nhiên mà gọi một cách hết sức thân thương, vô cùng gần gũi: núi Hó.

Sớm mai xuống Quán Cơm
Thấy hòn núi Hó
Chiều về Đồng Có
Nhìn ngọn núi Tròn
Về nhà than với chồng con
Ra đi gan nát, dạ mòn vì đâu?

Và từ sau khi ngôi thảo am của Pháp Hóa thiền sư được trùng tu và đã được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho biển ngạch “Sắc tứ Thiên Ấn tự” vào năm 1717, thì cũng từ đó ngôi chùa trên hòn núi Hó tức núi Thiên Ấn đã trở thành nơi chứng minh cho bao cuộc tình duyên hợp tan tan hợp với những lời nguyện cầu của đôi lứa thương yêu nhau mãi mãi được vuông tròn:

Qua chùa núi Hó
Thắp bó nhang vàng
Xin cho bạn cũ lai hoàn như xưa
Trông trời chẳng thấy trời mưa
Rồng đi lấy nước rồng chưa trở về
Lựu tìm đào, đào chẳng tìm lê
Lên non tìm quế quế về rừng xanh
Trách ai treo ngọn thắt ngành
Cho chàng xa thiếp, cho anh xa nàng.

Và cũng từ đó, chùa Thiên Ấn thỉnh thoảng cũng làm nơi nương tựa của những kẻ tuyệt vọng vì tình, trắc trở vì tình muốn tìm nơi am thanh cảnh vắng để khuây khỏa nỗi lòng sầu muộn:

Con mèo trèo lên tấm vách
Con chó dưới ngạch ấm ách chó tru
Thương anh kẻ oán người thù
Lên chùa Thiên Ấn mà tu cho rồi!

Bên cạnh ngôi chùa hơn ba trăm năm tuổi còn vang vọng những câu chuyện linh thiêng của giếng nước cạnh chùa và quả đại hồng chung đã hơn 150 năm thức tỉnh lòng trần tìm về bến giác. Dân gian làm sao quên được câu chuyện đệ nhất tổ Pháp Hóa sau khi dựng xong ngôi thảo am đã tâm nguyện đào giếng nước cạnh chùa và trong lúc nhà sư trẻ Pháp Hóa đang hì hục đào giếng thì có một nhà sư trẻ khác không biết từ đâu đã dừng gót vân du trên đỉnh đồi Thiên Ấn xin cùng Pháp Hóa đào giếng. Khi giếng có mạch nước đầu tiên thì vị sư trẻ cũng đã dời gót vân du không để lại hình tích để cho dân gian mãi mãi ngậm ngùi thương tiếc:

Ông thầy đào giếng trên non
Đến khi có nước không còn tăm hơi

Rồi còn câu chuyện “chuông thần” nữa, rằng vào một ngày mùa Xuân năm Ất Tỵ (1845), trong lúc đang thiền định, thiền sư Bảo Ấn chợt thấy bóng một vị bồ tát thị hiện trước mặt và bảo thiền sư hãy vào làng Chú Tượng huyện Mộ Đức để thỉnh cỗ đại hồng chung của làng này. Sau khi xuất định, ngài sai vị sư trẻ Điền Tọa tìm vào Chú Tượng để thỉnh cỗ đại hồng chung. Vào đến nơi, sư Điền Tọa mới biết rằng, Chú Tượng là một làng chuyên về nghề đúc đồng ; vậy mà, khi đúc cỗ đại hồng chung cho làng thì lại đánh không kêu và làng định phá chuông đúc lại. Dù biết chuông không kêu, sư Điền Tọa cũng nài nỉ xin thỉnh cỗ đại hồng chung này về Thiên Ấn tự và chức việc làng Chú Tượng bằng lòng. Và rồi, với lòng thành tâm chú nguyện của một bậc chân tu đại giác, sau khi trì chú, thiền sư Bảo Ấn cầm chày kình gõ nhẹ vào cỗ đại hồng chung, tiếng chuông tròn trĩnh nồng ấm tâm tình cứu độ bỗng ngân vang, rồi lan xa, lan xa dần phá tan bầu không khí tĩnh lặng phảng phất hương trầm của một buổi cầu nguyện và cũng từ đó tiếng “chuông thần” đã thức tỉnh bao nhiêu tâm hồn mê muội trong cõi hồng trần quay về với bờ chính giác! Phải chăng lời chú nguyện của một vị chân tu đại giác đã cảm ứng đến cả vật vô tri vô giác biến vật vô tri vô giác như có linh hồn cảm được nguyện vọng cao cả của con người để phát lên âm thanh cứu độ?

Nằm về phía đông ngôi chùa là tháp của 6 vị Hòa thượng được gọi là Lục Tổ của tổ đình Thiên Ấn là các hòa thượng Pháp Hóa, Khánh Vân, Bảo Ấn, Giác Tính, Hoằng Phúc và Diệu Quang, còn có ngôi mộ của nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) nằm về phía tây-nam của ngôi chùa.

Huỳnh tiên sinh người huyện Tiên Phước, Quảng Nam, là một nhà cách mạng tên tuổi của Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ 20. Tiên sinh được xem là một trong những lãnh tụ của Phong Trào Duy Tân cùng với Phan Châu Trinh, lãnh tụ phong trào kháng sưu ở Trung Kỳ năm 1908 cùng Trần Quý Cáp và đã ngồi tù Côn Đảo 13 năm. Sau khi ra khỏi tù, tiên sinh tiếp tục tranh đấu bằng con đường nghị trường và báo chí. Tiên sinh từng giữ vai trò viện trưởng viện Dân Biểu Trung Kỳ thời Pháp thuộc, từng giữ vai trò chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Tiếng Dân ở Huế. Năm 1946, tiên sinh tham gia chính phủ liên hiệp Quốc Cộng do ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Ngày 21-4-1947, tiên sinh từ trần tại huyện Nghiã Hành và được an táng trên đỉnh Thiên Ấn.

Người ta đồn rằng, vào khoảng năm 1956, được phép của chính quyền địa phương đương thời, các nhân sĩ Quảng Ngãi đã xin phép xây ngôi mộ cho nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng cho được khang trang hơn. Sau đó, đã có mấy lần chính quyền Quảng Nam cùng thân nhân của nhà chí sĩ vào Quảng Ngãi xin phép chính quyền cho dời mộ của tiên sinh về quê quán nhưng chính quyền Quảng Ngãi đã không đồng ý. Có người nói rằng hồn tiên sinh linh lắm. Hồn tiên sinh về nhập cả mấy xác đồng mấy lần đều nói là chỉ muốn nằm trên đỉnh hòn núi thiêng Thiên Ấn mà thôi. Lạ thiệt!

Cả mấy xác đồng đều có nhắc đến tên Ấn Sơn và người bàn cho rằng cụ Huỳnh muốn nằm vĩnh viễn trên đỉnh Thiên Ấn cạnh sông Trà. Nhưng, có một điều thiệt là ngộ, sau này tôi mới biết, trên quê hương tiên sinh cũng có một hòn núi mang tên Ấn Sơn, do đó, trong bài hát nói lưu biệt đồng chí trước khi đi đày Côn Đảo năm 1908, tiên sinh đã viết:

Này núi Ấn, nọ sông Đà
Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt

Vậy thì tiên sinh muốn gởi thân trên hòn Ấn sơn nào đây? Ấn sơn ở Sơn Tịnh Quảng Ngãi hay Ấn sơn ở Điện Bàn, Quảng Nam?

Mà thôi. Đối với tiên sinh, một con người trọn đời hy sinh vì quốc gia dân tộc thì trên dải giang sơn gấm vóc này từ Nam Quan đến mũi Cà Mau, nơi nào chẳng là quê hương, nơi nào chẳng có bàn tay tiên sinh “thêu dệt”!

Từ ngày tuần vũ Nguyễn Cư Trinh chọn Thiên Ấn làm một trong mười thắng cảnh của Quảng Ngãi với cái tên “Thiên Ấn niêm hà” vào giữa thế kỷ thứ 18, đã có bao nhiêu tao nhân mặc khách đề vịnh cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ này? Chắc là nhiều lắm. Con nhà thơ nào đứng trước cảnh đẹp tuyệt trần của Thiên Ấn mà không xúc cảnh sinh tình làm đôi bài thơ đề vịnh cho được! Nhưng có lẽ vì nhiều lý do khác nhau, hoặc vì chiến tranh, hoặc vì ý thức bảo quản mà ngày nay số thơ đề vịnh cảnh “Thiên Ấn niêm hà” không còn lại bao nhiêu.

Đạm Am Nguyễn Cư Trinh là một nhà thơ. Ông là tác giả của tập truyện nôm Sãi Vãi được sáng tác trong thời kỳ ông làm tuần vũ Quảng Ngãi để đốc thúc tinh thần quân sĩ chống lại nạn quấy phá của bọn giặc Đá Vách. Sau 3 năm trấn nhậm Quảng Ngãi (1750-1753) theo lệnh của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, ông vào Nam tiếp tục sự nghiệp bình định vùng đất mới. Vào đây, ông đã là bạn thơ của nhóm tao đàn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên. Ông đã từng làm 10 bài thơ họa Hà Tiên Thập Cảnh của Mạc Thiên Tích, chủ soái của tao đàn Chiêu Anh Các thời bấy giờ. Vậy thì, sau khi khám phá và đặt tên cho 10 thắng cảnh Quảng Ngãi, là một nhà thơ, chắc hẳn ông cũng đã sáng tác những bài thơ để đề vịnh những phong cảnh mà ông vừa mới đặt tên, trong đó có cảnh “Thiên Ấn niêm hà”. Có thể là thơ chữ Hán. Có thể là thơ chữ Nôm. Mà cũng có thể có cả “thập vịnh” chữ Hán và “thập vịnh” chữ Nôm. Rất tiếc cho đến ngày nay, thi tập “Quảng Ngãi thập vịnh” của Nguyễn Cư Trinh không còn nữa. Bài thơ sau đây có người cho là của ông làm để vịnh cảnh đẹp của Thiên Ấn, nhưng đã có người cho rằng không phải của ông mà là của một tác giả nào đó sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19 và có thể bài thơ này được trích trong tác phẩm bằng chữ Nôm có đề là “Quảng Ngãi thập nhị cảnh vịnh” tức vịnh 12 cảnh đẹp Quảng Ngãi:

Phong cảnh ta đây thật rất xinh
Niêm hà có ấn của trời sinh
Xem kìa dấu tích còn vuông vức
Nhìn lại non sông rõ dạng hình
Cách thức còn in đồ cổ tự
Cỏ cây nào phụ tiếng chung linh
Châu Sa để dưới chân chờ mãi
Trấn chỉ sau lưng phía Cẩm Thành

Sau đây là bài Vịnh Thiên Ấn của Thủ khoa Phạm Trinh (1895-1935). Ông người làng Chánh Lộ, huyện Chương Nghĩa nay thuộc thị xã Quảng Ngãi, đỗ dầu khoa thi Hương năm Mậu ngọ (1918) khoa thi cuối cùng của Nho học. Có lẽ đây là bài thơ vịnh tuyệt vời nhất vì chỉ với 8 câu thơ thất ngôn Đường luật, tiên sinh đã vẽ nên hình dáng của núi (vuông vức), vị trí của núi (núi bên cạnh sông, lên núi nhìn thấy biển) với 2 đặc điểm linh thiêng của Thiên Ấn, đó là chuông Thần và giếng Phật:

Vuông vức ai xây ngó cũng tình
Càng lên cao mấy thấy càng xinh
Sông bên góc núi đua dòng biếc
Biển sát chân trời bủa sóng xanh
Giếng Phật mạch sâu mùi nước ngọt
Chuông thần đêm vắng giọng đưa thanh
Sờ sờ bia đá ghi còn đó
Ngâm vịnh vài câu tỏ tấc thành.

Lê Kỉnh, người xã Đức Phụng, huyện Mộ Đức, đỗ tú tài khoa thi hương Mậu Ngọ (1918) cùng khoa với thủ khoa Phạm Trinh cũng có bài thơ vịnh Thiên Ấn. Thầy Tú Kỉnh có dạy tại trường Trung học Trần Quốc Tuấn. Thầy dạy môn Hán tự được mấy niên khóa. Không như bài thơ của Phạm Trinh nhằm nhấn mạnh vào hình tượng của Thiên Ấn, Tú tài Lê Kỉnh đặc biệt giới thiệu tính chất Đệ nhất danh thắng của Thiên Ấn (Vọng trọng danh cao nhất xứ này) và Thiên Ấn được bàn dân thiên hạ khắp bốn phương đều biết đến tên (đất truyền uy tín bốn phương hay):

Hỏi thăm un đúc mấy đời nay
Vọng trọng danh cao nhất xứ này
Chùa tháp trăng in đồ cổ tự
Cỏ cây sương đọng dấu thiên oai
Đeo lưng dải ngọc ngang dòng nước
Áp mặt tờ son dọc phiến mây
Trời đã vinh phong non nước Quảng
Đất truyền uy tín bốn phương hay.

Bích Khê (1916-1946), người Thu Xà Quảng Ngãi, một nhà thơ nổi tiếng ngay từ khi thơ chưa in thành sách, tác giả của tập thơ Tinh Huyết xuất bản năm 1939 sau thời gian 6 tháng đóng cửa làm thơ theo dòng thơ mới. Năm 1937 ông bị bệnh phổi. Sau khi điều trị ở Huế hơn một năm, ông trở về quê và được người mẹ hiền làm cho căn nhà tranh trên đỉnh Thiên Ấn để ông tĩnh dưỡng. Có lẽ trong thời gian này, ông đã sáng tác bài thơ “Trên núi Ấn nhìn sông Trà”:

Trà Giang, Thiên Ấn chuông gầm sóng
Vang tiếng ngàn năm đất Cẩm Thành
Ngàn năm quả Ấn nằm trơ mốc
Một dải sông Trà chảy sậm xanh
Xót hồn cổ độ: sương vài giọt
Xịch bóng tà huy: nguyệt mấy canh
Nghìn dặm cố nhân đâu đó tá?
Cánh chim kêu lạnh đập trong cành.

Nguyễn Hữu Hy (1921-2007) bút hiệu Duy Hy là một nhà thơ Đường rất hiếm hoi của đất Quảng Ngãi. Ông cùng gia đình đến định cư tại Nam California từ năm 1995 và đã từ trần vào năm 2007. Ông làm rất nhiều thơ trong đó có 10 bài thơ vịnh 10 cảnh đẹp Quảng Ngãi với bài vịnh “Thiên Ấn niêm hà” như sau:

Tạo hóa đắp xây cảnh hữu tình
Ồ đây! Non nước của trời sinh
Ấn niêm sừng sững trên Trà Thủy
Sóng gợn lăn tăn dưới Tổ Đình
Tiếng kệ Ba La nơi điện Phật
Hồi chuông Bát Nhã của chung linh
Non xanh nước biếc từ kim cổ
Một cảnh thiên nhiên khéo gợi hình.

Nhà thơ lão thành Chiêu Phương, người Đức Thắng, Mộ Đức cũng đã làm 10 bài thơ vịnh 10 cảnh đẹp Quảng Ngãi, trong đó có bài “Thiên Ấn niêm hà” như sau:

Hóa công bài trí cảnh giao hòa
Nước nước, non non đẹp lắm a!
Vuông vức tư bề hình chiếc Ấn
Lờ đờ một dải nước sông Trà
Chuông ngân đêm vắng lay hồn tục
Thuyền chở chiều nghiêng lướt dặm xa
Tiếng nhạn kêu sương đâu đó tá?
Tỉnh say tao khách thoáng kiêu sa.

Duy Hy người Tư Nghĩa, Chiêu Phương người Mộ Đức làm thơ vịnh “10 cảnh đẹp” Quảng Ngãi thì Đông Thuỷ Trần Đại Xá, người Bình Sơn lại đề vịnh “12 cảnh đẹp” trong đó có bài “Viếng Thiên Ấn” như sau:

Thoai thoải đường lên dốc mấy triền
Gót chân trần tục viếng chùa thiêng
Thoảng nghe tiếng mõ khoan thai nhịp
Trầm bổng câu kinh báo cửa thiền
Đông Hải cánh buồm như tuyết điểm
Nam sơn Thiên Bút cảnh giao duyên
Cụ Huỳnh nằm đấy vui chăng nhỉ?
Ngó xuống Trà Giang nước ngửa nghiêng!

Ông Phạm Cung, người Nghĩa Hành là một hoạ sĩ, một nhà điêu khắc tài hoa cũng có làm 10 bài thơ vịnh 10 cảnh đẹp Quảng Ngãi, trong đó có bài vịnh “Thiên Ấn niêm hà” như sau:

Núi sông sừng sững giữa trời
Bao la sương toả chiều rơi – rơi chiều
Ngàn năm trơ đứng cô liêu
Bóng nghiêng in xuống mỗi chiều Trà Giang

Và nhà thơ Võ Thạnh Văn, một con dân quê hương Sơn Tịnh của tôi. Ông đã phải lìa bỏ quê hương hơn ba chục năm trường, ngay sau ngày Sài Gòn thất thủ, hiện định cư tại miền bắc California cũng đã làm hàng trăm bài thơ vịnh con người và cảnh đẹp Quảng Ngãi trong đó có bài vịnh “Thiên Ấn niêm hà” như sau:

Thoảng nghe vẳng tiếng chuông ngân
Trầm thơm nước ngọt giếng thần thẳm sâu
Ba trăm năm cuộc bể dâu
Chiều nghiêng bóng dọi chân cầu xác xơ.

Quả là một bài thơ hết sức thần tình, tác giả không hổ danh là con dân của vùng núi thiêng Thiên Ấn. Bởi vì, chỉ với 4 câu thơ lục bát, Phù Hư dật sĩ Võ Thạnh Văn đã lột tả được hết cái linh thiêng của Thiên Ấn với “tiếng chuông thần” và “nước giếng thần” của Thiên Ấn tự.

Phạm Thiên Thư, người thơ sinh ra ở đất Hải Phòng miền Bắc; 14 tuổi theo cha mẹ vô Nam sống ở Sài Gòn cho đến ngày nay. Thuở còn cắp sách đến trường ông đã nổi tiếng với bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị được Phạm Duy phổ nhạc và sau đó là những thi phẩm như Đoạn Trường Vô Thanh, Tìm Động Hoa Vàng…lần lượt ra đời. Tôi nghe nói vào khoảng năm 1967, 1968 ông có đến Quảng Ngãi và gặp gỡ một số anh em viết văn làm thơ tại Quảng Ngãi lúc bấy giờ như Phan Nhự Thức, Luân Hoán, Hà Nguyên Thạch, Đynh Hoàng Sa, Vương Thanh, Minh Đường, Khắc Minh…Những người này có đưa ông đi thăm một số danh lam thắng cảnh Quảng Ngãi và sau này ông có làm 12 bài thơ vịnh thắng cảnh Quảng Ngãi, trong đó có bài vịnh Núi Thiên Ấn như sau:

Vuông vức in xanh – núi ấn trời
Đá hoa sớm tối – bốc mù hơi
Bốn phương quần tụ – mây làm tổ
Một nét thơ đề – sông hướng khơi
Cong vắt chùa xưa – dầm nguyệt dãi
Lô nhô tháp cổ – lạnh sao rơi
Có thầy đào giếng khơi dòng nước
Biến mất vào Thiên Ấn để đời.

* * *

Giờ đây, ghi lại những câu ca dân gian đầy ắp tình tự quê hương đó, tôi lại mường tượng hình ảnh mẹ tôi thuở sinh thời, nằm võng hát một mình những câu hát ru của quê hương núi Ấn sông Trà giọng ru buồn ơi là buồn! Tôi cũng nhớ hình ảnh cha tôi một ông giáo trường làng vào những đêm trăng thanh gió mát, thường kê chiếc ghế dựa bằng mây ngồi trước hiên nhà uống trà, ngắm trăng và đôi khi cao hứng ngâm những vần thơ đề vịnh Thiên Ấn của người xưa.

Và giờ đây tôi đã hiểu tại sao người dân quê tôi vẫn xem Thiên Ấn là một hòn núi thiêng.

Bởi vì, bàng bạc đâu đó trên từng ngôi tháp cổ, hồn thiêng của các bậc tu hành đắc đạo đã mang niết bàn vào từng nếp nhà tranh của người dân mộc mạc quê hương tôi gần 300 năm nay đã thành nếp sống tâm linh của bao nhiêu thế hệ dù không xưng mình là Phật tử vẫn giữ tròn tâm Phật trong nếp sống hiền hòa.

Lâng lâng đâu đó tiếng đại hồng chung ngân nga sớm tối như thức tỉnh lòng người đưa lòng mình về với đại thể của vũ trụ.

Lãng đãng đâu đó hồn thiêng của một nhà chí sĩ sinh ra trên đất Quảng Nam, gởi thân trên đất Quảng Ngãi vẫn mang chí hướng một đời trải khắp non sông!

Ôi! Thiên Ấn một đời ta không thể nào quên!

LÊ NGUYỄN THỨ LANG

(Trích Đăc san Xuân Canh Dần 2010 của Hội ĐH&TH Quảng Ngãi Nam California)

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trang Biên khảo: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click vào đây

Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com 

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh