Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 15, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
TÀ ÁO DÀI TRONG NHẠC VIỆT
ĐẠM PHONG


Đôi Dòng Tản Mạn:

Những nhạc phẩm lời Việt đầu tiên soạn theo các thể điệu Tây phương được gọi là tân nhạc và những chiếc áo dài kiểu tân thời của phụ nữ, ngay từ khi vừa xuất hiện gần như đồng thời cách nay khoảng một trăm năm, cùng với một số các sản phẩm văn hóa khác cũng mới lạ không kém như thơ văn và báo chí chữ quốc ngữ v.v…tất cả đã nhanh chóng khởi sắc khắp mọi miền đất nước và làm sống động hẳn bối cảnh văn hóa trầm mặc vốn đã kéo dài tưởng như vô tận. Tân nhạc hay nhạc mới là cách gọi để phân biệt với cổ nhạc và dân ca vốn đã lưu truyền từ trước thế kỷ XX, tuy nhiên những sáng tác trước năm 1950 (thời điểm giữa cuộc chiến tranh Việt-Pháp) được coi là nhạc tiền chiến vẫn được phổ biến ở miền Nam cùng với những tác phẩm tiếp tục ra đời ở đấy trong hai thập niên sau đó. Riêng ở miền Bắc, điều đáng nói là những bản nhạc tiền chiến được ưa chuộng nhất đã gần như bặt tiếng, kể từ khi đất nước chia đôi vì văn hóa nghệ thuật bị đưa vào khuôn khổ chính trị, bị kết án là “nhạc vàng” nhốt trong đôi ngoặc kép và bị đọc là nhạc vàng nhay nháy! Trong vụ án này, các tác giả nhạc vàng kể cả một số đông văn nghệ sĩ đã lén lút nghe nhạc qua các đài phát thanh từ miền Nam đều là các bị can với các cáo trạng nặng nề như đã dành cho các nhà văn thơ thuộc nhóm Nhân Văn và Giai Phẩm từ năm 1956 đến 1958. Chiếc áo dài tân thời tưởng như vô can, nhưng cũng dần dần bặt dạng từ khi nhạc vàng bặt tiếng vì bị nâng quan điểm áo dài tiểu tư sản, có thể những chiếc áo dài màu sắc kia đã được cất kỹ dưới đáy hòm (được gọi là rương hay va-li ở miền Nam) hoặc được nhuộm sang màu nâu hay đen, và có lẽ trong nhiều chục năm sau đó ở miền Bắc không có thêm những chiếc áo dài mới do tiêu chuẩn và khổ vải hàng năm không đủ, tuy nhiên, có thể tin là rất nhiều tà áo dài đã từng bay ở các phố phường Hà Nội đã theo các nữ chủ của chúng di cư vào Nam. Thế là, những chiếc áo dài và nhạc mới từ đất Thăng Long đã ngày càng khởi sắc ở phương Nam, được trân trọng bảo tồn để rồi nhiều chục năm sau đó đã nghiễm nhiên cùng trở thành những biểu tượng truyền thống của văn hóa Việt. Tuy nhiên, thật vô cùng đáng tiếc, những nhạc sĩ tài hoa nhất như Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Hoàng Dương v.v…kể từ vụ Nhân Văn – Giai Phẩm cho mãi đến già, đã không sáng tác thêm được những nhạc khúc nào đáng giá cho kho tàng nhạc Việt nữa…
*
Thật vậy, đã có không ít nhạc sĩ sớm được biết tiếng và mến mộ từ khi còn rất trẻ. Đặc biệt rất đáng nói trong nhiều sáng tác thuộc loại nhạc còn quá mới mẻ của họ đã có bóng dáng những chiếc áo dài dần quen thấy dù vẫn được coi là tân thời. Như trong bài Bến Xuân của Văn Cao có những câu:

Tà áo em rung trong gió nhẹ,
Ngập ngừng trên bến Xuân…

Và Tô Vũ đã rất hạnh phúc kể lại chuyện Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa:

Em đến thăm anh một chiều mưa
Tà áo hương nồng, mắt huyền trìu mến


Trong Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Đoàn Chuẩn và Từ Linh đã thấy: “Với bao tà áo xanh đây mùa Thu”. Và màu áo ấy vẫn lượn lờ trong mộng của Thu Quyến Rũ:

Tà áo xanh nào về với giấc mơ
Màu áo xanh là màu anh trót yêu

Và không quên dặn dò:

Khi nào em đến với anh
Xin đừng quên chiếc áo xanh!

Những chiếc áo dài cùng nhạc mới đã quen dần ở đất Hà Thành, và có lẽ không bao lâu sẽ cùng điểm tô cho đời sống ở những miền Quê Nghèo vốn không xa chốn kinh kỳ sáng chói, như trong hy vọng của Phạm Duy:

Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi
Mơ thấy bên lề cuộc đời
Áo dài đùa trong tiếng cười…

Nhưng giấc mơ ấy, riêng ở đất Bắc, bỗng trở thành xa vời. Nhạc sĩ Hoàng Dương đã biết và thấy rõ như thế, ông hẳn đã hoàn toàn thất vọng khi trở lại Thăng Long khoảng năm 1956 sau vài năm sống ở Sài Gòn và từng trải nỗi lòng “Hướng Về Hà Nội” nay đã trở thành tên của một trong số những bản nhạc bất hủ. Trong suốt bao nhiêu năm, khi con người chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ, làm gì có thể thấy lại ở chốn 36 phố phường những hình ảnh:

Ánh đèn giăng mắc muôn nơi
Áo màu tung gió chơi vơi!

Chắc chắn đã có hàng trăm nghệ sĩ tài hoa đã phí phạm phần lớn những năm tháng dài cuộc đời còn sung sức sáng tạo, vì đã một lần bỏ lỡ cơ hội xuôi Nam nơi có thủ đô Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi! Ngoài ngựa xe như nước, luôn có hình ảnh “muôn tà áo tung bay”! Riêng trong kho tàng âm nhạc phong phú đã tích lũy ở miền Nam chỉ trong vài chục năm, qua thời gian đã có hàng trăm nhạc phẩm đã có giá trị bất hủ trong lòng người Việt nói chung, và kỳ diệu thay là trong rất nhiều bài ca như thế cũng có những chiếc áo dài được ân cần nhắc nhở, một hiện tượng hi hữu và độc đáo trong ca từ Việt nhạc so với nội dung nhạc phẩm của các dân tộc khác.

Thật vậy, chắc chắn chỉ có chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam mới có thể bay lượn muôn hình muôn vẻ mà thôi!

Đầy lãng mạn như trong Mộng Dưới Hoa của Phạm Đình Chương:

Áo bay mở khép nghìn tâm sự

Rực rỡ như những Tà Áo Cưới của Hoàng Thi Thơ:

Hôm nay sao áo bay nhiều thế
Tôi tưởng ngàn cánh bướm khoe màu.

Thậm chí, có một cơn gió lớn nào đó mạnh hơn bàn tay mềm của của giai nhân không kèm nổi vạt áo, đã được Trịnh Công Sơn ghi lại trong Tình Nhớ:

Ôi áo xưa lồng lộng
Đã xô giạt trời chiều!

Và cũng có anh chàng si tình dễ thương, theo sau cô nữ sinh tan trường mỗi chiều để ngắm (qua nhạc Phạm Duy, phổ thơ Ngày Xưa Hoàng Thị cuả Phạm Thiên Thư)
Em tan trường về
Anh theo Ngọ về
Tóc dài tà áo vờn bay

Những chiếc áo dài trắng học trò, rồi chiếc áo tím trong Ngàn Thu Áo Tím của Hoàng Trọng:

Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím..
Chiều xuống áo tím thường thướt tha
Bước trên đường thắm hoa

Và chiếc áo màu xanh trong Tiếng Hát Học Trò của Nguyễn Hiền:

Thưở ấy không gian chìm lắng trong mơ
Tà áo em xanh, màu mắt ngây thơ

Chiếc áo dài thật dễ thương trong bài Tuổi Ngọc của Phạm Duy:

Xin cho em một chiếc áo dài
Cho em đi nhẹ trong nắng chiều

Và cũng rất hiền ngoan trong Chiều Bên Giáo Đường của Lê Trọng Nguyễn:

Tà áo trinh nguyên tung bay
Nụ cười thân ái

Thật là khó tin mà lại có thật dã có những chiếc áo dài như thế trong y phục của riêng người phụ nữ Việt Nam. Bao nhiêu kiểu dáng và màu sắc dành cho mọi thành phần xã hội và lớp tuổi, chiếc áo dài trang nhã và thanh lịch, duyên dáng và hấp dẫn, đơn giản và trong trắng, hiền ngoan và dễ thương. Những chiếc áo dài đã được nhân cách hóa biểu hiện những tính chất cuả người phụ nữ Việt, của tình yêu, của nghệ thuật. Thật không dễ dàng để nói được tất cả những nét đẹp của chiếc áo dài, cũng không đơn giản để người nhạc sĩ đưa chiếc áo dài vào trong các sáng tác của họ. Chiếc áo dài, âm nhạc, và tình yêu thật sự đã gắn bó với nhau trong mối duyên nợ tuyệt vời có một không hai, đã chịu đủ và vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã của con người và thời thế. Tất cả đã cùng chứng minh sự đa dạng và phong phú nhưng đầy nét đặc thù văn hóa nghệ thuật mang bản sắc Việt Nam.

ĐẠM PHONG

(Trích Đặc san Xuân Canh Dần 2010 của Hội ĐH&TH Quảng Ngãi Nam California)


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh